Phan Văn Tú
Gú-gồ một phát để tìm xem có ai giải thích từ “xà bát”, thấy chỉ có vài trang web liên quan, như chỗ này.
Một người viết không ký tên lý giải đại khái rằng, từ “xà bát”(chỉ xuất hiện trong phương ngữ Nam bộ) xuất phát từ “tam bát” đọc theo âm Quảng Đông. “Tam bát” chỉ nghĩa là “3-8″, chỉ sự nói chuyện tào lao, buôn dưa lê bán dưa chuột trong tiếng Hán. Thành ngữ “San ba a yí” nghĩa là “bà cô 3 – 8″, nghĩa tiếng Việt chính là “bà Tám” mà cách viết cũng xuất phát chính là từ “ba tám = 3 8″.
Cũng trong trang này, có một người lý giải khác: Xà bát một công cụ phát cỏ của nông dân Đông Nam bộ, lưỡi xà bát ngắn, giống như con dao phay chặt thịt hình chữ nhật có chuôi quặp lại gần 90 độ tra cán tre. Tính chất của xà bát là cái gì cũng… bụp nên người ta mới gán từ “xà bát” cho những người nói chuyện không đâu vô đâu, chuyện nọ xọ chuyện kia vậy .
Mình sống ở miền Đông Nam bộ gần 30 năm nhưng chưa thấy, chưa nghe cái xà bát như vậy. Điện thoại cho một anh bạn học cũ ở Vĩnh Long, thời đi học anh em trong lớp hay đùa gọi bạn là “Sơn Nam trẻ”, nhà Nam bộ học, bạn giải thích thế này:
Xà bát là cái cây giầm dài được dùng để điều khiển ghe đua. Chức năng của nó giống như bánh lái. Ngày xưa, trong các cuộc đua ghe, dân Nam bộ hay tổ chức cá độ. Khi cá độ có tính chất ăn thua lớn thì có kẻ bỏ tiền mua chuộc người cầm giầm lái. Nếu sẵn sàng bán độ, người cầm giầm không khó khăn để điều khiển ghe đua chệch hướng chút xíu, lúc đó công sức của toàn đội đua coi như đổ xuống sông và họ bị thua cuộc. Mua độ toàn đội ghe đua thì quá nhiều, không hiệu quả, dễ bị lộ nên người ta chỉ cần chung chi cho người cầm giầm. Những kẻ cầm giầm bán độ này vì thế bị coi thường, không được tôn trọng nên bị dân chúng gọi là… thằng xà bát. Về sau, xà bát được hiểu là một từ diễn đạt nghĩa: không có chất lượng, không ra gì, không dùng được.
Các bậc cao nhơn ai rành thì lý giải thêm dùm.
Còn vì sao mình viết cái vụ này? Hôm nay tớ vừa gặp một thằng xà bát.