Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

TÂN PHÚC ÂM HÓA


Cha Giuse Lê Kim Ánh thuyết trình
DÀN BÀI CHI TIẾT

Để trình bày cho con người hôm nay về sự sống và sự sống dồi dào, cũng như vạch một con đường để được sống, Giáo Hội luôn khẳng định sứ mạng của mình là phải loan báo Tin Mừng cho con người bằng những phương thức và những cách thế khả thi.

Loan báo Tin Mừng không phải là tuyên truyền một chủ nghĩa, không phải là truyền bá một ý thức hệ, nhưng là giới thiệu, mời gọi và dẫn đưa nhân loại đi đến một Ngôi vị hằng sống và làm cho nhân loại được sống. Chính vì thế chúng ta cần “Tân Phúc Âm hóa”.

I. Vài giải thích và phân biệt từ ngữ

1. Phúc âm hóa

Theo Tông huấn Evangelii Nuntiandi 18, Phúc âm hóa (évangélisation) có thể hiểu theo nghĩa vừa rất hẹp vừa rất rộng.

·         rất hẹp: công bố Tin mừng cho người ngoài Kitô giáo;

·         rất rộng: đem men Tin mừng vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, nghĩa là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Tin mừng, từ lối suy tư cá nhân cho đến các lối sinh hoạt của các dân tộc. Theo nghĩa này mà có thể dịch là “Phúc âm hóa”.

2. Tân Phúc âm hóa

Tân Phúc âm hóa (nouvelle évangélisation) là một thuật ngữ do Đức Gioan Phaolô II giới thiệu lần đầu tiên vào chuyến tông du mục vụ tại Nowa Huta, Ba Lan vào 13.6. 1979 (L’Osservatore Romano: Weekly Edition in English, 16 July 1979, 11). Tuy nhiên cho đến nay, sau hơn 30 năm, nó vẫn còn mới mẻ và cần nhiều suy tư, tìm hiểu cũng như ứng dụng trong mục vụ.

Tân Phúc âm hóa không bao giờ chối bỏ những gia sản tốt đẹp của truyền thống.

Đức Gioan Phaolo II đã đặt ra thuật ngữ Tân Phúc âm hóa như một phương cách truyền giáo. Điều mới mẻ đó là mới trong nhiệt huyết, phương pháp và cách diễn tả mà Giáo hội đưa ra để phục vụ Lời Vĩnh cửu.

II. Cơ cấu và phương pháp của việc Tân Phúc Âm hóa

1. Cơ cấu

            Giáo Hội tiếp nối không ngừng sứ mạng loan báo Tin Mừng trong dòng lịch sử. Giáo Hội cần canh tân việc loan báo Tin Mừng. Làm thế nào để việc canh tân này có khả năng làm cho thế giới nghe biết và đón nhận Tin Mừng, Điều đã không thể đạt được trong những cách thức loan báo Tin Mừng trước đây.

            Việc Tân Phúc Âm hóa cũng đồng thời tiềm ẩn một khuynh hướng, một cám dỗ, cám dỗ của sự thiếu kiên nhẫn, cám dỗ muốn tìm những thành quả to lớn tức thời, cám dỗ về số lượng. Nhưng đó không phải là phương pháp của Thiên Chúa. Đối với Nước Thiên Chúa cũng như đối với việc Phúc Âm hóa là phương tiện dẫn đưa đến Nước Thiên Chúa. Dụ ngôn về hạt cải luôn có giá trị. Nước Thiên Chúa mãi mãi lại bắt đầu dưới dấu chỉ hạt cải này. Mọi công trình vĩ đại đều bắt đầu từ những hạt bé nhỏ.

2. Phương pháp

Cần đến tính hợp lý của các phương pháp hiện đại để làm cho tiếng của Chúa được nghe, được hiểu và được đón nhận. Nhưng chúng ta không tìm những phương pháp đó cho chính chúng ta. Chúng ta muốn hạ mình phục vụ cho lợi ích của những con người cụ thể và của cả nhân loại, bằng cách thay chỗ những phương pháp hiện đại bằng chính phương pháp của Đấng là Sự Sống.

Loan báo Tin Mừng không chỉ có nghĩa là nói, là rao giảng, nhưng còn là sống trong thái độ lắng nghe và trở nên tiếng chuyển tải lời của Chúa Cha.

Vì vậy việc loan báo Đức Kitô, loan báo Nước Thiên Chúa đòi hỏi thái độ lắng nghe lời Thiên Chúa qua lời của Giáo Hội. “Không nói nhân danh chính mình”. Từ nguyên tắc quan trọng này phát sinh những hệ quả rất thực tiễn. Mọi phương pháp hợp lý và có thể chấp nhận phải được nghiên cứu. Nhưng tất cả mọi phương pháp đều trống rỗng nếu không được đặt nền tảng trên sự cầu nguyện.

III. Nội dung cốt yếu của việc Tân Phúc Âm hóa

1. Hoán cải

Đức Giêsu đã nhấn mạnh sứ điệp của Ngài là: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Trong tiếng Hy lạp, từ sám hối (métanoia) có nghĩa chính xác là vượt qua bên kia một nhận thức, vươn lên từ một hồi tâm; nó diễn tả một hoán cải:  bước ra sự tự mãn để khám phá và chấp nhận tình trạng nghèo nàn của chính mình, nghèo nàn đối với tha nhân và đối với Đấng Siêu Việt.

Hoán cải chính là khiêm nhường đặt mình dưới tình yêu của Đấng Siêu Việt, một tình yêu trở nên thước đo và điểm mốc cho cuộc sống của chính mình.

Chúng ta không thể loan báo Tin Mừng mà không rao giảng sự hoán cải.

2. Nước Thiên Chúa

Trong lời mời gọi hoán cải có ẩn chứa lời loan báo về một Thiên Chúa hằng sống. Thiên Chúa là trung tâm, là yếu tố nền tảng sứ điệp của Chúa Giêsu, và nó cũng phải là nền tảng của việc Tân Phúc Âm hóa.

Cần nhắc lại ở đây tầm quan trọng của khía cạnh thực hành. Chúng ta không thể làm cho người khác nhận biết Thiên Chúa chỉ bằng những lời nói suông. Loan báo về Thiên Chúa là đưa người khác vào tương quan với Ngài, nghĩa là dạy cho họ biết cầu nguyện.

Nói về Thiên Chúa và nói với Thiên Chúa phải luôn đi đôi với nhau. Việc loan báo về Thiên Chúa phải dẫn chúng ta đến sự hiệp thông với Thiên Chúa và tình hiệp thông huynh đệ.

3. Đức Giêsu Kitô

Hai điểm quan trọng trong nội dung sứ điệp của Đấng Cứu thế. Điểm thứ nhất là “theo Đức Kitô”. Theo Đức Kitô không có nghĩa là bắt chước con người Giêsu, nhưng đòi hỏi tiến xa hơn: nên một với Đức Kitô.

Điểm thứ hai là mầu nhiệm Vượt qua: thập giá và phục sinh. Theo Đức Kitô phải là tham dự vào thập giá, là kết hợp với tình yêu của Ngài để biến đổi nên người mới, con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. Ep 4,24). Ai loại trừ thập giá là loại trừ nền tảng của Kitô giáo (x. 1Co 2,2).

4. Cuộc sống vĩnh cửu

Yếu tố trọng tâm sau cùng của việc loan báo Tin Mừng đích thực là cuộc sống vĩnh cửu. Sứ điệp của Đức Giêsu cũng là loan báo việc xét xử, loan báo trách nhiệm cá nhân của mỗi người. Con người không thể làm và không làm điều họ muốn. Họ sẽ bị xét xử.

Vì thế, chúng ta cần sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa và loan báo cho mọi người về việc xét xử này. Tin vào việc xét xử và ý thức tầm quan trọng của nó là nội dung thiết yếu của Tin Mừng, và đó cũng chính là Tin Mừng. 

Lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô hạn, nhưng chúng ta không thể giản lược lòng thương xót ấy. Chỉ với niềm tin vào phán quyết công minh của Thiên Chúa, với tâm hồn đói khát sự công chính (x. Mt 5,6), ta mới có thể mở lòng và mở cuộc đời ta cho lòng thương xót của Thiên Chúa.



Đề tài thảo luận :

1.         Những phương cách nào làm cho chúng ta, linh mục cũng như giáo dân, có thể duy trì cũng như tăng thêm  lòng nhiệt lành trong việc Tân Phúc âm hóa ?

2.         Những phương pháp mới và những lối diễn tả mới nào khả thi cho việc Tân Phúc âm hóa trong bối cảnh của Giáo phận hiện nay ?