Hàn Phong
Beenet
Trong hàng ngàn năm lịch sử ca dao dân ca Bắc Bộ và Trung Bộ thì cái hôn là từ đại kỵ, không được phép hiện diện trong lời ca câu hát huê tình. Cùng lắm thì chỉ nói rất nhẹ nhàng: "Còn đêm nay nữa mai về/ Ngàn vàng chẳng tiếc, tiếc kề môi son".
Chính yếu tố bình dị, nghĩ sao nói vậy, mộc mạc, dễ hiểu đã làm cho ca dao miền Nam có sức sống rất mạnh. Đây là một "chặp" trong hò đối đáp trong ruộng cấy:Chàng trai: "Thấy em gò má hồng hồng/Phải chi em đừng mắc cỡ, anh bồng anh hun." Cô gái đang cấy dưới ruộng, mình mẩy đầy bùn sình, hỏi lại cắc cớ: "Hai tay em cắm xuống bùn/Cả mình lấm hết, anh hun chỗ nào?" Chàng trai trả lời tỉnh bơ: "Cầu trời đổ trận mưa rào/Bùn sình trôi hết, chỗ nào anh cũng hun!"
Cái lối vào đề huỵch toẹt, chớt nhả thế này không thể tìm thấy trong ca dao Bắc Trung Bộ: "Đôi mình mới gặp ngày nay/Cho hun một cái em Hai đừng phiền." Chàng trai đắc ý, tưởng cô gái sẽ thẹn thùng hay buông một lời rủa sả cay nghiệt nào đó, không dè cô gái chẳng phải vừa, đốp chát liền: "Muốn hun thì hun cho liền/Đừng làm thố lộ xóm giềng cười em." Chàng trai thấy lỡ rồi đành tới luôn: "Tui hun mình có la làng/Thì tui hun riết hai đàng chịu chung/Tui hun mình có làm hung/Nhơn cùng tắc biến, tui chun xuống sàn/Dao phay kề cổ, máu đổ không màng/Chết thì chịu chết, buông nàng không buông." Tới nước này thì cô gái đành thở dài vì nhận ra "chân tướng" đối tượng: "May không chút nữa em lầm /Khoai lang khô xắt lát em tưởng cao ly sâm bên Tàu."
Nhớ hôm về Bạc Liêu, trong bữa nhậu có cô gái khi bị ép nhậu đã "ứng khẩu" rằng: "Con giun xéo lắm cũng quằn/Bậu "chơi" tui quá, tui mần bậu luôn!" Chắc hẳn đây là "ca dao tân thời" nhưng nó cũng toát lên cái chất rắn rỏi, đầy cá tính của người con gái miền Tây Nam bộ, như đã từng thể hiện qua câu ca: "Ví dầu tình có dở dang/Tự "ên" thiếp chống đò ngang thiếp về." ("Ên" là tự mình, không cần nhờ vả, không thèm thở than, đã dấn thân vì tình thì sẵn sàng chấp nhận khổ đau.)