Kahlil Gibran Nguyễn Ước dịch Lời người dịch:Văn nghệ Sông Cửu Long Hằng năm, ngày Giêsu ra đời (Noël) được xem là một lễ hội hầu như trên khắp thế giới, có lẽ vì tính cách vui tươi, bình an, đại chúng và thậm chí thương mại của nó. Thế nhưng, đại lễ quan trọng nhất của Kitô giáo, mang tính căn nguyên và được giáo hội qui điển hóa hơn 300 năm trước lễ Giáng sinh ngày 25 tháng Mười hai, đó là lễ Phục sinh (Easter hay Pâques). Đức tin Kitô giáo đặt cơ sở trên mầu nhiệm Phục sinh. Lễ Phục sinh là cao điểm kết thúc tuần thương khó (khổ nạn, passion) tuẩn tử cứu độ và sống lại vinh quang của Giêsu mà theo thần học Kitô giáo, cũng là tiêu biểu cho diễn tiến đáng ao ước của cuộc sống Kitô hữu. Nếu không có tín lý Phục sinh, toàn bộ giáo thuyết Kitô giáo sụp đổ. Vì thế, lễ Phục sinh đầy lạc quan đó được tái hiện hằng tuần ở một qui mô nhỏ hơn, vào ngày Chủ nhật. Nhận thấy lễ Giáng sinh là dịp duy nhất trong năm khiến rất đông người ngoài Kitô giáo (chiếm hơn 90% dân số Việt Nam) thấy hình ảnh “Giêsu Hài đồng”, chúng tôi xin giới thiệu một tiểu phẩm của Kahlil Gibran có nhan đề “Đóng đinh Thập giá (viết trong ngày Thứ sáu Tuần thánh)” viết về “Giêsu Cứu thế”. Nhan đề bài này do chúng tôi tự đặt, và giới thiệu nó như một đóng góp để có thể góp phần đưa tới cái nhìn đồng cảm và tích cực hơn về Kitô giáo, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. NƯ. Hôm nay, vào đúng ngày này mỗi năm, loài người bừng tỉnh khỏi giấc ngủ say và đứng trước bóng ma của các Thời đại, nhìn với đôi mắt đẫm lệ về Núi Sọ để chứng kiến Giêsu Nadareth bị đóng đinh trên Thập giá. . . Nhưng khi ngày qua đi và tới chiều hôm, loài người lại quay về quì gối cầu nguyện trước ngẫu tượng được dựng lên trên mọi gò đồi, mọi đồng cỏ và mọi nơi đổi chác lấy miếng ăn. Hôm nay, các linh hồn Kitô hữu cưỡi lên đôi cánh ký ức bay tới Jerusalem. Ở đó, họ sẽ đứng thành những đám đông, đấm ngực mình và đau đáu ngó Ngài đầu đội vòng gai, dang hai tay trước trời cao và nhìn từ đằng sau chiếc mạng của Cái chết vào những chốn thẳm sâu của Sự sống. Nhưng khi màn đêm buông xuống sân khấu ban ngày và vở kịch ngắn ngủi ấy kết thúc, các Kitô hữu sẽ làm thành từng nhóm, trở về nhà rồi ngã mình trong bóng tối lãng quên giữa những chăn màn của mông muội và lười biếng. Vào ngày độc nhất này của mỗi năm, các triết gia rời hang động tối tăm, các nhà tư tưởng rời căn buồng lạnh lẽo, và các thi sĩ rời lùm cây tưởng tượng của mình; tất cả đến đứng cung kính trên núi đồi tịch mịch đó, lắng nghe tiếng của một người trẻ tuổi nói về những kẻ giết Ngài: "Cha ơi, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm." Nhưng sau khi thinh lặng của bóng tối làm lịm tắt tiếng nói của ánh sáng, các triết gia, các nhà tư tưởng và các thi sĩ quay về kẽ nứt chật hẹp và khâm liệm linh hồn mình bằng những trang giấy vô nghĩa. Hôm nay, những phụ nữ thường ngày bận tâm làm đẹp với Cuộc đời, sẽ xỏa tóc đi gặp một người mẹ đau khổ đang đứng trước Thập giá, trông như thể chiếc cây nhỏ nhoi mỏng mảnh trước bão giông cuồng nộ; và khi tới gần bà, họ sẽ nghe tiếng nức nở rất thẳm sâu và tiếng than thở rất tê tái. Hôm nay, những thanh niên và những thiếu nữ đang chạy đua với con nước lũ văn minh hiện đại, sẽ tạm dừng chân ngoái mặt nhìn lui để thấy Maria Magdala trẻ trung đang rửa bằng nước mắt các vết máu từ chân của Đấng thiêng liêng bị treo giữa Trời và Đất, và khi ánh mắt hời hợt của tuổi hoa niên thấm mệt với cảnh tượng đó, họ sẽ ra đi và chẳng mấy chốc rộn lên tiếng cười ròn rã. Vào ngày này mỗi năm, Loài người thức dậy với cơn tỉnh giấc của mùa xuân, tới đứng khóc lóc bên Người Nadareth đang chịu khổ hình, và rồi Loài người sẽ khép cả hai mắt, đầu hàng giấc ngủ say. Nhưng mùa xuân vẫn thức, đang mỉm cười tiến bước cho tới khi quyện vào mùa hạ mang y trang vàng rực ngan ngát hương. Loài người là kẻ than khóc, kẻ thưởng thức sự than khóc những hồi ức và những anh hùng của các Thời đại. . . . Nếu loài người có sự hiểu biết, hẳn nó tận hưởng vinh quang của mình. Loài người giống như đứa bé đứng với niềm vui sướng bên cạnh con thú chấn thương. Loài người cười thành tiếng trước khi cơn nước lũ ngày càng mãnh liệt mang vào quên lãng những cành khô và cuốn trôi tất cả những gì không gắn bó với sự mạnh mẽ. Loài người xem Giêsu Nadareth như một kẻ sinh trong nghèo khó, chịu khốn khổ và bị sỉ nhục cùng với hết thảy những kẻ yếu. Và Ngài được thương xót vì Loài người tin rằng Ngài bị đóng đinh đau đớn vô cùng. . . Và tất cả những gì Loài người dâng lên cho Ngài là lời kêu khóc, rên rĩ cùng than van. Suốt rất nhiều thế kỷ, Loài người đã thờ phụng sự yếu đuối trong con người của Đấng Cứu thế. Không, Người Nadareth ấy không yếu đuối! Ngài mạnh mẽ và là người mạnh! Nhưng người đời không chịu để ý tới ý nghĩa thật sự của sức mạnh ấy. Giêsu không bao giờ sống cuộc sống sợ hãi. Ngài cũng không chết trong khổ đau than van. . . Ngài sống như một thủ lãnh; Ngài bị đóng đinh như một chiến sĩ đấu tranh. Ngài chết với phong thái anh hùng, làm những kẻ giết Ngài và hành hạ Ngài phải run sợ. Giêsu không là con chim với đôi cánh gãy. Ngài là cơn bão thịnh nộ đánh gãy mọi đôi cánh cong. Ngài không sợ hãi kẻ ngược đãi mình lẫn đối thủ của mình. Ngài không khổ sở trước những kẻ giết Ngài. Ngài tự do, dũng cảm và dám đương đầu. Ngài thách thức hết thảy những kẻ bạo ngược và những kẻ áp bức. Ngài nhìn thấy những mụn nhọt hay lây và Ngài cắt bỏ chúng. . . Ngài làm câm lặng Cái ác, Ngài nghiền nát Dối trá và Ngài làm tắc nghẽn Phản bội. Giêsu không đến từ tâm điểm của vòng tròn Ánh sáng để phá hủy nhà cửa và xây lên trên đó các nhà dòng hay tu viện. Ngài không thuyết phục kẻ mạnh trở thành một tu sĩ hay một tư tế, Ngài đến để gởi tới thế gian một tinh thần mới, với sức mạnh nghiền nát nền móng của bất cứ đế chế nào xây dựng trên xương người và sọ người. Ngài đến để triệt hạ những cung điện uy nghi được xây cất trên huyệt mộ của kẻ yếu, và nghiền nát các ngẫu tượng được dựng lên trên thân xác của người nghèo. Giêsu không được sai tới chốn này để dạy dân chúng xây lên các thánh đường nguy nga và các đền thờ tráng lệ ở giữa những túp lều lụp xụp lạnh lẽo và những nơi cư ngụ tối tăm ảm đạm . . . Ngài đến để làm cho tâm hồn con người thành đền thờ, linh hồn thành bàn thờ và tâm trí thành tư tế. Đó là các sứ mệnh của Giêsu Nadareth, và đó là những lời giảng dạy mà vì chúng Ngài bị đóng đinh vào Thập giá. Và nếu Loài người khôn ngoan, ngày hôm nay nó sẽ đứng và hát trong sức mạnh của bài ca chinh phục và khúc ca khải hoàn ấy. . . Hỡi Giêsu bị đóng đinh, Đấng từ Núi Sọ đang xót xa nhìn cuộc diễu hành buồn thảm của các Thời đại, đang nghe tiếng huyên náo của các quốc gia tối tăm và đang thấu hiểu các giấc mơ của Vĩnh cửu. . . Trên Thập giá, Ngài vinh quang và uy nghiêm hơn một ngàn hoàng đế ngồi trên một ngàn ngai vàng trong một ngàn đế quốc. . . Trong khổ hình của cái chết ấy, Ngài có quyền năng hơn một ngàn tướng lãnh trong một ngàn cuộc chiến tranh. . . Với xót xa của mình, Ngài vui sướng hơn mùa xuân và các đóa hoa của nó. . . Với đau khổ của mình, Ngài thinh lặng dũng cảm hơn các thiên thần đang khóc lóc trên trời. . . Trước kẻ đánh đập mình, Ngài vững vàng hơn núi đá. . . Vòng gai nhọn của Ngài sáng chói và siêu phàm hơn vương miện của Bhram. . . Những cây đinh xuyên qua bàn tay Ngài đẹp đẽ hơn quyền trượng của Jupiter. . . Những đốm máu rơi vãi trên bàn chân Ngài rực rỡ hơn chuỗi hạt trên cổ Ishtar. . . Xin tha thứ cho những kẻ nhu nhược than khóc Ngài hôm nay vì họ không biết khóc than cho chính họ. . . Xin tha thứ cho họ vì họ không biết rằng Ngài đã chinh phục sự chết và tuôn sự sống xuống trên kẻ chết. . . Xin tha thứ cho họ vì họ không biết rằng sức mạnh của Ngài vẫn đang chờ họ. . . Xin tha thứ cho họ vì họ không biết rằng mọi ngày đều là ngày của Ngài. . . |