Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

SỐC VĂN HÓA VÀ NHỮNG CHUYỆN THẦY CAI



Lê Đỗ Huy
Vietnamnet

“Sốc” văn hoá

Cuối những năm 90, “chú Tễu” là tôi trở về Tổ quốc. Về văn hoá, tôi chợt cảm thấy như đang lạc vào một nước khác. Trên kênh giải trí và thể thao vô tuyến truyền hình đang chập chững thử nghiệm về các trò tiêu khiển mới…
Chốc đà mười mấy năm trời. Văn hoá truyền thông (media culture) vẫn bập bẹ, nếu không nói là vẫn chập chững dưới chân dốc. Bóng đá, tenis quốc tế trên truyền hình, kể cả kênh phổ cập, quá nhiều, gây cảm tưởng như một thứ “thuốc ngủ”, gây lãng phí về thời lượng media, tài nguyên quốc gia, vận hội của đất nước. Các kênh truyền hình nhìn chung đều ngập trong phim Hàn Quốc, phim Tàu. Nhớ có lần chú họ tôi, một giáo sư Việt Kiều ở Pháp về, sau khi lướt kênh truyền hìnhViệt Nam, hỏi “Chú về được hơn 10 ngày rồi, mà hình như vẫn đang Tuần lễ phim Trung Quốc”?
Nhiều chương trình phổ biến kiến thức vẫn còn gồm những buổi phát hình trong đó lộ rõ ý đồ dẫn dắt của nhà tài trợ.Những mệnh đề “những toan tính rất đời thường”, “những sát thủ máu lạnh”, “tình yêu của đôi trai gái sống theo bản năng” … vẫn văng vẳng trong quảng cáo phim, liệu có thể là tiếng gọi vào đời của lý trí và nhân phẩm?
Sách văn học thì cũng hầu như không thể xem nổi, nhưng chưa đến nỗi tệ như phim mới, loại hình “nghệ thuật” như chỉ thấy thể hiện vũ lực, tình dục, và ca ngợi sự thành đạt bằng mọi giá.
Đa số phim Việt Nam hôm nay không thể xem, nhiều bài hát Việt mới nghe như bài … hét. Ca nhạc, thơ … nói chung khó được xem là tiếng nói của tình cảm yêu tổ quốc, yêu đồng bào, của tình yêu đôi lứa thiêng liêng, trong sáng… Ai đó đã bảo rằng nếu không sáng tác nhạc được ra hồn, thì cứ việc hát nhạc đỏ, nhạc xanh, nhạc tiền chiến, thậm chí những bài nhạc vàng nào hay… cần gì cứ phải V – pop cho tốn kém, rồi kêu là “thảm hoạ”. Lại nhớ lời Bob Dylan: 'Hát các bài hát hay đã được sáng tác là đủ, khỏi cần làm thêm những bài dở…".
Văn hoá Việt hôm nay mang cả nét “chợ chiều” lẫn “chợ đêm”. Sân khấu thì nửa Tây, nửa tàu, nửa dân gian, “khi cảnh, khi tiu, khi…”. Lúc đụng hàng, lúc xả hàng: có cả hàng “xách tay”, khá “gin”, như ban nhạc Úc phong cách ABBA gần đây, lẫn “hàng nội địa hoá”, như phim Hàn với đào kép Việt…

Những “thày cai” văn hoá
Những tâm hồn “hàng thịt” hẳn không màng đến chuyện tiếng vọng của cuộc sống (nhân sinh), và các quy luật của nghệ thuật, thường phức tạp, sâu lắng hơn các bài vở tuyên truyền, cổ động đã sáo mòn, lẫn công nghệ tổ chức sự kiện sành điệu.
Có quan chức quản lý phim trên truyền hình phán: “Nếu phải chọn giữa các phim Mỹ, Hàn Quốc để phát sóng thì tôi sẽ chọn phim Trung Quốc”, vì văn hóa Trung quốc gần với Việt Nam hơn (?). Các phụ huynh thì trộm nghĩ rằng tiêu chí chọn phim, chí ít, phải là hay (giải trí), và bổ ích (giáo dục) mới phải chứ ạ.
Quản lý văn hoá hôm nay cũng mang phong cách “quản lý chợ”: hoặc lăm le cấm, hoặc cho thả cửa. Chắc là cũng đi đêm, đi cửa sau…
“Văn hoá quần chúng” hôm nay cho phép đánh thức (trong khuôn khổ luật pháp?), một số bản năng mà các cụ từng cho là hạ tiện. Ví dụ, để thư dãn có thể xem “ảnh nóng”, chỉ cùng lắm khuyên là nên giữ mắt. Sao muốn toả sáng chỉ việc “xiêm y trễ tràng” ngay “giữa làng”… Chỉ thấy xui thư dãn các kiểu, không thấy mấy tư vấn cả về khuôn khổ pháp lý lẫn sức khoẻ cộng đồng. Đồng thời, những ranh giới nếu được vạch ra, chỉ đáng tin khi trong tay trí thức không phải là “dao thớt”.

Ô nhiễm môi trường
Trong một xã hội mà sức khỏe tinh thần trục trặc bởi các giá trị “văn thể mỹ” giả tạo, sức khoẻ thể chất của thế hệ mới tất ọc ạch theo.
Cuộc đua những con số thành tích giáo dục và và sự phụ thuộc vào màn hình nhỏ của TV và máy tính khiến chúng ta phải mừng hú mỗi khi gặp một học sinh, SV nào không đeo kính. Càng ngày các em càng bị tách xa khỏi khỏi môi trường tự nhiên. Em nào ham thể thao là phụ huynh rạng rỡ, không còn bị chê “đầu óc tu mi si, tứ chi phát triển” như tôi ngày xưa…
Một nghĩa vụ của trí thức là phải bắt bệnh, thậm chí kiến tạo ra các “kháng thể miễn dịch”, tạo “chất giải độc” cho môi trường văn hoá, môi trường tự nhiên. Nhưng hôm nay, khối vị học hành phấn đấu chỉ để lãnh các danh hiệu khoa học, nghệ thuật, xong là “rửa tay gác kiếm”.
Học giả thế giới đồng nhất với cha ông ta, rằng khi con người đứng ngoài “trường năng lượng văn hoá”, anh ta thôi là con người. Vì các giá trị văn hoá của bao đời nay, ở bất cứ đau, không thay đổi: không gian tham, không độc ác, hại người, thanh khiết, giữ lời hứa, cần lao, độ lượng, khiêm tốn, trọng danh dự và sự thật, dũng cảm…
Môi trường văn hoá hôm nay đều đều vài bài độc diễn chống “gió độc” sáo mòn trên lề phải. Rác rưởi vẫn ngự trị. Đâu rồi tiếng con cuốc cuốc, cái gia gia ấm lòng người?
Họp hành đầu năm thì giải lao bằng “hai ả tròn xoe”, khoe vòng các loại. Đâu rồi những đờn ca tài tử, từng làm già trẻ đều nước mắt vòng quanh, nhớ thời mở nước...

Phương tiện bào chữa cho mục đích?
Có phải vì muốn tăng doanh thu bằng quảng cáo, gánh đỡ cho ngân sách, mà “nhà đài” đành chấp nhận nhiều giao diện phản văn hoá, thậm chí xói mòn truyền thống và dân tộc tính?
Giáo dục thị hiếu cho thế hệ sau, một chức phận của trí thức, đang được thả nổi. Trừ một vài ý kiến e lệ nêu hiện tượng này kia là phản cảm, chẳng thấy mấy lý luận phê bình gì. “Dọn vườn” thì làm kiểu “xong sớm, nghỉ sớm”, "an toàn là trên hết"...
Việc cảnh báo để cư dân tách khỏi “trường năng lượng văn hoá giả” cũng là chức phận của trí thức, văn nghệ sĩ.
Hôm nay, như truyền thông nước người từng nhận định, những con sóng Hàn lao vào lòng trẻ Việt như vào chỗ không người. Các nhà nghiên cứu văn hoá Việt từ thời còn kinh tế đạo đức (moral economy) như Samuel Popkin (trong Người nông dân điều độ: Kinh tế chính trị trong xã hội nông thôn Việt Nam/The Rational Peasant: The Political Economy of Rural Society in Vietnam) chỉ ra một thế mạnh của người Việt, so với lân bang, là ở khả năng vay mượn văn hoá.
Nhưng nếu để bắt nghiện đến mức, chẳng hạn, hình thành cả “một thế hệ Hàn”, như cách diễn tả của tờ The Korea Herald, thì sức đề kháng của một dân tộc từng quyết tử để được “răng đen, dài tóc” có còn không?