báo Đất Việt
“Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc” là câu nói nổi tiếng của danh tướng Trần Bình Trọng, vang mãi trong tâm trí mỗi người dân Việt về biểu tượng của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm.
Bà Triệu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ..."
Bà Triệu ẩu huý là Triệu Thị Trinh, sinh ngày 2 tháng 10 năm bính Ngọ (226), tại huyện Quân Yên, quận Cửu Chân (Yên Ðịnh ngày nay).
Năm 248, Bà Triệu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận, thứ sử Giao Châu chỉ huy. Nhiều nghĩa binh đã tử trận vào năm đó. Theo sử sách, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được 5-6 tháng thì phải lui về xã Bồ Điền và cùng đường tự tử. Khi ấy, Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi. Cũng giống Trưng Trắc và Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh quyết không để bị khuất phục.
“Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta". Câu nói bất hủ của người con gái anh hùng của dân tộc Việt đã tỏ chí khí mà ngàn sau dân Việt mãi còn kính phục.
Trần Thủ Độ: “Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ sâu”
Trần Thủ Độ sinh tại làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; là người có công lớn nhất sáng lập triều đại nhà Trần, đồng thời nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần, khoảng gần 40 năm, từ 1226 đến 1264.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi : “Năm 1226… mùa thu, tháng 8, ngày mồng 10, Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo.
Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo; bề ngoài giả vờ là để phụng sự, nhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt.
Có lần Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”. Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi”.
Đến nơi, sai người bày biện hương hoa đến bảo (Huệ Tông): “Thượng phụ sai thần đến mời”. Thượng hoàng nhà Lý nói: “Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”. Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: “Thiên hạ nhà ta đã về tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi khác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”.
Thượng hoàng Lý Huệ Tông bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa.
Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”
Trần Bình Trọng (1259-1295) vốn là họ Lê, dòng dõi Lê Đại Hành. Tổ phụ Làm quan cho nhà Trần, có nhiều công trạng, nên được mang họ vua.
Năm 1285, quân Nguyên Mông sang xâm chiếm Đại Việt, ông được giao coi giữ thiên trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay). Khi giặc đánh xuống, vì lực lượng yếu, Trần Bình Trọng bị bắt, Lý Hằng sai giải lại cho Thoát Hoan. Hoan thấy Bình Trọng người cao lớn, dáng đi hùng dũng, nét mặt đường hoàng, không có chút gì là sợ sệt thì biết không phải là tướng thường, nên muốn khuyên dỗ về hàng, liền tiếp đãi rất tử tế, mời ăn uống hẳn hoi. Nhưng Bình Trọng không ăn. Hỏi đến việc nước, Bình Trọng cũng không nói. Sau Hoan lại hỏi: "Tướng quân có muốn làm vương đất Bắc không?".
Bình Trọng trả lời: "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Nay ta đã bị bắt thì chỉ có chết là cùng, can gì phải hỏi lôi thôi".
Thoát Hoan không thuyết phục nổi Trần Bình Trọng hàng, nhưng vì có ý mến phục, cũng không nỡ giết, cho giải theo quân. Được mấy hôm, lại sợ Bình Trọng trốn mất, mới sai mang ra chém. Trần Bình Trọng bấy giờ mới 26 tuổi.
Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo"
Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446) là con trai cả của Hồ Quý Ly, anh của Hồ Hán Thương. Ông là một tướng tài có công trình quân sự lỗi lạc và là người phát minh Thần cơ hỏa sang, một loại súng trường nhưng không được phổ biến. Khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần và sáng lập triều Hồ, Hồ Nguyên Trừng giữ chức Tả tướng quốc thời nhà Hồ.
Trong cuộc kháng chiến chống nhà Minh xâm lược, Hồ Nguyên Trừng đã nhiều lần thân chinh đi đánh giặc. Năm 1405, trước sức mạnh vũ bão của quân địch, Hồ Quý Ly cho họp quần thần để bàn kế chống giặc. Khi được hỏi, Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Câu nói đó phản ánh nguyên nhân cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của cha con Hồ Quý Ly thất bại chính là không tập hợp được sức mạnh của nhân dân.
Bùi Thị Xuân: "Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù"
Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh trở về Phú Xuân, đem Vua tôi nhà Tây Sơn ra báo thù. Tất cả các võ tướng đều bị tử hình, Trần Quang Diệu bị lột da, các tướng khác bị voi chà, người trảm quyết. Riêng đối với Bùi Thị Xuân, Nguyễn Phúc Ánh dùng hình phạt khốc liệt nhất quán cổ kim.
Trước đó, Nguyễn Phúc Ánh từng hỏi Bùi Thị Xuân "có muốn xin ân xá không?" thì nữ kiệt đáp: "Ta đâu có sợ chết mà phải chịu nhục, hạ mình trước một kẻ tiểu nhân đắc thế?". Nguyễn Phúc Ánh căm gan, dằn từng tiếng: "Không chịu nhục? Ta sẽ làm cho mi biết nhục" và truyền lệnh: "đem Bùi Thị Xuân về Bình Ðịnh, cởi bỏ hết quần áo, cột đứng trên tù xa đẩy đi khắp các nơi thị tứ".
Khi Bùi Thị Xuân bị giải về Phú Xuân, Nguyễn Phúc Ánh hỏi: "Ðã biết nhục chưa?", nữ kiệt đáp: "Nhục nào có vương vào thân ta, mà chính đổ lên đầu nhà ngươi, con người tánh độc hơn sài lang, lòng nhớp hơn cẩu trệ".
Nguyễn Phúc Ánh tức giận, truyền bắt mấy người con của Bùi Thị Xuân đem ra giết trước mặt. Mấy người con nhỏ thì sai lực sĩ bỏ vào bao vải, đánh nát thây. Còn người con gái lớn thì cho voi xé xác. Thấy voi đến, người con gái hoảng sợ kêu lên: "Mẹ ơi! Cứu con với!". Nữ kiệt hét lớn: "Con nhà tướng không được khiếp nhược".
Người con gái liền nhắm mắt thọ hình, không một tiếng rên rỉ...
Nguyễn Trung Trực: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây”
Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, làm nghề chài lưới. Năm 1861, phối hợp với Trương Định, ông đã chỉ huy đánh thắng một trận rất lớn trên sông Nhật Tảo (Bến Lức), đốt cháy tàu Étpêrăng (Hy Vọng) của giặc Pháp, giết chết nhiều địch và làm chết đuối nhiều tên khác, khiến Bôna vô cùng hoảng sợ.
Từ năm 1867, Nguyễn Trung Trực về Hà Tiên lập căn cứ riêng ở Hòn Chông. Chiến thắng oanh liệt tiếp theo của ông là trận tập kích vào Rạch Giá năm 1868, giết tên Tỉnh trưởng và hầu hết quân Pháp trong trại. Đây là một trong những trận đánh làm rung chuyển Soái phủ Nam Kỳ. Cũng năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp vây bắt tại Phú Quốc. Ông nhận án tử hình ở Rạch Giá tháng 10/1868.
Trước khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã để lại một lời nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây”.