Nguyễn Minh Tuấn
Bạn có thể tưởng tượng được không rằng thời nay ở nước Mỹ, một đất nước được cho là giàu có và văn minh nhất thế giới, ở bang California người ta cho phép người chồng được phép đánh vợ bằng thắt lưng da nhưng lại qui định cụ thể điều kiện dây thắt lưng không được rộng hơn 2 inch ( 1 inch= 2,54cm), cách đó không xa bang Michigan lại có qui định cấm đàn bà đi cắt tóc mà không xin phép chồng mình trước (1). Lạ hơn ở Afghanistan người ta có đạo luật áp dụng trong cuộc sống gia đình của người thiểu số Shia cho phép chồng có quyền bỏ đói vợ nếu bị từ chối sex (2). Ở nhiều nước Hồi giáo, luật pháp còn cho phép một người đàn ông có thể lấy tối đa những 4 vợ và hợp pháp hóa việc người chồng có quyền đánh vợ khi người vợ không phục tùng chồng (3).
Còn ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, để có biện pháp giáo dục đối với một người đàn ông thường xuyên đánh vợ, Tòa án đã tuyên phạt ông ta một hình phạt rất “đáng yêu” là phải tặng hoa cho vợ mỗi tuần một lần trong vòng năm tháng để học cách tôn trọng cái đẹp. Ngoài ra ông còn phải đọc một cuốn sách mỗi tháng, trong vòng năm tháng về đề tài “quan hệ gia đình và giáo dục con cái” để biết cách làm thế nào để trở thành một ông chồng tốt (4).
Ai cũng biết, để thể hiện thái độ thân thiện, cởi mở trong giao tiếp ở nhiều nước Châu Âu, việc ôm, hôn khi gặp gỡ là việc làm rất bình thường, nhất là với người mình yêu mến, nhưng nếu bạn sống ở Malaysia mà có hành động như vậy ở nơi công cộng thì đó là hành động bất hợp pháp và bạn có thể phải ngồi tù 1 năm để suy nghĩ về hành động mà nhìn bề ngoài rất chính đáng của mình (5).
Còn nữa, nếu như ở Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, người ta có đạo luật riêng về cái chết nhân đạo, cho phép áp dụng một cái chết nhẹ nhàng hơn đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa được, việc làm này đối với họ là nhân đạo vì tránh cho người bệnh đau đớn, tránh tốn kém tiền bạc (6). Nhưng ở Việt Nam, nhất là với truyền thống coi trọng chữ hiếu, luật pháp và đạo đức đều không cho phép điều đó, thậm chí còn bị trừng trị với tội danh giúp người khác tự sát.
Chưa hết, ở tộc người Eskimo ngày nay vẫn còn tồn tại một tập quán lạ kì mà không có điều luật nào ngăn cấm là vào những ngày đông lạnh giá, người khách đến nhà chơi, có thể được chủ nhà tỏ lòng hiếu khách “đặc biệt”, bằng cách mời ngủ lại với vợ y qua đêm. Khi làm việc đó, họ có lí do riêng của mình đó là phải đối xử tốt với khách, để người khách không phải chịu một đêm giá lạnh (7). Một điều nhiều người cho rằng rất đáng xấu hổ, đáng lên án, thậm chí là vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức ở một nền văn hóa này, đôi khi đối với tộc người khác, ở một cộng đồng cư dân khác lại là một việc làm được chấp nhận vì đơn giản, họ sống ở một không gian hoàn toàn khác, họ không suy nghĩ và làm theo những gì bạn đang nghĩ.
Luật pháp là một thành tố cấu thành của văn hóa, là một hình thức phản ánh đặc trưng văn hóa, suy nghĩ, thói quen, và sự lựa chọn khác nhau của những tộc người. Suy cho cùng thì mọi thứ tồn tại, vận động và phát triển trên thế giới này cũng đều có lý do riêng của nó và chừng nào còn những khác biệt về lịch sử, địa lý, trình độ phát triển giữa các nền văn hóa thì chừng đó vẫn còn tồn tại những sự khác biệt đầy hợp lý.
Xã hội tự thân nó đã luôn đa chiều, vì thế nếu nhìn dưới góc độ văn hóa, người ta không phán xét vội vàng, chủ quan về sự cao thấp, mà nhìn nhận vấn đề trong tính đa dạng và khác biệt vốn có của sự vật. Điều được coi là giá trị, là chuẩn mực thậm chí được ghi nhận trong pháp luật ở nơi này đôi khi lại là điều tồi tệ, cấm kị ở một nơi khác. Đúng là cái gì hay ta nên học, cái gì xấu ta nên tránh, nhưng trước khi biết được hay dở thế nào, cần phải có một cái nhìn "khoan dung về văn hóa", đừng vội lấy ta là trung tâm mà áp đặt, phán xử mọi thứ theo lối ta đều tốt đẹp hơn người, vì có thể lại là ngược lại (8)
Thì cũng vậy, người nước ngoài có thể ghê sợ trước món mắm tôm Việt Nam, và bạn có thể chẳng thích thú gì với món bơ (butter) truyền thống của Châu Âu.
Nhưng một ngày muốn làm bạn với nhau, muốn hiểu về nhau hơn, và đặc biệt muốn học hỏi những gì tốt đẹp của nhau, tất cả chúng ta đều phải tôn trọng sự khác biệt của nhau mà thay đổi cách suy nghĩ và hành động.
------------
Chú thích:
(1). http://www.md.lp.org/weird_laws.php
(2). http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=172028&catid=17
(3). Nhưng cũng qui định là người chồng phải chu cấp đầy đủ và công bằng cho cả 4 bà vợ này, nếu không, các bà vợ có thể kiện. Tham khảo tại http://answering-islam.org/Silas/wife-beating.htm
(6). Tham khảo tại http://en.wikipedia.org/wiki/Euthanasia_and_the_law
(7). Tham khảo tại http://www.straightdope.com/columns/read/2066/do-eskimo-men-lend-their-wives-to-strangers
(8). Hiện nay vẫn tồn tại lối tư duy cho rằng: "Những gì phù hợp với cái mà bản thân tôi hoặc những qui định mà cộng đồng văn hóa của tôi thừa nhận là “đúng”, thì mới là “đúng”, còn những gì khác lạ, không phù hợp với cái bản thân tôi và những qui định của cộng đồng văn hóa của tôi cho là “đúng” thì ắt hẳn là "sai". Lối tư duy này cũng giống như trong một câu truyện vui, rằng khi được hỏi: “cây hoa nào đẹp nhất?”, một chú nhím liền trả lời ngay rằng cây hoa xương rồng là đẹp nhất, bởi vì cây hoa xương rồng có những điểm tương đồng với điều mà chú cho là đẹp, mà cụ thể là “vẻ đẹp” bên ngoài của chú nhím này. Thực chất những những qui định pháp luật cụ thể, thậm chí những tiêu chí phân định giữa “đúng” và “sai”, “đẹp” và “xấu”, “thiện” và “ác”…thường chỉ có giá trị trong khuôn khổ cộng đồng văn hóa nhất định, với tư cách là nền tảng định hướng tư duy và hành động cho tất cả các thành viên của nó