Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

PARIS ĐÔNG PHƯƠNG



Theo Beenet
"Nói chung (cũng như đa số dân Á đông chưa va chạm bao giờ với văn minh Tây Âu) họ ngây thơ như con trẻ, với một thế giới quan thực đáng yêu" - Nhận xét trong ngày cuối cùng trong chuyến viễn du Đông Dương của Nicôlai Đệ Nhị.

Ê.Ê. Ukhtômxki
Cuộc viễn du phương Đông
của Đức Hoàng thượng Hoàng Đế Nicôlai Đệ Nhị
(1890 - 1891)

Vũ Thế Khôi trích dịch
Sách "Những tiếp xúc đầu tiên của người Nga với Việt Nam"
NXB Văn học1997

Thứ ba, 19 (31) tháng 3

Đoàn sĩ quan xứ thuộc địa hôm qua quả tỏ ra xuất sắc trong nghệ thuật hiếu khách và tiếp đãi. Con tàu “Lorie” chở hàng khổng lồ già nua neo cạnh bờ đã được trang hoàng một cách tinh tế hiếm thấy, tôi có thể nói là tuyệt vời. Khoang trong biến thành một phòng khiêu vũ rộng thênh thang. Vũ hội kéo dài thâu đêm, với sự hiện diện và tham gia của Hoàng thái tử, đến tận 5 giờ sáng. Quả thật tôi chưa thấy nơi đâu một sự vui nhộn tràn trề và tự nhiên như vậy, một entrain hào hứng và yêu đời đến như vậy.
Người khởi xướng và sáng tạo nó là một nhạc trưởng tài năng, “bán phần Pháp tộc”, thủy thủ trưởng – công tước Adrêi Avgustinôvich Gôlixtin. Nữ hoàng vũ hội là phu nhân một đại úy (thủy quân lục chiến) bà Bauche (tối hôm qua suýt gặp nạn trên đường đến “Lorie” vì đôi ngựa kéo xe bỗng dưng nổi xung) và cô bé 14 tuổi Revilliod. Kiều dân Sài Gòn sẽ còn lâu lắm mới có thể quên được dạ hội ấy, cái đêm ấy – những thời khắc giao lưu tư tưởng và tình thân thiện anh em giữa chúng ta!
Ý nghĩa của xứ Côsanhsin cùng các vùng đất phụ thuộc về mặt hành chính đã hiển hiện cực kì rõ ràng đối với tất cả những ai trong số chúng ta quan tâm đến các số liệu mới nhất về chế độ kinh tế và chế độ chính trị của chúng. Chúng tôi nghe được những lời ca ngợi tốt đẹp nhất về năng lực và sự ngoan ngoãn của dân An Nam, được biết những thông tin hấp dẫn về tài nguyên vô tận của đất nước này, về tương lai huy hoàng của thuộc quốc này trong nay mai.
Tài nguyên thiên nhiên được nêu lên hàng đầu. Chúng đứng ngang hàng với các xứ sở Ai Cập, Mêxôpôtami và Bengal. Ngũ cốc và rau quả châu Âu dễ dàng reo trồng được trên đất nước này. Gạo có chất lượng cao nhất, thế nhưng kinh doanh xuất khẩu nó hiện thời không phải các nhà tư bản Pháp mà là một công ty Đức nổi tiếng Rikmers ở thành phố Brêmen. Ngô, bông, chàm, trầu không, thuốc lá, mía mật, cà phê, chè, đủ các thứ quả (đặc biệt là dưa), các loài cây hương liệu và thảo dược, các cây thiết mộc như lim, táu, nói chung là đủ loại gỗ, tơ tằm, ngà voi, sừng trâu, da bò, muối, cá, vân vân và vân vân… Hàng trăm triệu franc xuất cảng từ Sài Gòn. Tác phẩm của xứ Côsanhsin tập trung tại các bảo tàng Paris và các bảo tàng thương mại khắp tỉnh thành nước Pháp. Trong các cuộc triển lãm kênh nông và công nghệ xứ Côsanhsin, khởi đầu từ năm 1886, dân bản xứ được thưởng không ít huy chương vàng, bạc, đồng cho những sản phẩm tuyệt vời của mình. “Societé d’acclimatation de Paris” đã tặng thưởng tối cao cho chính phủ thuộc địa vì những công lao trong lĩnh vực này. Họ cũng đã giành được các giải thưởng của Amstecđam và Calquytta. Một sự lấy đà mạnh mẽ cho phát triển! Kết quả sẽ hiển hiện chẳng bao lâu nữa, bởi những kẻ đang trở thành ông chủ toàn quyền là những con người thực tiễn như người Pháp.
Nhân công (ngay ở Sài Gòn cũng vậy) khá rẻ. Dân bản xứ dễ dàng đào tạo thành những người thợ khá. Máy móc đang được nhập vào đây. Trong trường hợp dòng người di cư tinh khôn từ Trung hoa tăng thêm và họ muốn định cư tại đây thì đó sẽ là điều tốt cho xứ sở. Một nhà văn hóm hỉnh nào đó đã viết về phương Đông rằng các nhà thực dân luôn luôn có ở đó đúng những người Tầu mà họ xứng đáng được có. Nếu biết đối xử khôn khéo với họ - chẳng hạn không cho họ cố kết với nhau thành những hội kín với tính chất hiếu chiến – thì quả khó tìm được những thần dân dễ bảo và hữu ích hơn.
Thiết lập một modus vivendi (nếp sống) càng cần kíp hơn nữa bởi lẽ từ vùng phía Nam lãnh thổ Thiên triều thường đi sang Đông Dương một số phần tử có xu hướng kích động dân chúng An Nam, chống lại sự thống trị người Âu. Được họ bí mật ủng hộ, thủ lĩnh nghĩa quân miền biên cương Tonkin chiến đấu cho nền độc lập, ô. Đốc ngữ can đảm cầm đầu đội quân nhỏ, vừa mới giành một thắng lợi trong cuộc đụng độ kéo dài 6 tiêng đồng hồ với quân chính quy của nước Cộng hòa; họ đã bảo vệ từng tấc đất, rồi rút lui an toàn, mang theo tất cả chiến sĩ bị thương và tử sĩ. Những anh hùng bảo vệ tổ quốc như vậy rải rác trên miền Bắc thuộc địa này- chỉ là một thiểu số không đáng kể. Vậy mà công cuộc tiễu trừ họ phải trả vô số tiền tài và chẳng dẫn đến kết quả gì. Phải chăng không có cách nào tránh nó cùng những chi phí vô bổ?
Điện hạ Hoàng thái tử đã có nhã ý mời các vị đại diện chính quyền địa phương (Ngài Pické cùng thống đốc Nam Kì đô đốc Benar và đại tá Artuse) ngày hôm nay lên chiến hạm “Azôv” dùng bữa sáng. Vị du khách Tối thượng, bằng những lời lẽ chân thành nhất, nhờ họ chuyển tới dân chúng Sài Gòn lời cảm tạ về cuộc đón tiếp nồng nhiệt, khiến trong thời gian lưu lại xứ thuộc địa này các vị khách Nga đều cảm thấy đầm ấm như ở nhà mình vậy. Người đứng đầu xứ sở vội đáp rằng cơ quan ngôn luận chính thức sẽ tức khắc chuyển tới dân chúng lời ban khen rộng lượng và cao quý nhường ấy của Đại công tước. Các vị khách địa phương rời chiến hạm vào hồi 2 giờ.
Sau đó người ta trình lên Hoàng thái tử rằng có một đoàn đại biểu nhỏ của dân bản xứ thuộc làng Phúc Xá huyện Thủ Dầu Một lân cận đường đột xin yết kiến và dâng quà. Theo chương trình đã dự kiến, ở địa phương đó người ta sẽ trình diễn cho chúng tôi xem một cuộc săn thú giữ hoàn toàn theo phong tục người An Nam (các nông phu bản xứ là những người rất gan dạ, thường cùng nhau xông vào bắt hổ, tay chỉ cầm giáo mác).
Trong khu rừng cạnh làng, mọi sự đã được chuẩn bị trang trọng để đón tiếp xứng đáng Hoàng trưởng tử của Hoàng đế Da trắng. khi những dân quê đáng thương được tin cuộc viếng thăm khu rừng rậm của họ bị bãi bỏ vì thiếu thời gian, họ rất phiền não và liền cắt cử mấy vị sư sãi (chùa Bà Loa) cùng vài ba trưởng lão đến chiêm bái Sứ giả của Đại đế phương Bắc (xứ sở thần diệu của “Hắc hổ”) người chỉ vừa mới tham quan đất Ấn Độ thiêng liêng đối với mọi Phật tử.
Các đại biểu bản xứ đến cùng với viên chức cai quản họ (administrateur des affaires indigenes) là ô.Outrey, một thanh niên khả ái. Họ đem đến hai chú báo, một cái ngai nhỏ sơn son thiếp vàng (ngai long), với hai tay trạm rồng cũng thiếp vàng (ngai vàng như vậy thường dành riêng cho bát vị tinh tú trong các đền miếu An Nam) và một tượng thờ to tướng và dị dạng kinh khủng – đó là Thần săn bắt bằng gỗ: mình đầy lông lá, lưng còng, quanh mình quấn những bộ lông thú, một chân voi, một chân tê giác, các bàn chân tua tủa móng vuốt, bộ mặt gớm giếc quét sơn lòe loẹt, với đôi sừng quái đản trên đỉnh đầu, miệng đỏ lòm nhe đầy nanh với hai nanh dài. Quái vật đó một biểu tượng cho sự xấu xí cùng trí tưởng tượng điên khùng, đứng chống cây giáo to đùng. Dưới bộ áo lông thú lò ra cái đuôi với một bông hoa gắn nơi chót.
Mấy người bản xứ đến chiến hạm chào mừng cũng khá kì thú. Trên đầu các vị sư mà ở xứ Côsanhsin người ta gọi là “lục sáng” đội một cái mũ, mình khoác áo cà sa màu vàng thêu hoa văn, khác hẳn người bên lương, tay áo lung thùng không cài khuyết. Mấy bô lão đi theo các vị sư sãi (trong phạm vi Đông Dương đạo Phật mạnh hơn đạo Khổng và đạo lão) sung kính nhìn Đại công tước bước ra tiếp họ. Buổi tiếp đãi diễn ra tại boong hạm tầu, với sự hiện diện của tất cả sĩ quan và đội thủy thủ.
Tuân theo phong tục cẩn trọng lưu truyền từ cổ xưa, người dân bản xứ quỳ lạy bốn lần trước Điện hạ Hoàng thái tử: chắp tay đưa ngang trán, từ từ quỳ gối rồi trịnh trọng đứng dậy, nghiêm trang thực hiện lễ “quỳ lạy” theo đúng nghi thức phương Đông (Đức Tối thượng An Nam cũng lễ Thượng đế đúng như vậy).
Những người đến chào mừng đều nhuộm răng đen y hệt dân thường mà chúng tôi gặp ở mọi nơi sau Xinhgapo. Răng người An Nam đen không phải vì ăn trầu mà là nhờ một thứ thuốc đặc biệt, dùng trước hết vì vẻ đẹp (“ta có phải là chó đâu mà nhe bộ răng trắng nhởn ra”- họ bảo thế), và sau là để giữ răng khỏi hỏng. Họ ngậm một thứ thuốc sắc có vị chua cùng với mật ong, rồi tống đầy mồm một vốc lá chuối để luồng không khí khỏi cản trở quá trình nhuộm răng và củng cố hàm.
Những gương mặt các vị sư rõ ràng chứng tỏ tính từ bi trong đạo của họ. Họ không biết đến sự cuồng tín: một số trang đẫm máu trong quá khứ của đất nước họ một phần là do các phần tử hồi giáo Malaixia gây ra. Tăng lữ Phật giáo tự nó không hề công kích đạo Thiên chúa. Mọi sự đày đọa Công giáo đều xuất phát trực tiếp từ phía triều đình, do mối nghi ngại đối với các nhà truyền giáo đáng ngờ theo thương thuyền đến đây từ phương Tây phản trắc. Cả ở Xiêm, lẫn ở đây các tín đồ của đức Phật bị nghiêm cấm (bằng những hình phạt nặng nề) ngoa ngôn về đạo “Tây dương” xa lạ và gây hoang mang cho tín đồ của mình.
Sau khi ân thưởng hậu hĩ những người dân An Nam, Hoàng thái tử dẫn họ rời chiến hạm”Azôv”.
Trước khi chúng tôi rời khỏi xứ sở, ngài thư kí Thống đốc Fourés chu đáo cung cấp cho tôi những tài liệu, sách vở cần thiết về lãnh địa của Pháp tại phương trời này. Trong cả núi tài liệu ấy, phần có giá trị nhất là những công trình khảo cổ học cho biết nhiều về các mặt sinh hoạt nghệ thuật và tôn giáo của xứ sở, vào thời các thần Siva và Visnu còn ngự trị ở nơi đây. Dưới thời các vua còn theo đạo Bà La Môn, người Trung Hoa và Nhật bản đã mấy lần xâm lăng miền Bắc Đông Dương. Sử sách chép rằng những cánh tay thần diệu của các Đại vương đất này rực lửa tựa mặt trời, từng thiêu cháy quân Tần, song có lẽ bản thân họ par wxellence (đa phần) cũng xuất thân từ đám dân đảo cháy đó. Tìm tòi trong mớ bòng bong tài liệu về cái thời đại xa xôi đầy ý ngĩa ấy quả là một nhiệm vụ hứng thú trong một tương lai không xa.
Bốn giờ sáng. Chúng tôi rời Sài Gòn. Tầm mắt lướt chậm rãi trên một Paris thu nhỏ- Paris Đông Dương, nơi chỉ trong một thời gian ngắn ngủi mà chúng tôi đã được thấy biết bao lòng hiếu khách và tình cảm thân thiện. Trên bến (phía bên trái chúng tôi) tụ tập từng đám đông người đến chia tay với hạm đội đang chuẩn bị ra khơi. Toàn bộ thành phố, trước kia cũng như bây giờ, trải ra trên bờ phải: phía đối diện, dưới triều Gia Long là địa bàn của “Xóm-tầu-ô”, tức khu “thuyền đen”, nơi cư trú của bọn cướp biển người Trung Hoa làm lính đánh thuê, bảo vệ xứ Côsanhsin từ phía biển. Giờ đây nơi đó hầu như không thấy có nhà cửa.
Mấy con thuyền (tam bản) cắt ngang đường chúng tôi, vội vã bơi vào bờ. Những cánh tay phụ nữ nhỏ nhắn đeo vòng, hoặc bằng một thứ hổ phách tồi tàn hoặc bằng than đá, hối hả đưa mái chèo. Dưới vành khăn vải thô và chiếc nón lá lấp ló những khuôn mặt dẹt, cặp mắt trắng đục, của những người đàn ông da dẻ xạm nắng, môi đỏ mọng vì luôn miệng nhai trầu. Họ mặc áo vải sơn, cổ vắt chéo.
Một điều đặc biệt ngạc nhiên ở đám đông này là họ mê thích cầm ô: cách đây chưa bao lâu đó là dấu hiệu và đặc quyền của giới quyền quý, nay thì ai ai cũng được tự tiện sử dụng, một điều khiến đám dân thường chất phác rất hài lòng. Nói chung (cũng như đa số dân Á đông chưa va chạm bao giờ với văn minh Tây Âu) họ ngây thơ như con trẻ, với một thế giới quan thực đáng yêu. Trong tiếng nhạc quốc ca Nga vang lừng “Azôv” lướt ngang qua chiến hạm hộ tống “Triomphante”. Lá quốc kì Pháp vút lên trên đỉnh cột buồm tuần dương hạm Nga và từ boong hạm tầu vang lên nhạc điệu marseillaise đáp lễ. Tạm biệt nhé, Sài Gòn!