Tô Minh Nguyệt
Chúng tôi đặt chân đến châu Âu với điểm đến đầu tiên là Hamburg - thành phố lớn thứ hai và cũng là trung tâm thương mại, văn hoá nằm ở phía bắc của Cộng hoà liên bang Đức. Chỉ cần có visa vào Đức là có thể đi bất cứ nước nào trong châu Âu.
Đi Tây theo cách nói vui là kiểu Ta Ba lô, phải tính từng đường đi, nước bước sao cho có hiệu quả mà lại rẻ nhất bởi chi tiêu ở châu Âu bao giờ cũng đắt hơn Mỹ. Nhờ có chút ngoại ngữ, có ipad và nhờ rất nhiều vào Google, nhóm Ta Ba lô chúng tôi đều ngót nghét "bảy mươi cái xuân xanh" vừa thực hiện một chuyến đi bụi trời Tây rất thú vị với mọi chi phí... hoàn toàn tự túc. Phương tiện thì có lúc lên máy bay, có khi chui xuống metro, lúc đi tàu, xe đò và rất thường xuyên cuốc bộ. Thi thoảng được ở nhờ một vài người bạn lưu vong thuộc thế hệ "cổ lai hy", lại có lúc ở nhờ lũ cháu chắt họ hàng làm việc hay du học bên Tây...
Lịch trình vạch sẵn từ ở nhà. Tìm kiếm thông tin trên Google, chát chít hỏi han kháp nơi đến toét cả mắt... Chúng tôi quyết làm một chuyến du lịch bụi để trải nghiệm, khám phá, cũng để thử sức bền của gân cốt và để khỏi "ngu lâu". Nhờ vậy mà học được rất nhiều điều thú vị, nhưng tâm đắc nhất lại là chuyện về mấy cái nhà trọ (hostel) ở châu Âu.
Nhà trọ đầu tiên chúng tôi đến là Hatters Hostel, nằm trên đường Livery, thành phố công nghiệp Birmingham (Anh Quốc). Hatters có 30 phòng bố trí ở tầng hầm, tầng trệt và lầu một ngôi nhà cổ. Phần lớn các phòng có 6 chiếc giường hai tầng cho 12 người. Phòng tắm, nhà vệ sinh rất sạch. Trong phòng có tủ nhỏ, có khoá để tư trang nhỏ. Bên ngoài có một khoảng vườn nho nhỏ treo những giỏ cây xanh xinh xắn. Nhà trọ có 4 phòng sinh hoạt chung, gồm phòng xem TV; hội họp; phòng ghi chép có salon, bàn ghế; phòng nhỏ có ghi ta, máy nhạc để ca hát.
Thích nhất là bếp ăn có đủ bát đĩa cốc chén nồi, chảo... bếp điện, lò vi sóng. Và những câu nhắc nhở lữ khách xếp đồ, tự dọn vệ sinh, bởi vì "Tôi không phải là mẹ của bạn"! Có cả máy giặt đặt trong góc cầu thang. Tất cả sạch bong, ngăn nắp.
Nhà trọ cung cấp bữa ăn sáng miễn phí; có sữa tươi, bánh mì lát, nước trái cây... Buổi trưa đi đâu về xẹt sang siêu thị mua mì, thức ăn đã chế biến... thế là có bữa ăn hợp khẩu vị, tiết kiệm. Buổi tối, ai muốn đi nằm sớm, hay muốn văn nghệ văn gừng... xem phim, viết lách đều thoả mãn với không gian riêng. Hatter có cả phòng cho gia đình, giá cũng rẻ, 12 bảng một người cho một ngày đêm (nếu ở khách sạn phải 100 euro).
Khắp nơi, từ lối đi, phòng ăn, phòng họp dán đầy thông tin du lịch, mua sắm, giao lưu, kết bạn... Ở đây có nhiều thông tin hướng dẫn đi đâu, đi như thế nào cho rẻ. Khi chia tay, cuốn sổ tay cảm tưởng của nhà nghỉ tràn đầy lời tạm biệt, cám ơn. Cô bạn trẻ tiếp thị của Hatter còn đưa cho khách tấm bản đồ chỉ lối đi ra sân bay hoặc nơi bạn muốn đến với lời dăn dò thân ái!
Ở Đức, nhà trọ Meinstation ngay thủ đô Berlin còn đẹp và rẻ hơn Hatters bên Anh nữa. Gường đôi, tủ gỗ, phòng rộng nhìn ra vườn rộng ... Bếp ăn, phòng ăn đều rộng, thoáng mà chỉ có 10 euro. Phòng giặt có bàn ghế gỗ rất thuận tiện cho khách vừa giặt vừa dùng máy tính. Lối đi xuống tầng hầm treo tranh Picasso, thơ Goethe... Máy giặt, tủ lạnh, cốc chén toàn đồ xịn. Có điều từ Meinstation vào trung tâm thành phố không thật gần; đi metro phải đổi tàu mấy lần.
Ở cảng Hamburg, nhà trọ chúng tôi ở lại có cả xe đạp cho thuê. Phòng khách chung trang trí như lều rơm, trước cửa đặt nhiều ghế băng và khách có thể nằm ngắm vườn đầy cây trái mang tên nhà thơ Hine...
Đã qua bảy nhà trọ Anh, Pháp, Ý, Đức, nhưng ấn tượng nhất với tôi là nhà trọ Lodge 32 ở Stockholm, Thuỵ Điển, một nước có mức sống cao, giá cả cái gì cũng đắt đỏ. Chúng tôi đi tàu, tìm đến nhà trọ ở số 32 đường Hantverkargatan lúc 7 giờ rưỡi tối; người phục vụ đã về. Do đã đặt phòng trước, chúng tôi gọi điện thoại nhận mã số khóa cửa để tự vào bên trong. Chăn, ga, gối, khăn tắm và một lá thư hướng dẫn đã để gọn trên quầy có tên mình.
Thoạt vào, trông nhà trọ này như hang động, mê cung. Lối đi lắt léo. Trần không cao, nhiều ống ngoằn ngoèo. Buồng nhỏ, giường nhỏ, bàn nhỏ... Cái gì cũng nhỏ! Sáu chiếc giường đôi trong một căn phòng chưa đầy 20 mét vuông. Nhà trọ này nằm ở tầng hầm của một tòa nhà lớn ngay ngã tư trung tâm Stockholm. Mở cửa ra là thấy bến xe. Đi một chút gặp siêu thị. Rẽ trái là ga. Rẽ phải là đường xuống một con sông rộng mênh mông.
Xung quanh nhà trọ này có nhiều hàng quán, hệt như đường Đồng Khởi ở TPHCM. Càng ở càng thích; bởi nhà trọ này không chỉ đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ mà còn rất chu đáo và tỏ ra rất hiểu tâm lý khách hàng. Mọi chỗ, mọi chi tiết đươc tận dụng, thiết kế không chỉ hợp lý mà còn rất mỹ thuật. Từ phòng ngủ đến nơi tiếp khách, phòng vi tính, nhà tắm, bếp... Nói không ngoa, ở gia đình cũng không thể sạch và đẹp hơn thế. Phòng ngủ nhỏ vẫn có gương đứng treo sát tường, có tủ, giá treo quần áo,có bàn tròn và hai ghế nhỏ. Ở góc giường có một ngọn đèn nhỏ để ai đó thức dậy đêm khuya có thể ghi lại những cảm xúc chợt đến.
Bên ngoài dành nhiều không gian công cộng với tiện nghi đầy đủ như bàn ghế cao xinh xắn để đứng, ngồi viết, soạn đồ; có cả bộ salon rất mềm để trò chuyện và khi mỏi mệt, khách có thể... ngả lưng đôi phút. Trong một góc, có vài máy tính nối mạng suốt ngày đêm cho khách sử dụng miễn phí.
Nhà bếp cực đẹp, cực sạch... đến nỗi một ông chồng bảo vợ mình: "Về nhà bà phải thuê thợ làm cho tôi y hệt bếp này!". Trong bếp có cả dầu, hạt tiêu, ngò khô, muối, đường để khách lỡ tí chút lấy dùng. Chè, cà phê lúc nào cũng có. Bà chủ còn để sẵn cả giấy bút để khách ghi đánh dấu các món đồ để trong tủ lạnh, tránh việc "cầm nhầm" của nhau. Lại còn có cả bao nilon, cốc nhựa đem đi đường...
Khu nhà vệ sinh đặt ngoài phòng ngủ rất sạch và trên tường treo tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng. Chỗ nào cần cũng có gương soi, bồn rửa tay, máy sấy tóc. Một kệ dài tràn đầy tờ rơi hướng dẫn cách đi siêu thị, bảo tàng... Toàn bộ tường phía ngoài là thạch cao mầu kem để thô... Nhà trọ này có 12 phòng. Lúc nào cũng nườm nượp khách. Với cách bài trí rất mỹ thuật, chắc bà chủ là một hoạ sĩ hoặc kiến trúc sư? Nghe hỏi vậy, cô bé quản lý chỉ cười.
Lang thang qua những khu phố gần những bảo tàng của Stockholm cổ kính mới biết thành phố này không phải chỉ có một nhà trọ Lodge 32, nơi tôi ở. Thủ đô Thuỵ điển có 75 bảo tàng nổi tiếng thế giới và quá nhiều điều hấp dẫn thu hút dân tứ xứ kéo về đây du lịch bất chấp bão giá toàn cầu. Nhà trọ Lodge 32 có sáng kiến độc đáo để khách giã từ khó quên: Trên tấm bản đồ thế giới treo ngay phòng khách, du khách tự lấy kim có bọc đầu đỏ ghim vào vị trí quê hương mình. Dầy đặc là các nước châu âu, Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nga... Việt Nam mới có hai cái kim.
Thử làm một phép tính đơn giản: Có 12 buồng. Mỗi buồng 6 gường đôi. Mỗi người, mỗi ngày 30 đô la. Nhà trọ lúc nào cũng đầy khách. Bà chủ này, có khi còn lời hơn cả khách sạn!? Anh bạn già của tôi, vốn hay đi nước ngoài, bảo rằng trên thế giới người ta ở nhà trọ nhiều rồi. Không phải đợi tới thời khủng hoảng. Tiêu pha hợp lý mới là văn minh. Tội gì mất nhiều tiền chỉ để ngủ?
Tại các nhà trọ ở châu Âu, tôi đã gặp rất nhiều bác sĩ, nghệ sĩ, kĩ sư, cả hoạ sĩ, cá nhân và gia đình đều chọn nhà trọ. Việt Nam ta sao chỉ có nhà trọ ở khu phố cổ Hà nội? Sài gòn sao chỉ có khu Tây ba lô ở Đề Thám và Phạm Ngũ Lão? Không phải đi du lịch nước ngoài mà ngay đi du lịch trong nước, hình như dân Việt ta ít có thói quen ở nhà trọ. Chắc có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể thấy là ở nhà trọ kiểu Việt Nam còn quá thiếu tiện nghi và không thể yên tâm được. Trông người rồi ngẫm đến ta mà chợt thoáng buồn. Biết đến bao giờ... nhỉ?