Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

CHỌN ĐỀ TÀI


   Vũ Thụy Hoàng
                                                         (Trích từ Múa Bút)
Theo Diễn Đàn Thế Kỷ

Trước khi có ý định cầm bút viết, hẳn bạn đã định đề tài để viết, cũng như chủ đích để viết. Tức là bạn biết sẽ viết về vấn đề gì, viết để làm gì? Ðể gửi cho bạn bè? Ðể đăng báo? Hay để viết sách? Thường khi chọn đề tài, bạn cũng chọn ngay loại viết: giả tưởng hay không giả tưởng. Viết truyện ngắn, truyện dài để giải trí người đọc. Hay viết theo sự kiện, theo tài liệu, nghiên cứu nhằm cung cấp tin tức và hiểu biết cho người đọc. Hoặc phân tích, nhận định để bày tỏ ý kiến, phê bình.
 Ðề tài mà bạn chọn lựa có thể được nhen nhúm trong đầu từ lâu, hoặc ám ảnh tâm trí làm bạn thao thức, khiến bạn hăm hở muốn viết. Ðề tài có thể thoáng hiện đến trong đầu như một ánh chớp, được bạn chụp lấy, suy nghĩ thêm, tìm tòi, nghiên cứu rồi khai triển ra. Ðề tài có thể nảy ra do óc sáng tạo của bạn, hoặc phát xuất tự trong lòng bạn, dựa trên một số sự việc xảy ra ở một hay nhiều chỗ khác nhau. Nhờ thu lượm và chắp nối nhiều mẩu chuyện vụn vặt, bạn có thể biến đổi để viết thành truyện mới.
 Bạn có thể tìm thấy đề tài do trí nhớ hồi tưởng từ thuở xa xưa, hoặc do kinh nghiệm sống của bạn. Ðây là loại hồi ký, từ những cuộc tình lãng mạn hoặc sóng gió của cá nhân, cho tới những hoạt động sôi nổi ở chính trường, hay ngoài trận địa. Những vụ di tản vất vả, những cuộc vượt biển gian truân, những ngày chiến trận nguy hiểm, những ngỡ ngàng trong đời sống mới lạ ở nước ngoài, những cách nuôi dạy con cái, những lối giữ gìn sức khỏe, tập thể dục, nấu ăn, làm vườn, đều là những đề tài có thể khai thác.
 Ðề tài còn đến do sự quan sát và tìm biết sự việc của bạn. Bạn có thể nghe người khác kể chuyện lại, thấy việc họ làm, nghe họ bày tỏ những xúc cảm, những nhận định và suy nghĩ của họ. Từ đó bạn tìm tòi thêm, xem có trường hợp nào tương tự, xem có thấy chiều hướng gia tăng và lan rộng trong những lớp người khác không? Ðây là lối nhà báo thường tìm đề tài để tường thuật sự việc, trình bày biến cố và viết phóng sự.
 Tin tức nghe được của đài phát thanh, đài truyền hình, hay đọc báo hàng ngày, có thể giúp bạn nảy ra ý. Hoặc những câu chuyện với thân nhân, bạn bè, những thắc mắc hay quan tâm của họ cũng gợi ý cho bạn.
 Tóm lại, đề tài để viết có rất nhiều ở quanh mình. Ðời sống con người trong một xã hội đa tạp thường xen lẫn nhiều thay đổi, rắc rối, thăng trầm với vui, buồn, sướng, khổ, an bình và gian nan, thành công và thất bại, nên có nhiều chuyện để kể, nhiều đề tài để viết. Quanh mình có nhiều chuyện xảy ra hàng ngày mà mình không để ý vì cho là tầm thường, nhưng nếu bạn tò mò một chút, để ý hỏi han, tìm hiểu, bạn có thể khám phá ra đó là chuyện hay, chuyện lạ.
 Tò mò là một yếu tố quan trọng của người viết văn, nhất là viết báo. Vì tò mò muốn biết thêm, muốn tìm hiểu rõ hơn, muốn những thắc mắc được giải tỏa, những câu hỏi được trả lời, người viết mới đi thăm hỏi, sục sạo, truy lùng, tìm kiếm chất liệu và mới có đề tài, có chi tiết để viết. Người viết nên luôn luôn tỉnh táo, trông chừng những việc xảy ra quanh mình và trong xã hội. Hãy chú tâm đến những gì khác thường, những bất trắc, những trái khoáy mà mình chưa biết.
 Nếu thấy điều gì khơi động tò mò mà bạn muốn biết, nhiều người khác hẳn cũng muốn biết. Chính tò mò là yếu tố quan trọng ràng buộc người viết với người đọc, theo James B. Stewart, từng là chủ biên trang nhất của báo Wall Street Journal và là tác giả quyển Follow The Story: How To Write Successfully Non-Fiction. Người viết vì tò mò mới đi lùng kiếm chất liệu. Ðề tài khích động óc tò mò của người đọc mới lôi cuốn được họ. Người đọc muốn biết để thỏa mãn tính tò mò của họ, để mở rộng kiến thức, và để có đề tài nói chuyện với bạn bè, với đồng nghiệp, với người khác. Nếu người đọc không vì tò mò thúc đẩy, họ không đọc, vì họ còn bận bịu nhiều chuyện khác trong cuộc sống thường ngày của họ.
Tiêu chuẩn chọn đề tài
 Hay, lạ, chưa mấy ai biết, đó là những yếu tố để chọn đề tài. Những chuyện hay thường có những mới lạ, những khám phá bất ngờ, những tranh chấp sôi nổi, những chi tiết hấp dẫn, thích thú, cộng thêm những đối thoại ý nhị, vui cười.
 Muốn biết đề tài bạn định viết có mới lạ không, cần xem đề tài đã có nhiều người viết chưa. Khi định chọn đề tài, bạn nên dành một ngày đến thư viện lớn ở trong vùng, lướt qua danh mục có liên hệ đến đề tài, để xem đã có những sách nào, tạp chí nào viết về vấn đề này. Xem đề tài được viết mới đây, hay viết lâu rồi. Bạn cũng có thể ghé qua những tiệm sách lớn, đảo một vòng xem có sách về loại bạn định viết không. Hoặc hỏi bạn bè trong giới viết văn, viết báo. Nếu chưa có sách báo nào viết về đề tài này, đó là dấu hiệu tốt để bạn khai thác. Toni Morrisson, tiểu thuyết gia được giải Nobel năm 1993, nói nếu có đề tài nào bạn muốn đọc mà không thấy có sách, đó là đề tài để bạn viết.
 Nếu thấy có sách báo đã viết về đề tài bạn định chọn lựa, đừng lo. Ðề tài tuy giống nhau, bạn vẫn có thể viết được nếu viết khác, nhằm vào khía cạnh khác, chiều hướng khác, hoặc lớp người khác. Những yếu tố khác này làm truyện của mình càng thêm độc đáo. Truyện càng độc đáo càng được ưa thích vì ít có người viết. Truyện tình lứa đôi là một đề tài đã có biết bao sách báo viết qua bao thời đại mà vẫn có nhiều người say mê đọc, vì mỗi truyện mỗi khác, với những khía cạnh khác, hoàn cảnh khác, nhân vật khác. Chiến tranh Việt Nam cũng vậy. Ðã có biết bao sách báo viết về cuộc chiến, nhưng nhiều người vẫn có thể viết về đề tài này theo kinh nghiệm của mình, hoàn cảnh của mình và dưới cái nhìn của mình. Ðừng sợ khi thấy có sách báo viết rồi. “Ðiều bí mật của viết giỏi là viết lại điều cũ theo lối mới, hoặc viết điều mới theo lối cũ,” như lời của tiểu thuyết gia và nhà báo Richard Harding Davis (1864-1916.)
 Có lạ, có hay, đề tài còn cần được người khác quan tâm. Mối quan tâm của người đọc thường khác biệt tùy theo tầng lớp xã hội, trình độ học vấn, xu hướng chính trị, tôn giáo. Khi chọn đề tài, bạn có thể thăm dò phản ứng của người đọc bằng cách nói chuyện với những người khác về đề tài định viết, xem có bao nhiêu người tỏ vẻ chú ý, bao nhiêu người thích thú, bao nhiêu người lơ là. Nếu đề tài được nhiều người lưu ý, bài viết mới có đông người đọc. Mỗi loại sách, báo đều cần có độc giả để trang trải chi phí biên tập, ấn loát và phân phối. Thị trường quá nhỏ thì không đủ trả sở phí.
 Truyện càng có tính đại chúng, càng liên hệ đến con người, đến cuộc sống của các giới trong xã hội, càng dễ lôi kéo được độc giả. Những truyện về tình yêu, gia đình, những xúc động tình cảm như yêu, ghét, giận, hờn, vui, buồn, hoặc những cuộc phấn đấu, vật lộn, tranh chấp trong cuộc sống như đâm chém, giết chóc, thủ đoạn làm ăn, tranh dành quyền thế, vẫn là những đề tài dễ khai thác trong mọi thời đại. Truyện hư cấu để giải trí có thể thu hút độc giả thuộc nhiều giới, nhưng phải cạnh tranh với nhiều loại giải trí khác như phim ảnh, kịch trường, vô tuyến truyền hình, phát thanh, các bộ môn thể thao, những hoạt động ngoài trời... Còn những sách không hư cấu thường nhắm vào một số độc giả riêng biệt, những người quan tâm đến vấn đề mà họ muốn biết, muốn tìm hiểu. Vì vậy đề tài sách không hư cấu nên hạn định vào vấn đề riêng biệt, hoặc một khía cạnh thu hẹp. Xin nhớ đề tài nào cũng chỉ được một số người quan tâm. Không có đề tài hay bài viết nào được mọi người chú ý. Lại càng không bao giờ được hết mọi người ưa thích.
 Muốn độc giả quan tâm đến đề tài, trước tiên bạn phải là người lưu tâm và thích thú với đề tài định viết. Có thích, bạn mới hăm hở, hăng say làm việc, tập trung tư tưởng, sưu tầm tài liệu và quyết chí hoàn thành tác phẩm. Nếu bạn cảm thấy lơ là, hờ hững với đề tài, bạn dễ rơi vào tình trạng viết cũng được, không viết cũng được, và rất có thể bạn không đi tới cùng mà bỏ cuộc giữa đường. Vậy khi chọn đề tài, bạn nên xem đề tài có gây hào hứng, thích thú đối với bạn không.
 Thêm vào thích thú, bạn cần có kinh nghiệm hoặc hiểu biết chuyên môn về vấn đề định viết, nhất là với loại viết không giả tưởng. Chuyên môn không có nghĩa là bạn phải ở trong nghề, hoặc có bằng cấp về lãnh vực đó. Nếu có càng tốt, không có cũng chẳng sao. Ðiều quan trọng là bạn đã ở trong cuộc, đã trải qua những kinh nghiệm để biết vấn đề này, hoặc chú tâm nghiên cứu vấn đề. Có kinh nghiệm, hoặc có kiến thức hiểu biết về vấn đề, bạn mới dễ viết, mới trình bày rõ ràng và mạch lạc để độc giả hiểu. Chẳng hạn muốn viết về thể thao, bạn không cần phải là cầu thủ của đội bóng đá nổi tiếng, nhưng nếu bạn đã từng chơi đá bóng, hoặc hiểu biết về môn này, bạn có thể viết bài tường thuật về những trận giao đấu. Nếu bạn giỏi nấu ăn, bạn có thể viết sách về nấu nướng theo kinh nghiệm của bạn. Tương tự, bạn có thể viết về chiến tranh Việt Nam theo kinh nghiệm của chính mình là một quân nhân từng xông pha ngoài chiến trận, hoặc một thường dân trải qua những cảnh khói lửa của chiến tranh.
 Chú trọng về một khía cạnh chuyên biệt, tức là nhìn vấn đề ở phạm vi thu hẹp, nhỏ bé thay vì rộng lớn. Tìm khía cạnh chuyên biệt dễ làm tác phẩm của bạn độc đáo, trong lúc viết những đề tài rộng lớn dễ bị trùng hợp với nhiều sách khác và phải cạnh tranh vất vả. Trong thí dụ về nấu ăn đề cập ở trên, thay vì dạy nấu ăn tổng quát, bạn có thể viết chuyên về nấu món ăn miền Nam, hay miền Trung, miền Bắc, hoặc riêng về những món nổi tiếng của một tỉnh. Về chiến tranh, bạn có thể viết về một trận đánh đặc biệt nào mà bạn tham dự, hoặc một trận chiến nào mà bạn thấy quan trọng, gay go, hấp dẫn. Chính vì biết khai thác những khía cạnh đặc biệt, biết đào sâu về một sự kiện nào đó mà báo chí vẫn có độc giả và vẫn tồn tại, dù những biến cố xảy ra đã được các đài phát thanh và truyền hình loan báo trước rồi.
 Thời gian tính cũng là yếu tố cần cứu xét khi chọn đề tài. Có tin tức cần được loan báo mau lẹ, có bài viết hoặc truyện cần đưa cho độc giả đọc càng sớm càng tốt. Ðây là trường hợp những vấn đề thời sự nóng bỏng. Truyện mới xảy ra người ta thích đọc hơn. Chỉ những bài hoặc truyện không sợ mất thời gian tính mới có thể giữ chậm lại. Càng để lâu mà không có gì mới thêm vào, tính tò mò, háo hức của độc giả càng nguội dần, truyện mất hấp dẫn và bị những biến chuyển khác làm mai một đi.

 Tóm lại, khi chọn lựa đề tài, bạn cần cứu xét các yếu tố sau:
        mới lạ, độc đáo
        được nhiều người quan tâm
        đề tài được bạn ưa thích
        bạn có kinh nghiệm hoặc hiểu biết về đề tài
        hợp thời

Phân loại viết

 Khi chọn đề tài, bạn thường định ngay ở trong đầu thể loại để viết, hư cấu hay không hư cấu. Tùy theo đề tài và thể loại định viết, bạn phỏng định được mức độ dài ngắn của bài, và trù tính bài gửi đăng ở nhật báo, tạp chí, hay biến thành sách. Có nhiều loại viết khác nhau:
 Truyện là lối viết thông dụng nhất, kể chuyện của chính người viết hoặc của người khác. Truyện có thể kể theo thứ tự thời gian, theo diễn biến của những sự việc, nhưng không nhất thiết phải tuân thủ đúng theo thứ tự đó. Truyện có thể mở đầu bằng pha gay cấn, hấp dẫn nhất, xẩy ra ở phần sau, rồi quay trở lại kể tiếp từ đầu. Lối kể chuyện được dùng nhiều trong những tiểu thuyết, bằng cách chọn cốt truyện có nhân vật, có bối cảnh, có những màn diễn tiến, có đối thoại. Loại kể chuyện thường làm người đọc ưa thích vì dễ nhận, dễ hiểu và dễ nhớ.
 Loại tường thuật: là loại viết thịnh hành của báo chí, tường thuật những sự việc xảy ra theo những gì quan sát, chứng kiến và nhận biết. Tai nạn xe cộ, thiên tai, bão lụt, chiến tranh... thường là những đề tài cho loại tường thuật.
 Loại điều tra: là loại viết tìm tòi, sưu khảo kỹ lưỡng một vấn đề để đào sâu thêm chi tiết, hoặc tìm biết nguyên nhân sự việc xảy ra.
 Loại phân tích, giải thích: là loại viết tìm cách giải đáp những thắc mắc khi đề tài nêu ra nhiều câu hỏi, nhiều nghi vấn. Có những sự việc xảy ra làm người đọc ngạc nhiên, khó tin, khó hiểu, với nhiều thắc mắc cần được giải đáp. Nằm trong trường hợp này là những tai nạn khả nghi, những vụ giết người bí hiểm, những vấn đề chính trị rắc rối, những thủ đoạn kinh doanh mờ ám... Loại viết này thường dựa vào những sự kiện để phân tích và giải đáp những thắc mắc nêu lên.
 Loại tiểu sử: là truyện viết về cuộc đời hay một phần cuộc đời của một người, nhất là những người quen biết, nổi tiếng. Những ca sĩ, tài tử, lực sĩ, chính trị gia, viên chức trong chính quyền thường là đề tài cho sách tiểu sử, hồi ký, tự truyện, hoặc một bài báo sơ lược về thân thế, sự nghiệp và hoạt động của họ. Những nhân vật này càng trở thành đề tài hấp dẫn, nếu có dính dáng đến những vấn đề thời sự.
 Loại quan điểm: người viết bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình qua những bài viết để bênh vực hay phản đối một vấn đề.
 Tuy có những loại viết phân biệt như trên, nhưng người viết có thể phối hợp nhiều loại viết khác nhau để trình bày vấn đề. Bài viết hoặc sách có thể phối hợp các loại kể chuyện, tường thuật, điều tra và tiểu sử. Sách báo thường hay phối hợp nhiều loại như vậy để hấp dẫn hơn, khỏi bị buồn tẻ.