Vương Trọng
Một trong những lý do làm người đọc cảm nhận ngôn ngữ trong Truyện Kiều đẫm chất dân gian, gần gũi với đời sống hàng ngày là nghệ thuật sử dụng tiếng nói quần chúng của đại thi hào qua biệt tài vận dụng thành ngữ, tục ngữ.
Có lẽ trong lịch sử thi ca của ta từ xưa đến nay, khó tìm được một tác phẩm nào mà thành ngữ, tục ngữ xuất hiện nhiều như trong Truyện Kiều. Và cách xuất hiện cũng linh hoạt, khi thì nguyên văn, khi thì được biến báo bằng cách chèn thêm một số từ khác, cho hợp tình, hợp cảnh. Nguyễn Du sử dụng khéo léo đến nỗi, lắm lúc chúng ta không còn biết được những câu thành ngữ quen thuộc đã nhập vào trong Truyện Kiều, hay chính Truyện Kiều đã tạo ra những thành ngữ, tục ngữ ấy! Dọc theo nỗi đoạn trường của Thúy Kiều, không biết bao lần những câu chứa thành ngữ, châm ngôn... làm chúng ta cảm thấy lý thú và hiểu được ý nghĩa sâu xa tác giả muốn gửi gắm, nhưng nếu là một người nước ngoài có biết tiếng Việt thì sẽ ngỡ ngàng rồi lần tìm tự điển để tra, nhưng cũng khó có tự điển nào làm cho họ hiểu được như ta đã hiểu. Đó là “Mạt cưa, mướp đắng đôi bên một phường”, là “Phen này kẻ cắp, bà già gặp nhau”, là “Ở đây tai vách, mạch rừng”, là “Kiến trong miệng chén có bò đi đâu”, là “Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”...
Theo sự thống kê của chúng tôi, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng thành ngữ, châm ngôn khoảng 180 lần. Có những đoạn thơ, đại thi hào cho thành ngữ, châm ngôn xuất hiện gần như liên tục trong các câu thơ. Ví như đoạn nói về ý nghĩ của Hoạn Thư:
Làm cho trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay
Nỗi lòng kín chẳng ai hay
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay
Nỗi lòng kín chẳng ai hay
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
Trong bốn câu lục bát này có ba thành ngữ được nhắc đến: trông thấy nhãn tiền, thăm ván bán thuyền và gió thổi ngoài tai. Hay như bốn câu thơ:
Nghĩ đà bưng kín miệng bình
Nào ai có khảo mà mình lại xưng
Những là e ấp dùng dăng
Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi
Nào ai có khảo mà mình lại xưng
Những là e ấp dùng dăng
Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi
cũng có ba câu thành ngữ: kín như hũ nút (kín như bưng), không khảo mà xưng, rút dây động rừng…
Cách sử dụng thành ngữ, châm ngôn của Cụ cũng rất linh hoạt. Phần lớn thành ngữ được giữ nguyên, đưa vào làm một phần của câu thơ mà câu thơ vẫn giữ được vẻ tự nhiên, như mạt cưa mướp đắng trong “Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”; một cốt, một đồng trong “Lạ gì một cốt một đồng xưa nay”; cá chậu, chim lồng trong “Bõ chi cá chậu, chim lồng mà chơi”, một hội, một thuyền trong “Cùng người một hội một thuyền đâu xa”, ăn xổi, ở thì trong “Phải điều ăn xổi, ở thì”... Nhưng không ít câu thành ngữ được biến báo, giữ lấy ý nhưng thay đổi cách diễn đạt. Chúng ta cùng theo dõi bảng thống kê sau:
Thành ngữ diễn đạt trong Truyện Kiều
Chật như nêm: Trong nhà người chật một lần như nêm
Giấm chua, lửa nồng: Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng
Trong ấm, ngoài êm: Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
Gió thổi ngoài tai: Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài
Kín như bưng: Trong ngoài kín mít như bưng
Không khảo mà xưng: Nào ai có khảo mà mình lại xưng
Rút dây động rừng: Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi
Kín như hũ nút: Nghĩ đà bưng kín miệng bình
Rừng có mạch, vách có tai: Ở đây tai vách mạch rừng
Ngậm bồ hòn làm ngọt: Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay
Kiếp tằm vương tơ: Con tằm đến thác hãy còn vương tơ
Kẻ cắp gặp bà già: Phen này kẻ cắp, bà già gặp nhau
Khuất mặt, cách lòng: Dám xa xôi mặt mà thơ thớt lòng
Kiến bò miệng chén: Kiến trong miệng chén có bò đi đâu - Kiến bò miệng chén chưa lâu
Nước đến chân mới nhảy: Ngồi chờ nước đến chân giường còn quê
Cá chậu, chim lồng: Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi - Chim lồng khôn dễ cất mình bay cao
... ... ...
Một số lớn thành ngữ trong Truyện Kiều là mỗi câu gồm bốn từ, thường chia thành hai nửa đối xứng nhau, diễn tả được một ý nào đó. Ví dụ: Thân gái, dặm trường; Gìn vàng, giữ ngọc; Nước đục, bụi trong; Thay bậc, đổi ngôi; Lỡ một, lầm hai; Tháo cũi, sổ lồng; Nhắm mắt, đưa chân; Liễu chán, hoa chê; Bướm lả, ong lơi; Một tỉnh, mười mê; Kết tóc, xe tơ… Với những thành ngữ loại này, chúng ta thật khó xác định được rằng những thành ngữ nào có sẵn từ trước, những thành ngữ nào sinh ra từ Truyện Kiều?
Đối với các thành ngữ chữ Hán, có một số câu tác giả Truyện Kiều để nguyên văn, nhưng tìm cách đưa đẩy, dắt dẫn để cho ngay cả những người không biết tiếng Hán, khi chưa đọc chú thích, cũng sơ bộ hiểu được nội dung thành ngữ ấy:
Lạ gì “bỉ sắc tư phong”
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Hay:
Nàng rằng: “thiên tải nhất thì”
Cố nhân dễ đã mấy khi bàn hoàn…
Cố nhân dễ đã mấy khi bàn hoàn…
thì câu “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” giúp người ta hiểu sơ bộ nghĩa “bỉ sắc tư phong” là được điều này, mất điều kia; hay: “Cố nhân dễ đã mấy khi bàn hoàn” giúp hiểu nghĩa “thiên tải nhất thì” là rất hiếm khi, ngàn năm có một…
Nhưng trong nhiều trường hợp, Nguyễn Du đã diễn Nôm thành ngữ chữ Hán thành một vài câu thơ thuần Việt, rất nhuần nhuyễn và dễ hiểu. Ví như muốn nói Thúy Kiều vì đã từng ở lầu xanh rồi nên rất sợ những gì tương tự, Nguyễn Du liền cung cấp cho bạn đọc thành ngữ “kinh cung chi điểu” nhưng được Việt hóa:
Thiếp như con én lạc đàn
Phải cung rày đã sợ làn cây cong.
Phải cung rày đã sợ làn cây cong.
Hay như câu thành ngữ “Tam thập lục chước, tẩu vi thượng sách” (trong ba mươi sau chước, chước chạy là hay nhất) thì được Cụ diễn Nôm bằng một câu nghi vấn mà ai cũng biết lời đáp: “Ba mươi sáu chước, chước nào là hơn?”
Chỉ những thành ngữ chữ Hán tương đối thông dụng thì Nguyễn Du mới để nguyên, như Động địa, kinh thiên; Nhân định thắng thiên, Bình địa ba đào; Quốc sắc, thiên tài; Ngộ biến tùng quyền... với cách dắt dẫn tự nhiên và dễ hiểu.
Bên cạnh việc sử dụng thành ngữ dân gian, khi sáng tác Truyện Kiều, Nguyễn Du không ít lần chuyển tải những câu, những ý cổ thi vào tác phẩm của mình. Đại thi hào Nguyễn Du cũng như các nhà thơ cùng thời quan niệm rằng bên cạnh những gì mình sáng tạo ra, chuyển tải những tinh hoa của dân tộc, của nhân loại đến với bạn đọc là một việc nên làm. Bạn đọc coi việc đó thể hiện sự uyên bác, thông “thiên kinh vạn quyển” của tác giả. Cụ Nguyễn Du không bao giờ muốn “phi tang xuất xứ”, ngược lại, làm cho bạn đọc thấy rằng, cái ý ấy đã có trong cổ thi của một tác giả cụ thể hoặc là thơ dân gian truyền miệng. Ví như hai câu thơ nói tâm trạng của chàng Kim sau sáu tháng về hộ tang chú ở Liêu Dương, trở lại vườn Thúy không gặp được Thúy Kiều:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Bạn đọc bao thế hệ không ai không biết cái ý này rút từ hai câu cuối trong bài tứ tuyệt của Thôi Hộ đời Đường, sáng tác khi ông một năm sau trở lại tìm người đẹp mà không gặp:
“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
(Ngày này năm trước, trong cửa này/ Mặt người và hoa đào phản chiếu ánh hồng lên nhau/ Mặt người không biết nay ở đâu/ Hoa đào năm cũ cười gió đông). Nguyễn Du thấy rằng có sự trùng hợp tâm trạng giữa Kim Trọng và Thôi Hộ nên mượn ý hai câu cuối của bài thơ này. Nói cụ Nguyễn Du dịch hai câu ấy cũng không sai, nhưng e chưa hoàn toàn đúng, mà phải chú ý rằng, cụ đã dịch một cách đặc biệt, để vừa đúng nghĩa của câu thơ xuất xứ, nhưng quan trọng hơn là hợp với cảnh tình của nhân vật Kim Trọng. Bởi thế cụ không dùng hai chữ nhân diện (mặt người) mà chuyển thành bóng người, vì “nhân diện” hợp với kỷ niệm của Thôi Hiệu hơn là Kim Trọng.
Hay như câu: “Tự cổ hồng nhan giai bạc mệnh”, có nghĩa là: “Từ xưa đến nay, những kẻ hồng nhan đều bạc mệnh”, được Nguyễn Du Việt hóa thành:
Rằng: hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu…
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu…
vừa giữ nguyên được ý của xuất xứ, vừa tự nhiên, dễ hiểu một cách dân gian.
Có khi đưa cổ thi vào Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nâng câu thơ lên một tầm mới, hay hơn ý thơ đã có. Ví như hai câu tả cảnh trăng trong cuộc chia ly của Thúc Sinh và Thúy Kiều:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Ai cũng biết rằng, ý trong hai câu thơ này đi từ câu cổ thi:
Thùy bả kim bôi phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để, bán phù không
Bán trầm thủy để, bán phù không
(Ai cầm chén vàng chia ra hai nửa/ Nửa chìm đáy nước, nửa trôi trên không). Thấy nửa vầng trăng mà hỏi “Ai xẻ trăng ra hai phần” là xuất phát từ cổ thi, Nguyễn Du nói rõ cho bạn đọc thấy điều đó, chứ không hề che giấu. Bây giờ ta xét xem nghệ thuật trong câu cổ thi này và so sánh với câu trong Truyện Kiều. Nhìn nửa vầng trăng trên trời, nửa vầng trăng dưới nước mà hỏi ai xẻ vầng trăng ra làm đôi, là một ý thơ hay, bất ngờ do sự quan sát và phát hiện. Nhưng dù sao, đây là câu thơ viết bằng cái nhìn, đơn thuần tả cảnh thiên nhiên. Đem “Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” mà so với “Nửa chìm đáy nước, nửa trôi trên không”, ta thấy rằng câu thơ cổ thi này chỉ là điểm xuất phát để Nguyễn Du đi một bước thật xa, biến câu thơ tả cảnh có thể nhìn bằng mắt thành câu thơ tả tình đặc sắc nói về sự chia phôi. Người chia ly rồi, vầng trăng tưởng như cũng chia thành hai nửa, một nửa theo Kiều về nơi gối chiếc, một nửa theo Thúc Sinh chốn dặm trường, thì sự chia đôi vầng trăng đó mới thật kỳ diệu và khó phát hiện hơn nhiều so với sự chia đôi đơn thuần tính chất vật lý trong câu xuất phát. Nguyễn Du đã dựa vào một câu cổ thi để sáng tác ra một câu thơ mới hay hơn hẳn, nếu bảo Cụ đã dịch câu cổ thi trên kia, thì sự sai lầm chẳng khác gì nói rằng Cụ đã dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ra Truyện Kiều!
Trong Truyện Kiều, những câu thơ xuất phát từ cổ thi, vận dụng cổ thi còn nhiều, như tả tiếng đàn, tả cảnh mùa xuân… Và trong từng câu cụ thể, ta đều thấy được biệt tài của đại thi hào khi sử dụng cổ thi cũng như thành ngữ dân gian khi sáng tác Truyện Kiều.