Cao Thu Cúc
vannghesongcuulong
Rời quốc lộ số 1 trên địa bàn tỉnh Bình Định, huyện Phù Cát, chúng tôi lái xe đi vào tỉnh lộ rồi hương lộ. Chúng tôi đi giữa ruộng đồng mênh mông, rải rác mới có nhà cửa. Càng đi, chúng tôi càng tiến gần chân núi Trường Sơn. Lái xe chạy độ hai giờ, xe chúng tôi đâm sầm vào ngõ sau của một căn nhà. Đó là nhà của ông nội tôi, một lối vào vừa được phá rào sáng nay khi hay tin chúng tôi sẽ về thăm quê.
Chúng tôi vào đến nhà, cởi bỏ đồ đạc ra là trời đã chập choạng tối. Chúng tôi ngồi ngoài hiên nhà nói chuyện, đó là thói quen từ xưa của quê tôi, trong khi chờ đợi bữa ăn tối.
Chị Hai Nhung, con dâu trưởng của bác tôi, đãi chúng tôi một bữa đại tiệc ở sân trước. Chị gọi tất cả con cháu họ hàng đến, và trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn vàng hắt ra từ hiên nhà, chúng tôi vừa ăn vừa nhắc lại kỷ niệm xưa.
Buổi tối chúng tôi nằm ngủ tràn lan từ trong nhà ra đến ngoài hiên. Có kẻ trải chiếu giữa sân nằm chống mắt lên trời như muốn nhớ lại những trò chơi tìm sao đếm sao… thuở nhỏ ; có người móc võng vào gốc cây đầu hè mơ màng như lắng nghe câu hò đối đáp quen thuộc từ quá khứ vọng về. Tôi nằm ngủ trong phòng chị Hai. Chị Hai có nghề thuốc Nam, cây cỏ hoa lá của chị để kín phòng. Mùi bông hoa cây cỏ thơm dịu dàng quấn quýt như mùi quê hương thấm vào giấc ngủ, thấm sâu vào hồn kẻ đã bỏ xứ ra đi không hề hối tiếc. Chúng tôi mở toang cửa, gió ào ạt thổi vào nhà ru cho chúng tôi ngon giấc. Chiếc xe Angel vẫn để ngoài sân.
Tôi hỏi chị Hai Nhung:
- Làng mình có bao giờ bị mất trộm không chị?
-Từ trước tới giờ không có ăn trộm, cũng không có ai bị mất gì .Chỉ có một lần ông Bảy ở xóm ngoài bị mất chiếc xe Honda, nhưng người lấy cắp là hai kẻ xì ke ở nơi khác đến, không phải người làng mình.
- Như vậy thì phải nói làng mình tuy không giàu có nhưng dân cư sống hiền lành, đời sống thanh bình.
Thơ văn của ta xưa hễ cứ nói đến thái bình là hay nhắc đến chuyện Nghiêu Thuấn bên Tàu. Nay tôi xin trịnh trọng tuyên bố: Đời thái bình chính là cảnh sống thật của quê tôi ở đây, tại làng Phú Long này –không cần phải lục lọi trong lịch sử huyền sử của Tàu quốc xa xôi.
Làng quê tôi không có chùa, không có miếu, không có đền thờ thần thánh, chỉ có một cái Đình. Bàn thờ trong nhà chỉ thờ Ông Bà Tổ Tiên, không thấy ai thờ Phật.
Tôi thắc mắc tự hỏi: trường học thì ở đâu cũng có, vì đó là lĩnh vực giáo dục chung của xã hôi, nhưng đời sống tâm linh thì sao? Dân quê tôi hiền lương, đôn hậu, tính tình hồn nhiên, thật thà chất phác. Họ sống hiền lành ngay thẳng, không trộm cướp. không đâm chém., không hút xách, không cờ bạc…Họ sống một đời sống hiền lành như cây lúa củ khoai, họ hưởng những thứ trời cho và hái lộc từ những thành quả lao động của chính mình. Lối sống thuần hậu ấy, tư tưởng an cư ấy từ đâu mà có? Tôi hỏi chị Hai:
- Vậy thì chị dạy con cháu theo tiêu chuẩn nào?
Chị hồn nhiên nói:
- Thì ngày trước ông bà cha mẹ dạy mình ăn ở hiền lành như thế nào thì giờ mình dạy lại con cháu như vậy.
Thì ra, nếu không có một đạo Phật rao giảng một triết lý cao siêu, không có đạo Thiên Chúa với những mặc khải nhiệm mầu, không có thần thánh ma quỹ dị đoan đe doạ thì cũng có một nền đạo lý để con người noi theo mà sống ở đời, để gìn giữ nề nếp gia phong: đó là Đạo Ông Bà. Dân quê tôi rất coi trọng bàn thờ Ông Bà, xem đó là biểu tượng của một nền đạo lý tốt đẹp cần gìn giữ.
Trong những câu chuyện cổ tích kể cho con cháu nghe, họ vẫn thường nhắc đến ông Bụt , ông Trời nhưng họ không hề thắc mắc gì về Bụt và Trời. Trong ngôn ngữ hằng ngày họ cũng nhắc đến ông Trời như một đấng toàn năng đóng vai trò phân xử công lý. Họ tin vào Ông Trời và thông qua lời giáo huấn của cha mẹ, họ tiếp nhận Đạo Trời và cố gắng sống đúng Đạo làm người: Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ. Không thắc mắc kiếp trước, cũng không để ý tới kiếp sau. Họ sống trong hiện tai, tiếp nối sự sinh tồn một cách tự nhiên. Làm hết trách nhiệm, sống đúng đạo Trời, để rồi:” Đêm năm canh an giấc ngáy o o . Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”( Nguyễn Công trứ)
Tôi vẫn không hết thắc mắc:
- Vậy thì bao nhiêu thế kỷ qua không có ông sư ông Bụt nào vào đây giảng kinh giảng kệ gì hay sao?
- Cô Ba hỏi thật ngây thơ, xứ mình nghèo xác nghèo xơ, chùa nào sống cho được! Muốn đi chùa thì qua thôn Chính Hùng chính Thắng mà đi.
Tôi ngẩn người sửng sốt, thì ra chân lý chùa chiền trong con mắt người dân bình thường là vậy sao? Nhưng có một nghịch lý tôi muốn nói ở đây là: Thuở nhỏ gia đình chúng tôi cũng ở đây, nuôi heo nuôi gà …nhưng không bao giờ bị mất trộm. Sau đó, cha tôi chê quê nghèo, bỏ quê, băng qua Đèo Lớn đầy cọp dữ, vào An Nhơn sinh sống. An Nhơn An Phú là những huyện có đất đai trù phú, cuộc sống sung túc, nhưng đạo chích đã viếng ngay lứa gà đầu tiên của chúng tôi. Tại sao thế?
Hừng sáng hôm sau tôi thức dậy và nhảy vội ra vườn. Trời ơi! Cái vườn ngày xưa đối với tôi rộng mênh mông và đầy bí hiểm thì giờ đây trông nó bé nhỏ và ngờ nghệch làm sao!
Rồi tôi ra đường, lên rừng rồi lên núi. Ôi trời, vẫn những con đường ngập đầy cát trắng, vườn đầy cát, đồi cát và rừng cũng cát. Cát đã ôm trọn những bước chân tuổi thơ của chúng tôi rồi chôn vùi vào vùng quên lãng… Khắp nơi phủ đầy cát, vì vậy những hàng xương rồng chổng chơ thay cho luỹ tre làng, rừng thì toàn dứa dại. Núi thì toàn núi đá mà chẳng có cây cao bóng cả . Dân quê tôi vẫn tự hào hòn Vọng Phu trên ngọn Núi Bà mới thật sự là Hòn Vọng Phu chính hiệu chứ không phải ở một nơi nào khác. Chị Trực con bác tôi, hăng hái bảo:
- Núi Vọng Phu của mình mới là núi Vong Phu thật nè, còn mấy chỗ kia là …giả.
Đá chồng lên đá, đá từ chân núi lên đến đỉnh núi rồi rải rác toả đi quanh các khu đất gần đó, kéo dài ra tới biển, quê tôi gọi đó là Gành. Và chính tại nơi đây, lần đầu tiên tôi nghe được câu chuyện cổ tích cười ra nước mắt: Dí chó thá mèo đừng trèo hòn đá gãy cày của tao. Nhưng đá quê tôi không biết cười cũng không có bụng chứa đầy vàng. Đá chỉ là đá, ôm nặng một nỗi đau câm nín giữa thiên nhiên bất tận. Dãy Trường sơn huyền thoại, sau khi cất dấu tinh tuý trên đỉnh Hoàng Liên Sơn oai phong hùng vĩ, sau khi điểm tô cho ngọn Ba Vì, dãy Hồng Lĩnh thêm phần quyến rũ, đến Quảng Nam thì trút hết tinh lực cuối cùng cho đèo Hải Vân trở thành Nam Thiên Đệ Nhất Động, vì thế khúc luân vũ lãng mạng và buổi dạ tiệc linh đình trước khi soải bước về phương nam đã biến thành giấc mộng hồn đá vô cảm.
Ôi chao! Quê nghèo ơi quê nghèo! Xã Cát Khánh có 14 làng thì làng của chúng tôi là nghèo nhất. Xã Cát Khánh có ba phần núi bốn phần biển thì làng tôi đã ôm trọn chân núi Bà nơi cuối gầm trời tỉnh Bình Định. Làng tôi nằm sát chân núi Bà, gọi là Phú Long, vì nó chỉ “phú”có cây xương rồng mà thôi. Bạn sẽ không thấy nơi đâu có nhiều cây xương rồng đến thế. Xương rồng mọc từ cát lên, đủ loại, có loại thân nhỏ, hoa màu hồng, có loại thân lớn thẳng đứng, hoa màu trắng, có loại thân là những tấm to như bàn tay nối kết tiếp nhau và chúng tôi gọi là Lưỡi Long. Lưỡi Long có hoa màu đỏ và tất cả các loại xương rồng đều có trái tròn nhỏ , màu đỏ, ăn có vị ngọt. Tất cả những đứa trẻ quê tôi đều đã từng ăn những trái xương rồng như thế giữa những ngày hè cháy bỏng khi chúng tôi vào rừng hái củi. Chúng tôi vào đó để đào khoai nhổ sắn, lùng hái trái cây rừng. Rừng quê tôi còn có loại trái cây đặc biệt gọi là trái chân chim, trái chân chim chín màu đỏ, ăn ngọt. Loại hoa đặc biệt gọi là hoa giủ giẻ, mùi thơm như chuối chín, ngào ngạt khắp rừng, chúng tôi thường vào rừng hái đầy nón đem về thơm phức cả nhà.
Tôi đi quanh: từ Núi Bà qua Hố Kín, rồi qua Truông rồi trở ra rừng, qua Đình.Thế là hết làng tôi. Nhỏ bé, xơ xác nghèo! Ôi chao! Thế mà tại sao xưa kia tổ tiên chúng tôi lại chọn nơi này làm đất sống? Ba tôi từng nói: Tổ tiên xưa kia ở ngoài Bắc, sau một lần quốc biến, vì trốn tránh sự đuổi bắt của quan quân nên mới vào trú ẩn nơi đây. Em tôi hỏi:”-Vậy là dòng họ Cao Thắng hay Cao bá Nhạ? “Tôi nói đùa: “-Hay Cao Biền?” Chị tôi nạt: “-Không được nói bậy!” Tôi lè lưỡi trợn mắt rồi vội trốn sau lưng ba để tránh cái cú đầu của mẹ.
Theo Ba tôi kể lại, tổ tiên chúng tôi vào ẩn ở đây, sau một thời gian dần dần ổn định. Đến đời ông cố tôi, cố muốn cho con cái đi học để phục hồi nề nếp gia phong nhưng vì còn nghèo quá nên không thực hiện được. Đến đời ông nội tôi, có lẽ gia đình họ Cao đã trở thành một gia đình khá giả trong làng. Một bác họ tôi được gọi là Xã Tam có ngôi nhà lớn nhất làng. Ông nội tôi có bốn con trai, ba con gái. Không quên ý nguyện của cha, ông nuôi chí cho con trai đi học. Bác Cả và chú Bảy tôi học xong Primaire thì xin đi dạy học, lúc đó vẫn thường gọi là ông Trợ, ông Giáo; ba tôi vào Qui Nhơn học tiếp lấy bằng Diplome, sau khi tốt nghiệp được bổ đi làm quan tại Toà Khâm Sứ ở Huế, một chức quan Phán mà nhà thơ ở đất Vị Xuyên từng mơ ước:
…Thà rằng đi học làm quan phán
Tối rượu sâm banh sáng sửa bò.
( Thơ Tú Xương)
Sau khi ba tôi Vinh Quy về làng, ông nội tôi đã tổ chức ăn mừng ba ngày ba đêm liền, sau đó ông bỏ tiền ra xây ngôi đình làng để tạ ơn Thần Thành Hoàng.
Đình là nơi sinh hoạt văn hoá của làng. Nơi đó cách đây hơn năm mươi năm, bọn trẻ chúng tôi đã tụ tập ở đó, chơi đùa múa hát. Lịch sử học cấp một của tôi phần lớn là học ở Đình, ở Hố Kín và Truông, nơi có những tàng cây um tùm che kín cả bầu trời. Đây cũng là nơi dân làng thường lên trú ẩn mỗi khi có tàu Pháp đổ bộ vào cửa biển Đềgi vượt qua rừng Càn, vào làng tôi bắn giết, đốt nhà, cướp của, bắt heo, bắt gà…Chúng tôi ở đó chơi những trò chơi lãng mạng của đám trẻ con, trong khi người lớn thì sợ hãi, lắng nghe tiếng súng nổ để đoán xem mức độ tàn phá của kẻ thù, hoặc nhìn những cột khói đen bốc lên cao oằn oại như một cơ thể đang cố chống chọi với thần lửa, để đoán xem nhà nào đã bị làm mồi cho kẻ địch, cho những tên lính Lê Dương không có tính người. Những trận càn của Pháp như thế thường kéo dài từ sáng tới chiều, và trước khi bỏ đi chúng còn cố bắn vài đợt súng rời rạc như một lời đe doạ sau cùng, lúc đó chúng tôi vội vã thu dọn đồ đạc về nhà. Kẻ thù đã bỏ đi để lại cho chúng tôi những ruộng vườn xơ xác, nhà cửa bị tàn phá, tài sản bị cướp sạch, có người bị giết, có người bị thương, có cô gái bị hại…Ôi chao! Làng tôi nghèo lại càng nghèo, càng chất chứa nhiều bi thương hơn. Thảm kịch của chiến tranh đã đẩy dân làng tôi vào bi kịch kép của con người và thời cuộc, của thiên nhiên và phận đời.
Đình đã bị bom napalm đánh sập năm 1970. Mới đây chính quyền tỉnh đã chấp nhận trùng tu và công nhận đó là di tích văn hoá của làng .
Ai về Phù Cát quê tôi,
Lưỡi long dứa dại, núi đá giăng ba bề.
Làng tôi nghèo, xưa kia nghèo, giờ vẫn còn nghèo. Dân làng phải tha phương cầu thực. Trai trẻ phải bỏ làng đi làm ăn xa, chỉ có người già ở lại làng mà thôi. Làng tôi theo nghề nông nhưng ở sát cửa biển Đềgi nên dân làng vừa có khả năng cầm cuốc vừa có thể đi biển, vì vậy trai làng tôi hoặc lên cao nguyên lập nghiệp, hoặc phiêu lưu mạo hiểm vào Cam Ranh, Bình Châu theo nghề đi biển. Những kẻ có khả năng hơn thì cho con vào Sàigòn học tập. Con trai của chị Hai tôi vào Sàigòn học xong bác sĩ, về miền Nam lập nghiệp, gởi tiền về cho mẹ xây ngôi nhà thờ lớn nhất làng. Gia đình chị Ba đi định cư ở Mỹ cũng gởi tiền về cho con gái xây nhà thờ lớn nhất ở làng bên cạnh…
Hiện nay có công ty khai thác đá ở làng tôi. Nhưng đá khai thác rồi chở đi đâu? Quê tôi trước thì nhà tranh vách đất, nay thì nhà tole vách gạch. Khi đi thăm mồ mã tổ tiên , chúng tôi dừng lại trước ngôi mộ của bà cố tôi. Trưởng tộc của chúng tôi bảo: Ngôi mộ này được làm bằng một loại đá đặc biệt: lá bời lời đem giã nhỏ làm thành một loại keo kết dính trộn với đá vôi. Hơn trăm năm đã trôi qua , ngôi mộ vẫn vững như bàn thạch. Và tôi tự hỏi: Tại sao trước kia người ta không áp dụng kỹ thuật này để xây nhà ở thay cho nhà tranh vách đất? Có lẽ vì quá công phu và tốn kém quá chăng? Ông cố tôi sống tới 102 tuổi nên được vua Tự Đức ban cho chữ Thọ. Vì có vinh dự này nên ngôi mộ được xây bề thế hơn những ngôi mộ khác. Trước mộ có dựng một bia lớn có khắc chữ Thọ rất trang trọng. Người thời bấy giờ vẫn gọi là mộ Ông Bách Tuế.
Hiện nay làng tôi đã có một nhà thờ. Nhà thờ thường mọc lên ở những vùng đất mới, nơi nào có chợ có trường học là có nhà thờ.Vậy mà từ đời Chúa Trịnh đến nay, hơn mấy thế kỷ truyền giáo ở nước ta, đến cuối thế kỷ XX, một nhà thờ nhỏ mới mọc lên ở đầu ngõ quê nghèo của tôi.
Tôi phải cám ơn quê tôi, vì đó là nơi tổ tiên chúng tôi đã chọn làm chốn dung thân để dòng tộc được lưu truyền. Đó cũng là nơi mẹ đã dẫn mấy chị em tôi tìm về tổ ấm để nương náu trong những ngày sóng gió của thời cuộc. Cám ơn quê nghèo vì đó là nơi chúng tôi thỉnh thoảng tìm về để thấy lòng ấm lại, để thấy mình mạnh mẽ hơn. Loài cây mọc lên từ cát đá có sức sống mãnh liệt, con người sinh ra từ nơi đói nghèo sẽ là những người dũng cảm cương nghị, sẵn sàng đương đầu với sóng gió bất thường. Như những đoá hoa xương rồng bé nhỏ kia, dù cho suốt đời tắm đẫm trong cái nắng chói chang của đá và cát, vẫn giữ được trọn vẹn vẻ đẹp rực rỡ tươi nguyên ngay giữa trưa hè tháng tám.
Cám ơn quê đã cho tôi những ngày tháng tuổi thơ tuy không êm đềm nhưng đầy tiếng cười hồn nhiên trong sáng.