Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

PHẢI CHĂNG LÀ “TÍNH CÁCH NHƯỢC TIỂU”?





Khải Nguyên
Khoahocnet


Hội thao Đông Nam Á (SEA games) lần 26, năm 2011 này, tổ chức tại Inđônêxia. Giới thể thao Việt Nam không được vui vì môn bóng đá nữ và một số môn khác mà Việt Nam sở trường bị loại khỏi cuộc chơi. [Bù lại môn Vovinam (môn võ của VN) được đưa vào như để “trả nợ” Việt Nam về một sự chấp nhận khác trước đây].
Tại hội thao Đông Nam Á, hầu như nước chủ nhà nào cũng đạt thành tích vượt trội hẳn lên, thậm chí đứng đầu, vị trí khó mơ tới đối với nhiều nước nếu diễn ra ở nước khác. (Năm 2003, hội thao lần 22 tổ chức tại Việt Nam, đoàn thể thao nước ta đã được xếp thứ nhất, lần duy nhất cho tới nay,  với số huy chương vàng gần gấp đôi nước xếp thứ hai). Có hai nguyên do được nghĩ tới:
-Một, nước chủ nhà có quyền áp đặt các môn thi đấu nên họ chẳng tha chi mà không chọn những môn mà họ có thế mạnh, gạt bỏ những môn có lợi cho những nước đối thủ cạnh tranh mà họ nhằm tới.
-Hai, các trọng tài thường “nể” nước chủ nhà. (Đằng sau sự nể này có những chuyện gì, thì chỉ giời với các vị có liên quan biết).
Rõ ràng chẳng lấy gì làm đàng hoàng cho lắm; vậy nên “thắng lợi” cũng chỉ nên hãnh diện vừa vừa thôi!
Chắc chắn là kì này nước chủ nhà Inđônêxia sẽ đứng đầu thành tích SEA games. Nước này vốn vào loại mạnh về thể thao trong khu vực, cái “dớp” nói trên có thể làm ố đi một ít vinh quang của họ.
Có phải đó là cách “hành xử” của những nước còn vương “bóng ma nhược tiểu”,-những nước đang phát triển, kể cả những nước đã vưon lên hàng các quốc gia “có máu mặt” về kinh tế như Singapo. Ngay như Hàn Quốc, một “con rồng kinh tế” mới, sự “thần kì” ở giải vô địch bóng đá thế giới 2002 (World Cup 2002) của nước đồng chủ nhà này chẳng mấy “trong sáng”, rõ nhất là ở trận đấu với đội Ý.
Nhìn ra thế giới, ở những nước tiền tiến, chẳng phải bao giờ lợi thế sân nhà cũng làm ra chuyện (khó chịu). Euro 2008, hai nước chủ nhà “rớt đài” ngay từ vòng bảng. Thế vận hội (Olympic), Úc-2000, Hi Lạp-2004, thành tích thi đấu của các nước chủ nhà chẳng có mấy “đột biến”.
Cái “tính cách nhược tiểu” còn nặng nợ lắm thay!
Cũng là còn nặng nợ khi người ta, bất kể ai, cả trong những trường hợp đàng hoàng nhất, khi điểm lại các thành tích trong lịch sử phát triển, vẫn cứ thản nhiên liệt kê cả những thứ từng bị hoài nghi hay chê bai (đích đáng). Vậy là “vô tư” thừa nhận, chấp nhận. Và sẽ là cứ tiếp diễn dài dài! Với kiểu đua tranh thế ấy, bao giờ các “cường quốc” thể thao một “góc trời” này mới vượt khỏi cái “ao” Đông Nam Á để thật sự sánh vai thiên hạ ở tầm cao?
Thế vận hội (Olympic) 2008, nước chủ nhà Trung Quốc là cường quốc thể thao, lại cũng đã vươn lên hàng cường quốc kinh tế, lần đầu tiên đứng thứ nhất trên cả Mĩ, nước luôn luôn dẫn đầu kể từ khi Liên-xô sụp đổ. Hẳn là chẳng dính dáng gì đến bóng ma “(chẳng) nhược (mà cũng không) tiểu” đâu, chăng? Hãy chờ xem ở Olympic 2012!
Cái tính cách nhược tiểu, với một số dân tộc, e rằng không chỉ biểu hiện trong lĩnh vực thể thao mà thôi. Có thể có lối hành xử “chính trị nhược tiểu”, “kinh tế nhược tiểu”, “văn hoá nhược tiểu”, … , lắm chứ!
Có lần, chủ tịch hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố nọ “phàn nàn” với tôi: ”Nước mình, ở các cuộc thi văn nghệ như liên hoan phim, liên hoan sân khấu, liên hoan ca nhạc hầu như địa phương nào đăng cai cũng được lợi thế về giải.”. Chẳng là cái “hội chứng” nhược tiểu ư?!