Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

CHUYỆN LỊCH SỰ Ở PHÁP



Bích Xuân

Tại các quốc gia văn văn minh, khi hỏi về chuyện tiền bạc, lương bổng của ai đó là một chuyện thiếu lịch sự. Riêng tại Pháp, đề cập đến vấn đề này không chỉ là một chuyện thiếu lịch sự mà là một điều cấm kỵ. Nó cũng gây khó chịu khi ông tây, bà đầm nhìn người khách mời họ dùng cơm trong một nhà hàng, xong bữa người khách lấy xấp tiền trong túi, liếm ngón tay đếm loạch xoạch những tờ giấy bạc trước mặt họ. Thường thì người Pháp trả thẻ tín dụng, hơn là trả tiền mặt hay ngân phiếu để người được mời khỏi thấy giá tiền.
Chuyện ông tây, bà đầm…“lịch sự”, người trẻ bây giờ đôi khi “ba gai” đừng nói chi lịch sự. Một chị đẩy chiếc xe trong chợ, vô tình đụng vào chân một ông tây không nghe ông tây nói gì, chị làm… lơ và bỏ đi . Đi được vài bước, chị nghe người bị chị quẹt xe vào chân vói theo: “Ê, ô ! xin lỗi nghen …” Ngược đời là người bị hại lại đi xin lỗi người gây lỗi. Nhưng bạn đừng vội mừng: đó là cách mắng khéo của họ.
Hôm nay, xin nói vài nét nét sinh hoạt của người Pháp mà trong đó lịch sự là một văn hoá cần thiết trong đời sống hằng ngày của họ. Khác với người Mỹ, tự nhiên, xề xòa trong vấn đề ăn mặc. Ngược với người Âu châu còn mang nặng cái vỏ bề ngòai và lời nói họ giữ kẽ nhiều hơn. Sau bộ áo quần lịch sự, tiếp đến là cử chỉ, cách ăn uống, đứng, ngồi…Qua những cử chỉ đó, người ta đánh giá về họ là người có giáo dục có văn hoá hay không. Sự đánh giá này không liên quan đến đẳng cấp xã hội của người đó. Lịch sự, tế nhị và cử chỉ nhẹ nhàng, thoải mái, đều được biểu hiệu một cách tự nhiên. Điều đó không có ranh giới, đó là một ngôn ngữ của quốc tế.
Trong cách ăn mặc, đàn ông Pháp, có chức vụ trong công sở, họ thường mặc những bộ veste màu sẫm, hoặc đen, không mặc những bộ veste màu mè. Đàn bà thì mặc những kiểu tailleur cổ điển, nhưng nhìn sang trọng.
Còn cách xưng hô của ông tây, bà đầm lúc mới quen thì sao ? Theo thông lệ, họ chỉ chào ông hay chào bà, hoặc cô chứ không thêm tên người khách vào, và ông tây, bà đầm cũng không bao giờ kêu tên với chức vụ của người khách, trừ trường hợp người đó có chức vụ lớn như: Giám đốc, bộ trưởng, trung tá, đại tá …Khác vơi người Mỹ, mới quen là họ kêu tên liền, chẳng hạn: Robert kêu tắt là Bob để tỏ sự thân mật, nên người Mỹ dễ gây được cảm tình.
Hình ảnh đầu tiên khi người Âu châu đặt chân tới nước Mỹ, họ rất ngạc nhiên về những hoạt động không ngừng nghỉ của người Mỹ. Đây là sức mạnh tinh thần của những người đã và có vẻ như còn đang khai phá tiềm năng ở vùng đất mới này. Người Âu châu, khi nhìn những bước đi của những người đàn ông, đàn bà trên nước Mỹ, những bước đi của họ rất mạnh, rất chắc chắn, tự tin...Bắt đầu từ sáng sớm, họ đã họat động tới buổi chiều mà sự họat động của họ hình như không bao giờ ngừng. Trong khi đó, anh tây, chị đầm tà tà, làm ít mà muốn nghỉ nhiều, hưởng nhiều (5 tuần lễ nghỉ hè) và 11 ngày lễ.
Sau giờ làm việc, họ không nghĩ gì ngoài việc hưởng thụ. Họ không lo gì đến ngày mai. Vì sao ? Vì nhờ công việc làm của họ được bảo đảm. Một khi đã ký hợp đồng làm việc dài hạn là không sợ mất việc. Chủ không có quyền đuổi, trừ trương hợp hãng bị phá sản. Cuối tháng họ nhận tiền, ví dụ lãnh được 2500 euro thì bị trừ ngay 500 về các loại bảo hiểm, bệnh tật, đau ốm v.v… Đến cuối năm, đóng thêm cho chính phủ một loại thuế lợi tức nữa là xong, (trả thuế bằng một tháng luơng). Nên, cuộc đời công nhân của anh tây, chị đầm ở Pháp cứ lè phè cánh nhạn. Họ không “bôn ba” mà có muốn “bon chen” cũng không có điều kiện, vì hãng xưởng không cho làm thêm giờ phụ trội. Luật ở Pháp, các cửa tiệm cấm mở cửa ngày chủ nhật. Còn bà đầm, đi làm việc trong công sở, có hợp đồng, khi có bầu, được nghỉ 2 tháng rưỡi, nghỉ ngơi trước khi sanh con, nghỉ vẫn nhận đủ số lương như đi làm.
Trở lại sinh hoạt thường nhật, có lẽ bạn thường thấy ngoài đời hay trên phim ảnh cảnh ông tây hôn tay bà đầm (tục lệ xưa của Pháp có từ thời trung cổ). Người ta nói, kiểu hôn này quá lỗi thời rồi. Nhưng có một số không cho là lỗi thời mà cho là một cái gì quí phái để tỏ sự tôn trọng, và thêm vào đó là sự…nịnh đầm. Nhưng khi muốn nịnh đầm, bằng cách hôn tay qúi bà thì phải…hôn cho đúng, nếu không sẽ làm trò cười cho thiên hạ. Khi bà đầm đưa bàn tay, bạn không được vồ vập nắm lấy bàn tay, cổ tay càng không. Bạn chỉ được nâng nhẹ trên những đầu ngón tay, hơi nghiêng người phía trước rồi phôn phớt nhẹ trên bàn tay của người phụ nữ (nhưng là hôn gió, tức không chạm môi vào long bàn tay). Hồi xưa, cách hôn tay này được nhà trường dạy học sinh từ lúc nhỏ. (hôn tay là cử chỉ lịch sự của giới quí tộc). Người ta không bao giờ hôn tay ngòai đường, và ở nơi công cộng. Hôn tay này còn lại trong những buổi tiệc lớn, chiếu trên đài truyền hình TF1. Cựu Tổng thống Chirac đã lịch sự, nghiêng người hôn tay bà thủ tướng nước Đức trịnh trọng và điệu nghệ.
Đàn ông cũng có thể hôn tay người nữ chủ nhà, và những người phụ nữ khác trong phòng khách, với điều kiện chỉ vài người thôi. Nhưng đối với cô gái trẻ chưa chồng thì ông tây không bao giờ hôn tay.
Rồi đến chuyện mấy ông Tây, bà đầm có thói tặng hoa. Hoa được tặng cho ngày sinh nhật, ngày tình nhân, ngày cưới. Hoa hiện diện trong ngày đoàn tụ gia đình, hoa cũng có trong ngày tảo mộ, ngày tang …là đề tài quà cáp. Bà đầm, thường hay gởi một bó hoa để thể hiện tình cảm, tỏ lòng biết ơn, lòng quí trọng… Vì hoa luôn luôn thích hợp cho mọi hòan cảnh. Nhưng coi chừng ! Tặng hoa thì phải tôn trọng vài qui luật về hoa. Bà đầm thì không bao giờ tặng hoa cho ông tây, trừ trường hợp người đó là một ông tây…già. Muốn cho chắc ăn, khi mua hoa bà đầm phải nói rõ cho người bán biết ý nghĩa của sự tặng hoa. Người bán sẽ chọn hoa dùm. Đừng thấy bó hoa tươi đẹp mà ham, tự ý chọn mà nhầm, biết đâu trong bó hoa có loại hoa marguerite, sẽ làm người nhận sững sốt, vì hoa marguerite có nghĩa là…chia tay, tạm biệt.
Tặng hoa chị chủ nhà vào buổi cơm chiều mà có loại hoa oeillets và chrysanthèmes thì thật là…nguy hiểm, vì loại hoa này chỉ dành tặng cho người dưới… âm phủ thôi ! Tặng hoa có mùi thơm cho người bệnh, nhà thương ở Pháp không cho mang hoa vào phòng, sẽ làm người bệnh dị ứng phấn hoa. Tốt hơn là chờ người bệnh về nhà rồi sẽ tặng hoa. Người nhà đem hoa để ngay vào bình, chứng tỏ biết tôn trọng. Còn ông tây mang hoa đến nhà, không bao giờ để danh thiếp trên bó hoa. Ngược lại, trong các buổi tiệc lớn như khai trương tiệm mới, buổi tiếp tân… thì ông tây mới kèm theo tấm danh thiếp, để người nhận biết tên người gởi.
Có một vài nguyên tắc nho nhỏ mà có lẽ bạn đọc đã biết : tỉ như hoa hồng đỏ, tượng trưng cho sự cuồng nhiệt, đam mê. Phái nam dù trẻ, dù già tặng hoa này cho các chị thì coi như đầy đủ ý nghĩa. Nhưng luôn luôn tặng hoa hồng lẻ, một, hay ba, năm, hoặc bảy…Nhưng nên nhớ loại hoa hồng này chỉ tặng cho người độc thân thôi. Muốn galant mà tim không đập mạnh thì có loại hoa orchidées, lúc nào cũng là một loại hoa quí, đặc biệt cho sự tôn trọng, tặng cho bất cứ ai cũng được. Lọai hoa này khá đắt, có thể làm thủng túi những chàng quá hăng say trong việc galant.

Quan sát người tây đi ngoài đường, bạn có thể để ý ,ông tây luôn luôn đi bên tay trái của đầm, tay mặt sẵn sàng để bảo vệ bà đầm (hay là ôm eo bà đầm). Lên thang lầu thì luôn luôn nhường phụ nữ đi trước, ông tây đi sau ( em ngã, anh nâng).
Đó là những ngày họ vui vẻ trên…cõi trần. Nếu có một ngày nào đó, ông chồng đi lên “cõi trên” trước, thì phụ nữ chỉ được mặc áo quần màu đen, hoặc trắng nhằm báo tang trong 18 tháng. Ngược lại, người chồng chỉ để tang vợ 12 tháng thôi. Nhưng để tang 12 tháng là theo tục lệ thôi, vì trên thực tế người đàn ông có quyền lấy vợ sau khi vợ mất 6 tháng. Do vậy, dù có vợ mới người đàn ông tiếp tục để tang 6 tháng nữa. Còn bà đầm muốn lấy chồng thì phải chờ trên 1 năm. Trong thời gian còn để tang, ngoài những ngày đầu mặc đồ tang trắng, hoặc đen, họ có thể mặc áo quần màu xám, có miếng vải đen ghim trên áo. Tránh những bộ quần áo tươi rói hoặc sặc sỡ. Khi còn tang họ không đi dự tiệc vui, sinh nhật, đám cưới… Sau này, tục lệ này, đã giảm đi rất nhiều. Khi con gái khi lấy chồng Pháp, tên họ của mình sẽ mất, thay vào tên họ chồng. Nếu chồng chết, tên họ của chồng dính suốt đời, trừ khi ly dị, nếu không xin phép toà thì vẫn mang họ của chồng. Cũng có người ly dị rồi mé còn …thương chỗng cũ nên vẫn để họ chồng, khi nào có khác xin tòa xóa bỏ, để thay họ chồng mới vào.
Nói chuyện về dân Pháp, mà không nói đến những người thuộc dòng dõi quí tộc là vô cùng thiếu sót. Vì những người này đã từng có chức hiệu: Quận chúa, quận công, bá tước…(dòng dõi quí tộc cha truyền con nối này đã có từ thời trung cổ của Pháp). Cũng còn đám quí tộc khác vào thời đại Napoléon, và một số quí tộc khác do những triều đình Âu châu, hay do đức giáo hòang ban chức cho họ. Vào năm 1975, chính phủ đã ra chỉ thị cho những người thuộc dòng dõi quí tộc: không được giới thiệu bằng danh xưng qúi tộc, và trong những buổi tiệc tiếp tân lớn: Không được gọi bá tước này, hay quận công nọ….(đúng là một xã hội dân chủ). Luật đã cấm, nhưng xã hội vẫn tôn trọng những người thuộc dòng qúi tộc này. Tất cả đám quí tộc đã được ghi vào sổ “trước bạ” (như một sổ gia phả). sổ này, được chính phủ thường xuyên kiểm sóat. Riêng về các người con nuôi của bá tước, có tên trong gia phả quí tộc, nhưng không được gọi danh xưng là quí tộc, vẫn là người dân thường. Một số dòng dõi quí tộc thời xưa còn lại, bây giờ họ sống rất giản dị, nhưng vẫn luôn luôn giữ phong cách lịch lãm của dòng quí tộc.
Viết về chuyện nước Pháp, phong cách của người Pháp còn dài dài. Hẹn tiếp thư sau, vì người viết đang…mơ đi dạo trong một toà lâu đài lộng lẫy khi thời tiết đang bước vào xuân, một màu xanh trải dài ngút mắt đầy nắng vàng dịu êm tươi mát.
Chút hương xưa như trở lại với mọi người trong mùa xuân mơ ước. Chúc độc giả một mùa xuân thật đẹp, và hạnh phúc đến từng mỗi ngày ngày.