Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

TÀI HOÁ TRANG QUÂN SĨ CỦA QUANG TRUNG TRONG TRẬN ĐỐNG ĐA



Thanh Trúc


Nói về sự nghiệp của triều đại nhà Tây sơn, nổi bật là vai trò của vua Quang Trung trong cuộc hành binh thần tốc từ Phú Xuân (Huế) ra Thăng Long (Hà Nội) tiêu diệt 29 vạn quân Thanh Tết Kỷ Dậu 1789 làm nên chiến thắng Đống Đa oai hùng, mặc dù sử sách đã ghi chép nhưng cho đến nay vẫn còn những điều cần tìm hiểu thêm.
Về cuộc hành binh thần tốc của vua Quang Trung từ Phú Xuân ra Nghệ An và đến Thăng Long có lẽ là cuộc di chuyển quân đội với số lượng đông (có tài liệu ghi là 8 vạn quân), trong thời gian ngắn nhất bằng phương tiện thô sơ (đôi chân) trong lịch sử nước ta. Có tài liệu ghi rằng: Tháng mười năm Mậu Thân (1788) tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống đem quân sáu tỉnh sang đánh nước Nam. Các tướng Tây Sơn theo kế quân sư trẻ tuổi Ngô Thời Nhậm rút quân lui rạt vào Thanh Hóa, nên Tôn Sĩ Nghị không khó nhọc khi tiến quân vào Thăng Long. Do tiến quân vào Thăng Long quá dễ, Tôn Sĩ Nghị chủ quan cho quân sĩ ăn Tết ở Thăng Long và huênh hoang "ra giêng sẽ tiến vào Thanh, Nghệ, Phú Xuân".
Ở Huế được tin quân Thanh đã tràn vào Thăng Long, Nguyễn Huệ liền lên ngôi, lấy hiệu Quang Trung và kéo 5 vạn quân đi gấp từ Phú Xuân (Huế) ra Nghệ An. Nghỉ lại vài ngày, tuyển thêm ba vạn quân nữa. Rồi ngày 23 tháng chạp, đại quân đi nhanh như vũ như bão, đi suốt ngày đêm, để kịp đánh quân thù vào giữa dịp Tết. Vì vua Quang Trung đã biết Tôn Sĩ Nghị xem thường quân Tây Sơn đến đâu và rõ cái tệ rượu chè cờ bạc của quân Tàu là thế nào rồi.
Muốn cho đại quân đi nổi mỗi ngày hơn trăm dặm, vua Quang Trung nghĩ ra một kế là: trong số 8 vạn quân, phải dùng ba vạn cái cáng. Cứ hai lính khiêng một, đi được mười dặm thì người nằm lại xuống khiêng còn một trong hai người khiêng lại được nằm thảnh thơi ăn uống. Nhờ kế ấy mà quân đi được suốt đêm ngày.
Để thắng được đội quân đông hơn mình gấp mấy lần thì cuộc hành quân thần tốc, bí mật, bất ngờ theo binh pháp không phải có người không biết, song kế dùng quân trang địch để lẫn lộn vào quân địch mà đánh địch thì có lẽ chỉ mới nghe ở kế sách của Quang Trung. Theo Đông Tây nhật báo- 1939 (tài liệu của Thư viện tổng hợp Bình Định) thì khi quân Tây Sơn bắt đầu tiến vào Thăng Long đã bắt trọn được một số cánh quân Tàu đang lúc chúng vui chơi say túy lúy. Vua Quang Trung sai lính lột lấy quân phục quân nhà Thanh cho quân Tây Sơn mặc vào, mỗi người phải bôi một vết vôi trắng ở cánh tay, để phân biệt với quân Thanh. Sau đó Quang Trung lại cho bắt hết thuyền ở bến Chương Dương, chế thành sáu trăm bức ván lớn, mỗi bức ván có mười hai người khiêng đi trước để đỡ đạn. Trước mỗi ván lại cài đầy các bó rơm. Vì ngài đã nghiệm biết ván gỗ, đạn có thể xuyên qua, chớ rơm bó chặc bao giờ đạn cũng bị chặn lại. Hai nữa những bó rơm kia còn có công dụng rất lợi - hại cho việc đánh hỏa công. Chính nhờ các bó rơm đó, mà quân Thanh bị chết thui gần hết.
Công việc xếp đặt xong, vua Quang Trung đốc thúc các cánh quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Bọn Tôn Sĩ Nghị ham mê tửu sắc đến nỗi quân Tây Sơn đã tiến vào đến tả doanh, ngọn lửa bốc sáng rực góc trời (ba giờ đêm hôm mồng 3) mà vẫn tưởng quân mình say rượu để thất hỏa! Kíp đến là đạn nổ tứ bề, quân reo như sấm. Quân lính chém nhau loạn xạ, khổ nỗi quân Thanh đâu cũng thấy quân mình nhưng lại bị "quân ta chém quân mình" ngã như rạ. Vì chúng có biết đâu trang phục thì quân Thanh nhưng người là quân Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị vội vàng nhảy lên ngựa đem đội thân binh chạy qua cầu phao để thoát sang Gia Lâm. Chẳng ngờ quân đông quá, cầu phao bị đứt, mà các đoàn quân đằng cuối cầu vẫn không biết, cứ thúc nhau tiến bừa lên, thành bị nhào hết xuống lòng sông cái. Số người chết đuối làm tắt cả dòng sông! Lại khổ nỗi hai quân Tây Sơn, quân Thanh đều đồng sắc phục. Quân Tây Sơn nhận biết quân Thanh, trái lại quân Thanh không thể nhận được quân Tây Sơn, nên cứ bị chém chết la liệt mà không đánh lại được.