Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

NÉT DUYÊN QUÊ


Tứ Hỷ
Tạp chí Phía Trước, số 5

Từ xưa đến nay, nếu thôn làng Việt Nam vẫn luôn được diễn tả với cây đa, bến nước, con đò, thì cảnh chợ quê, dù đơn sơ với vài dãy lều, hay đôi khi chỉ là một bãi đất trống làm nơi tụ họp, đã gắn bó với cuộc sống của người dân. Đó không chỉ nơi trao đổi, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của họ, mà còn được xem là nét sinh hoạt văn hóa quan trọng, không thể thiếu.
Dân dã và đằm thắm
Nói đến chợ, người ta nghĩ ngay đến chỗ thị phi, đông đúc, ồn ào, kẻ bán người mua. Tuy vậy bức tranh chợ quê luôn êm đềm, dân dã trong hồi ức của những người xa xứ. Thông thường Chợ quê được chia làm hai loại, chợ phiên và chợ hôm. Chợ phiên họp theo một chu kỳ nhất định.
Khi nói chợ họp ngày ba và ngày tám, có nghĩa là phiên chợ họp vào những ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hai mươi ba, hai mươi tám hàng tháng (theo âm lịch). Còn Chợ hôm thì ngày nào cũng họp, người mua người bán chỉ thưa thớt, trao đổi những hàng thiết yếu hàng ngày, hàng tươi sống như rau, hoa quả, dầu, muối, tôm, cá, trứng…
Ở chợ phiên hay chợ hôm, đan xen giữa những chuyện bán mua, người ta tranh thủ hỏi thăm, gặp gỡ, thông báo tin vui, chia sẻ chuyện buồn, học hỏi nhau cách làm ăn, chỉ cho nhau kinh nghiệm trồng cấy… Đó là cái duyên, gần gũi, đầm ấm không thể có nơi chốn thành thị. Dù còn mang nặng tính tự túc, tự cấp nhưng chợ quê không phải vì thế mà đơn điệu, lạc lõng với thế giới bên ngoài. Người mua, kẻ bán, tất thảy đều xởi lởi, vui vẻ, có khi còn đùa tếu pha trò.
Trên những nẻo đường đất mấp mô, tiếng người còn râm ran chào nhau, gọi nhau và hẹn nhau ngày kia phiên chợ, mấy đứa trẻ đi đón quà lẽo đẽo theo sau những bà mẹ tay xách nách mang. Hàng quà bánh cũng rất phong phú với gánh bún riêu cua nóng bỏng, những chiếc bánh rán, bánh khoai thơm phức, nào là hàng bỏng nếp, bỏng ngô giòn tan…
Tùy theo từng vùng, những mặt hàng trao đổi phần lớn là nông sản, đặc sản địa phương nên chợ quê mỗi nơi có những nét riêng, không lẫn vào nhau được. Do tập quán của người Việt từ lâu đời là đi chợ thường xuyên, thậm chí hàng ngày, ăn uống tuy đơn giản nhưng phải tươi sống, nên nơi nào có bãi đất, có vài tán cây cao, có con suối chảy qua và nhất là thuận đường cho người mua bán quanh vùng, là có chợ.
Từ phiên chợ vùng cao…
Chợ ở khắp nơi, chỗ nào có người chỗ đó có họp chợ. Từ miền núi cao hoang vu, giao thông trắc trở cũng có chợ phiên vùng cao, đến vùng sông nước mênh mông sông rạch chằng chịt
không tìm ra nơi hội họp thì đã có chợ nổi. Những loại hình chợ đặc biệt như vậy dù không được họp thường xuyên như ở miền đồng bằng, nơi đất rộng người đông, nhưng chính sự quý hiếm càng làm tăng nét đặc sắc tô điểm thêm cho văn hóa chợ của người Việt.
Ở vùng cao, mỗi lần xuống chợ phải trèo đèo vượt suối băng rừng, có khi mất cả ngày đường. Phiên chợ miền sơn cước bán toàn những sản vật của địa phương.
Với nhiều người chợ phiên cũng là nơi để họ được thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương như : Thắng cố, mèn mén, bánh dầy, uống rượu ngô, thịt gà đen. Nhưng có lẽ khu vực đông nhất chợ là nơi bán quần áo và hàng thổ cẩm.
Vào tới đây như lạc vào một rừng hoa bởi các bộ trang phục đủ sắc màu của các thiếu nữ dân tộc. Các cô gái đến chợ không chỉ để sắm đồ mà còn để khoe những bộ váy áo rực rỡ của mình. Họ cũng muốn trổ tài khéo léo về tài may vá thêu thùa. Còn các chàng trai họ dùng tiếng khèn, tiếng sáo để bày tỏ lòng mình với các cô bạn gái…
Có thể nói chợ phiên vùng cao được thể hiện không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là không gian, là cơ hội để bà con giao lưu tình cảm, để những nam thanh nữ tú có dịp gặp gỡ và tìm hiểu. Chợ đã trở thành nơi hội tụ văn hóa, chốn hò hẹn, nơi gặp gỡ, đã vượt xa cái chức năng mua bán, đổi chác thuần túy.
…đến chợ nổi trên sông
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, người dân quanh năm sử dụng các phương tiên di chuyển trên sông thì chợ nổi là nhu cầu tất yếu. Gọi là chợ nổi vì chợ họp ở trên sông, họp suốt cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất là vào buổi sáng. Giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm chiếc ghe, xuồng của người quanh vùng về tụ tập mua bán.
Thuyền, ghe tấp nập đi lại, luồn lách trên mặt nước. Tiếng chào mời mua bán, tiếng cười nói gọi nhau, tiếng nổ của động cơ… làm vang động cả một vùng, làm cho chợ nổi thật nhộn nhịp và sôi động. Hàng hoá trao đổi, phần lớn là trái cây do các chủ vựa hay thương lái chở ra, nào là chôm chôm, xoài, cam, quít, bưởi, măng cụt, sầu riêng…, còn có sản vật của vùng sông nước kênh rạch như: cá, rùa, rắn, cua, tôm, chim đồng, bông súng, rau tươi… Chủ nhân vài ghe, thuyền treo lủng lẳng một vài thứ trái cây, hàng hoá hay một bảng hiệu trên chiếc sào nơi thuyền của mình, cái cao cái thấp, cái thẳng cái nghiêng trông thật lạ mắt. Các loại hình hàng quán ăn uống, hớt tóc, may vá… cũng diễn ra ngay trên ghe, xuồng, rất tiện dụng và dường như thoả mãn mọi nhu cầu mua sắm, sinh hoạt đời thường của người dân vùng này.
Những phiên chợ từ lâu đã thành chốn mưu sinh của nhiều người dân quê, từ chị bán củi đến cô hàng xáo hay bà bán tôm, bán cá… Họ rất hiếm khi vắng mặt ở những vị trí quen thuộc. Thu nhập trong công việc bán buôn dù chỉ mươi mười lăm ngàn đồng, chủ yếu lấy công làm lời, nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống cho những gia đình khó khăn.
Dần dà, trên bước đường hiện đại hóa, chợ phiên được thay thế bởi những “trung tâm thương mại”, những chợ quê còn lại qua bao năm tháng dấu ấn xưa cũ đã phai bớt, nhưng mãi trong đó, bản sắc dân tộc vẫn duy trì bởi cốt cách thuần hậu của người nông dân đã tạo dựng lên nó…