Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

TRUYỀN GIÁO: NỀN TẢNG KINH THÁNH VÀ THẦN HỌC


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

DÀN BÀI CHI TIẾT

 Nhà thần học hệ thống Martin Kahler đã phát biểu một câu rất ngắn thường được trích dẫn là “Truyền giáo là mẹ của thần học”. Thần học không gì khác hơn là cách trình bày sứ điệp Kitô giáo, được hình thành khi Giáo Hội đi gieo trồng và vun tưới (1 Cr 3, 6).
1.      TỪ NGỮ
1.1. Một hoạt động với nhiều tên gọi
Cho đến thế kỷ thứ XVII, người ta chưa bao giờ dùng từ “truyền giáo” (missio). Trước thời đại này, những từ phổ biến được dùng là: dilatatio fidei (bành trướng đức tin), propagatio fidei (truyền bá đức tin), Evangelium (Tin Mừng), praedicatio (rao giảng), ministerium Verbi (thừa tác vụ Lời Chúa), procuratio Salutis (uỷ nhiệm ơn cứu rỗi) convocatio Gentium (triệu tập các dân tộc) etc. Những đề cập đầu tiên về từ “missio” dường như xuất hiện từ năm 1610”
1.2.       Missio
Cho đến thế kỷ XVI, từ “missio” được dùng để nói về sự “lưu xuất”, sự “đi ra” trong Chúa Ba Ngôi theo nghĩa Chúa Con “đi ra” từ Chúa Cha, Chúa Thánh Thần “đi ra” từ Chúa Cha và Chúa Con. Chính các tu sĩ Dòng Tên là những người đầu tiên dùng từ này để diễn tả việc truyền bá đức tin cho mọi người.
1.3.             Missio và missiones
Phải phân biệt missio (số ít) với missiones (số nhiều). Missio có tương quan với missio Dei, nghĩa là việc Thiên Chúa tự mạc khải chính Người như là Đấng yêu thương thế gian, việc Thiên Chúa can thiệp vào thế giới và vào Giáo Hội trong kế hoạch thiết lập nước của Người; Giáo Hội được đặc ân thông dự vào sự can thiệp này. Còn missiones những hoạt động truyền giáo của các phần tử trong Giáo Hội (missiones ecclesiae), là những hình thức đặc thù của việc thông phần vào missio Dei trong thời gian và nơi chốn.
1.4.   Mission, Évangélisation (Evangelisation) và Évangélisme (Evangelism)
Mission được gợi ý là nên dùng khi có liên quan đến sự cải đạo, Kitô giáo hoá, với vocare, với sự khai mở đầu tiên, với người xa lạ ở miền xa ; còn evangelisation,  evangelism có liên quan đến sự tái cải đạo (re-conversion), tái Kitô giáo hoá, revocare, một sự bắt đầu mới, với người hàng xóm láng giềng đã nguội lạnh. Hans Margull thì gọn gàng hơn khi phân biệt mission dùng cho môi trường tiền-Kitô giáo còn evangelisation, evangelism dùng cho môi trường hậu-Kitô giáo. Sự phân biệt này được sự đồng thuận rộng rãi trong giới Tin Lành và Công Giáo Roma  
1.5.          Truyền giáo học (Missiology)
Khoa Truyền giáo học theo nghĩa hiện đại (một ngành học được trình bày có hệ thống) chỉ xuất hiện vào đầu thế kỷ 19 với mục sư Tin Lành Gustav Warneck (1834-1910), người được xem như cha đẻ của Truyền giáo học hiện đại, với Alexandre Duff là người đầu tiên giữ chức trưởng khoa Truyền giáo học tại Đại học Edinburgh vào năm 1867 và với các nhà Truyền giáo học Công giáo Robert Streit và Joseph Schmidlin tại Đại học Munster trong nửa đầu thế kỷ 20. Và “Mãi cho đến những năm 1962, năm khai mạc Công Đồng Vatican II, giới Công Giáo vẫn còn tranh luận trong về tên gọi của môn học này: không nên gọi là ‘‘missionology, missionologie’’, tốt hơn nên gọi là “missiology, missiologie”.
2.    NỀN TẢNG KINH THÁNH
Thật sự, chủ đề truyền giáo được bắt đầu ngay từ sách Sáng Thế Ký và được khẳng định trong suốt toàn bộ Cựu Ước cho đến Tân Ước.
2.1. Cựu Ước
2.1.1. Ngôn sứ Giona
Mặc dầu Giona không phải là một nhà truyền giáo chính hiệu, nhưng ý định cứu rỗi của Thiên Chúa đã lộ rõ trong sách Giona. Thiên Chúa lệnh cho ông ra đi rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa tại Ninivê được thuật lại trong Gn 1, 2 và lập lại trong 3, 2. Nhiệm vụ của ông được ghi lại bằng những hạn từ cổ điển “truyền thống” diễn tả các hoạt động truyền giáo: Giona “rao giảng” và dân thành Ninivê “đã tin” (Gn 3, 4-5).
2.1.2. Ngôn sứ Giôen
Ngôn sứ Giôen không chỉ loan báo sự phán xét trên dân Israel (Ge 1-2) nhưng cả trên dân ngoại. Trong cả hai trường hợp, ngôn sứ nói về ân sủng và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cũng như sự trở về với Thiên Chúa. Cả hai đều có lời hứa ban Thánh Thần trong Ge 3. Điều này thật có ý nghĩa cho sự cứu rỗi của dân Israel cũng như cho các dân tộc (kiểu nói “hết thảy người phàm” trong Ge 3, 1).
2.1.3. Ngôn sứ Đanien
Thiên Chúa đã tỏ lộ chính mình trong một giấc mơ cho vua ngoại giáo Nabucôđônôsor và sau đó với chứng từ can đảm của ba người bạn Đanien, nhà vua đã xưng nhận Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Vào thời Đanien, các đế quốc vĩ đại đã nghe ít nhất hai lần từ miệng các nhà lãnh đạo tối cao của họ rằng Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa thật, Thiên Chúa quyền năng nhất, Đấng Sáng Tạo và là Đấng Cứu Thế duy nhất! Đanien là một trong những nhà truyền giáo thành công nhất của mọi thời đại.
2.1.4. Các Thánh Vịnh
Thánh Vịnh là một trong những cuốn sách lớn về truyền giáo. Các thánh vịnh khác nhau kêu gọi mọi dân tộc cùng nhau ca tụng Thiên Chúa, đặc biệt việc rao giảng cho các dân tộc, mang niềm hy vọng cứu rỗi cho họ đã được đề cập đến hơn 175 lần trong các Thánh Vịnh. Thật vậy Thánh Vịnh là một trong những cuốn sách truyền giáo đặc biệt mặc dầu ít khi được nhìn dưới khía cạnh này. “Do bản chất của sách Thánh Vịnh, thật khó lòng tìm thấy ở đây một uỷ nhiệm nào cho dân Israel đi rao giảng cho các dân tộc. Tuy nhiên, không thể chối rằng dân Israel đã có một cảm quan về truyền giáo”, đặc biệt là qua các Thánh Vịnh 67, 96 và 117.
2.2.             Tân Ước
2.2.1.      Đức Giêsu và truyền giáo
 Hoạt động ngắn ngủi của Chúa Giêsu trên trần thế được giới hạn trong lãnh thổ Do Thái và lúc còn sống Ngài cũng không giao cho nhóm Mười Hai đi truyền giáo bên ngoài xứ sở. Ngài dành trọn nỗ lực cho dân Israel. Thế nhưng lời rao giảng cũng như thái độ của Ngài đã báo trước một nhãn quan rộng mở. Ngài không chỉ đón nhận hết thảy mọi người đến với Ngài bằng lòng tin mà còn rộng mở cho dân ngoại được tham dự vào Nước Trời. Ngài luôn nhấn mạnh đến vai trò ưu tiên của đức tin và ý của Ngài muốn vượt qua chế độ Lề Luật đã là cánh cửa mở cho dân ngoại… Sau khi hoàn thành hy tế Người Tôi Tớ đau khổ, sự phục sinh đã là điểm xuất phát hiệu quả của sứ mệnh truyền giáo phổ quát
2.2.2.      Marcô và truyền giáo có tính lên đường (mission itinérante)
Bản văn Mc 16, 15 “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” hoàn toàn hoà nhập với chủ đề của Marcô về Tin Mừng và hoàn toàn diễn tả được các đặc tính của hình ảnh truyền giáo cổ điển: đi ra khỏi xứ sở mình (hãy đi), tính phổ quát (tứ phương thiên hạ) vươn tới mọi chiều kích vũ trụ (cho mọi loài thụ tạo), hành động rao giảng được giản lược với hình thức đúng đắn nhất (hãy loan báo), nội dung cũng được giản lược với hình thức chắt lọc nhất (Tin Mừng)
2.2.3.      Matthêu và truyền giáo có tính giáo huấn (mission enseignante)
Động từ chính bản văn Mt 28, 19 là “hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Đây là động từ chỉ riêng Matthêu dùng, phản ánh mối quan tâm của Matthêu về khía cạnh “người thầy” (rabbinique) của Đức Giêsu. Đức Giêsu như một thầy dạy cho nhóm 12 là các môn đệ. Đối với Matthêu, truyền giáo không chỉ là loan báo mà phải khai tâm dẫn nhập và huấn luyện.
2.2.4.      Luca và truyền giáo có tính làm chứng (mission du témoignage)
 “Đối với Thánh Luca, tính liên tục trong sứ mệnh truyền giáo trong Tân Ước dựa trên chứng nhân và chứng từ” (martysmartyria). Đức Giêsu là chứng nhân đầu tiên đã truyền lệnh này cho những ai theo Ngài: “Các con là chứng nhân cho những sự việc này” (Lc 24, 28). Lịch sử truyền giáo theo mẫu hình truyền giáo của Luca là lịch sử của martyria, làm chứng cho toàn thế giới.” Chính vì thế mà trong cả hai tác phẩm, Luca luôn nhấn mạnh đến việc làm chứng: “Anh em là chứng nhân cho Ta” (Lc 24, 48). “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy” (Cv 1, 8).
2.2.5.      Luca, Gioan và truyền giáo có tính biến đổi (mission transformante)
Một khía cạnh khác trong lệnh truyền truyền giáo của Luca cũng được tìm thấy trong Gioan: đó là kinh nghiệm tha thứ tội lỗi. Mọi dân tộc được loan báo phải “ăn năn để được tha tội” (Lc 24, 47; x. Cv 2, 38). Như thế ta đã có sự thống nhất về bản thể của 4 Tin Mừng về thực tại cơ bản của truyền giáo. Nhưng qua cách xây dựng hình thức các bản văn, ta thấy được những kinh nghiệm và những hình ảnh khác nhau của truyền giáo đã được vẽ ra và được tiếp tục trong lịch sử Giáo Hội, những hình ảnh khác nhau tuỳ theo ơn sủng và hoàn cảnh làm nên sức mạnh của Tin Mừng.  
3.      NỀN TẢNG THẦN HỌC

3.1. Missio Dei
             “Thực sự, ‘missio Dei’ không phải là một phát minh mới mẻ gì. Theo giáo lý đã có từ ngàn xưa, ‘missio Dei’ có nghĩa là Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Con sai Chúa Thánh Thần. Điều mới mẻ ở đây là sự sai đi này được mở rộng cho một chuyển động mới: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần sai Giáo Hội đi vào trong thế giới”
3.2.          Nền tảng Kitô học
Ðức Kitô sinh ra là sứ vụ truyền giáo ra đời: Ðức Kitô là vị thừa sai đầu tiên và lớn nhất của Chúa Cha. Hoạt động truyền giáo xuất hiện khi Ngôi Lời nhập thể, và tiếp tục trong lịch sử qua việc tuyên bố và làm chứng của Giáo hội. Ðức Kitô là nguồn gốc của sứ vụ truyền giáo vì hai lý do: vì là Ngôi Lời nhập thể, và vì đã truyền lệnh cho các môn đồ đi đến khắp nơi trong thế giới.
3.3.       Nền tảng Giáo Hội học
Giáo Hội học về truyền giáo của Công Đồng Vatican II dựa vào Ad Gentes 2 “Giáo Hội lữ hành là Giáo Hội truyền giáo tự bản tính …”. Định nghĩa này có nguồn gốc Kinh Thánh từ trong 1 Pr 2, 9: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người”. Karl Barth nói rằng: “Truyền giáo không phải là điều phụ thuộc vào hiện hữu của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu với bản tính được sai đi và xây dựng chính mình vì nhiệm vụ truyền giáo của mình”.
4.      PHAOLÔ NHÀ TRUYỀN GIÁO
4.1. Phaolô tông đồ và thừa sai
Vào thời Phaolô, “Tông đồ” (Apôtre) một từ trong tiếng Do Thái để chỉ một hình thức đại diện hợp pháp: “shaluah” là đại diện cho một người khác hay một cộng đoàn với một sứ mệnh đặc biệt. Thế nhưng trong bối cảnh Kitô giáo, từ này đã được thêm một giá trị hoàn toàn mới. Chính trong khi rao giảng Tin Mừng tại Thessalonica (1 Th 2, 4-10) mà từ ‘tông đồ” lần đầu tiên được dùng với nghĩa thừa sai (truyền giáo): trình bày Tin Mừng là quyền năng cứu rỗi.   
4.2.       Lòng nhiệt thành của Phaolô
 “Anh em hẳn nghe tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ và muốn tiêu diệt Giáo Hội của Chúa, trong đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gal 1, 13-14; cf. Ph 3, 7; 1 Cr 15, 9).
4.3.       Hội nhập văn hoá của Phaolô
Càng đi sâu vào công cuộc truyền giáo, Phaolô càng ý thức rằng mình có bổn phận phải bảo đảm cho dân ngoại được hoàn toàn hội nhập vào trong Giáo Hội. Rao giảng Tin Mừng và làm cho họ tin vào đức Kitô không thôi thì chưa đủ, phải cho phép họ sống một đời sống Kitô hữu thực sự trong lòng Giáo Hội mà không mặc cảm là người mới hoặc một Kitô hữu hạ cấp. Điều đầu tiên là phải thích ứng, phải hiểu và hiểu rõ tình cảnh cũng như não trạng của người dân ngoại: phải trở nên Do Thái với người Do Thái … đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật (1 Cr 9, 20 tt).
4.4.             Chiến lược truyền giáo của Phaolô
Chiến lược truyền giáo của Phaolô bao gồm 5 phương pháp: 1) Rao giảng, 2) Tổ chức, 3) Chỉ định, 4) Thăm viếng 5) Viết thư.
4.4.1.      Rao giảng
Là trình bày Tin Mừng cho dân ngoại theo cách cho họ dễ hiểu nhất. Trình bày phải chân thật, không cần phải thông thái.
4.4.2.      Tổ chức
Tổ chức cơ cấu hạ tầng kết hiệp với một thân thể duy nhất. Đối với Phaolô, tổ chức Giáo Hội là một phần quan trọng trong việc mở mang Nước Trời.
4.4.3.      Chỉ định
Kỷ luật và quyền bính cũng là những yếu tố chính trong hạ tầng cơ sở. Chính vì thế mà ngài đã chỉ định các trưởng lão. 
4.4.4.      Thăm viếng
Tân Ước kể lại nhiều chuyến viếng thăm lần thứ hai của Phaolô đến các cộng đoàn hoặc nơi chốn mà ngài đã từng đi qua.
4.4.5.      Thư tín
 Nỗ lực gia tăng mối liên lạc của Phaolô không dừng lại ở đấy. Người ta không nói hoặc viết gì nhiều về các thư tín của Phaolô như là một phương pháp truyền giáo.
Thay lời kết
Nemo dat quod non habet”, không ai cho điều mình không có! Nhiệt tình tông đồ là lửa vĩnh cửu xuất phát từ bên trong cần phải được thường xuyên khêu ngọn như chính Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Chúng ta không thể rao giảng sự cải đạo mà không tự hoán cải mỗi ngày” (số 47, Redemptoris Missio). Chính Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự cũng như của những gì chúng ta làm với tư cách là nhà truyền giáo. Chính Thiên Chúa kêu mời chúng ta: “Thực thi công bằng, quý yêu nhân nghĩa và bước đi với Thiên Chúa” (Mk 6, 8). Các nhà truyền giáo ngày nay không còn mang tinh thần Thập tự chinh ngày trước với phức cảm tự tôn và tính lạc quan ngây thơ nhưng là làm chứng cho Thiên Chúa bằng một cung điệu khiêm tốn, chiêm niệm và đối thoại hơn. Giáo Hội không còn là nguồn gốc, tác nhân chính hoặc cùng đích của truyền giáo mà được kêu mời tham gia vào một hoạt động đến từ Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, có Chúa Thánh Thần là tác nhân chính, và nhất là « Caritas Christi urget nos – Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta » (2 Co 5, 14).