Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

BÀN VỀ SỰ CHUNG SỐNG HOÀ BÌNH GIỮA CÁC DÂN TỘC


Bài viết cho chương trình truyền hình của Bà phu nhân tổng thống Roosevelt

Cha đẻ của học thuyết tương đối bất hủ không tin việc cùng kỹ thuật quân sự và sức mạnh anh ninh có thế mang lại hòa bình cho thế giới. Theo ông, muốn hòa bình thì các quốc gia phải tin tưởng lẫn nhau, cùng khước từ bạo lực và áp dụng một cấp thẩm quyền hành pháp và tư pháp siêu quốc gia.


Thưa Bà Roosevelt! Tôi xin cảm ơn Bà, vì Bà đã cho tôi cơ hội trình bày quan điểm của tôi về vấn đề chính trị quan trọng nhất này:
Trong tình trạng hiện nay của kỹ thuật quân sự, sự tin tưởng rằng, người ta có thể có được an ninh nhờ vũ trang cho đất nước mình, hoàn toàn chỉ là ảo tưởng. Về phía nước Mỹ, ảo tưởng này còn được khuyến khích đặc biệt bởi một ảo tưởng thứ hai là trước tiên thành công trong việc chế tạo bom nguyên tử ở nước này. Người ta có xu hướng tin  rằng, về lâu dài có thể đạt được ưu thế tuyệt đối về quân sự. Theo cách này, người ta tin là có thể làm cho bất cứ kẻ thù tiềm năng nào phải khiếp sợ, qua đó mang lại cho chính chúng ta và toàn thể nhân loại an ninh mà tất cả mọi người mong muốn tha thiết.
Câu châm ngôn được chúng ta tin cậy trong suốt năm năm qua là: An ninh bằng sức mạnh vượt trội, dù phải trả bằng bất cứ giá nào
Hậu quả của thái độ máy móc, kỹ thuật-quân sự và tâm lý này là không thể tránh được. Mọi hành động đối ngoại đều bị khống chế bởi quan điểm duy nhất: Chúng ta phải hành động như thế nào để trong trường hợp chiến tranh, có được ưu thế hơn hẳn so với kẻ thù? Đó là việc thiết lập các căn cứ quân sự tại tất cả các vị trí quan trọng về chiến lược trên trái đất, vũ trang và gia tăng sức mạnh về kinh tế cho các nước đồng minh tiềm tàng; ở trong nước, tập trung quyền lực tài chính khổng lồ vào trong tay quân đội, quân phiệt hóa giới trẻ, giám sát lòng trung thành của các công dân và đặc biệt của các quan chức thông qua hệ thống cảnh sát ngày càng trở nên hùng mạnh, đe dọa những người có tư duy chính trị độc lập, gây ảnh hưởng đến tâm trạng của dân chúng thông qua đài phát thanh, báo chí và trường học, cấm các khu vực thông tin đang phát triển viện cớ liên quan đến bí mật quân sự.
Những hậu quả tiếp theo: Cuộc chạy đua vũ trang vốn được xem là sự phòng ngừa giữa Liên Xô và Mỹ nay mang tính chất điên rồ. Ở cả hai phía, phương tiện giết người hàng loạt được sản xuất trong tình trạng dồn dập sôi động đằng sau những bức tường bí mật.
Trong triển vọng, bom H được xem như một mục tiêu có thể đạt được. Tổng thống long trọng công bố về sự phát triển nhanh chóng của nó. Nếu thành công, thì về mặt kỹ thuật, bom H có thể gây ra hiện tượng nhiễm phóng xạ cho bầu khí quyển và sự huỷ hoại toàn bộ sự sống trên trái đất. Điều khủng khiếp của diễn biến này chính là ở tính có vẻ tất yếu của nó. Mỗi bước tiến dường như là hậu quả không thể tránh được của người đi bước trước. Có thể thấy ngày càng rõ rằng, rút cuộc sẽ là sự hủy diệt tất cả.
Liệu có thể có giải pháp gì nói chung để cứu vãn tình hình do chính con người tự tạo ra này được hay không? Tất cả chúng ta và đặc biệt là những người có trách nhiệm về hành động của Mỹ và Liên Xô, cần phải học cách thừa nhận rằng, tuy họ đã kìm chế được kẻ thù bên ngoài, nhưng lại không có khả năng tự giải phóng mình khỏi tâm trạng do chiến tranh tạo ra. Không thể đạt được hòa bình thực sự, nếu người ta định hướng phương thức hành động của mình dựa vào khả năng có thể xảy ra một cuộc xung đột trong tương lai, đặc biệt khi người ta ngày càng biết rõ rằng, một cuộc xung đột chiến tranh như thế có nghĩa là sự hủy diệt tất cả.
Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo của tất cả các hành động chính trị phải là: Chúng ta có thể làm được gì để tạo ra được một sự chung sống hòa bình, thỏa đáng trong khuôn khổ có thể giữa các quốc gia? Vấn đề đầu tiên là loại bỏ nỗi sợ hãi và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Sự khước từ một cách long trọng đối với việc sử dụng bạo lực chống lại nhau (không chỉ là sự khước từ đối với việc sử dụng các phương tiện giết người hàng loạt) dĩ nhiên là cần thiết. Sự khước từ đó chỉ trở nên có hiệu quả, nếu nó gắn liền với việc áp dụng một cấp thẩm quyền hành pháp và tư pháp siêu quốc gia. Quyền quyết định về các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh của các quốc gia, được chuyển giao cho cấp thẩm quyền này. Ngay một lời tuyên bố của các quốc gia về sự cộng tác trung thành để thực hiện một “Chính phủ thế giới hạn chế” như vậy, cũng sẽ làm giảm một cách đáng kể nguy cơ chiến tranh.
Rút cuộc, mọi sự chung sống hòa bình của con người, thứ nhất, dựa vào sự tin cậy lẫn nhau, thứ hai, dựa vào các thiết chế như tòa án và cảnh sát. Điều này có giá trị cả cho các quốc gia lẫn cho các cá nhân riêng lẻ. Nhưng, sự tin cậy chỉ dựa vào một mối quan hệ trung thực của “give and take” tức là của “cho và nhận”. 
Nhưng sự tin cậy ấy có quan hệ ra sao với sự kiểm soát quốc tế? Giờ đây (so với lòng tin cậy lẫn nhau) sự kiểm soát quốc tế chỉ có thể có vai trò  hữu ích thứ yếu với tư cách là một biện pháp cảnh sát. Người ta có thể thực hiện tốt vai trò này ở đây, mà vẫn không đề cao quá mức tầm quan trọng của nó. So với giải pháp “cấm rượu” (ở Mỹ), thì đây là việc đáng suy ngẫm.
Hướng đến an ninh của nhân loại
Sự khám phá ra các phản ứng dây chuyền của nguyên tử không đòi hỏi con người thực hiện việc tàn phá nhiều hơn là việc phát minh ra que diêm. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để loại trừ sự lạm dụng. Ở trình độ hiện nay của phương tiện kỹ thuật, chỉ có một tổ chức siêu quốc gia gắn liền với một quyền lực hành pháp đủ mạnh mới có thể bảo vệ được chúng ta. Nếu chúng ta đã thừa nhận điều này, thì chúng ta sẽ tìm thấy lực lượng mang đến sự hy sinh cần thiết cho an ninh của nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng sẽ có lỗi, nếu mục tiêu này không được thực hiện kịp thời. Điều đáng sợ là ở chỗ, mỗi người không làm gì cả mà chỉ chờ đợi người khác làm cho mình.
Sự tôn trọng đối với những tiến bộ khoa học đã đạt được trong thế kỷ này, đều được thể hiện ở mỗi người, từ người có đôi chút trình độ cho đến người quan sát nông nổi, chỉ nhìn thấy những áp dụng về mặt kỹ thuật. Nhưng người ta sẽ không đánh giá quá mức những thành tựu của thời đại vừa qua, khi người ta nhớ đến những vấn đề của khoa học ở quy mô lớn. Điều này cũng giống như trong chuyến đi bằng xe lửa: Nếu người ta chỉ chú ý đến vùng lân cận tiếp theo, thì người ta dường như sẽ đạt được trong nháy mắt. Còn nếu người ta chú ý đến những hình thù lớn như những dãy núi cao, thì tình hình sẽ chỉ thay đổi dần dần. Điều này cũng tương tự, nếu người ta gặp phải những vấn đề lớn của khoa học.
Theo ý kiến của tôi, thật không có lý, khi nói một cách chung chung về “lối sống của chúng ta” hay lối sống của người Nga. Trong cả hai trường hợp, người ta nói đến sự tập hợp của các truyền thống và thói quen. Tập hợp này không tạo ra một chỉnh thể hữu cơ. Tốt hơn hết là tự hỏi mình xem, những cơ cấu nào, những truyền thống nào là có hại hoặc có lợi cho con người, những cơ cấu nào, những truyền thống nào làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn hoặc đau khổ hơn. Khi đó, người ta phải cố gắng thực thi cái đã được nhận thấy là tốt hơn, không phụ thuộc vào câu hỏi, liệu hiện nay, nó có thực hiện được hay không ở chúng ta hoặc ở một nơi nào đó khác.
Chúng ta, những người kế thừa di sản
Các thế hệ trước đây đã có thể tin rằng, những tiến bộ về tinh thần và văn minh, đối với họ, không phải là một cái gì khác hơn là những thành quả được thừa hưởng từ lao động mà tổ tiên đã tạo ra, những thành quả đảm bảo cho họ một cuộc sống dễ chịu hơn và tốt đẹp hơn. Những tai họa lớn của thời đại chúng ta đã chỉ ra rằng, điều này đã chỉ là một ảo tưởng nguy hiểm.
Chúng ta thấy rằng, phải thực hiện những nỗ lực lớn nhất để di sản này của nhân loại không mang đến điều bất hạnh, mà mang đến điều hạnh phúc. Nếu trước đây, con người đã từng được coi là có giá trị xã hội khi được giải phóng ở mức độ nào đó khỏi thói ích kỷ cá nhân, thì hiện nay, con người được đòi hỏi phải vượt qua được thói ích kỷ giai cấp và dân tộc của mình. Bởi vì chỉ khi vượt lên cao như vậy, con người mới có thể đóng góp vào việc thay đổi số phận của cộng đồng nhân loại theo hướng tốt hơn.

Trước đòi hỏi quan trọng này của thời đại, những người dân thuộc các quốc gia nhỏ lại ở hoàn cảnh tương đối thuận lợi hơn so với những người dân thuộc các quốc gia lớn, bởi vì cả về chính trị và kinh tế, những người dân này tránh được những cám dỗ của sự bành trướng quyền lực một cách tàn bạo. Hiệp định giữa Hà Lan và Bỉ, một hiệp định đã tạo ra điểm sáng duy nhất trong sự phát triển của châu Âu trong thời đại hiện nay, đã cho phép hy vọng rằng, các quốc gia nhỏ có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong nỗ lực đạt được sự giải phóng khỏi ách thống trị nhục nhã của chủ nghĩa quân phiệt, nhờ việc khước từ đối với quyền tự quyết tự do, không hạn chế.

Albert Einstein