Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

KHI BÒ KOBE BỊ SĂN ĐUỔI






Mặc Lâm, biên tập viên RFA

 Thịt bò Kobe Nhật Bản vốn nổi tiếng thế giới được người Việt biết tới hồi gần đây qua các bài báo nói về tô phở trị giá 1 triệu đồng tại Hà nội nhưng vẫn có rất nhiều người tới ăn.

Tuy nhiên vài ngày qua Cục thú y chính thức xác nhận chưa bao gờ cấp phép nhập khẩu loại thịt đặc biệt này vào Việt Nam, Mặc Lâm theo dõi câu chuyện và ghi nhận lại sau đây.

Cách nay ít lâu báo chí rộ lên phong trào kể về bát phở thịt bò Kobe tại Hà Nội. Có phóng viên ngợi khen sự tinh tế của tô phở khi điểm thêm lát thịt bò nổi tiếng này lên trên. Cũng có tờ báo nhắc tới sự bất công giữa một tô phở giá gần 50 đô la với một bữa ăn của người nghèo chưa tới 10 ngàn. Khoảng cách này phơi ra giữa thủ đô tại vài quán phở trong đó có một quán do Việt kiều từ Mỹ về kinh doanh. Tiếng đồn về bát phở Kobe bạc triệu đã khiến nhiều đại gia Hà Nội chiêu đãi khách khứa làm ăn của họ bằng bát phở Kobe vào mỗi sáng cho xứng với tầm vóc kinh doanh của những ông chủ lớn.

Bát phở đại gia

Nói tới thịt bò Kobe người ta nghĩ ngay đến giá tiền của nó. Mỗi ký giá từ 3 tới 5 triệu. Một tô phở bình thường chỉ cần thêm vài lát thịt bò Kobe thì bát phở ấy lập tức trở thành danh giá như nàng lọ lem, thoát nghèo nàn xấu xí chỉ qua một cái hô biến của bà tiên trong truyện cổ tích.

Thịt bò Kobe là gì mà giá cả của nó không thua gì các loại sơn hào hải vị trong các thời đại vua chúa phong kiến như vậy? Nhà báo Đỗ Thông Minh từ Nhật Bản cho biết những thông tin về loại thịt bò nổi tiếng này:

“Có những loại bò đặc biệt mà hầu như không quốc gia nào có đó là phần thịt nạc nó đan mỡ rất nhiều. Sở dĩ bò của Nhật được như vậy là vì nó qua quá trình cải giống cũng như cách chăn nuôi để trở thành một giống bò đặc biệt mà người ta gọi chung là Tasima đó là tên chung nhưng thật ra Tashima lại có rất nhiều loại và nổi tiếng nhất là thịt bò Kobe đó là đối với thế giới. Đối với Nhật Bản thì nó có một loại nữa là Matshidaka còn cao giá hơn Kobe nữa nhưng vì cái tên nó khó và nó xuất hiện sau cho nên khi nói tới thịt bò thì hầu hết người ta đều nói tới thịt bò Kobe.”

Thịt bò Kobe không những giá trị về phẩm chất mà có lẽ do câu chuyện cách người Nhật chăm sóc con bò bằng những phương pháp rất khác thường khiến cho loại thịt này phủ thêm bên ngoài những câu chuyện gần như huyền thoại. Có lẽ từ những câu chuyện này mà nhiều đại gia Việt Nam cảm thấy khi ăn chúng thì ít nhiều gì hào quang của câu chuyện lại vướng vào người của họ. Nhà báo Đỗ Thông Minh chia sẻ:

“Thịt bò Kobe quan trọng là cách nuôi. Họ cho bò ăn những chất dinh dưỡng rất đặc biệt và đồng thời đặc biệt hơn là họ cho bò nghe nhạc, thường là nhạc classic! Bởi vì con bò cũng là một sinh vật cho nên nó cũng có những cảm tính khi nghe nhạc giống như chúng ta nghe nhạc thì chúng ta cảm thấy phấn khởi, vui tươi hơn thành ra vì vậy nó ăn nhiều hơn và người nó phát triển mập mạp hơn. Thịt mỡ mà nó đan trong thịt nạc làm cho thịt mềm ra. Nếu một khối thịt nạc không thì thường thường nó dai. Như chúng ta biết trong thịt heo chẳng hạn nó có một loại mỡ chài, thịt bò Kobe cũng vậy nó đan trong thịt nạc giống như mỡ chài.

Điều kiện để được mang danh thịt bò Kobe thì nó phải được sản xuất ở vùng Kobe tức thuộc tỉnh Yogo phía Đông nam nước Nhật. Yêu cầu là bò cái thì chưa đẻ và bò đực thì phải là bò thiến. Con bò cái từ 230 ký tới 470 ký là tối đa. Còn bò đực từ 260 ký tới 470 ký. Tất cả bò Kobe trên nguyên tắc đây là một thương hiệu giống như Coca Cola hay Mac Donald thì không phải ai cũng lấy tên đó được. Tuy nhiên trên thực tế thì không thể giữ bản quyền khắp mọi nơi, người ta dùng thịt bò khác nhưng vẫn nói là Kobe.”

Từ Kobe sang New Zealand - Úc

Một địa chỉ mà người ta có thể tới để thưởng thức món thịt bò danh giá này là khách sạn Hà Nội Capital garden, Thế nhưng vào ngày 26 tháng 12 thì hàng loạt nhà hàng nổi tiếng đều gỡ bỏ bảng quảng cáo thịt bò Kobe Nhật Bản mà thay vào đó là thịt bò Úc và New Zealand kể cả Hà Nội Capital garden.

Các quán từng bán loại thịt nổi tiếng này tại Hà Nội đã được Quản lý thị trường chiếu cố khiến câu chuyện thịt bò Kobe một lần nữa được nhắc tới. Có điều lạ là quán nào từng quảng cáo bán thịt bò Kobe Nhật Bản cho khách khi được Quản lý thị trường hỏi tới đều chối là không có.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho báo chí biết một số địa chỉ rao bán, niêm yết giá thịt bò Kobe đã gỡ bỏ sản phẩm này. Một nhà hàng trên phố Lý Thường Kiệt Hà Nội từng giới thiệu có món bò Kobe chủ nhân trả lời hiện không còn bán loại bò này, chỉ có thịt bò Mỹ và Úc.

Những chủ nhân từng kinh doanh thịt bò Kobe sở dĩ thay đổi bảng hiệu vì tin tức về các lô hàng thịt bò Kobe nhập vào Việt Nam bằng giấy tờ giả đã làm nhiều người lo lắng và phản ứng là từ chối không bán loại thịt này khiến dư luận càng thêm tò mò theo dõi. Theo tin từ nhiều tờ báo thì chính Cục trưởng Cục thú y Hoàng Văn Năm đã khẳng định tên của ông bị lợi dụng làm giả trên các văn bản nhập thịt bò Kobe từ Nhật Bản.

Nhập lậu bằng giấy tờ giả

Ông Hoàng Văn Năm cho biết Cục thú y chưa bao giờ cấp phép cho bất cứ một đơn vị kinh doanh nào để nhập thịt bò Kobe trong khi Nhật Bản thông báo với ông rằng trong nhiều năm qua phía Nhật vẫn xuất thịt bò sang Việt Nam với khối lượng thịt lớn thứ hai thế giới thông qua chứng thư do Việt Nam cấp.

Vấn đề trao đổi thực phẩm tươi giữa các nước xảy ra trong một quy trình rất nghiêm ngặt. Ông Bùi Quang Anh, nguyên Cục trưởng Cục Thú y cho chúng tôi biết như sau:

“Thủ tục thì trước hết hai Cục thú y của hai nước phải có ký kết thỏa thuận với nhau bằng văn bản và phải trao đổi mẫu giấy tờ kiểm dịch. Mẫu kiểm dịch phải được hai bên chấp nhận và ký kết hợp đồng với nhau, thỏa thuận với nhau. Nói chung là đạt các tiêu chuẩn quy định của OIE (Tổ chức Thú y thế giới) và hai Cục trưởng phải ký với nhau, và đồng thời hai bên phải trao đổi mẫu giấy kiểm dịch đã được thống nhất. Thí dụ như chúng tôi nhập thịt của Nhật thì nước này phải xuất trình cho chúng tôi mẫu giấy kiểm dịch chứa những nội dung gì và nó phải phù hợp với tiêu chuẩn OIE và quy định của pháp luật Việt Nam."

Đương kiêm Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm cho báo chí biết rằng khi thịt đã lọt vào trong nước thì cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Được bán hay không, nguồn gốc như thế nào cũng là trách nhiệm của quản lý thị trường và không còn là trách nhiệm của cơ quan thú y nữa. Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết:

“Về góc độ cơ quan chức năng của chúng tôi thì đã là hàng lậu thì chúng tôi xử lý theo quy định của pháp luật một cách nghiêm nhất. Đã không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì hàng đó chỉ có thiêu hủy. Bất cứ ai liên quan đến các quy định của pháp luật thì đều phải thực hiện theo đúng pháp luật.”

Việc nhập khẩu thịt qua giấy tờ giả mạo có thể bị khởi tố hình sự đối với đơn vị kinh doanh nhập loại hàng nầy về Việt Nam, trong khi đó các nhà hàng rao bán món này sẽ bị giảm uy tín trầm trọng. Khách hàng của họ sẽ có cảm giác bị lừa vì đã mua một món hàng giả mạo. Thịt bò New Zealand, Úc biến thành Kobe Nhật Bản sẽ khiến việc làm sang của các đại gia trở thành trò cười cho nhiều người. Hai nữa Nếu là bò Kobe thật thì việc kiểm soát mầm bệnh không được làm rõ sẽ khiến những người trót thưởng thức món ăn vương giả này cảm thấy bất an khi Nhật Bản đã từng công bố vài tháng trước mầm vi rút có trong thịt bò Kobe đã được phát hiện.