Lm. Edward McNamara
Giáo sư Phụng vụ Ateneo Pontificio Regina Apostolorum
Việc giải tội trong thánh lễ thường khuấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các linh mục. Nhiều người lên án thực hành này bởi lẽ nó dễ dàng làm giáo dân chia trí khi tham dự thánh lễ. Một số khác lại bảo vệ thực hành này vì cho rằng đó là dịp tốt để giải tội khi có nhiều giáo dân hiện diện và dường như đó là lúc rất thuận tiện để họ đi xưng tội.
Các yếu tố văn hoá có vai trò trong vấn đề này. Linh mục và giáo dân thuộc di sản Ái Nhĩ Lan, Anglo-Saxon và Bắc Âu thường có thói quen phân biệt hai bí tích này. Các linh mục thường do dự khi giải tội trong Thánh Lễ.
Thực hành này phổ biến hơn trong các cộng đoàn Ý, Latinh và Ba Lan, và có nhiều giáo dân xưng tội trong Thánh Lễ mặc dầu đã có những giờ khác để giải tội.
Theo quy tắc, điều này không bị cấm. Vào năm 2001, Toà Thánh đã trả lời vấn đề này trong một bức thư của Thánh bộ Phụng Tự và Bí Tích công bố trên tờ “Notitiae” số tháng Sáu và tháng Bảy.
Thánh bộ cho rằng nên cử hành bí tích giải tội ngoài Thánh Lễ. Nhưng xét theo quy tắc “Reconciliatio penitentium omni tempore ac die celebrari potest” (Bí tích giải tội có thể được cử hành bất cứ thời gian nào và ngày nào, "Ordo Paenitentiæ," 13), thì có thể giải tội trong Thánh Lễ. Ngay cả có lời khuyên rằng trong các Thánh Lễ đồng tế có nhiều giáo dân tham dự, thì nên có vài linh mục miễn đồng tế để có thể giải tội cho giáo dân.
Vậy thì chúng tôi có thể trả lời rằng tốt hơn là nên cử hành bí tích giải tội và Thánh Lễ vào những giờ khác nhau để giáo dân có thể sống cử hành Thánh Lễ cách đầy đủ nhất. Điều này hàm ý rằng nên chia thời khoá biểu để giáo dân có thể đi xưng tội.
Giải tội trong Thánh Lễ nên đáp ứng những như cầu mục vụ cụ thể như khi số hối nhân còn quá đông sau những lần giải tội thường xuyên theo thời khoá biểu; hay khi một linh mục phải coi sóc nhiều hơn một xứ đạo hoặc những trường hợp khác vì nhu cầu mục vụ.
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính