Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

NÓI CHƠI

… Nét Văn Hóa Đặc Sắc Của Người Bình Dân Qua Ca Dao Tây Nam Bộ




TRẦN MINH THƯƠNG

1. Nói chơi theo từ điển

Theo Từ điển tiếng Việt thì nói chơi là nói cho vui, không có mục đích gì khác [942]. Song, trong đời sống người bình dân, khái niệm nói chơi không chỉ đơn thuần có vậy. Ngoài chức năng nói cho vui, tức là để bông đùa, giải trí, thì nhiều lúc nói chơi mà là thật, nói chơi để hướng đến một mục đích nào đấy, hoặc muốn nói theo cách nước đôi, để người nghe hiểu sao cũng được.

Trong khuôn khổ bài viết của mình chúng tôi tìm hiểu những biểu hiện đặc sắc của cách nói chơi – vốn đã trở thành văn hóa phi vật thể trong đời sống của người dân miệt sông nước Cửu Long giang.

2. Nói chơi trong văn hóa dân gian

Nói chơi trong dân gian mang hàm ý rộng hơn nhiều so với nghĩa mà từ điển đã xác định. Nói chơi gồm rất nhiều cấp độ, với những chức năng và nội dung khác nhau. Chúng tôi xin liệt kê ra đây một số hình thức nói chơi trong ca dao Tây Nam bộ.
Đầu tiên nhắc đến nói chơi tức là cách nói để chọc người khác bằng những lẽ cợt nhã, dân gian gọi là nói chọc, nói ghẹo.

Vú em nhu nhú chúm cau
Cho anh bóp cái có đau anh đền

Chàng trai buông lời trêu ghẹo cô gái bán cau bằng cách nói sổ sàng nhưng ngẫm ra thật nhiều thâm ý. Vú chúm cau là vú đẹp, vú con gái mới lớn kiểu như vú cong vểnh sừng trâu, cách nói này ngâm ý khen đẹp. Mà đẹp thì để cho người đời thưởng thức tí chút … có gì đâu! Có điều đối tượng nghe không bình tĩnh nhận ra thâm ý cứ ngỡ rằng anh ấy muốn hỏi, muốn khen cau em bán là cau ngon … thì hết sức nguy hiểm!
Người bình dân còn dùng cách nói dóc để nói chơi. Nói dóc là nói khoác lác và bịa đặt để cho vui hay để ra vẻ.

Nước mắm ngon dầm con cá lóc
Em có chồng rồi nói dóc với anh

Nội dung câu ca đã chỉ rõ, chủ thể phát ngôn đã tận tường lời của người đối diện thốt ra trước đó. Anh vừa nói chơi mà lại như một lời cảnh báo! Anh không dễ gì lầm em được đâu, đừng kiếm chuyện “xí gạt” nhau mà làm gì!
Còn đây là cách nói dóc đích thực, với mục đích để chơi, chơi một cách có hàm ý thật khéo léo:

Anh dạo chơi mười tám nước chư hầu
Không ai ăn nói cơ cầu như em.

Gần với nói dóc là nói dối, tức là người nói muốn nói sai sự thật do nhiều yếu tố khác nhau:

Dầu ai bảo đợi bảo chờ
Thì em nói dối con thơ em về

Xem ra đây là lời khuyên rất độc đáo của một anh chàng chân lấm tay bùn nào đấy. Muốn sở hữu người con gái mình để ý cho riêng mình, anh ta bày cho cô cách nói dối, mà trọng lượng thì không cần bàn bởi cái cớ “con thơ” thì chắc rằng bấy cứ anh chàng nào nghe cũng phải để đôi lúc còn bảo cô về gấp cho đi vậy!
Cách nói đẩy đưa cũng được dùng trong giao tiếp hàng ngày. Nói đẩy đưa là nói nhằm kéo dài câu chuyện một cách êm thắm:

Nói đẩy nói đưa cho vừa lòng bạn
Sông giang hà khúc cạn khúc sâu

Nói chơi cho có chuyện để nói, nội dung thật giả đôi khi không phải là điều quá quan trọng.
Cùng với nói đẩy đưa, nhiều khi người ta nói đó là chuyện tầm phào, tức là cách nói vu vơ, không thiết thực, không đáng nghe:

Anh đừng nói chuyện tầm phào
Nói qua nói lại nói vào nói ra

Cùng với cách nói đẩy đưa, người bình dân còn sử dụng cách nói bóng, nói gió, nói bỡn cợt, kiểu như:

Gái Mĩ Tho đồng xu ba đứa
Con trai Thủ Thừa cỡi ngựa xuống mua

Những cách nói ấy, dân gian gọi là nói cà rỡn. Nói để mua vui là chính, tuy vậy sự thật đằng sau những câu nói ấy vẫn ẩn chứa không ít ý nghĩa mà người nói muốn nói:

- Đứng xa kêu bớ em Mười
Thương hay không thương em nói thiệt chớ đừng cười đẩy đưa.
- Anh thương em, nói thiệt em nhờ,
Anh đừng nói gạt,, em chờ hết duyên.

Nói chơi cũng là hình thức của nói xàm, nói xạo, tức là nói tầm bậy, nói cho rộn chuyện chứ không hề can dự vào:

Cô Ba nay đã theo chồng
Cô Tư ở lại giật mồng tăng tăng
             
Cấp độ cao nhất của nói chơi là nói tục, nói trây (chây). Tức là dùng những lời lẽ liên quan đến cơ thể con người hoặc gợi đến hành động ân ái chốn phòng the để bỡn cợt. Thấy cũng cần nói thêm nói trây là âm Việt mượn từ tiếng Khmer, những người sinh sống cộng cư với đồng bào dân tộc Kinh, Hoa ở vùng này. Trây (chây) theo bản ngữ Khmer là một tiếng chửi tục, chỉ hành động giao hoan của giống đực và gióng cái.
Một chú hay bác nông dân nào đó muốn tán tỉnh người đàn bà góa chồng mà nhà ở cạnh nhau, chung đường chung xóm:

Cu tui vừa mới mọc lông
Chị cho mượn cái lồng tui nhốt cu tui

Tất nhiên đây là cách dùng từ đồng âm giữ con chim và bộ phân sinh dục để … nói chơi, chọc ghẹo đối tượng.
Táo bạo hơn, lời của một anh chàng “ghẹo gái”:

Nước Láng Linh chảy ra Vàm Cú
Thấy dạng em chèo cặp vú muốn hun

Tất nhiên người nói nói ra cho thỏa vẻ mộng mơ huyền ảo thế thôi, chứ người nghe chắc gì đã nghe thầy. Một người chèo ghe giữa dòng sông rộng, bập bềnh sóng nước, một anh chàng cao hứng đứng trên bờ cất tiếng … nói chơi!

Gần đây, khi đời sống kinh tế phát triển, những tệ nạn xã hội cùng tràn về tận vùng thôn quê, hẻo lánh. Lời một ai đó cao hứng, chọc ghẹo hay tán tỉnh đối tượng “làm tiền”:

Trăng lên tới đỉnh mu rùa
Cho anh một cái …, tới mùa anh trả khoai

3. Khi nào thì nói chơi

Tất nhiên đã nói là nói chơi thì nói mọi lúc, mọi nơi. Không gian và thời gian nào có giới hạn.
Có khi để đùa cợt cho khuây khỏa, họ dựng lại hình ảnh:

Bà già đi lượm mù u
Bỏ quên ống ngoáy chổng khu la làng

Hay hình ảnh của những chàng trai vô tích sự:
Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo
Nói chơi trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất

- Trời mưa cá sặt lên gò
Thấy em chăn bò anh để ý thương
Trời mưa ướt cọng rau mương
Bò em em giữ anh thương giống gì?
Nói chơi trong hát ru em

- Má ơi con vịt chết chìm
Thò tay con vớt cá lìm kìm nó cắn tay con
- Má ơi con má hư rồi
Còn đâu má gả má đòi bạc muôn

Khi hò đối đáp họ “nói chơi”, “hò chơi” để bắt bí nhau:

- Hò chơi phỉ dạ hai đàng
Công anh ở trển băng ngàn xuống đây
- Hò chơi một chặp cho mê
Trai nam nhân bỏ vợ, gái hiền thê bỏ chồng

Có khi họ dùng cách nói chơi để hỏi khó nhau :

- Tiếng anh ăn học đã thông
Em hỏi anh chứ khăn bàn lông mấy đường
- Khăn bàn lông anh đội một nắng hai sương
Đắng cay dầu dãi nên nó có mấy đường … anh quên!

Nói chơi diễn ra hầu như trong tất cả các cấp độ của tình yêu, nơi đáng lẽ ra cần phải nói những lời nghiêm túc nhất.

Buổi đầu gặp gỡ, họ dùng cách nói chơi nhưng để tỏ bày tình cảm thật:

Thò tay mà ngắt cọng ngò
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ

Lời ngoài miệng thì nói chơi còn bụng dạ thiệt tình đến đâu, chắc chỉ có người trong cuộc mới hãn tường cớ sự!
Khi tương tư, họ nói mà như bày tỏ cả gan ruột với người mình yêu:

Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quại,
Đem anh treo tại nhánh bần.
Rủi đứt dây mà rớt xuống,
Anh cũng lần mò kiếm em.

Lời thề được thốt lên mãnh liệt:

Dao phay kề cổ, máu đổ không màng
Chết thì chịu chết, buông nàng anh không buông
Đến khi duyên tình gãy đổ, họ tìm ông tơ mà “trị”
Bắt Ông Tơ đánh sơ vài chục,
Bắt Bà Nguyệt nếm mấy mươi hèo.
Người ta năm bảy vợ theo,
Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi !

Nguyền rửa để hả dạ hả lòng, duyên phận lỡ làng, biết làm sao hơn được! Độc đáo hơn lời nguyền ấy ẩn trong cách nói … chơi!

Khi duyên tình bén lửa, nhiều khi trai gái “vượt rào đến với nhau”, họ dùng lời nói chơi để hò hẹn:

Nước mắm ngon dầm con cá bẹ
Em lựa lời dối mẹ em qua

Và tất nhiên chuyện gì đến cũng phải đến. Chúng ta hãy nghe lời một cô gái dặn người mình yêu khi chàng và nàng muốn “gần” nhau:

Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo kẻo đụng giường mẹ hay

Ngày xưa cái giường của người nhà quê là loại giường chỏng đóng bằng tre già, lâu ngày thành xiêu lỏng, đụng vào đó nó kêu cót két, giống như tiếng chuột kêu chút chít. Có lẽ bà mẹ của cô gái kia đã hơn một lần chợt thức giấc, nghe tiếng chiếc giường tre kêu rúc rích, cô gái đã nhanh trí trả lời rằng đấy là do chuột ở trong rương (!). Rút kinh nghiệm, cô gái đã nhắc khéo cho tình nhân kẻo lỡ làng chuyện ân ái.

Khi bị phản bội bởi tin những lời đưa đẩy của anh chàng miệng thoa mỡ nào đó, cô gái bạo dạn, phản khảng bằng một lời rủa chơi, nhưng lại rất thiệt lòng, thiệt dạ:

Bần gie bần liệt đóm đậu ngọn bần
Anh đi cưới vợ em vái cho sóng thần nhận ghe

Đúng, rất chính xác, chỉ có những cô em gái quê rang quê rít, tóc dài bỏ xoã, bận áo bà ba (lời một bài dân ca ở Sóc Trăng) mới có trực tính để bật thành tiếng nói ngang tàng, liều lĩnh như vậy!
Phía chàng trai cũng không kém phần bạo dạn:

Có chồng thì mặc có chồng
Còn duyên anh ẵm anh bồng anh hun

Hay như liều lĩnh kiểu Chí Phèo (nhân vật trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao):

Tôi hun mình dẫu mình có la làng
Thì tôi la xóm hai đàng la chung
Tôi hun mình dẫu mình có làm hung
Nhơn cùng tắc biến tôi chun xuống sàn

4. Cách hình thức được dùng để nói chơi

Một là, dùng thành ngữ, điển tích trong nói chơi. Thành ngữ là cụm từ cố định, bền vững, có tính nguyên khối về ngữ nghĩa không nhằm diễn trọn một ý, một nhận xét như tục ngữ, mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới một hình thức sinh động, hàm súc. [2; 297]. Đây là một cách dùng thành ngữ Hán Việt trong điệu hò:

Thiện ác đáo đầu chung hữu báo.
Cao phi viễn tẩu dã nan tàng
Từ khi anh xa cách con bạn vàng
Cơm ăn chẳng được như con chim phụng hoàng bị tên.

Đi liền với thành ngữ là những điển tích. Điển tích (hay điển cố) là một biện pháp tu từ, ở đó tác giả sử dụng “câu chuyện” sao cho phù hợp với văn mạch mình nhằm tạo tính hàm súc cho lời văn, ý thơ. Ca dao Tây Nam Bộ cũng vậy, không hiếm những câu chuyện trong sách sử được dùng để nói chơi:

Tiền Đường, hậu Tống, Tam Quốc, Châu Do
Em không thương anh, nói chuyện đưa đò
Tỷ như Đắc Kỷ theo phò Trụ vương.

Châu Do nhân vật trong Tam Quốc chí diễn nghĩa. Đắc Kỷ Trụ vương là hai nhân vật trong Phong thần diễn nghĩa, các tác phẩm vừa kể được dân gian gọi chung là truyện Tàu, thể loại văn học ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống người bình dân Tây Nam Bộ từ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước.

Mượn thành ngữ, điển tích để chen vào lời nói, làm cho ý của người nói chơi thêm sinh động, hàm súc, người tiếp nhận phải có cùng “kênh” giao tiếp thì mới tường tận vấn đề mà người nói muốn biểu đạt!
Hai là, dùng từ đa nghĩa để chơi chữ

Em ơi hãy lấy anh thợ bào
Khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng êm

Rất dễ dàng nhận ra chuyện thợ bào đẩy bào để bào cây, bào ván cho bóng, cho trơn, đến chuyện đẩy theo cách nói trây, dân gian gợi nên hành động của vợ chồng chốn phòng the!
Tương tự từ đẩy vừa phân tích, là từ cày sau đây:

Chồng em nào phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả này lẫn đêm

Cách nói táo bạo hơn, nhưng người nghe không thể bắt lỗi người nói chơi được:

Mù u ba lá mù u
Vợ chồng cãi lộn con cu giảng hòa

Cu là con chim gáy. Nhưng trong ngữ cảnh này, thật tình không người nghe nào chỉ dừng cách hiểu của mình ở đó cả, …
Ba là dùng các biện pháp tu từ.

Từ hình ảnh so sánh:

Thân em như cá rô mề
Lao xao giữa chợ biết về tay ai

Cá rô mề quá đỗi quen thuộc với vùng sông nước, ruộng đồng. Mượn nó, để ví với … thân em thì thật là dí dỏm! Tình cảnh của người con gái ngày xưa không khác gì thân cá rô nằm trong rổ nhảy rồ rồ, lao xao giữa chợ. Tinh ý hơn, người nghe còn phát hiện cá rô mề là để liên tưởng đến chỗ kín đáo nhất của người con gái, … thật là một cách nói khéo không ai bằng được người bình dân!
Rồi nói bằng ẩn dụ:

Ruộng ai thì nấy đắp bờ
Duyên ai nấy gặp đợi chờ uổng công

Câu ca tả thực cảnh của người nông dân chân lấm tay bùn. Song, ý người muốn nói chưa dừng hẳn ở đó. Ruộngbờ liên quan nhau như vật sở hữu và người sở hữu. Vậy tình yêu, có cần phải cắm ranh, cặm cọc hay không? Có lẽ trả lời rằng “cần” phải có “bờ” có “đập” để xác lập chủ quyền, xem ra không có gì là quá đáng!
Hoặc dùng hoán dụ:

Nước chảy re re con cá he nó xoè đuôi phụng
Em có chồng rồi trong bụng anh vẫn còn thương

Mượn từ bụng để nói cả tâm tình lưu luyến của cố nhân! Lấy bộ phận để nói khái quát cho cái toàn thể là vậy.
Đến cách nói phúng dụ, mượn lời con vật để thay lời người muốn nói:

Cóc chết nàng nhái rầu rầu
Chàng hiu đi hỏi lắc đầu hổng ưng
Con ếch ngồi ở gốc đưng
Nó kêu cái ẹo biểu ưng cho rồi

Nói chơi cho vòng vo nhưng là thiệt bụng, thiệt lòng làm sao!
Bốn là, nói chơi bằng những câu hỏi tu từ. Hỏi mà không có lời đáp và chắc cũng chẳng cần ai trả lời, bởi đó là cách nói khó. Vấn đề là người nghe, cụ thể hơn là đối tượng hướng đến của giao tiếp có hiểu hay không mà thôi!

Đá cheo leo muốn trèo sợ trợt,
Muốn nói một hai lời sợ nhột ý em?

Chia sẻ hay mỉa mai, chọc ghẹo, …, tính chất đa nghĩa ấy bộc lộ qua lời nói chơi dành cho người kém may mắn trong chuyện lứa đôi:

Cau già lỡ lứa bán trăm,
Chị nọ lỡ lứa biết nằm cùng ai?

Nhiều lúc, những câu hỏi trong lời nói chơi đã nâng lên thành triết lý trong quan hệ giữa người với người trong xã hội:

- Nước không chưn sao gọi rằng nước đứng,
Chén của người sao gọi chén chung?
- Ai từng bận áo không bâu,
Ăn cơm không đũa, ăn trầu không vôi?
- Chim bay mỏi cánh chim ngơi,
Đố ai bắt đặng chim trời mới ngoan.

5. Kết luận

Người Tây Nam Bộ bộc trực, thẳng thắn, nhưng cũng rất tinh tế, khéo léo trong ứng xử. Họ sẵn sàng đùa cợt, cười rần để xua tan đi những nỗi nhọc nhằn trong quá trình chinh phục thiên nhiên hoang dại. Và lời nói là nơi thổ lộ rõ ràng nhất.

Lời nói là phương tiện không thể thiếu trong giao tiếp. Trong giao tiếp lại bộc lộ văn hoá ứng xử của người bình dân. Hơn thế, lời nói đã đi vào lời ca, tiếng hát, nó góp phần làm lung linh thêm những “hạt ngọc” tinh thần của người dân quê chơn chất.

Từ lời nói dân gian, chúng ta còn phải học tập nhiều lắm ở họ:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau./.
.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
2. Lê Giang (sưu tầm – sưu tập – biên soạn), Bộ hành với ca dao, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2004.
3. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
4. Nguyễn LựcLương Văn Đang, Thành ngữ Tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976.