Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

QUYỀN PHỤ NỮ



Hillary Clinton
Nguyễn Thanh Phong dịch
Trích tạp chí Phía Trước

Chúng ta phải hiểu rằng không có một công thức chung nào cho số phận tất cả những người phụ nữ. Đó là lí do tại sao những sự lựa chọn của họ phải được tôn trọng. Mỗi người phụ nữ có quyền hưởng những thứ mà Chúa đã ban cho họ. Và chúng ta cũng phải hiểu rằng phụ nữ sẽ không bao giờ giành được trọn vẹn phẩm giá cho đến khi quyền con người được tôn trọng và bảo vệ. – Hillary Clinton

Kính thưa bà Mongella, thư ký Kittani. Kính thưa các vị khách quý cùng toàn thể những người họp mặt trong ngày hôm nay.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn của tôi tới tổng thư kí Liên Hợp Quốc đã cho tôi một cơ hội tham gia diễn đàn phụ nữ quốc tế lần thứ tư của các quốc gia trên thế giới. Đây thực sự là một sự tôn vinh, một sự tôn vinh cho những đóng góp của người phụ nữ trong mọi mặt của đời sống: trong gia đình, trong công việc, trong cộng đồng với tư cách là những người mẹ, người vợ, người con trong gia đình, với tư cách là người lao động, người công dân hay lãnh đạo trong một xã hội.
Đây cũng là dịp để tất cả chúng ta có thể đến với nhau, như những người phụ nữ của một quốc gia. Chúng ta sống cùng nhau trên những cánh đồng hay trong các nhà máy, trong các phiên chợ nhỏ hay các siêu thị lớn. Bất kể chúng ta đang làm việc gì, dù là đang nô đùa cùng trẻ thơ, giặt giũ bên các bờ sông hay làm việc trong các công sở, những người phụ nữ chúng ta đều chia sẻ một khát vọng và nỗi lo lắng chung về gia đình và con cái. Sẽ có sự khác biệt giữa người này và người kia nhưng sẽ có nhiều nhân tố đoàn kết hơn là chia rẽ những người phụ nữ. Chúng ta chia sẻ chung một tương lai, và chúng ta có mặt ngày hôm nay ở đây để tìm một tiếng nói chung, để giúp mang lại phẩm giá và sự tôn trọng cho những người phụ nữ cũng như các em gái trên toàn thế giới. Bằng cách đó, chúng ta cũng đem lại sức mạnh và sự ổn định cho các gia đình.
Tại Bắc Kinh ngày hôm nay, chúng ta tập trung vào những vấn đề liên quan tới đời sống của những người phụ nữ và gia đình họ: cơ hội tiếp cận với giáo dục, y tế, việc làm, với những quyền lợi căn bản hợp pháp của một con người và quyền được tham gia vào đời sống chính trị của nước mình.
Sẽ có người đặt câu hỏi tại sao, đâu là lí do để tổ chức hội nghị này. Hãy để họ lắng nghe tiếng nói của những người phụ nữ trong các ngôi nhà hay trong các chỗ làm việc. Sẽ có người băn khoăn liệu cuộc sống của phụ nữ thì có ảnh hưởng gì tới kinh tế hay cuộc sống chính trị trên thế giới. Hãy để họ nhìn những người phụ nữ có mặt ở đây và ở Huairou – những người xây tổ ấm, những bác sĩ luật sư, chính trị gia hay các nữ doanh nhân. Chính những hội nghị như thế này để các chính phủ và mọi người khắp mọi nơi có thể lắng nghe, nhìn nhận và đối mặt với những vấn đề cấp bách nhất của thế giới. Không phải chính một hội nghị thế giới về quyền phụ nữ ở Nairobi 10 năm về trước đã khiến thế giới phải quan tâm hơn về tình trạng bạo lực gia đình hay sao?

Ngay sáng nay, tôi có dịp tham gia diễn đàn của tổ chức y tế thế giới, nơi các quan chức chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và mọi người dân có thể họp lại với nhau để bàn về biện pháp cho sức khỏe của người phụ nữ. Ngày mai tôi sẽ tham dự quỹ phát triển cho phụ nữ của Liên Hợp Quốc. Buổi thảo luận sẽ tập trung vào những chương trình hành động để giúp những người phụ nữ có thể tiếp cận với các nguồn tín dụng và từ đó cải thiện đời sống của họ.
Chúng ta biết rằng nếu những người phụ nữ được hưởng chế độ y tế và giáo dục tốt, không phải chịu đựng sự bạo lực, gia đình họ sẽ sung túc. Nếu những người phụ nữ có cơ hội làm việc và trả lương như những đồng nghiệp khác, gia đình họ sẽ sung túc. Và khi các gia đình đều sung túc thì cả cộng đồng và quốc gia sẽ thịnh vượng. Đó là lí do tại sao mọi người phụ nữ, mọi người đàn ông, mọi gia đình và mọi quốc gia đều có quyền lợi trong cuộc hội thảo ngày hôm nay.
Trong suốt 25 năm qua, tôi đã làm việc trên các vấn đề liên quan đến phụ nữ, gia đình và trẻ em. Trong suốt 25 năm qua, tôi đã có cơ hội nhìn thấy những thách thức mà người phụ nữ đang phải đối mặt trên chính đất nước của tôi và trên toàn thế giới.
Tôi đã gặp những người phụ nữ ở Jakarta, Indonesia, những người đã tụ họp cùng nhau trong các ngôi làng để bàn về vấn đề dinh dưỡng, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc trẻ em. Tôi đã gặp những người cha, người mẹ Đan Mạch nói chuyện với nhau một cách vui sướng khi biết con cái họ đang được chăm sóc trong một môi trường an lành. Tôi đã gặp những người phụ nữ Nam Phi, những người đã đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa A-pác-thai và giờ đây đang xây dựng một nền dân chủ mới. Tôi đã gặp những người phụ nữ ở Ấn Độ, Băng-la-đét, những người đã phải đi vay các khoản nợ để có thể mua sữa, bánh mì và các vật dụng khác cho gia đình họ. Tôi đã gặp những bác sĩ và y tá ở Be-la-rút và U-krai-na nỗ lực hết mình để cứu những đứa trẻ còn sống sót sau thảm họa Chec-nô-bin.
Thách thức lớn lao của diễn đàn này là làm sao trao tiếng nói cho phụ nữ khắp nơi, những người mà kinh nghiệm của họ không được ghi nhận và lời nói không được lắng nghe. Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Họ cũng chiếm tới 70% thế giới người nghèo và hai phần ba trong số đó không biết đọc và viết. Phụ nữ cũng là người chăm sóc chính cho những đứa trẻ và người già. Thế nhưng, rất nhiều việc việc làm của họ không được đánh giá đúng mức, không phải chỉ bởi những nhà kinh tế, những sử gia mà bởi chính các nhà lãnh đạo của các chính phủ.
Ngay trong chính lúc này đây, những người phụ nữ trên toàn thế giới đang chết dần vì bệnh tật hoặc bị phân biệt đối xử. Họ phải nhìn những đứa con của họ trong tình trạng suy dinh dưỡng vì nghèo đói và suy kiệt kinh tế. Họ đang bị tước quyền đưa con trẻ tới trường vì sự trưởng giả trong gia đình. Họ đang bị cưỡng ép vào các nhà chứa, bị gạt ra khỏi các văn phòng làm việc và bị ngăn cấm đi bỏ phiếu. Tất cả chúng ta ngồi đây đều có trách nhiệm cất lên tiếng nói cho những người không có điều kiện làm điều đó.
Là một người Mĩ, tôi muốn nói lên tiếng nói cho những người phụ nữ trên đất nước tôi, những người phụ nữ đang nuôi dạy con trẻ với những đồng lương ít ỏi, những người không thể trang trải các dịch vụ y tế, những con người đang là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tôi muốn nói cho những người mẹ đang đấu tranh để có những ngôi trường an toàn, cho những y tá, thư kí khách sạn làm việc trong những ca đêm để họ có thể có thời gian chơi đùa với con cái. Tôi muốn nói cho những bé gái đã bị tước đoạt quyền đến trường, quyền được gặp bác sĩ, những người phụ nữ bị tước đoạt quyền sở hữu cá nhân hay quyền được quyết định số phận của mình mà lí do đơn giản chỉ vì họ là phụ nữ.
Chúng ta phải hiểu rằng không có một công thức chung nào cho số phận tất cả những người phụ nữ. Đó là lí do tại sao những sự lựa chọn của họ phải được tôn trọng. Mỗi người phụ nữ có quyền hưởng những thứ mà Chúa đã ban cho họ. Và chúng ta cũng phải hiểu rằng phụ nữ sẽ không bao giờ giành được trọn vẹn phẩm giá cho đến khi quyền con người được tôn trọng và bảo vệ.
Mục tiêu của cuộc hội thảo ngày hôm nay là củng cố sức mạnh gia đình bằng cách trao cho phụ nữ quyền tự quyết định số phận của họ. Quyền đó chỉ có thể đạt được khi chính phủ các nước trên thế giới phải nhận trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Cộng đồng quốc tế gần đây đã công nhận ở Viên rằng cả đàn ông và phụ nữ đều có quyền được bảo vệ và tự do cá nhân. Không ai có thể giữ mãi sự im lặng chỉ vì nỗi sợ tôn giáo, đàn áp chính trị hay tra tấn. Một điều bi kịch là phụ nữ lại là những người phải chịu những sự vi phạm nhân quyền nhiều nhất trên thế giới. Ngay trong thế kỉ 20, tình trạng hãm hiếp phụ nữ vẫn đang được sử dụng như một công cụ của các cuộc chiến.
Phụ nữ và trẻ em vẫn chiếm phần lớn trong các trại tị nạn. Khi những người phụ nữ bị tước đoạt quyền tham gia chính trị, họ trở nên yếu đuối hơn trước những hành động bạo hạnh. Tôi tin tưởng rằng, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỉ mới, đã đến lúc chúng ta phải phá vỡ sự im lặng. Đã đến lúc để chúng ta nói tại đây, Bắc Kinh, để toàn bộ thế giới phải lắng nghe tiếng nói của chúng ta rằng: đấy là điều hoàn toàn không thể chấp nhận khi tách rời các quyền phụ nữ khỏi các quyền con người. Sự ngược đãi với phụ nữ vẫn tiếp tục diễn ra vì trong một thời gian quá dài, lịch sử của những người phụ nữ là lịch sử của sự câm lặng. Và kể cả ngày hôm nay, vẫn có người muốn đàn áp tiếng nói của chúng ta.
Tiếng nói của hội nghị này và hội nghị tại Huairou phải được vang lên dõng dạc và rõ ràng. Đó là sự vi phạm quyền con người khi những đứa trẻ bị bỏ đói, bị bóp ngạt tới chết bởi sự phân biệt giới tính. Đó là sự vi phạm quyền con người khi các bé gái bị đem bán làm nô lệ tình dục. Đó là sự vi phạm quyền con người khi phụ nữ bị ngạt trong khí ga, bị thiêu sống vì của hồi môn của họ quá ít ỏi. Đó là sự vi phạm quyền con người khi phụ nữ bị hãm hiếp trong cộng đồng và khi hàng ngàn thân phận của phụ nữ bị đem ra trao đổi như một chiến thuật hay phần thưởng của chiến tranh. Đó là sự vi phạm của quyền con người khi nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết của phụ nữ trong độ tuổi 14 đến 44 là bạo lực gia đình. Đó là sự vi phạm quyền con người khi phụ nữ bị tước bỏ quyền được lên kế hoạch cho gia đình họ.
Nếu có một thông điệp vang đi từ hội nghị này, thông điệp đó sẽ là: quyền con người là quyền phụ nữ và quyền phụ nữ là quyền con người. Và chúng ta cũng nên nhớ rằng trong những quyền đó có quyền được nói một cách tự do và quyền được lắng nghe.
Phụ nữ phải được quyền tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội và chính trị của đất nước họ nếu như chúng ta vẫn muốn sự tự do và dân chủ tiếp tục được duy trì và phát triển. Không có một lời nào có thể bào chữa được cho việc phụ nữ của các tổ chức phi chính phủ đã bị ngăn cấm tới dự hội nghị này. Hãy để tôi nói rõ rằng sự tự do bao gồm quyền tụ họp lập nhóm và tranh luận một cách cởi mở. Quyền đó cũng có nghĩa là sự tôn trọng với những người bất đồng chính kiến với chính phủ. Quyền đó chống lại việc bắt giữ, bỏ tù, phân biệt đối với những công dân của một đất nước hay tước bỏ sự tự do chỉ vì thái độ ôn hòa trong cách thể hiện suy nghĩ và ý kiến của họ.
Trên đất nước của chúng tôi, người Mĩ vừa kỉ niệm 75 năm ngày phụ nữ được quyền đi bỏ phiếu và cũng phải 150 năm sau ngày độc lập, phụ nữ mới giành được quyền đi bầu của họ.
Cũng phải mất tới 72 năm đấu tranh, những người phụ nữ và đàn ông dũng cảm mới giành được quyền này. Bầu cử cho phụ nữ đã từng là một trong những cuộc chiến ý thức chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mĩ. Nhưng đó là một cuộc chiến không đổ máu. Những người phụ nữ đã giành được quyền của họ mà không phải là nạn nhân của những nòng súng.
Chúng ta cũng đã gợi nhắc lại trong ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít tuần trước rằng những người phụ nữ cũng đóng góp rất nhiều công sức trong cuộc chiến chống lại các thế lực độc tài và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta cũng nhìn thấy rằng trong suốt nửa thế kỉ qua, chúng ta đã ngăn chặn được một cuộc thế chiến nữa xảy ra. Nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết được những vấn đề tồn tại dai dẳng đã làm hạn chế tiềm năng của một nửa dân số thế giới.
Bây giờ chính là thời điểm để chúng ta hành động cho những người phụ nữ ở khắp mọi nơi. Nếu chúng ta bước những bước đi mạnh mẽ cho một cuộc sống tốt đẹp hơn của những người phụ nữ, chúng ta đang xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ và những gia đình.
Những người mẹ, người vợ vẫn là những người xây tổ ấm, vẫn là những người vun đắp cuộc sống tình cảm cho cả gia đình. Nhưng khi sự phân biệt đối xử và bất công vẫn còn tiếp diễn trên toàn thế giới, khi người bé gái trong gia đình bị đánh giá thấp, bị bắt làm việc quá sức, không được tới trường hay là nạn nhân của sự bạo hành gia đình, thì tiềm năng của gia đình nhân loại trong việc kiến tạo một thế giới hoà bình và thịnh vượng sẽ không bao giờ được nhận thức rõ.
Hãy lấy hội nghị này để chúng ta và toàn thể thế giới đứng lên hành động.
Hãy quan tâm lấy những lời kêu gọi của những người phụ nữ để chúng ta có thể tạo nên một thế giới mà ai cũng có thể được quyền đối xử bình đẳng như nhau, để bất kì bé trai hay bé gái nào cũng được yêu thương và chăm sóc như nhau, để mọi gia đình có một niềm hi vọng về một tương lai ổn định và bền vững.
Cám ơn tất cả các quý vị rất nhiều. Chúa sẽ phù hộ cho tất cả chúng ta.

____

1. Bài phát biểu của bà Hillary Clinton tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 của Liên Hợp Quốc, ngày 5 tháng 9 năm 1995, Bắc Kinh, Trung Quốc.