Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 9

Ø  CHỦNG SINH THỰC TẬP MỤC VỤ
Từ ngày 25 đến 27/08/2011 Chủng viện Qui Nhơn tổ chức cuộc tĩnh tâm cho quý thầy chuẩn bị đi thực tập mục vụ. Cha Gioan Võ Đình Đệ phụ trách giảng tĩnh tâm cho quý thầy với những đề tài thiết thực trong thực tập mục vụ.
Bên cạnh những đề tài chính do cha giảng phòng đưa ra, quý thầy còn được nghe trao đổi một số vấn đề thực tế trong việc giúp xứ, chẳng hạn như tương giao với cha sở, với giáo dân, đời sống đạo đức - nhân bản và trí thức trong thời gian thực tập mục vụ, về chính công việc mục vụ,… Những đề tài thực tế sống động nầy do một số cha chia sẻ như cha Tổng Đại Diện Phêrô Hoàng Kym, cha hạt trưởng Bình Định Giuse Lê Kim Ánh, cha Giám đốc chủng viện Qui Nhơn Giuse Huỳnh Văn Sỹ, cha Phêrô Võ Tá Khánh.
Thực tập mục vụ là thời gian nối dài của việc huấn luyện. Việc huấn luyện linh mục cần có sự cộng tác của nhiều người mà đặc biệt là nơi các cha sở. Các cha sở trực tiếp đón nhận và hướng dẫn quý thầy trong tình huynh đệ như người anh đi trước hướng dẫn cho đàn em.
Các thầy mãn triết học sẽ có thời gian thực tập mục vụ một năm. Sau đó quý thầy sẽ trở lại Đại Chủng Viện để tiếp tục chương trình thần học. Còn quý thầy mãn thần học, sau thời gian thực tập sẽ chờ quyết định của Giám Mục giáo phận về việc chịu chức phó tế, linh mục và bổ nhiệm trong tương lai.
Danh sách cụ thể quý thầy thực tập mục vụ tại các giáo xứ như sau.

Quý thầy mãn Thần học
      Tên thánh, họ và tên            Sinh     Nguyên quán   Giáo xứ TT
1.   Carôlô Ng. Phan Huy Dũng   1981    Mằng Lăng      Tuy Hòa
2.   Gioakim Nguyễn Tấn Đạt   1981    Phú Hữu          Kiên Ngãi
3.   Phêrô Nguyễn Ngọc Đức    1979    Hòa Ninh        Hòa Ninh
4.   Matthia Võ Nhân Thọ         1979    Nam Bình        Phú Thạnh
5.   Antôn P. Ng Xuân Thuyên 1982    Nha Trang       Đông Mỹ
6.   Simon Nguyễn Thanh Tú    1979    Gò Thị              Sông Cạn
7.   Phêrô Lê Hoàng Vinh         1982    Đa Lộc            Đồng Tre
8.   Phêrô Lê Nguyễn Hoàng Vũ   1976    Nha Trang       Chính Tòa

Quý thầy mãn Triết học
      Tên thánh, họ và tên            Sinh     Nguyên quán   Giáo xứ TT
1.   Đaminh Đỗ Nhị Anh           1983    Tịnh Sơn         Tịnh Sơn
2.   Philipphê Phan Quốc Dũng 1972    Chính Tòa       Hội Lôc
3.   Giuse Nguyễn Minh Đạt     1984    Gò Thị             Lục Lễ
4.   Tôma Nguyễn Văn Điền     1983    Đại Bình          Chính Tòa
5.   Phêrô Phạm Tiến Phi           1983    Tân Dinh         Cây Rỏi
6.   Phaolô Nguyễn Anh Quốc  1981    Gò Thị                Gò Thị
7.   Simon Phêrô Võ Hoàng Sâm   1983    Phú Hữu          Phú Hữu
8.   Giuse Trần Hoàng Thiện     1985    Tân Dinh         Sông Cầu

Ø ĐÓN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI, ĐẠI DIỆN KHÔNG THƯỜNG TRÚ CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM
Lúc 15 giờ ngày 6 tháng 8, Đức Cha phó Matthêô hướng dẫn phái đoàn giáo phận Qui Nhơn đi đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam đến thăm giáo phận Qui Nhơn. Phái đoàn gồm có Đức Cha Matthêô làm trưởng đoàn, cha Phaolô Trịnh Duy Ri, cha Giuse Võ Tuấn, cha Gioakim Bùi Văn Ninh, Sr Maria Võ Thị Tuyết, phó Tổng Phụ Trách Dòng MTG/QN và Sr Magarita Nguyễn Thị Ngọc Thiền, Tổng Thư Ký, Sr Phanxicô Assidi Hồ Thị Kim Nhận, phụ trách cộng đoàn Dòng Thánh Phaolô tại Qui Nhơn, Sr Luxia Hoàng Thị Mỹ Dung, phụ trách cộng đoàn Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Qui Hòa.
Sau khi nghỉ đêm tại nhà xứ Quảng Ngãi, sáng ngày 7/9, phái đoàn lên đường đi Tam Kỳ, giáo phận Đà Nẵng. Lúc 9 giờ 30, phái đoàn đón Đức Tổng Giám Mục và cha thư ký Andrea về dùng cơm trưa tại nhà xứ Quảng Ngãi, cùng với cha hạt trưởng Phêrô Đặng Son, quí soeurs Dòng MTG/QN đang phục vụ tại Quảng Ngãi và Phú Hòa, các chức việc. Trước khi dùng cơm, cha hạt trưởng có đôi lời chào mừng Đức Tổng. Ngay sau cơm trưa, đoàn khởi hành về Qui Nhơn cho kịp giờ đã định.
4 g chiều, phái đoàn đã về đến TGM Qui Nhơn. Đức cha Phêrô và linh mục đoàn giáo phận Qui Nhơn đã tập trung tại phòng khách TGM để chào đón Đức Tổng Giám Mục. Sau nghi thức đón tiếp ngắn ngủi, mọi người chuẩn bị để dâng thánh lễ đồng tế trọng thể tại Nhà thờ Chính Toà vào lúc 4g30.
Trước khi cử hành thánh lễ, Đức Cha Phêrô đã chào mừng Đức Tổng bằng những lời thật chân tình: “Đức Tổng hiện diện nơi đây với tư cách là đại diện của Đức Thánh Cha thân yêu. Điều nầy biểu lộ rõ rệt lòng ưu ái và truyền thống của Mẹ Giáo Hội đối với những người con tại miền đất truyền giáo xa xôi nầy. Hơn nữa, Đức tổng đến đây còn với tư cách cá nhân cùng tấm lòng yêu thương chúng con. Chúng con biết Đức Tổng không những là Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam mà còn đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng khác tại vùng Đông Nam Á. Công việc thật bề bộn, nhưng Đức Tổng đã ưu ái dành thời gian thăm viếng mục vụ 26 giáo phận cả nước Việt Nam. Do đó, chúng con không còn thấy sự xa cách hay ngăn trở vì sự “không thường trú”, mà cảm nhận sự hiện diện gần gũi “thường trú” của Đức Tổng bên cạnh. Và cho dù hoàn cảnh hiện nay không cho phép Đức Tổng hiện diện thường xuyên trên đất nước nầy đi nữa, nhưng chúng con tin rằng con tim Đức Tổng vẫn “thường trú” tại Việt Nam với chúng con”. Sau đó, các chị em dòng MTG Qui Nhơn đã múa vũ khúc chào mừng Đức Tổng Giám Mục nhằm giới thiệu nét riêng của vùng đất Bình Định là những điệu võ Tây Sơn hùng tráng và vũ khúc dâng rượu Bàu Đá, một thổ sản góp phần tạo nên hào khí Tây Sơn. Đức Cha phó Matthêô sau đó cũng đã phác hoạ đôi nét về lịch sử Giáo phận Qui Nhơn.
Chương trình ngày 8/9 gồm những chuyến thăm viếng các địa điểm hành hương trong giáo phận. Địa điểm đầu tiên là Đền thánh Stêphanô ở Vĩnh Thạnh, nơi ẩn náu cuối cùng của Thánh Giám Mục Stêphanô Thể, và Đài kỷ niệm Nước Mặn vừa mới được hoàn thành, nơi đặt cơ sở truyền giáo đầu tiên của Đàng Trong vào năm 1618. Phái đoàn sau đó đã viếng thăm nhà thờ Gò Thị, một giáo xứ kỳ cựu trong giáo phận, và dùng cơm trưa tại Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị. Buổi chiều, nhằm ngày lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Đức Tổng đã đi thăm nhà thờ Mằng Lăng và dâng thánh lễ tại đây, quê hương của Á Thánh Anrê Phú Yên.
    Chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli tại Giáo phận Qui Nhơn đã kết thúc vào lúc 4g45 sáng ngày 09/09/2011.
Ø  KHOÁ THƯỜNG HUẤN LINH MỤC 2011
Kết hợp với chương trình chào đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli tại Giáo phận Qui Nhơn, khoá Thường huấn linh mục 2011 đã được tổ chức từ ngày 05/9 đến 09/9/2011, với chủ đề “Truyền giáo: từ Missio Dei đến Missio Ecclesiae” .
Trong buổi sáng ngày 05/9, các linh mục trong ba giáo hạt đã lần lượt tề tựu về Toà Giám Mục để kịp chào hai Đức cha trước giờ cơm trưa. Cha Tổng đại diện đã thay mặt linh mục đoàn nói lên lời tri ân khi được tham dự khoá thường huấn này: “Các bậc túc nho thường nói “Nhân bất học bất tri lý”. Vì thế mỗi chúng con cần tự thường huấn. Khi anh em cùng học, rồi lúc có thầy để thụ huấn thì chắc việc học sẽ phong phú chất liệu và quý báu. Giáo Hội nhắc đến thường huấn trong Pastores dabo vobis. Còn nếu nhìn vào Kinh Thánh thì động từ discere được lặp lại rất nhiều lần. Tỉ như Dnl 5, 1: “Israel, discite ea, et opere complete” (Hỡi Israel, hãy học cho biết những điều ấy rồi đem ra thực hành) hay Mt 11, 29 “Discite a me …” (Hãy học cùng ta …). Hôm nay chính hai Đức cha đã ưu ái ban cho anh em linh mục chúng con được hưởng nhờ ân huệ những ngày thường huấn này. Kính xin hai Đức cha cầu nguyện và nâng đỡ chúng con để tuần thường huấn này đem lại nhiều kết quả tốt”.
Khoá thường huấn được bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều với bài Huấn từ khai mạc của Đức Cha Phêrô: “Những năm gần đây tôi rất vui mừng vì có nhiều cha nhất là các cha sở và Ban Loan Báo Tin Mừng của Giáo phận rất nhiệt thành và có nhiều sáng kiến hữu ích trong việc truyền giáo. Tôi vừa cảm ơn vừa cảm phục trước những hy sinh âm thầm của nhiều Cha cho công cuộc truyền giáo trong Giáo phận. Năm nay chúng ta lại có thêm một dấu chỉ đầy hy vọng cho công cuộc loan báo Tin Mừng nữa, đó là Ban Thường Huấn linh mục Giáo phận chọn chủ đề truyền giáo. Việc thường huấn linh mục rất quan trọng vì các linh mục là những cộng tác viên nòng cốt của Giám Mục trong các sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản Giáo phận”.
Và trong những ngày kế tiếp, chủ đề “Truyền giáo” được các thuyết trình viên trình bày dưới nhiều khía cạnh khác nhau: Truyền giáo: nền tảng Kinh Thánh và Thần Học (Cha Phaolô Nguyễn Minh Chính); Luân lý và Truyền giáo theo Thông điệp Veritatis Splendor của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi); Hoạt động truyền giáo theo quy định của Giáo Luật (Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ); Học hỏi sắc lệnh về Truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes (Cha Phaolô Trịnh Duy Ri); Phương pháp truyền giáo của Đức cha Cuénot Thể (Cha Gioan Võ Đình Đệ) và Tân Phúc Âm hoá (Cha Giuse Lê Kim Ánh). Sau mỗi bài thuyết trình là phần hội thảo của các linh mục được chia làm 4 tổ, chia sẻ và đóng góp ý kiến về nội dung bài thuyết trình vừa được trình bày.
Trưa ngày 09/9, kết thúc khoá thường huấn. Cha Tổng đại diện cũng thay mặt anh em linh mục kính chào hai Đức cha và tổng kết hiệu quả của những gì vừa mới được thâu nhận: “Sau tuần lễ được dạy, hôm nay chúng con no đầy lương thực chất lượng bài học “truyền giáo”… Thế nên, giờ này, phần chúng con, khi đã được tiếp dưỡng sinh chất, chúng con phải tiêu hoá để trở nên cường tráng, dồi dào sinh lực, thành hiện hữu mới trong truyền giáo mới. Thực vậy chúng con được học biết rằng duy chỉ từ nguồn một Đức Kitô truyền giáo mà sản sinh một Marcô với mission itinérante, một Matthêô với mission enseignante, một Luca với mission du témoignage, một Gioan với mission transformante, và xuất hiện một Phaolô, nhà thầy truyền giáo tuyệt vời. Thì, thân lạy Đức cha, anh em học viên tại khoá, nhiệt tình và chân tình, hic et nunc, ở Qui Nhơn đây và thế hệ này, theo môt hình logic đó, với kiểu thức đã nắm bắt, Chúa cho sẽ đâm mầm và mọc lên linh mục A có mission … rồi linh mục B với mission …. Thế là góp gió muôn phương, tung hoa muôn hướng. Một mùa bội thu dân Chúa – nối tiếp truyền thống cha ông – tiếp tục và phát triển khổ công tiền nhân gieo vãi. Ghi nhớ 400 năm Tin Mừng đến với Giáo phận – Ước mong thay!”.
Mọi người trở về nhiệm sở mình với một tinh thần truyền giáo mới đã được khơi nguồn, chỉ cần đem ra thực hành với một lòng nhiệt thành như trong lời huấn dụ của Đức cha Phêrô: “Chúng ta cần cảm nghiệm và đem ra thực hành trong đời linh mục của mình rằng «Tin mừng không phải là một thiện ích dành riêng cho người lãnh nhận, nhưng là một hồng ân cần phải được chia sẻ, một tin vui cần phải thông truyền. Hồng ân - nghĩa vụ này được ủy thác không phải chỉ cho vài người, nhưng cho tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, họ là “giòng dõi được tuyển chọn... là những người thánh thiện, là dân mà Thiên Chúa đã thủ đắc cho mình” (1 Pr 2, 9), để công bố những kỳ công của Chúa» (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Sứ điệp truyền giáo năm 2011)”.
Ø ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ ĐI DỰ HỘI THẢO VỀ THÁNH STÊPHANÔ CUÉNOT TẠI BÉLIEU (PHÁP)
Nhân kỷ niệm 150 năm cuộc tử đạo của thánh giám mục Stêphanô Cuénot Thể, Đức Cha André Lacrampe, Tổng giám mục Tổng giáo phận Besançon (Pháp) gửi thư mời Đức Cha Matthêô và Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh (Kontum) đến dự cuộc hội thảo về thánh giám mục Stêphanô tại Bélieu vào ngày 17 và 18 tháng 9 năm 2011.
Lúc 22 giờ 30 ngày 15/9, Đức Cha Matthêô cùng với Đức Cha Micae bay sang Pháp, nghỉ tại nhà MEP ở Paris. Hôm sau hai Đức Cha cùng với cha cựu bề trên G.B. Etcharren và một số linh mục Việt Nam đang du học tại Paris đi xe lửa TGV đến thành phố Besançon cách Paris hơn 500 km. Đức Cha André Lacrampe tiếp đoàn vào tòa tổng giám mục và viếng thăm nhà thờ chính tòa ngay bên cạnh. Sau khi dùng cơm trưa, đoàn lên đường hướng về Bélieu, quê hương của thánh Stêphanô, cách Besançon độ 60 km. Vào thời thánh Stêphanô, Bélieu là nhà thờ giáo xứ, nhưng nay vì thiếu linh mục nên chỉ còn là một nhà thờ nhánh thuộc giáo xứ Russey.
Khi đến nơi, vừa đúng 15 giờ, cuộc hội thảo bắt đầu ngay trong nhà thờ, với sự hiện diện của khoảng 300 người, trong đó có một thượng nghị sĩ, một dân biểu quốc hội và một thị trưởng. Cuộc hội thảo diễn tiến với 3 đề tài do ban tổ chức đưa ra. Trước hết là bài thuyết trình của một sử gia tên là JM Blanchot, trình bày bối cảnh xã hội vào thời thánh Stêphanô tại Besançon, đặc biệt ở Bélieu. Tiếp đến, Đức Cha Matthêô trình bày đôi nét về nơi thánh giám mục Stêphanô đã sống, tức là Gò Thị từ thời thánh Stêphanô đến nay. Cuối cùng Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh trình bày về công cuộc truyền giáo tại Tây Nguyên từ thời thánh Stêphanô đến nay, đặc biệt là trường đào tạo các giáo phu. Mỗi bài thuyết trình kéo dài độ 45 phút. Vào lúc 18 giờ thánh lễ đồng tế được cử hành để kính thánh Stêphanô. Sau thánh lễ mọi người quây quần xung quanh tượng thánh Stêphanô trước nhà thờ để cầu nguyện và dâng hoa. Vì có một số linh mục và giáo dân Việt Nam tham dự nên có nhiều bài thánh ca Việt Nam được hát xen kẽ với những bài thánh ca bằng tiếng Pháp. Sau đó mọi người về dùng cơm tối tại nhà mẹ các soeurs Dòng Retraite chrétienne và nghỉ đêm tại đó.
Sáng hôm sau, mọi người đi đến nhà thờ giáo xứ Russey. Chương trình mở đầu bằng giờ kinh sáng, tiếp đến cha G.B. Etcharren, cựu bề trên Hội Thừa Sai Paris có bài nói chuyện về ý nghĩa của mối dây liên hệ và hiệp thông giữa các Giáo Hội, trong đó ngài nêu lên những đóng góp của các linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam tại Âu châu và Mỹ châu. Sau đó là thánh lễ đồng tế theo phụng vụ ngày Chúa nhật XXV thường niên. Hai ngày hội thảo và gặp gỡ đã diễn ra tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu đậm nơi mọi người tham dự, đặc biệt là cộng đoàn dân Chúa tại tổng giáo phận Besançon. Ngoài cuộc hội thảo và thánh lễ đồng tế tại Bélieu và tại Russey, Đức Cha André Lacrampe còn đưa mọi người đến thăm một số cơ sở khác của giáo phận. Sau đó ngài tiễn đưa hai đức cha và các cha ra ga để trở về Paris.
Ngày 19/9, Đức Cha tranh thủ sang Na Uy để thăm cha FX Huỳnh Tấn Hải, cha Phaolô Phạm Hữu Ý, các soeurs MTG/QN và một số người thân quen, đặc biệt để chia vui với cha F.X. Huỳnh Tấn Hải vừa được Đức Giám Mục giáo phận Oslo bổ nhiệm làm Tổng đại diện. Nhờ sự sắp xếp của cha Hải, Đức Cha chủ sự lễ thánh Matthêô quan thầy cùng với cộng đoàn giáo dân Việt Nam tại Lillestrøm và sau đó tại cộng đoàn MTG/QN ở Elkelie (Hosle). Đức Cha trở về Việt Nam vào chiều ngày 23/9.

Ø  ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ ĐI DỰ HỘI THẢO VỀ NGHỆ THUẬT THÁNH
Trước khi đi dự hội thảo về thánh Stêphanô tại Pháp, ngày 13 tháng 9 Đức Cha Matthêô đi vào Sài Gòn cùng với cha Giuse Võ Tuấn để chủ sự cuộc hội thảo của Ủy ban giám mục về Nghệ Thuật Thánh. Cuộc hội thảo được tổ chức tại Trung tâm mục vụ của Tổng giáo phận Sài Gòn vào ngày 14 tháng 9, với sự tham dự của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám đốc Trung tâm mục vụ, (tham dự phần khai mạc và bữa ăn trưa), 9 thành viên của Ủy ban nghệ thuật thánh, các linh mục đặc trách nghệ thuật thánh tại 21 giáo phận trên toàn quốc và 4 vị khách mời.
Ngoài những tham luận của Đức Cha Matthêô và nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Hưng, các đại biểu còn trao đổi ý kiến về một số hoạt động của Ủy ban nghệ thuật thánh. Đặc biệt Ủy ban lên chương trình mở website về nghệ thuật công giáo để giúp mọi người tìm kiếm các hình ảnh và tài liệu liên quan đến lãnh vực này, nhằm phát huy sự hiểu biết và áp dụng nghệ thuật thánh và nghệ thuật công giáo vào các lãnh vực phụng vụ, xây cất thánh đường, trang hoàng các nơi thờ tự, v.v., với tên miền:
http://www.nghethuatconggiao.org
http://www.nghethuatconggiao.net 
http://www.nghethuatconggiao.com
http://www.nghethuatconggiao.info
Sau khi từ Pháp trở về Việt Nam, vào lúc 9 giờ ngày 24 tháng 9, Đức Cha tham dự cuộc họp mặt của khoảng 400 người, gồm một số văn nghệ sĩ công giáo và nhiều nghệ nhân chế tác các tranh ảnh tượng và đồ mỹ nghệ công giáo tại Sài Gòn, do cha Vincentê Phạm Trung Thành, bề trên giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tại hội trường của trụ sở Dòng ở Kỳ Đồng. Cuộc họp mặt nhằm tạo cơ hội cho Đức Cha làm quen với giới văn nghệ sĩ và các nghệ nhân, để Đức Cha bày tỏ sự quan tâm đối với những người góp phần vào lãnh vực nghệ thuật thánh.
Ø PHÁI ĐOÀN GIÁO PHẬN QUI NHƠN ĐI DỰ LỄ AN TÁNG ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC
Được tin Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, nguyên giám mục giáo phận Ban Mê Thuột vừa từ trần vào ngày 23/9, Đức Cha phó Matthêô, cha hạt trưởng Bình Định cùng với thầy Phêrô Nguyễn Lê Hoàng Vũ, lên đường đi Buôn Ma Thuột vào lúc 13 giờ ngày 26/9. Tại giáo hạt Phú Yên có cha Giuse Lê Thu Thâu từ Tịnh Sơn lên trước. Thánh lễ an táng được cử hành tại khuôn viên Tòa giám mục vào lúc 8 giờ sáng ngày 27/9. Hôm ấy cũng là ngày lễ thánh Vinh Sơn Phaolô, bổn mạng của Đức Cha Nguyễn Văn Bản. Một ngày buồn vui lẫn lộn! Đức Cha Vinh Sơn chủ sự thánh lễ cùng với 8 giám mục đến từ 6 giáo phận, khoảng 150 linh mục, đông đảo tu sĩ nam nữ và giáo dân. Vì thời tiết xấu nên có 6 giám mục đã mua vé máy bay nhưng chuyến bay bị hủy, nên không thể đến được. Mấy hôm trước trời mưa nhiều, nhưng sáng hôm ấy trời không mưa, nên buổi lễ diễn ra trong trật tự và sốt sắng.
Ø  TIN BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN
Hội nghị Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần thứ II, được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, và Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, giáo phận Bà Rịa, từ ngày 21-23/09/2011. Tổng số tham dự viên là 78: 1 Giám mục, 27 linh mục, 2 nữ tu, 48 giáo dân là thành viên ủy ban mục vụ gia đình của 21/26 giáo phận, Ban chấp hành các đoàn thể và các phong trào gia đình, cùng một số chuyên viên và khách mời. Đại diện Ban MVGĐ/Gp Qui Nhơn tham dự Hội nghị: Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp, Trưởng Ban; ông Giuse Nguyễn Cho (Giáo hạt Bình Định) và bà Anê Huỳnh Thị Kiều Oanh (Giáo hạt Quảng Ngãi).
Dưới sự chủ tọa của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ gia đình. Hội nghị bàn thảo về các hoạt động mục vụ gia đình tại các giáo phận, lắng nghe những thao thức, và đưa ra định hướng những hoạt động trong thời gian tới. Hội nghị cũng thảo luận việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên mục vụ Hôn Nhân và Gia đình các cấp.
Sau ba ngày làm việc, hội nghị thảo luận, biểu quyết và đưa ra một số định hướng cho mục vụ hôn nhân và gia đình như sau:
- Xây dựng một thủ bản hướng dẫn tổng quát cho mục vụ hôn nhân và gia đình cho Giáo hội tại Việt Nam.
- Hội nghị đã nhất trí sử dụng cuốn “Hướng dẫn mục vụ gia đình” của cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ biên soạn và phát hành năm 2006 làm khung nền.
- Đào tạo các ứng viên mục vụ hôn nhân và gia đình tại các giáo phận.
- Thành lập Ban Nghiên Huấn (nghiên cứu và giảng huấn) trực thuộc VP/TTK Ủy ban Mục vụ gia đình do cha Augustino Nguyễn Văn Dụ làm Trưởng ban.
Sau khi kết thúc hội nghị chính thức tại TTMV tổng Giáo phận TPHCM, các đại biểu tham gia chuyến hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu từ 15h30 chiều ngày 22/9, viếng thăm Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, giám mục giáo phận Bà Rịa, tham quan thành phố Vũng Tàu. Trong cuộc hội thảo bổ sung tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu vào sáng ngày 23/09/2011, Hội nghị đã tiếp tục thảo luận, và biểu quyết thông qua việc tổ chức một cuộc hội thảo về Tông Huấn Gia Đình nhân kỷ niệm 30 năm công bố (22/11/1981). Giáo phận Đà Nẵng là trung tâm điểm được chọn để tổ chức hội nghị, dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức từ ngày 17-18/11/2011, do Văn phòng TTK và Ban mục vụ gia đình giáo phận Đà Nẵng nhận trách nhiệm tổ chức. Hội nghị kết thúc vào lúc 15g00 ngày 23/09/2011.
Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI.
- Trại truyền thống 02/9 hằng năm tại giáo xứ Châu Ổ. Hơn 400 bạn trẻ đến từ các giáo xứ trong giáo hạt Quảng Ngãi, đặc biệt có 02 bạn trẻ đến từ hạt Bình Định. Hội trại bắt đầu từ 7g30 và kết thúc lúc 21g30. Ngoài trò chơi lớn mang tính giáo dục và những hình thức thi đua thường lệ, các bạn trẻ được học hỏi và thảo luận sứ điệp của ĐGH gửi Đại hội giới trẻ thế giới năm nay, cùng hiệp dâng thánh lễ, và đặc biệt, lần đầu tiên có giờ sám hối và xưng tội. Nhờ kinh nghiệm từ những năm trước, cuộc trại năm nay có phần phong phú hơn. Hội trại này đã khởi sự từ trên 15 năm nay, dần dần mở rộng ra đến toàn giáo hạt, thỉnh thoảng đã có các bạn trẻ đến từ một số giáo xứ thuộc giáo phận Đà Nẵng. Đây là điểm hẹn hằng năm của các bạn trẻ giáo hạt Quảng Ngãi.
- Thánh lễ Tết Trung thu. Như lịch phụng vụ đã ghi, các giáo xứ đều cử hành thánh lễ Trung thu và tổ chức mừng lễ cho các cháu thiếu nhi, như phát quà, múa lân. Đặc biệt giáo xứ Châu Ổ có cuộc thi đố vui, và thi lồng đèn do phụ huynh tự làm cho các con, và kiệu rước Chúa Hài Đồng. Dịp này giáo xứ cũng tổ chức thăm viếng và tặng quà các cụ già từ 70 tuổi trở lên tại 02 giáo họ của giáo xứ. Giáo xứ hải đảo Lý Sơn tổ chức rước đèn, múa lân, tham gia ẩm thực mừng Trung thu và đố vui có thưởng, có cả các em bên lương đến tham dự.
- Lễ khai giảng năm học giáo lý tại giáo xứ Lý Sơn. Chúa nhật XXIV TN. 11/9, Cha Sở Giuse Nguyễn Quốc Việt đã khai giảng năm học giáo lý trước sự hiện diện của các chức việc, các giáo lý viên và con em trong giáo xứ hải đảo. Cha Sở nhắn nhủ các em phải lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực cuộc sống, giữ Mười điều răn Đức Chúa Trời và sống trọn vẹn với Tám mối phúc thật, mà muốn được như thế thì phải học giáo lý. Sau đó Cha Sở công bố chương trình giáo lý các cấp và những sinh hoạt liên quan sẽ kéo dài đến lễ Mình và Máu Chúa năm 2012. 
Chúa nhật tuần trước đó, giáo xứ cũng đã hiệp dâng thánh lễ cầu cho các cháu học sinh bước vào năm học mới. Sau thánh lễ, cha sở phát thưởng khuyến học cho học sinh đạt danh hiệu giỏi và tiên tiến ở các cấp.
- Cộng đoàn DCCT Châu Ổ mừng kỷ niệm 100 thành lập Tỉnh dòng DCCT thánh Anna. Chiều Chúa nhật 25/9, cộng đoàn DCCT Châu Ổ đã cử hành thánh lễ đồng tế đặc biệt cầu nguyện cho Tỉnh dòng Mẹ - Sainte Anne de Beaupré, Canada. Nhà thờ được trang hoàng bằng các panô và một số hình ảnh đặc biệt liên quan đến Tình dòng Mẹ. Hầu hết các thành viên trong cộng đoàn đang phục vụ tại giáo xứ Châu Ổ và các giáo điểm đều có mặt. Dù trời mưa lớn, nhưng đông đảo giáo dân về tham dự. Giáo điểm Bình Hải đã thuê 7 xe 16 chỗ cho bà con về dự lễ. Qua chia sẻ của Cha G.B. Nguyễn Thế Thiệp trong thánh lễ, mọi người có được dịp hiểu biết về lịch sử và những đóng góp rất lớn của Tỉnh dòng Mẹ đối với Tỉnh dòng Việt Nam. Hiện nay cộng đoàn DCCT Châu Ổ phụ trách các giáo xứ Châu Ổ, Lý Sơn và các giáo điểm Bình Hải, Bình Thạnh. Được biết Châu Ổ là trung tâm truyền giáo thứ hai theo thứ tự thành lập (1963) của Tỉnh dòng Việt Nam.
TIN HỘI DÒNG MTG QUI NHƠN
- Chào đón Đức TGM Leopoldo Girelli  Đúng 11g00 ngày 08.09.2011, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đến thăm Tu viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Gò Thị. Tháp tùng với ngài có Đức Cha Phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi, cha Anrê – thư ký riêng của Đức Tổng và quý cha, quý thầy trong Giáo phận.
Niềm vui rộn lên trong tiếng pháo tay không ngớt, khi chiếc xe của Đức Tổng dừng lại trước cổng Tu viện, chị em khấn sinh, tập sinh, tiền tập và thanh tuyển đứng xếp thành hai hàng danh dự, với chiếc nón duyên dáng Việt Nam trên tay vẫy đón đưa đoàn khách quý vào Nhà Khách Tu viện.
Sau băng reo và bài hát vui nhộn, chị Tổng Phụ trách Anne Marilyne Phạm Thị Bích Hường dâng lời chào mừng và giới thiệu sơ lược về lịch sử của Hội dòng. Sau cái bắt tay thân thiện và trân trọng, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli chuyển lời thăm của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đến Hội dòng và ban huấn từ. Ngài nêu lên những thao thức về công việc truyền giáo của Giáo Hội đặc biệt mời gọi Hội dòng tiếp tục noi gương Đức Cha Lambert, đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, trung thành và chu toàn sứ mạng của mình trong ơn gọi Thánh Hiến. Chấp nhận những khó khăn trong xã hội và nhiệt tâm đem Tin Mừng đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Ngài nói, Đức Cha Lambert de la Motte đã chọn biểu tượng Thánh Giá đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Ngài khuyên mỗi chị em hãy sống linh đạo Mến Thánh Giá, theo sát căn tính của Dòng.
Trưa hôm ấy, Hội dòng hân hạnh được Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đức cha Phó Mathêô, quý cha và quý thầy cùng chia sẻ bữa cơm trưa thân mật với Hội dòng tại phòng cơm của Tu viện.
- Thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá - khai giảng lớp học viện.
Vào lúc 09g00 ngày 14.9.2011,  tại Nhà nguyện cộng đoàn Hưu dưỡng Ghềnh Ráng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn – Giám mục Giáo phận đã chủ tế Thánh Lễ Suy Tôn Thánh Giá – mừng kính Tước hiệu Hội dòng và khai giảng lớp Học viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn khóa I: 2011 – 2014.
 Cùng đồng tế với Ngài có Cha Giuse Lê Kim Ánh – Hạt trưởng hạt Bình Định, Cha Giuse Phạm Thanh – Linh hướng Hội dòng và 23 Linh mục trong Giáo phận. Hiệp dâng Thánh lễ còn có quý Thầy đang phục vụ tại các Giáo xứ trong Giáo phận, đại diện quý nữ tu 2 cộng đoàn Phan Sinh Qui Hòa và Phaolô Qui Nhơn, đông đủ chị em trong các cộng đoàn Nhà Mẹ, Ghềnh Ráng, Bình Định, Qui Nhơn và đặc biệt là 26 khấn sinh tạm được về học lớp thần học cơ bản 3 năm nói trên.
Được biết, việc tổ chức lớp thần học đào tạo các nữ tu trẻ tại Giáo phận là gợi ý với nhiều thao thức và ước mong cho việc đào tạo nhân sự trong Giáo phận có nhiều hiệu quả tích cực. Quý Đức Cha, quý cha Giáo phận và chị em trong Dòng đảm nhận việc giảng dạy.
Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha ngỏ lời chúc mừng Hội dòng và quan tâm đặc biệt đến việc khai mở lớp Học viện. Ngài nói:  “ …Hôm nay cũng là ngày đặc biệt vì đánh dấu sự khai sinh Học viện của Hội dòng. Học viện này là một nỗ lực rất đáng quý và đáng khen của quý chị em, nhất là của ban lãnh đạo Hội dòng. Đó cũng là mơ ước tôi từng ấp ủ từ lâu và thường chia sẻ với chị em. Sau bao trăn trở và chuẩn bị, hôm nay Học viện của Hội dòng đã ra đời. Mơ ước của chúng ta giờ  đây trở thành hiện thực. Nhiều cha trong Giáo phận và nhiều chị đã được gởi đi du học một phần nhằm mục đích phục vụ cho Học viện. Trước khi có Học viện này, nhiều chị em được gởi đi học xa nơi này nơi khác. Đi học xa cũng có nhiều cái hay nhưng cũng có lắm cái khó. Khó vì sẽ khó đủ tiền bạc và thời gian cho chị em đi học xa. Khó vì khó có được đầy đủ các chị em đi học. Khó vì sẽ khó hội nhập trở lại môi trường cũ khi chị em học xong. Khó vì “xa mặt cách lòng”. Chị em đi xa có nguy cơ dần xa lạ với đất tổ Gò Thị, với Nhà Mẹ và cả với Giáo phận. Còn học tại nhà cũng có nhiều cái hay. Hay vì Học viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn ra đời hôm nay là một ơn Chúa ban với nỗ lực cộng tác của nhiều người. Hay vì Học viện đặt tại Giáo phận có nhiều ưu thế. Hay vì đã vượt qua những cái khó nói trên. Hay vì phần lớn cha giáo, chị giáo là “cây nhà lá vườn”. Hay còn là vì “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Cái hơn muốn nói ở đây không phải là về tri thức mà là “cái tâm” của cha giáo, chị giáo “người nhà” và “cái tình” của học viên ngày ngày trao cho nhau tại cái nôi Giáo phận mẹ và tại quê mẹ của Hội dòng. “Cái tâm, cái tình” đó mới làm cho tri thức thủ đắc được trở nên hữu ích hơn. Như thế, chúng ta không vui mừng sao được ngày khai sinh Học viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và chúc mừng Hội dòng.Cầu chúc Hội dòng ngày càng thăng tiến, mến chúc chị em học viện được sức khỏe và khôn ngoan để càng thêm tri thức thì càng thêm đạo đức hầu phục vụ Chúa và Hội thánh đắc lực hơn”. 
Trong bài giảng lễ, Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ - Giám đốc Chủng viện Qui Nhơn đã nêu lên sự cao quý của Thập Giá đối với người Kitô hữu, Thập giá là đỉnh cao của mạc khải tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Thập giá Đức Kitô trở nên đối tượng duy nhất của lòng trí của chúng ta. 
 Cha Giuse nói: “Hôm nay lễ kính Thánh giá Chúa, tước hiệu của dòng chị em Mến Thánh Giá. Chị em có thể thoáng buồn khi nghe nói: “Tên Mến Thánh Giá với chiếc áo dòng đen chẳng có gì hấp dẫn người thời nay”. Đối với một số người,tên Mến Thánh Giá có thể chẳng gợi lên điều gì dịu dàng dễ thương, dễ chấp nhận. Nhưng thực tế, hầu như giáo phận nào cũng có Dòng Mến Thánh Giá. Giáo phận nào chưa có đều ước mong cho có. Số nữ tu dòng Mến Thánh giá hàng năm cũng tăng lên không ngừng. Hơn nữa, sự hấp dẫn của Hội dòng đâu phải bởi cái tên mà là do linh đạo, do lối sống đặt nền tảng trên tình yêu say mê thập giá Đức Kitô đến độ trở thành đối tượng duy nhất của lòng trí mình. Yêu Đức Kitô là yêu thập giá. Ai say mê Đức Kitô thì cũng phải hiểu ý nghĩa và chấp nhận thập giá Đức Kitô trong đời mình.
Vậy chị em hãy hãnh diện vì mình được mang tên là dòng Mến Thánh Giá và phải mến Thánh giá thực sự. Muốn không chưa đủ, phải yêu Thánh giá nữa và phải thể hiện ra trong đời sống hàng ngày. Thiếu tình yêu, Dòng Mến Thánh Giá có nguy cơ biến thành dòng “khiếp Thánh giá”, hay dòng “chán Thánh giá”; và tệ hơn nếu trở nên dòng “ghét thánh giá” hay “kinh thánh giá” thay vì kính Thánh giá. Thiếu tình yêu thập giá có thể khiến chị em nào đó rời dòng Mến Thánh giá và chuyển hướng sang dòng “Mến Thánh Gia”, lúc nào không biết. Thánh Anrê giám mục Crêta nói rằng «Có được thánh giá là điều lớn lao biết mấy! Ai có thánh giá là có một kho tàng... đó là của tốt nhất và đẹp nhất trong mọi của cải».Vậy chúng ta hãy giữ gìn, trân trọng và yêu thập giá Đức Kitô”.
Nhân ngày khai sinh Học viện, Cha đã khích lệ các khấn sinh trẻ: “Chị em về đây để được huấn luyện về mặt thiêng liêng và nhân bản, tri thức và mục vụ. Chương trình ba năm thần học tính sơ sơ có 57 môn học và chẵn 1900 tiết học. Nhiều môn nhiều tiết, chưa học mà có người đã thấy choáng thấy ngợp. Nhưng sẽ chẳng có gì phải choáng ngợp vì xét cho cùng, tất cả các môn học đều đồng qui nơi Kitô. Đó là học biết Đức Kitô, yêu Đức Kitô, bước theo Đức Kitô, sống như Đức Kitô. Nói như Thánh Phaolô «Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá» (1Cr 2,2). Do vậy Học viện Mến Thánh Giá có thể được định nghĩa: đó là “Học việc Mến Thánh Giá”. Có ngày khai giảng Học viện rồi sẽ có ngày bế giảng, nhưng “học việc Mến Thánh Giá” sẽ không có ngày bế giảng. “Học việc Mến Thánh Giá” là việc suốt đời. Trường học tình yêu Đức Kitô không có ngày ra trường bởi lẽ tình yêu đó không thể bị đóng khung và cho điểm. Tình yêu không đo bằng những con số mà bằng sâu thẳm tâm hồn đong đầy những hy sinh và sự từ bỏ cái tôi của mình”.
Mượn lời của Thánh Thoma Aquinô, Cha Giuse kết thúc bài giảng: “Thánh Thoma Aquinô có lần hỏi Thánh Bonaventura rằng làm thế nào mà ngài có được sự thông thái thần học sâu sắc hiện đầy trên các trang viết đến như thế. Thánh Bonaventura chỉ lên Thánh giá và nói rằng: ngài đã học biết tất cả nhờ chiêm ngắm Thánh giá. Hôm nay mừng lễ suy tôn Thánh Giá, chúng ta cầu nguyện cho nhau để thực sự có lòng yêu mến Thánh giá Chúa và coi đó là đối tượng duy nhất của lòng mình để chiêm ngắm mỗi ngày trong cuộc sống”.
Sau Thánh lễ, tại nhà cơm của Cộng đoàn, chị em Học viện chia sẻ niềm vui và biết ơn quý Đức Cha, quý Cha, quý chị em trong Hội dòng đã ưu ái quan tâm qua tâm tình bài hát Mùa xuân đầu tiên. Sau bữa cơm trưa thân tình, chị em tiễn mọi người ra về, trả lại bầu khí yên lắng, trầm tĩnh cho nhà hưu dưỡng Ghềnh Ráng.

LÊ THÁNH TÔNG CẤM QUAN LẠI TƠ HÀO "NHÀ CÔNG VỤ"


Lê Thái Dũng

Vua ban lệnh khi chuyển đi nơi khác, các quan không được lấy đồ đạc của nhà công mang theo, nhà công phải được trông coi chờ quan mới đến dùng.
Lý Thái Tông có 4 chàng rể người dân tộc thiểu số
Là một quốc gia gồm nhiều thành phần dân tộc sống gắn bó, đoàn kết, trải hàng ngàn năm lịch sử cùng chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước, do đó các chính quyền Việt Nam từ xưa rất coi trọng vấn đề dân tộc.
Thời nhà Lý, kế thừa chính sách của các triều đại trước, đối với vùng núi rừng xa xôi, nơi cư trú của các dân tộc ít người, Lý Thái Tổ vẫn áp dụng chính sách “cơ mi” (ràng buộc lỏng lẻo).
Ngoài ra để tăng cường và đẩy mạnh mối quan hệ, liên kết; bên cạnh việc phong chức tước, quyền hạn; ban thưởng tiền bạc, triều Lý còn thông qua các cuộc hôn nhân, gả công chúa cho các tù trưởng lớn có thế lực để qua vai trò của họ tập hợp cư dân thành khối thống nhất quanh nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.
Trong số các hoàng đế của triều đại này, Lý Thái Tông là vị vua gả nhiều con gái cho các tù trưởng, thủ lĩnh người dân tộc nhất. Tháng 3 năm Kỷ Tị (1029) vua gả công chúa Bình Dương cho Thân Thiệu Thái, châu mục châu Lạng (nay là Lạng Sơn). Năm Bính Tý (1036) gả công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ) là Lê Thuận Tông; gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai (nay thuộc Sơn Tây, Hà Tây) là Hà Thiện Lãm; gả công chúa Ngọc Kiều cho châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ và 1 phần Sơn Tây).
Lê Thánh Tông quy định việc sử dụng “nhà công vụ”
 Nhà công vụ hiểu một cách đơn giản là nhà ở thuộc tài sản công được dành cho quan chức (và gia đình họ) sử dụng trong thời gian nhất định khi đảm nhiệm một vị trí cụ thể tại một địa phương. Đến lúc không còn làm quan hoặc được chuyển đổi đi nhận vị trí khác thì người đó phải trả lại nhà công vụ để bố trí cho người mới.
Tuy nhiên vẫn có những người muốn biến công thành tư. Cách đây 500 trăm năm, hoàng đế Lê Thánh Tông để ý việc này, và đưa ra các cách thức xử lý cụ thể, ông trở thành nguyên thủ đầu tiên quy định chế độ sử dụng “nhà công vụ” và tài sản công.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 4 năm Bính Tuất (1466), vua ban lệnh “cấm các quan đổi đi chỗ khác không được lấy các thứ đồ dùng ở nhà công”. Đến tháng 2 năm Canh Tuất (1490) Lê Thánh Tông “định lệ quan đổi đi nơi khác phải giao lại nhà công. Từ nay trở đi, quan các nha môn nào đổi thăng đi, về nghỉ để tang hay ốm chết…thì chỗ nhà ở và các đồ vật giao cho quan lại sai người coi giữ, đợi khi quan mới đến dùng”.
Lê Thần Tông chấm đỗ người không làm hết bài thi
Trong thi cử Nho học thời xưa có nhiều quy định rất chặt chẽ, khắt khe, bài thi nếu chỉ phạm một chữ húy thì dù có viết hay đến mấy cũng bị đánh trượt, hoặc dù có làm hết bài nhưng chưa chắc đã vượt nổi tài thơ văn của những người cùng thi khác. Ấy thế mà một thí sinh vào thi, làm không hết bài vẫn được chấm đỗ, không những thế còn là người đỗ đầu khoa thi, đó là câu chuyện của Nguyễn Minh Triết quê ở xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thuộc xã An Lạc, huyện Chí Linh, Hải Dương).
Khoa thi Hội năm Tân Mùi (1631) đời Lê Thần Tông, đề thi gồm 2 phần: Phần đề phú có nội dung “Lấy đức làm chính trị”, phần đề thơ là “Tiêu Hà đứng đầu”; tất cả gồm 12 mục. Lọt vào kỳ thi Hội chỉ có 60 người, do thời gian ngắn mà đề mục lại nhiều nên 59 người đều làm sơ lược, tính toán miễn sao cho đầy đủ 12 mục.
Riêng Nguyễn Minh Triết thì lần lượt làm từng mục, dẫn giải cụ thể, biện luận rõ ràng vì thế khi hết giờ, phải nộp bài thì ông mới chỉ xong được 4 mục. Vua Lê Thần Tông xem bài thi thấy ý tứ rất hay bèn hỏi các khảo quan và nữ học quan Nguyễn Thị Duệ, mọi người nói nếu chấm thì rất xứng đỗ đầu. Cuối cùng vua truyền bảo: “Thơ chỉ hay một câu, phú chỉ hay một đoạn mà còn được, huống chi bốn mục. Bài nếu đáng đỗ đầu thì cứ để đỗ đầu”.
Vậy là dù bài thi không hoàn thiện nhưng thí sinh Nguyễn Minh Triết lại được chấm đỗ Đình nguyên Thám hoa. Ông chính là người cao tuổi thứ nhì trong số gần 80 vị đỗ Thám hoa trong lịch sử nước ta.
 Lê Ý Tông ban hành âm nhạc trong các ngày đại lễ
Âm nhạc được sử dụng trong các nghi lễ cung đình từ rất lâu nhưng còn đơn giản, chưa thống nhất, chưa phân định cụ thể đối với từng nghi thức. Đến đời Lê Ý Tông (1735-1740), lần đầu tiên âm nhạc được quy định sử dụng với các tiết tấu, thanh điệu khác nhau ở những ngày đại lễ khác nhau.
Sách Lê triều hội điển cho hay: “Theo pháp điển hồi quốc sơ, chỉ làm lễ rước và lạy mừng, nhạc chương chưa đủ. Vĩnh Hựu năm thứ nhất (1736) mới kính vâng ngự chế, báo rõ bá quan rằng: Các lễ Diên Thọ, Chính Đản, Yết Giao, Tế Cờ, xét về nhiều mặt được coi là đại lễ. Hợp các nhạc chương lại để cùng diễn tấu. Như vậy ngước lên thấy tình văn tuyên xướng (được phô bày thỏa thích), tiết tấu ung dung. Gây dựng được cái tự cổ chưa từng có. Thánh đức cùng thiên địa đại đồng, ấy là cái thể nghiệm sự ứng dụng vậy”.
Theo đó, nhạc chương dùng trong các ngày đại lễ có 5 chương, là: Từ bình, Thanh bình, Hòa bình, Thăng bình, Thừa bình.
Minh Mạng cho cắm biển ghi tên đường phố tại kinh đô
Ngày nay, không chỉ tại các đô thị lớn mà các thị trấn nhỏ đều có những tấm biển đề tên của các con đường, con phố tạo thuận tiện rất nhiều trong việc xác định vị trí, tìm địa chỉ, quản lý hành chính…, thậm chí còn có tác dụng nhắc nhớ, tri ân đến những chiến công, địa danh, con người cụ thể.
Nếu như việc dựng biển chỉ hướng đi các nơi, lập cột mốc đánh dấu khoảng cách đường đi đã được một số vị vua thời Tiền Lê, Lý tiến hành thì việc đặt tên đường phố, dựng biển ghi tên lần đầu được thực hiện dưới triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Sách Đại Nam thực lục cho biết vào tháng 5 năm Canh Thìn niên hiệu Minh Mạng thứ nhất (1820), vua cho “đặt đường phố ở Kinh thành có khắc biển, ghi tên”.
Vua Khải Định ban thưởng cho những người đại thọ
Tôn kính, trọng vọng người già là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm qua. Chính vì vậy sử sách ghi chép rất nhiều đến việc các quân vương nhiều triều đại từng ban yến tiệc, thưởng tiền bạc, lụa là cho các bậc phụ lão trong nước. Thậm chí vào đời Trần, triều đình còn hỏi ý kiến của người già nên làm gì trước cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông: lịch sử đã ghi nhận về “hội nghị Diên Hồng” với tiếng hô: “Quyết đánh” của các bô lão.
Thời Khải Định ở ngôi, có một sự kiện độc đáo liên quan đến người cao tuổi, đó là vào tháng 5 năm Kỷ Mùi (1919) vua ban thưởng cho 8 người đại thọ, trong đó có một nhân vật rất nổi tiếng là cụ Đoàn Tử Quang, người được coi là thí sinh cao tuổi nhất trong lịch sử thi cử nước ta.
Sách Khải Định chính yếu viết: “Tháng 5, chuẩn ban thưởng biển ngạch cùng tiền bạc với mức khác nhau cho 8 vị quan viên cao thọ, gồm: Cấm binh, phó vệ úy Trịnh Văn Hòa ở tỉnh Quảng Nam (94 tuổi); nguyên Thống chế về hưu Nguyễn Như Cung ở phủ Thừa Thiên (81 tuổi); Quang lộc tự Thiếu khanh Trương Thỉnh ở tỉnh Quảng Nam (81 tuổi); Đoàn Tử Quang hàm Trước tác đang an dưỡng tại quê nhà thuộc tỉnh Hà Tĩnh (101 tuổi); Thái Tân, dân thường cao thọ ở tỉnh Hà Tĩnh (101 tuổi); Phạm Văn Châu ở tỉnh Quảng Nam (101 tuổi); Nguyễn Văn Hỗ ở tỉnh Quảng Nam (101 tuổi); Đồng Vũ ở tỉnh Bình Định (101 tuổi)”.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

CHÉM GIÓ LÓ CÁI GÌ?

“Nổ” chuyện thi quốc tế

Ông Nguyễn Lộc An

Theo báo Lao Động

Vừa kết thúc hội thảo, PGS-TS Ngô Trí Long đã chờ gặp ông An ở cửa phòng họp để hỏi: “Cậu thi toán quốc tế năm nào?”. Nghe ông An trả lời: “Em thi năm 1982 sếp ạ” - ông nói ngay: “Tôi rất biết về đội thi toán quốc tế nhưng chắc chắn năm 1982 không có tên cậu” - ông Long nói.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, báo cáo bằng văn bản những thông tin gây bức xúc của ông tại cuộc hội thảo về xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chủ trì.
Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết ngay sau buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại trụ sở Bộ Công Thương ngày 21.9, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã gọi ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, trực tiếp lên gặp bộ trưởng để báo cáo những thông tin ông An nói trong hội thảo về xăng dầu trước đó một ngày.
Sau đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu ông Nguyễn Lộc An báo cáo cụ thể bằng văn bản, gửi bộ trưởng vào ngày 26.9. Có thể ông An sẽ phải đối mặt với kỷ luật.
Tại hội thảo về cơ chế điều hành giá xăng do Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ chủ trì ngày 20.9, ông Nguyễn Lộc An đã nói: “Có lẽ Bộ Tài chính chịu sức ép nhiều từ báo chí, dư luận nên giảm giá xăng. Khi nhận được quyết định giảm giá của Bộ Tài chính, tôi hơi giật mình và nghĩ Bộ Tài chính bị làm sao vì tính theo giá nhập khẩu 30 ngày, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ”.
Ông An còn cho rằng, cơ chế giá cơ sở đưa ra để bắt doanh nghiệp làm theo vậy mà doanh nghiệp đang lỗ lại giảm giá.
“Cái sai là do con người chứ không phải chính sách sai. Tôi tuy không giỏi toán lắm nhưng có đi thi toán quốc tế nhưng không hiểu toàn tính ngược thế nào nên bỏ lỗi rất nhiều cơ hội điểu chỉnh giá, trong đó có giảm giá”, ôn An nói trong cuộc hội thảo do Bộ trưởng Vương Đình Huệ chủ trì.
Vừa kết thúc hội thảo, PGS-TS Ngô Trí Long đã chờ gặp ông An ở cửa phòng họp để hỏi: “Cậu thi toán quốc tế năm nào?”.
Nghe ông An trả lời: “Em thi năm 1982 sếp ạ” - ông nói ngay: “Tôi rất biết về đội thi toán quốc tế nhưng chắc chắn năm 1982 không có tên cậu” - ông Long nói.
Ông An đáp lại: “Sếp cứ tìm hiểu thêm thông tin trên mạng đi ạ”.
Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, từ trước tới nay không có ai tên Nguyễn Lộc An đi thi toán quốc tế.

Hội chứng học sinh giỏi kéo dài
Việt Thắng

Tại hội nghị công đoàn của cơ quan đảng ở Nghệ An, ông bí thư có lời phát biểu động viên cán bộ phải luôn luôn tự rèn luyện, trau dồi kiến thức, có như thế thì mới theo kịp đòi hỏi của thời đại… Kết thúc bài diễn văn, bí thư, nói: Có người không chịu đọc, không chịu học, không chịu lắng nghe nên không có kiến thức thực tế, thiếu thông tin nên nói gì cũng sáo rỗng, giáo điều, chẳng ai nghe. Ấy thế mà cứ hễ đăng đàn là lại điệp khúc: "Ngày xưa tôi học giỏi toán lắm". Theo ông bí thư, do người ta ở thì hiện tại không có gì cả nên phải bươi tìm huy hoàng trong quá khứ. Như vị cán bộ nọ là mắc phải "hội chứng học sinh giỏi kéo dài". Bí thư nói xong, cử tọa thi nhau vỗ tay. Ai nấy cũng xuýt xoa, hay quá, chí lí quá. Và ai nấy đều biết, người mắc hội chứng kia cũng là một lãnh đạo đầu ngành tuyên huấn, là một trong số ít được xem là kinh bang tế thế của tỉnh nhà. Thế mà, đồng chí này vừa phải trải qua những tháng ngày kiểm tra của Trung ương vì tội làm giả hồ sơ Huân chương lao động, lập chứng từ khống để tiêu tiền cơ quan…
Ngày 20.9, tại Hôi thảo bàn về điều hành giá xăng dầu, Vụ phó Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương Nguyễn Lộc An đã có những phát biểu mỉa mai Bộ Tài chính và cá nhân Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Những phát biểu của ông An là gay gắt và chỉ duy nhất một mục đích, bảo vệ cho 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được tăng giá bán. Trong lúc đó, chính Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã khẳng định, ông hoàn toàn vì lợi ích của hơn 80 triệu dân Việt chứ không vì 11 doanh nghiệp kể trên, và việc ông mà cũng đang để góp phần kìm chế lạm phát, giảm chỉ số giá tiêu dùng đang tăng vọt…Và, chính ông sẽ chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định giảm giá xăng dầu. Đồng thời, ông Huệ cũng đã nhắc rất khéo, rằng tôi đã từng là Chánh, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước…Nói thế, để khẳng định rằng, ông đã đi guốc nhót trong bụng các doanh nghiệp rồi, đừng dùng màn thưa che mắt…"chúa" kiểm toán nữa.
Không chịu khuất phục trước lí lẽ của Bộ trưởng Tài chính, ông Nguyễn Lộc An đã dọa: "Cứ đà này sẽ vỡ cả hệ thống phân phối". Vị Bộ trưởng vẫn không mảy may "run sợ" trước lời đe dọa của ông vụ phó, ông rắn tiếng: "Đơn vị nào muốn rút khỏi thị trường thì hãy lên tiếng để Bộ Tài chính biết". Không "cạy cửa" được ông Vương Đình Huệ, vụ phó Nguyễn Lộc An phát…liều: "Tôi không giỏi nhưng cũng đã đi thi toán quốc tế". Khổ thế, ông An lại phải bươi tìm huy hoàng trong quá khứ, vì hiện tại đang bị Bộ trưởng họ Vương "vùi dập" theo giá xăng dầu giảm. Và chính ông An cũng đang mắc phải "hội chứng học sinh giỏi kéo dài" như bác lãnh đạo "giỏi toán" ở Nghệ An. Nhưng ông An còn mắc thêm chứng "cuồng nhận", vì ông An chưa bao giờ là thành viên đội tuyển đi thi toán quốc tế cả.
Này nhé, ra khỏi phòng họp, PGS - TS. Ngô Trí Long đón ông An ngay ở cửa:     
- Cậu thi toán quốc tế năm nào?
          - Em thi năm 1982, sếp ạ
          - Tôi rất biết về đội thi toán quốc tế, nhưng 1982 chắc chắn không có tên cậu.
          - Sếp cứ tìm hiểu thông tin trên mạng đi (đầy thách thức).
Thật đau buồn là ngay sau đó, Cục trưởng Cục Khảo thí kiểm đinh chất lượng giáo dục - Bộ GD ĐT - Nguyễn Khắc Minh, cho biết: Không có tên Nguyễn Lộc An trong thành phần đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự IMO từ trước đến nay.
Nghe đâu, vì sự "cuồng nhận" này mà Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu ông "giỏi toán" Nguyễn Lộc An giải trình, không khéo là bị kỷ luật về tội gian dối thành tích đấy.
Ngoài việc mắc phải "hội chứng học sinh giỏi kéo dài" và cũng là phường gian dối như bác lãnh đạo "giỏi toán" ở Nghệ An, Vụ phó Nguyễn Lộc An còn mắc thêm chứng "cuồng nhận học sinh giỏi".

                                                                                        

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

HỒ DZẾCH, VƯỜN THANH VÀ NỖI SẦU VẠN CỔ


Thuỵ Khuê

Ðất Thanh Hóa, vườn Thanh, quê ngoại Hồ Dzếnh, cũng là quê hương mối tình thứ nhất với người yêu Hồng Phúc, biệt hiệu "người em gái", người mà Hồ Dzếnh đã phác họa bằng những nét:
Em ăn em nói em cười,
Kiếp này không có hai người như em

người mà Hồ Dzếnh nhắn nhủ:
Ðừng mong ước cả Thiên Ðường
Hãy xin lấy một tấc vườn vắng hoa.

Những câu thơ viết cho Hồng Phúc trong bài Giản dị, Mai Thảo nhớ lầm, sửa thành:
Dẫu cho lỡ cả Thiên Ðường
Thì xin một nửa tấc vườn vắng hoa.
Sự nhớ lầm gây thêm nồng độ tha thiết của mối tình, và dẫn ngọn bút của Mai Thảo đến một triền vực khác: "Thì xin một nửa tấc vườn vắng hoa. Thế đâu là xin. Có gì mà xin. Thế là cho. Cho hết cả mùa hồn, gặt hái được nhánh nào cho luôn nhánh ấy, cuống quít thơ ngây và hồn hậu sống. Thế là thơ đầu đời, thế là sức khỏe của thơ có, thế là thơ không yếu đau. Rồi ý thức tới. Chứ sao. Nhưng cái gì tạo thành ý thức sinh động hồng hào [...] nếu không là những va chạm tình cảm bàng hoàng dội đập lại thành những cực điểm hân hoan hay thành những tận cùng bi đát?

Trời đẹp như trời mới tráng gương
Chim ca ánh sáng rộn ven tường
Có ai bên cửa ngồi hong tóc
Cho chảy lan thành một suối hương

Trời, đất, chim ca, ánh sáng, mái tóc trở thành một suối hương. Tạo vật trong thơ Hồ Dzếnh, cuộc đời vào thơ Hồ Dzếnh biến hình từ một chủ quan không bao giờ chối từ cái quyền uy tỏa chiếu rạng ngời vả đổi thay lộng lẫy của nó. Như thế là chủ động. Như thế là sáng tạo. Như thế là thơ. Thơ là mặt trời và đời người Hồ Dzếnh." Ðó là văn Mai Thảo.
Vẫn Mai Thảo, bừng bừng, xung bút và chủ quan: "Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh, hơn cả Xuân Diệu và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng, gõ vui từng nhịp nắng mênh mông đài trán thanh niên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, hai mươi tuổi, tiếp nhận một tập thơ còn trẻ hơn hồn mình phơi phới. [...] Thơ Hồ Dzếnh tiền chiến là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một tiếng thơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ Quê Ngoại không hằn một vết nhăn. Nó là một khối lạc quan và tin tưởng toàn vẹn.(1)"
Lạc quan và tin tưởng toàn vẹn? Có thật thế không? Hình như Mai Thảo hơi quá tay. Như Mai Thảo quá chén mỗi lần uống rượu. Như Mai Thảo sa đà mỗi lần được chữ đưa đi. Quê Ngoại hẳn là không hằn một vết nhăn, dù có cộng thêm ba mươi năm nữa. Nhưng niềm lạc quan và tin tưởng toàn vẹn là của Mai Thảo, chỉ là tâm tư Mai Thảo về Hồ Dzếnh. Còn Hồ Dzếnh, Hồ Dzếnh mang một tâm tư bi đát, một mối "sầu vạn cổ". Hồ Dzếnh đã gieo lên tiếng thơ tình yêu tan vỡ: Tình yêu và tan vỡ như một "thú đau thương" đặc dị, phát sinh một giọng thơ reo vui, mời gọi sự lỗi hẹn như một chén rượu nồng, như một trái cấm không cay:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần..
Tôi nói khẽ, gớm, làm sao nhớ thế!
...
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dỏ.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau ... lơ lửng ... với nghìn xưa....
........ (Ngập ngừng)
Cuộc đời riêng của Hồ Dzếnh ghi đậm dấu ấn trong thơ. Người yêu đi lấy chồng. Người yêu trở thành trái cấm. Và trái cấm trong đời trở thành đối tượng trong thơ:

Mộng tàn nước chảy mây trôi
Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa.
(Trở lại)

Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung
Chiều buồn như mối sầu chung
Lòng im nghe thoảng tơ trùng chốn xa
Ðâu hình tầu chậm quên ga
Bâng khuâng gió nhớ về qua lá dày
(Mùa thu năm ngoái)
Tính chất bi đát nơi Hồ Dzếnh không phải là do ngôn ngữ tạo thành mà như chính nó là hiện thân của không gian, cảnh vật, chính nó là chất liệu tác thành hình ảnh, tạo nên dư âm, tạo nên một thứ âm nhạc mới: âm nhạc nhẹ nhàng mà tha thiết; một thứ buồn mới: buồn chiều, buồn Hồ Dzếnh, lâng lâng, nhanh hơn slow, chậm hơn valse, buồn toả khắp không gian trong âm thanh và mầu sắc, một thứ sương mây của tiên nâu, một từ trầm không khói mà cay. Sự dịu nhẹ nơi Hồ Dzếnh ẩn dấu một chất buồn mỏng và nhẹ như sương, nhưng khi thấm vào người thì chẳng mạch huyết nào mà không rạn vỡ:

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngây
Tiếng buồn vang trong mây
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây
...
(Màu cây trong khói)
Dương Thiệu Tức phổ nhạc, đổi nhan thành Chiều, điệp hai lần Tiếng buồn vang trong mây, tiếng buồn vang trong mây... Chất trong hồn chiều nay, chất trong hồn chiều nay làm dài thêm dư âm, sâu hơn nỗi buồn.
Nhạc ở Màu cây trong khói là nhạc tự chữ, ảnh hưởng tượng trưng, Dương Thiệu Tước trong Chiều vẫn giữ nguyên nhịp điệu Hồ Dzếnh, chỉ nhấn thêm một "ton", gia tốc thêm một chút, tạo ra một thứ biến điệu đồng điệu, một tiến độ tiệm tiến, khiến như Dương Thiệu Tước đã không làm vỡ chất buồn nhẹ mà trĩu như sương nơi Hồ Dzếnh, mà chỉ làm cho nó say sưa hơn, mờ nhạt hơn, quyến rũ hơn.
*
"Tôi không muốn sống. Không muốn sống, không có nghĩa là chán sống, là không thể sống được. Không muốn sống, vì tôi thấy cái hiện tại tầm thường quá. Tôi băn khăn quay đầu về phương trời đã mất, sống lại cái gì đã qua, khóc ngày xưa không bao giờ về nữa. Tôi nghiệm thấy sống như thế thú lắm, tuy đau."(2)
Những dòng trên đây, viết đã hơn nửa thế kỷ mà dường như đã ám ảnh, đã đeo nặng thân phận Hồ Dzếnh suốt đời. Một cuộc đời sống nhờ dĩ vãng, một đời văn, đời thơ, đời người luôn luôn băn khoăn tìm về phương trời đã mất, một đời từ chối cuộc hiện sinh để truy lùng quá khứ: Một nỗi bất hạnh. Như Kierkegaard đã linh nghiệm và cảm nghiệm: Sự tìm về quá khứ là nỗi bất hạnh sâu xa nhất của con người, vì ta không thể sống hai lần một giây phút hay một khoảnh khắc nào đó của đời ta, mà chỉ có thể sống nó trong sáng tác, sống nó trong nguồn bất tận của sáng tác.
Ở Hồ Dzếnh, thú đau thương vừa là lẽ sống của sáng tác, vừa là thực tại của một cuộc đời nhiều chia ly và bất hạnh. Bất hạnh đời riêng, lồng trong bất hạnh lịch sử. Dường như Hồ Dzếnh là người cầm cờ cho một thế hệ làm thinh trước thời cuộc sôi bỏng, sống trong không khí đấu tranh mà những kẻ đấu tranh bị kết ám câm lặng: Ðó là thế hệ thanh niên nâng cao ngọn cờ ái quốc nhưng lại phải phủ nhận tư tưởng của chính mình: không thể phát biểu những điều chân thực nhất của lòng mình.
Nỗi đau thương nơi Hồ Dzếnh như một sự lựa chọn đến từ khi chưa ra đời, khi người cha Giang Tây qua gặp người mẹ Thanh Hóa trong một bối cảnh nghèo nàn buồn bã, rồi nó đeo đuổi trong thời trẻ khi người "em gái" vườn Thanh bỏ đi lấy chồng, và nó vẫn không tha đến phải bỏ thơ để làm thợ, như bao nhiêu số phận cầm bút khác từ Nhân Văn.
Từ Nhân Văn, Hồ Dzếnh ít giao du, gần như ngưng sáng tác, sống lặng lẽ với nghề thợ đúc thép, thợ cơ khí nhà máy xe lửa Gia Lâm. Hồ Dzếnh mất đi, ngày 13/8/1991 tại nhà riêng, số 80 phố Hòa Mã, Hà Nội, cũng trong lặng lẽ âm thầm, để lại ba tác phẩm tiêu biểu: Tập truyện ngắn Chân Trời Cũ, tập thơ Quê Ngoại và tập hồi ký Quyển Truyện Không Tên.
*
Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh, sinh năm 1916. Cha là người Quảng Ðông, chạy loạn sang Việt Nam khoảng 1890, gặp mẹ là cô lái đò bến sông Ghép, Thanh Hóa. Bắt đầu một sự giao lưu giữa hai thân phận, gặp gỡ giữa hai buồn rầu, hai định mệnh khắt khe. Ðó là một "duyên phận tối tăm và buồn rầu", Hồ Dzếnh cảm nhận "ngày gặp gỡ" của họ như vậy. Người cha "linh hồn Trung Quốc phát lộ trong từng bước đi" và người mẹ giống như những bà mẹ Việt Nam "đều phải đau khổ từ lúc lọt lòng" với "những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu bù rối nghiêng xuống bổn phận hàng ngày, tầm thường và nhỏ mọn."
Sự giao lưu giữa hai khối buồn rầu nẩy sinh những mầm mống buồn rầu khác, như thể hạt mầm gặp đất tốt cứ thế vươn lên: Sự buồn rầu, đau khổ, không may mắn trong dòng máu lây lan khắp thân phận tất cả những người thân yêu của Hồ Dzếnh, từ người cha, người mẹ, hai người anh, đứa em gái cùng cha khác mẹ, người chú, thậm chí đến cả người chị nuôi, người chị dâu, người anh rể, người hàng xóm, người cháu, cả con ngựa trắng của cha ... và bản thân Hồ Dzếnh cũng được hưởng gia tài bất hạnh đem vào văn học.

Khung cảnh tạo dựng lên toàn bộ tác phẩm của Hồ Dzếnh như một "nỗi sầu vạn cổ" là một mái nhà tranh lợp sơ sài, để chảy xuống mặt khách một dòng ánh trăng hạ tuần, và ngừng lại ở đấy thành những đồng hào mới long lanh (Ngày gặp gỡ) một thế giới của những "người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt tấm xuống nong, trong khi trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc" (Người chị dâu tôi) không gian ở đây là một không gian giao cầu Nam Bắc:
"Ðêm về trong những bước nhẹ, hắt hiu bốc hơi lên mặt sông. Nắng tắt dần dần, chỉ còn ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn ở đây không như hoàng hôn ở Giang Tây, Hồ Bắc, hoàng hôn ở đây u hoài như một chinh phụ nhớ chồng." (Ngày gặp gỡ)

Nền tâm hồn của Hồ Dzếnh dựa trên hai chữ "buồn bã" như thể trung tâm cuộc đời là buồn bã, và từ chốn đó, mọi sinh thể quay xung quanh, tạo nên một không gian buồn bã, và thời gian trôi đi, trôi lại, như luyến tiếc hồng tâm "buồn bã" không muốn giã từ.

"Trên nền năm tháng cũ, hình ảnh chị dâu tôi vẫn đứng, buồn bã với manh áo màu chàm cũ, mắt nhìn từ quãng trời xa về, bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật." (Người chị dâu tôi)

Ở đây không có biên giới giữa văn và thơ vì văn Hồ Dzếnh chứa chất đầy hình ảnh buồn bã đã là những lời thơ trong văn. Lời thơ là những mảnh đời buồn bã mà mỗi con chữ là một nỗi buồn, chắt gạn lên từ những sần sùi, thô lậu của cuộc sống giao lưu hai linh hồn dân tộc Hoa Việt, nghèo khổ và buồn bã như nhau.

Về cuộc sống riêng tư, ba người phụ nữ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đời Hồ Dzếnh, Huyền Nhân, Hồng Nhật, hai người vợ, Hồng Phúc người yêu và đối tượng thi ca.
Quê Ngoại II phần lớn là thơ tặng Hồng Phúc. Một bài tặng Huyền Nhân, tựa đề Tặng Vợ Tôi Khi Còn Sống, làm năm 50, có những câu:
Mùa đời rụng hết vàng xanh
Nỗi đau thương cũ nay thành máu thơ.

Một bài tặng Hồng Nhật, tựa đề Bài Thơ Tặng Vợ, với những dòng
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ trái tim bạn đời.

Ngoài ra còn có bản thảo viết tay bài thơ nổi tiếng Giản Dị, tặng Hồng Phúc với những hàng:
Em ăn, em nói, em cười
Kiếp này không có hai người như em.
Ba ý thơ gói trọn ba sinh mệnh khác nhau gắn bó với cuộc đời Hồ Dzếnh. Nhưng có lẽ sinh mệnh ngắn ngủi của người vợ đầu, đã để lại tác phẩm đau đớn và tổng kết một cách toàn diện chất bi đát trong đời văn, đời thơ, đời người Hồ Dzếnh mà có lẽ Hồ Dzếnh không ngờ, bởi ông viết không phải để in mà chỉ "để lại cho con". Ðây không phải là một tác phẩm văn chương trau truốt mà là những điều nói thẳng, nói thật của một người trực diện với hoàn cảnh gắt gao của cuộc đấu tranh tinh thần giữa con người và sự phủ nhận con người.
Quyển Truyện Không Tên của Hồ Dzếnh là đoạn hồi ký viết về bốn năm bi thảm nhất trong đời nhà thơ, từ năm 1947 đến 1950, với người vợ thứ nhất, bà Nguyễn thị Huyền Nhân. Vào Thanh Hóa thời kỳ kháng chiến, Hồ Dzếnh gặp lại Hồng Phúc. Người yêu cũ khuyên ông nên lấy vợ. Hồ Dzếnh kết duyên với bà Huyền Nhân, một độc giả mến mộ thi tài và đã thầm yêu ông từ nhiều năm trước. 1947-1948, trong kháng chiến Khu Tư với tướng Nguyễn Sơn, tại Thanh Hóa, Hồ Dzếnh làm công tác văn nghệ tuyên truyền. Nhưng gia đình nhỏ của ông không sinh sống nổi, phải kéo nhau lên mạn ngược. Ở đây, "nước độc" không chịu được lại phải kéo nhau về đồng bằng. Nghèo quá, lương giáo chức không nuôi nổi gia đình hai vợ chồng và hai đứa con trai. Hồ Dzếnh phải bán chiếc xe đạp cũ để tiêu dần, cho nên phải cuốc bộ mỗi ngày mấy cây số đi dạy học. Rồi người ta không cho Hồ Dzếnh dạy học nữa, phải xoay ra buôn bán. Vẫn túng. Sau cùng ông xin được một chỗ dạy ở xa, hàng tháng mới về thăm gia đình. Huyền Nhân yếu dần, không đủ sữa nuôi con. Ðứa con đầu lòng ba tuổi, mất đột ngột vì không kịp chữa chạy. Người mẹ ốm không tiền thang thuốc. Ít lâu sau cũng mất theo con. Còn lại đứa bé bốn tháng rưỡi, Hồ Dzếnh địu con đi khắp Khu Tư xin sữa cứu sống thằng bé. Huyền Nhân mất năm 1950 thì hai năm sau, 1952, Hồ Dzếnh mang được con vào thành.

Viết về giai đoạn kháng chiến bi thảm này, Hồ Dzếnh ký giọng người con trai sống sót kể lại chuyện mình với cái nhìn đặc biệt của nhà thơ về kháng chiến và chiến tranh. Thay lời con, Hồ Dzếnh viết: "Tôi sinh ra giữa một kỷ nguyên khác lạ, kỷ nguyên của những con đường thênh thang bị phá vỡ, cầu đổ xụp, nhà cửa tiêu tan, xe cộ mất lối. Người đô thị tản mạn lên rừng xanh, những cô gái xinh tươi của cuộc đời nhung lụa biến thành những cô hàng nước, những bèo bọt phong trần. Cuộc đổi đời đó thật là vĩ đại và kinh khủng, lay chuyển hết mọi từng lớp, giai cấp, san phẳng hết mọi chênh lệch sang giầu. Nếu chỉ có một trạng thái biến đổi đó thì chưa đến nỗi gay gắt. Ðằng này, buồn thế hệ gặm nhắm vào từng lòng người, cái phẫn uất, cay chua nhào thành một loại cảm giác kỳ dị, gán lên cuộc sống một hình thức sượng sần khó tả. Cái gì dở, trái, đều được văn chương mới mạng danh bằng những tiếng kêu ròn: tiểu tư sản, phong kiến. Muốn vào trong cái thế giới vừa tân tạo hôm qua, con người bắt buộc phải qua một lượt lột xác, hay ít nhất, cũng phải có ý thức lột xác [...]

... Cha tôi không còn được dạy học nữa vì lý do sức khỏe và nhất là vì giáo khoa (của ông) không thực tế. Học trò bây giờ quy tất cả các môn học về chính trị. [...] Chỉ tội nghiệp cho cô Kiều, cho Nguyệt Nga, lạc lõng từ mấy thế kỷ xa lại, thốt nhiên được người ta phê bình mổ xẻ [...]

Văn nghệ biến ra một ý nghĩa khác: ai cũng làm văn nghệ được [...] và tác phẩm của một cá nhân, tuy được mang tên mình, phải có xen vào công trình tập thể.

Trong cái biển đại chúng, bản sắc của một cá nhân bị đánh tan ra thành bọt. Văn nghệ không nhận ai là thiên tài cũng như cõi đời không biết có người nào là xuất chúng.

Một nhà văn như cha tôi không khác gì cô gái điếm: Cô gái chiều khách hàng, nhà văn chiều thời đại. [...]
[Nhưng] nghệ thuật không thể lừa được ai, và cũng không có gì lừa được nghệ thuật. Những tà tâm, lợi dụng nhất thời làm nổi tiếng, hay đúng hơn, làm xôn xao, sẽ chìm ngập khi con người không còn có mặt để kêu rộn những ngụy thuyết của mình."
(trích hồi ký, trang 19/20, 30, 31 và 55)
Một Hồ Dzếnh rất khác và cũng rất giống Hồ Dzếnh ngày xưa. Một Hồ Dzếnh phẫn nộ ôn tồn. Hồ Dzếnh phẫn nộ công kích bản chất chế độ. Hồ Dzếnh viết những điều mà nhà văn đã phải câm nín suốt đời. Viết trong một lúc không thể "nhịn" viết được nữa. Hồ Dzếnh trực tiếp tả chân niềm ô nhục của người cầm bút như gái điếm bán trôn nuôi miệng, nhưng vẫn không xa một Hồ Dzếnh ngày xưa, Hồ Dzếnh của Chân Trời Cũ, mổ xẻ những nỗi đau của con người.
Hồ Dzếnh viết thay cho con:
"Có lúc tôi nhai mạnh đầu vú. Ở chỗ thịt nứt, nước miếng tôi thấm vào, tia sữa bị rút lên, nghe buốt đến tận ruột mẹ. Và sữa tuôn ra với máu, chảy tràn ra hai mép tôi, chất ngọt dịu pha lẫn mùi vị tanh hăng làm cổ tôi nuốt vội. Mẹ tôi co người, nghiến chặt răng lại, đôi mắt chớp chớp trong giòng lệ nóng hổi. [...]

Máu cứ ứa, sữa cứ bật ra, cả một nguồn sống huyết lệ mẹ tôi cấp cho tôi để tôi đi vào đời với những con người ít khi nghĩ rằng nhân loại là một tác phẩm nhẹ mỏng như pha lê cần phải nâng niu từng cử động nhỏ. Giá những người nhắm mắt xô đẩy cả nguồn hy vọng loài người xuống hố đen thỏa thích, cũng được trời ban cho đôi đầu vú nứt cổ gà như vậy, thì chắc là đại họa được tránh đi, hòa bình phải được tôn trọng. Than ôi, chỉ vì quyền sinh sát lại ở những con người không được đẻ, không biết đẻ là gì, lấy lý trí để án ngữ cảm tình, và mỉm cười cho rằng sống ở đời nhiều khi phải tàn nhẫn [...]

Sao cứ phải lấy máu để dựng một sự nghiệp, lịch sử cổ kim chưa bao giờ thấy nói đến giòng máu ác đổ ra mà làm nên truyện được. Nước Trung Hoa không sống vì Vạn Lý Trường Thành mà sống vì Khổng Tử. Dân tộc Pháp được nhắc đến thiên thu bởi vì nền văn hóa tinh anh mà không phải vì Nã Phá Luân hiếu thắng. [...]

Cha tôi ghi trong hồi ký: [...] Thời đại bố sống là một thứ thời đại tác quái, thời đại bít hết nẻo thông và lương tâm nhiều khi rẫy chết. Lúc con đọc những dòng chữ này, chắc loài người đã nguôi cơn điên loạn, thế hệ đã chôn cất những khổ đau một thời [...] Bố muốn rằng, đọc lại nó, con nên có cái tâm niệm này trước hết: đừng bao giờ cổ võ, dầu chỉ bằng một lời nói vô tình, cái ý thức chém giết hằng rền vang trong mạch máu động vật [...]. Cái thời đại bố sống, anh em thù nhau, Ðông Tây ghét nhau, quả đất hừng hực những căm hờn bất mãn. Lẽ sống dệt bằng khói lửa, người ta không biết gì hơn là thủ tiêu nhau để hòng thoát ngõ bí.

Trong cuộc xáo trộn Nam Bắc, có cái gì còn nguyên được giá trị cố hữu đâu. Cái quý nhất là con người lại không còn gì quý nữa, nếu nó không là thứ xuất phẩm được rèn đúc theo khuôn khổ của thời đại."
(trích những trang 47, 48, 49, 75 và 87)
Một Hồ Dzếnh ngắn, trong di cảo tổng kết cái nhìn nhân bản nhất của nhà văn về chiến tranh, về tất cả các hình thức chiến tranh. Kể cả những thứ chiến tranh được gọi là cao đẹp nhất như kháng chiến. Bởi nó đã được chủ trương bằng những người, "không được đẻ", không biết đẻ là gì. Những người không có bầu vú nứt máu, tuôn sữa cho con bú. Cho nên họ không hiểu được giá trị sinh mạng con người.

Thụy Khuê

Chú thích:
(1) Mai Thảo, Hai Nhánh Sông Tâm Hồn Trong Thơ Hồ Dzếnh, Văn, số đặc biệt về Hồ Dzếnh, NXB Nguyễn Ðình Vượng, Sài Gòn 1973. In lại trong Hồ Dzếnh Thi Sĩ, NXB Hội Nhà Văn, 1993.
(2) Trích Gửi Bạn Phương Trời, trong tập Chân Trời Cũ, nhà xuất bản Nguyên Hà, Hà Nội, 1942.

Hồ Dzếnh mất ngày 13/8 năm 1991, hai năm sau, năm 1993, phần di cảo của ông được chào đời do sự cố gắng của bốn người thân: bà Hồng Nhật, nay đã qua đời, anh Hà Chính, con trai nhà thơ, bà Hồng Phúc, người yêu và ông Nguyễn Khắc Xuyên, người sưu tầm và đề bạt; nhà xuất bản Thanh Văn, Hoa Kỳ, in hai tác phẩm: tập thơ Quê Ngoại II hay Tiếng Hát Thiên Nga và quyển hồi ký Quyển Truyện Không Tên.