Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

ĐÔI NÉT VỀ GIÁO PHẬN QUI NHƠN


Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam . Sau đây con xin được trình bày đôi nét về giáo phận Qui Nhơn của chúng con.
 I.   Vài dòng lịch sử
Lịch sử giáo phận Qui Nhơn đã bắt đầu từ buổi bình minh của công cuộc truyền giáo tại Việt Nam . Năm 1618, các thừa sai dòng Tên là các cha Francesco Buzomi và Cristoforo Borri (người Ý), cha Francesco de Pina và tu huynh Antonio Dias (người Bồ Đào Nha), đến thành lập cơ sở truyền giáo đầu tiên tại Nước Mặn, một địa danh cách thành phố Qui Nhơn ngày nay hơn 20 km về phía Bắc.
  Năm 1659, trên hai phần lãnh thổ của Việt Nam , Tòa Thánh đã thành lập hai giáo phận tông tòa: Đàng Trong và Đàng Ngoài. Phần đất của giáo phận Qui Nhơn hiện nay thuộc về giáo phận Đàng Trong và ngay từ đầu đã là một trong những trung tâm truyền giáo quan trọng. Năm 1844, Đức Cha Stêphanô Cuénot xin Tòa Thánh phân chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận: Đông Đàng Trong và Tây Đàng Trong. Giáo phận Đông Đàng Trong gồm các tỉnh miền Trung vẫn thuộc quyền Đức Cha Stêphanô Cuénot cai quản.
 Năm 1850, từ giáo phận Đông Đàng Trong, một giáo phận mới được tách ra và mang tên là giáo phận Bắc Đàng Trong. Phần còn lại vẫn giữ nguyên tên giáo phận Đông Đàng Trong. Kể từ năm 1924, giáo phận Đông Đàng Trong được gọi là giáo phận Qui Nhơn, theo tên gọi của địa bàn hành chánh nơi đặt tòa giám mục.
  Sau đó giáo phận Qui Nhơn lần lượt được chia cắt để thành lập các giáo phận: Kontum (1932), Nha Trang (1957) và Đà Nẵng (1963). Như thế, giáo phận Qui Nhơn với tên gọi hiện nay là phần đất còn lại của giáo phận Đàng Trong, rồi Đông Đàng Trong ngày xưa, sau nhiều lần chia tách để thành lập những giáo phận mới.
 Trải qua gần 4 thế kỷ truyền giáo, giáo phận Qui Nhơn đã cống hiến cho Giáo Hội nhiều nhà truyền giáo và chứng nhân đức tin, trong số đó có thánh giám mục Stêphanô Cuénot, thánh trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông và Á Thánh Anrê Phú Yên, thường được mệnh danh là “Người chứng thứ nhất” của Giáo Hội Việt Nam.
  II. Hiện tình giáo phận
Sau nhiều lần phân chia, giáo phận Qui Nhơn ngày nay được thu hẹp lại trong địa bàn 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Trải qua thời gian chiến tranh, giáo phận Qui Nhơn bị thiệt hại nặng nề về nhân sự cũng như về cơ sở vật chất. Nhiều nhà thờ đã bị phá hủy hay bị hoang phế, nhiều giáo xứ cổ kính và phồn thịnh không còn nữa, nhiều cơ sở dòng tu cũng di chuyển ra ngoài giáo phận. Một số rất lớn giáo dân đã di tản đến các tỉnh phía Nam và phía Tây của đất nước rồi lập nghiệp ở đó. Vì thế, hiện nay giáo phận Qui Nhơn chỉ còn 3 giáo hạt, với 47 giáo xứ, 246 giáo họ, 69.512 tín hữu trên tổng số dân 3.785.600 người, chiếm tỷ lệ 1,84%.
  Trong giáo phận hiện có 83 linh mục triều, 8 linh mục dòng, 4 tu huynh, 220 nữ tu, 34 chủng sinh đang theo học tại Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang, 33 chủng sinh dự bị và 817 giáo lý viên. Các tu sĩ đang phục vụ tại giáo phận thuộc các dòng như: dòng Chúa Cứu Thế, dòng Ngôi Lời, dòng Đồng Công, dòng Mến Thánh Giá, dòng thánh Phaolô thành Chartres và Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.
  Ngoài ra, trong giáo phận còn có các trung tâm hành hương và cầu nguyện như: Nước Mặn, địa điểm truyền giáo đầu tiên của giáo phận; Mằng Lăng, quê hương Á Thánh Anrê Phú Yên; Gò Thị, quê hương của thánh Anrê Nguyễn Kim Thông và là nơi thánh Stêphanô đặt tòa giám mục; Vĩnh Thạnh, nơi thánh Stêphanô bị bắt; trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng. Về phương diện bác ái xã hội, có trại phong Qui Hòa, 2 cô nhi viện tại Mằng Lăng và Phú Hòa, 1 trung tâm huấn nghệ, 1 lưu xá sinh viên, 1 phòng phát thuốc và một số lớp học tình thương.
  III. Các chương trình hoạt động
Giáo phận Qui Nhơn vốn là một giáo phận nghèo về vật chất, lại bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, khiến cho giáo phận mất nhiều nhân lực và tài lực. Để khắc phục hậu quả tai hại ấy, ưu tư hàng đầu của giáo phận là đào tạo đức tin và đẩy mạnh công tác truyền giáo, xây dựng con người, tái thiết hoặc xây mới các cơ sở tôn giáo và phục vụ đời sống của người dân.
  Để đào tạo đức tin và đẩy mạnh công tác truyền giáo, giáo phận quan tâm đến việc tổ chức những khóa đào tạo các ban chức việc và các giáo lý viên. Việc đào tạo đức tin đi liền với việc xây dựng con người, vì thế giáo phận tìm cách trợ giúp các em học sinh nghèo. Đây cũng là cơ sở để chuẩn bị ơn gọi linh mục và tu sĩ cho giáo phận. Các thanh niên sắp bước vào Đại Chủng Viện được tập trung trong các lớp tiền chủng viện để được huấn luyện cơ bản.
  Ngoài ra, giáo phận đang cố gắng tái thiết những đổ nát do chiến tranh gây ra đối với các cơ sở tôn giáo trong toàn giáo phận. Kinh nghiệm ở Việt Nam cho thấy rằng nơi nào còn nhà thờ thì đời sống đạo của giáo dân ở đó được vững vàng; trái lại, nơi nào không còn nhà thờ thì giáo dân ở đó khô khan nguội lạnh, đức tin yếu kém, hoặc mặc cảm, lo âu, sợ sệt.
 Cuối cùng, giáo phận cũng quan tâm đặc biệt đến việc phát triển đời sống và phục vụ dân nghèo, như thực hiện những chương trình cứu trợ, mở những lớp huấn nghệ cho các thanh niên nam nữ không phân biệt giáo lương, và đang chuẩn bị xây dựng một bệnh viện phục vụ các bệnh nhân.
  Kính xin Đức Tổng cầu nguyện và nâng đỡ giáo phận Qui Nhơn chúng con cách đặc biệt.
  
                                                                           X Matthêô Nguyễn Văn Khôi
                                                                    Giám mục phó Giáo phận Qui Nhơn