Công trạng Cống Quận công Trần Đức Hòa - Kỳ 3: Theo dấu người xưa
Để kết thúc loạt bài này, chúng tôi đã tổ chức một chuyến điền dã về Bình Định, thăm lại những dấu tích, di tích liên quan đến các nhân vật lịch sử Trần Đức Hòa, Đào Duy Từ và cả nơi phôi thai chữ quốc ngữ...
Anh Trần Đức Nghị (hậu duệ đời thứ 13 của quan Khám lý Trần Đức Hòa) và vợ là chị Đào Thúy Hằng (con gái lớn của nhà văn Sơn Nam) đã từ TP Mỹ Tho lái xe lên TP.HCM và chở người viết ra TP Quy Nhơn. Tại đây chúng tôi đón thêm anh Nguyễn Thanh Quang là cán bộ Bảo tàng Bình Định. Có “thổ địa”, chúng tôi an tâm “khám phá” những dấu tích người xưa...
Trước tiên, chúng tôi về vùng Nước Mặn - là nơi mà cách đây 400 năm, chính xác là năm 1614, Quan trấn Trần Đức Hòa đã cho phép các giáo sĩ Dòng Tên lập địa điểm truyền giáo đầu tiên tại xứ Đàng Trong. Và chính từ địa điểm này, chữ quốc ngữ đã được phôi thai và phát triển... Trong tài liệu của các giáo sĩ ở thế kỷ thứ 17 thì Nước Mặn là một thị tứ sầm uất ở bên bờ đầm Thị Nại, nhưng bây giờ bờ đầm đã xa ngút mắt. May mắn là ở thời điểm chúng tôi đến Nước Mặn được chứng kiến công trình bia lưu niệm của giáo phận Quy Nhơn mới được chính quyền địa phương cho phép dựng lên trên nền nhà thờ cũ mà quan Trần Đức Hòa đã sai quân lính xây dựng cho các giáo sĩ Tây phương (nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, H.Tuy Phước).
Công trình là một cây đa lớn đắp bằng xi măng trổ sinh nhiều ngọn ngành, hoa trái. Dưới gốc cây, phía chính diện là tấm bia khắc dòng chữ: “ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ - Tại nơi đây Nước Mặn: Ba linh mục Dòng Tên Francesco Buzomi (người Ý), Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha), Cristoforo Borri (người Ý) và tu huynh António Dias (người Bồ Đào Nha) đã đến lập cơ sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618 do lời mời của quan Trần Đức Hòa Khám lý phủ Quy Nhơn...” (ngoài bản chữ quốc ngữ, còn có các bản khắc chữ Hán, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, La-tinh, Pháp, Anh có cùng nội dung gắn chung quanh gốc đa này).
Trên đường về, chúng tôi còn đến đốt nhang trước linh vị của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (con rể của Trần Đức Hòa) trong đền thờ ông tại xã Hoài Thanh Tây, H.Hoài Nhơn (nghe nói trước đây xã này có tên là Ngọc Sơn, do Đào Duy Từ đặt để hoài vọng quê mình ở Thanh Hóa). Người trông coi hương hỏa ở đền thờ Đào Duy Từ là một hậu duệ: bác sĩ Đào Duy Nhơn, nhà ở sát ngay bên đền thờ. Ông hiện đã về hưu nhưng tình nguyện phục vụ tiếp ở bệnh viện 10 năm không hưởng lương. Trên con đường dẫn vào đền thờ Đào Duy Từ còn có một ngôi mộ bề thế, bia ghi rõ (nhưng rất mơ hồ) là “Lăng: Đại lang - Lê Phú Ông. Thế kỷ 16: Thủy tổ Lê tộc. Dưỡng tổ Đào tộc” (“đại lang” và “phú ông” chỉ là một cách gọi, không phải là tên riêng. Đúng ra là thế kỷ 17. “Thủy tổ Lê tộc” và “Dưỡng tổ Đào tộc” là… thậm xưng. Đáng ra chỉ nên ghi “cha nuôi của Đào Duy Từ”).
Rời đền thờ Đào Duy Từ, chúng tôi đến thôn An Đỗ, H.Hoài Nhơn - nơi có mộ của Cống Quận công Trần Đức Hòa. Về nhân vật lịch sử này, sử sách nhà Nguyễn không ghi lại năm sinh và năm mất nhưng trong Xứ Đàng Trong năm 1621 của giáo sĩ Cristoforo Borri (được viết bằng tiếng Ý và in ở Roma năm 1631. Trong khoảng thời gian từ 1631 đến 1633 được dịch qua tiếng Pháp, La-tinh, Hà Lan, Đức, Anh… Sau 3 thế kỷ lại được dịch sang tiếng Pháp và in ở tạp chí Đô thành hiếu cổ Huế 1931) gồm 18 chương, có dành hai chương viết về Trần Đức Hòa (chương 9: Quan trấn tỉnh Quy Nhơn và chương 10 Quan trấn tỉnh Quy Nhơn qua đời) và chi tiết hơn, trong Bản tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong cũng của giáo sĩ Cristoforo Borri (Dòng Tên in ở Roma - Ý, Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên dịch), theo đó: Trần Đức Hòa đột ngột mắc bệnh và qua đời sau một chuyến đi săn voi. Lễ tang ông được tổ chức với “Những nghi lễ một cách rất trịnh trọng, rất huy hoàng để người quá cố trở thành bất tử và để ghi nhớ, kính trọng và tôn thờ muôn đời… Thế là có sắc lệnh (của chúa Nguyễn) trong đám ma không được tỏ ra đau khổ và buồn rầu như thói thường, mà phải mở hội vui linh đình để cho người ta hiểu ông xứng đáng được vinh dự được lên ngang với thần thánh…Xác được đặt trong quan tài bằng bạc để trong nhà táng, đưa về nơi sinh quán gọi là Chifu (?), cách xa tư dinh chừng 3 ngày đường với đoàn tùy tùng rất đông (điều này chúng tôi đã kiểm tra và thấy từ Nước Mặn đến nơi có mộ ông khoảng 80 km, phù hợp với khả năng đi bộ vào thời đó - NV).
Sau ba ngày liên tiếp cúng tế và làm các nghi lễ, họ châm lửa đốt các đồ mã gồm tư dinh, đền đài và tất cả các dụng cụ trừ linh cữu và thi hài người quá cố, sau đó được đem chôn và được chuyển bí mật và giấu giếm tới mười hai lần, từ mộ này đến mộ kia. Họ làm thế để cho dân không biết rõ nơi chôn. Người ta tôn thờ vị thần mới này ở khắp các nơi. Ở nơi đâu cũng tưởng là có được hài cốt… Chúa (Nguyễn) truyền lấy 3 năm lợi tức trả cho quan trấn của tỉnh này để dùng vào sở phí và tiêu dùng trong dịp này. Vì thế trong thời gian 3 năm, chúa không cắt đặt một quan trấn thủ nào khác, vì mọi người đều tin chắc hồn người quá cố được liệt vào hàng thần thánh, có thể tự mình cầm quyền cai trị trong 3 năm đó. Trong khi chờ đợi, chúa đặt người con của người quá cố làm Phó trấn thủ và tướng lãnh của tỉnh...” - (Theo tài liệu của ông Nguyễn Thanh Quang - Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định).
Nhưng khi chúng tôi đến mộ ông thì… chẳng có đường lên. Trước đây mộ của ông nằm trên một ngọn đồi mà theo ông Nguyễn Khắc Nhu (dân địa phương đi kháng chiến, về hưu làm nhà dưới chân đồi tình nguyện chăm sóc mộ ông Trần Đức Hòa) là ông “ngự” ngay trên lưng voi, còn cái đầu và vòi voi thì ở cách đó cả cây số. Sau này, chính quyền địa phương cho xẻ ở mé cạnh ngôi mộ một con đường để “cạp” đất ở phía sau ngọn đồi đem bán. Chỉ mới hai mùa mưa, nước lũ đã khoét sâu con đường đất và làm sạt lở hai mép đường, ngôi mộ có nguy cơ bị xâm hại mà con cháu, người dân muốn đến viếng ông lại không có đường lên mộ. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cũng nên có biện pháp khắc phục.