Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

NGÀY TẾT TẢN MẠN VỀ VĂN HÓA GIA DỤNG



Trương Quang Cảm
vannghesongcuulong.org

Cứ mỗi độ xuân về tết đến, không khí ở các phố, chợ lại sôi nổi, người ta bày hàng hoá đồ đạc đầy ắp. Trong đó nổi bật là các gian hàng bán hàng gia dụng như ly, giỏ,chén, bát , thau, sô… Ngày thường nhà nào cũng mua dùng, đâu cứ gì phải đến tết mới mua sắm. Thế mà đến tết loại hàng này cũng rất thu hút người mua kẻ bán. Cũng có thể từ lâu nhân dân ta có truyền thống cứ tết đến thì mọi thứ đều phải mới, quần áo phải mới , đồ dùng cũng mới. Những cái đang dùng chưa hư nhưng hết năm là phải thay sắm bổ sung cái khác.

Ngày nay không ít cư dân phố thị vẫn còn giữ tập tục ấy. Đó cũng là lí do tại sao hàng năm, tết đến cùng với các gian hàng khác như như giày dép, áo quần, vải vóc ,gian hàng bán đồ gia dụng lại đông khách. Là người sống qua cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” đã từng thấy biết bao mùa xuân, chợ tết. Trong đó, hình ảnh để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng cảm xúc nhất là đồ gia dụng bằng tre. Cách đây vài chục nămở đường Nguyễn Thái Học, Chợ Đầm Nha Trang, cứ tết đến người ta thấy nhiều gian hàng bày bán đồ gia dụng bằng tre như thúng, mủng, ro, rá, sàn, sịa ,nong ,nia…. Thế rồi lần lượt cứ mỗi năm mỗi vắng. Đồ gia dụng bằng nhựa đã lấn át chiếm lĩnh thị trường, nay đồ gia dụng bằng tre cứ lùi dần… Mấy năm gần đây, tết đến người ta chỉ còn thấy độc nhất mỗi một chiếc xe đạp treo lủng lẳng bán các đồ gia dụng bằng tre. Hình ảnh ấy khiến tôi liên tưởng gợi nhớ đến bài thơ “ Ông đồ” của Vũ Đình Liên: “ Ông đồ vẫn ngồi đó/ Qua đường không ai hay/Lá vàng rơi trên giấy / Ngoài trời mưa bụi bay”Ở đây cả hai đều là nạn nhân của “cái mới” . Hình ảnh ông đồ tiêu biểu cho nền nho học cũ bị phôi pha trước nền tân học mới đang phất lên. Hình ảnh đồ gia dụng bằng tre tiêu biểu cho nền sản xuất nhỏ tiểu thủ công nghiệp phai tàn trước nền sản xuất mới công nghiệp hiện đại.

Ngày nay kể tên từng đồ gia dụng bằng tre, con cháu chúng ta nghe như kể chuyện cổ tích , chỉ nghe mà khó có thể thấy được. Thực ra đồ gia dụng bằng tre và tên gọi chính danh của nó cũng thật phong phú. Chẳng hạn thúng thì có thúng rỗi, ngư dân dùng để đựng cá, thúng xúc dùng đánh bắt xúc cá ở bờ sông( vùng Khánh Hoà không gọi thúng rỗi, thúng xúc mà gọi rổ rỗi , rổ xúc), thúng trẹt là thúng có độ sâu nông; thúng cái dùng để bưng lúa , xúc lúa, thúng chai là phương tiện di chuyển dùng để đánh bắt câu cá… Mủng thì có mủng bầu dùng để đựng gạo, khoai ,sắn… . Cũng có loại mủng không làm bằng tre nhưng vẫn gọi là mủng : mủng dừa. Đó là cái gáo dừa không có cán dùng để múc nước.

Nhỏ hơn thúng mủng, thì có rổ, rá, quạu, quảu . Ro thì lỗ thưa, thì đan dày lỗ nhỏ dùng để vo gạo;; quạu( cư dân vùng Quảng Ngãi , Quảng Nam gọi là quạu , còn vùng Khánh Hoà gọi là quảu)đồ dùng nhỏ có chân, chân là một miếng tre cật mỏng, khoanh tròn làm đế, dùng để đựng rau sống, rau luộc.

Đồ dùng để sàn sảy gạo thì có cái tràng không có lỗ, đáy bằng, dùng để phơi củ kiệu . Cái sàng đáy bằng, cạn, dùng để sàng nhóm lại thóc lẫn trong gạo.Cái dừng giống như cái sàng nhưng lỗ nhỏ. Có hai loại dừng : dừng dày sàng gạo để lấy ra cám. Còn dừng thưa sàng gạo để lấy ra hạt tấm.Ngoài ra còn có cái sịa , cái nong , cái nia. Cái sịa đáy bằng qui cách nhỏ, không lớn để phơi bánh trái , cái nong cái nia qui cách lớn mặt bằng, để phơi khoai sắn. Ở Quảng Ngãi , Bình Định thì cái nong lớn hơn cái nia; cái nong để phơi bột sắn, cái nia để sảy lúa, gạo. Một số nơi ở Đại Lãnh Khánh Hoà thì cái nia lớn hơn cái nong. Cái ang dùng để đo lường , đong đếm, cứ một ang thì bằng 22 lon gạo.

Ngư dân ở vùng Quảng Ngãi Bình Định còn có cái lào, cái cộ bằng tre giống như cái thúng nhưng đan thưa, dưới đáycó hai cái nang cật làm thành chữ thập (+). cái cộ nhỏ hơn cái lào, cả hai dùng để đựng cá.Cái rế dùng để kê nồi cơm , canh

Ngày nay ,hầu hết cư dân thành phố chọn đồ dùng bằng nhựa nhiều hơn. Rất hiếm thấy có nhà nào còn dùng đồ dùng bằng tre,. Một trong những lý do để chọn đồ dùng bằng nhựa là đồ gia dụng bằng nhựa nhẹ, bắt mắt và sạch sẽ hơn. Chứ chắc chắn không phải vì rẻ tiền. Vì đồ dùng bằng tre hiện nay giá cũng thấp hơn đồ dùng bằng nhưa.

Số phận của đồ gia dụng bằng tre tưởng như sẽ đến ngày kết thúc, chỉ còn lại trong hoài tưởng. Thế nhưng trong lúc ở nước ta đồ gia dụng bằng tre đang phôi pha thì ở các nước tiên tiến lại coi trọng những đồ gia dụng thủ công mỹ nghệ. Đó là loại hàng đắt tiền gấp mấy mươi lần đồ nhựa.

Cái nhìn rồi sẽ thay đổi khác đi.Trong một ngôi nhà biệt thự sang trọng trên bàn ăn có chiếc lồng bàn đan bằng tre rất công phu, chắn chắn sẽ có giá trị và đẹp gấp mấy lần cái lồng bàn bằng nhựa sản phẩm của thứ công nghiệp hoá.

Ở phố thị hay đang ở một nước xa xôi nào đó, một lúc nào ta bỗng dưng bất chợt bắt gặp một cái rổ , rá quạu, quảu…. bằng tre , chắn chắn lòng ta sẽ không khỏi lặng đi vì bâng khuâng xao xuyến …

Một ngày nào đó, người ta sẽ trở lại với Ông đồ, mong ông vẽ cho một chữ, một câu như là bức tranh thư pháp,dùng để trang trí trong nhà vào dịp lễ tết . Một ngày nào đó người ta cũng nhận rađồ gia dụng bằng tre không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị mỹ thuật, giá trị truyền thống văn hoá hàng nghìn đời cha ông truyền lại. Lúc ấy đồ gia dụng bằng tre sẽ có giá và người thợ thủ công ở các nẻo đường làng xóm cũng sẽ có cuộc sống khá giả hơn . Một ngày nào đó người ta cũng nhận ra rằng công việc lao động đan tre không phải tầm thường nữamà là một hoạt đông lao đông nghệ thuật và bản thân ngưòi thợ cũng không phải là người lao động bình thường nữa mà là một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật đan tre lá, kết tinh của một nghề truyền thống của cha ông ta để lại./.