Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

HẾT KẺ THÙ RỒI MUỐN GIẾT BẠN MÌNH SAO?



Nguyễn Trọng Bình
 Theo Vietstudies

Theo dõi báo chí mạng gần đây thấy có hiện tượng, không hiểu sao những nhân sĩ, trí thức lớn tuổi nước nhà lại bị “công kích” và xúc phạm nhiều và nặng nề quá. Là một người trẻ, tôi thật sự thấy hoang mang vô cùng. Hoang mang vì lẽ, người ta dạo này không hiểu sao lại dễ dàng buông ra những lời nanh nọc để dè bĩu thậm chí là miệt thị con người một cách không thương tiếc như vậy. Điển hình như thời gian qua những bậc học giả cao niên vốn những “trí thức dấn thân” hàng đầu nước nhà hiện nay chỉ vì thể hiện tấm lòng với quê hương đất nước; thể hiện nỗi trăn trở muốn đóng góp trí tuệ công sức cho quê hương đất nước đã bị một cơ quan truyền thông nọ không ngần ngại “lên lớp” và “tuyên truyền” để rồi xúc phạm rất nặng nề bằng từ ngữ mà bất cứ người Việt Nam nào cũng ngay ngáy lo sợ (vì nó vốn đã ăn sâu trong tiềm thức):“phản động”! Hay gần nhất là chuyện một số nhà văn lớn tuổi được Hội nhà văn mời đi tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần 8 ở Tuyên Quang thì có không ít người cho rằng những “nhà văn già” này chẳng qua chỉ đi theo để “ăn chực”, “ăn ké”… nghe mà chua xót quá!
Dẫu biết rằng trước một sự việc nào đó của cuộc sống mỗi người đều có quyền phát biểu suy nghĩ và tiếng nói riêng của bản thân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ai đó tự cho mình cái quyền suy nghĩ hời hợt, cẩu thả và thiếu trách nhiệm hay vì cay cú chuyện “ân oán” cá nhân để rồi buông ra những lời nanh nọc xúc phạm người khác vốn cũng là đồng bào mình, nhân dân mình. Và nếu như chúng ta nhớ rằng dân tộc Việt vốn có một truyền thống, một đạo lí tốt đẹp đó là: sự tôn kính, sự quý trọng dành cho người già, người có tuổi thì với những sự việc này phải nói là điều vô cùng tệ hại; là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự xuống cấp và suy đồi về văn hóa ứng xử của không ít người trong xã hội ta hiện nay. Nói điều này, hẵn có không ít những người “có hiểu biết” sẽ phản biện rằng, ở những nước vốn còn nhiều điều “lạc hậu” và “bảo thủ” như nước ta thì truyền thống “kính trọng người già” có khi là cái “vòng kiêm cô” siết chặt và “cản trở” sự đi lên của xã hội bởi trong thực tế có không ít người già thật sự không đáng để kính trọng (vì chẳng qua chỉ là “sống lâu lên lão làng”) nhưng mỗi khi nhắc đến họ cũng phải “kính nhi viễn chi”, phải “dưng trà rót nước” và “đền đài”, “hương khói” rình rang khi họ mất… Ở phương diện nào đó suy nghĩ này không phải không có cơ sở tuy nhiên, nếu như đã có được suy nghĩ của một người tiến bộ như thế thì lẽ ra, ở chỗ này càng phải nhìn xa thêm chút nữa để hiểu và thể hiện sự tôn kính người già và giữ gìn đạo lý truyền thống cao đẹp của cha ông. Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì một lẽ rất đơn giản là: đã là con người thì không ai là không trở thành già (trừ những trường hợp những người không may mất sớm) để rồi chắc chắn sẽ phải chịu sự nhìn nhận và phán xét từ những người trẻ - thế hệ con cháu sau này của mình. Nhìn ở góc độ này sẽ thấy tính “minh triết” trong đạo lý kính trọng người già, đạo lý “kính lão đắc thọ” của cha ông ta, đó là: bất cứ người già nào cũng là một động lực thúc đẩy cho thế hệ trẻ trở nên ngày một hoàn thiện hơn. Nếu người già là một con người ưu tú của đất nước thì động lực ở đây có lẽ không cần phải bàn (vì đó là một tấm gương sáng để cho người trẻ noi theo). Còn nếu với một người già như đã nói chỉ đơn giản chỉ “sống lâu lên lão làng” thì động lực ở đây chính là sự “vô tình nhưng cần thiết” khi trở thành “đối trọng” để người trẻ có cơ hội phát huy tinh thần phản biện và tư duy độc lập trong cái nhìn về cuộc sống của họ; người trẻ sẽ nhận ra “tiềm lực” thật sự ẩn chứa trong bản thân họ và họ sẽ tự nhủ rằng: ta dứt khoát không nên giẫm vào bước chân, giẫm vào “vết xe đổ” của những người chỉ đơn giản là “sống lâu lên lão làng” kia (nếu không khi trở thành già ta sẽ lại phải chịu sự phán xét của con cháu đời sau). Như vậy, nhìn ở phương diện này, rõ ràng những người chỉ đơn giản là “sống lâu lên lão làng” không hẳn là sự “cản trở” xã hội như không ít người hiểu mà có khi là ngược lại. Điều này cũng giống chúng ta trong lúc đọc sách mà không may đọc nhằm quyển sách dở vậy. Khi đó chắc chắn ta sẽ tự nhủ với chính mình nếu có cơ hội viết sách mình phải viết sao cho hay hơn những điều có trong quyển sách này. Cho nên mới nói đôi khi trong cuộc sống cái “hạn chế”, “cái tệ hại” của người này lại chính là động lực thúc đẩy cho bản thân người khác. Ở chỗ này nhìn rộng ra hơn tí nữa, nên chăng chúng ta cũng phải “thành thực” và “thiện chí” nói với nhau là: “ừ thì cũng xin cảm ơn “đối thủ”, cảm ơn “kẻ thù” của ta; nhờ “đối thủ”, nhờ “kẻ thù” mà ta mới trở thành người “tài giỏi”, nhờ đó mà ta mới biết ta cũng là một “anh hùng”…?”
Trở lại vấn đề, việc một cơ quan truyền thông nọ xúc phạm những bậc cao niên trí thức và việc không ít người có lời lẽ xúc phạm những “nhà văn già” ở Hội nghị người viết văn trẻ ở Tuyên Quang vừa qua có thể nói đây là một hành vi, một việc làm kém cỏi trong suy nghĩ, thô bạo trong ứng xử và hồ đồ trong nhận thức. Bởi vì sao? Trước hết, đây là sự xúc phạm vô cớ, vô bằng chứng. Kế nữa, nhìn ở góc độ văn hóa và đạo đức đó là sự chà đạp một cách không thương tiếc lên một truyền thống tốt đẹp và cao cả của dân tộc; dấu hiệu của sự băng hoại đạo đức và văn hóa của con người.
Thử suy luận mà xem những người như giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên…- những “trí thức dấn thân” một đời cống hiến cho quê hương đất nước; những danh lợi, vinh quang, cay đắng trong cuộc đời có lẽ họ cũng đã nếm trải hết; nhìn họ ai nấy cũng đầu bạc trắng, sức khỏe cũng chẳng còn như xưa vậy mà họ vẫn sục sôi một tấm lòng đối với quê hương đất nước như thế lại không đáng kính nể và quý mến sao? Sao lại bảo những việc làm của họ chỉ là để “đánh bóng tên tuổi” trong khi tên tuổi họ vốn đã “hữu xạ tự nhiên hương” lâu rồi? Sao lại thô bạo và nanh nọc bảo họ “phản động” trong khi từ lâu họ đã xác định và chọn khoa học chứ không phải chốn “quan trường” là nơi để “dấn thân”? Nếu như muốn “làm quan”, làm “lãnh đạo” hay làm “chính trị” (đơn thuần như nhiều người nghĩ) thì họ có lẽ không đợi đến lúc tóc trên đầu ngã hết sang trắng thế kia; không phải một đời lao tâm khổ trí đi theo khoa học vừa nghèo mà lại ít người xem trọng?
Và cũng thử suy luận mà xem, những “nhà văn già” đầu cũng hai thứ tóc một đời “đánh vật” với văn chương chữ nghĩa để rồi có không ít người cũng chính vì văn chương chữ nghĩa mà bị “người khác” “đánh” cho “bầm dập”, cho “tơi bời”; những “nhà văn già” tuổi cao, sức yếu thế kia thì còn ăn uống gì được bao nhiêu nữa mà sao lại cất công lặn lội đường xa để rồi phải hứng chịu những lời cay độc là “ăn chực”, “ăn theo”…? Mà khổ quá, ví như với nhà văn gạo cội Nguyễn Quang Sáng thôi, ông có một người con là đạo diễn rất nổi tiếng Quang Dũng chẳng lẽ anh này không đủ tiền mua một tour du lịch xuyên Việt cho cha mình hay sao lại để ông phải lặn lội đường xa “du hí” ké với mấy người trẻ? Hay với các “nhà văn già” khác nữa, chẳng lẽ gia đình và con cháu họ không đủ tiền mời cha, ông họ vô nhà hàng, khách sạn nào đó ở Hà Nội hay thành phố Sàigòn để được ăn uống no say, nghỉ ngơi trong vài bữa được sao? Chỉ với điều này thôi cũng cho thấy những “nhà văn già” lặn lội đường xa đến Tuyên Quang, đến với những người viết trẻ hoàn toàn không phải để “ăn chực”, “ăn ké” hay “du hí không mất tiền túi”… Sao không nghĩ đến chuyện này để hiểu và cảm thông cho họ? Cùng chung một nước, cũng được học hành, nhưng sao có người lại chẳng thèm “nhìn trước ngó sau”, chẳng biết “tôn ti trật tự” gì cả để rồi “xuống tay” một cách không thương tiếc với đồng nghiệp, với đồng bào mình như thế?
Than ôi, hay là “hết kẻ thù rồi nên muốn giết bạn mình luôn”?

Cần thơ, 20/9/2011
Nguyễn Trọng Bình