Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

TẢN MẠN VỀ "NỮ HOÀNG BÉ NHỎ"

 Nguyên Thanh

 SGTT Xuân 2012 - Sau thế chiến thứ 2, trong giai đoạn mà nhà kinh tế học Jean Fourastié gọi là “ba mươi năm vinh quang”, kinh tế Pháp đã tăng trưởng liên tục và nhờ thế, vào đầu những năm 1970, dân Pháp đạt đến mức sống khá cao mà bằng chứng rõ nhất là hầu hết các hộ gia đình đều có xe ôtô riêng, nhất là ở nông thôn. Kết quả là người Pháp ngày càng thờ ơ với xe đạp mà trước đó họ âu yếm gọi là “petite reine” (nữ hoàng bé nhỏ).

 Cũng như ở nhiều nước phát triển khác, từ bốn thập kỷ này ôtô đã dần dà thay thế cho xe đạp, nhất là ở các đô thị. Thế mà như mọi người đều biết, xe đạp là phương tiện giao thông không những không gây tiếng ồn và ô nhiễm mà còn rất có lợi cho sức khoẻ (chống bệnh béo phì, tim mạch, đái tháo đường…)

 Do phần lớn người dân đều ở trong các căn hộ, họ thường không có chỗ để chứa xe đạp và nhất là không tìm ra bãi gửi xe; chẳng những thế đi xe đạp còn rất nguy hiểm, đặc biệt vào những giờ cao điểm.



 Hệ thống Vélib’

 Sau khi được bầu làm đô trưởng Paris vào năm 2001 nhờ liên minh với các đảng cánh tả khác trong số đó có đảng Xanh (đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường), ông Bertrand Delanoë (thuộc đảng Xã hội) đã đề ra chính sách giảm số xe ôtô lưu thông và giảm ô nhiễm bằng những biện pháp như xây tuyến đường xe điện tramway, tăng thêm các lối đi cho xe đạp và các hành lang an toàn dành cho xe buýt, xe taxi, xe đạp và xe khẩn cấp (chữa cháy, cảnh sát, cứu thương…)

 Nhưng thành công được báo chí Pháp cũng như thế giới nói đến nhiều nhất là việc thiết lập hệ thống xe đạp tự phục vụ được gọi là Vélib’.

 Thực ra Paris không phải là thành phố đầu tiên có hệ thống xe đạp tự phục vụ: năm 1965, phong trào cực tả Provo ở Amsterdam đã lập ra hệ thống cho mượn xe đạp miễn phí, nhưng thất bại ngay. Riêng ở Pháp, vào năm 1974, đô thị biển La Rochelle (176.000 dân) đã lập ra lần đầu một hệ thống giống như Vélib’, nhưng nhỏ hơn nhiều: chỉ có 350 xe sơn màu vàng cho thuê ở ba trạm.

 Do công ty quảng cáo JCDecaux thực hiện, hệ thống Vélo’v được khởi động ở Lyon (475.000 dân) vào tháng 5.2005. Khá hiện đại nhờ dùng các thiết bị điện tử, nó khá lớn: với 4.000 xe và 300 trạm.

 Cũng do JCDecaux thực hiện, hệ thống Vélib’ của Paris lớn gấp năm lần hệ thống Vélo’v của Lyon: với 20.600 xe và 1.450 trạm.

 Theo báo Ça m’intéresse, hợp đồng về Vélib’ giữa JCDecaux và toà đô chính (TĐC) Paris như sau: trong mười năm (2007 – 2017), TĐC được JCDecaux trả khoảng 35 triệu euro tiền thuế định kỳ và được hưởng khoảng 200 triệu tiền thuê bao; ngược lại JCDecaux ước tính sẽ thu được 569 triệu euro từ việc quản lý 1.628 bảng quảng cáo. Như vậy, để có được Vélib’, TĐC thực ra phải chi khoảng 334 triệu euro trong mười năm (569 – 235 triệu), tức là bình quân phải chi 1.621 euro cho mỗi xe.

 Tiền thuê bao tương đối rẻ: 1,7 euro/ngày, 8 euro/tuần, 29 euro/năm.

 Nhằm khuyến khích việc dùng xe vélib’ đi những đoạn đường ngắn, giá biểu thuê xe được quy định theo nguyên tắc “càng dùng lâu càng mắc”: dưới 30 phút không phải trả tiền, 1 euro từ 30 phút đến 1 giờ, 3 euro từ 1 giờ đến 1 giờ 30, 7 euro từ 1 giờ 30 đến 2 giờ… Với một giá biểu như thế, tiền thuê xe thu được không đáng kể vì đa số người dùng đều dừng lại ở mức miễn phí!

 Ngay trong năm đầu, số người thuê bao xe Vélib’ lên đến 200.100. Nhưng từ mùa xuân 2010, nó giảm xuống 160.000, rồi tăng lên 180.186 từ tháng 7.2011. Từ tháng 7.2007 – 6.2011 đạt 110.000 lần thuê/ngày.

 Cho đến tháng 8.2009, 16.000 xe bị trộm hay bị phá hư, trong số đó có 8.000 xe bị trộm!

 Do nạn phá và trộm xe quá nghiêm trọng, cuối năm 2009, TĐC và JDCaux đã phải thương lượng lại: TĐC chấp nhận chi 400 euro cho mỗi xe bị phá (nếu vượt tỷ lệ 4%, cho đến 25%). TĐC phải trả cho JDCaux từ 35 – 50% tiền thuê bao.

 Theo thông báo của TĐC và JCDecaux công bố vào cuối tháng 4.2011, từ năm 2000 số vụ trộm và phá xe có khuynh hướng giảm: chỉ còn khoảng 1/3.

 Do ảnh hưởng của Paris, từ bốn năm nay phong trào “vélib’” đã dấy lên rầm rộ ở Pháp: để tạo cho mình bộ mặt “thân thiện với môi trường, hiện nay nước này có cả thảy 37 hệ thống xe đạp tự phục vụ. Phong trào này cũng lan sang nhiều nước khác: Đức (Frankfurt, Köln, Berlin, Hamburg…), Bỉ (Bruxelles…), Canada (Montreal…), Trung Quốc (Thượng Hải, Thành Đô…), Tây Ban Nha (Barcelona, Sevilla…), Anh (London, Newcastle…), Ý (Milan…), Mỹ (Washington, Boston…)

 Nhờ có Vélib’, nên dù có tỷ lệ di chuyển bằng xe đạp chỉ khoảng 5% (rất thấp so với Copenhagen: đến 55%!), Paris được tổ chức Copenhagenize xếp thứ sáu trong số 20 “đô thị thân thiện với xe đạp” (bicycle friendly cities), sau Copenhagen, Amsterdam, Barcelona, Tokyo, nhưng hơn Munich, Montreal, Dublin, Budapest, London, San Francisco, New York…

 Hà Lan: thiên đường của xe đạp

 Nhưng ở mức độ quốc gia, phải nói Hà Lan mới là “thiên đường” của xe đạp! Hà Lan thường được ca ngợi là nước duy nhất trên thế giới có số xe đạp nhiều hơn số dân: 1,1 xe đạp cho mỗi người.

 Bình quân, dân Hà Lan thực hiện 26% các di chuyển bằng xe đạp: kỷ lục thế giới! Ở nhiều đô thị Hà Lan, tỷ lệ đó vượt 30%: 37% ở Zwolle (111.000 dân), 40% ở Amsterdam (780.000 dân), 55% ở Groningen (187.000 dân)… Trong khi Strasbourg, dù có tỷ lệ cao nhất Pháp, chỉ đạt 12%!

 Sở dĩ dân Hà Lan đi xe đạp nhiều trước hết là vì đất nước của họ toàn là đồng bằng. Hơn nữa không gian cư trú của họ rất tập trung (45% người Hà Lan ở cách ga khoảng 3km), nên thích hợp với việc đi bộ và đi xe đạp. Để đi từ nhà đến các ga, 33% người dân dùng xe đạp, 33% khác đi bộ; chỉ khoảng 16% dùng xe ôtô và 16% khác dùng một phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm.

 Nhờ nhà cầm quyền rất quan tâm đến sự an toàn của người đi xe đạp (chủ yếu bằng cách tạo rất nhiều lối đi riêng và hành lang dành cho xe đạp) và nhờ có “văn hoá xe đạp” cao, Hà Lan có tỷ lệ tai nạn xe đạp thấp nhất châu Âu.

 Ở tất cả các nhà ga đều có bãi gửi xe đạp thường miễn phí và rất lớn: 20.000 chỗ ở ga trung ương của Amsterdam và của Leiden (118.000 dân), 17.500 chỗ ở Utretcht (312.000 dân), 15.000 chỗ ở Groningen (180.000 dân)…

 Trong khuôn khổ chương trình Không gian cho xe đạp (1999 – 2012), công ty đường sắt Hà Lan Prorail đã tạo 125.000 chỗ gửi xe và đã canh tân 125.000 chỗ đậu cũ. Sắp tới họ sẽ tạo thêm 50.000 chỗ gửi mới.

 Hiện tượng duy nhất trên thế giới: giữa Breda (173.000 dân) và Etten-Leur (40.000 dân) có xa lộ dành cho xe đạp dài 7km!