Nguyễn Khánh Trung*
Tia Sáng
Theo thống kê giai đoạn 1996 – 2005, cả Việt Nam chỉ có 69 công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội, nghĩa là trung bình chỉ khoảng 7 công bố mỗi năm cho hằng trăm viên nghiên cứu và đại học trong cả nước. Tại sao lại thế?
Tôi viết những dòng này sau khi đọc bài “Báo động đỏ về đào tạo khoa học xã hội và nhân văn” của TS. Ðoàn Lê Giang. Tôi hoàn toàn chia sẻ với ông khi ông nhận định và được Tạp chí Hồn Việt nhấn mạnh: “Tôi xin lỗi tất cả để nói rằng: đào tạo KHXH&NV của chúng ta hiện nay là kém nhất trong lịch sử: thua giáo dục thời phong kiến và thời thực dân Pháp…”1. Và đương nhiên là thua xa so với thiên hạ, không những về đào tạo mà còn cả về nghiên cứu, bởi hai chuyện này vốn gắn bó hữu cơ với nhau. Chúng ta chẳng gây dấu ấn được gì, không tạo ra được các dòng, các lý thuyết nào mang tên Việt Nam, chẳng có ai kiểu như E. Kant của Ðức, J.P. Sartre hay P. Bourdieu của Pháp cả. Theo thống kê giai đoạn 1996 – 2005, thì cả Việt Nam chỉ có 69 công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội2, nghĩa là trung bình chỉ khoảng 7 công bố mỗi năm cho hằng trăm viên nghiên cứu và đại học trong cả nước. Tại sao lại thế? Trong Hội thảo “Khoa học xã hội thời hội nhập” do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức trong ngày 15/12/2011 vừa rồi, các diễn giả đã giải thích là có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn do chúng ta “tự dựng nên một hàng rào về nhận thức” trước các lý thuyết khoa học Phương Tây, do khoa học xã hội bị “tầm thường hóa và chính trị hóa”3 v.v.
Do tôi chưa có điều kiện để phân tích sâu các nguyên nhân thực trạng KHXH, bài viết này chỉ là một vài cảm nghĩ về phương diện quản lý nghiên cứu, những gì ít nhiều đã được các diễn giả trong hội thảo nhắc tới ở trên đã đề cập.
Vấn đề quản lý nghiên cứu
Bản thân khái niệm “quản lý nghiên cứu” đã là một vấn đề, mà Frank H.T. Rhodes, hiệu trưởng Ðại học Cornell liên tục trong ba nhiệm kỳ, tác giả cuốn “Tạo dựng tương lai” rất nổi tiếng, đã phê bình là nó hàm chứa sự mâu thuẫn giữa nghiên cứu và quản lý. Theo ông, nhà nghiên phải được làm việc trong một tâm thế hoàn toàn tự do, bởi “quyền tự do cho phép những học giả giỏi nhất trong lĩnh vực của họ theo đuổi các ý tưởng đem lại sức sống mãnh liệt và sự mới mẻ, độc đáo cho cộng đồng viện đại học. Nghiên cứu trong các viện đại học không được quản lý và không được chỉ đạo bởi lẽ những nỗ lực quản lý có nhiều khả năng phản tác dụng, xét về lâu dài”4.
Kết quả nghiên cứu trước hết là thành quả hoạt động sáng tạo cá nhân. Những ý tưởng sáng tạo lắm khi đến bất chợt, khó có thể đoán định trước, như I. Newton đã đưa ra Ðịnh luật Vạn Vật Hấp Dẫn từ việc nhìn thấy trái táo rơi, như C. Darwin đã đưa ra lý thuyết Tiến Hóa từ việc đọc cuốn sách về dân số do một tu sĩ người Anh viết. Nào ai có thể lên chương trình trước cho nhà bác học Newton rằng nhiệm vụ của ông là giờ đó phải ngồi dưới gốc cây táo để quan sát trái táo rơi và sau đó phát triển thành lý thuyết. Một ý tưởng lóe lên bất chợt từ việc quan sát một hiện tượng thiên nhiên của một con người đam mê khám phá, với trí thông minh, và óc tò mò khoa học, đã đưa nhà bác học đến thành công. Ðiều này hoàn toàn mang dấu ấn cá nhân chứ không phải tập thể được quản lý, được chỉ đạo từ cấp trên.
Do đó, viện nghiên cứu nên là nơi, là môi trường hoạt động, trao đổi học thuật qua lại giữa các nhà nghiên cứu, nơi mỗi người có thể đặt những đề tài của mình trước lăng kính, trước sự phản biện của các đồng nghiệp cùng hay khác chuyên môn... Hữu ích của nó là tạo ra sự tương tác cộng hưởng, giúp nhà nghiên cứu có cái nhìn nhiều chiều, kích thích tư duy, khuyến khích khám phá tìm tòi, chứ viện nghiên cứu không nên là nơi áp đặt những nguyên tắc, những định hướng hay bất kỳ thứ gì khác. Ðương nhiên, khi nhà nghiên cứu được hưởng hoàn toàn tự do như một đặc ân, thì họ cũng phải có đạo đức, chuẩn mực và trách nhiệm của nghề làm nghiên cứu trong sự tương quan với tổ chức mà mình trực thuộc, với các đồng nghiệp cũng như với xã hội nói chung.
Tinh thần tự do trong nghiên cứu học thuật đã có lỉch sử 200 năm khởi đầu từ tư tưởng của E. Kant và W.V. Humboldt, đã làm cho nền đại học Ðức và các nước Tây Âu phát triển. Hòa kỳ là quốc gia biết vận dụng tinh thần tự do học thuật này, và nhờ vậy đã tạo ra một nền học thuật hùng cường, đem lại sự thịnh vượng cho họ trên nhiều mặt.
Việt Nam có vẻ đang xa lạ với tinh thần này, nên đại học vì thế không thể trở thành nơi ươm mầm cho những sáng tạo, nhất là những sáng tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội. Nền giáo dục của chúng ta đã từng kẹt trong truyền thống nho giáo và bối cảnh kinh tế chính trị tập trung kiểu Xô Viết một thời nay đang phải tìm đường cải cách, lại gặp ngay trào lưu thị trường hóa giáo dục vốn đề cao tính kinh tế và thực dụng trong giảng dạy và nghiên cứu, đang xô đẩy các nền đại học trên thế giới.
Như đã nói, việc tìm cách quản lý về thời gian, về công việc của nhà nghiên cứu đã là không nên, huống hồ là quản lý, là định hướng tư tưởng của nhà nghiên cứu, như một số diễn giả trong hội thảo đã đề cập phần nào phản ánh. Có lẽ vì chuyện này, mà trong lĩnh vực khoa học xã hội đang tồn tại nhiều “vùng cấm”, “vùng nhạy cảm” mà nhà nghiên cứu phải tránh, hoặc phải vòng vo, mà khoa học lại vốn dĩ không có những vùng như thế. Câu chuyện về nhà bác học Galilei thời trung cổ gặp khó khăn khi tuyên bố trái đất tròn và đang quay, chẳng lẽ vẫn còn đâu đó trên đất nước chúng ta ? Nhà nghiên cứu sẽ chẳng có thể làm được điều gì mới mẻ cho khoa học, cho xã hội khi đã bị điều kiện hóa trong tư tưởng và trong công việc.
Nhìn ra thiên hạ, những nước phát triển nhất là những nước đã từ rất sớm biết tạo ra một môi trường cho các tư tưởng lớn phát triển, tạo thành các dòng, các trường phái triết thuyết trong mọi lĩnh vực khoa học, nhất là khoa học xã hội, làm nền tảng cũng như dẫn dắt chỉ đường cho toàn xã hội đi lên. Vai trò của khoa học xã hội trong đời sống xã hội cũng tựa như đời sống tinh thần, tư duy nơi một con người, khi những thứ này có vấn đề, không chuẩn thì số phận cá thể này sẽ ra sao ?
Ông Giang trong bài báo nói trên cũng cảnh báo “sai lầm thuộc về lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục… tức là KHXH&NV sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng và lâu dài, có khi mất đến hàng mấy chục, hàng trăm năm mới khắc phục được.” Nhận xét này cũng hoàn toàn phù hợp với lời cảnh báo của UNESCO trong: “Tuyên bố Sinaia (Romania) năm 1992 rằng “Lịch sử đã cho thấy rằng sự vi phạm quyền tự do học thuật nghiên cứu và quyền tự chủ của đại học phải trả giá đắt về mặt trí tuệ, sự tha hoá xã hội cũng như sự trì trệ về kinh tế”5. Phải chăng tình trạng xã hội hiện nay của chúng ta đang chứng thực lời cảnh báo này?
---
* Viện Nghiên Cứu Phát Triển Giáo Dục IRED
1. http://honvietquochoc.com.vn/Giao-duc/Bao-dong-do-ve-dao-tao-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van.aspx
2. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111215/vn-chi-co-2-bai-bao-ve-khoa-hoc-xa-hoi-tren-tap-chi-the-gioi.aspx
3. http://tuanvannguyen.blogspot.com/2011/12/hoi-thao-khoa-hoc-xa-hoi-thoi-hoi-nhap.html
4. Dịch qua tiếng Việt bởi Hoàng Kháng và nhóm dịch, lược đăng trong Kỷ yếu Ðại học Humboldt 200 năm (1810 – 2010) – Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam. Hà Nội. Nxb. Tri Thức. Tr. 342 - 343.
5. La Declation Sinaia sur la Liberte Academique et l’Autonomie universitaire, UNESCO thông qua năm 1992.