Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 4


Ø  LỄ LÀM PHÉP DẦU
Chiều dài của giáo phận trải dài hơn 400 km nên khó tập trung hết các linh mục trong giáo phận về tham dự thánh lễ Làm phép dầu vào ngày thứ Năm Tuần Thánh như thông lệ, chính vì thế mà năm nay Đức Cha đã quyết định cử hành Lễ Chầu Dầu vào lúc 5g15 chiều ngày thứ Ba Tuần Thánh 19/4/2011. Sự thay đổi này đã có hiệu quả, các cha từ ba giáo hạt đã quy tụ về đông đủ hơn mọi năm để dâng lễ đồng tế dưới sự chủ toạ của Đức Cha chính Phêrô và Đức Cha phó Matthêô .
Phụng vụ hôm nay diễn tiến với các phần chính: phụng vụ Lời Chúa, các linh mục lặp lại lời tuyên hứa, làm phép dầu, phụng vụ Thánh Thể. Dầu thánh được sử dụng trong các bí tích trải theo suốt dòng đời của một Kitô hữu, là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần. Dầu cũng quy hướng về Đức Kitô là “Đấng được xức dầu”. Những người tin theo Đức Kitô cũng được gọi là Kitô hữu, nghĩa là “những người được xức dầu”- và như thế họ cũng thuộc về Đức Kitô  và được chia sẻ Thánh Thần cũng như việc xức dầu thánh của Ngài.
Hôm nay cũng là ngày kính chức linh mục, các linh mục lặp lại lời tuyên hứa với giám mục của mình. Trong bài giảng lễ, Đức Cha phó Matthêô đã chia sẻ về chức linh mục theo ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ: “Đức Giám Mục giáo phận cũng là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất tại Hội Thánh địa phương. Trong thánh lễ hôm nay, Đức Giám Mục hiện diện giữa linh mục đoàn và cộng đoàn để thể hiện sự hiệp nhất ấy, một sự hiệp nhất trong tình huynh đệ như lời thánh vịnh trên đây: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”. Chính chức linh mục đã nối kết Giám Mục, các linh mục và giáo dân lại với nhau thành cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, thành hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc II trích sách Khải Huyền (x. Kh 1, 6). Vì thế chủ đề suy niệm chính của thánh lễ hôm nay là chức linh mục. Tuy nhiên ý nghĩa và vai trò của chức linh mục thừa tác chỉ có thể được hiểu trong tương quan với Đức Kitô và Hội Thánh, bởi vì cả ba cùng mang ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, như chủ đề của Năm Thánh 2010 mà ngày hôm nay Hội Thánh Việt Nam còn đang tiếp tục triển khai và thực hiện … Ba chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, trước hết được nhìn thấy nơi chính Đức Kitô… được thể hiện và tiếp nối nơi Hội Thánh là thân mình của Ngài … Các linh mục, đến lượt mình, cũng phải có đầy đủ 3 chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ như Đức Kitô và Hội Thánh … Khi linh mục càng trở nên giống Chúa Kitô, càng để cho mầu nhiệm Đức Kitô tỏ lộ nơi mình, đồng thời càng hiệp thông gắn bó với Hội Thánh là nhiệm thể của Ngài, thì sứ vụ của linh mục càng sinh nhiều hoa trái, vì Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).
Sau thánh lễ, các linh mục thuộc giáo hạt Quảng Ngãi và Phú Yên đã trở về ngay trong đêm để bảo đảm cho lịch sinh hoạt thánh lễ tại các giáo xứ khỏi bị gián đoạn.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH.
- Bổ nhiệm cha phó Trường Cửu và khánh thành tượng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Trung Ái. Ngày 05/04/2011, tại nhà thờ Trung Ái thuộc giáo xứ Trường Cửu, đã diễn ra nghi thức làm phép và khánh thành tượng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu và vui mừng đón nhận cha phó mới là Cha Phêrô Nguyễn Minh Trường đồng thời tổ chức mừng lễ quan thầy cha sở Vincentê Nguyễn Đình Tâm. Có khá đông quý cha và bà con giáo dân về tham dự sự kiện đặc biệt nầy của giáo xứ – Tam Hỷ (đón cha phó mới - khánh thành tượng đài thánh tâm CGS và bổn mạng cha sở). Đức Cha phó Matthêô đã thay mặt Đức Cha Chính Phêrô để thực thi văn thư bổ nhiệm cha phó trước sự hiện diện của cha sở Trường Cửu, quý cha và ban Chức việc giáo xứ Trường Cửu. Đức cha phó có đôi lời huấn dụ về tương quan cha sở, cha phó và bà con giáo dân để xin nâng đỡ cha phó mới. Cha Trường đang là phó xứ giáo xứ Phú Hữu, nay được Đức Cha chính Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm về làm phó xứ Trường Cửu. Cha Trường sẽ ở tại nhà thờ Trung Ái và mọi việc đều dưới sự điều hành của cha sở Trường Cửu Vincentê Nguyễn Đình Tâm.
Sau đó Đức Cha phó chủ sự nghi thức khánh thành và làm phép tượng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu vừa mới xây dựng xong. Trong nghi thức Đức Cha phó đã khen ngợi tinh thần sống đạo của bà con giáo dân giáo xứ Trường Cửu và đồng thời kêu mời mọi người sống Trung Thành yêu mến như ý nghĩa tên gọi của giáo xứ Trung Ái để làm gương cho lương dân. Kết thúc nghi thức là vũ khúc vui tươi của các em thiếu nhi trong giáo xứ để mừng Tam Hỷ.
- Cha Luy Nguyễn Xuân Vũ đi làm phó xứ Phù Mỹ. Ngày 07/04/2011, Đức Cha phó Matthêô đưa cha Luy Nguyễn Xuân Vũ đi Phù Mỹ để làm phó xứ theo văn thư bổ nhiệm của Đức Cha chính giáo phận Phêrô Nguyễn Soạn. Cùng đi với Đức Cha có 9 linh mục, trong đó có 4 linh mục bạn cùng lớp với cha Vũ. Đức Cha phó gửi gắm cha Vũ cho cha sở Anrê Đinh Duy Toàn và cha đã vui vẻ tiếp nhận như người em để giúp đỡ nhau trong việc mục vụ và truyền giáo trên một địa bàn giáo xứ khá rộng gồm một giáo họ chính và 24 giáo họ xa xôi hẻo lánh. Cha sở Anrê đã tiếp đãi Đức Cha phó và phái đoàn một bữa ăn thịnh soạn và thân tình. Trước đây Cha Vũ đã thực tập mục vụ tại giáo xứ Đại Bình hơn một năm, sau đó được Đức Cha Phêrô phong chức linh mục vào ngày 10/12/2010 và sau hơn bốn tháng kể từ ngày chịu chức, nay Cha Vũ được bổ nhiệm về làm phó xứ Phù Mỹ.
- Tam nhật thánh và Đại Lễ Phục Sinh tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn. Từ chiều thứ Năm 21/04 đến chiều tối thứ Bảy 23/04/2011 trong tuần Thánh, tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn đã tổ chức trọng thể các nghi lễ tuần thánh do Đức Cha Phó Matthêô chủ sự. Từ chiều thứ Năm, lúc 17g15 Đức Cha đã chủ sự thánh lễ Tiệc Ly đầy ý nghĩa, khi chính Đức Cha cởi áo để rửa chân cho 12 chức việc của giáo xứ chính tòa. Trong bài giảng lễ Đức Cha cũng nêu những ý nghĩa sâu sắc của thánh lễ Tiệc Ly. Sau thánh lễ là các giờ chầu Thánh thể sốt sắng được 4 giáo họ giáo xứ thay phiên, phiên cuối do các chủng sinh chủng viện Qui Nhơn đảm trách, kết thúc sau 22g00 đêm. Thứ Sáu tuần thánh, cũng lúc 17g15 Đức Cha Phó cũng chủ sự nghi thức long trọng tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Sau Thánh lễ, giáo dân giáo xứ chính tòa tiếp tục hôn chân Chúa Giêsu khá đông, gần 21g00 mới kết thúc. Trong đêm vọng phục Sinh, Đức Cha phó chủ tế thánh lễ thật long trọng được tổ chức tại sân nhà thờ. Trong thánh lễ có rửa tội và thêm sức cho 11 tân tòng (9 nữ và 2 nam). Các nghi lễ đã diễn ra thật sốt sắng. Thánh lễ kéo dài gần 2 giờ 30 phút.
Sáng Chúa Nhật 24/4, 05g00 Đức Cha phó cũng chủ tế thánh lễ mừng đại lễ Phục sinh thật sốt sắng. Trong tam nhật thánh và lễ Phục Sinh Đức Cha phó đều có những bài giảng sâu sắc và đầy ý nghĩa thần học.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI.
- Tuần thánh và Phục sinh tại Quảng Ngãi. Tất cả các giáo xứ, giáo điểm đều cử hành lễ nghi Tuần thánh, đặc biệt Tam nhật Vượt qua và Đêm Canh thức Vượt qua với đông đảo giáo hữu tham dự, cả các giáo hữu ở rất xa nhà thờ đến 50-60 km. Những việc đạo đức như đọc kinh lễ đèn, đàng thánh giá đã trở thành truyền thống ở các giáo xứ với khá đông giáo hữu; các chức việc giáo xứ Kỳ Tân còn thay phiên nhau đọc 07 lời Chúa trối từ trưa thứ Bảy cho đến giờ Canh thức Vượt qua. Có vài giáo xứ còn tổ chức ăn chay tại nhà thờ để tiện đi đàng Thánh giá sau giờ phụng vụ. Trong Đêm Canh thức Vượt qua, một số giáo xứ đón nhận thêm thành viên mới vừa được lãnh nhận bí tích Thánh tẩy: giáo xứ Quảng Ngãi có thêm 11 tân tòng; giáo điểm Bình Hải có 15 thanh thiếu niên mà một nửa là gia đình cha mẹ chưa theo đạo, một nửa kia thuộc diện tái truyền giáo. Giáo điểm Bình Thạnh có khoảng 20 công nhân nhà máy lọc dầu Dung Quất tham dự Thánh lễ Đêm Canh thức Vượt Qua. Các giáo hữu công nhân ở miền ngoài này tập dượt trước những bài thánh ca và hát trong Thánh lễ. Và lần đầu tiên có Thánh lễ Phục Sinh (17g30 Chúa nhật) tại nhà nguyện giáo họ Phú Long thuộc giáo xứ Phú Hòa, ngôi nhà nguyện đã được phép Đức Cha Chính để đặt Nhà Tạm từ hơn một tháng nay.
- Thánh lễ đồng tế nhân ngày giỗ tổ tử đạo Bàu Gốc. Vào lúc 9g30 sáng thứ Tư trong Tuần Bát nhật Phục sinh, tại khuôn viên nhà thờ Bàu Gốc, bên cạnh ngôi nhà thờ nay chỉ còn trơ vơ khung sườn, Cha Hạt trưởng chủ tế Thánh lễ cùng với 06 Cha đồng tế: Cha Sở Bàu Gốc, Cha Phaolô Thọ DCCT, Cha Sở Kỳ Tân, Cha Giuse Hảo DCCT, Cha Giacôbê Mai và Cha Luy Trung. Có đông đảo giáo hữu thuộc giáo xứ Bàu Gốc, và giáo hữu đại diện các giáo xứ bạn. Khởi đầu bài giảng, Cha Phaolô Thọ cất tiếng hát câu đầu bài thánh ca “Trên đường Em-mau”, lấy ý từ Lc 24, 13 của bài Tin mừng, nhắc nhớ Đức Kitô Phục Sinh vẫn luôn hiện diện bên ta trong cuộc sống đời thường, “khi mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”, hẹn hò ta, trông mong ta đến gặp Ngài. Đi lễ là đến với Chúa bằng tình yêu như hai người yêu nhau, chứ không phải do sợ tội, bất đắc dĩ, sợ Chúa phạt. Chính vì đáp trả tình yêu Chúa mà các giáo hữu Bàu Gốc đã hiến thân chịu tử đạo.
Đây là dịp giỗ tổ hằng năm (vào ngày 20 tháng 3 âm trong tiết Thanh minh) các giáo hữu tử đạo vào rạng sáng ngày 16 tháng 7 năm 1885.  Trước Thánh lễ, các Cha đã cùng với giáo hữu đi viếng lăng mộ tử đạo và thánh địa tử đạo ở gần ngôi nhà thờ, và ngôi mộ Cha Hai (quen gọi) trong ngôi nhà thờ đó. Sau Thánh lễ tất cả ở lại cùng chung vui bữa cơm huynh đệ; và lần đầu tiên chính quyền xã Đức Phú đã cử đại diện (02 vị) đến tham dự ngay từ sáng sớm và tặng quà mừng lễ.

Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
- Tin vui Phục Sinh tại giáo xứ Tịnh Sơn. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Xứ Tịnh Sơn đã đón nhận 20 anh chị em dự tòng. Trong số này có 4 anh chị em người Kinh, số còn lại là anh chị em dân tộc Giarai. Họ ở rất xa Nhà Thờ (khoảng 30 km) nên từ 2 giờ chiều họ đã có mặt để tập nghi thức,chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận các bí tích khai tâm gia nhập đạo. Mỗi người đã đem theo một chiếc áo sơ mi trắng để mặc khi lãnh nhận bí tích. Cả gia đình cùng đi theo tham dự. Họ hân hoan vui mừng, có người đã nói rằng từ khi tin theo Chúa không còn phải lo cúng thần rẫy, thần sông, thần núi nữa… cũng không còn sợ ma lai, ma ó nữa…
“Cha nhỏ hơn con hai mươi tuổi”. Đang khi ban bí tích, cha sở nhìn xuống thấy có một người cha (đỡ đầu) nhỏ hơn con hai mươi tuổi. Cha chưa có gia đình mà con đã có hai cháu rồi. Lễ xong hỏi thì mới biết là vì thiếu người nên đành nhận vậy. Họ muốn người trong bản trong làng đỡ đầu cho nhau, giúp nhau sống đạo. Lễ xong, cha - con vui vẻ chúc mừng nhau. Sau Thánh lễ, tất cả cùng nhau dự tiệc mừng Chúa Phục Sinh và ra về kết thúc lúc 10 giờ.
Đây là danh sách các anh chị em tân tòng người Giarai: Matta So thi Gai, Matthêô Kpă Thi, Maria Rơ ô H’ Thôm, Phaolô Ksơr Nhan, Maria H’Ving Chắc, Phaolô Rơ ô Kă, Phanxicô Ksơr Hoa, Matthêô Kpă Heo, Maria Ksor Hchăc, Maria Ksor H’ Et, Phaolô Na Y Xuân, Maria Rahlan HBơm, Maria H Rok, Maria Rơ ô H’Buốt, Maria Rahlan H’Em. Đây là số những người lớn, con cái họ sẽ được rửa tội sau. Ngoài ra còn một số đông anh chị em dự tòng còn đang chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh năm sau.
- Phụng vụ phép rửa đêm Vọng Phục Sinh tại Tuy Hoà. Theo truyền thống ngàn đời của Hội Thánh Công Giáo, Phụng Vụ Đêm Canh Thức Vượt Qua - Đại Lễ Vọng Phục Sinh, bao giờ cũng diễn ra với một phần Phụng Vụ đặc biệt: phụng vụ Phép Rửa. Và trong chính phần Phụng Vụ nầy, tại rất nhiều nơi trên khắp thế giới, có nhiều anh chị em dự tòng được lãnh các bí tích Gia Nhập Kitô Giáo (Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể). Trong lễ Vọng Phục sinh năm nay, giáo xứ Tuy Hoà hân hoan vui mừng tiếp nhận 16 dự tòng vào lãnh các bí tích Nhập Đạo. Đây là những anh chị em dự tòng thuộc khoá giáo lý Dự Tòng 2/2010, bắt đầu thời gian chuẩn bị nhập đạo từ tháng 6/2010. Sau hơn 10 tháng học hỏi giáo lý, thực hành sống đạo, các anh chị em đã được linh mục chánh xứ và những người có trách nhiệm hướng dẫn nhập đạo trực tiếp cũng như gián tiếp chuẩn nhận cho được lãnh nhận các bí tích Gia Nhập Kitô Giáo, sau khi đã tiến hành tham dự các nghi lễ Phụng Vụ trong giai đoạn chuẩn bị.
Trong thánh lễ, cha giảng lễ đã chia sẻ về hành trình đức tin của mỗi người. Đức Kitô phục sinh đã hiện ra trong đời của mỗi người một cách khác nhau, kẻ trước người sau, tuỳ theo môi trường, ơn gọi, bản tính và ngay cả phái tính nữa. Điều quan trọng là ngay trong đêm Vọng Phục Sinh này, mọi người dầu được dẫn dắt qua những nẻo đường khác nhau, đã cùng nhau tụ họp lại để đón mừng tin vui phục sinh và cùng nhau ra đi để loan báo: “Chúa đã phục sinh! Allêluia!”.
-  Phép xây dựng nhà thờ Sông Hinh. Ngày 25/4/2011, UBND tỉnh Phú Yên với công văn số 941/UBND-VX đã cho phép xây mới nhà thờ Sông Hinh tại thị trấn Hai Riêng, theo đề nghị của sở Nội Vụ tại tờ trình số 133/SNV-TG ngày 18/3/2011.
Sông Hinh là giáo họ của giáo xứ miền núi Tịnh Sơn, cách thành phố Tuy Hoà 54 Km về hướng Tây. Địa bàn giáo xứ Tịnh Sơn có tổng diện tích là 1.187 Km2 (90% là rừng núi), bao gồm các xã: Krông-pa, Ea-chà-rang, Suối Trai, Sơn Phước, Củng Sơn thuộc huyện Sơn Hoà và huyện Sông Hinh. Số giáo dân hiện nay của giáo xứ Tịnh Sơn là 2.710 người với 6 giáo họ và một giáo điểm truyền giáo. Riêng giáo họ Sông Hinh hiện có 153 gia đình với 550 giáo dân sống rải rác trong địa bàn huyện Sông Hinh. Đây là số giáo dân từ các nơi đến lập nghiệp cùng với bà con dân tộc bản địa: Êđê, Bana, Chăm H’roi. Từ xưa đến nay, giáo dân Sông Hinh không có nơi tập trung sinh hoạt tôn giáo, không dự lễ Chúa Nhật thường xuyên được vì cách nhà thờ Tịnh Sơn quá xa, đường đi cách trở, lại thiếu phương tiện đi lại. Nay với việc xây dựng nhà thờ mới Sông Hinh, nhu cầu chính đáng của giáo dân Sông Hinh đã được đáp ứng. Xin chúc mừng giáo dân Sông Hinh và cha sở Giuse Lê Thu Thâu.        


Ø  TIN DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
- Hoạt động xã hội. Vào ngày 14.4.2011, ban xã hội và y tế của Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn cùng với Cha Antôn Trần Liên Sơn – Chánh xứ Ngọc Thạnh và quý Chức Việc trong giáo xứ tất cả gồm 9 người đã đến Giáo họ Tân Lập thuộc Giáo xứ Ngọc Thạnh, nằm trên địa bàn thôn Bình Long, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định để khám bệnh, phát thuốc cho bà con dân nghèo kể cả người lớn lẫn trẻ em, không phân biệt lương hay giáo.
Chị em khởi hành từ Gò Thị lúc 06 giờ 30, sau gần hai giờ, đến địa điểm Trường mẫu giáo của thôn Bình Long. Đây là nơi có hơn 2/3 người dân là lương giáo, chỉ 1/3 người công giáo. Dân chúng trong vùng đa số nghèo khổ, sống lam lũ với đất rẫy nương rừng. Đây là lần thứ hai, chị em MTGQN đã trở lại sau đợt cứu trợ năm 2009.
Từ sáng sớm, sân trường mẫu giáo chật ních người. Chị em miệt mài bắt tay vào công việc khám bệnh, phát thuốc cho 500 người dân, theo số phiếu qui định sẵn. Ngoài ra, một số đông không có phiếu cũng được chị em tận tình phục vụ.
Nhìn thấy nhu cầu cần thiết của đồng bào, cha sở, giáo chức cũng như chị em quên cả mệt nhọc… chỉ mong đem lại chút niềm vui cho dân nghèo.
- Đón các nữ tu Mến Thánh Giá Thái Lan. Ngày 27.4.2011, vào lúc 08g30, Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã có buổi đón tiếp phái đoàn Mến Thánh Giá Chanthaburi Thailand đến thăm. Đoàn gồm 40 nữ tu, trong đó có Chị Tổng Phụ trách, 2 Chị Tổng Cố vấn, Chị Tổng Thư ký và 36 chị em. Mục đích cuộc thăm viếng này là để hiểu biết, làm quen, chia sẻ kinh nghiệm sống đời tu và huấn luyện, mở một hướng để chiêu mộ ơn gọi. Vì hai, ba năm nay Hội dòng không có ơn gọi mới.
Chị Phó Tổng Phụ trách Maria Võ Thị Tuyết thay mặt Hội dòng nói lời chào mừng thân thiện, Chị giới thiệu đôi nét lịch sử Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn và hiện tình nhân sự của Hội dòng. Chị Tổng Cố vấn Josse Marie Nguyễn Thị Phước kiêm Phụ trách Cộng đoàn Nhà Mẹ nói lên tâm tình hân hoan, vui mừng, biết ơn và quý mến đối với các chị em Mến Thánh Giá Thái Lan. Trong tinh thần của những người con cùng một Đấng Sáng Lập – Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte, mong ước chị em Mến Thánh Giá ngày một hiệp nhất hơn trong tình yêu Đấng Chịu Đóng Đinh và cùng nhớ nhau trong lời nguyện vào mỗi thứ Sáu hàng tuần. Chị cầu chúc đoàn tiếp tục hành trình được bình an, gặt hái nhiều niềm vui và đạt được mong muốn trong ý nghĩa đón mừng Chúa Phục Sinh.
Mẹ  Rosalind Sriprai Krathong - Tổng Phụ trách Mến Thánh Giá Thái Lan đáp lời chào thân thiện, vui mừng được gặp nhau nơi đây. Sau buổi điểm tâm với những món ăn dân giã rất Việt Nam, các chị đi thăm Nhà Tổ Gò Thị, Đài tưởng niệm nơi làm việc của thánh Giám mục Stêphanô Thể tại Nhà Chung Gò Thị và đền thánh Stêphanô Vĩnh Thạnh. Chị em chia tay nhau và tiếp tục cuộc hành trình về hướng Bắc.


Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

CHIẾC ĐÒN GÁNH TRONG VĂN HOÁ VIỆT NAM



HỮU NGỌC

Vừa đến một thành phố Việt Nam, nhà văn Mỹ E.Shillue đã vội ghi vào sổ tay một cách hứng thú: “Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất ở phương Đông - cái đòn gánh. Bà nhẹ nhàng nhún nhảy bên phải bên trái đi ra khỏi ngõ” (Đất nước - NXB Đại học Massachusetts - 1997). Thời nước ta sống dưới chế độ thực dân Pháp, nhiều nhà văn Pháp trìu mến miêu tả những hàng phụ nữ nông thôn nối nhau gánh rau quả đi bán ở ven đê.
 Hình ảnh thật là đẹp, lạ mắt đối với người ngoại quốc hiếu kỳ.
Trong tiềm thức sâu lắng của cộng đồng người Việt, chiếc đòn gánh bằng tre gợi lên cuộc sống hàng ngày của người nông dân truyền thống, niềm vui, và nhất là nỗi buồn, đặc biệt là nỗi đau khổ âm thầm, lòng can đảm, tính chịu đựng và đức hy sinh của những người vợ, người mẹ, người bà thuộc các thế hệ kế tiếp nhau trong lịch sử.
Nước ta thuộc về nền văn minh lúa nước. Bờ ruộng rất hẹp, đường làng lại nhỏ, vì vậy đòn gánh là phương tiện chuyên chở phù hợp nhất. Nguyên liệu làm đòn gánh dồi dào nhất là tre. Các nhà thực vật học cho biết, châu Á là nơi lúa trồng nhiều nhất và tập trung nhất trên thế giời, diện tích tre mọc cũng gần bằng diện tích trồng lúa.
Từ ngày đưa ra phòng trào “giải phóng đôi vai”, đòn gánh vẫn còn là công cụ chuyên chở chính của 80% số dân (sống ở nông thôn).
Có được chiếc đòn gánh tốt và thích hợp với công việc cụ thể cũng công phu lắm. Theo anh bạn Thanh Hào, một nhà thơ rất gắn bó với nông thôn cổ truyền, phải “tìm cây tre không cần to lắm, không cộc ngọn, không bị kiến làm tổ trong ống. Đó là đoạn tre gốc, phải có đốt đều nhau. Đoạn tre gốc ấy, dóng dài thì bảy đốt, dóng trung bình thì chín đốt… Mọi người kiêng đòn gánh có đốt chẵn, đòn gánh vênh, đòn gánh có đầu mặt vào giữa vai. Các bà các cô quan niệm rằng: đòn gánh chẵn đốt thì không có lộc buôn, lộc bán. Đòn gánh vênh, ngoài sự nghiến vào vai, đau vai, còn gặp nhiều chuyện không hay. Còn đòn gánh có đầu vào mặt giữa vai, gian nan vất vả.
Dầu đòn gánh có đốt chẵn hay đốt lẻ, vênh hay thẳng, có đầu mặt vào giữa hay không thì bao giờ, từ xưa đến nay cũng là:
Đòn gánh tre chín rạn hai vai” (Nguyễn Du)
 Dân thành phố chúng ta mỗi lần đi gánh đất lao động xã hội chủ nghĩa độ hơn chục cân một chặng ngắn, hay đi lấy gạo hồi kháng chiến chống Pháp, chắc ít cảm tình với “ông đòn gánh”. Vậy mà các bà các chị gánh hai chục, ba chục cân, hàng ngày đi mấy chục cây số, chạy chợ hết ngày này sang ngày khác, hết đời nọ sang đời kia.
Đòn gánh và đôi quang là biểu tượng tình nghĩa vợ chồng (không thể đứt gánh giữa đường), sự đảm đang của người vợ “gánh vác giang sơn nhà chồng”.
Đòn gánh còn có mặt trong suốt cuộc đời con người ở nông thôn: đi chợ, làm nhà, gánh lễ vật lễ tết, đám cưới, đòn đám ma. Cũng đừng quên là đòn gánh đã đóng góp có hiệu quả vào việc chống ngoại xâm: gánh quân sĩ Quang Trung Bắc tiến …

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

TOÁN THƠ, THƠ TOÁN TRONG DÂN GIAN



TS. Nguyễn Vĩnh Tráng


Có những người không thích Toán cho mấy, nên đã phán rằng Toán Học là khô khan, vì những đẳng thức, phương trình gồm toàn những ký hiệu cộng trừ nhân chia…, thậm chí có cả ký hiệu , $cùng  những số và chữ cái a, b, c, x, y, z, a, b, d, e, l, m, cùng với những danh từ kỹ thuật, nếu không học Toán, thì không biết đến, như « Nhóm », « Vòng » « Thân »… Có lẽ vì vậy mà những người yêu Toán lại đặt ra những bài thơ nhí nhảnh để giới thiệu những bài toán vui, hay để tỏ con tim của họ cũng rung động « không biết mấy chu kỳ » trước một sắc đẹp, trước một bài văn hay, trước một câu thơ tuyệt tác…
Những bài Toán Thơ, Thơ Toán trong dân gian và những tác phẩm của những người yêu Toán đã chứng minh điều đó.
Thơ Toán trong dân gian, cũng như Ca Dao, Tục Ngữ là những bài, những câu thơ tuyệt tác, khó mà trau chuốt lại được, nếu không muốn mất đi tính chất bình dân và độc đáo của chúng. Cũng như Ca Dao, Tục Ngữ, Thơ Toán Bình Dân đã trải qua thời gian, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác; đã trải qua không gian, từ miền nầy qua miền khác, nên đã được dân gian sửa chữa để biến thành kiệt tác bất hủ; và cũng vì vậy Thơ Toán cũng như Ca Dao, Tục Ngữ không có tác giả, mà tác giả là toàn thể đại chúng của các thế hệ trước.
Chúng ta hãy nghe một câu Đố Ca Dao:
Mặt em phương tượng chữ điền,
Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài.
Lòng em có đất, có trời,
Có câu nhân nghĩa, có lời hiếu trung.
Dù khi quân tử có dùng,
Thì em sẽ ngỏ tấm lòng cho xem.
Tục Ngữ – Phong Dao. Nguyễn Văn Ngọc. (Mặc Lâm. Yiễm Yiễm Thư Quán. Sàigòn 1967)
(Đáp : Cuốn Sách).
Và một bài thơ Toán Dân Gian, cũng là một câu Đố Ca Dao nhí nhảnh :
Yêu nhau cau sáu bổ ba,
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.
Mỗi người một miếng trăm người,
Có mười bảy quả hỏi người ghét yêu.
 Nguyễn Trọng Báu – (Giai thoại chữ và nghĩa)
 (Ý bài toán : Có tất cả 17 quả cau được chia ra làm hai phần. Mỗi quả trong phần thứ nhất được bổ ra làm 3 miếng. Mỗi quả trong phần thứ hai được bổ ra làm 10 miếng. Có tất cả 100 người, mỗi người chỉ ăn một miếng. Hỏi có mấy người ăn được cau bổ ba, mấy người ăn được cau bổ mười.) (Đáp : 30 người ăn cau bổ ba, 70 người ăn cau bổ mười).
 Trong bài viết nầy, tôi chỉ cho đáp số, mà không cho lời giải, cách giải, vì thấy nó vô duyên, không hợp với đề tài chính là Thơ Toán trong Dân Gian. Mặt khắc, một số lớn độc giả đã không sử dụng Toán Học cả hàng chục năm và cũng có một số độc giả không theo đuổi Toán học, vì vậy mà tôi không muốn buộc độc giả vào những kỷ thuật Toán Học vô ích. Vả chăng, muốn giải những bài Thơ Toán trong bài viết nầy, chỉ cần có trình độ Trung học.
 Chúng ta tiếp tục với những bài Thơ Toán Dân Gian tinh nghịch, trào lộng và đôi khi cả trử tình…
 Một câu Ca Dao nói một chàng trai tỏ tình. Lời rất bâng quơ, hư hư thực thực
Đường đi thì thật là xa,
Mượn mình làm mối cho ta một người.
Một người mười tám đôi mươi,
Một người vừa đẹp, vừa tươi như mình…
Nếu cô nàng ưng ý, thì e lệ thưa :
Anh đà có vợ con chưa ?
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.
Mẹ già anh ở nơi nao ?
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
Chẳng tham nhà ngói rung rinh,
Tham về một nỗi anh xinh miệng cười.
Miệng cười anh đáng mấy mươi,
Chân đi đáng nén, miệng cười đáng trăm…
 Nhưng nếu cô nàng không vừa ý, thi đanh đá, giễu cợt để tỏ khéo sự từ chối của mình :
Bao giờ cho chuối có cành,
Cho sung có nụ, cho hành có hoa (1).
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,
Sáo đẻ dưới nước thì ta theo mình…
 Văn Học Việt Nam. Phạm Văn Diêu. (Tân Việt Sàigòn 1960).
(1) Thật ra, cây hành để già thì có hoa.
 Hay cô nàng có thể cắc cớ, ra một bài Thơ Toán :
Em là con gái nhà nghèo,
Mẹ cha chết hết, nằm queo một mình.
Nhà em vách lá lợp mành,
Trời mưa nhà dột, ướt mình loi ngoi.
Láng giềng có kẻ sang chơi,
Thương tình mới rủ mọi người giúp không.
Xây lầu, hồ nước, vườn bông,
Muối dưa sá quản miễn lòng thảo thơm.
Ba người ăn một bát cơm,
Bốn người ăn đĩa mắm thơm muối cà.
Bát đĩa em đã dọn ra,
Ba trăm một cái (301), làm nhà mấy ông ?
Tiếng chàng ăn học đã thông,
Nếu mà đáp trúng, em xin … theo không chàng về.
 Kiến Thức Ngày Nay. 1997.
 Bài Toán Dân Gian rất hay về mặt văn chương, cũng như về mặt ý thức, không kém câu Ca Dao trên. Bài rất nhí nhảnh buộc người muốn giải phải suy nghĩ nhiều.
(Ý bài toán : Có một số người xây nhà. Cứ ba người ăn một bát cơm và cứ bốn người ăn một đĩa mắm. Số bát đĩa cả thảy là 301 cái. Hỏi có tất cả mấy người xây nhà). (Đáp : 516 người).
 Một câu Đố Ca Dao :
Hai anh mà ở hai buồng,
Không ai hỏi đến, ra tuồng cấm cung.
Đêm thời đóng cửa gài chông,
Ngày thời mở cửa lại trông ra ngoài.
 Tục Ngữ – Phong Dao. Nguyễn Văn Ngọc (Mặc Lâm. Yiễm Yiễm Thư Quán. Sàigòn 1967)
(Đáp : Hai con mắt).
 Một câu Thơ Toán :
Vừa gà vừa chó,
Bó lại cho tròn.
Ba mươi sáu con,
Một trăm chân chẵn.
(Bạn bè trao cho nhau lúc học Trung học tại Huế).
(Ý bài toán : Gà và chó có tất cả 36 con. Nếu đếm chân gà lẫn chân chó, thì có tất cả là 100 cái. Hỏi có mấy con chó và mấy con gà). (Đáp : 14 con chó và 22 con gà).
 Hay :
Trâu đứng ăn năm.
Trâu nằm ăn ba.
Lụm khụm trâu già,
Ba con một bó.
Trăm trâu ăn cỏ.
Trăm bó no nê.
Hỏi đến giảng đề,
Ngô nghê như điếc.
(Bạn bè trao cho nhau lúc học Trung học tại Huế.)
Bài toán không khó. 3 ẩn số phải có 3 điều kiện độc lập. Phần nhiều 3 điều kiện độc lập được dựng bởi 3 phương trình độc lập. Cái « Ngô nghê như điếc » ở đây là chỉ có 2 điều độc lập có thể dựng  bởi 2 phương trình độc lập, còn điều kiện thứ ba không phải là một phương trình mà là số nguyên dương mà nhiều người không để ý đến.
(Ý bài toán : Có một trăm con trâu ăn hết một trăm bó cỏ. Mỗi con trâu đứng ăn đưọc năm bó. Mỗi con trâu nằm ăn được ba bó và ba con trâu già thì chia nhau chỉ ăn đưọc một bó. Hỏi có bao nhiêu con trâu đứng, bao nhiêu con trâu nằm và bao nhiêu con trâu già).
(Đáp : 4 trâu đứng, 18 trâu nằm, 78 trâu già;  hay 8 trâu đứng, 11 trâu nằm, 81 trâu già; hay 12 trâu đứng, 4 trâu nằm, 84 trâu già ).
Hay :
Mùa xuân nghe tiếng trống thì thùng,
Người ùa vây kín cả đình đông.
Tranh nhau đánh đấm đòi mâm lớn,
Tiên chỉ hò la để chỗ ông.
Bốn người một cỗ thừa một cỗ,
Ba người một cỗ bốn người không.
Ngoài đình chè chén bao người nhỉ,
Tính thử xem rằng có mấy ông?
Nguyễn Trọng Báu – (Giai thoại chữ và nghĩa).
 (Ý bài toán : Đề bài thơ đã rõ). (Đáp : 40 người).
Đôi khi còn có Thơ Toán Dân Gian bằng chữ Hán, như giai thoại sứ Việt giải toán vua Trung Quốc :
             
  ,  ,   
           
           
Nhất chích, nhất chích hựu nhất chích
Tam tứ, ngũ lục, thất bát chích
Phượng hoàng hà thiểu, điểu hà đa
Thực tận nhân gian thiên vạn thạch.
Một con, một con, lại một con
Ba bốn, năm sáu, bảy tám con
Phượng Hoàng sao ít, Sẻ sao nhiều
Ăn của nhân gian nghìn vạn hộc.
Nguyễn Trọng Báu – (Giai thoại chữ và nghĩa). (Ý bài toán : Có một bức tranh thêu 100 chim Sẻ và một con Phượng Hoàng. Vua Trung Quốc truyền Sứ Việt đặt toán ra mà tính cho được số 100 chim Sẻ và 1 Phượng Hoàng).
(Đáp : 1 + 1 + 1 = 3; (3 x 4) + (5 x 6) + (7 x 8 ) =  98; 3 + 98 = 101; 100 chim  Sẻ và 1 Phượng Hoàng).

Hay bài giai thoại « Điểm Binh của Tôn Tử » :
           
        廿   
           
             
Tam nhân đồng hành thất thập hy,
Ngũ thụ mai hoa trấp nhất chi,
Thất tử đào viên thu bán nguyệt,
Cọng (cộng) trừ bách linh ngũ, định vi kỳ.
 Tạm dịch :
Ba người cùng đi đường, thì vui gấp bảy mươi lần,
Năm cây hoa Mai có hai mươi mốt nhánh,
Bảy chàng dạo chơi vườn Đào vào giữa tháng của mùa Thu,
Thêm hay bớt một trăm lẻ năm để định đáp số.
(Bạn bè trao cho nhau lúc học Trung học tại Huế)
Tôi để hai chữ « Tôn Tử » trong dấu ngoặc kép, vì tôi không có tài liệu nào trong tay để quyết đoán bài thơ « Điểm Binh » trên là của Tôn Tử.
 (Ý bài nầy là « Tôn Tử » biết chừng chừng số binh của mình. Muốn biết số binh, thì :
- Làm dấu hiệu thứ nhất  – như phất một lần cây cờ – thì cứ 3 người lính đứng lại thành một nhóm, số lính còn lại không lập được một nhóm là 0, 1 hoặc 2 người ; số nầy sẽ nhân với 70.
- Làm dấu hiệu thứ hai, thì cứ 5 người lính đứng lại thành một nhóm, số lính còn lại không lập được một nhóm là 0, 1, 2, 3 hoặc 4 người ; số nầy sẽ nhân cho 21.
- Làm dấu hiệu thứ ba, thì cứ 7 người lính đứng lại thành một nhóm số lính còn lại không lập được một nhóm là 0, 1, 2, 3, 4, 5 hoặc 6 người ; số nầy sẽ nhân cho 15.
Cọng tất cả 3 số vừa được nhân ở trên, và nếu cần thì cọng thêm, hoặc trừ ra 105, để được số binh.).
 Ví dụ : Số binh là 437, và « Tôn Tử » biết chừng chừng là khoảng 400.
- Nếu sắp 3 người thành một nhóm, thì lẻ ra 2 người,
- Nếu sắp 5 người thành một nhóm, thì lẻ ra 2 người,
- Nếu sắp 7 người thành một nhóm, thì lẻ ra 3 người.
Và :  (2 x 70) + (2 x 21) + (3 x 15) + 105 + 105 = (140 + 42 + 45) + 210 = 227 + 210 = 437.
Đây cũng chỉ là Phép Chia Euclide (1) về Số Học trong Tập Hợp Số Nguyên Z. Vậy ta có thể thay những số 3, 5, 7; 70, 21, 15; 105, trên, bằng những nhóm số khác như 2, 3, 5; 15, 10, 6; 30; hay 3, 5, 11; 55, 66, 45; 165 ; vân vân, nhưng theo tôi nhóm số 3, 5, 7; 70, 21, 15; 105 trên  vẫn đơn giản hơn nhiều.
Ví dụ với nhóm số 2, 3, 5; 15, 10, 6; 30 :
Cũng lấy số binh trên 437.
- Nếu xếp 2 người thành một nhóm, thì lẻ ra 1 người,
- Nếu xếp 3 người thành một nhóm, thì lẻ ra 2 người,
- Nếu xếp 5 người thành một nhóm, thì lẻ ra 2 người.
Và (1 x 15) + (2 x 10) + (2 x 6) + (13 x 30) = (15 + 20 + 12) + 390 = 47 + 390 = 437.
Ở đây 47 phải cọng thêm 13 lần 30, (13 x 30 = 390).
Và bài thơ « Điểm Binh » có thể như sau (do tôi dựa vào bài trên mà đặt ra) :
Song phi đồng hành thập ngũ hy,
Tam thụ mai hoa hữu thập chi,
Ngũ tử đào viên thu lục nguyệt,
Cọng, trừ tam thập định vi kỳ.
 Dịch :
Vợ chồng cùng đi với nhau, thì vui mười lăm lần hơn,
Ba cây hoa Mai có mười nhánh,
Năm chàng dạo chơi vườn Đào vào tháng sáu,
Thêm hay bớt ba mươi để định đáp số.
 Hay với nhóm số 3, 5, 11; 55, 66, 45; 165 :
Cũng lấy số binh trên 437.
- Nếu xếp 3 người thành một nhóm, thì lẻ ra 2 người,
- Nếu xếp 5 người thành một nhóm, thì lẻ ra 2 người,
- Nếu xếp 11 người thành một nhóm, thì lẻ ra 8 người.
Và (2 x 55) + (2 x 66) + (8 x 45) – 165 = (110 + 132 + 360) – 165 = 602 – 165 = 437.
Nếu bài « Điểm Binh của Tôn Tử » đã có từ thời Tôn Tử, khoảng năm 550 trước Công Nguyên, thì trình độ Toán Học của người xua quả đã là cao lắm.
(1) : Theo một số nhà Toán Học hiện đại Euclide (Εκλείδη) là tên một nhóm Toán Học gia ở Alexandrie, vào khoảng năm 300 trước Công Nguyên, cũng như Nicolas Bourbaki là tên của nhóm Toán Học gia nguời Pháp lập tại Besse-et-Saint-Anastaise (Besse-en-Chandesse) vào năm 1935.  
 Đây chỉ là một vài bài Thơ Toán Dân Gian, tất nhiên còn cả hàng trăm hàng ngàn bài khác. Ngoài ra còn có những người dùng danh từ Toán Học để làm thơ. Trong những bài dưới đây, tôi viết đậm những danh từ Toán Học để nhận thấy rõ ràng.
 Ở trên mạng internet có rất nhiều, như :
Phương trình nào đưa ta về chung lối
Định lý nào sao vẫn mãi ngăn đôi
Biến số yêu nên tình mãi hai nơi
Điểm vô cực làm sao ta gặp được
Vô danh, tìm được trên mạng Internet.
 Lúc tôi còn học ở Quốc Học, các bạn đã chép cho một bài thơ rất nỗi tiếng thời bấy giờ ở Huế. Chuyện là có một đàn anh tên « Khiết » (có lẽ là bút hiệu) học cùng trường đã « si » một « O » cùng lớp tên « Cầm » (Cầm   nghĩa là Đàn trong tiếng Việt) đã dùng danh từ Toán Học làm bài thơ rất trữ tình :
Tình Toán Pháp
Hởi Đàn (1) ơi ! qủy tích của âm thanh,
Thuở song song trong khung cảnh bình hành (2),
Trong không gian đồng quy âu yếm hẹn.
Hai ta là một đẵng thức e thẹn,
Sống bên nhau hai vế một phương trình,
Đợi ngày anh sung sướng chứng minh,
Anh nhớ em muôn đời làm định lý.
Phần phản đề, xin em đừng đảng trí (3),
Lại gần đây dù một ép-xi-lon. (epsilon) (4)
Ở bên kia giới hạn anh buồn,
Anh thường liên tục nói luôn,
Số em âm, em ngại gì vô tỷ (5),
Cực (6) lòng anh là một kẻ tình si,
Tim anh rung không biết mấy chu kỳ
 Yết-Khanh (lái lại thành Anh Khiết).
(1) rất tế nhị, không muốn gọi thẳng tên Cầm mà chỉ gọi Đàn, cho khỏi đường đột.
(2) học cùng một lớp.
(3) định lý : « anh nhớ em muôn đời ». Phản đề : « em nhớ anh muôn đời ».
(4) số vô cùng nhỏ.
(5) mượn danh từ Toán, nhưng ở đây có ý nói không cần tỷ mẩn (e dè từng chi tiết nhỏ) ?
(6) mượn danh từ Toán, nhưng ở đây có nghĩa là khổ tâm.
Hay một bài kém hơn nhiều, nhưng do một học sinh 14 tuổi, lớp Đệ Ngũ (lớp8) trường Trung Học Đện Nhất Cấp Bồ Đề ở Huế làm ra :
Tình Hoa Toán
Ai định nghĩa được lệ hoa man mát,
Xoay chiều nào cho thuận mối tình ta.
Biên thiên gì để hiểu cảnh bao la,
Để giải đáp phương trình ai vương vấn.
toạ độ, đùng cho hoa chất lớp,
Hảy xoay chiều cho hoa đẹp muôn phương.
Hảy đồng quy ôi đôi má màu hường,
Hảy rút gọn đừng triệt tiêu, hoa nhé !
Hoa với tóc là hai đường giao tuyến,
Môi mỉm cười, em vẻ một cung vui.
Đường về xa, vô tận lắm bùi ngùi,
Không gian đấy, thời gian đây chấn động.
Kết hợp lấy để anh đừng vỡ mộng,
Em mơ màng, tung độ biến thiên anh.
Hổn hợp đi bao giấc mộng an lành,
Tình vô nghiệm là tình hoa bất diệt.
Nùng-Lan.
Độc giả còn cho những người yêu Toán Học là « khô khan » nữa chăng ?

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

HIỆN TƯỢNG “ĂN” TRONG TIẾNG VIỆT


Chu Việt

Trong các chức năng sinh lý cơ thể giúp nuôi sống con người để tồn tại và sinh sôi trên mặt đất này, ăn uống có lẽ chiếm địa vị quan yếu hàng đầu. Không ăn uống con người không thể sống. Thở cũng quan trọng, có khi còn hơn cả ăn uống, vì người ta có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng nhịn thở chỉ được vài phút. Tuy nhiên, tạo hóa dường như đã sắp đặt để cho con người một nguồn cung cấp gần như vô tận về khí trời và nước uống mà không cần phải trả giá hay chỉ trả giá rất ít. Duy chỉ có miếng ăn là con người phải vất vả lao động hay đấu tranh mới có. Thành thử, kể từ thuở còn “ăn lông ở lỗ”, mối quan tâm thường trực của xã hội loài người bao giờ cũng là miếng ăn, và dưới bất cứ hình thức văn minh, kỹ thuật nào, dù là lượm hái, săn bắt, nông nghiệp, hay kỹ nghệ, hoạt động căn bản của con người trước hết bao giờ cũng hướng vào mục đích kiếm ăn.      


Vì tính cách quan yếu và cơ bản của nó đối với đời sống con người từ thuở ban sơ, “ăn” chắc hẳn phải là một trong những ý niệm đầu tiên có mặt trong sự hình thành của ngôn ngữ khi con người bắt đầu sống quần tụ và có nhu cầu trao đổi, tìm hiểu nhau.      
Có lẽ rất ít người Việt chúng ta để ý đến sự kiện “ăn” là một từ bao hàm nhiều nghĩa nhất và cũng được sử dụng nhiều hơn cả trong sự cấu thành các từ ngữ, thành ngữ, hay tục ngữ có liên quan hay không đến ăn, hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là bỏ thức ăn vào miệng, nhai và nuốt. Các văn liệu phổ thông hiện đại mà ta có đã chứng minh sự kiện này. “Việt Nam Tự Điển” của hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản tại Hà Nội năm 1930 — một công trình sưu tập có giá trị lịch sử về ngữ vựng tiếng Việt — đã liệt kê 12 nghĩa khác nhau của từ “ăn” và hàng trăm thí dụ văn liệu có liên hệ với “ăn” trong hơn năm trang. Các từ điển tiếng Việt khác, như của Đào Văn Tập hay Nguyễn Văn Khôn, cũng dành một số trang đáng kể cho từ “ăn”. Gần đây, cuốn “Tự Điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn Ngữ Học Hà Nội cũng đã minh hoạ vị trí ưu thế của từ “ăn” qua 12 nghĩa khác nhau của từ này và liệt kê những từ ngữ và thành ngữ hiện đại có liên quan đến “ăn” trên bốn trang giấy. Sau hết, cuốn “Tục Ngữ Phong Dao” (1 và 2) của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – một nổ lực sưu tập coi như đầy đủ nhất từ xưa đến nay – đã liệt kê gần 200 tục ngữ và ca dao bắt đầu bằng tiếng “ăn”, và nếu ta kể cả những ca dao hay tục ngữ khác có tiếng “ăn” ở trong thì thật không ngờ tổng số lại lên tới gần một phần mười của tất cả cái kho tàng văn học dân gian này. Đó là một sự kiện mà tôi chắc ai cũng phải đồng ý là rất khác thường, không cứ trong tiếng Việt mà trong bất cứ ngôn ngữ nào.      
Câu hỏi đến ngay với ta là: tại sao từ “ăn” lại trở nên một thành phần quan trọng đến thế trong tiếng Việt? Trong các ngoại ngữ Tây phương mà nhiều người Việt am hiểu tường tận như tiếng Anh và tiếng Pháp, tuyệt nhiên ta không thấy sự phổ biến của ý niệm “ăn”. Chỉ có người Trung Hoa mới quan tâm nhiều đến ăn uống, chẳng hạn, ở những vùng quê, họ thường chào hỏi nhau bằng câu “ăn cơm chưa?” (chih fan le mei yu?’), và ai cũng biết rằng ở bất cứ xó xỉnh nào trên thế giới, ở đâu có người Trung Hoa là ở đó có tiệm ăn. Có điều hơi khác với người Việt là họ ít dùng ý niệm “ăn” (thực {chih}) trong những từ ngữ đáng lẽ phải có ý niệm này; ví dụ họ gọi tiệm ăn là “ phạn điếm” hay “ tửu điếm”. Phạn điếm cũng không có “ thực khách” và “ thực đơn” mà chỉ có “ khách viên” và “ thái đơn”. Tiếng phổ thông Trung Hoa cũng có những từ như “ thực khổ” (đau khổ), “ thực ngôn” ( nuốt lời), “ thực lực” ( khó khăn), “ thực hương” ( nổi tiếng), và những thành ngữ như “ thực bất trú” ( quá sức), “ thực bế phạn” (vô công rồi nghề), “ thực cổ bất hóa” (bảo thủ, ngoan cố), “thực ngôn bất hóa” (trí thức nửa vời), v.v…(*) trong đó từ “thực” (ăn) được dùng với nghĩa bóng, nhưng số từ ngữ này hình như không thể nhiều như tiếng Việt. Do đó, ta có thể coi sự vận dụng ý niệm “ăn” vào việc mô tả tính tình, tâm lý, cách cư xử của con người trong những khía cạnh và tình huống khác nhau của đời sống là một hiện tượng đặc biệt, có thể coi như độc đáo, của ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam.     
Trước hết hãy xét đến “ăn” với nghĩa đen của nó. Hàng ngày chúng ta “ăn sáng” hay “ăn lót dạ”, “ăn trưa”, “ăn tối”, hoặc ở nhà hoặc đi “ăn hàng”, “ăn tiệm”, điều đó không có gì đáng nói. Thỉnh thoảng chúng ta được mời đi “ăn cỗ” hay “ăn tiệc” cũng là chuyện thông thường. Điều đáng nói là từ “ăn” khi được dùng ghép với những dịp vui mừng hay lễ lạc như “ăn Tết”, “ăn giỗ”, “ăn hỏi”, “ăn cưới”, “ăn khao”, v.v…làm ta có cảm tưởng người Việt mình thường lợi dụng bất cứ cơ hội nào để mà ăn uống. Đối với chúng ta, “ăn Tết” hay “ăn giỗ” chắc chắn có ý nghĩa tình tự nhiều hơn là cổ bàn hay bánh chưng, bánh tét, và “ăn hỏi” chỉ là một lễ nghi nhiều khi chẳng có ăn uống gì cả. Đối tượng của ăn uống là thực phẩm, cố nhiên, nhưng cũng có thể không phải là thực phẩm. Người dân quê nhiều khi dùng từ “ăn” thay cho “hút” trong câu nói “ăn điếu thuốc, uống miếng nước”, và “ăn” cũng có khi dùng thay cho “nuốt” như trong từ “ăn lời” (Kiều: “Nói lời rồi lại ăn lời như không”). Đi quá một bước nữa, ta thấy “ăn” với nghĩa mập mờ được dùng trong câu thành ngữ “ thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, nhưng ở đây “ăn” đã đi sang lãnh vực của nghĩa bóng.      
Ăn là quan trọng trong đời sống, nhưng đối với người Việt, phong cách ăn uống đôi khi còn quan trọng hơn. Ăn uống phải đàng hoàng , chững chạc: người tự trọng không thể “ăn bốc”, “ăn thừa”, “ăn chực”, “ăn tham”, nhất là không được “ăn vụng”, nghĩa là len lén ăn một mình một cách giấu diếm. Ở thôn quê, những nàng dâu mới thường hay mắc tật này, một phần vì sợ mẹ chồng, phần khác muốn chứng tỏ là mình không “ tham ăn” hay không phải là người chỉ biết “ăn hại” nhà chồng, cho nên nhiều khi phải “ăn vụng”. Nhưng thói đời “ăn vụng no lâu”, cho nên thân hình các cô càng ngày càng đẫy đà, mập mạp. Các bà mẹ chồng tinh đời khi kén vợ cho con vì vậy đã tránh xa: 
        “Những người béo trục, béo tròn,
         Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày”. 
       Một từ đặc biệt khác là “ăn dở”, ứng dụng cho người đàn bà mới mang thai thèm những chất khác thường mà, theo y học hiện đại, cơ thể lúc đó đang thiếu thốn. Thông thường thì khi có mang người đàn bà thích ăn những đồ chua, chát, thậm chí cả gạch ngói, và ta cũng đoán biết tại sao như vậy. Nhưng có khi họ ăn dở cả bằng hành thì thật là khó hiểu, chả lẽ cơ thể họ lại cần chất sắt đến như thế. Bởi vậy trong ca dao, cô gái xấu số mới phải buồn phiền: 
       “Mẹ em ăn dở bằng hành,
       Đẻ em mắt toét ba vành sơn sơn”.
        Ăn để sống, không ai sống để ăn. Những người trung thành với phương châm này thường là những người có nho phong hay Nho học trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Họ thường có cuộc sống thanh bạch có lẽ vì tính khí khái và biết tự trọng nên thường coi nhẹ miếng ăn hay miếng đỉnh chung. Những trường hợp treo ấn từ quan trong lịch sử không phải là ít. Vì thấm nhuần đạo lý thánh hiền, các nhà nho coi  “miếng ăn là miếng nhục” nểu chỉ vì miếng ăn mà phải bán rẻ đạo đức hay gia phong. Vì thế, các cụ thường quan niệm “miếng ăn quá khẩu thành tàn” và hay răn đe: “ăn một miếng tiếng để đời”, với ngụ ý khuyên con cháu phải giữ gìn tiết tháo hay phẩm hạnh để cuộc sống được thanh cao, trong sạch. 
       Trong những cách thế dùng từ ăn của người Việt, ta thấy từ nghĩa đen đến nghĩa bóng không có bao xa có lẽ vì sự hội ý hay liên tưởng quá gần gũi. “Ăn vụng” vì vậy còn được dùng để ám chỉ hành vi ngoại tình, lén lút, và “ăn gỏi” hay “ăn (sơi) tái”, ngoài nghĩa đen đi cùng với gỏi ( ví dụ gỏi cá), tái ( ví dụ thịt bò tái) là những món ngon lành, còn mang nghĩa lấn lướt, áp đảo một cách dễ dàng, ngon lành ví dụ “ Mày bé người, đụng đến nó thì cứ gọi là nó ăn gỏi ( hay sơi tái) mày đi” . Ta vẫn biết “ăn mặn” là nghịch nghĩa với “ăn chay” như trong câu tục ngữ “ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”, nhưng đến câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” thì rõ ràng ăn mặn không còn nghĩa đen nữa mà chỉ dùng để ám chỉ một hành vi bất chính, cái nhân trong luật nhân quả. Người Việt khi ma chay, khao vọng, hay có việc làng thường thổi xôi để cúng bái, đãi đằng, cho nên do liên tưởng, xôi cũng có nghĩa là miếng đỉnh chung (“xôi thịt”, “cố đấm ăn xôi”), và “ăn xôi” cũng có nghĩa là chết giống như “ăn đất” (Ca dao: “Bao giờ ông lão ăn xôi (chầu trời), thì em lại lấy một người trai tơ”). Những thí dụ khác của nghĩa bóng qua sự hội ý hay liên tưởng là : “ăn tiền” (hối lộ), “ăn bẩn” (nhỏ nhen, tham nhũng), “ăn sương” (đĩ điếm, trộm cắp), “ăn đong” (ít ỏi, lơ mơ), v.v… Khi ta nói một người nào “ tiếng Tây ăn đong”  chẳng hạn, thì ngoài nghĩa bóng lại còn thêm hàm ý, mỉa mai, khinh thị, hay châm biếm, cũng như khi ta chê một con buôn “ăn bẩn” hay một ông quan “ăn tiền” của dân. 
       Cả một nền luân lý cổ truyền đã được xây dựng, chẳng phải là với những ý niệm cao siêu, xa vời gì, mà chỉ trên căn bản những thành ngữ có gốc là tiếng “ăn” một ý niệm rất tầm thường. Để dạy con cái nên người, bậc cha mẹ thường nói: “ăn có nhai, nói có nghĩ”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ăn  có mời, làm có khiến”, “ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”, “ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành” v.v…Lòng trung thành và sự biết ơn tổ tiên thường được nhắc nhở qua những câu “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” “ăn cây nào rào cây ấy”, và “ăn miếng chả, giả miếng bùi”. Xa hơn nữa, nhân sinh quan của dân tộc cũng được biểu lộ đó đây qua những thành ngữ phản ảnh triết lý dân gian: “ăn vóc học hay”, “ăn mặn khát nước”, “ăn nhịn để dành”, “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”, “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Đó là những tư tưởng khôn ngoan, sáng suốt, những hạt minh châu sáng ngời trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Ngược lại, “ăn” cũng can dự vào những nét dung tục, sỗ sàng, đôi khi có tính cách chanh chua hay khôi hài của sắc thái văn hóa bình dân. Ta có thể kể qua những thành ngữ hay tục ngữ mang những nét dung tục như: “ăn chẳng bõ ỉa”, “ăn tục, nói phét”, “ăn lường, chơi quỵt”, “ăn hại, đái nát”, “ăn độc, chốc đít”, “ăn dơ không biết thối”, “ăn đầy bụng , ỉa đầy bờ”, “ăn thủng nồi trôi rế”, v.v. 
       Một nét độc đáo của văn hóa Việt có lẽ là việc sử dụng từ “ăn” trong sự chửi rủa. Tôi không biết có dân tộc nào khác làm như vậy không, nhưng gần gũi với ta hơn cả là người Trung Hoa cũng chỉ “thá má nị…(đ.m)” hay xúc phạm đến tổ tiên của nhau. Người Tây phương như Pháp, Mỹ mà ta quen thuộc khi tức giận chỉ đến nước văng tục hay rủa nhau bằng đồ nọ đồ kia (salaud, putain, jerk, son of a bitch,v.v.), hay sỗ sàng hơn thì thốt ra những lời xúc phạm đối phương có liên quan đến tính dục (fuck you, mon cul). Nhưng, cho nhau “ăn” những chất bài tiết của cơ thể (cứt, máu kinh nguyệt, nước đái) như người Việt thì không. Ngoài ra, theo tôi, có lẽ chỉ có người Việt mình, mà phần lớn là mấy bà nạ dòng, trong khi chửi rủa mới cho nhau “ăn” (hay những hình thức của ăn như: bú, liếm) cả cơ quan sinh dục của mình. Người ở đô thị có lẽ ít khi được nghe, nhưng ở thôn quê thì đó là chuyện cơm bữa. Nét văn hóa dân tộc đặc biệt này bộc lộ cho ta thấy đôi điều về quan niệm tình dục của người Việt. Một là cơ quan sinh dục, nhất là của đàn bà, bị coi như thứ đồ dơ bẩn đồng hạng với các chất bài tiết của cơ thể. Hai là: mặc dầu vậy, sự phô trương cái giống của mình ra để sẵn sàng cống hiến nó cho đối phương thưởng thức không thể là một sự cấm cản (inhibition) về tâm lý như đối với một vài dân tộc khác. Có thể nói, về phương diện tình dục, người Việt cũng không đến nỗi quá bảo thủ, và đặc biệt người dân quê, vì không bị ràng buộc bởi giáo điều “nam nữ thụ thụ bất thân” của Khổng-Mạnh cho nên sống gần gũi với thiên tính và bản năng hơn. 
       Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, “ăn chơi”- trong đó có ăn uống rượu chè, và cờ bạc- trong dịp tết hay hội hè, đình đám là những dịp xả hơi đền bù cho sự vất vả quanh năm vì công việc đồng áng. Có lẽ do nếp sống đó mà từ “ăn” hay được dùng trong khi đánh cờ, đánh bạc. Khởi đầu có lẽ với nghĩa đen nhưng lâu dần “ăn” trở thành thắng hay được. Trong cờ tướng, khi chiếm được quân cờ nào của đối phương ta nói “ăn con xe”, “ăn con mã”, v.v…với ý nghĩa chiếm đoạt, thắng lợi. Trong bài bạc, ví dụ đánh tổ tôm, đánh chắn, hay xoa mạt chược, thì khi ta hỏi người ngồi cánh dưới: “ăn không? Không ăn thì bốc”, ăn lại có nghĩa thu nhận một cây bài cho thành phu để được tròn bài. Vì vậy ta có những từ như “ăn chắn”, “ăn cạ”, “ăn tôm”, “ăn lèo”, “ăn xuyên”, v.v…Tôi còn nhớ thuở bé hay có dịp xem đánh sóc dĩa những khi có hội hè đình đám. Trên chiếu bạc, trước khi mọi người đặt tiền, người cầm cái hay hồ lỳ thường rêu rao miệng dẻo quẹo: “Sấp một ăn một, sấp hai ăn hai, sấp ba ăn ba, sấp bốn ngửa tư, một đồng ăn bốn đồng. Mở này, mở này…”. Tuy ít tuổi, tôi cũng hiểu ăn đây có nghĩa là được, và sau này, tôi cũng biết thế nào là “ăn già”, “ăn non”, hay “ăn gian” trong cờ bạc. Ý niệm “ăn thua” sơ khởi của những cuộc đỏ đen dần dà áp dụng cho cả những sự ganh đua, tranh chấp, hay so sánh ngoài đời. Nó đã biến thành vài nghĩa khác như ta dùng hiện nay, ví dụ: “ việc ấy ăn thua ( liên can) đến tôi “ hay ”nó đã cố gắng, nhưng chả ăn thua (hiệu quả) gì”, và cũng đưa tới từ “ăn đứt”, nghĩa là hơn hẳn (Kiều: Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”). 
       Từ những nghĩa bóng phong phú, đa dạng “ăn” được thăng hoa và sử dụng như thành phần của những ý niệm căn bản khác trong tình tự và triết lý nhân sinh của dân tộc. Ghép với một vài từ khác, đặc biệt là “nói”, “ở”, “ngồi”, “nằm”, “làm”, là những tư-thế ở-đời của con người, “ăn” không còn nghĩa nguyên thủy của nó nữa, dù đen hay bóng, mà đã hòa quyện cùng từ kia để biến thành một ý niệm mới, y hệt một tổng hợp hóa học mầu nhiệm mà công thức là từ kép. “Ăn nằm” chỉ có nghĩa là sự chung đụng xác thịt, “ăn ở” chỉ có nghĩa là sinh sống, cư xử (ăn ở cho phải đạo), “ăn ngồi” chỉ nói về địa vị hay ngôi thứ (“ăn trên, ngồi trốc”), “ăn làm” hay “làm ăn” chỉ có nghĩa là hoạt động mưu sinh ( “ăn nên làm ra”), và “ăn nói” thường mô tả tư cách của con người trong xã hội ( “ăn ngay nói thật”, “ăn gian nói dối”). Điều đáng kể là trong tiếng Việt những từ ghép này đã đẻ ra không biết bao nhiêu là thành ngữ, tục ngữ, những cụm từ bốn chữ, sáu chữ, hay ca dao hoặc để diễn tả tính tình, phẩm hạnh con người ( “ăn không, nói có”, “ăn cháo đái bát””, “ăn to nói lớn” “ăn xổi ở thì”), hoặc để bày tỏ tình cảm hay thân phận ( “ăn gió nằm mưa”, “ăn cạnh nằm kề”, “ăn đợi nằm chờ”, “ăn gửi nằm nhờ”, “ăn cơm nguội nằm nhà ngoài”), hoặc để biểu thị một nhân sinh quan ( “ăn vừa ở phải”, “ăn lấy chắc mặc lấy bền”, “ăn theo thuở, ở theo thì”, “chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng già”). 
       Có hai từ độc đáo hơn cả mà theo tôi chỉ có trong tiếng Việt, đó là: “ăn vã” và “ăn vạ”, khác nhau chỉ một âm vị thanh sắc. Hãy thử dịch hai từ này sang tiếng Anh, Pháp, hay Trung Hoa bằng những từ tương ứng diễn tả được đầy đủ hai ý niệm đó. Tôi thấy đó là việc không ai làm nổi vì lẽ đơn giản: những ngôn ngữ này không có những từ đó. “Ăn vã” có nghĩa là chỉ ăn thức ăn chứ không ăn cơm và thường được dùng với ý trách móc hay mặc cảm phạm tội. Bạn đọc có thấy nền văn hóa nào khác có ý niệm đặc biệt này không? Tôi nghĩ là không. Chỉ với một từ này, ta đã có thể thấy nếp sống kham khổ, cơ cực của người Việt miền Bắc thôn dã quanh năm chỉ biết lấy cơm làm đầu và coi thịt thà, tôm cá là những đồ ăn phụ hay xa xỉ mà mục đích chỉ là đưa đầy cơm. Thế nên, trong chế độ dinh dưỡng của dân tộc, ta chỉ thấy những món ăn không thể “ăn vã” như rau dưa, tương cà, mắm muối, hoạ hoằn mới có thịt cá, nhưng lại kho thật mặn. Điều đáng nói là những món ăn này không phải chỉ dành riêng cho người nghèo khó mà trái lại, cả những người giàu sang có “của ăn của để” cũng chẳng bao giờ chê, nghĩa là những món ăn này thực sự là những “món ăn dân tộc”. 
       Khởi thủy,  từ “ăn vạ” thoát ra từ ý niệm “ngả vạ” hay “bắt vạ”, một hình thức chế tài do các chức sắc trong làng áp đặt theo phong tục xưa. Thí dụ nhà nào có con gái chửa hoang phải bồi thường danh dự hay “đền” cho hàng xã, hoặc bằng tiền hoặc bằng trâu, bò, lợn, gà, v.v… Ý niệm này dẫn tới “ăn vạ” nhưng nội dung hiện đại của từ này (thí dụ: “nó nằm ăn vạ cả ngày”) không còn dính dáng tới phong tục xưa nữa mà chỉ mô tả sự đòi hỏi công bằng, một cách phản đối có tính cách tiêu cực. Do đó, ta cũng có thể nói: “ăn vạ” là một hình thức đấu tranh bất bạo động của cá nhân để đòi hỏi sự công bằng tối thiểu cho mình, đồng thời nó cũng phản ảnh đức tính chịu đựng thử thách và gan lì trước nghịch cảnh là những nét đặc biệt của dân tộc tính Việt Nam. Trên một bình diện cao hơn và với một quy mô rộng lớn hơn, kỹ thuật “ăn vạ”, một cách tổng quát, có khác chi phương pháp đấu tranh bất bạo động để dành độc lập của Mahatma Gandhi hay những cuộc phản kháng “sit-in” của sinh viên đại học Mỹ? 
       Hầu hết những từ hay thành ngữ được viện dẫn ở trên, cũng như hầu hết những ca dao và tục ngữ, rõ ràng là đã bắt nguồn từ cuộc sống đơn sơ và mộc mạc nơi thôn dã và đã trở thành nền tảng của văn học dân gian. Vì vậy những từ đó có tính cách “cổ điển”, nghĩa là đã được sáng tác, thử thách, và chấp nhận trong quá trình định hình và định tính của nền văn hóa dân tộc trước khi giao tiếp với Tây phương. Định nghĩa như vậy giúp ta có thể phân biệt được những gì đến sau sự giao tiếp đó trong cái tiến trình không bao giờ ngưng của văn hóa. Những từ sinh sau đẻ muộn đó không có bao nhiêu. “Ăn ảnh” (“cô ấy rất ăn ảnh”) và “ăn giơ (jeu)” (“cầu thủ đưa banh rất ăn giơ với nhau”) hiển nhiên không thể có trước khi người Pháp đô hộ chúng ta. Ta cũng có thể ngờ “ăn diện” (“chẳng chịu làm ăn, chỉ thích ăn diện”) là một từ mới của thế kỷ 20 cũng như từ “ăn mòn” ( “sắt bị át-xít ăn mòn) vì không thấy được liệt kê trong Việt Nam Tự Điển xuất bản năm 1930. Sự kiện từ “ăn” bỗng dưng không còn được chiếu cố trong sự phát triển ngôn ngữ như hàng ngàn năm trước, ta phải hiểu như thế nào? 
       Như đã thấy, “ăn” can dự sâu đậm vào đời sống dân tộc. Hầu như không có hoạt động nào hay khía cạnh nào của cuộc sống mà không thể mô tả được bằng một từ ngữ có tiếng “ăn” ở trong. Sự kiện từ “ăn” có nghĩa bóng nhiều hơn nghĩa đen và thói quen sử dụng thường làm ta quên hẳn cả nghĩa đen của nó cũng bao hàm một ý nghĩa đặc biệt về vai trò của “ăn” trong văn hóa dân tộc. Có thể nói” ăn đã đi vào tiềm thức hay hơn thế nữa, đã trở thành một thứ “ký ức sinh lý tập thế” của dân tộc chúng ta. 
       Mỗi nền văn hóa hay dân tộc tính, trong quá trình hình thành, đều chịu sự chi phối của một hoàn cảnh lịch sử, địa lý, và môi sinh nhất định. Người Mỹ lương thiện, xởi lởi, và vị tha là vì đã được thiên nhiên ưu đãi từ những ngày lập quốc, người Do Thái căn cơ và tính tóan vì đã phải bôn ba qua những hoàn cảnh khắc nghiệt trong lịch sử. Dân tộc Việt Nam cần cù, nhẫn nại, gan lì, bền bỉ chịu đựng (resilient) là cũng do kết quả của một cuộc sống khó khăn, chật vật, vất vưởng, tạo nên bởi địa bàn sinh hoạt khi xưa quá chật hẹp, đất đai cằn cỗi, và ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt tái diễn hàng năm. Thêm vào đó là hiểm họa xâm lăng triền miên của láng giềng hay từ phương Bắc, và hoàn cảnh đó đã tạo cho dân tộc ta một tinh thần đề kháng cang cường đã được lịch sử nhiều lần chứng minh. Nói theo kiểu duy linh thì tinh thần đó đã được un đúc bởi “khí thiêng sông núi”, nhưng trên thực tế đó chỉ là vấn đề tự tồn (survival). Vừa phải chống đỡ với giặc giã hay ngoại xâm, vừa phải vật lộn với đất đai có hạn, vừa phải chịu đựng một môi sinh khắc nghiệt kể từ những ngày xã hội được định hình, người Việt thật ra đã quá vất vả trong sự mưu sinh. Kiếm được miếng ăn trong những điều kiện như vậy thật là thiên nan vạn nan. Trải qua nhiều ngàn năm như vậy, “ăn” đã trở thành mối quan tâm thường xuyên, có thể nói một ám ảnh, của một dân tộc nhược tiểu thường bị “ăn hiếp” và “thiếu ăn”, không được thiên nhiên ưu đãi. Và đó, theo ý tôi, là điều có thể giải thích tại sao trong tiếng Việt từ “ăn” lại có nhiều nghĩa và được sử dụng nhiều đến thế. 
       Đó là một quá trình thăng hoa thiết yếu, có tính cách văn hóa và tâm lý. Vì vậy, ở đây ta không bàn đến cấu thức, ghép từ hay chuyển nghĩa của tiếng “ăn” trên phương diện ngôn ngữ học vì cùng lắm nó cũng chỉ thỏa mãn được câu hỏi “như thế nào (how)” mà thôi. Ở đây, vấn đề là tìm hiểu tại sao (why). Khi ta trân trọng một vật gì, ta thường đặt nó trên bệ cao để chiêm ngưỡng hay thờ phụng. Khi ta bị ám ảnh bởi một điều gì, mọi tư tưởng của ta đều quay về điều đó. Lâu dần, những khi muốn diễn đạt một tư tưởng mới, mô tả một tình huống mới, hay bày tỏ một thái độ bất thường, điều đầu tiên ta nghĩ tới luôn luôn là điều đã ám ảnh ta trong bấy lâu, và một cách tự nhiên, vô thức, ta đã mượn nó để nói lên những điều ta muốn nói. Về mặt tâm lý, đó là cách thế tự nhiên giúp ta trút bỏ hay tự giải thoát khỏi sự ám ảnh hay ẩn ức, một hình thức “nói lên cho hả dạ” (catharsis) của phân tâm học. Trường hợp buột mồm, buột miệng, nói lỡ lời, nói nhịu, nói mê, nói sảng cũng như thế, tuy chỉ là trạng thái nhất thời. Trên căn bản và một cách giản lược, tôi nghĩ đó cũng là quá trình thăng hoa của từ “ăn”, và chính sự thăng hoa này đã đưa đến địa vị độc tôn của nó trong tâm thức và tình tự của dân tộc chúng ta. Ngày nay “ăn” có thể không còn là một nỗi ám ảnh như ngàn xưa, nhưng không ít thì nhiều vẫn còn tiếp tục là một mối quan tâm. Tính cách quan yếu của miếng ăn đối với dân tộc Việt Nam vẫn còn đó…       

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

CHÚC MỪNG PHỤC SINH

NGHỆ THUẬT DẤU NGẮT CÂU



NINH-HÀ N.Q
(Theo Le Nouvel Observateur)

Mọi chuyện bắt đầu từ một bài báo của Rue89 (báo điện tử Pháp), số ra ngày 1/4 mang tựa đề: “Điện Elysée khởi động chiến dịch cứu sống dấu chấm phẩy”. Bài viết giải thích rằng tổng thống Nicolas Sarkozy “muốn phục hồi vị trí của dấu chấm phẩy trong văn bản của các cấp chính phủ”.
Tất nhiên, đó chỉ là một câu chuyện “bịa đặt” - một “con cá tháng Tư” nữa của cánh nhà báo Pháp, nhưng bài viết đã gióng lên “hồi chuông báo động”, khiến không ít người giật mình nhìn lại để nhận thấy quả thực dấu chấm phẩy đang ngày càng ít được sử dụng, có nguy cơ... bị tuyệt chủng!
Bằng chứng là, trước đó, trong một cuộc phỏng vấn của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp France Inter, Sylvie Prioul – đồng tác giả cuốn sách “L’Art de la ponctuation” (tạm dịch là “Nghệ thuật dùng dấu ngắt câu”), cùng với tác giả Olivier Houdart – cho hay đã tìm dấu chấm phẩy “mỏi mắt” trên các trang báo của “Le Nouvel Observateur” (tạp chí Người quan sát mới), cuối cùng thì tìm được nó trong mục thư gửi bạn đọc! Hay như trong tờ L’Humanité (báo Nhân đạo), số ra ngày 22/12/2005, người ta chỉ tìm thấy một dấu chấm phẩy duy nhất “ngụ” tại bài xã luận. “Tình cảnh” của dấu chấm phẩy đúng là đáng lo ngại. Nếu “tần suất” sử dụng nó không “đạt” được một ngưỡng cần thiết nào đó thì dấu chấm phẩy có nguy cơ bị xóa sổ.
Các nhà chuyên môn đã cất công tìm hiểu nguyên nhân xem vì sao nên nỗi và nhận thấy rằng lý do khiến dấu chấm phẩy “không được yêu mến” có lẽ là do tính “lai tạo”, “mập mờ”, “phẩy mạnh chấm yếu” của nó: Không hoàn toàn là một dấu chấm mà cũng chẳng hẳn là một dấu phẩy!
Dùng dấu chấm phẩy ở đâu? Lúc nào? Liệu đó có là một cái dấu của giới “élite”? Hay văn chương, ngôn ngữ ngày nay đang nghèo đi (những câu văn dài “lâm chung”, nhường chỗ cho lối hành văn ngày càng ngắn)?... Khi không hiểu rõ ý nghĩa, công dụng của dấu, người ta khó mà dùng được nó một cách chính xác.
Cho đến tận cuối thời kỳ Trung cổ, dấu chấm phẩy vẫn có vai trò như dấu chấm câu ngày nay. Sang thế kỷ XVIII, nó trở thành một loại dấu... lưng chừng giữa dấu chấm và dấu phẩy; hoặc để phân cách hai bộ phận có nội dung khác nhau nhưng liên quan với nhau trong cùng một câu (vai trò của dấu chấm, hay “có tính chấm nhiều hơn phẩy”); hoặc để giúp cho cấu trúc câu được rõ ràng, sáng sủa, khi mà trong câu đã có nhiều dấu phẩy (vai trò của “siêu dấu phẩy”, hay “có tính phẩy nhiều hơn chấm”).
Các tác giả của L’Art de la ponctuation đã liệt kê những chức năng chủ yếu dấu chấm phẩy. Có thể tham khảo thêm nguyên tắc ngữ pháp tiếng Pháp.
Dẫu vậy, cũng còn một điều an ủi là hiện tại, dấu chấm phẩy vẫn được sử dụng thường xuyên trong các văn bản hành chính và các chương trình tin học, nhất là sự hiện diện rất sống động của dấu chấm phẩy trong “ngôn ngữ” của thế giới “e-mail” và “chat”, nơi nó tượng trưng cho... cái nháy mắt!
Cuối cùng, theo tờ Guardian của Anh - có phần đùa cợt, “Chỉ ở nước Pháp mới có thể xảy ra một cuộc tranh luận tương tự, nơi người ta dành cho các nhà trí thức (intellectuel) một vị trí mà người khác dành cho các cầu thủ bóng đá, vợ cầu thủ bóng đá hay các ngôi sao nhạc rock”. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình với “Chiến dịch giải cứu dấu chấm phẩy”, chống lại việc đơn giản hóa cách sử dụng dấu ngắt câu đặc biệt này...