Công Khanh, Cảnh Toàn (Telegraph, AP)
SGTT.VN - Lần đầu tiên khái niệm về thước sách đến với tôi khi thầy Cung Giũ Nguyên kể lại chuyện ông được mời dạy triết học ở trường trung học Võ Tánh (nay là Lý Tự Trọng) Nha Trang như thế nào.
Ông nói: số là trường đang khuyết một giáo sư triết (ngày xưa các thầy dạy học từ trung học trở lên đều gọi là giáo sư, vì từ này không dùng để chỉ học hàm), ông thanh tra giáo dục ghé nhà chơi thấy trong tủ nhà thầy có nhiều sách triết nên mời dạy đại. Trước đó, có được số tiền lớn, không biết làm gì, thầy vào nhà sách Khai Trí bảo họ đo cho một thước sách triết mua về để ở nhà cho le...
Phong cách nói chuyện của thầy Nguyên luôn như thế, mọi thứ đều giống như hư ảo...
Đến khi vào học ở đại học cộng đồng Duyên Hải Nha Trang năm đầu tôi mới có dịp diện kiến cái thước sách mà thầy Nguyên từng đề cập như là một khái niệm, tại thư viện của trường. Đó là bộ tự điển bách khoa toàn thư Britannica dài hơn hai thước. Tôi lần giở từng cuốn và nghiệm thấy thân phận hạt cát cực kì hữu hạn của mình trước cái bể kiến thức mênh mông những vẫn hữu hạn kia.
Hôm qua đọc tin thấy những thước sách ấy đã chấm dứt vai trò lịch sử của nó sau gần 250 năm tồn tại. Từ nay, bộ từ điển bách khoa Britannica uy tín và quý giá nhất của con người sẽ không được xuất bản thành sách in nữa.
Nguyên nhân mà công ty sở hữu bản quyền bộ từ điển (trụ sở ở Chicago, Mỹ) đưa ra là mặc dù với vẻ ngoài đồ sộ như vậy, nhưng từ điển nhanh chóng trở nên lỗi thời so với kiến thức ngày nay sau khi được xuất bản. Thay vào đó, từ điển sẽ được tập trung nâng cấp phiên bản trên mạng.
Sau khi bán hết đợt sách đã in từ năm 2010, bộ từ điển 32 quyển này sẽ không được tiếp tục in nữa. Đến nay Britannica chỉ mới bán được 8.500 quyển. Chủ tịch công ty, ông Jorge Cauz nói: “Quyết định này không liên quan gì đến Wikipedia hay Google. Chỉ có một điều là Britannica sẽ bán phiên bản số bộ từ điển của mình cho nhiều người hơn”.
Trong khi Wikipedia đã rất phổ biến hiện nay, từ điển Britannica vẫn được đánh giá là một nguồn đáng tin cậy và nhất quán. “Với tôi, thông điệp quan trọng không phải chỉ có bản in là những gì làm nên tiếng tăm Britannica. Điều quan trọng nhất là Britannica có sự gần gũi và sâu sắc với cuộc sống, khi bộ từ điển mang lại kiến thức học thuật đã qua quá trình xử lý biên tập tới những người khát khao tri thức”, ông Cauz nói.
Công ty sẽ đánh dấu sự kiện bản in cuối cùng bằng cách cho phép độc giả tiếp cận miễn phí nội dung trên mạng trong vòng một tuần. Người dùng từ điển Britannica trực tuyến lên đến 100 triệu trên toàn thế giới và có thể phản hồi cho các biên tập viên. Phí truy cập Britannica trên mạng tốn 70 USD/năm.
Bản in đầu tiên của cuốn từ điển được ra đời ở Edinburg (Scotland) năm 1768. Lượng ấn bản bán ra của bộ từ điển chạm đỉnh vào năm 1990 với 120.000 cuốn. Sáu năm sau đó thì con số này giảm mạnh, chỉ còn 40.000. Công ty đã nghiên cứu cách phát hành phiên bản số vào những năm 1970, và đĩa CD-ROM đầu tiên của bộ từ điển được bán ra năm 1989. Năm 1994, từ điển bách khoa Britannica xuất hiện trên mạng Internet.
Từ điển Britannica được hàng ngàn chuyên gia đóng góp xây dựng nội dung trên toàn thế giới, từ những học giả Nobel cho đến các nhà lãnh đạo như cựu tổng thống Bill Clinton hay Tổng giám mục Desmond Tutu. Hiện có hơn 100 biên tập viên xử lý nội dung cho bộ từ điển.