Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

BIẾT

Hà Ly
Xưa & Nay, số 355, tháng Tư 2010, tr. 18-19

Ngày xưa, nếu ai có dịp đến Hy Lạp, ghé thăm nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà triết học Thales thời cổ đại, vẫn còn nhìn thấy câu danh ngôn “nói dài không phải là biểu hiện của trí tuệ” trên tấm bia một của ông. Đâu phải chỉ Thales mới thích ngắn gọn. Thực ra ở đâu và bất cứ lúc nào cũng vậy mà thôi.
Ngày xưa, Lỗ Định Công quan tâm nhiều về việc quốc gia đại sự, nhưng lại không muốn lý thuyết dông dài. Cho nên ông mới hỏi Khổng Tử rằng: “Có hay không chỉ với một câu nói cũng có thể làm cho quốc gia hưng thịnh?”. Khổng Tử đáp: “Khó có một câu nói nào như vậy, nhưng thiên hạ hay nói rằng ‘làm vua rất khó, làm tôi cũng chẳng dễ chút nào’. Nếu nhà vua hiểu được như vậy thì đó chẳng phải là một câu nói có thể làm cho quốc gia hưng thịnh hay sao?”
Định Công lại hỏi: “Có hay không chỉ với một câu nói cũng có thể làm cho quốc gia suy vong?”. Khổng Tử đáp: “Cũng khó có câu nói nào như vậy, nhưng thiên hạ thường nói với nhau rằng ‘nhà vua chỉ có một thú vui, đó là nhà vua nói gì cũng không ai chống lại cả’. Nếu nhà vua nói đúng, không ai dám chống lại thì đó cũng là điều tốt. Nhưng nếu nhà vua nói sai mà cũng không ai dám có ý kiến ngược lại thì đó chẳng phải là chỉ với một câu cũng đủ làm cho quốc gia suy vong sao?” (Luận Ngữ, Tử Lộ)
Chỉ một câu nói thôi nhưng lại bao hàm cả nguyên tắc đạo đức - chính trị quan trọng. Đó là quan hệ tương tác giữa vua và dân, giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Nếu thực hiện tốt điều đó thì quốc gia hưng thịnh, ngược lại thì quốc gia sẽ bị suy vong. Chỉ có vậy thôi!
Nói thì dễ nhưng làm không dễ chút nào. Bởi vì muốn làm thì phải biết, có biết thì mới làm được. Biết quan trọng như vậy cho nên Tôn Trung Sơn đã xem nó như là tiêu chuẩn quan trọng để phân chia lịch sử tiến hoá của nhân loại ra làm ba thời kỳ: Thời kỳ mông muội là thời kỳ mà con người làm mà không biết. Thời kỳ văn minh, là thời kỳ con người làm rồi mới biết. Thời kỳ khoa học, là thòi kỳ con người biết rồi mới làm. (Tôn Văn học thuyết)  
Tôn Trung Sơn khẳng định rằng “việc trong thiên hạ sợ nhất là ở chỗ không biết” (Thiên hạ sự duy hoạn ư bất năng tri nhĩ, Tôn Văn học thuyết).
Chỉ một chữ “biết” thôi cũng đã làm cho Âu Châu từ đêm trường Trung cổ chuyển sang thời kỳ công nghiệp. Cũng vì chưa có chữ “biết” cho nên phương Đông, nói chung, Việt nam nói riêng, chưa thể theo kịp thiên hạ. Truyền thống Việt nam xưa nay luôn đăt đạo đức lên trên trí tuệ, đặt chữ tâm trên chữ tài. Chẳng phải “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” đó sao? Truyền thống phương Tây lại thường đặt chữ tài trên chữ tâm. Nếu không thì làm sao chủ nghĩa lý tính, chủ nghĩa vị lợi lại thịnh hành một thời như vậy? Phương Tây đã đi quá đà về sùng bái lý tính,  sùng bái “biết”, để rồi quay sang hoài nghi cái “biết” của chính mình. Ở Việt nam chưa từng có thời kỳ gọi là Phục Hưng như ở phương Tây, cho nên cái gọi là “biết” hình như vẫn còn đang ngủ quên đâu đó hơi đâu mà sợ quá đà?
Có lẽ cũng không nên tuyết đối hoá cái “tâm” hoặc cái “tài”, cũng không nên đặt cái này trên cái kia làm gì. Đạo đức và trí tuệ tuy không phải là một nhưng lại liên quan với nhau, đó là điều mà ai cũng biết. Trí tuệ mà ông Khổng Tử đề cập đến là trí tuệ phục vụ cho đạo đức. Nói cách khác, trí tuệ là phương tiện, đạo đức mới là mục đích. Nếu đạo đức lại là đạo đức – chính trị thì cái gọi là “trí tuệ” có cũng được mà không cũng chẳng sao. Nếu “biết” chuyển đổi thành “biết điều” thì đúng là “biết điều”. Còn “biết’ mà cứ cậy là “tài” thì “chữ tài liền với chữ tai một vần” âu cũng là điều bình thường!
Chữ “tài” chữ ‘biết” của phương Tây trải qua hàng nghìn năm đấu tranh mới được đặt lại đúng vị trí của nó. Cho nên nó được đánh giá theo tinh thần khoa học thực nghiệm chứ không dựa vào tín điều, không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào số đông hay tổ chức hành chính trên – dưới. Hình như quan niệm cổ truyền “xấu đều hơn tốt lõi”, hay “gọi dạ, bảo vâng” không thích hợp cho lắm với tinh thần của chữ “biết”.
Nếu chỉ một câu cũng có thể làm cho quốc gia hoặc hưng thịnh hoặc suy vong thì với một chữ “biết” cũng có thể làm được điều đó. Đúng là một chữ “biết” nhẹ như lông hồng nhưng cũng nặng tựa nghìn cân!