Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

QUÊ NGOẠI SÔNG CẦU TRONG KÝ ỨC TÔI

Vịnh Xuân Đài, Sông cầu


Minh Văn

 Cuộc sống luôn có những đổi thay, mỗi lần đối mặt với những thay đổi tôi lại trở về quê ngoại – Thị Xã Sông Cầu thân thương để “làm mới” lại bản thân mình và chuẩn bị cho một hành trình mới. 

Sông Cầu bây giờ đã trở thành một thị xã, nhưng với tôi Sông Cầu mãi là một thị trấn yên tĩnh và xinh đẹp. Đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… ngày nay sao có thể thay thế được xóm Chợ, xóm Bến Xe… của ngày xưa. Nhìn các đoàn ca múa nhạc luân phiên biểu diễn trong sân khấu rộng lớn, hiện đại của thị xã tôi lại nhớ thời thơ ấu. Cái thời tôi còn là đứa trẻ cầm tấm đòn (*), lon ton đi theo bà ngoại và các dì hàng cây số dưới ánh trăng để xem gánh hát cải lương diễn ngoài sân bãi và khi ra về bao giờ cũng với đôi mắt đỏ hoe. 

Trên dốc Găng nhìn xuống, Sông Cầu xanh mượt mà nằm lọt thỏm giữa rừng dừa dày đặc ven biển trong vịnh Xuân Đài. Hai nhánh sông Tam Giang và Thị Thạc thơ mộng dịu dàng băng ngang thị xã cung cấp phù sa cho vùng đồng bằng trù phú ven bờ. Xa xa ngoài khơi các dãy núi xen kẽ nhau ôm trọn Sông Cầu, tạo ra vũng Chào, vũng La… những làng chài nổi tiếng và những thắng cảnh đẹp còn hoang sơ. 

Món ăn khoái khẩu của tôi ở đây là món cá bống kho béo ngậy được chế biến qua bàn tay khéo léo của ngoại và canh chua lá me với ớt bột cay xè đặc trưng của vùng biển này. Không hiểu sao tôi luôn có cảm giác thèm món ăn sáng dân dã bánh căn, bánh hỏi, bánh bèo… được bán bởi những người dân hiền lành, thân thiện. Món ăn chơi ngon nhất mang đặc trưng của Sông Cầu là ốc quắn chấm nước mắm me gừng. Cảm giác sung sướng khi lể từng con ốc quắn nhỏ xíu chấm nước mắm cho vào miệng thưởng thức là không gì sánh được. Thâm niên nhất trong các hàng ốc có lẽ là cô Mau, cô đã hơn 20 năm bán ốc với nước chấm ngon có tiếng. Cho đến bây giờ, nụ cười rạng rỡ đón chào của cô mỗi khi tôi đến hàng ốc không phai mờ trong tôi. Cô là biểu tượng sống động về sự mộc mạc, chân chất và mến khách của người dân nơi xứ dừa. 

Người Sông Cầu rất nặng chữ tình, chữ nghĩa. Đôi khi tôi tự hỏi có phải Sông Cầu đang đứng ngoài sự phát triển của xã hội hay không? Cho dù đường sá, nhà cửa ngày một đẹp hơn, khang trang hơn nhưng tình cảm xóm giềng, bằng hữu ở đây vẫn vậy. Hầu như mọi người đều biết nhau, lúc nào cũng có thể nghe mọi người cười nói, thăm hỏi, chia sẻ với nhau về gia đình, công việc ngay ngoài đường. Khi nhà nào có giỗ chạp, mọi người sum họp phụ giúp nhau. Người dân ở đây rất thọ, có lẽ một phần là vì họ sống rất lạc quan. Ông ngoại tôi dù đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và có nhiều bạn. Những ngày hè, sáng nào tôi cũng bị đánh thức bởi những câu chuyện rôm rả của nhóm bạn già. Trùm mền giả đò ngủ để nghe lén những câu chuyện ấy là một trong những thú vui của tôi, tin tức thời sự trong nước, quốc tế và địa phương đã được tôi cập nhật ngay trên giường. Những lời bình luận cuối những bản tin bao giờ cũng chứa đựng sự tin tưởng, hy vọng về một ngày mai. Một phần khác có lẽ là do những người bạn già của ngoại có thói quen tập thể dục, buổi sáng người thì tắm biển, người chạy bộ, buổi chiều đi bộ quanh các công viên hay dọc bờ biển. Văn hóa tập thể dục cũng bao gồm luôn việc chia sẻ thông tin, tiếng cười nói lúc nào cũng rôm rả. 

Thị trấn Sông Cầu ven biển xinh đẹp ngày nào đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Những ngày hè về quê ngoại là nguồn năng lượng luôn được dự trữ góc khuất trong tim tôi. Khi gặp thất bại trong công việc, đau đớn với nỗi mất cha… thì điều đầu tiên tôi làm là trở về đây, để được đứng trước biển chiêm nghiệm về cuộc sống, sẻ chia với sóng biển, nói chuyện với những hàng cây, để được người thân an ủi, vỗ về. 

Mãi đến tận hôm nay tôi vẫn giữ thói quen ấy.
Dù cuộc sống có vật đổi sao dời, tình cảm của tôi đối với nơi này vẫn vậy. 

Nhớ lắm, quê ngoại ơi!
 Thương lắm, Sông Cầu ơi!

 MINH VĂN

(*) là một ghế nhỏ cao khoảng 1 tấc bằng gỗ.