Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Phụng vụ Mùa Chay thánh đặc biệt giúp chúng ta qui hướng về Thiên Chúa, đồng thời cũng qui hướng về tha nhân. Các trích đoạn Lời Chúa trong cử hành phụng vụ hôm nay tập trung vào việc cậy trông Thiên Chúa và nghĩa vụ bác ái huynh đệ.
Kết cục bài trích sách Giêrêmia cũng như dụ ngôn người giàu có và Ladarô trong Tin Mừng Luca là niềm xác tín của dân Chúa, là âm vang của sứ điệp quan trọng trong truyền thống Thánh Kinh. Trong Thánh Kinh, người nghèo chiếm một chỗ quan trọng trong tình yêu của Thiên Chúa. Theo quan điểm của Thánh Kinh, sự nghèo khó không chỉ là một tình trạng kinh tế xã hội mà còn là một thái độ nội tâm, một sắc thái của tâm hồn. Theo nghĩa đó, Đức Kitô mục tử ở Bêlem, ở Nazarét, ở trên đường truyền giáo, ở trên thập giá, là một người nghèo chính hiệu.
Đức Kitô Mục Tử, người nghèo chính hiệu, đang ở giữa chúng ta, đang qui tụ, nối kết chúng ta với các Giám mục, Linh mục trong giáo phận đã an nghỉ, mà trong giờ phút thiêng liêng nầy, chúng ta tưởng nhớ, dâng lễ cầu nguyện với và cho các ngài. Trong tâm tình Lễ giỗ, cũng thật xứng đáng và cần thiết để chúng ta nhìn về các ngài như một bảo tàng truyền thống tâm linh của giáo phận. Bảo tàng tâm linh nầy chứa đựng những kinh nghiệm quý báu, những gương lành gương sáng về đời sống mục tử của các ngài. Theo chỉ dẫn của phụng vụ Lời Chúa hôm nay, trong chút thời gian ngắn ngủi nầy, chúng ta đọc lại một vài gương sáng tiêu biểu của các ngài về đức ái mục tử và đức nghèo khó của linh mục.
1. Đức ái mục tử :
Nơi dụ ngôn người phú hộ và Ladarô, Chúa Giêsu không hề đề cập đến nguồn gốc sự giầu có của người phú hộ hay sự nghèo khó của Ladarô. Chúa chỉ đề cập đến sự dửng dưng, vô cảm trong đạo đức: vô cảm trước khổ đau của người khác và vô cảm đối với Chúa (Môsê và các ngôn sứ, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu). Chúa Giêsu cũng cho thấy hậu quả khủng khiếp của sự vô cảm nầy. Vô cảm đạo đức là một thứ “virus” có sức mạnh tàn phá “hệ sinh thái đạo đức” rất tinh vi, nhất là khi nó đã trở thành nếp sống bình thường. Do đó, Đức ái mục tử là một điểm nhấn trong tầm nhìn của Hội Thánh về đời sống linh mục và công tác truyền giáo. Tông huấn Pastores dabo vobis gọi Đức ái mục tử là nguyên lý nội tại đời sống tâm linh của linh mục (x. PDV 23§1). Sứ điệp Mùa Chay năm nay của ĐTC Bênêdictô vừa công bố sáng ngày 07/02/2012, với chủ đề “Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong đức bác ái và các công việc lành” (Dt 10,24). Tư tưởng chủ đạo của Sứ điệp Mùa chay nầy là quan tâm tới người khác. Quả vậy, Đức ái mục tử chính là nền tảng căn bản để chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu chịu thương tích nơi người khác, và nhờ Đức ái mà người ta nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Giê-su : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Đức ái mục tử chẳng những giúp chúng ta nhìn thấy để đồng cảm, để yêu thương và phục vụ mà còn để học, để khám phá giá trị nghèo khó nơi những người mẹ người cha tảo tần, thức khuya dậy sớm, nhịn ăn nhịn mặc, mong cho con có cái chữ, có cái ăn ; nơi những học sinh, sinh viên nhịn bữa ăn để dành tiền cho học phí ; nơi những bệnh nhân đang vật vã với cơn đau và đành lòng phó thác… Như thế, đối với người mục tử, đức ái như cơm với cá, như mẹ với con. Đức ái mục tử không phải là “chút tình nửa nắng” mà là một mối tình được nuôi bằng sự bền bỉ của tình mẹ và sự trung kiên của tình cha. Cha Phêrô Niên, quê Kim Châu, thụ phong linh mục năm 1884. Cha đã làm việc tại Phú Thượng, Bồng Sơn, Đồng Quả, Đồng Dài ; cha qua đời ngày 18 tháng 10 năm 1913, được an táng trong nhà thờ Kim Châu. Chúng ta nghe người xưa kể về ngài: “Khi cha Niên còn làm thầy giảng ở Quảng Nam, có một nhà bỏ đạo, người muốn cho nó trở lại hết sức, nên hằng cầu nguyện cho nó, song luống công nên mới định tới nhà nó mà an ủi; trước khi ra đi, người vào nhà thờ lần một chuỗi, kêu xin Đức Mẹ đoái thương con chiên xiêu lạc, lần hột xong ra đi tới ngõ, thấy ngõ đóng, người kêu mở ngõ mà chẳng thấy ai ra, thấy ít con chó ra sủa và muốn cắn mà thôi; người đứng một chặp thấy vắng vẻ, thì trở về lần một chuỗi nữa, đoạn đi tới, kêu mở ngõ, thì có kẻ ra mở, song vô nhà thì chẳng thấy ai ra mặt chào hỏi; người đứng xớ rớ ngó nhìn ba cây cột trong nhà, rồi trở ra về, mà cũng chưa ngã lòng; qua bữa sau người lần một chuỗi nữa và đi như trước, phen nầy tới nhà thì chủ ra rước chào tử tế; người liền an ủi cả nhà trở về đàng chính cùng giữ đạo tử tế lắm”. (Mm. No.104, Dec. 1913, p. 86)
2. Chỗ đứng của Ladarô – chỗ đứng của linh mục:
Tự căn tính, linh mục là Ladarô đích thực rồi. Qua những lời kinh thần vụ hằng ngày, chúng ta cũng luôn khẳng định chỗ đứng của Ladarô là chỗ đứng của mình: “Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con, vì thân con nghèo hèn túng quẫn” (Tv. 85). Tuy nhiên, cũng tự căn tính, linh mục là giàu có, giàu có vì thánh chức, giàu có vì tư cách đại diện Chúa Kitô để “chuyển phát nhanh” kho tàng ân sủng của Chúa cho dân Chúa. Giải phân cách giữa giàu và nghèo đó trong đời sống linh mục rất rắn chắc mà cũng rất mong manh. Rắn chắc vì đó là căn tính linh mục. Mong manh vì được thực hiện trong thân phận người giới hạn và yếu đuối.
Sống nghèo là chấp nhận những giới hạn của mình. Anh Giuse Túc Trần Trọng Phú Dung, một giáo dân ở giáo xứ Sơn Nguyên kể về cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên: “Có một hôm đang dang hai tay đọc lời nguyện thì chiếc micro tự chế của ngài bỗng trở chứng, tiếng được tiếng mất. Bực mình, tiện tay ngài “rờ ve” một phát khiến chiếc micro tội nghiệp kia quay vù vù mấy vòng rồi đứng lại. Thế rồi trên tòa giảng, ngài bảo từ đây về sau hễ ai thấy ngài đang nổi nóng thì xin đến nhắc ngay lúc đó rằng: “ kìa cha đang nóng” để ngài kịp kìm hãm và khắc phục cơn nóng giận. Mỗi lần ai giúp ngài như thế, ngài sẽ trả cho năm ngàn, nếu không nhận tiền thì ngài sẽ dâng cho một lễ ”.
Cha Phaolô Trương Đắc Cần kể chuyện cố Clause Hồng khi làm Giám đốc Chủng viện Làng Sông : Tối hôm ấy một chủng sinh phạm luật. Cố Hồng giận quá, phát lệnh đuổi lập tức, ngay trong đêm. Chú thi hành lệnh như binh lính vâng lời quân lệnh trong thời chiến. Chú không dám đi Gò Thị vì đêm tối. Chú đến nhà hàng xóm Chủng viện để tạm qua đêm. Đêm đã khuya, cố Hồng hối hận vì sự nóng nảy của mình. Cố Hồng đốt đèn, đi ra hàng xóm tìm được chú chủng sinh, dẫn chú về Chủng viện tiếp tục tu hành. Sau, chú chủng sinh này làm linh mục là cha JB. Lê Quý Đức.
Sống nghèo là sống trong sự cầu nguyện. Bởi vì sự cầu nguyện nói cho chúng ta rằng chúng ta cần Thiên Chúa. Người nghèo là những người cần đến Thiên Chúa nhiều nhất. Đức Hồng Y Fulton Sheen nói: “ Đến bên Thầy Chí Thánh, linh mục sẽ được nghe những học thuyết mà Platon không hề dạy và Socrate chẳng bao giờ biết ”. Quả vậy, cầu nguyện trung thành và đáy chốt sẽ cung cấp cho ta sức mạnh đẩy lùi sự vô cảm với Chúa và với dân Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta lắng nghe tiếng Chúa cũng như tiếng kêu thống thiết của dân Chúa. Bác sĩ Le Moine tường thuật việc cha Paul Maheu đến Qui Hòa thành lập trại phong: “Một buổi sáng đẹp trời, một chiếc thuyền nan cập bãi Bến Cát, chở theo một cái giường gỗ, một cái bàn, mấy cái ghế, một máy dĩa phono, rất nhiều sách, một nhà tu hành gầy gò có bộ râu dài, cặp mắt sáng quắc, đó là linh mục Paul Maheu, hiến dâng đời mình cho người cùi ”.
Chị Lucia Nguyễn Thị Định, 53 tuổi, hiện ở giáo xứ Tịnh Sơn kể về ông cố Hiên: “Về việc xưng tội, hễ ai đến trình cha bất cứ lúc nào, cha đều sẵn sàng ngồi tòa. Cha dặn: “ kể cả khi cha đang ăn, nếu ai cần xưng tội thì cứ nói, cha sẽ giải tội”. Cha Giacôbê Huỳnh Văn Chỉ, quê Phú Thượng, thụ phong linh mục năm 1900. Cha đã làm việc tại Gia Hựu, Gò Thị, Kỳ Bương, Thác Đá, Nam Bình. Một hôm có kẻ liệt tại Truông Ổi, cách Thác Đá khoảng 17 cây số. Lúc bấy giờ ngài đang lên cơn sốt, ông biện không muốn đưa ngài đi. Ngài nói ở cõi nầy có mình Chỉ là linh mục. Ngài lệnh cho ông biện đem ngựa cho ngài. Ngài lên ngựa rồi cứ ôm ghì cổ ngựa, sốt mê man, không biết trời biết đất, ông biện phải tìm dây cột ngài vào cổ ngựa, đưa ngài đến Đồng Dài cấp cứu, vừa tỉnh lại, ngài liền đến nhà kẻ liệt (Cha Sim. Công kể và x. Mm. 5&6/1943).
Linh mục sống nghèo không phải là một hành động dũng cảm đột xuất, nhưng đó là một sự lựa chọn có ý thức, một đòi buộc của căn tính, một nếp sống luôn cần được canh tân và đổi mới. Tông Huấn Pastores Dabo Vobis chỉ dẫn: “ Đức nghèo khó không phải là khinh chê hay loại bỏ những của cải vật chất, nhưng là sử dụng những của cải này cách có trách nhiệm và yêu thương, đồng thời là khả năng từ bỏ chúng với tự do nội tâm lớn lao vì Thiên Chúa và vì kế hoạch của Ngài” (PDV, số 30).
Cha Phêrô Yến quê Tùng-sơn thuộc địa sở Phú-thượng, thụ phong linh mục năm 1897. Qua đời ngày 19/01/1928. Cha đã làm việc tại Làng Sông, Kỳ Bương, Tân Thành, Đồng Quả, Phú Hòa, Vân Đỏa. Người xưa kể: “Cha Phêrô giữ trọn niềm thầy cả, và người có lòng khó khăn chẳng những in Spiritu mà lại bề ngoài nữa, vì cả đời người, thấy các đồ vật người dùng đã không tốt, lại thiệt là vừa cần thiết, đến đỗi khi một hai cha đến thăm, thì người phải mượn đồ cần nơi khác. Còn lúc người đã yếu, nhứt là lúc sau hết, thì hằng thấy người bằng lòng lãnh phần cực khổ mà chẳng hề phàn nàn năn nỉ”. (Mm. 1928, trang 24)
Trọng kính quý Đức cha,
kính thưa cha Tổng đại diện, kính thưa quý cha,
Lời Chúa và tinh thần Lễ giỗ hôm nay cùng với bầu khí tĩnh tâm, bầu khí mùa chay thánh, bầu khí giáo phận hướng về ngày kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến giáo phận, một lần nữa, Đức Kitô mục tử đánh thức chúng ta dậy, đồng thời cũng mời gọi chúng ta đến yêu thương và trách nhiệm. Thật vậy, cuộc đời chúng ta có sinh hoa trái nhân đức hay không là do nơi việc chiêm ngắm và kết hiệp với Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành. Chúng ta đã chọn lựa một cuộc sống mà những vinh hoa phú quý không còn quan trọng. Đó là một cách sống can đảm lội ngược dòng đời. Điều quan trọng của chúng ta là nâng cao kinh nghiệm về Chúa Giêsu. Chúng ta bây giờ là con người của cái cốt yếu nầy. Tác giả quyển sách “Đức Giêsu thành Nazareth ” đã viết: “Đấng bị đóng đinh và là Đấng phục sinh, Ngài là Ladarô đích thật. Dụ ngôn này mời gọi chúng ta tin và bước theo Ngài, dấu chỉ vĩ đại của Thiên Chúa”. Phải tin thôi, phải theo thôi. Xin Chúa đón nhận chúng con và dẫn chúng con đi. Amen.
Vài hình ảnh ngày Tĩnh tâm