Thuỳ Minh
SGTT.VN - Ngay sáng đầu tiên đi từ sân bay về đến trung tâm thành phố là một ngày chủ nhật tinh mơ, tôi đến thẳng một quán càphê. Gọi bánh sừng bò và một ly latte nóng. Vào thời khắc buổi sáng ở giữa Paris vắng lặng nhìn ra Khải Hoàn Môn rạng rỡ, tôi nhấp môi càphê, xé một miếng bánh và thấy mình hạnh phúc nhất thế giới.
Woody Allen làm phim Midnight in Paris có lẽ để thoả mãn bản thân mình, vì ông từng phát biểu: tôi luôn muốn làm một bộ phim về Paris. Việc Woody tiếp tục giành ngôi cao nhất ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất trên sân khấu lễ trao giải vốn chỉ để dành tôn vinh các nhà biên kịch – Writers Guild Award cuối tháng 2 vừa qua, đủ để cho thấy câu chuyện Paris của ông hấp dẫn người ta thế nào.
Tháng 5 năm ngoái, vào lúc nhẩn nha bước chân trên những viên gạch sạch sẽ, ngước nhìn quán xá bên đường, trên bancông trổ hoa, đôi trai gái yêu nhau tóc ánh vàng dưới nắng, thì thầm như đôi chim cu sau cánh cửa sổ, tôi cũng đã nghĩ bụng: Mình phải chuyển đến sống ở Paris thôi!
Giấc mơ Paris sau đó hạ cánh xuống khá êm ái, vì tôi nhận ra nó chẳng có gì là cá biệt, và chuyện mơ về Paris cũng chẳng cho thấy mình đặc biệt hơn ai. Bởi vì ai đã từng đến Paris, và kể cả những kẻ chưa từng có cơ hội đặt chân trên những chiếc cầu xinh xắn trong ráng chiều của sông Seine, cũng dễ dàng có trong mình giấc mơ này. Chắc chắn là bất – cứ – ai, Paris đều dễ dàng trở thành một niềm mơ ước. Một thành phố quá đẹp. Như một tách trà đẹp, có mùi hương mà ai cũng muốn nhấp môi. Đây cũng là nơi trú ngụ yêu thích của các nhà văn nổi tiếng như Hemingway hay Fitzgerald vào những năm 20 của thế kỷ trước. Trịnh Công Sơn cũng ở đây trong quãng đời đẹp đẽ của mình. Thế nên việc nhân vật chính, trong Midnight in Paris, một nhà văn tập toẹ, đến Paris và có giấc mơ lạc chân nơi đây vào nửa đêm, để rồi anh quyết định huỷ hôn lễ và ở lại, cũng là dễ hiểu.
Chuyện tôi đặt chân đến Paris có vẻ xảy ra muộn hơn và ngẫu hứng. Tôi từng dành kế hoạch để thăm châu Âu trong nhiều năm. Khi thì là Hà Lan, khi thì Thuỵ Điển, và rất quyết tâm đến Ý. Chưa từng nghĩ đến Paris nhiều lắm, vì tôi không ưa người Pháp. Do hẹn hò vài anh chàng và có đôi lần trái tim toang toác tan vỡ – tuy nhiên, cái này chưa hẳn là lý do tôi không thích người Pháp. Có lẽ vì dân Pháp nửa xốc nổi, nửa kiêu kỳ, nửa nồng nhiệt, nửa thích vờn vờn xung quanh. Cái gì cũng nửa nửa. Họ được giáo dục để trở thành những chàng trai tuyệt vời, đồng thời cũng là những kẻ cực phũ phàng trong tình yêu. Một anh chàng chia tay tôi chỉ vì lẽ “Anh không thấy nhớ em trong cả chuyến đi hai tuần của mình”. Và rồi cứ thế rời đi không lấy một lý do tốt đẹp nào hơn.
Cũng bởi vì thứ tiếng Anh đầy hơi gió của người Pháp nữa, tóm lại ngoài tiếng Pháp, người Pháp không nói thứ tiếng gì ra hồn. Xem Euro Vision năm 2011, khi tất cả các nước châu Âu đều có cầu truyền hình trực tiếp và thông báo số lượng bình chọn bằng tiếng Anh, thì chỉ có duy nhất nước Pháp nói tiếng Pháp trên sóng của mười mấy nước còn lại. Người Pháp là thế, họ thậm chí chẳng quan tâm nếu người ta có hiểu mình hay không. Hoặc đúng hơn, người Pháp cho rằng nhiệm vụ của những người khác là hiểu họ. Cái thói có vẻ hơi “vênh” này là của hầu hết các nước châu Âu hàng tinh hoa. Ví như Ý hay Anh, và người Pháp nữa, tất nhiên, các chàng trai luôn có vẻ ỡm ờ. Ít nhất là với tôi. Khi một chàng trai nhìn bạn cả buổi mà không tiến đến chào hỏi gì khác, có 60% khả năng chàng là người Anh, 37% là Ý và 74% là Pháp. Tuy nhiên, nhìn một số quần áo, tóc, màu mắt, thì có thể chắc nịch những anh chàng bảnh bao nhất luôn là người Pháp.
Có lẽ một câu nói thật mà nghe như một câu nói đùa kinh khủng nhất mà tôi từng nghe, là từ một anh chàng người mẫu quốc tịch Pháp. Chàng đáp trả lại lời chào của bạn tôi rằng: Tất nhiên là mày muốn chào tao rồi. Tao là người Pháp mà. Anh bạn của tôi kéo tôi đi thẳng sau khi tức giận sùi bọt mép. Trong lần đến Paris, rất may, tôi gặp một chàng người Pháp trẻ măng – nhưng gốc Ý. Chàng hỏi: Mày biết nơi đẹp nhất Paris là ở đâu không? Tôi ú ớ trong khi chàng nói với lái xe taxi một câu xì xồ. Khi ngẩng lên tôi thấy mình đã ở giữa Place de la Concorde – toà tháp của người Ai Cập cổ trong quảng trường rộng nhất Paris gần Khải Hoàn Môn. Mỗi tội sau đó, chàng cũng biến mất, nửa hư nửa thực.
Quay về tình yêu bánh sừng bò, có lẽ nó lớn dần với tình yêu dành cho Paris. Tôi không biết người Pháp đã làm gì để phát minh ra thứ bánh hảo hạng này. Nó có giá cắt cổ khoảng 7 euro. Nhưng ở châu Âu, bạn đừng bao giờ suy nghĩ về sự chênh lệch của ngoại tệ. Vì nó giết chết mọi niềm hứng khởi. “Đừng nhẩm đổi lại tiền Việt!” – cô bạn tôi hét lên khi thấy vẻ mặt đần độn của tôi trước đống bánh mì đẹp đẽ hoa cả mắt.
Ngay sáng đầu tiên đi từ sân bay về đến trung tâm thành phố là một ngày chủ nhật tinh mơ, tôi đến thẳng một quán càphê. Gọi bánh sừng bò và một ly latte nóng. Vào thời khắc buổi sáng ở giữa Paris vắng lặng nhìn ra Khải Hoàn Môn rạng rỡ, tôi nhấp môi càphê, xé một miếng bánh và thấy mình hạnh phúc nhất thế giới. Người ta ví những quán càphê ở Paris như một dạng rạp hát, tức là các ghế không đối mặt vào nhau, mà được đặt san sát và hướng ra đường phố. Những kẻ đi trên đường như những diễn viên trong khi người uống càphê là khán giả. Hỏi tại sao người ta ra đường nhìn ăn diện bảnh bao, vì luôn có kẻ ngắm nhìn.
Như, một cô bạn đã từng có ước mơ về Paris như tôi trước đây, giờ đang định cư tại Pháp cùng gia đình. Ông ngoại của Như chuyên mua nhà, ngăn ra và cho thuê những studio nho nhỏ vừa túi tiền sinh viên. Khi tôi nhăn mũi nói về căn hộ mới giữa Sài Gòn “… Nó chỉ có 40m2!”, Trang – một du học sinh cười giễu cợt: “Trời ơi, phòng Trang chỉ có 12m2!”. Đến lúc này Như mới lên tiếng: “Ông Như cho thuê nhà chỉ 7m2!!!” Luật của Chính phủ Pháp – yêu cầu từ 8m2 trở lên mới được cho thuê nhà – 7m2 tính cả cái bancông chìa ra, thì cũng vừa suýt soát với luật. Nếu đang ở Paris, tôi nghĩ mình chắc cũng đang sống trong một căn hộ nhỏ bằng một chuồng chim. Với 7m2, tôi sẽ có 3,5m chiều ngang và 2m chiều dài. Có lẽ một chiếc giường tầng với bàn làm việc sát đầu giường và những vali quần áo nhét xuống dưới gầm, có vẻ như sẽ là thứ nội thất tôi sở hữu duy nhất. Có hề gì, vì cửa sổ mở ra Paris là quá đủ. Giật mình vì tôi thấy mình bắt đầu giống hệt chú chuột đầu bếp trong Ratatouille – luôn mộng mơ về tháp Eiffel.
Đêm cuối cùng ở Paris, tôi tiêu hết 10 euro cuối cùng vào vé xem phim – bộ phim Midnight in Paris của Woody Allen. Xem xong là đúng 12 giờ đêm. Tôi hỏi Như: “Giả sử bước ra khỏi rạp và có một chiếc xe đỗ xịch trước mặt chúng mình, gọi mình lên xe, thì liệu mình có đi không?” Cuộc đời của nhân vật chính của phim đã thay đổi như thế… Như bạn tôi khúc khích cười. Chỉ tiếc là đến khi chúng tôi hít hà hết cả cốc trà nóng ngoài cửa, vẫn chẳng có chiếc xe hơi cổ nào đỗ xịch trước mặt. Chỉ có một tin nhắn đến từ một chị bạn ở Việt Nam khiến tôi giật mình. “Chị đổi vé cho em nhé? Mai chị đến Paris, ở lại chơi với chị thêm mấy ngày???”.
Tất nhiên là tôi đã không ở lại. Giờ thì đang ngồi viết lách ở giữa quận 1, căn phòng 40m2, có khu vườn bé tí và cửa sổ thì nhìn thẳng ra một toà tháp mang tên Bitexco Sài Gòn. Bởi vì, có một thứ còn đẹp đẽ hơn cả Paris.
Đó là giấc mơ được chuyển đến sống ở Paris!