Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

PHÁP LUẬT THỰC DỤNG TỔNG QUÁT




(Buổi hội thảo pháp luật thực dụng tổng quát do hội thân hữu Việt Mỹ tổ chức vào ngày 25 tháng 2 năm 2012 tại thành phố Oklahoma City của tiểu bang Oklahoma)

PTế Nguyễn Mạnh San Tuyên Úy Trại Tù Cho
Tổng Giáo Phận Công Giáo Oklahoma City
khoahocnet



Kính thưa Quí Vị Quan Khách:

Thật là một điều hết sức vinh dự cho tôi, lại một lần nữa được Hội Thân Hữu Việt Mỹ mời tôi đến đây, để thuyết trình với quí vị về đề tài Pháp Luật Thưc Dụng Tổng Quát, bao gồm một số vấn đề rất thiết thực, có liên quan đến pháp lý, mà tôi đã thu thập hàng ngày sau hơn 32 năm liên tục, tôi đã được phục vụ trong ngành Tư Pháp Hoa Kỳ, với chức vụ là Phụ Tá Trưởng Phòng Tố Tụng tại Tòa Án Liên Bang tại thành phố Oklahoma City và như quí vi đã rõ là tôi mới về hưu cách đây hơn 3 tuần lễ. Vậy trước khi đi sâu vào từng vấn đề pháp lý của đề tài Pháp Luật Thưc Dụng Tổng Quát này, tôi xin thưa cùng quí vị, là có một số người không để ý tới sự khác biệt hoàn toàn giữa Chứng Chỉ Nhập Tịch (Certificate of Naturalization) với Chứng Chỉ Công Dân Mỹ (Certificate of Citizenship). Chứng Chỉ Nhập Tịch là chỉ cấp cho những công dân 18 tuổi trở lên, sau khi thi đậu cuộc khảo sát nhập tịch (Naturalization Test) và đã được tuyên thệ nhập tich tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ hay tại Sở Di Trú, còn Chứng chỉ Công Dân Mỹ là do Sở Di Trú cấp phát cho những con cái dưới 18 tuổi, sau khi Bố hoặc Mẹ đã tuyên thệ nhập tịch và sau đó đã nạp đơn N-600 cho con cái với Sở Di Trú. Nhưng khi bị mất chứng chỉ công dân Mỹ, người ta đến Tòa Án xin cấp phó bản chứng chỉ (Duplicate Certificate), đều nói là bị mất chứng chỉ nhập tịch, chứ không nói là bị mất chứng chỉ công dân Mỹ. Do đó, Tòa Án chỉ có hồ sơ của những người tuyên thệ nhập tịch, chứ không có hồ sơ của những người có chứng chỉ công dân Mỹ, chỉ có Sở Di Trú mới lưu giữ hồ sơ này mà thôi.

A. Vậy, nếu ai lỡ đánh mất chứng chỉ nhập tịch, mà đã có Sổ Thông Hành Hoa Kỳ (US Passport) rồi, thì không cần thiết phải nạp đơn xin lại Chứng Chỉ Nhập Tịch làm gì vô ích, vừa tốn tiền mà lại vừa phải chờ đợi lâu từ 2 tháng đến 6 tháng, để nhận được thư của Sở Di Trú mời tới ký tên vào phó bản Chứng Chỉ Nhập Tịch.

B. Nếu trong trường hợp bị mất chứng chỉ nhập tịch, mà chưa kịp xin US Passport và để đỡ tốn nhiều tiền, mất thì giờ chờ đợi lâu như lời giải thích ở đoạn A trên đây, nếu ai tuyên thệ nhập tịch ở Tòa Án, thì chỉ cần đến Tòa Án xin cấp bản sao Bản Án Nhập Tịch, có con Dấu Triện nổi thị thực của Tòa (Certified & Sealed copy of Court Order), để cấp cho đương sự tạm thời hội đủ điều kiện nạp đơn xin US Passport, thay vì phải kèm theo đơn với Chứng Chỉ Nhập Tịch.

C. Nhưng nếu mất chứng chỉ công dân Mỹ, mà chưa có US Passport, thì phải nạp đơn xin phó bản chứng chỉ với Sở Di Trú, chứ Tòa Án không có hồ sơ của bất cứ ai có chứng chỉ công dân Mỹ, vì Tòa Án không hề cấp chứng chỉ loại này, mà Sở Di Trú đặc quyền cấp phát loại chứng chỉ này, nên hồ sơ được lưu giữ tại Sở Di Trú.

D. Tuy nhiên cách đây khoảng trên 15 năm, Luật Di Trú được Quốc Hội Hoa Kỳ thay đổi, vì các vị Quan Tòa mắc bận xử các vụ kiện, phòng xử lại chật hẹp và thiếu nhân viên điều hành tại Tóa Án, không thể nào đáp ứng với số lượng nhu cầu ứng viên tuyên thệ nhập tịch mỗi ngày mỗi gia tăng, nên có những người sau khi thi đậu phần khảo sát nhập tịch, được phép tuyên thệ ngay tại Sở Di Trú hoặc tại một địa điểm nào khác, do Sở Di Trú điều hành tổ chức qua sự ủy quyền của Tòa Án, thì trong trường hợp này, Tòa Án cũng không có hồ sơ của những người nhập tịch, nên nếu bị thất lạc chứng chỉ nhập tịch, mà không tuyên thệ ở Tòa Án, thì đương sự phải đến Sở Di Trú địa phương nơi mình đang cư ngụ, để xin sao lục hồ sơ nhập tịch .

E. Điều nên nhớ sau khi Bố hoặc Mẹ tuyên thệ nhập tịch rồi, một trong hai người phải nạp đơn N-600 với Sở Di Trú, để xin cho con cái dưới 18 tuổi trở thành công dân Mỹ, thì con cái sẽ được Sở Di Trú cấp phát chứng chỉ loại này, nhưng nhiều bậc Bố Mẹ hiểu lầm là sau khi Bố hoặc Mẹ tuyên thệ nhập tịch rồi, thì con cái tự động trở thành công dân Mỹ, nên không cần phải nạp đơn xin cho con cái vô quốc tịch.

F. Trong những trường hợp có một số cơ quan công cũng như tư, đòi hỏi đương sự phải nạp giấy tờ chứng minh là công dân Hoa Kỳ, mà họ không chịu chấp nhận US Passport, mặc dầu US Passport chỉ cấp cho công dân Hoa Kỳ, trong khi đương sự bị thất lạc Chứng Chỉ Nhập Tịch hay Chứng Chỉ Công Dân Hoa Kỳ, chưa kịp xin cấp phó bản chứng chỉ đã bị mất, thì có thể đến Tòa Án, xin cấp bản sao hồ sơ nhập tịch có dấu triện nổi thị thực của Tòa, nếu đương sự tuyên thệ ở Tòa, hoặc đến Sở Di Trú địa phương, nếu tuyên thệ ở Sở Di Trú.

G. Theo Luật Di Trú mới, hai loại chứng chỉ kể trên, không cần biết chứng chỉ được cấp phát bao nhiêu lâu rồi và mặc dù trên chứng chỉ có ghi chú câu: Sao Lại Chứng Chỉ Là Vi Phạm Luật Pháp, đều được phép sao y bản chánh, để dùng làm chứng từ pháp lý (Legal Reference) nạp cho các cơ quan Công cũng như Tư đòi hỏi, nhưng không được phép dùng bản sao (copy) này vào mục đích công cộng.

H. Cách đây khoảng trên 20 năm về trước, 90% những người sau khi tuyên thệ nhập tịch rồi, không ai biết rằng mình phải đến Sở An Ninh Xã Hội (Social Security Service), để xin đổi (Change) tình trạng thường trú ( Status of Permanent Resident) trở thành tình trạng công dân Hoa Kỳ ( Status of US Citizenship). Chính tôi đặc trách tuyên thệ nhập tịch tại Tòa Án trong nhiều năm qua cũng không biết điều này. Mãi cho tới cách đây 12 năm cho tới hôm nay, mỗi khi có buổi Lễ Tuyên Thệ Nhập Tịch tại Tòa Án, đều có mặt nhân viên của Sở An Ninh Xã Hội, để điều chỉnh tình trạng tại chỗ cho mọi người vừa tuyên thệ xong, thì tôi mới biết điều này.Vậy nếu ai chưa thay đổi tình trạng của mình sau khi đã tuyên thệ nhập tịch, thì nên đến Sở An Ninh Xã Hội địa phương, để xin điều chỉnh tình trạng của mình, nhất là những người chỉ có chứng chỉ công dân Mỹ, thì hầu hết tình trạng của họ vẫn là thường trú nhân hoặc trong hồ sơ ghi chữ “Không Rõ” (Unknown). Sở dĩ phải nên đến Sở An Ninh Xã Hội xin thay đổi tình trạng như thế, là vì có một số quyền lợi khác biệt giữa một Thường Trú Nhân với quyền lợi của một Công Dân Hoa Kỳ. Một ví dụ như nếu một thường trú nhân (Permanent Resident) về sinh sống tại quê hương nguyên thủy của mình, tiền già sẽ KHÔNG được Sở An Ninh Xã Hội chuyển về cho mình dù mình yêu cầu, nhưng nếu mình là công dân Hoa Kỳ (US Citizen), thì tiền già sẽ được chuyển thẳng về cho mình nếu mình muốn. Một ví dụ khác, như mình hay con cái của mình đang được thụ hưởng một ngân khoản tài chánh nào đó của Sở An Ninh Xã Hội cung cấp tại tiểu bang mình đang cư ngụ, nhưng khi di chuyển sang một tiểu bang khác sinh sống, mà hồ sơ ở Sở An Ninh Xã Hội của người thụ hưởng không ghi chú là Công Dân Hoa Kỳ, thì người thụ hưởng vẫn phải đến cơ quan này xuất trình Chứng Chỉ Nhập Tịch hoặc Chứng Chỉ Công Dân Mỹ, hoặc US Passport, để xin điều chỉnh lại tình trạng, thì mới tiếp tục được thụ hưởng những quyền lợi như trước đây ở tiểu bang cũ.

I. Luật Di Trú cho phép mọi người được quyền đổi tên trước khi tuyên thệ nhập tịch, nhưng sau khi tuyên thệ rồi, nếu muốn đổi tên hoặc muốn đổi tên mới trở lại tên cũ, thì phải nạp thỉnh nguyện thư (Petition) tại Tòa Án Tiểu Bang, nơi mình đang cư ngụ. Riêng những con cái dưới 18 tuổi, nếu Bố hay Mẹ đã tuyên thệ nhập tịch và đã nạp đơn N-600 cho con cái, để được trở thành công dân Mỹ thì không được phép đổi tên tại Sở Di Trú như những người tuyên thệ nhập tịch, nếu muốn đổi tên thì phải nạp thỉnh nguyện thư tại Tòa Án Tiểu Bang.Theo kinh nghiệm bản thân tôi liên tiếp hơn 32 năm đặc trách tuyên thệ nhập tịch tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, tôi nhận thấy không nên đổi tên, nhất là những người trung tuổi trở lên lại càng không nên đổi tên, vì sự đổi tên sẽ không đem lại lợi ích gì cho mình, mà trong tương lại có thể gây ra nhiều điều phiền toái cho mình và cho gia đình mình, mỗi khi phải bổ túc giấy tờ hành chánh cho các cơ quan, mà mình có những dịch vụ liên hệ đến công ăn việc làm của mình hay của những người thân thương trong gia đình mình. Ngoại trừ những trường hợp cần phải đổi tên Mỹ cho giới trẻ tuổi, là vì tên Việt khó cho người Mỹ phát âm đúng giọng tiếng Việt, trong khi giới trẻ này còn phải làm việc, tiếp xúc trực tiếp lâu dài nhiều năm bên cạnh những người Mỹ hoặc có những tên tiếng Việt làm cho người Mỹ phát âm nghe nó vừa tức cười lại vừa tục tĩu, chẳng hạn như tên Cư, Cự, Bùi v.v… thì hãy nên đổi tên.

K. Coi chừng đi shopping, nếu đổi giá tiền của một món hàng từ nhiều tiền xuống còn ít tiền, mà mình định mua sắm món hàng đó, nếu bị bắt quả tang có hành động đang đổi giá trên món hàng, có thể bị cáo buộc vào tội ăn cắp vặt (Shoplifting) và theo Đạo Luật mang số 21 điều 1731 của tiểu bang Oklahoma, nếu người vi phạm là vị thành niên 18 tuổi trở lên, có thể bị đóng tiền phạt vạ từ 50 Mỹ kim lên đến 500 Mỹ kim hoặc phải tình nguyện phục vụ một số giờ cho cộng đồng do Quan Tòa ấn định.

L. Một điều cuối cùng mọi người cần nên lưu ý: Những ai đang hưởng tiền Phụ Trợ Cấp Tiền Già SSI (Supplemental Social Income), nếu xuất ngoại quá 30 ngày, không trở về lại Hoa Kỳ, dù là vô quốc tịch rồi cũng không hội đủ điều kiện để tiếp tục được hưởng tiền già SSI nữa. Lý do là bất cứ ai là thường trú nhân, là công dân Mỹ nhập tịch, là người Mỹ chính gốc 100% sinh đẻ ở Hoa Kỳ, khi đến tuổi về hưu 65, mà không làm việc đủ 10 năm hoặc không làm việc đủ 40 quarters (120 tháng), thì không được lãnh tiền già SI (Social Income), mà chỉ được lãnh tiền Phụ Trợ Cấp Tiền Già SSI (Supplemental Social Income), vì nghèo không có lợi tức gì khác. Nhưng khi người lãnh tiền SSI này, sau khi quay trở về Hoa Kỳ, vẫn có thể nạp đơn xin lại tiền SSI như trước kia đã thụ hưởng.Vì tiền Phụ Trợ Cấp này chỉ cấp cho những người còn đang cư ngụ tại Hoa Kỳ mà thôi.

Trước khi kết thúc buổi thuyết trình này, ông Nguyễn Thiệu Hoằng, Chủ Tịch Hội Thân Hữu Việt Mỹ đã nhân danh HTHVM, trao tận tay cho tôi 2 khung hình: Một khung hình thứ nhất của Hội vinh danh những thành tích bác ái giúp đỡ Công Đồng Người Việt tại TP. Oklahoma City của tôi nói riêng trong nhiều năm qua và chính ông Chủ Tịch đã đọc lên cho khán thính giả nghe những lời tri ân được ghi trong khung hình này của Hội tặng cho tôi. Tiếp theo ngay sau đó, ông Chủ Tịch cũng trao tận tay cho tôi một khung hình thứ hai của Hội, đã lồng bài báo đăng trên tờ The Daily Oklahoman, nói về những thành tích và ngày hưu trí của tôi với hình ảnh tôi đang đứng thuyết trình tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, trong buổi Lễ Tuyên Thệ Nhập Tịch cho 120 người trở thành công dân Hoa Kỳ, thuộc 48 quôc gia trên thế giới.

Đáp từ ông Chủ Tịch, tôi xin hết lòng cám ơn ông Chủ Tịch HTHVM và ông Giám Đốc Trung Tâm Tỵ Nạn Nguyễn Công Bình, đã ưu ái mời tôi đến đây để thuyết trình đề tài Pháp Luật Thực Dụng liên tục trong nhiều năm qua, do HTHVM tổ chức nhiều lần hàng nặm tại đây. Cuối cùng tôi cũng không quên cám ơn tất cả Khán Thính Giả đã bỏ thì giờ quí báu cuối tuần, sốt sắng đến đây đông đảo để nghe tôi thuyết trình liên tục trong nhiều năm qua. Vì nếu không có sự tham dự đông đảo của quí vị như thế này, chắc chắn tôi sẽ không có cơ hội được Hội Thân Hữu Việt Mỹ liên tục mời tôi đến đây, để tôi có nhiều cơ hội được chia sẻ cùng quí vị những kiến thức chuyên biệt về Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, mà tôi đã nghiên cứu, học hỏi trong hơn 32 năm trong Ngành Tư Pháp, từ những công việc làm hàng ngày của tôi tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ. Chắc quí vị cũng đã rõ, Đức Tin mà không thực hành là Đức Tin chết, cũng như trường hợp của riêng tôi, những kiến thức chuyên biệt của tôi, nếu HTHVM không giúp tôi có cơ hội, mời tôi đến đây để chia sẻ những kiến thức của tôi với quí vị đã nhiều lần, từ nhiều năm qua cho tới ngày hôm nay, thì những kiến thức đó của tôi sẽ trở thành vô dụng, vì nó chẳng đem lại một chút ích lợi gì cho những ai đang cần tìm hiểu về Luật Pháp Hoa Kỳ.