Nguyễn Duy Bình
Báo Tia Sáng
Là một trong những ngôn ngữ được nhiều người nói nhất trên thế giới, được nhiều người ngợi ca là ngôn ngữ của văn hóa, tiếng Pháp đang có nguy cơ biến mất trong các chương trình đào tạo ở phổ thông cũng như ở các trường đại học. Đó là một thực tế đáng buồn và gần như không thể cưỡng lại trước sự thống trị gần như tuyệt đối của tiếng Anh. Thực tế này phản ánh phần nào sự khủng hoảng của văn hóa, của các bộ môn xã hội – nhân văn, và suy cho cùng, đó cũng là sự khủng hoảng của cả hệ thống giáo dục.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của Pháp ngữ trong việc làm giàu tiếng Việt và văn hóa Việt. Sự tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ đã mang lại cho tiếng Việt một sự rõ ràng, chính xác và logic nhất định. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định điều này, trong đó có Phạm Quỳnh, Phan Ngọc. Năm 1937, Phạm Quỳnh viết: “Cách đây khoảng chừng mười lăm năm, ngôn ngữ của chúng ta còn diễn đạt suy nghĩ trừu tượng một cách vụng về. Bây giờ tiếng Việt đã trở nên uyển chuyển hơn. Tôi không tự mãn đến mức tin rằng được như thế là nhờ công của riêng tôi, nhưng tôi đã đóng góp rất nhiều và điều này nhờ vào hiểu biết của tôi về ngôn ngữ và văn học Pháp.”i Còn giáo sư Phan Ngọc thì nhận định: “Con đường tiếng Việt đã trải qua là sao phỏng ngữ pháp châu Âu, mà trước hết là sao phỏng ngữ pháp của Pháp.”i Ngày nay, học tiếng Pháp cũng là một cách để hiểu tiếng Việt, để học tiếng Việt. Ngoài ra, tiếng Pháp là ngôn ngữ nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội nhân văn. “Tiếng Pháp là ngôn ngữ nhân văn”, Rivarol viết. Pháp vẫn được đánh giá là một trong những nước phát triển nhất trong nghiên cứu nhân học, xã hội học, triết học, ngôn ngữ học, dân tộc học... Để hiểu Bourdieu, Foucault, Lévi-Strauss..., các nhà nghiên cứu nên có khả năng đọc các tài liệu trong nguyên bản tiếng Pháp. Hầu hết các tri thức lớn của Việt Nam đều biết tiếng Pháp….
Mặc dù thế, ở nhiều trường phổ thông, cao đẳng và đại học ở nước ta, tiếng Pháp gần như vắng bóng và tình trạng này càng ngày càng tồi tệ bởi thí sinh thi đại học ngày càng “kén” tiếng Pháp. Và khi vào đại học, hoặc lên học sau đại học, tiếng Anh vẫn luôn là một lựa chọn hàng đầu, nhiều khi mặc định. Theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, sinh viên chuyên ngữ được đào tạo tiếng Anh chiếm tỉ lệ 85%. Sinh viên tiếng Pháp chỉ chiếm 5,6%! Có nhiều người giải thích sở dĩ như vậy là do cơ hội việc làm mà ngôn ngữ này mang lại là không nhiều. Nhưng theo thiển ý của tôi, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn có những lý do khác sâu xa hơn. Thứ nhất, nền giáo dục chúng ta chưa thực sự chú trọng đến sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ trong các chương trình đào tạo. Thậm chí trong đề án 60 tỷ nói trên, khái niệm “đa dạng ngôn ngữ” hay đại loại như thế không hề được nhắc tới. Có nhiều người, thậm chí nhiều nhà quản lý đánh đồng ngoại ngữ với tiếng Anh, cứ nói đến ngoại ngữ là chỉ nghĩ đến tiếng Anh. Thứ hai, chúng ta chưa làm chưa tốt khâu định hướng cho học sinh và sinh viên. Có nhiều học sinh chọn tiếng Anh theo phong trào chứ chưa xuất phát từ nhu cầu phát triển của chính mình và định hướng nghề nghiệp. Sinh viên chọn học ngoại ngữ cũng thế. Chúng ta biết là số lượng tài liệu lịch sử Việt Nam giai đoạn Pháp thuộc bằng tiếng Pháp là rất nhiều, hiện đang được lưu trữ ở CAOM (Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại) của Pháp và các trung tâm lưu trữ, thư viện ở Việt Nam. Thế nhưng sinh viên khoa sử chỉ chọn ngoại ngữ là tiếng Anh. Còn sinh viên học văn học phương Tây lại đọc sai cả những cái tên của Rimbaud, Verlaine, Hugo, Balzac! Thứ ba, điều này cũng do sự lâm nguy của các khoa học nhân văn ở Việt Nam, vấn đề mà gần đây báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực. Lối sống thực dụng, lối học thực dụng, lối nghĩ thực dụng đã đưa đẩy các bạn trẻ đi đến chọn học tiếng Anh mà bỏ quên các thứ tiếng khác cũng không kém phần quan trọng là tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức v.v... Cuối cùng, có thể kể đến sự thiếu nhất quán trong (các) chính sách ngôn ngữ, ngoại ngữ của chúng ta: thời thì quá chú trọng tiếng Nga, thời thì quá chú trọng tiếng Pháp, thời thì quá chú trọng tiếng Anh... Sự thiếu triết lý giáo dục đã thực sự kéo theo sự thiếu triết lý ngôn ngữ: sự phát triển không đều của các chuyên ngành đào tạo đã kéo theo sự mất cân bằng giữa các ngoại ngữ. Trong khi ở Pháp, các trường đại học lớn hầu hết có giảng dạy tiếng Việt thì ở Việt Nam, có nhiều trường đại học lớn không giảng dạy tiếng Pháp. Ở Trường Đại học Nantes của Pháp, có một dự án đang được triển khai tên là “MoDiMes” (Nhập môn các ngôn ngữ ít người nói và ít được giảng dạy). Dự án do Hội đồng vùng Pays de la Loire tài trợ này nhằm giảng dạy miễn phí các ngôn ngữ ít được người biết đến cho cán bộ và sinh viên trường. Trong số 6 ngôn ngữ được chọn có .... tiếng Việt của chúng ta. Nếu như trường đại học nào ở Việt Nam cũng có một dự án tương tự thì sinh viên tiếng Pháp chuyên ngữ không sợ thất nghiệp, các giảng viên tiếng Pháp không phải “bẻ tay lái”. Đó là chưa kể có bao nhiêu cơ hội việc làm có sử dụng tiếng Pháp mà chúng ta chưa biết tạo ra trong các lĩnh vực nghiên cứu, báo chí, xuất bản v.v...
Chủ trương của chúng ta về hội nhập, về đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế chỉ được cụ thể hóa, giáo dục đại học Việt Nam chỉ có thể phát triển nếu như các nhà quản lý quan tâm đúng mức đến sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ mà chúng tôi đã nhắc ở trên. Anatole France có viết: “Ngôn ngữ Pháp là một người phụ nữ. Người phụ nữ này đẹp, kiêu kỳ, khiêm nhường, mạnh bạo, gợi cảm, quyến rũ, trong trắng, cao sang, thân thiện, điên rồ, khôn ngoan đến nỗi ai cũng yêu nàng với tất cả tâm hồn và không ai có ý đồ không chung thủy với nàng.”ii Nhìn lại những đóng góp của tiếng Pháp cho văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, chúng tôi thấy việc người Việt Nam quay lưng với tiếng Pháp như một sự không chung thủy, không chung thủy với tiếng Pháp và không chung thủy với chính mình. Rivarol viết: “Tất cả những gì không rõ ràng thì không phải tiếng Pháp.”i Chúng tôi xin viết lại: Tất cả những chương trình đào tạo đại học không tiếng Pháp là không rõ ràng.
----------
i Phạm Quỳnh, Essais franco-annamites, NXB Bùi Huy Tín, Huế, 1937. Tr. 203.
i Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 2002. Tr. 483
ii Les Matinées de la Villa Saïd, Bernard Grasset, 1921. Tr. 174.
i “Discours de l’universalité de la langue française”, Oeuvres, Paris, Didier, 1852. Tr. 111.