Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

BÁT PHÚC THEO TIN MỪNG MÁTTHÊU: MỘT GÓC NHÌN KHÁC

Bài giảng trên Núi là một trong những đoạn Kinh Thánh quen thuộc nhất, nhưng chúng ta có hiểu được trọn vẹn ý nghĩa những gì Chúa Giêsu hứa và mong mỏi nơi các môn đệ qua những lời trong Bát Phúc? Cha Gerald O’Mahony SJ, chuyên viên về linh thao, đưa ra một phương thức hiểu mới về tám mối phúc này khi tìm hiểu Mátthêu 5, 1-12 
          Các Mối phúc, hay các điều Hạnh Phúc, được liên kết trong một thể thơ độc nhất gồm tám lời chúc phúc kèm theo tám việc làm. Một cách nào đó tám mối phúc, cũng như tám điều phải làm,  chồng chéo lên nhau như trong một bài thơ. Các nhà chú giải cũng như những người cầu nguyện và suy niệm sự khôn ngoan của Chúa Giêsu luôn đưa ra những ý nghĩa hay những định kiến khác nhau về ý nghĩa.
           Tôi muốn nhìn về mỗi mối phúc, là kết quả của một việc làm đúng, nhằm làm sáng tỏ trong mỗi trường hợp điều gì là điều đúng cần phải làm trước tiên: “Đây là một điều phúc… vậy nó có làm sáng tỏ được ý nghĩa và thái độ mà Chúa Giêsu muốn người nghe ghi nhớ? Ví dụ, khi Chúa nói: “Phúc cho người hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp”, có nghĩa đất thuộc về tôi nhờ thừa hưởng chứ không phải do chiếm hữu, điều đó mang lại một ý nghĩa cho chữ ‘hiền lành’ bằng không chữ này sẽ có ít thực chất.
           Một đôi điều cần lưu ý trước khi cùng tìm hiểu Bát Phúc: trước tiên, cách tốt nhất để hiểu ‘Nước Thiên Chúa’, ‘Nước Trời’ là hiểu nó với ý nghĩa ‘sống trong đường lối của Chúa’, 'nghĩ theo lối Chúa nghĩ', ‘chọn đường lối mà Chúa chọn’. Làm như thế là bước ra ngoài lãnh vực của những suy nghĩ nhân loại, và hít thở bầu không khí khác.
            Kế đến, sáu trong tám mối phúc nói về điều sẽ xảy ra, và hai về điều đang xảy ra. Nước Trời đã thuộc về người có tinh thần nghèo khó cũng như những người bị bách hại vì danh Chúa Giêsu rồi. Sáu mối phúc khác được hứa cho tương lai là điều có thể và thường xảy đến trong cuộc sống này, trong thời gian này, và chắc chắn là trong cuộc sống đời đời.
1.      “Phúc cho người có tinh thần khó nghèo, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3)
            Nước Trời đã là của họ rồi, vì họ đã nhìn thế giới như Thiên Chúa nhìn, và những giá trị của họ là giá trị của Chúa. Mối phúc này không nói đến tiền bạc, nhưng nói về sự nghèo khó theo nghĩa thiêng liêng. Ý nghĩa cơ bản là nếu chúng ta nhận rằng bất cứ công trạng nào chúng ta có được đều là ơn huệ của Chúa, không phải tự chúng ta đạt được, là chúng ta thấu đạt sự thật. Nghèo khó công trạng là một lý tưởng.
           Có nhiều lời nói cũng như câu chuyện của Chúa Giêsu xác định lối hiểu đó về ‘tinh thần khó nghèo’. Câu chuyện nói lên ý nghĩa trực tiếp này là câu chuyện về hai người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18, 9-14). Người Pharisêu cố biện minh cho mình bằng việc kể ra hàng loạt việc lành mình đã làm; còn người thu thuế cúi đầu xin Chúa xót thương. Và Chúa nói người thu thuế ra về được ‘giải án tuyên công’, được công chính hóa. Người thu thuế đã tìm được Nước Trời, theo ý nghĩa của mối phúc thật thứ nhất.
            Một số chỗ khác cũng nói lên ý nghĩa tương tự:  người anh cả trong dụ ngôn Người Con Hoang Đàng là người không có tinh thần khó nghèo (Lc 1, 25-32); người thợ làm vườn nho từ sớm nghĩ rằng mình sẽ được trả tiền công nhiều hơn (Mt 20,1-6); trong kinh Magnificat, Đức Maria đã ngợi khen Thiên Chúa đã xô ngã người tự cho mình là công chính xuống khỏi ngai và tán dương những người  như Mẹ, là người nhận ra mình không có gì.
           Cũng vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta giữ thinh lặng về việc chúng ta cầu nguyện, ăn chay, hay bố thí, đừng để chúng ta bắt đầu nghĩ đây là điều gì đó chúng ta đã làm đáng  được thưởng công (Mt 6, 18). Chúng ta đừng để tay trái biết việc tay phải làm (Mt 6, 1-18). Dĩ nhiên, việc tốt phải được thực hiện, nhưng phải dâng lên Chúa ngay, vì chỉ với sức mạnh của Ngài nó mới được thực hiện. Chúng ta đừng để mình bị rơi vào cạm bẫy là quyết định xem Thiên Chúa đã nợ ta bao nhiêu, đừng để chúng ta giới hạn lòng quảng đại của Thiên Chúa, là điều vượt quá công trạng của chúng ta.
2.          “Phúc cho những ngưòi than khóc, vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5, 4)
             Chúa muốn nói ai là “những người than khóc?”. Cứ nhìn vào điều phúc chúng ta sẽ nhận ra Ngài có ý nói đó là: ‘những người cần được an ủi’. Trong cuộc sống và dạy của Chúa Giêsu có hai hạng người mà Ngài an ủi: (1) những người tội lỗi và (2) những người đang đau khổ.
           Chúa đến với những tội nhân hối hận và đang than khóc vì những gì mình đã làm. Ngài không đến với những người tự cho mình là công chính, nhưng đến với tội nhân (Lc 5, 31-32). Ngài nhấn mạnh đến sự chuẩn bị của Gioan Tẩy Giả: Gioan ban phép rửa trong nước cho những ai cầu xin ơn tha tội. Họ là những người mà Chúa Giêsu có thể đến    làm viêc với họ. Là những người mà Ngài có thể xác quyết với họ về tình yêu của Thiên Chúa và ban ơn tha thứ cho họ, dầu Chúa không ưa thích tội lỗi. Sự an ủi là việc người tội lỗi dũ bỏ sự mê muội và tê liệt của quá khứ để bắt đầu lại (Mc 2, 1-12).
            Sự đau khổ có thể xảy ra do những chọn lựa xấu xa, của cá nhân hay của người khác, từ những cuộc chiến tranh hay những tranh chấp nhỏ hơn, hay do những sức mạnh thiên nhiên - bệnh tật, bão lụt, động đất, hay di dân. Chúa dạy các môn đệ đừng sợ khi đứng trước tất cả các biến cố đó (Mc 13, 7). Tất cả những biến cố đó không liên can gì đến việc Chúa có thương hay không thương họ. Đối với những người có thể nghe Chúa Giêsu thì việc hiểu như thế đã là một sự an ủi rồi. Thiên Chúa là bạn hữu của chúng ta. Nếu chúng ta xin cất khỏi chúng ta một nỗi đau khổ nhưng không xảy ra như vậy, thì điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa không là bạn hữu của ta, hay Thiên Chúa vẫn còn là bạn nhưng lúc này không thể cất khỏi chúng ta điều đau khổ đó, như trường hợp của Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Cây Dầu (Mc 14, 35-36). Chúa sẽ đáp lời cầu của ta ngay khi có thể.
           Ngưòi mù từ lúc mới sinh không phải bị mù vì anh ta phạm tội hay vì cha mẹ anh ta đã phạm tội (Ga 9, 1-3). Tháp Siloam sập đè chết 18 người không phải vì Chúa nhắm đặc biệt vào 18 người này; điều đó xãy ra đơn thuần là do tháp bị hư hỏng (Lc 13, 1-4). Điều này có thể xảy ra cho người xấu cũng như người tốt, nhưng tôi có thể tin tưởng với sự an ủi là Chúa vẫn yêu tôi và biết những gì đang xảy ra. Chính Chúa Giêsu trong biến cố của mình, Ngài không bị phạt vì những gì Ngài làm khi Ngài bị kết thúc cuộc đời trên cây thập giá, với một cái chết hãi hùng nhất. Khi Chúa đang hấp hối và khi Chúa đã chết Mẹ ngài và các môn đệ than khóc ngài (Mc 15, 40). Nhưng ba ngày sau, Ngài trở lại với họ như người an ủi và xoa dịu họ (Lc 24, 32).
            Những lời của Julian thành Norwich: “Mọi sự rồi sẽ tốt đẹp, mọi sự rồi sẽ tốt đẹp, cách nào rồi cũng sẽ tốt đẹp” (Revelations of Divine Love, chương 27) đã diễn tả tuyệt vời lời hứa của Chúa Giêsu. Và nếu mọi sự sẽ tốt đẹp, và cho dù với cách thế lạ lùng,  mọi sự cũng đã tốt đẹp. Khi chúng ta đã bắt đầu vào chuyện là sẽ có một kết cục tốt đep.
           Chúa Giêsu có nhiều lời để an ủi những người cô đơn hay cảm thấy vô nghĩa. Thiên Chúa là “Cha (Abba)” (Mc 14, 36), chúng ta đều là con cái Chúa có phần trên bàn tiệc của Chúa (Mc 7, 27), mà không ai có thể lấy đi (Lc 10, 42). Tình yêu của Thiên Chúa cho tôi là vô điều kiện, sự tha thứ của ngài cũng vô điều kiện (Lc 15, 20). Nếu chúng ta yêu thương Thiên Chúa trong bệnh hoạn hay mạnh khoẻ, trong may mắn hay bất hạnh, là nhờ ơn Chúa chúng ta trao lại cho Chúa chính tình yêu vô điều kiện của chúng ta. 
3.          “Phúc cho người hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp” (Mt 5,5). 
           Nếu cuối cùng chúng ta được đất làm gia nghiệp, thì không còn gì để cãi cọ nữa.
            Chúng ta có thể ở yên, hay ‘tỉnh bơ’, nói theo ngôn ngữ ngày nay.
            “Đất” ở đây là Đất Hứa: bắt đầu với lời hứa mảnh đất giữa Dan và Bêrsheba trở thành đất hứa của nước Thiên Chúa, là mảnh đất nơi tình yêu và sự tha thứ vô điều kiện ngự trị, không liên kết với thành phố nào, không thuộc  Judah hay Israel. Thực tế là Chúa Giêsu nói mối phúc thật này là họ “được mặt đất làm cơ nghiệp”.
           Hơn năm mươi năm sau Chúa Giêsu, thư gửi tín hữu Do Thái đã viết: “Tất cả anh em là trưởng tử” (Dt 12, 23). Tác giả bức thư muốn nói rằng mọi Kitô hữu nam, nữ hay trẻ con đều có chung đặc ân của người con cả. Một lần nữa ở đây chúng ta được nghe chúng ta như nhau đều là con trên bàn tiệc của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu trưởng tử đã thông chia quyền thừa tự với chúng ta.
            Chúng ta được thừa hưởng đất như thế nào? Đầu mối là việc Chúa Giêsu cư ngụ nhờ Thánh Thần. Chúng ta  giải thích thế này: Tôi nhìn mọi sự qua đôi mắt của tôi, và những gì tôi thấy là duy nhất cho tôi. Ngồi trong một vòng tròn, tôi có những người ngôì bên trái hay bên phải của tôi mà không ai có được vị trí này. Đặt hai người ngồi chung bàn, có cái bàn, có cách tôi nhìn thấy cái bàn và người khác có cách nhìn thấy của họ. Chỉ tôi mới biết chính xác điều đó là gì từ vị trí tôi mở mắt nhìn. Chỉ tôi…và Chúa Giêsu, khi tôi có thể và tôi nói với Chúa về những gì tôi thấy. Và về những gì tôi nghe, những gì tôi cảm, những gì tôi nhớ. Không ai có thể lấy được cái thế giới của tôi. Họ có thể giết tôi, nhưng làm vậy họ cũng không thể bước vào ‘thế giới mà tôi thấy’.  
             Chỉ có một thế giới, nhưng mọi người chúng ta cùng chia sẻ trọn vẹn. Qua Chúa Giêsu, đã mở ra cho tôi lúc nào cũng được ở trong thế giới của tình yêu và sự tha thứ vô điều kiện của Ngài (Lc 9, 58). Điều đó làm cho tôi bình thản, hay ‘tỉnh bơ’, ngay cả khi kẻ trộm lấy cắp đi của tôi điều gì, vì cả thế giới đã là của tôi (1 Cr 3, 18-23; Lc 15, 31). Vì cho dù là do Thiên Chúa ký thác (Lc 16, 11-12), nhưng rốt cuộc cũng là được giao cho tôi giữ - tức là, cái nhìn  của tôi về thế giới và về  vương quốc (Lc 19, 17).
            Chúa Giêsu chỉ không ‘tỉnh bơ’ hay bình thản với những người không để tình yêu và sự tha thứ vào trong quy lệ của mình trừ khi dưới những điều kiện khắt khe do họ tự tạo ra (Mt 23). Nếu Nước Trời được thừa hưởng như di sản, thì người Kitô hữu giận dữ vì những người có quyền đặt điều kiện cho họ. Chúng ta đều là con (Cv 17, 27-28); chúng ta đều thừa hưởng di sản.
4.          Phúc cho những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đầy (Mt 5, 6)
             Ai là những người được ‘no đầy’, thoả lòng? Xem ra nó có nghĩa là ‘người thiện tâm’. Nếu họ chỉ muốn làm điều phải, điều đúng thôi, thì đó chính là phần thưởng của Chúa cho họ. chúng ta nghĩ tới sứ điệp mà thiên thần loan báo cho các mục đồng (Lc 2, 14): các điều xảy ra ở Bêlem có nghĩa ‘bình an cho mọi người thiện tâm’. Tin Mừng vừa đến trong trần gian là tin mừng cho những người thực sự muốn điều đúng, điều phải cho  Chúa. Mặt khác, đây sẽ là tin buồn cho những người muốn giới hạn tình thương và sự tha thứ của Chúa.
              Chúng ta xem lại cũng những chữ này trong câu chuyện người Pharisêu và người thu thuế cùng cầu nguyện trong Đền Thờ. Người Pharisêu tự cho mình là công chính đã cố gắng biện minh cho mình, để chứng minh sự công chính của mình. Còn người thu thuế cầu xin sự tha thứ mà mình không đáng được, chỉ nhờ vào lòng thiện hảo của Chúa. Tôi nghĩ hiện nay có nguy cơ lầm lẫn nếu dịch mối phúc thật thứ tư là ‘người đói khát sự công chính’ (theo nghĩa công bình, công lý), trong khi thực ra nó có nghĩa là ‘những người đói khát việc được công chính hoá’, chính xác là những người mong ước được trở nên thiện hảo với Chúa. Chúa Giêsu đã bỏ ra nhiều thời giờ, và dùng rất nhiều lời để biện hộ cho sự tha thứ Ngài làm theo với những gì mà chúng ta cho là  công chính (Mc 2, 15-17). Tôi  được dạy làm sao để tự là cho mình đúng, chứ không phải để cho những ngưòi khác đúng.
             Cũng câu chuyện về hai người cùng cầu nguyện chỉ cho thấy việc tìm kiếm công lý kết cục dễ dàng thế nào. Nguời Pharisêu khoe khoang về việc ông đã khó nhọc thế nào để làm cho mình nên công chính. Còn người thu thuế không có gì để nói, chỉ đơn thuần thừa nhận những gì anh ta làm không xứng đáng để làm cho anh nên công chính, còn chuyện gì sẽ đến chỉ còn biết tùy thuộc vào Thiên Chúa. Nước Trời thuộc về những người được mời chứ không thuộc về những người nghĩ rằng mình đáng được. Hãy nghĩ đến người trộm lành trên cây thập giá bên cạnh Chúa Giêsu, là người muốn được mời. Anh ta được thoả lòng ngay (Lc 23, 43).
5.      Phúc cho những người biết xót thương, vì họ sẽ được thương xót (Mt  5, 7)
            Khi phần hai của Bát Phúc đặt mối phúc này lên hàng đầu, là có ý nhấn mạnh nhu cầu cần sự thương xót. Tôi muốn được lòng thương xót, và đây cũng là cách thế để chúng ta đạt được nó. Tôi phải muốn lòng thương xót phổ quát, lòng thương xót cho mọi người không chỉ cho tôi và cho bạn bè, người thân. Tôi phải ước muốn lòng thương xót chứ không phải báo oán, muốn sự tha thứ chứ không phải trả thù.
             Tha thứ là chủ đề duy nhất khẩn thiết nhất trong bốn tin mừng. Có hàng tá dụ ngôn, câu chuyện, lời nói và ví dụ về tầm quan trọng sống còn của sự tha thứ. Những điều được nhắc đến ở đây chỉ là một ví dụ. Nhiều điều, như hai câu trong kinh Lạy Cha (Mt 6, 13-14; Lc 11, 4) và như mối phúc thật thứ năm trong Bát Phúc, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chúng ta tha thứ cho người khác nếu chúng ta mong chúng ta được tha thứ. Chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu sẵn lòng tha hết mọi tội trên thế gian, trừ tội từ chối tha thứ và được tha thứ (Mc 3, 29), là tội ‘bó tay’ Chúa bao lâu tội nhân còn cố chấp.
              Sau nhiều năm suy nghĩ và cầu nguyện, tôi có thể kết luận Thiên Chuá là tình yêu và sự tha thứ vô điều kiện, sự tha thứ của Ngài vẫn có đó trước khi chúng ta thống hối quay về.  Dầu vậy, nếu tôi từ chối tha thứ cho người khác, thì niềm vui và sự bình an vì biết rằng mình được tha thứ sẽ không còn là của tôi nữa. Hãy làm hài lòng Thiên Chúa với. Lạy Chúa, những điều tốt đẹp hơn sẽ được phân loại ra khi tôi chết, nhưng mất mát lớn lao biết bao! Tôi có thể sống cả đời để biết tôi được tha thứ quá khứ, hiện tại , tương lai, nhưng thay vì như con khỉ leo lên để lấy những trái cây ngon ngọt qua song sắt của lồng, còn tôi lại bám vào những ý nghĩ trà thù báo oán và tự giam hãm mình.
             Những câu chuyện hay nhất trong Tin mùng hầu hết luôn nói về sự tha thứ: chuyện Người Con Hoang Đàng (Lc 15, 11-24); ông Gia kêu (Lc 19, 1-10); kinh Lạy Cha; ‘Hãy trả nợ’ (chuyện 10.000 nén bạc – Mt 18, 23); ‘Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng’ (Lc 23, 34); nhà ông Simon và những người Pharisêu (Lc 7, 44-46); cái xà trong mắt ngươi (Mt 7,5); tha 70 lần 7 mỗi ngày (Mt 18, 21-22);  hoa lợi vườn nho (Mt 21, 41); ‘Đưa má bên kia’ vv…(Mt 5, 38-48); con chiên bị lạc (Lc 15, 3-7); đồng tiền bị mất (Lc 15, 8-10).
              Trong câu chuyện về những nén vàng hay những đồng bạc được trao, luôn có ‘người thứ ba’ chôn dấu đống tiền dưới đất. Chúng ta hãy lưu ý lý do: họ nghe ông chủ là người keo kiệt, họ nghĩ ông là người khó khăn (Mt 25, 24). Nếu chúng ta nghĩ Chúa đến với chúng ta vì mọi chuyện nhỏ nhặt, chúng ta sẽ không bao giờ thăng hoa. Nhưng nếu chúng ta biết Chúa là sự tha thứ, chúng ta sẽ sinh hoa kết trái, và làm những gì tốt nhất. Cũng vậy, nếu chúng ta nghĩ Chúa sắp đòi “Hãy trả những gì ngươi mắc nợ”, chúng ta sẽ không còn cơ hội sống còn.  Tin vào sự tha thứ tội lỗi, hay chúng ta chắc sẽ diệt vong. Nếu Chúa mong chúng ta tha thứ 70 lần 7 mỗi ngày, thì ít nhất chính Chúa cũng đã tha thứ ngần ấy rồi.
6.          Phúc cho những người tinh sạch trong lòng, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa (Mt 5, 8)
             Nếu nhìn thấy Thiên Chúa là tất cả những gì tôi mơ ước, thì lòng tôi đã tinh sạch. Mối phúc này không đặc biệt nói về nhân đức trong sạch, nhưng nói về tính duy nhất trong mục đích và ước muốn. Khi thánh Inhaxiô Loyola viết “Nguyên tắc và Nền tảng” cho Linh Thao của mình, đã chỉ ra mối phúc này muốn nói lên điều gì.
              Theo thánh Inhaxiô, chúng ta được tạo dựng để ca ngợi, tôn kính, và phục vụ Chúa, và đó phải là điều trước tiên. Không có  điều kiện nào hết. Không phải “tôi sẽ phục vụ Chúa bao lâu tôi khoẻ mạnh; không phải “tôi sẽ phục vụ Chúa khi tôi bao lâu tôi giàu có”, cũng không phải “tôi phục vụ Chúa bao lâu người ta nói tốt về tôi”. Sức khoẻ hay đau yếu, có tiền hay không có tiền, được kính trọng hay khinh miệt - nhữg điều này không nói lên phải ca ngợi và phục vụ Chúa thế nào.
             Chúa yêu thương chúng ta bằng tình yêu vô điều kiện, và Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu Chuá lại cũng vô điều kiện. Một người bạn của tôi phải chịu đau đớn trong nhièu năm, do tai nạn cách đây 30 năm khi bà ta là y tá. Nhưng điều đáng kinh ngạc là từ đó trở đi bà ta yêu Chúa vô điều kiện. Đó không phải là trường hợp ‘hãy làm cho con bớt đau đớn rồi con sẽ yêu hơn’.
7.          Phúc cho những kẻ tác tạo hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (Mt 5, 9)
              Có sự nối kết trực tiếp giữa là con Thiên Chúa và trở nên người tác tạo hoà bình. Cách đơn giản nhất để tạo nên mối liên kết này là nói lên rằng nếu chúng ta là conThiên Chúa, ít nhất là trong lời mời gọi, thì gây chiến tức là gây chiến với người gần gũi và thân yêu nhất.
             Khi nhìn về Nước Trời và ‘nhìn như Chúa nhìn’, thì mọi người nam cũng như nữ hay trẻ con đang sống đều có một chỗ nơi bàn tiệc của Chúa, và thân thiết với Chúa như người kề bên. Nếu chúng ta yêu Chúa, điều chúng ta muốn nhất sẽ là giữ  gia đình này lại với nhau (Lc 13, 34). Hơn nữa, nếu tôi nhận ra rằng giá trị muôn đời của tôi là làm con cái Chúa, thì mâu thuẫn chống đối với người con cái Chúa khác và khinh miệt họ có nghĩa là tự nói lên tôi ti tiện và hèn hạ. Tất cả chúng ta đều là con cái Chúa, nếu không thì chẵng có ai là con cái Ngài hết.  Tôi không thể tin một đàng mà hành động một nẻo.
             Điều đáng tiếc là kinh nguyện phụng vụ của chúng ta thường giới hạn 'anh chị em chúng ta’ là chỉ những người được chịu phép rửa tội và cùng trong Kitô giáo với nhau. Nguyên nhân của việc tác tạo hoà bình sẽ mạnh hơn, nếu chúng ta vui lòng hơn để nói mọi người như là anh chị em với nhau.
             Hình ảnh mà tôi thấy giúp ích và chính đáng nhất là suy niệm tin mừng về việc Chúa Giêsu và xem mình như người đồng hành với Ngài từ Nazareth đến để chịu phép rửa. Chúa Giêsu chịu phép rửa, trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim câu (Chim câu trong chuyện ông Noe), và có tiếng từ trời phán “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về người” (hay, ‘lòng sủng ái của Ta ở với người’). Rồi Chúa Giêsu lên khỏi nước và nói với tôi: ‘Đến lượt con”. Tôi xuống nước và cũng thấy những điều như trên xảy đến với tôi: trời mở ra, tôi thấy chim câu và nghe có tiếng nói: ‘Đây là con chí ái của ta, lòng sủng ái của ta ở với Người’.
             Và khi lời mời gọi đó được nhận biết để mở ra cho toàn thể nhân loại, thì khó mà tạo ra kẻ thù.
8.          Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 10)
             Ở đây dường như ám chỉ rằng ai sống trong đường lối của Chúa, suy nghĩ theo cách Ngài nghĩ, chọn những gì Ngài thích, sẽ tự động bị bắt bớ đàn áp. Không thể có điều này mà không có điều kia.
             Đây là một điều khó cho các môn đệ và các tông đồ của Chúa Giêsu chấp nhận. Có một chút đắc thắng trong giọng điệu của Phêrô khi ông đến và nhận ra Chúa Giêsu là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng bước kế tiếp ông ta phản đối mọi quan điểm rằng Chúa Kitô phải chịu đau khổ. Các môn đệ đã phải học ý nghĩa của các bài ca Người Tôi Tớ Đau Khổ trong sách tiên tri Isaia, ý nghĩa của thánh vịnh 22, và ý nghĩa của đau khổ trong tất cả các ngôn sứ trước đó. Khi Chúa Giêsu hiện ra với họ trong lễ Phục Sinh, tất cả mọi cái đều rõ ràng: đất buộc phải phản ứng rất mạnh khi trời xuất hiện giữa nó; họ không còn ngạc nhiên gì nữa.
             Vì thế khi Phêrô và Gioan bị bắt và bị phạt vì rao giảng và dạy Chúa Giêsu sống lại, họ thực sự vui mừng, và Giáo hội sơ khai mới hình thành cùng vui với họ, tạ ơn Thiên Chúa vì đặc ân được chịu đau khổ vì Chúa Kitô và vì tin mừng (Cv 4, 23-31; 5, 41).
              Thư thứ nhất của thánh Phêrô đã cảnh báo khôn ngoan: không vinh quang gì nếu chúng ta bị phạt vì làm sai (1 Ph 3,17). Vinh quang là ở việc làm đúng mà vẫn bị bắt bớ đàn áp vì điều đó.
             Do đó, khi chúng ta nghe hoặc đọc những lời quen thuộc trong Bát Phúc nhưng nhìn chúng với cái nhìn mới, với lời chúc phúc trước tiên trong tâm trí, chúng ta sẽ có được cái nhìn rõ ràng hơn về những gì Chúa Giêsu yêu cầu:
            -Đừng nghĩ đến công trạng;
             -Tín thác vào Thiên Chúa trong khi sầu khổ;
             - Coi thường của cải sở hữu;
             -Tiếp tục cố gắng trở nên tốt;
             -Đừng phán đoán ai;
             -Đáp trả tình yêu Thiên Chúa với cả tâm hồn;
             -Hãnh diện vì là con cái Chúa;
             -Vượt qua những bách hại.

chuyển ngữ
Ban Biên Tập BTTVHQN