Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 10

GIÁO PHẬN QUI NHƠN ĐÓN TIẾP ĐOÀN HÀNH HƯƠNG TỪ PHÁP
Chiều ngày 27/09, một đoàn hành hương từ Pháp đã đến thăm giáo phận Qui Nhơn. Đoàn gồm có 23 người được dẫn đầu do Đức Cha André Lacrampe, Tổng Giám Mục giáo phận Besançon, quê hương của thánh tử đạo Stêphanô Cuénot Thể. Cùng tháp tùng Đức Cha có Cha Nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris, G.B. Etcharren, hai linh mục khác và một nhóm giáo dân, trong đó có mấy người cháu của thánh Stêphanô Cuénot Thể. Mục đích của chuyến hành hương là đi thăm những di tích của thánh Stêphanô.
Đoàn được Đức Cha chính Phêrô, Đức Cha phó Matthêô, Cha Hạt Trưởng Bình Định đón tiếp tại phòng khách Tòa Giám Mục vào lúc 4g45’. Sau đó đoàn đến thăm cộng đoàn nhà mẹ Dòng MTG/QN và được Chị Phó Tổng Phụ trách Maria Võ Thị Tuyết cùng với các chị em trong cộng đoàn đón tiếp. Tiếp đến là thánh lễ do Cha G.B. Etcharren chủ sự và giảng lễ bằng tiếng Việt, cùng với Đức Cha A. Lacrampe và hai cha trong đoàn, Đức Cha Matthêô và Cha Hạt trưởng BĐ. Sau thánh lễ, đoàn về nghỉ đêm tại khách sạn. Sáng hôm sau, 28/09, Đức Cha phó và Cha Hạt trưởng BĐ hướng dẫn đoàn đi hành hương Gò Thị, nơi ngày xưa thánh Giám mục Stêphanô đã ở và làm việc trong thời gian rất lâu. Trước hết, đoàn đến viếng đài thánh Stêphanô, nơi ngày xưa ngài đã đặt Tòa Giám mục, rồi trở lại viếng nhà thờ Gò Thị, được cha phó Giuse Nguyễn Đức Minh đón tiếp. Sau đó đoàn di chuyển về đền thánh Stêphanô Vĩnh Thạnh, nơi ngày xưa thánh Stêphanô ẩn nấp và bị bắt. Tại đây, Đức Cha A. Lacrampe chủ sự và giảng lễ bằng tiếng Pháp, cha G.B. Etcharren thông dịch. Trước thánh lễ, cha sở Phaolô Trương Đình Tu có đôi lời chào mừng. Đức Cha phó Matthêô, cha Hạt trưởng BĐ và một số cha cùng đồng tế. Sau thánh lễ, đoàn quay trở về dùng cơm trưa tại Tòa Giám mục Qui Nhơn rồi lên đường đi Ban Mê Thuột.

ĐỨC CHA CHÍNH PHÊRÔ VÀ ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ THAM DỰ ĐẠI HỘI HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM TẠI SÀI GÒN
Sáng Chúa nhật, 03/10, hai Đức Cha đi máy bay vào Sài Gòn. Chiều hôm sau, hai Đức Cha đến Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo phận Sài Gòn để tham dự Đại Hội HĐGMVN lần thứ XI, khai mạc vào chiều 04/10 và bế mạc vào trưa 08/10. Về tham dự Đại hội có tất cả 33 Giám mục của 25 giáo phận và Cha Giám quản của giáo phận Đà Lạt. Chương trình nghị sự đề cập đến nhiều vấn đề của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là Đại Hội Dân Chúa từ ngày 22-25/11/2010 tại Trung tâm mục vụ Sài Gòn và Đại lễ bế mạc Năm Thánh tại Trung tâm hành hương La Vang vào ngày 06/01/2011. Ngoài ra, Đại Hội HĐGM lần này cũng bầu Ban Thường Vụ mới và Chủ tịch các Ủy Ban. Đặc biệt lần này một Ủy Ban mới được thành lập, đó là Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình do Đức Cha phaolô Nguyễn Thái Hợp phụ trách. Đức Cha phó Matthêô được bầu làm Chủ tịch Ủy Ban Nghệ thuật thánh. Đại Hội kết thúc, hai Đức Cha về nghỉ ở Gò Vấp rồi trở về Qui Nhơn bằng máy bay vào sáng thứ hai, 11/10.


HẠT BÌNH ĐỊNH.
- Lễ ban bí tích Thêm Sức tại nhà thờ Huỳnh Kim. Ngày 01/10, lễ kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Bổn mạng của giáo xứ Huỳnh Kim. Nhân dịp này Đức Cha phó Matthêô và các cha đến nhà thờ Huỳnh Kim để hiệp ý với cha sở Giuse Nguyễn Bá Trung và anh chị em giáo dân dâng lễ tạ ơn và cầu nguyện cho giáo xứ, sau hơn một năm giáo xứ được thành lập (23/09/2009). Trong thánh lễ, Đức Cha phó cũng ban phép thêm sức cho 48 em trong giáo xứ. Đây là lễ ban phép thêm sức đầu tiên tại nhà thờ giáo xứ. Sau thánh lễ, Đức Cha và quí cha dùng bữa cơm trưa thân mật với cha sở, đại diện giáo dân và quí khách.
- Lễ Năm Thánh thiếu nhi hạt Bình Định. Ngày 01/10/2010 lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cha hạt trưởng Bình Định Giuse Lê Kim Ánh đã tổ chức lễ năm thánh dành cho thiếu nhi. Có khá đông các em thiếu nhi từ các giáo xứ đã qui tụ về nhà thờ Chính Tòa. Trong bài giảng lễ, cha Phaolô Võ Đình Hoài giúp các em hiểu Lời Chúa và sống đạo đức theo gương thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu theo các “con đường Thơ ấu”. Sau thánh lễ có văn nghệ vui chơi được tổ chức tại nhà sinh họat của Chủng Viện Qui Nhơn. Các em tham dự cũng được cha hạt trưởng lo cho một bữa ăn nhẹ.
- Làm phép nhà thờ Mỹ Ngọc, tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse tại nhà thờ Cù Lâm, giáo xứ Trường Cửu. Ngày 02/10, Đức Cha phó Matthêô đến chủ sự nghi thức làm phép nhà thờ Mỹ Ngọc, tại thôn Ngọc Thạnh, xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn. Mỹ Ngọc là một giáo họ nhỏ thuộc giáo xứ Trường Cửu, gồm có 16 gia đình và hơn 50 giáo dân. Trước đây, nhà thờ bị sập mái, hỏng vách, chỉ còn mặt tiền; khuôn viên bị lấn chiếm nhiều. Ngày 21/06, cha sở Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm đã khởi công xây dựng lại ngôi nhà thờ cho đến ngày 22/08 thì hoàn thành. Nhà nguyện nầy nhỏ hẹp (6x12 mét) nhưng nơi đây trở thành nơi cộng đoàn giáo họ hiệp thông cầu nguyện, để biến cộng đoàn thành ngôi nhà của Thiên Chúa được xây lên từ những viên đá sống động là mỗi người tín hữu. Mặc dù trời mưa, quí cha trong giáo hạt và anh chị em giáo dân trong giáo xứ Trường Cửu đã đến hiệp ý với giáo dân giáo họ Mỹ Ngọc dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho giáo họ.
Sau đó, Đức Cha đến tại nhà thờ Cù Lâm để làm phép tượng Đức Mẹ và thánh Giuse. Được biết trong thời gian xây dựng nhà thờ Mỹ Ngọc, cha sở Vinh Sơn cũng tiến hành xây dựng 3 công trình khác tại nhà thờ Cù Lâm: đó là đài Đức Mẹ, đài thánh Giuse và tường thành xung quanh nhà thờ. Tất cả đều được xây dựng từ những viên đá tự nhiên. Với 3 công trình này, khuôn viên trước mặt tiền nhà thờ trông thật khang trang. Dưới cơn mưa nhẹ, các em thiếu nhi đã dâng lên Mẹ những vũ điệu thật dễ thương. Từ đây anh chị em giáo dân có thể chạy đến cầu nguyện dưới chân tượng Đức Mẹ và thánh Giuse bất cứ lúc nào. Sau nghi thức làm phép, Đức Cha, quí cha và quí khách đã ở lại dùng bữa cơm thân mật với cha sở và cộng đoàn giáo xứ.

HẠT QUẢNG NGÃI.
- Mừng lễ Bổn mạng Micae của giáo họ Phú Long, giáo xứ Phú Hòa. Lần đầu tiên kể từ sau 1975, giáo họ Phú Long mừng lễ bổn mạng giáo họ tại nhà nguyện của mình. Thánh lễ được cử hành lúc 8 giờ sáng do cha sở chủ tế, có cha sở Bàu Gốc cùng đồng tế, với khoảng 100 người tham dự, gồm giáo dân trong giáo họ và đại diện giáo xứ Phú Hòa, cùng với hai nữ tu MTG cộng đoàn Cô nhi Phú Hòa. Nhà nguyện Phú Long cách nhà thờ Phú Hòa 3 km về phía Tây Bắc, được cha sở Khổng Văn Giám xây dựng và khánh thành năm 1963. Sau một thời gian lâu dài bị hoang phế vì hư hại nặng, nhà nguyện đã được cha sở G.B. Đỗ Trung Thanh khởi sự tu bổ và cha sở đương nhiệm Tađêô Lê Văn Ý tiếp tục sửa chữa và hoàn thiện vững chắc. Có 23 gia đình ở chung quanh nhà nguyện, và đều là dòng họ Văn, bà con với cha sở Bàu Gốc; và đây cũng là lần đầu tiên ngài được dâng thánh lễ tại quê nội.

HẠT PHÚ YÊN
- Ngày cử hành Năm Thánh cho thiếu nhi. Được sự chuẩn nhận của Đức Cha Chính giáo phận Qui Nhơn, ngày cử hành Năm Thánh cho thiếu nhi tại giáo hạt được tổ chức vào Chúa Nhật 27 thường niên, tức ngày 3.10.2010, ngày Hội Thánh Việt Nam kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi. Trong dịp đặc biệt nầy, một số đơn vị thiếu nhi trong giáo hạt gồm các giáo xứ Gò Duối, Sông Cầu, Mằng Lăng, Hóc Gáo, Hoa Châu và Tịnh Sơn đã hành hương về Tuy Hoà để cùng với thiếu nhi giáo xứ Tuy Hoà long trọng cử hành Ngày Năm Thánh Thiếu Nhi. Trước 8 giờ sáng, các em đã tập trung đầy đủ tại khuôn viên nhà thờ Tuy Hoà. Sau đó các em được hướng dẫn tập hát cộng đồng và chuẩn bị Phụng vụ. Thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ do cha chính xứ Tuy Hoà kiêm hạt trưởng Phú Yên, Giuse Trương Đình Hiền chủ tế, cùng với hai cha đồng tế: cha sở Hóc Gáo và cha đặc trách cộng đoàn Đồng Công tại Tuy Hoà. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí thánh thiện, trang nghiêm được thể hiện nơi những khuôn mặt tươi vui rạng rỡ hồn nhiên của các em. Các em được lắng nghe Lời Chúa và bài chia sẻ với nội dung quy chiếu về việc cầu nguyện với kinh Mân Côi, một việc đạo đức bình dân nhưng rất cao quý đã đi cùng năm tháng với chuổi dài lịch sử thăng trầm của Hội Thánh. Thánh lễ kết thúc với phép lành hưởng ơn Toàn Xá Năm Thánh. Sau thánh lễ, cha chính xứ Giuse đã ôn tập một số điều giáo lý cơ bản liên quan đến Năm Thánh như một gợi nhớ để các em ý thức và sống Năm Thánh cách phong phú hơn trong những ngày sắp tới. Các đơn vị thiếu nhi ngoài giáo xứ đã được các bà mẹ Công Giáo Tuy Hoà chuẩn bị cho các em một bữa trưa đơn sơ với bún và bánh ướt của thành phố Tuy Hoà. Hy vọng ngày Năm Thánh nầy sẽ mang lại những ơn ích thiêng liêng dồi dào cho các em.
- Giáo xứ Trà Kê. Với bao nỗ lực nhằm vận động sự hổ trợ của các vị ân nhân xa gần, cha sở Trà Kê Phanxicô Phạm Đình Triều đã xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn tất một cơ sở sinh hoạt và tạm đưa vào sử dụng vào ngày lễ Thánh Phanxicô Assidi vừa qua (04/10). Đây là dãy nhà bằng gỗ theo kiến trúc nhà rông của người dân tộc, dài 10m rộng 6m và cao 9m, gồm 3 gian nhà. Trong giáo xứ có khoảng 10 gia đình người dân tộc thuộc xã Sơn Hoà, hằng đêm họ đến nhà thờ để học giáo lý và sinh hoạt chung, nhất là tham dự phụng vụ vào các ngày thứ Bảy và Chúa Nhật.

Với một giáo xứ vừa mới được tái lập cách đây không lâu, cùng với việc đào tạo và củng cố nhân sự, việc tạo dựng những cơ sở vật chất là nền tảng cơ bản để phát triển giáo xứ. Mặc dầu điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng thừa hưởng đức tin vững mạnh và tinh thần gian khổ của cha ông, giáo dân Trà Kê đang ra sức xây dựng một cộng đoàn đoàn kết và yêu thương để trở thành những chứng tá sống động cho anh em lương dân đang sống chung quanh mình.    



Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

GIẢI VĂN THƠ ĐẶNG ĐỨC TUẤN LẦN II

Thể lệ giải Văn Thơ
Linh mục Đặng Đức Tuấn lần thứ hai (2011)
Tiếp tục hưởng ứng chương trình dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với Giáo phận quê hương, phát huy thành quả đã đạt được trong cuộc thi lần thứ nhất, Ban Văn Hóa - Truyền Thông Giáo phận Qui Nhơn tổ chức cuộc thi sáng tác văn thơ năm 2011 mang tên: “Giải Văn Thơ Linh Mục Đặng Đức Tuấn lần thứ 2”.
1. THỂ LỆ
·         Nội dung
-     Chủ đề cuộc thi: “Loan báo Tin Mừng tại giáo xứ em”
-     Đây là dịp để các em nói lên những cảm nhận, suy tư và góp phần vào công cuộc truyền giáo chung của Giáo phận và Giáo xứ.
-     Sống đức tin và làm chứng nhân cho Đức Kitô theo phương cách của riêng mình.
-     Những tấm gương sống đạo chung quanh em.    
·         Hình thức thể hiện:
Bài viết có thể được thể hiện bằng văn xuôi hoặc thơ
-     Văn: Gồm các thể loại: truyện ngắn, tản văn, bút ký… nhưng độ dài không quá 2.500 từ.
-     Thơ: Chấp nhận tất cả các thể thơ truyền thống hay thơ tự do, nhưng độ dài của mỗi bài không quá 24 câu.
·         Đối tượng dự thi:
Cuộc thi chỉ dành cho học sinh giáo lý thuộc Giáo phận Qui Nhơn và được chia thành 2 lứa tuổi (để chấm riêng biệt):
-     Khối Sơ Cấp và Căn Bản
-     Khối Kinh Thánh và Vào Đời
·         Điều kiện bắt buộc:
-     Tác phẩm phải do chính mình sáng tác, không được sao chép, sưu tầm hay nhờ người khác làm giùm. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo và chưa gởi dự thi ở bất cứ đâu.
-     Ban Tổ chức sẽ gởi mẫu giấy thi đến Ban Vận động cuộc thi của giáo xứ (phối hợp từ Ban Giáo lý và Ban Mục vụ Văn hóa). Ban này sẽ photocopy theo nhu cầu của các em và giúp các em viết đúng hướng dẫn. Bài dự thi phải được viết trên giấy này, không nhận bài viết trên các loại giấy khác.
-     Bài dự thi phải chép tay trên giấy mẫu (không đánh máy), viết trên một mặt giấy (không viết cả 2 mặt), trình bày sạch sẽ, rõ ràng. Mỗi trang giấy chỉ được viết một bài, không viết nối nhau nhiều bài trên cùng một trang. Trong trường hợp bài có nhiều trang, phải ghi lại tên bài và đánh số thứ tự trên mỗi đầu trang (không ghi lại tên tác giả).
-     Mỗi người có thể dự thi nhiều bài và gởi nhiều lần ở cả hai loại hình vănthơ. Bài dự thi gởi về cho Ban Vận động của giáo xứ qua các giáo lý viên. Ban Vận động có thể gom bài gởi về cho Ban Tổ chức thành nhiều đợt, miễn là trong thời hạn cuộc thi. Ban Vận động xem xét và chịu trách nhiệm về sự trung thực của các em.
-     Thời hạn nhận bài: Bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 15/11/2010, hạn chót nhận bài là ngày 01/5/2011.
2. GIẢI THƯỞNG
Ở mỗi lứa tuổi và mỗi loại hình (vănthơ) đều có 20 giải thưởng:
           - 01 Giải nhất:                        2.000.000 VNĐ/giải
           - 01 Giải nhì:                          1.500.000 VNĐ/giải
           - 02 Giải ba:                           1.000.000 VNĐ/giải
            - 16 Giải triển vọng:              500.000 VNĐ/giải 
w Ngoài tiền mặt, giấy chứng nhận và quà lưu niệm, những em đoạt giải sẽ được tham gia “Hội trại tập huấn và hành hương” trong dịp lãnh thưởng.
w Trong thời hạn cuộc thi, những bài đạt điểm sơ tuyển sẽ lần lượt được giới thiệu lên blog Hoa Biển của CLB Sáng tác thơ văn Công giáo Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn: http://titocovn.com/blogs/dongxanhthoqn và blog của Ban Truyền Thông Văn Hóa Giáo Phận: http://bttvhqn.blogspot.com
w Các tác phẩm đoạt giải sẽ được tập hợp in thành một tập sách để giới thiệu đến bạn đọc khắp nơi.
3. PHÁT THƯỞNG
w Công bố kết quả cuộc thi và các tác phẩm đoạt giải:  Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ 29/6/2011
w Tổ chức Hội trại và Lễ phát thưởng: Dự kiến 3 ngày: từ  20 – 22/7/2011
Kính mong Quý Cha sở, Quý Ban Văn hóa Giáo xứ và các Giáo lý viên động viên và hướng dẫn các em tích cực tham gia để cuộc thi đạt kết quả tốt đẹp.

Qui Nhơn, ngày 13-10-2010
Ban Mục Vụ Truyền Thông Văn Hóa Giáo Phận Qui Nhơn
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

NHÀ THỜ NĂM THÁNH

Sưu tầm và giới thiệu
BTTVHQN

Nhà Thờ Năm Thánh (Jubilee Church - được xây dựng để kỷ niệm Năm Thánh 2000) ở Roma do kiến trúc sư người Mỹ Richard Meier thiết kế. Hình dáng ba cánh buồm bằng bêtông lớn vươn lên như thẳng tiến về phía trời cao đồng thời cũng hàm ý nói về Chúa Ba Ngôi. Các bức tường và trần bằng kính giữa ba cánh buồm cho ánh sáng lọt vào tạo thành một không gian thánh thiện bên trong và ban đêm ánh sáng từ bên trong hắt ra ngoài đã tạo nên một cảnh quan kỳ ảo. Đây là một quần thể kiến trúc bao gồm nhà thờ và trung tâm cộng đồng nằm ở vùng Tor Tre Teste cách trung tâm Roma 6 dặm về phía Đông và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt tên là Nhà Thờ  Dio Padre Misericordioso” (Chúa Cha thương xót) nhân kỷ niệm 25 năm triều đại của ngài. 









Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

BIẾT

Hà Ly
Xưa & Nay, số 355, tháng Tư 2010, tr. 18-19

Ngày xưa, nếu ai có dịp đến Hy Lạp, ghé thăm nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà triết học Thales thời cổ đại, vẫn còn nhìn thấy câu danh ngôn “nói dài không phải là biểu hiện của trí tuệ” trên tấm bia một của ông. Đâu phải chỉ Thales mới thích ngắn gọn. Thực ra ở đâu và bất cứ lúc nào cũng vậy mà thôi.
Ngày xưa, Lỗ Định Công quan tâm nhiều về việc quốc gia đại sự, nhưng lại không muốn lý thuyết dông dài. Cho nên ông mới hỏi Khổng Tử rằng: “Có hay không chỉ với một câu nói cũng có thể làm cho quốc gia hưng thịnh?”. Khổng Tử đáp: “Khó có một câu nói nào như vậy, nhưng thiên hạ hay nói rằng ‘làm vua rất khó, làm tôi cũng chẳng dễ chút nào’. Nếu nhà vua hiểu được như vậy thì đó chẳng phải là một câu nói có thể làm cho quốc gia hưng thịnh hay sao?”
Định Công lại hỏi: “Có hay không chỉ với một câu nói cũng có thể làm cho quốc gia suy vong?”. Khổng Tử đáp: “Cũng khó có câu nói nào như vậy, nhưng thiên hạ thường nói với nhau rằng ‘nhà vua chỉ có một thú vui, đó là nhà vua nói gì cũng không ai chống lại cả’. Nếu nhà vua nói đúng, không ai dám chống lại thì đó cũng là điều tốt. Nhưng nếu nhà vua nói sai mà cũng không ai dám có ý kiến ngược lại thì đó chẳng phải là chỉ với một câu cũng đủ làm cho quốc gia suy vong sao?” (Luận Ngữ, Tử Lộ)
Chỉ một câu nói thôi nhưng lại bao hàm cả nguyên tắc đạo đức - chính trị quan trọng. Đó là quan hệ tương tác giữa vua và dân, giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Nếu thực hiện tốt điều đó thì quốc gia hưng thịnh, ngược lại thì quốc gia sẽ bị suy vong. Chỉ có vậy thôi!
Nói thì dễ nhưng làm không dễ chút nào. Bởi vì muốn làm thì phải biết, có biết thì mới làm được. Biết quan trọng như vậy cho nên Tôn Trung Sơn đã xem nó như là tiêu chuẩn quan trọng để phân chia lịch sử tiến hoá của nhân loại ra làm ba thời kỳ: Thời kỳ mông muội là thời kỳ mà con người làm mà không biết. Thời kỳ văn minh, là thời kỳ con người làm rồi mới biết. Thời kỳ khoa học, là thòi kỳ con người biết rồi mới làm. (Tôn Văn học thuyết)  
Tôn Trung Sơn khẳng định rằng “việc trong thiên hạ sợ nhất là ở chỗ không biết” (Thiên hạ sự duy hoạn ư bất năng tri nhĩ, Tôn Văn học thuyết).
Chỉ một chữ “biết” thôi cũng đã làm cho Âu Châu từ đêm trường Trung cổ chuyển sang thời kỳ công nghiệp. Cũng vì chưa có chữ “biết” cho nên phương Đông, nói chung, Việt nam nói riêng, chưa thể theo kịp thiên hạ. Truyền thống Việt nam xưa nay luôn đăt đạo đức lên trên trí tuệ, đặt chữ tâm trên chữ tài. Chẳng phải “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” đó sao? Truyền thống phương Tây lại thường đặt chữ tài trên chữ tâm. Nếu không thì làm sao chủ nghĩa lý tính, chủ nghĩa vị lợi lại thịnh hành một thời như vậy? Phương Tây đã đi quá đà về sùng bái lý tính,  sùng bái “biết”, để rồi quay sang hoài nghi cái “biết” của chính mình. Ở Việt nam chưa từng có thời kỳ gọi là Phục Hưng như ở phương Tây, cho nên cái gọi là “biết” hình như vẫn còn đang ngủ quên đâu đó hơi đâu mà sợ quá đà?
Có lẽ cũng không nên tuyết đối hoá cái “tâm” hoặc cái “tài”, cũng không nên đặt cái này trên cái kia làm gì. Đạo đức và trí tuệ tuy không phải là một nhưng lại liên quan với nhau, đó là điều mà ai cũng biết. Trí tuệ mà ông Khổng Tử đề cập đến là trí tuệ phục vụ cho đạo đức. Nói cách khác, trí tuệ là phương tiện, đạo đức mới là mục đích. Nếu đạo đức lại là đạo đức – chính trị thì cái gọi là “trí tuệ” có cũng được mà không cũng chẳng sao. Nếu “biết” chuyển đổi thành “biết điều” thì đúng là “biết điều”. Còn “biết’ mà cứ cậy là “tài” thì “chữ tài liền với chữ tai một vần” âu cũng là điều bình thường!
Chữ “tài” chữ ‘biết” của phương Tây trải qua hàng nghìn năm đấu tranh mới được đặt lại đúng vị trí của nó. Cho nên nó được đánh giá theo tinh thần khoa học thực nghiệm chứ không dựa vào tín điều, không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào số đông hay tổ chức hành chính trên – dưới. Hình như quan niệm cổ truyền “xấu đều hơn tốt lõi”, hay “gọi dạ, bảo vâng” không thích hợp cho lắm với tinh thần của chữ “biết”.
Nếu chỉ một câu cũng có thể làm cho quốc gia hoặc hưng thịnh hoặc suy vong thì với một chữ “biết” cũng có thể làm được điều đó. Đúng là một chữ “biết” nhẹ như lông hồng nhưng cũng nặng tựa nghìn cân!    

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

VÀ ÁNH SÁNG XUẤT HIỆN … BA NGÀY TRƯỚC KHI CÓ MẶT TRỜI

Christian Boyer
Sử gia và chuyên viên Kinh Thánh, Montréal
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Trong trình thuật về sáng tạo trong đoạn đầu sách Khởi Nguyên, ta đọc thấy rằng Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng ngày đầu tiên, trong khi đó các tinh tú như mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được tạo dựng ba ngày sau đó! Cả cỏ cây cũng vậy …vẫn xanh tươi mà không có ánh mặt trời  (Kn 1, 1-19).

            Chắc chắn là không thể hiểu trình thuật sáng tạo theo mặt chữ và Kinh Thánh không có một ý hướng khoa học nào cả. Theo suy luận hiện đại thì trật tự sáng tạo này có vẻ hơi kỳ lạ. Người thời cổ vẫn biết rằng mặt trời là nguồn ánh sáng quan trọng nhất vậy thì tại sao họ thuật lại trong sách Khởi Nguyên rằng nó được sáng tạo ba ngày sau khi có đã có ánh sáng?
             Trong vũ trụ đa thần của vùng Cận Đông cổ, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được xem như các vị thần và có vẻ như là những vị thần quan trọng nhất. Hãy nghĩ đến vị thần Shamash danh tiếng của Babylone, đây là thần mặt trời, thần ánh sáng và công lý. Bản luật Hammourabi, một trong những bản luật cổ xưa nhất, được đặt dưới quyền của ngài; thần Shamash được trình bày đang ngồi trên ngai vàng và đứng trước ngài là vị vua vĩ đại Hammourabi của xứ  Babylone. 
Kudurru (tấm bia), khoảng 1125-1100 av. JC, có lẽ từ miền Bắc Iraq
            phần trên cùng của kudurru, người ta thấy các biểu tượng của thần Istar (ngôi sao tám cạnh), thần Sin (trăng lưỡi liềm) là thần mặt trăng ngự trị thời gian và thần Shamash (mặt trời)
            
Sin, thần mặt trăng, cũng được tôn kính. Một bài thơ của xứ Mésopotamie ca ngợi ngài rằng: “Chính ngài Sin quyết định tất cả, không có ngài thì chẳng ai thay đổi được gì! Ai cao trọng ở trên trời? Chi mình ngài! Ai tối cao trên mặt đất? Chỉ mình ngài!”. Thần Sin là đối tượng thờ cúng quan trọng ở vùng Cận Đông, bao gồm cả vùng hành lang Syro-Palestine. Nữ thần Ishtar cũng vậy, bà được đồng hoá với Kim Tinh (Vénus); Ngôn sứ Giêrêmia đã chỉ trích việc thờ kính bà trong vương quốc Giuđa, nơi bà được gọi là “Nữ hoàng bầu trời” (Gr 7,18) hoặc nữ hoàng “các đạo binh tinh tú” (Gr 19,13).
            Khi sách Khởi Nguyên thuật lại việc Thiên Chúa sáng tạo các tinh tú vào ngày thứ tư thì có ý đẩy lùi lại các vị thần của phương Đông cổ đại. Đó là một cách nói rằng: mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao … chúng chưa có ở đó ngay thưở ban đầu khi Thiên Chúa tạo thành trời và đất! Ngày nay, người ta không còn coi các tinh tú như những vị thần. Nhưng vào thời Cổ Đại, những câu đầu tiên của sách Khởi Nguyên có thể hiểu được rằng: các tinh tú trên bầu trời không phải là những vị thần, chúng là tạo vật; chúng tùng phục Thiên Chúa, chúng không ảnh hưởng gì trên con người và con người không cần phải sợ hãi hoặc thờ kính chúng
            Như thế, mặt trời được sáng tạo ba ngày sau khi có ánh sáng thoạt tiên nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nếu hiểu nó trong môi trường văn hoá và tôn giáo của thời đại đó, ta có thể hiểu được đôi chút.

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

CHA ANTÔN NGUYỄN TOÀN CHÂN (1876-1966)


Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Cha Antôn Nguyễn Toàn Chân sinh ngày 03 tháng 02 năm 1876 tại Đồng Hâu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Thân sinh của cha là thầy Ba Đàn, một thầy thuốc bắc rất đạo đức. Gia đình thầy Ba Đàn có năm người con, một người lập gia đình, bốn người đi tu, trong đó ba người làm linh mục là cha Simon Nguyễn Chính, cha Antôn Nguyễn Toàn Chân, cha Toma Nguyễn Thiềng và người em gái út là nữ tu Mélanie Nguyễn Thị Đồng, Bề trên tiên khởi Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị.
Chú Antôn Nguyễn Toàn Chân vào Tiểu Chủng Viện Làng Sông năm 1888 lúc 12 tuổi, học ở Làng Sông 02 năm. Năm 1890, được gởi sang học ở Chủng viện Penang, Mã Lai Á . Ở Penang bốn năm, hai năm đầu tiếp tục học La văn, hai năm sau học triết lý và thần học.
Đầu năm 1894, Bề trên gọi thầy Chân về địa phận để đi giảng theo thông lệ. Vừa mới về, thầy Chân được Bề trên chỉ định dạy tiếng Việt cho cha Alexis Boivin (cố Nhã) tại Kim Châu. Năm 1895, thầy Chân làm giám thị ở Tiểu Chủng Viện tại phân trường Đại An. Năm 1897, làm phụ giáo tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông. 
Ngày 11 tháng 7 năm 1901, Đức cha Van Camelbeke Hân truyền chức linh mục cho thầy Chân tại Làng Sông, lúc thầy Chân vừa mới chớm qua tuổi 25, một tuổi đời còn trẻ so với các linh mục Việt Nam trong giáo phận thời bấy giờ khi thụ phong linh mục đều trên 30 tuổi. Tân linh mục Antôn Nguyễn Toàn Chân được bổ nhiệm giáo sư Tiểu Chủng Viện Làng Sông. Ngoài môn chuyên La văn, Cha còn dạy nhiều môn khác như Giáo lý, Việt văn, Toán học và Hán văn.
Cha Antôn dạy ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông từ năm1901 đến năm 1942, chỉ trừ niên khoá 1902-1903  cha dạy tại phân trường Tiểu Chủng Viện ở Đại An và đệ nhị lục cá nguyệt niên khoá 1934-1935, cha dạy thần học Tín lý ở Đại Chủng Viện Qui Nhơn, thay thế cho một giáo sư đi dưỡng bệnh.
Trong niên khoá 1939-1940, lúc cha Joseph Clausse (cố Hồng), Giám đốc Chủng viện Làng Sông, bị tổng động viên, cha Antôn quyền Giám đốc Chủng Viện Làng Sông trong 6 tháng. Trong chức vụ nầy cha đã đề cao tinh thần kỷ luật, đúng giờ khắc và ý thức cao độ về trách nhiệm của mình.
Năm 1942, tuổi già sức yếu, cha được phép hưu dưỡng. Lúc đầu cha nghỉ ở dường đường Đại An, sau ở dưỡng đường Làng Sông. Từ năm 1955, cha nghỉ dưỡng tại Cô Nhi Viện Kim Châu do các dì phước Mến Thánh Giá trông nom. Tại đây, lúc 13 giờ ngày 18 tháng Giêng năm1966, cha trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 90 tuổi. Cha Antôn an nghỉ tại nghĩa địa trong khuôn viên trường Thánh Giuse Kim Châu, Bình Định cùng với Đức cha Damien Grangeon Mẫn và cha Toma Thiện để chờ ngày sống lại trong vinh quang.
Cha Antôn Nguyễn Toàn Chân được Thiên Chúa ban cho trí thông minh đặc biệt. Khi còn nhỏ, cha được coi là thần đồng, lúc ở Chủng viện Penang, các bạn tặng cha biệt hiệu là Puer Senex – ấu lão. Sánh với các bạn học hầu hết đã lớn tuổi, chú Chân chỉ là một thiếu niên nhỏ thó, đã ít tuổi lại thân gầy thấp lùn, nhưng kiến thức thì uyên bác như người trí thức tráng lão. Cha rất đam mê học hỏi. Thời làm giáo sư ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông, ban đêm cha đọc sách đến khuya, 4 giờ sáng đã thức dậy. Khi nào không lên lớp dạy học, không chấm bài, cha thường ngồi ở chiếc ghế xếp, luôn luôn có quyển sách trên tay. Mãi đến những năm từ 1960 về sau, vì mắt lờ, vì kiệt sức cha mới thôi đọc sách.  Đời cha là một đời đọc sách, đọc sách để học thêm, đọc sách để trau dồi kiến thức, đọc sách để thường xuyên tự đào tạo mình, đọc sách để phục vụ, để làm lợi những nén bạc thông minh mà Thiên Chúa quan phòng đã trao phó cho cha.
Vừa thông minh, vừa nhân đức và khôn ngoan, vừa bình dân vui vẻ, vừa giãn dị, đơn sơ, bần bạch nên ai tiếp xúc với cha cũng cảm mến. Như một người tôi tớ trung thành, tỉnh thức đợi chủ về, Cha đã vận dụng tài trí Chúa ban cho để làm khối men tình thương, làm chất keo hợp nhất giữa các linh mục Việt và Pháp cũng như giữa các linh mục Việt Nam với nhau. Cha đã là vị cố vấn sáng suốt cho mấy đời Giám mục của giáo phận. Suốt thời gian ở Tiểu Chủng Viện, cha là vị cố vấn thân tín của các cha Giám Đốc và hầu hết Chủng sinh đã chọn cha làm linh hướng.
Trong cha là một ‘bồ chữ’ nhưng cha không để lại một cuốn sách nào. Có thể cha đã nhường khả năng ấy cho người anh đáng kính là cha Simon Nguyễn Chính, một linh mục truyền giáo bằng nhiều đầu sách và báo chí. Cha Antôn không viết cuốn sách nào bằng giấy trắng mực đen, nhưng cha đã dùng sự tận tụy, gương sáng và lòng đạo đức của cha như ngòi bút sắc bén để cha chì mài hơn 40 năm viết về tâm, trí, đức trong tâm hồn những chủng sinh, những cuốn sách nhân cách kitô hũu sống động trong mọi ngõ ngách của cánh đồng truyền giáo bao la. Ngoài một số lớn các cựu chủng sinh đã lập gia đình, có bốn vị Giám mục[1]  và hơn 150 linh mục trên cánh đồng truyền giáo của các giáo phận Qui Nhơn, Kontum, Nha Trang và Đà Nẵng là học trò của cha mà đa số nay đã quá cố.
Cuộc đời cha Antôn Nguyễn Toàn Chân, một cuộc đời linh mục chỉ ở Chủng viện làm công tác đào tạo cho đến khi mòn hơi kiệt sức. Một cuộc đời rất đơn điệu như sự đơn điệu của người mẹ từng ngày đỏ lửa ba bữa cơm cho sự sống gia đình. Trung thành phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng trong một công việc đơn điệu ấy, một sự trung thành vĩ đại.
           
DI NGÔN CHA AN TÔN
In nomine Domini, amen.
Tôi là Antôn Nguyễn Toàn Chân, linh mục, vốn chẳng có của gì, bấy lâu nay sống nhờ nhà chung và các cha có lòng rộng rãi thương giúp.
Chúa thương tôi cho tôi sống đến ngày lễ Ngọc, tôi không ngờ và không để ý, mà Đức cha Bề trên và các cha tỏ lòng yêu dấu, tôi rất cảm động, biết ơn lắm, vì gặp mặt các cha đông đủ, nhất là các cha ở xa xôi, ở địa phận khác đến. Nay Chúa cất tôi đi, trước khi tắt hơi, tôi cố gắng nói một lời cám ơn Đức cha, cha Bề trên và các cha hết thảy. Tôi không biết nói gì hơn.
Tôi xin cám ơn cha sở cựu Kim Châu và các cha tuyên uý đã có công giúp đỡ tôi trong những lúc yếu liệt, xin Chúa trả công bội hậu cho các cha.
Tôi xin cám ơn Bà Mẹ Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị, Bà Giám đốc Cô Nhi Viện Kim Châu và các bà làm việc ở đây. Tôi nhớ ơn Bà François đã quá cố, bà Maltide và bà Nhứt Giảng, là những người đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Tôi cám ơn các sư huynh Dòng Thánh Giuse đã thăm viếng an ủi tôi.
Tôi cám ơn các người giúp việc và các em ở tại Cô nhi viện Kim Châu, đặc biệt là chú Sự và ông Hai Đăng.
Tôi cám ơn tất cả bà con thân thuộc đã thương giúp tôi khi còn sống.
Tôi xin cám ơn tất cả và nếu tôi đã làm gì không vừa ý ai, tôi xin tha thứ cho tôi một lần cuối cùng nầy nữa và giúp lời cầu nguyện cho tôi với.

(Tổng hợp trong các Mémorial Mission de Qui NhơnThông tin Địa phận Qui Nhơn số 47, tháng 3 năm 1966)



[1] Đức Cha Giuse Lê văn Ấn, Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Đức Cha Giuse Phan Văn Hoa, Đức Cha Phanxicô Nguyễn Quang Sách.

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

PHÍA SAU NHỮNG NGÀY ĐẸP TRỜI

Trang Hạ
Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 17/10/2010

Tôi có thói quen giữ lấy những tin tức báo chí, những hình ảnh, sự kiện xảy ra vào đúng ngày các con tôi chào đời, tôi nghĩ khi các con tôi lớn lên chúng sẽ hình dung được cuộc sống này ra sao ngày chúng được sinh ra. Tôi không dạy các con tôi ngoái lại quá khứ, tôi chỉ tặng chúng một món quà với hy vọng chúng không thờ ơ với cuộc đời này. Chúng sẽ nhìn cuộc sống như một dòng chảy không ngừng nghỉ mà có hôm qua mới có ngày hôm nay, xâu chuỗi những sự kiện và những con người để hiểu vì sao con người gắn bó với cộng đồng đến thế bởi bao mối dây liên kết.
Thuật buồn, hai đứa con trai của tôi, một đứa chào đời giữa cơn lũ lịch sử của Hà Nội năm 2008, phố biến thành sông, vó câu giăng dọc vỉa hè, người ngồi chậu nhựa bơi đi chợ bằng đôi dép tổ ong. File mang tên con trong máy tính chứa đựng vô số câu hỏi về một thành phố người sống ở đây đã ngót nghìn năm mà vẫn còn long đong. Một đứa được sinh ra với những tin lũ lụt miền Trung 2010 và bức ảnh lưu niệm là hai cánh tay trẻ em đội ngói giơ lên cầu cứu đăng trên báo Tuổi Trẻ. File mang tên con chắc cũng gần giống một phóng sự thiên tai …
Hẳn chúng sẽ hỏi tôi: mẹ ơi, sao mẹ sinh toàn chúng con vào giữa những lận đận thiên tai?
Tôi đã nghĩ câu trả lời từ bây giờ, tôi sẽ nói không phải, chỉ là vào sau những ngày đẹp trời mà thôi. Có những cái giá phải trả cho những ngày đẹp trời chứ, cuộc đời này điều gì mà không phải trả giá?     
Nhưng tôi muốn nói để các con trai của tôi hiểu rằng không phải lúc nào cũng như trong mọi báo cáo thiệt hại người ta thường kết tội trời. Em bé đâu phải đói và sợ dưới mái ngói nếu lũ không lên quá nhanh  tới mức kinh hoàng chỉ bởi công trình thuỷ điện nào đó chậm xả lũ tràn, chỉ bởi kẻ nào đó vác cưa máy sang tận Lào để tận diệt rừng đầu nguồn chở về bán gỗ lậu? Người đàn ông đâu phải chết đuối giữa đường nhựa cho dù trời mưa to nước tràn kín mặt đường, nếu nắp cống ga không mất? Người mẹ đèo con gái đâu phải chết cho dù đi giữa cơn bão, nếu nắp cống hộp không cao so mặt đường trơn đã lật bánh xe? Hay cô nữ sinh đâu phải mất thi nếu ngành giáo dục có thông báo kịp thời cho các trường nghỉ học bởi thiên tai? Và bao giờ mới có bản tin thiên tai cập nhật rằng mưa bao nhiêu milimet thì công chức không nên tới công sở để đảm bảo an toàn, ngập bao nhiêu centimet thì radio và tivi thông báo hướng dẫn người đi đường tránhn hướng đi nguy hiểm như ở các nước khác đang làm?
Rõ ràng ông trời không giết họ, nắp cống, nước ngập, dây điện đứt cũng không thể giết họ, nếu …
Trong một xã hội rộng lớn, không có điều gì là ngẫu nhiên, kẻ cả trúng độc đắc. Bởi nếu không mua vé số thì có may mắn đến mấy cũng chẳng có sự ngẫu nhiên tiền tỉ rơi xuống đầu theo cách trúng độc đắc. Một thời lẽ nhân – quả chỉ được nói đến như một niềm mê tín tâm linh, chứ chưa bao giờ nó hiển hiện sững sờ như thời thiên tai được mùa. Thậm chí nó còn sòng phẳng một cách tàn nhẫn. Anh không đốn rừng nhưng anh không trồng cây, anh vẫn phải gặt lũ lụt. Anh không ác nhưng anh không bảo vệ những điều thiện, anh sẽ vẫn phải trả giá.
Hẳn một người mẹ như tôi nghĩ về thiên tai sẽ có đôi phần lo xa, sống bây giờ sao cho sau con mình khỏi bão.

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

NGUYỆN ĐƯỜNG NOTRE DAME DU HAUT

sưu tầm và giới thiệu
BTTVHQN

Nguyện đường Notre Dame du Haut Ronchamp (Pháp) thường được gọi là nguyện đường Ronchamp, hoàn thành năm 1954, là một trong những kiến trúc đẹp nhất của kiến trúc sư người Thuỵ Sĩ gốc Pháp Le Corbusier và là một trong những hình mẫu quan trọng nhất của kiến trúc tôn giáo thế kỷ XX.
Cấu trúc hoàn toàn bằng bêtông và tương đối nhỏ, có tường dày bao bọc với mái cong lên trên được nâng đỡ bằng những hành cột nằm trong tường, trông giống như chiếc thuyền nằm trên đỉnh đồi trong dông bão. Nhà thờ được xem như chiếc thuyền của Chúa, mang lại sự an toàn và ơn cứu độ cho tín hữu. Bên trong, những khoảng trống ngăn cách giữa tường và mái được lấp đầy bằng một hàng cửa sổ, những ô trống trên tường lấy ánh sáng bất đối xứng để tăng cường thêm tính thiêng liêng của không gian, một thứ ánh sáng rất dịu. Đây là nguyện đường hành hương nên hàng ngày có ít người đến cầu nguyện, tuy nhiên vào những dịp đặc biệt, có khi lên đến hàng ngàn người đến đây. Vì thế, kiến trúc sư Le Corbusier cũng đặt thêm một bàn thờ và giảng đài ở bên ngoài. Cả hai bàn thờ đều được làm bằng đá Bourgogne.
Nhiều người cho rằng nguyện đường này là kiểu mẫu đầu tiên cho kiến trúc tôn giáo thuộc trường phái hậu hiện đại (Postmodernisme).  










Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

ÁN XIN PHONG THÁNH CHO CÁC VỊ TỬ ĐẠO


Xin trích dịch và giới thiệu bản tin “Le procès des Martyrs”, trong Mémorial, Mission de Quinhon, số 53, ngày 24 tháng 5 năm 1909, tr. 85-88. Đây là những hoa trái đức tin của giáo phận trong những năm 1859-1862. Đã hơn 100 năm trôi qua (từ năm 1909) kể từ khi đơn này được đệ trình lên Toà Thánh và chúng ta có thể hy vọng một kết quả đáng phấn khởi trong tương lai khi chào đón 400 năm Tin Mừng đến với Giáo Phận Qui Nhơn…
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Chúng tôi vui mừng thông báo cho các đồng sự cũng như các linh mục bản xứ và qua họ đến với các thầy giảng và giáo dân của miền truyền giáo, rằng Án Thẩm Vấn (procès informatif) về các vị tử đạo từ năm 1859-1862 của chúng ta, được bắt đầu từ tháng Tư 1904, vừa mới kết thúc mỹ mãn.
Vào thứ Bảy ngày 1 tháng 5, Giám mục Thẩm phán R.P. Tardieu và Lục sự đã có buổi họp trọng thể để ký tên và đóng ấn trên Bản chính và Bản sao của đơn xin, trước sự hiện diện của cha Tổng Đại Diện và các nhân chứng là cha Maheu và cha Bonhomme. Bản chính được lưu tại văn khố của Toà Giám Mục ad perpetuam rei memoriam (để muôn đời ghi nhớ sự việc). Bản sao được gởi đến cho cha Cazenave ngày 10 tháng 5, chính ngài sẽ trao cho Đức Hồng Y Bộ trưởng Thánh Bộ Lễ Nghi.
Có sự trùng hợp rất đáng phấn khởi này là: chính vào thời điểm các Chân Phước Cuénot và Năm Thuông của chúng ta vinh dự được phong Chân Phước tại Roma thì vụ việc của những người đồng hành dũng cảm của họ cũng đã bước vào trình tự theo giáo luật để nếu hợp thánh ý Chúa thì họ cũng được cùng một vinh quang. Chúng ta thành kính gởi đến các đấng này nhờ sự bầu cử của các đấng kia lời nguyện chúc của Thánh Cyprianô gởi các Đấng Tử Đạo thành Carthage: “Quos vinculum confessionis et hospitium carceris simul junxit, jungat etiam consummatio virtutis et corona caelestis” (Mối dây liên kết đức tin và việc ra tù vào khám đã cùng gắn bó các ngài với nhau, thì ước chi việc thành toàn nhân đức và triều thiên thiên quốc cũng sẽ liên kết các ngài lại với nhau).
Các vị giám mục đã lập danh sách này vào năm 1904 gồm có gần 60 danh tính. Hơn 30 vị đã được để lại hoặc là bởi vì họ thuộc về miền truyền giáo khác hoặc có nghi ngờ chút ít về tiếng tăm của họ hoặc vì không đủ chứng cứ.
Sau đây là danh tính 20 vị Tôi Tớ Chúa đã được thẩm tra và vụ việc vừa mới được gởi về Roma.
I.      Phaolô Châu, linh mục bản xứ, xứ Gò Thị (Bình Định)
     Phêrô Qườn, thầy chức nhỏ, xứ Lò Giấy (Phú Yên)
     Tađêô Qui, giáo dân, Tân Hội (Bình Định)
     Phêrô Me, tân tòng, xứ Gò Thị
     Tất cả bị xử trảm vì ganh ghét về đức tin tại Gò Chàm, tỉnh Bình Định, vào ngày thứ hai của tháng thứ ba năm Tự Đức thứ mười lăm, tức vào tháng 5 năm 1862.
II.   Giuse Stêphanô Chung, linh mục bản xứ, thuộc xứ Thợ Lĩnh mà nay đã bình địa, gần Cảnh Hàn (Bình Định)
     Giuse Trinh, thầy giảng thuộc xứ Phú Cốc (Phú Yên)
     Giuse Bảo, chú giúp cho cha Chung, thuộc xứ Xóm Quán (Bình Định)
     Cả ba đều bị xử trảm ở Gò Chàm, ngày hai mươi ba, tháng mười hai, năm Tự Đức thứ mười hai, tức là đầu năm 1860.
     Hứa, Nam, TânGiáo, giáo dân thuộc xứ Phú Cốc, bị xử trảm ở Gò Chàm, ngày hai mươi bảy, tháng mười, năm Tự Đức thứ mười ba, tức khoảng cuối năm 1860.
     (Lưu ý: năm 1860 đồng thời là năm thứ mười hai và năm thứ mười ba của triều Tự Đức: năm thứ mười hai từ ngày 1 tháng 1 cho đến ngày đầu năm dương lịch, năm thư mười ba từ ngày Tết cho đến cuối năm).
III.Giacôbê Tuyên, thầy chức nhỏ, thuộc xứ Trà Kiệu (Quảng Nam)
     Giuse Nghiêm, chú nhà trường, xứ Lò Giấy.
     Gioakim Quả, giáo dân xứ Xóm Quán.
     Mađalêna Lưu, giáo dân xứ Vĩnh Thạnh (Bình Định).
     Tất cả bị xử trảm tại Gò Chàm, ngày hai mươi mốt, tháng hai, năm Tự Đức thứ mười lăm, tức tháng 4 năm 1862.
IV.Giuse Thủ, linh mục bản xứ, con của Chân phước Năm Thuông, thuộc giáo xứ Gò Thị, bị xử trảm  ở Gò Chàm, ngày mười ba, tháng năm, năm Tự Đức thứ mười lăm, tức khoảng đầu tháng 7 năm 1862.
V.   Đôminicô Cảnh, linh mục bản xứ, xứ Vân Đoả (Quảng Nam), bị xử trảm  ở Phan Rí, tỉnh Bình Thuận, năm Tự Đức thứ mười bốn, tức năm 1861.
     Anê SoạnAnna Trị, nữ tu, người đầu tiên thuộc xứ Diêm Điền (Bình Định); người thứ hai thuộc xứ Dinh Thuỷ (Phan rang); cả hai bị xử giảo ở Phan Rí, năm Tự Đức thứ mười lăm, tức năm 1862.
VI.Giuse Hữu, chú giúp của một linh mục, thuộc xứ Chợ Mới (Nha Trang), bị xử trảm ở Nha Trang vào năm Tự Đức thứ mười hai, tức năm 1860.
Cũng nên thêm vào danh sách này tên của Giuse Sĩ, linh mục bản xứ, thuộc xứ Tân Quan (Bình Định). Bị bắt tại Phú Yên, bị lưu đày tại Thái Nguyên (Đàng Ngoài) vào năm 1853 hoặc 1854 rồi bị chém đầu tại tỉnh này, vào ngày mười sáu, tháng mười hai, năm Tự Đức thứ mười bốn, tức đầu năm 1862.
Vụ việc của ngài đã được đệ trình về Roma vào năm 1894. Giám mục Velasco, Đại Diện Tông Toà Bắc Đàng Ngoài, qua bức thư chính thức gởi cho Giám mục Grangeon, đã cam kết sẽ đưa thi hài của vị Tử đạo rất hiển vinh này trở về miền truyền giáo gốc của mình, ngay sau khi Toà Thánh công bố ngài là Chân Phước.
Tạ ơn Chúa vì kết quả đáng phấn khởi của công trình lâu dài này, đồng thời cũng cám ơn tất cả những ai gần xa đã cộng tác để công cuộc được hoàn thành. Mong rằng những cuộc Phong Chân Phước mới sẽ nên nguồn phúc lành mới cho chúng ta.

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

CHÂN DẤU YÊU


            Quế Hương
Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 10/10/2010

Mẹ tôi có đôi chân gầy giơ xương, lấm tấm dấu vết lầm than như lệ ứa. Chân ấy đúng là chân khổ, lặn lội từ tinh mơ đến tối mịt, tù thuở thanh xuân đến khi bạc đầu, bao phen toé máu trên quãng đời chông gai sỏi đá vì mẹ, vì chồng, vì con. Gánh sức nặng của nỗi buồn và số phận, đôi chân ấy mãi miết đi …
Đến tuổi dậy thì, được mẹ dẫn đi mua cho đôi guốc cao gót, tôi tủi phận nhận ra chân mình là bản sao của chân mẹ - gầy giơ xương, mỏng như lá, xương khô nhọn hoắt. Gien là định mệnh, chạy đâu cho thoát! Tôi từ chối đôi guốc Đa Cao mơ ước, xỏ chân vào đôi guốc mộc Hương Bình quai nhựa trắng. Đôi guốc giản dị ấy không làm đau những chỗ xương nhô cao của tôi và che bớt khuyết điểm của đôi chân xấu. Tuổi trẻ tôi có nhiều giấc mơ, trong đó có giấc mơ mình có chân đẹp – múp míp, nuột nà trong đôi giày cao gót có quai đen thanh mảnh …
Khi lấy chồng, một lần vấp té chảy máu, chồng tôi buột miệng khi băng vết thương chân: “Em có đôi bàn chân xấu nhất!”. Biết rồi nhưng nghe cứ xót.
Đôi chân thể hiện vẻ đẹp phụ nữ. Người ta làm ra giày dép phong phú đa dạng để tôn vinh vẻ đẹp đôi chân trắng nõn đầy dặn của đàn bà. Thế mà tôi rất sợ đi mua giày dép. Thò đôi chân lép kẹp, nhô xương ra là tôi mặc cảm với cả đôi dép vô tri. Tôi ganh tị với em gái vì nó có đôi chân không giống mẹ. Suốt kiếp làm đàn bà, tôi chưa bao giờ để thợ làm móng chạm tay vào. Phụ nữ nhìn thấy điểm xấu của nhau như quà tặng.
Ngày mẹ đau nặng, xoa dầu đôi chân xương xẩu lạnh giá của bà, tôi nghe chúng khóc. Xước, vệt, đốm do bổ béo nhường con, mắm muối phần mẹ. Gân lổm ngổm ngoằn nghèo vì kiếp cò kiếp vạc cả đời lặn lội bươi móc. Chai, sần, lép, toè … là dấu vết bao lần bấu vào sỏi đá, bám vào trơn trượt để khỏi té ngã … Nhưng mảnh thế, gầy thế mà độ bền, sức mạnh có thua ai đâu, vẫn đi hết đường đời chông gai sỏi đá đưa người đến bến đến bờ!...
Tôi xoa lên bao tì vết của số phận và cũng khóc. Lần đầu tiên tôi nhìn đôi chân dưới góc độ khác và nhận ra có nhiều thứ cao hơn cả vẻ đẹp. Lần đầu tiên chân xấu không đè nặng tim tôi nữa. Chân là của mình, tạo tác của cha mẹ. Hãy yêu nó dù xấu dù đẹp. Vả lại nhìn từ đâu để khẳng định vẻ đẹp của đôi chân? Có đôi chân đẹp mà không tự đi được, phải “bế”! Có đôi chân què quặt, teo tóp mà tự bước đi. Có đôi chân liệt mà như đôi cánh đưa tâm hồn đi xa lắm! Vậy cớ sao tôi phải buồn, phải ghét thứ mình có?
Truyên ngắn đầu tiên của tôi có tên “Đôi chân biết khóc”. Ám ảnh từ đôi chân gầy giơ xương của mẹ, của tôi. Truyện ngắn ấy được in trên tờ báo lớn, mở cho tôi một con đường sau khi nghỉ dạy vì ốm đau – con đường văn chương. Tôi bước chập chững trên con đường khổ ải còn hơn cả đường đời, bằng đôi chân mảnh như lá, gầy giơ xương nhưng độ bền và sức mạnh giống bàn chân mẹ, bởi nó là bản sao của đôi chân mẹ - đôi chân dấu yêu của tôi.     

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

THỊ NẠI KÝ

Nguyễn Thanh Hiện
Xưa & Nay, số 274, tháng 12/2006, tr. 38-39

Ông Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển trong “Đồ Bàn thành ký” nói: Nhìn xa xa về hướng Đông, thấy những làn sóng nhấp nhô bao la bát ngát cùng đổ vào khoảng bến Hổ và sông Nhạn, đó là cửa bể Hỗn Cảng tức của tấn Thị Nại. Đây là đứng ở thành Đồ Bàn mà nhìn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn nói: Đầm Biển Cạn ở phía Đông huyện Tuy Phước, chu vi hơn 9500 trượng, nước đầm đổ vào cửa Thị Nại. Sách “Đại Nam nhất thống chí” thấy nước đầm đổ ra bể. Còn ông Hoàng giáp thấy nước bể đổ vào đầm. Khi cầm bút chép thì chuyện đã là của thời quá khứ. Nghìn năm trước là quá khứ. Mà vài giờ trước cũng là quá khứ. Lịch sử là ký ức. Sự chuyển dịch của ngôn ngữ con người qua ký ức là quá lớn. Nên nghe nói Thị Nại trước là Thi Lị Bi Nại là do chuyển từ Cri Vijaya? Nghe nói đấy là tên của một vị vua Chiêm, người đã chuyển kinh đô Indrapura (Đồng Dương) về phía Nam, từ đó mới có tên đất Vijaya, Bình Định, đất đặt theo tên vua, kinh đô cũng theo tên vua, đầm Cri Vijaya? Tất cả cũng chỉ để gọi một vùng non sông đất nước mà thôi.
Đầm Thị Nại
Gần ba mươi năm trước kẻ chép bài ký này lần đầu tiên đã ra chơi Cồn Chim, một cù lao nhỏ nằm giữa đầm Thị Nại. Thuyền vừa cập bờ thì lập tức như ngửi thấy mùi thái cổ của đất. Thì chẳng phải những thứ đó là thuộc thời đầu và thời trước của kỷ Cambri hay sao? Mùi của tảo biển và mùi của vỏ sò vỏ hến. Nhưng trước khi con người đến ngụ ở đây để lập đìa nuôi tôm và vớt tảo biển xuất ra các nước thì cái cồn đất nhỏ này là giang sơn của loài chim. Cồn Chim là cách nói gọn lại sự hiện hữu một quần cư của chim trời. Những năm, những thế kỷ trôi qua, cái đầm nước dài gần vài mươi cây số trải dọc dài theo chân dãy Phương Mai là nơi thử sức tồn tại của nhiều giống loài trên mặt đất này. Con cá nước ngọt theo những ngã sông Tam Huyện, con sông chảy qua thành Đồ Bàn, khi đến đầm nước mặn này thì vội quay ngược về nguồn, hoặc lập tức được làm thức ăn cho nhưng loài cá vốn có quốc tịch từ biển Đông. Triều lên, các loài tôm cá ở biển Đông theo con nước vào đầm, có thể quay lại biển Đông, hay ở lại sinh con đẻ cháu mà lần lữa làm sản phẩm cho những cuộc đánh bắt của những ngư dân ven đầm. Con triều xuống, một phần đầm lại bày đáy ra, thời điểm cho lũ mèo hoang, chồn hoang, và lũ chim trời, đến lấy thức ăn. Lần đầu tiên trong đời ra chơi Cồn Chim, nghe người nuôi tôm kể chuyện sông nước nơi đây, kẻ chép bài ký này không thể không nghĩ đến cảnh tự nhiên thắm đỏ trong răng và móng vuốt.
Chưa có thư tịch nào nói đến các loài chim ở vùng đầm nầy. Nhưng cứ theo hiện trạng và lời truyền thì không thể không nghĩ đến một cuộc chiến trong quần cư chim trời ở nơi đây. Tháp Thầy Bói. Đó là tên cái gộp đá, một ngọn tháp bằng đá nguyên khối nhô lên mặt nước phía tây nam đầm, giang sơn của loài chim bói cá. Không giống như những loài chim khác, phải chờ những điều kiện khách quan như đầm cạn, mới tìm được con mồi, loài chim này cứ từ trên không trung mà lao xuống đầm nước, nơi có con mồi nó nhìn thấy được bằng sự hiểu biết bẩm sinh. Bói ở đây không thể hiểu theo cách của con người là đoán định tương lai. Ở đây là đoán định hiện tại. Nhưng những ghềnh đá phía đông dãy Phương Mai, nơi biển ăn sâu vào chân núi tạo thành ghềnh, là giang sơn của một loài chim trời có vẻ cao sang hơn tất cả những loài chim khác. Nói đấy là Đảo Yến thì cũng như nói đấy là chốn cư trú biệt lập của loài chim biết khạc cái anh hoa loài giống mình ra mà làm tổ. Nhà ở của chim yến là làm bằng anh hoa của loài giống chúng, chất anh hoa được tiết ra trong nước dãi nơi miệng chúng. Loài thì trí tuệ, loài thì cao sang, thì làm sao có cuộc chung sống với đám cò đám vạc, với đám vịt nước, le le? Chẳng biết cuộc chiến giữa các loài chim ở đây đã xảy ra thế nào. Khi con người chú ý đến thì giữa chúng đã có cuộc phân hoá. Thì chẳng phải có một xã hội chim quý tộc với một chim bói cá thượng lưu đang tồn tại bên cạnh một xã hội cò vạc và le le vịt nước rất đông đảo đấy sao?
Cầu Nhơn Hội (bắc qua đầm Thị Nại)
Sự tạo núi sông của tự nhiên là chẳng chút ẩn ý. Đến lúc ấy thì có một cái đầm nước mặn nằm dọc theo núi, vậy thôi. Đầm Thị Nại tựa cái phổi nước nằm dựa biển Đông phập phào thở theo con triều lên xuống. Đêm nằm ở chồ rớ trên đầm Thị Nại, chờ đến giờ kéo rớ để luộc con ghẹ còn tươi roi rói, vừa ăn vừa nhìn nước đầm loang loáng ánh sao, thì quả là sông nước hữu tình. Vào những giờ thuyền cá về, khi trông thấy những bàn tay giơ lên ở thuyền cá ra hiệu là được mẻ lớn, thì đám đàn bà con nít ở những xóm cá hai bên bờ của Thị Nại nhao lên như con song biển xô vào đầm, thì cũng quả là sông nước hữu tình. Nhưng cửa biển ấy, đầm nước ấy, cũng vô tình làm cho các vua Chiêm điêu đứng.
Từ khi nước Chiêm dời kinh đô đến Đồ Bàn, đầm Thị Nại được nhiều lần đứng vào thư tịch. Một dãi dài từ châu Ái, châu Hoan vào châu Ô, châu Lý đến Cựu Châu (Quảng Nam) và Đại Châu (Bình Định) đều lắm sông nhiều núi, việc di chuyển thời ấy chủ yếu là bằng đường biển. Các vua Chiêm đi đánh Đại Việt hay các vua Đại Việt đi đánh Chiêm hầu hết là đi đường biển. Có nhiều cửa biển để đi lên kinh đô Thăng Long của Đại Việt. Nhưng muốn lên kinh đô Đồ Bàn của Chiêm với con đường tiện lợi nhất thì phải vào cửa Thị Nại. Đầm Thi Nại như phải chấp nhận một số phận bi thảm từ khi có kinh đô Đồ Bàn. Binh lửa đã nhiều phen xảy ra ở đây. Có phải vì thế mà ông Hoàng giáp Hiển gọi của Thị Nại là Hỗn Cảng hay không? Cuộc binh lửa năm 1044 là cuộc binh lửa đầu tiên xảy đến với đầm Thi Nại được chép vào thư tịch. Mùa xuân năm 1044, vua Lý Thái Tông của Đại Việt thân chinh đi đánh Chiêm, đánh nhau với quân Chiêm ở sông Ngũ Bồ, chém được vua Chiêm là Rudravarman III (Sạ Đẩu), sang thu thì đem quân vào thành Đồ Bàn bắt các phi tần của vua Chiêm múa khúc Tây Thiên để xem. Trong các thư tịch cổ, khi nói về trận đánh này, chẳng thấy nói gì về cửa Thị Nại. Nhưng Lý Thái Tông đi đánh Chiêm bằng đường thuỷ mà không qua cửa Thị Nại thì lên Đồ Bàn bằng đường nào? Hai mươi lăm năm sau đấy, năm 1069, vua Lý Thánh Tông lấy cớ nước Chiêm bỏ triều cống, đem quân sang đánh . Sách đại Việt sử ký toàn thư nói: Kỷ Dậu, 1069, mùa xuân, tháng hai, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành bắt được vua nước ấy là Chế Củ. Sách Đất nước Việt nam qua các đời của Đào Duy Anh nói: Ngày Kỷ Tỵ, hăm bảy tháng ba, thì qua Đại Trường Sa … ngày Bính Ngọ, mồng ba tháng tư, thì đến cửa Thi Lị Bi Nại. Ba thế kỷ sau đấy, vua Trần Duệ Tông vừa lên ngôi (1373) đã chuẩn bị đánh Chiêm. Tuyển lính, đào kênh, đắp đường từ Thanh Hoá vào Nghệ Tĩnh. Tháng năm 1376 Chiêm Thành cướp phá Hoá Châu (bấy giờ hai châu Ô, Lý của Chiêm Thành đã thành Hoá Châu, Thuận Châu của Đại Việt. Ô, Lý là sính lễ cưới Huyền Trân của vua Chiêm Sinhavarman III, Chế Mân). Tháng mười hai thì vua thân đi đánh Chiêm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nói: Đinh Tỵ, ngày hăm ba, đại quân tiến đến cửa Thị Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, đóng lại ở động Ỷ Mang … ngày hăm bốn vua mặc áo đen, cưỡi ngựa nghê thông … truyền lệnh tiến quân. Và vua đã chết nơi phục binh của vua Chiêm, Chế Bồng Nga. Nhưng số phận lịch sử của kinh đô Đồ Bàn đã được thay đổi vào hậu bán thế kỷ mười lăm. Năm 1470, vua Chiêm, Trà Toàn, đem mười vạn quân ra đánh Hoá Châu. Năm sau, 1471, vua Lê Thánh Tông của Đại Việt đem hơn hai mươi vạn quân vào đánh Chiêm, bắt sống Trà Toàn, sáp nhập phần đất phía bắc nước Chiêm (từ đèo Cù Mông trở ra) vào Đại Việt. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nói: Tân Mão, 1471, tháng hai, ngày hăm bảy, vua tự mình đem đại quân đi đánh phá thành Thị Nại, chém được hơn một trăm thủ cấp, … ngày hăm tám vua tiến vây thành Chà Bàn. Thành Chà Bàn tức thành Đồ Bàn. Còn thành Thị Nại là đồn tiền tiêu của kinh đô Đồ Bàn, nằm ở phía Tây đầm Thị Nại chừng vài ba cây số. đây là trận đánh cuối cùng giữa Chiêm Thành và Đại Việt ở đầm Thị Nại. Bốn trận đánh ở đầm Thị Nại kể trên là xảy ra ở ba triều Lý, Trần, Lê của Đại Việt. Dường như các bậc quân vương chỉ thích đọc anh hùng ca mà không thích đọc bi ca. Cho nê khi chép về cuộc thân chinh của vua, sử văn phải đầy hào khí… Ngày hôm ấy, ngự giá khởi hành, trời mưa nhỏ, gió bấc. Tư Thiên giám Tạ Khắc Hoài tâu rằng: “Mưa là mưa nhuần quân, gió từ phương bắc là gió hoà”. Cho nên khi thuyền vua đi, có câu thơ rằng … Đây là quang cảnh xuất quân đi đánh Chiêm của vua Lê Thánh Tông. Bi ca là chuyện của cái đầm nước khi thì gọi là Thi Lị Bi Nại, hay đầm Bể Cạn, hay Hải Hạc Đàm. Bởi mỗi lần binh lửa xảy ra nơi đây thì ngoài xác chim, xác cá tôm, trong đầm còn có cả xác người.