Vũ Quần Phương
Kiếm tiền đã khó, tiêu tiền còn khó hơn. Kiếm tiền thuộc tài năng kinh tế. Tiêu tiền thuộc trình độ văn hoá.
Nước ta còn nghèo. Dù đời sống có khá hơn thời bao cấp nhiều lắm nhưng mới chỉ khá trên cái váng mỏng của thành phố. Còn số đông bà con lao động cơ bắp ở nông thôn, ở miền núi, miền biển... vẫn cực nhọc lắm. Cứ xem sự phát triển thể chất (chiều cao, cân nặng) và việc học hành của trẻ con các nơi đó thì rõ. Chưa thể nhẹ lòng, vung tay quá trán mà ăn tiêu được. Mỗi cá nhân, mỗi bộ ngành cần có cách tiêu tiền thông minh, có hiệu quả mới có thể cải thiện cuộc sống con người trên đất nước này.
Chỉ xin kể làm ví dụ vài cách tiêu tiền rất ít hiệu quả nhưng đã thành một thứ tất yếu đương nhiên. Thậm chí còn kiêu hãnh mỗi khi kể ra giá trị của chi phí.
Thí dụ 1: xin được nói một kiểu tiêu tiền cho khoa học mà lại rất không khoa học. Ấy là việc đầu tư mỗi năm hàng trăm hàng nghìn tỷ cho cái gọi là nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ... Xin giới hạn trong phạm vi khoa học xã hội nhân văn là vùng chúng tôi có thông tin. Chỉ tính trong hai chục năm gần đây đã thấy hàng núi tiền đổ vào mà ích lợi của các công trình nghiên cứu ấy lại hiếm thấy hiện ra trong cuộc sống. Có thể có những đề tài phù phiếm. Nhưng không lẽ là phù phiếm cả. Hay do nghiên cứu chưa đủ sâu, ít phát hiện, ít đề xuất. Nhưng có phản biện, có quy trình nghiệm thu. Chưa kể nhiều đề tài còn được thưởng vì xuất sắc. Xuất sắc vì các thành viên hội đồng nghiệm thu cho điểm chín rưỡi, điểm mười. Thế thì do đâu, danh nổi cồn như thế mà thực lại vô tích sự?
Do người nghiệm thu (phản biện) với người nghiên cứu (bảo vệ) là cùng hội cùng thuyền. Hôm nay anh nghiệm thu tôi thì có thể ngày mai tôi lại nghiệm thu anh. Tại sao không đồng tình mà tiêu tiền "chùa".
Ấy chính đồng tiền "đặt hàng" cho nghiên cứu lại không phải do bên nghiệm thu bỏ ra nên không có chuyện của đau con xót. Tiền như chả của ai - của chùa. Mà ta thì hai bên cùng túng, tội gì không "tăng cường đoàn kết" mà tiêu tiền chùa. Vui vẻ cả hai bên lại được tiếng báo cáo lên trên, làm vẻ vang cho ngành cho bộ, còn công trình có ích hay không là việc của... công trình, không cần biết.
Vừa rồi, một ông bạn vốn là giáo sư tiến sĩ gọi điện cho tôi, báo tin: "Nhà nước sắp cấp nhiều trăm tỷ cho các đề tài nghiên cứu, nhiều thứ ất ơ lắm mà thiên hạ cũng bôi được lên thành đề tài để đăng kí xin tiền mà được duyệt. Đã thế, có nghiên cứu gì đâu, vẫn đồng cốt ấy. Cũng chỉ xào xáo cắt dán những thứ đã có đâu đó, rồi chụp lên trang, đóng thành quyển, gửi đi. Rồi viện nghiệm thu cho trường, trường nghiệm thu cho viện. Ai nói, ai phê. Tôi biết, tôi cũng chả nói. Nói rồi mình ở với ai?". Ông bạn nói thật tình, giọng có chút bức xúc nhưng hoàn toàn cam chịu. Nghe mà buồn. Nhưng cái lí nó thế đấy. Làm sao gỡ ra, thành nếp rồi. Người phê phán, thở than cũng đã thành người tòng phạm.
Buồn rồi lại thương. Thương mấy anh chị nghiên cứu thật sự, lầm lụi một mình. Làm xong công trình (nhiều mồ hôi nước mắt lắm), đưa nhà xuất bản. Đợi và mong. Ngày dài tháng rộng trôi đi. Đến khi được xuất bản, chỉ vài đồng nhuận bút còm, dù công trình có giá trị. Giá trị thì được bè bạn hoan hô chứ không "vào" đề tài nghiên cứu cấp nọ cấp kia thì chỉ thế thôi! Làm khoa học mà không biết vểnh tai nghe trống ghi tên kịp thời thì... vứt.
Ước gì trong các đề tài nghiên cứu sắp tới có thêm đề tài về những ứng dụng của các công trình nghiên cứu khoa học và thử tìm cách đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu khoa học. Chắc bên trong cũng lắm điều hay, có khi lại mở ra một cách đặt hàng mới, lợi cả đôi bên mà dân nước được nhờ.
Thí dụ 2: Chúng ta đã qua đại lễ kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Đã là đại lễ thì tiền tiêu phải to. Cần tiêu thì vẫn cứ phải tiêu. Nhưng tiêu tiền dân thì cũng phải mang lợi ích gì cho dân cho nước. Không thể hoắng lên vì các thứ danh nghĩa thắng lợi tinh thần. Đã có lần chuẩn bị cho một giải thể thao khu vực, dân ta đã vội vã xây dựng, gần như bằng bất kỳ giá nào để kịp có các sân vận động, các nhà thi đấu "hoành tráng", ngang tầm thiên hạ (!). Kết quả: nhiều công trình mới dùng đã hỏng hoặc thất cách. Thiên hạ khen ta đến đâu chưa biết nhưng hậu quả cuối cùng là anh dân phải chịu, là Nhà nước lại tận thu, là giảm phúc lợi xã hội. Mất cả hào hứng với mấy cái huy chương đồng, huy chương bạc. Vài năm sau, một nước khác đăng cai, họ chuẩn bị bình thường, vừa với kinh tế của họ, không phải nhịn miệng thết khách, lại hoá ra tác phong người lớn.
Đại lễ nghìn năm thủ đô của mình, cố nhiên là việc trọng. Nhiều thứ phải tôn tạo, xây dựng, sáng chế, quảng bá... Nhưng có nhất thiết phải thay đi thay lại cái mặt vỉa hè mới lát cách đó vài năm. Xây rồi phá, rồi lại xây, những trang trí lắt nhắt. Chùa đình mấy trăm tuổi chả biết gọi là trùng tu hay xây lại mà biến thành chùa đình một hai tuổi làm mất cả hồn vía thời gian trong di tích, chưa kể còn xấu đi, dối giả. Rồi rồng phượng, đóng khố xăm mình giễu nhại người xưa, phường tuồng hoá các sự tích lịch sử, nghiêm không ra nghiêm, đùa không ra đùa tiêu đi trăm tỷ, nghìn tỷ.
Người không sống trong một ngày, thành phố cũng chẳng cần vinh quang trong một buổi. Mà đã chắc các trò vè đó là vinh quang ư? Vinh quang là nếp sống, mức sống thường ngày của người dân đất kinh kỳ đã có nghìn năm lịch sử ấy bây giờ ra sao. Người ốm trong bệnh viện phải nằm đôi, nằm ba, nằm bốn một giường thì cũng chẳng văn hiến gì. Sao không dùng đồng tiền làm rồng bay phượng múa ấy mà xây thêm buồng bệnh, mua thêm giường nằm, tăng thêm thầy thuốc. Nếu xây hẳn một bệnh viện làm dấu ấn cho lễ kỉ niệm Thăng Long nghìn năm, chắc chắn ấn tượng lưu lại trong lòng dân còn sâu rễ bền gốc hơn nhiều các trò vè xanh đỏ hàng mã một ngày.
Cái bệnh phô trương hình thức ở ta dạo này có cơ phát triển, xu hướng là lấy lượng thay chất. Bánh dày bánh chưng Lang Liêu lấy to làm chuẩn, gạo tấn đỗ tạ, nhưng rồi bánh thiu, bánh sống, thậm chí độn cả tấm xốp vào trong thay cho thực phẩm, người chả dám ăn mà lại đòi dâng "cúng tổ". Khổ các tổ! Con với cháu mất nết. Tiêu tiền như thế là phá gia chi tử, làm xấu hổ gia phong quốc thể chứ hay hớm gì. Phê phán nhẹ nhàng nhất thì cũng phải coi cách hành xử ấy là nông nổi, phù phiếm, đãi bôi.
Nhân đây cũng xin hoan nghênh quyết định của lãnh đạo một tỉnh miền Trung hoãn xây dựng tượng đài tôn vinh Bà mẹ Việt Nam (kinh phí hơn 400 tỷ) khi trẻ em đi học phải bơi, phải đu dây qua sông vì không có tiền xây cầu, học sinh trường nội trú miền núi, hình ảnh đã đưa trên tivi, bữa ăn chỉ có rau đổi món, hôm nay rau muống thì mai rau cải, ngày kia lại rau muống... Tôn vinh các mẹ trong cảnh ấy thì bằng mỉa mai đức tính tần tảo bù trì cho con cho cháu của cuộc đời các mẹ.
Phải đổi cách nghĩ để đổi cách làm. Ở đời, có việc thích thú, có việc cần thiết. Hãy lo việc cần thiết trước. Ca ngợi người quá khứ là cần nhưng cần hơn là làm người đương sống bớt khổ. Sâu sắc hơn thì tiêu tiền sẽ thiết thực hơn.
Theo Sức khỏe & Đời sống