Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

ĐỨC CHA CUÊNOT THỂ VÀ TRUYỀN GIÁO


 

Lm. Gioan Võ Đình Đệ

DÀN BÀI CHI TIẾT

Năm nay lễ giỗ đúng 150 năm  ngày sinh nhật trên trời của Đức Cha Cuênot Thể, vị cha chung của chúng ta, một Giám mục có tiếng là  vị Giám mục truyền giáo trong lịch sử Giáo hội Việt Nam nói chung và cách riêng trong lịch sử truyền giáo Giáo phận Qui Nhơn. Trong tinh thần biết ơn và ra sức kế tục sự nghiệp của ngài trong thời đại chúng ta. Trong dịp thường huấn linh mục nầy, chúng ta thử ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, học tập tinh thần và phương pháp truyền giáo của ngài.

1. BỐI CẢNH XÃ HỘI - TÔN GIÁO

              THỜI THÁNH TÊPHANÔ CUÊNOT THỂ Ở VIỆT NAM (1829-1861)

Đức cha Cuênot phục vụ Giáo hội tại Việt Nam trong 32 năm (1829-1861), trong đó 26 năm làm Giám mục ‘hầm trú’ (1835-1861): 09 năm điều hành giáo phận Đàng Trong (1835-1844), 06 năm điều hành giáo phận Đông Đàng Trong ( gồm cả Huế) (1844-1850), 11 năm điều hành giáo phận Đông Đàng Trong (đã tách Huế) (1850-1861). Thời gian 32 năm Đức cha Cuênot phục vụ Giáo hội Việt Nam là thời điểm mà Giáo hội Việt Nam bị bách hại dai dẳng, nặng nề nhất.

Truyền giáo là ngọn lửa từng ngày đốt cháy tâm can Đức cha Cuênot. Trong 32 năm phục vụ Giáo hội Việt Nam, ngọn lửa ấy luôn cháy trong mọi tình cảnh, thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

Thử nhìn lại hoàn cảnh sống đạo trong 32 năm mà vị Giám mục truyền giáo đã sống.

1.1. Thời Vua Minh Mạng (1820-1841).

Nhà vua đã ban hành 07 Sắc chỉ cấm đạo vào những năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834,  1836 và 1838.

1.2. Thời Vua Thiệu Trị (1841 – 1847).

Nhà vua ban hành hai Sắc chỉ cấm đạo (1842 và 1847)

1.3. Thời Vua Tự Đức (1848-1861)[1].

Vua Tự Đức ban hành 13 Sắc chỉ cấm đạo. Có 03 Sắc chỉ ban hành những năm 1848, 1851, và 1855. Riêng trong năm 1857 có 4 Sắc chỉ, năm 1859 có 2 Sắc chỉ, và năm 1860 có 4 Sắc chỉ.

Theo ước tính của các sử gia Công Giáo thì cho đến trước điều ước 1862 ký kết giữa Pháp và triều đình Huế, sự thiệt hại về phía Công Giáo là rất lớn.

Có 115 linh mục Việt Nam bị giết, 50 nữ tu viện bị phá hủy, khoảng 2.000 nữ tu phải tản mát, khoảng 100 nữ tu hi sinh. Có khoảng 2.000 họ đạo mất hết gia tài, điền sản; số giáo dân bị phân phát đi các nơi ước 50.000 người phải chết [2].

Trong một hoàn cảnh bị cấm cách nhưng con số tân tòng được thống kê trong các báo cáo hằng năm không phải là số nhỏ: Năm 1842 có 1.088 tân tòng; năm 1843 có 1.611 người; năm 1844 có 1.007 người; năm 1853 có 1.548 người; năm 1854 có 1.040 người.        

II. PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN GIÁO

     CỦA ĐỨC CHA TÊPHANÔ CUÊNOT THỂ.

Trước hoàn cảnh sống đạo rất khắc nghiệt như đã nói trên, Đức cha Têphanô Cuênot Thể đã có những sáng kiến linh động, tận dụng và ứng xử với bối cảnh xã hội nhằm đề ra những phương pháp mục vụ và truyền giáo phù hợp trong mọi tình huống.

1. CẦU NGUYỆN. 

Thánh Têphanô Cuênot Thể đã có kinh nghiệm về lợi ích và sức mạnh của lời cầu nguyện. Do đó, cầu nguyện là  phương pháp truyền giáo trước hết và trên hết, mà thánh Têphanô đã dùng.

2. ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN  NHÂN SỰ

Đào tạo linh mục và nữ tu hẳn là điều ưu tiên. Đối với giáo dân, Đức cha Cuênot chủ trương : Phương pháp tốt nhất để giáo dân có đức tin vững chắc là đào tạo họ thành tông đồ truyền giáo.

2.1. Lập đoàn giảng viên giáo lý 

Trong bản phúc trình năm 1843, Đức cha đã cho thấy một tổ chức tông đồ giáo dân thích hợp cho hoàn cảnh truyền giáo lúc nầy [3]:

- Nhóm tại chỗ khoảng 2.000 người

- Nhóm thứ hai khoảng 35 người

- Nhóm nòng cốt khoảng 20 người

2.2. Tổ chức học và thi giáo lý

Để khuyến khích người ta học đạo và thấm nhuần giáo lý sâu xa bền bỉ, thánh Giám Mục cho tổ chức các cuộc thi giáo lý.

2.3. Tổ chức cấm phòng.

Tổ chức cấm phòng không riêng cho những người đạo cũ, mà cả cho người lương hay những người thiện chí chưa có quan niệm rõ rệt về giáo lý.

Hằng năm, những người giúp việc nhà chung phải cấm phòng như các cha, các thầy. Khi có bắt bớ khắc nghiệt, mỗi người lo cấm phòng riêng[4].

2.4. Đồng hành đức tin với các tân tòng

Bản phúc trình năm 1843, Đức cha Cuênot cho thấy: “Chúng tôi còn phải giúp đưa các tân tòng của chúng tôi ra khỏi môi trường và gia đình của mình. Nếu không, thì đặt họ trước nguy cơ rơi trở lại tà giáo. Do đó phải giúp họ đến sống giữa bổn đạo, nghĩa là phải cung cấp cho họ một mái nhà tranh”[5].

2.5. Hai trong một: Bác ái & Trồng chuối lấy con

Đức cha xin viện trợ để chuộc trẻ em bị bán cho người khác và tiếp nhận những trẻ mồ côi. Ngoài việc bác ái và cậy dựa vào sức mạnh cầu bàu của các thánh đồng nhi cho việc truyền giáo, Đức cha còn nhắm đến mục tiêu trồng chuối lấy con.

2.6. Giáo dục đức tin và văn hóa

Đức Cha rất chú trọng tới việc giáo dục, đào tạo và dạy chữ nghĩa cho thanh thiếu niên để có người có khả năng thay thế các Thày Giảng bị bắt hay chết trong giai đoạn cấm đạo. Đặc biệt, để Đức Cha chọn được những chủng sinh gửi qua đại chủng viện Penang. Một kết quả đã thấy: năm 1840 ngài đã gửi được 08 chủng sinh, năm 1841 được 12 chủng sinh, năm 1844 được 16 chủng sinh, năm 1847 được 16 chủng sinh, năm 1848 được 13 chủng sinh, năm 1856 được 14 chủng sinh [6].


3. CHIA NHỎ GIÁO PHẬN

    ĐỂ CÁC TÍN HŨU ĐƯỢC CHĂM SÓC TỐT HƠN

Năm 1844, địa phận Đàng Trong được phân chia thành Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong. “Đã lâu Người suy địa phận, tuy số bổn đạo chưa đến một vẹo, song địa hạt xa cách huyền viễn, lại đèo ải sông biển eo hiểm đón dựng, khó điều độ cho châu tất, nhứt là lúc cấm cách càng khó thông việc làm : ắt bổn đạo mất phần nhờ, nên Người xin Tòa thánh chia bớt Lục tĩnh Nam-kỳ và nước Cao-mên làm địa phận Đàng trong phía tây”[7]. Cũng như lý do trên, năm 1850, Đông Đàng Trong được chia thành Bắc Đàng Trong (Huế) và Đông Đàng Trong.

 III. SOI GƯƠNG NGƯỜI XƯA

Những gì được đề cập trên đây không có tính cách “chơi đồ cổ”, nhưng là như ý Đức cha Phêrô: “Gương sáng vừa được trình bày, tự nó đã nói lên rất nhiều... Ngần ấy đã quá đủ để chúng ta thấy có nhiều điểm ngày hôm nay chúng ta đã không bằng người xưa, mặc dầu chúng ta sống trong hoàn cảnh trăm ngàn lần dễ dãi hơn. Chớ gì gương sáng ấy lôi cuốn chúng ta hành động, đổi phương cách mục vụ của chúng ta. Chớ gì tinh thần ấy, tu đức ấy, được ghi nhớ hôm nay và được cấp tốc thi hành, để các xứ đạo chúng ta sống lại và hoạt động tốt, kẻo phụ lòng người xưa” [8].

Với tinh thần đó, chúng ta thấy được nơi Phương pháp truyền giáo của Đức cha Cuênot:       

1. Một tấm lòng mục tử “có lửa truyền giáo”

“Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Chính tình yêu ấy đã khiến Đức cha Cuênot Thể kiên trì và can đảm bám dân, sống với dân và tìm mọi cách cho đoàn dân của mình được sống dồi dào. Tấm lòng mục tử “có lửa” đó đã thúc Đức cha Cuênot có nhiều sáng kiến thiết thực trong thời của ngài để cho nhiều người được biết Chúa.

Lửa truyền giáo của vị Giám mục truyền giáo, vị cha chung của giáo phận chúng ta là điều rất cần cho chúng ta.

2. Việc truyền giáo được mọi thành phần dân Chúa  tham gia

Tự thân người kitô hữu đã có sứ mạng truyền giáo. Tuy nhiên để sứ mạng ấy được thực hiện hiệu quả, Đức cha Cuênot đã gieo, đã thúc, đã giao cụ thể cho từng thành phần dân Chúa.

3. Nỗ lực hành động theo chương trình chung

Thật vậy, phương pháp truyền giáo của Đức cha Cuênot là sự kết hợp giữa tấm lòng mục tử “có lửa truyền giáo” và sự trung thành thực hiện sát sườn bản “Chỉ dẫn các thừa sai”, kết quả của Công Ðồng Ayuthia vào năm 1664, đã được Thánh Bộ Truyền giáo duyệt y và ấn hành vào năm 1669, gồm các nội dung:

1- Sự thánh hóa người tông đồ truyền giáo

2- Sự trở lại đạo của lương dân

3- Sự tổ chức Giáo hội địa phương

Ä Xét về mặt lý thuyết, chúng ta không thiếu những “Chỉ dẫn truyền giáo”:

a/ Tầm Giáo hội toàn cầu và khu vực:

- Công đồng Vatican II - Các văn kiện của các Ðức Thánh Cha…

b/ Tầm giáo hội địa phương:

* Cấp Quốc gia

- Thư Chung 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi toàn thể dân Chúa.

- Năm 2001, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam  thành lập 4 ủy ban mới:

1.Loan báo Tin Mừng, 2.Giáo lý Ðức tin và Thánh Kinh, 3,Văn Hoá, 4, Bác ái Xã hội.

- Năm 2003 Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với chủ đề “Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh Việt Nam Hôm Nay”.

- Năm 2009, hai tài liệu chuyên biệt về việc truyền giáo đã được hai Ủy Ban của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam  phổ biến:

1. Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã đưa ra một chương trình hành động cụ thể cho việc truyền giáo ở ba cấp:  Cấp gia đình và giáo xứ, cấp giáo phận, cấp quốc gia

2. Triển khai việc “Sống Lời Chúa” đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam  nói đến trong thư mục vụ năm 2005, Ủy Ban Kinh Thánh phổ biến một nghiên cứu dưới chủ đề  “Rao giảng Lời Chúa tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)”.

* Cấp Giáo phận

- Từ 10 năm lại đây, với 16 thư mục vụ của Giám mục giáo phận, trong mỗi thư cách nầy cách khác đều đề cập, hướng dẫn tinh thần sống đạo, cách riêng thư mục vụ ngày 15 tháng 10 năm 2008 là một định hướng truyền giáo trong giáo phận.

Ä Để có thể lên kế hoạch đem lại kết quả tốt, bốn việc phải làm là : 

1. Nhận định tình huống. Mục tiêu của việc nầy là nhận ra tình huống hiện tại một cách khách quan, cụ thể và có tầm quan trọng.

2. Phân tích nguyên nhân. Mục tiêu của việc nầy là tìm ra những nguyên nhân đã cầm chân công việc ở tình huống hiện tại hay nguyên nhân nào đã đem lại kết quả tốt.

3. Xác định mục tiêu. Mục tiêu của việc nầy là xác định mục tiêu muốn đạt được cho tương lai với những kết quả cụ thể có thể nhận ra hoặc đo lường được, vừa có lượng vừa có phẩm.

4. Phác thảo chương trình làm việc. Mục tiêu của việc nầy là xác định một kế hoạch, một chương trình làm việc với những việc phải làm, với những phương tiện nhân sự, phương pháp, dụng cụ và thời biểu rõ rệt.

Với những gợi ý trên đây, chúng ta cần vạch ra phương án truyền giáo có kế hoạch, có chương trình cụ thể, trong đó tổ chức, cổ võ, thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa trung giáo phận cùng cầu nguyện kèm với những hy sinh cho việc truyền giáo vẫn là trên hết và trước hết. Thứ đến phương tiện nhân sự là yếu tố quan trọng.

---------------------------------------------------------

Câu hỏi thảo luận :

1. Phải tựa vào đâu để thiết lập chương trình làm việc phát triển việc truyền giáo trong giáo phận?

2. Chúng ta có thể nêu lên :

a. Những nguyên nhân khiến việc truyền giáo trong phạm vi trách nhiệm của mình chưa tiến nhanh và biện pháp khắc phục ?

b. Những nguyên nhân đưa đến kết quả tốt trong việc truyền giáo và hướng khuếch trương những nguyên nhân đó ?








[1] Thời vua Tự Đức (1848-1883), tuy nhiên ở đây ghi (1848-1861) nhằm xác định thời gian Đức cha Têphanô Thể sống  và làm việc trong thời vua Tự Đức cầm quyền.


[2] PHAN PHÁT HUỒN C.ss.R , sđd, trang 318-321


[3] JEAN THIEBAUD, sđd, trang 59.


[4] Xem R.P. TARDIEU, sđd, trang 42.


[5] JEAN THIEBAUD, sđd, trang 60.


[6] JEAN THIEBAUD, sđd, trang 75.


[7] R.P. TARDIEU, sđd, trang 35.


[8] Giám mục Phêrô NGUYỄN SOẠN, sđd,  tr. 60.