Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

CÀ PHÊ PARIS



Cà phê Pháp nổi tiếng, nhưng có lẽ không phải là ngon nhất thế giới về hương vị, có chăng là dân Tây đã kết hợp cả hai thứ, hương cà phê, và nhịp sống rộn ràng, vào cái tách nhỏ sánh đen như một thói quen hàng ngày. Cho nên nếu đem tặng cà phê cho bạn bè, thì chắc phải tặng cả cái vỉa hè thì mới đủ.
     Thưởng thức cà phê ở mỗi nơi mỗi khác.
     Ở bên mình thì ngày xưa có “cà phê phin”, rảnh rang, thi vị ngồi chờ từng giọt đắng rơi xuống đáy cốc.
     Ở Nữu Ước, thì thấy nhiều người đi trên hè phố với ly cà phê to tướng, vừa đi vừa uống trên đường đến sở làm. Cà phê bên Mỹ thì thường pha loãng, có thể dùng thêm đường hay sữa tươi tùy thích.
     Ở LasVegas, cho dù chưa đi vào sòng bài, mới chỉ ở khách sạn, cà phê được tặng thoải mái như một loại nước giải khát.
     Khu phố Việt ở Cali, cà phê Pháp được pha đặc sánh trong một cái cốc, và một bình thuỷ nhỏ xinh xắn đựng nước sôi, khách tự thêm nước vào theo sở thích.
     TD cũng không biết, thật sự Tây họ uống cà phê ra sao, chỉ biết riêng mình những khi đi làm sớm, 6 giờ rưỡi sáng, trời mùa Đông mù sương, xuống xe Tram ở Porte de Versailles, TD chỉ muốn chui vào cái tiệm nhỏ ở ngay đầu đường.
     Quán cà phê nào ở Paris cũng có nhiều đèn, màu đèn vàng ấm áp, mời gọi một chỗ ấm, người hầu bàn thường là đàn ông, mặc sơ mi trắng, tạp dề trắng dài đến gối, quần tây đen, ông ấy sẽ đem đến cho khách một tách cà phê đen nóng đầy bọt nâu mịn, trong chiếc đĩa tách, ngoài chiếc thìa nhỏ nhắn, là một viên đường, một viên chocolat bọc giấy xinh xắn, và một mẩu giấy tính tiền nhỏ xíu, đặt trên bàn.
     Mỗi tách cà phê giá từ 1 đến 3 euros, tuỳ theo vị trí quán cà phê ở đâu, Paris 16, hay bên bờ sông Seine, hoặc ở ngoại ô. Nhưng cái tách cà phê thì ở đâu cũng đại khái giống nhau, tách bằng sứ dầy, độ dầy đủ để giữ cà phê nóng lâu, tách nhỏ, để đừng làm hương vị cà phê bay mau, và không làm tan nhanh chất bọt nâu sánh ở trên mặt.
     Hầu như ở bên Tây, người ta uống cà phê suốt ngày đêm. Quán cà phê chỉ bán thức ăn nhẹ buổi trưa, điểm tâm buổi sáng, thường thì khách vào uống cà phê, hoặc vài loại thức uống nóng, và ít khi gọi thêm, do đó, người hầu bàn khi đem cà phê ra, họ đem theo cả giấy tính tiền, khi uống xong, khách chỉ việc để lại tiền trên mặt bàn, bỏ thêm vài xu tặng anh bồi bàn, rồi khoác áo mà đi.
     Uống cà phê trong sở Tây thì lại khác, cái góc cà phê là nơi đến và đi của dăm ba nhân viên, có khi cũng có mặt Sếp, đó là nơi để bàn tán chuyện trên trời, dưới đất, cũng là nơi để chào nhau buổi sáng, và hôn xã giao !
     Cũng có người từ Hà Nội đến Paris, hỏi thăm quán cà phê ở Pont Neuf, vì đọc thấy trong truyện ký. Có người ở trong thơ Nguyên Sa trở về quán cà phê cũ, ngồi nhớ kỷ niệm xưa.
     Nếu chỉ có vậy, thì Paris không nổi tiếng với cà phê đâu, mà những người đi làm túi bụi như TD thì cũng chẳng làm sao mà biết được cà phê Tây ra sao, duy chỉ những dịp tình cờ, gặp bạn bè nơi góc phố, kéo nhau vào khu Latin, hoặc tạt vào bất cứ vỉa hè nào.
     Mùa Hè, quán cà phê mở toang các cánh cửa xếp, bày bàn ghế ngoài sân, cho dân Paris vừa uống cà phê, vừa tán gẫu, sưởi nắng.
     Mùa Đông thì càng có lý do, để người ta ngồi thu mình sau khung cửa kính, nhìn bông tuyết lặng lẽ rơi mà thưởng thức tách cà phê tỏa khói.
     Nếu có bạn bè, người thân đến từ các xứ khác, chúng ta có dịp đưa họ đi uống cà phê dọc sông Seine, chẳng có gì thơ mộng lắm đâu, nước sông Seine lúc nào cũng ngầu đục, du thuyền chở khách thăm Paris ngược xuôi lên xuống, vỉa hè khi nào cũng tấp nập, ngưòi qua kẻ lại vội vã.
     Mùa Thu Paris nắng còn hanh nhẹ, lá mới chớm vàng, nhưng gió đã đủ se sắt lạnh.
     Cà phê uống ở Paris, có thể đến từ nhiều quốc gia khác, với nhiều chủng loại khác nhau, cách rang, ướp, khác nhau, và pha theo kiểu cà phê Tây, hay đặc sánh như cà phê Ý, nhưng nó vẫn mặc nhiên nổi tiếng là cà phê Pháp, vì người ta đã uống cả nhịp sống Paris vào trong, có khi cả phong cảnh và thời tiết của nó, nếu lúc ấy là mùa Thu, thì phải kể cả cái màn mưa nhỏ, rất xám, rất nhẹ, mờ mờ giăng trên gác chuông nhà thờ Notre-Dame bên kia sông.
     Cà phê Paris, cà phê nào cho dân bản xứ, cho khách du lịch, cho sinh viên tứ xứ, cho thợ thuyền, và cho những kẻ yêu nhau?
     Có phải vì tất cả những điều ấy, mà “cà phê Paris” không chỉ đơn thuần là cà phê Paris?

TD


Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

BÀN VỀ VĂN MINH NGƯỜI VIỆT




Kim Huỳnh và Trần Hoàng Tuấn
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Canberra và Hà Nội

Stan sống ở tầng trên cùng trong khu căn hộ của tôi ở Việt Nam và anh được coi là một người thành đạt. Trông anh cao ráo và ưa nhìn. Anh đã sống ở nhiều nước và là một bác sĩ kiêm nhà quản lý được đánh giá cao. Stan không đến Việt Nam để kiếm tiền mà để giúp người Việt, vì thế anh kỳ vọng rất nhiều.

Mặc dù công việc của Stan thành công mỹ mãn nhưng anh vẫn thường nản lòng khi về đến căn hộ của mình. Mùi hôi thối tỏa ra từ ống dẫn trong nhà tắm, điều hòa nhiệt độ thường xuyên hỏng và hơn nữa là anh không bao giờ bắt được kênh BBC World trên TV.

Hầu hết những người sống cùng khu này đều gặp phải vấn đề tương tự, nhưng mà từ lâu mọi người đã từ bỏ ý định thay đổi gì đó. Chúng tôi chấp nhận những mùi mẽ ấy, thời tiết nóng điên người và mọi thứ không được sửa sang.

Nhưng Stan thì khác: anh ấy nghĩ rằng đó là vấn đề nguyên tắc. Anh trả tiền thuê nhà theo giá quốc tế với suy nghĩ rằng sẽ nhận được dịch vụ và chất lượng theo chuẩn quốc tế. Hơn nữa, Stan cũng tin rằng bằng việc giữ tiêu chuẩn của mình, anh cũng đang giúp Việt Nam. Làm sao mà người Việt có thể đạt được chuẩn quốc tế ở bất kì lĩnh vực nào đó nếu ai cũng từ bỏ kỳ vọng của chính mình?

Đôi lúc Stan đúng. Sau khi khăng khăng là mùi trong nhà tắm không thể chấp nhận được, người ta đã cử một nhóm thợ ống nước đến và rồi vấn đề cũng được giải quyết theo hướng có lợi cho tất cả mọi người.

Nhưng đôi khi tính cố chấp của anh chỉ khiến anh thêm thất vọng. Đơn giản là anh không thể có một chiếc điều hòa nhiệt độ mới trong khi cái anh đang dùng có thể được sửa lại. Tín hiệu BBC ở phòng anh chập chờn là vì đường dây cáp loằng ngoằng dẫn lên tầng áp mái nơi anh ở. Vì chuyện nọ chuyện kia cùng những vấn đề cố hữu ở đây mà mối quan hệ giữa Stan và quản lý khu nhà ngày càng căng thẳng và xấu đi trông thấy.

Nhưng Stan cũng xây dựng được một số mối quan hệ thân tình với những người làm trong khu nhà, như chàng trai tên Sơn trẻ trung nhanh nhẹn.

Stan hướng dẫn Sơn cách ngồi thẳng lưng trên ghế khi sử dụng máy vi tính, anh bảo Sơn rằng chiếc mũ bảo hiểm nhãn Manchester United của cậu chẳng có công dụng bảo vệ gì hết, không khác gì cái hộp nhựa. Và nhất là Stan còn giật thuốc lá ra khỏi miệng Sơn và ném đi khi anh bắt gặp Sơn hút thuốc.

Gần đây, tôi có cơ hội hỏi Sơn về cảm giác của cậu về cách mà Stan đối xử với cậu. Tôi bảo: “Anh ta hành xử như thể cậu là một đứa trẻ không thể tự đưa ra quyết định được vậy.”

Sơn đưa ra phản ứng của mình. “Cả lời nói và cách ứng xử của Stan đều đúng. Tư thế của tôi sai nên lưng tôi bị đau, tôi thực sự nên mang một chiếc mũ bảo hiểm tốt hơn và lái xe cẩn thận hơn, và ai cũng biết là hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nữa. Nhưng đôi lúc tôi không thể tự nhắc mình những điều ấy.”

Nhưng tôi cũng biết rằng, mặc dù phóng khoáng, nhưng Sơn vẫn không ưa Stan vài điểm. Sơn là người tự tôn và yêu nước; cậu am tường lịch sử Việt Nam, văn hóa, ca dao tục ngữ và cảm thấy tự hào khi thảo luận những điều đó với người sống trong khu nhà này (đặc biệt là những ai biết chút tiếng Việt). Tôi biết cậu giận dỗi vì cuối mỗi tháng Sơn lại cộng thêm 2,000 đồng vào hóa đơn tiền điện của Stan cho mỗi điếu thuốc bị vứt đi.

Mối quan hệ của Sơn và Stan cho thấy vẫn còn một hố sâu ngăn cách giữa Việt Nam và phương Tây.

Văn minh Phương Tây và Phương Đông

Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc xem xét nền văn minh và sự văn minh nghĩa là thế nào. Văn hóa và văn minh có mối liên hệ rất gần gũi. Tuy nhiên, nếu như văn hóa được xem là nhân dạn và tính cách của một xã hội thì văn minh có thể được coi là dân trí và đạo đức của xã hội ấy.

Ở phương Tây, văn minh đồng nghĩa với hiện đại hóa cho nên trở nên văn minh là tiến từ đói khổ lên giàu có, từ tĩnh thành động, từ định hướng nhóm sang định hướng cá nhân, từ bó buộc trong phạm vi địa phương sang những biên giới phổ quát hơn. Quan niệm của phương Tây về văn minh vì thế tập trung vào sự tiến lên và nhu cầu bỏ lại đằng sau những tập tục cũ, cách nghĩ cũ và giá trị cũ.

Người Việt và nói chung người Đông Á hiểu về văn minh khác, nhấn mạnh đến mở rộng thay vì tiến lên. Trong khi cá nhân ở phương Tây tìm kiếm sự độc lập thì cá nhân ở phương Đông lại tìm kiếm sự hòa nhập. Theo Khổng Tử việc phát triển bản ngã (tu thân) là cái điều kiện tiên quyết để điều hành gia đình (tề gia), và gia đình làm nền tảng cho việc trị quốc và bình thiên hạ. Theo mô hình này, việc mở rộng dần dần cho phép duy trì tính liên kết xã hội trong khi có biến.

Đương nhiên, không có nền văn minh nào là hoàn hảo hoặc là đồng nhất, và Phương Đông và Phương Tây hay giao thoa qua lại. Tuy thế, trong những diễn đàn tôi tham gia gần đây, quan điểm của mọi người chủ yếu xoay quanh lập trường tiến lên của Stan và mở rộng của Sơn đối với các vấn đề gây tranh cãi ở Việt Nam như gia trưởng, ăn thịt chó, karaoke và ách tắc giao thông. Một số tranh luận mạnh mẽ nhất từ cả hai phía được tóm tắt dưới đây:

Gia trưởng

Quan điểm của Stan

Theo tôi, đầu tiên là phụ nữ Việt cần được giải phóng khỏi những áp bức ở nhà và cả ngoài xã hội.

Niềm tin cho rằng chỉ đàn ông mới có thể nối dõi tông đường khiến người phụ nữ Việt bị phân biệt đối xử ngay từ trước khi lọt lòng mẹ. Đây không chỉ là tàn tích từ thời phong kiến Nho giáo của Việt Nam. Có thể thấy rõ điều này qua tỉ lệ trẻ sơ sinh nam nữ chênh lệch hiện nay, và nhà nước đã phải cấm bác sĩ tiết lộ giới tính thai nhi cho các cặp vợ chồng có thai.

Người vợ hầu như bị phụ thuộc toàn bộ vào chồng. Tôi gần như không bao giờ thấy đàn ông làm việc nhà và thường là ít hoặc không chịu trách nhiệm nuôi dưỡng con cái.

Ngoài xã hội, tôi thấy phụ nữ phải quét tước, mang vác và bán hàng, làm bất cứ việc gì để trợ giúp gia đình; trong khi đàn ông ngồi hàng giờ uống bia, chè và cà phê, nói chuyện bóng đá, chơi bài hay chơi cờ. Những người phụ nữ học vấn cao mà tôi biết cũng không khá khẩm hơn, họ cũng phải đối mặt với áp lực và thách thức trong công việc chuyên môn rồi về nhà vẫn phải hoàn thành tất cả những nghĩa vụ truyền thống trong gia đình.

Vì thế, tôi cho rằng không gì khiến xã hội Việt văn minh hơn là dành tự do và công bằng hơn nữa cho phụ nữ Việt.

Quan điểm của Sơn

Chỉ đơn giản là vì phụ nữ Việt không giống phụ nữ phương Tây không có nghĩa là họ bị áp bức. Ở Việt Nam phụ nữ cũng được tôn vinh như anh hùng (Hai Bà Trưng và Bà Triệu), nhà thơ (Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan) và những vị thần thánh (thánh mẫu). Việt Nam có Hội Phụ nữ hoạt động mạnh và rộng khắp, đồng thời là nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội lớn hơn cả Anh và Mỹ.

Không phải cái gì thuộc về gia trưởng cũng xấu và cần loại bỏ ngay lập tức. Người đàn ông và đàn bà Việt có những vai trò khác nhau bởi vì về cơ bản họ có những mong muốn, phẩm chất, và tính khí khác nhau.

Sự khác biệt này không hẳn là đồng nghĩa với sự nô dịch; mà hơn hết, sự tổng hòa đàn bà và đàn ông, âm và dương, là nền tảng để xây dựng cộng đồng hòa hợp.

Vì thế trước khi phá bỏ hoàn toàn cấu trúc gia đình phụ hệ là nền tảng cho văn hóa Việt bao thế kỉ nay thì chúng ta cần xem xét thận trọng xem hành động đó có ý nghĩa như thế nào đối với các giá trị gia đình vốn tồn tại làm nền tảng cho xã hội Việt Nam.

Ăn thịt chó

Quan điểm của Stan

Người văn minh không ăn thịt chó vì chúng gần gũi với con người. Chó là “người bạn thân cận nhất của con người.” Nhiều người trong chúng ta lớn lên cùng với loài vật này và xem chúng như là anh chị em. Khi chúng ta lập gia đình, chúng ta thường nuôi chó như “những đứa trẻ có lông” của chúng ta.

Là động vật có vú ăn thịt, chó là loài rất gần gũi với con người. Thịt của chúng “ô uế” vì rằng chúng ăn thịt của các loại động vật khác. Ngoài ra, (đây không phải là điều tôi muốn nghĩ đến!), thịt chó thật kinh tởm vì chúng ăn cả phân.

Ở Hàn Quốc người ta vẫn đôi khi đánh chó để giết thịt, nhưng làm thế để làm tăng mùi vị của thịt là rất tàn bạo và cần dừng lại ngay, trong trường hợp không thể cấm việc tiêu thụ thịt chó.

Quan điểm của Sơn

Việc nuôi chó làm thú cảnh không phải truyền thống ở Việt Nam nên người ta cũng chỉ coi chúng như lợn mà thôi, thứ thực phẩm mà người phương Tây tiêu thụ với một ý thức rõ ràng. Mà trên thực tế lợn còn gần gũi với con người hơn chó về nhiều mặt vì lợn đặc biệt thông minh, và tình cảm nữa và các bộ phận của lợn thậm chí còn được dùng để cấy ghép cho người.

Đánh chó trước khi đem giết thịt là vô nhân đạo. Nhưng mà người phương Tây nhốt những con vật ấy cả đời trong những cũi bé tí trong những trại tập trung thì cũng vô nhân đạo chẳng kém.

Tất nhiên với nhiều người, ăn chay là cách ăn duy nhất lành mạnh và có đạo đức. Đứng từ góc độ đó thì người dân Việt không hẳn là chay tịnh, nhưng vẫn còn tiêu thụ ít thịt và có nhiều tín đồ Phật giáo ăn chay hơn bất cứ nước phương Tây nào.

Karaoke

Quan điểm của Stan

Ở Việt Nam, tôi không sợ gì bằng đi công cán hay dự hội nghị và được mời – hay đúng hơn là bị “ép” – hát karaoke. Điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn cả việc xung quanh đầy rẫy những vodka, cognac và gái gọi.

Như thế không phải là tôi không thích nhạc, ngược lại là đằng khác. Vấn đề là ở chỗ karaoke không thực sự là nhạc, kể cả khi hát đúng chăng nữa. Nó giống như ảnh cưới của nhiều người Việt , sắp đặt và chỉnh sửa quá nhiều, không thật, lòe loẹt, khoa trương và ngớ ngẩn.

Khái niệm kitsch (tạm dịch là lòe loẹt, giả tạo) có vẻ tương đối lạ lẫm đối với người Việt, nhưng lại rất phổ biến ở phương Tây. Hát karaoke có thể được coi là một biểu hiện của khoe mẽ bởi lẽ đó là hành động giả làm ngôi sao chứ không phải là phát triển kĩ năng và tính sáng tạo cần thiết để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Nó thổi phồng cái tôi của những kẻ nghiệp dư trong khi tôn vinh cái ăn theo. Nên khi tôi hát hay nghe hát karaoke, tôi thấy nó đúng là kiểu giả tạo và khoe mẽ, thế nên tôi chẳng thích karaoke tí nào cả.

Quan điểm của Sơn

Tiếng Việt với những dấu lên xuống dập dờn rất giàu tính nhạc. Tất cả mọi thứ từ lời chào, đến thơ phú hay thậm chí cả những câu chửi cũng được cất lên như những bài ca khi chúng thoát ra khỏi miệng người nói. Chúng tôi không thấy việc đó có gì sai trái mà trái lại nhà cửa và đường phố tràn ngập lời ca tiếng hát lại rất hay. Ở Việt Nam hát là cách biểu hiện đầy đủ và chân thật những gì trong trái tim và khối óc; karaoke không gì khác là một sự biểu hiện ở mức cao hơn quá trình đó.

Tôi cũng không thích việc có đầy rẫy gái gọi và những cách hành xử thô lỗ ở các quán karaoke, nhưng tôi cũng biết là ở phương Tây cũng chẳng thiếu nạn mại dâm, kích dục và bất lịch sự. Trước tiên người Tây nên tập trung vào việc là hình mẫu cho chính xã hội của mình trước khi áp đặt đánh giá lên người khác.

Vậy nên nếu người Tây cho rằng ai đó hát hết sức bình sinh ở chốn công cộng là điên rồ thì chính họ mới là có vấn đề. Nếu người Tây không thể thưởng thức karaoke mà không hề nghi ngại thì đó chính là vấn đề của họ. Và nếu người Tây không biết hát thì đó cũng lại là vấn đề của họ.

Giao thông hỗn loạn

Quan điểm của Stan

Nếu nhìn lướt qua giao thông ở Hà Nội hay Sài Gòn thì thấy người Việt đang ngày một kém văn minh. Đường thì càng ngày càng tắc, người đi đường tranh giành nhau từng tấc đường một, họ leo lên cả vỉa hè, đi sai đường, không chú ý đèn đỏ, và chẳng để ý gì đến lối đi cho người đi bộ hay cả người đi bộ. Buổi tối thì càng kinh khủng hơn khi có người say rượu lái xe và những tay hooligan trẻ măng lao ra đường hàng loạt.

Tình trạng thiếu văn hóa giao thông cho thấy Việt Nam ngày càng thịnh vượng không đi cùng với văn minh được nâng lên hay dân trí tăng.

Kinh khủng nhất là trẻ con bị nhồi nhét và để cho ngồi vắt vẻo trên mô tô: lắc lư trong nôi hay yếu ớt trong vòng tay mẹ; được nhấc lên cao để có thể nhìn qua vai bố; hay núp giữa hai chân người lái, thò mũi qua đằng trước. Một xã hội đối xử với trẻ em tệ thế thì không thể văn minh được.

Quan điểm của Sơn

An toàn giao thông là vấn đề lớn với tất cả người Việt. Tuy nhiên, thủ phạm là thiếu vốn và kế hoạch đầu tư thiếu sát thực và tầm nhìn chứ không phải do dân trí.

Mặc dù lộn xộn nhưng giao thông Việt Nam cũng có những điểm kì diệu khiến việc lái xe không đến nỗi kinh khủng lắm. Đôi khi tôi rất ngạc nhiên khi thấy dòng xe cộ lưu thông được (nếu nhìn vào áp lực lên những con đường và cơ sở hạ tầng). Nhưng mọi thứ vẫn đang diễn ra, đôi lúc còn tốt là đằng khác. Nó giống như thể mỗi một người lái xe là một con cá bơi trong một đàn lớn, một thành viên trong dàn nhạc giao hưởng hỗn loạn. Nếu bạn đào sâu hơn thì có thể thấy là giao thông chỉ là một dấu hiệu của dân trí và sự hòa hợp trong xã hội Việt Nam vì đó là lạc hậu và lộn xộn.

Tất nhiên là tôi quan tâm đến trẻ em và tương lai và mong muốn góp lời khuyên để giúp bảo vệ chúng tốt hơn nữa.

Tuy nhiên, điều tôi không bao giờ ủng hộ là quan điểm cho rằng người Việt không quý trọng mạng người như người Tây; hay thậm chí suy nghĩ rằng cuộc sống của người Việt là rẻ rúng và có thể hi sinh mà không cần tưởng niệm hay trả thù. Sự tàn khốc của chất độc màu da cam và vô số ví dụ khác nữa về những vụ giết người hàng loạt và dồn dân mà Việt Nam đã từng gánh chịu trong quá khứ là những hành động hết sức vô đạo đức nếu hiểu theo khái niệm văn minh.

Những diễn đàn này còn thảo luận về việc không xếp hàng, sử dụng điện thoại di động cộc cằn, đái bậy, cùng với tập tục kéo “chim” bé trai để thể hiện là chúng được quý ở miền Bắc. Trên thực tế chúng tôi đạt được không nhiều sự đồng thuận về bất cứ vấn đề nào kể trên. Nhưng mục đích của việc thảo luận “Người Việt có cần văn minh hơn…hoặc là mọi người khác?” không nhằm thay đổi quan điểm của mọi người và tạo ra sự đồng thuận mà trên hết là nhằm giúp chúng ta thoải mái hơn với những khác biệt và từ đó hiểu hơn về nhau.

Tiến sĩ Kim Huỳnh, giảng viên tại Đại Học Quốc Gia Úc, đã viết tiểu sử về gia đình mình trong cuốn Where the Sea Takes Us: A Vietnamese-Australian Story (HarperCollins 2008). Trần Hoàng Tuấn là một dịch giả tự do và hiện đang viết tiểu thuyết đầu tay về người đồng tính nam ở Việt Nam.

Bấm Bản gốc tiếng Việt được bà Hà Thị Thu Hương từ Trung tâm Integrated Culture and Language Studies (ICLS) chỉnh sửa đôi chút và BBC biên tập lại.


Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

NGƯỜI VIỆT QUA CÁCH NÓI NĂNG CƯỜI CỢT



Vương Trí Nhàn



Không còn lễ nghĩa liêm sỉ

Nước ta, những nơi chợ búa thành phố, không luận đàn bà trẻ con, đến người có học biết chữ mà cũng mở miệng là nói lời thô bỉ. 

Tập thành thói quen, những tiếng tục tĩu, người nghe nhơ cả lỗ tai, mà người nói lại lấy làm khoái.

Cho đến câu mắng bài chửi, đọc ra có cung có điệu, người nào mắng chửi cả ngày mà không trùng lặp, thì người ta xem như Tô Tần, Trương Nghi (1), chiếm giải quán quân.

Đến lúc diễn ra cái bộ dạng mắng chửi, tiếng như mõ rao, chân như múa hát lên tay xuống ngón, mặt như sơn đổ, tóc như tơ vò, nước miếng như bọt giải, tay cầm dát lia, chân đi cà xiểng (2) không khác gì người điên.

Lại còn một điều xấu nữa, hễ có bất bình với ai thì phát thệ (3) và nguyện rủa chúc dữ(4) rất nặng.

Thường hàng ngày cùng giao du với nhau, mà đến lúc bỏ nhau, chất chứa điều bất bình lâu, thì khí yêu (5) nhân đó mà sinh ra, người nọ bảo người kia “đầy miệng điều láo, một ngày bán được ba gánh giả, đến đâu cũng dối, ba ngày không mua được một điều thực “.

Thật là không còn chút lễ nghĩa liêm sỉ nào! Cái phong tục kiêu bạc (6) đến thế là cùng.Thế giới chưa có nước nào như xứ mình!



(1) các nhà thuyết khách nổi tiếng đời Chiến quốc bên Trung quốc
(2) dát lia – chưa tra cứu được; còn cà xiểng , theo Đại Nam quốc âm tự vị , là Ngao du không biết công chuyện chi mà làm, không nên sự gì
(3) thề bồi
(4) chúc: khấn. Chúc dữ: ước cho mắc sự dữ
(5) tinh thần gian tà bất chính
(6) cũng tức là khinh bạc với nghĩa cổ: kẻ không biết tự trọng 


Nguyễn Trường Tộ

Về việc cải cách phong tục, 1871



Những câu chửi rủa quá quắt

Nói tục, nói bẩn chắc hẳn không người nước nào bằng người An Nam ta. Lắm câu chửi rủa của ta, không tiếng nước nào dịch nổi, giả thử những người nói ra có nghĩ đến nghĩa từng tiếng thì đứa nặc nô (1) cũng phải đỏ mặt đến lòng trắng mắt.

Thử ngẫm mà xem, những câu ấy có nghĩa lý gì đâu.

Bảo người ta ăn những gì những gì thì có nghĩa lý nào? Gọi ông cha mấy đời người ta lên mà chém mà vằm cũng không có nghĩa gì cả.

Người ngay thật có ai sợ nhưng câu chửi rủa ấy đâu? Mà người mở mồm nói những tiếng dơ bẩn ấy, thì thực là xấu cho cái miệng quá, ra ngay con người thô tục.



(1) nặc nô: người làm nghề đi đòi nợ thuê ngày xưa; nghĩa rộng là người đanh đá ghê gớm

Nguyễn Văn Vĩnh

Ăn nói thô tục, Đông dương tạp chí, 1914





Tây không ra tây, tàu không ra tàu, ta không ra ta

Người mình không những nghề diễn thuyết chưa biết, mà đến nói câu chuyện cho có đầu đuôi manh mối cũng ít người nói được.

Khi hội đồng (1), thời (2) chẳng khác gì như họp việc làng, tranh nhau nói, ồn ào lộn xộn mà ít ai nói được câu gì cho có nghĩa lý, chỉ bẻ hành bẻ tỏi nhau những cái vặt vặt chẳng đâu vào đâu.

Khi yến tiệc thời đương câu chuyện vui, gặp có tiếng gì buồn cười, nhất là nói tiếng bẩn, ông nào to miệng cả tiếng thở ra một cái cười hà hà, cử toạ đều cười ầm cả lên đến vỡ đổ nhà; thế là câu chuyện tan.

Chỗ công môn thời ông quan nói, muốn ra oai mặt sắt chỉ nói nhát gừng, cách một vài câu lại điểm những tiếng nghe chưa ? nghe chưa? thằng dân thưa thời gãi tai gãi đầu, chỉ nghe những tiếng bẩm bẩm dạ dạ nói không ra lời. Mấy cậu thiếu niên thời toa toa moa moa (3) ngậu xị cả đường phố , câu chuyện không những vô vị mà thường bất thành ngôn (4) nữa.

Thời buổi nhố nhăng, ngữ ngôn bác tạp, anh bồi chú bếp con bạc làng chơi ả giang hồ cậu công tử, tây không ra tây, tàu không ra tàu, ta không ra ta, có nhiều cái xã hội không biết họ nói thứ tiếng gì.

Thử tìm khắp trong nước được mấy người là biết nói năng lịch sự ? Thật ít quá.



(1) Cuộc hội họp đông người để bàn việc công (nghĩa cũ )
(2) thì
(3) mày mày tao tao
(4) không nên lời

Phạm Quỳnh

Pháp du hành trình nhật ký,1922



Thiên về những cái tầm thường thô bỉ

Ai có ý đến những nơi họp tập, hoặc là chỗ chơi bời thì thực là buồn thay cho cái trí dục của những ngư­ời đời nay.

Ngoại giả chuyện cô đầu, chuyện cờ bạc, chuyện hát tuồng, chuyện chim chuột, chuyện quần áo còn thì không mấy khi đư­ợc nghe những câu chuyện lý thú, làm tỏ đư­ợc học vấn kẻ nói, lợi đ­ược trí khôn ng­ười nghe.

Mà xem như­ trong cách nói chuyện, thì thiếu niên (1) ta nghe lại có ý thích những câu chuyện tầm thư­ờng, nói chuyện để mà khoe cho ng­ười nọ ngư­ời kia biết cái cách của ta chơi xa xỉ hoặc là kỳ khu (2)...

Ai ăn nói có t­ư t­ưởng có tỏ học vấn thì th­ường ng­ười nghe thích như­ng ít cầu, vì câu chuyện có nghĩa, làm cho phải nghĩ, phải đối đáp nhọc mệt...

Ng­ười nói chuyện hay, cũng có kẻ phục là ngư­ời có ích, nh­ưng trong cái phục có cái ghen có cái ghét. Ghen là vì ở đâu đến cư­ớp mất tai kẻ nghe, ghét là vì ở đâu đến làm tỏ cái nhàm của câu cư­ời cợt tầm thư­ờng ng­ười ta đang thú.



(1)hồi đầu thế kỷ XX, chữ thiếu niên không phải dùng để chỉ lớp thiếu nhi từ 10 đến 14 tuổi như bây giờ. Mà có nghĩa là ng­ười trẻ tuổi, tức lớp thanh niên 18 tuổi trở lên.
(2)tỉ mỉ, mất nhiều công sức



Nguyễn Văn Vĩnh

Đông dư­ơng tạp chí, 1914

Tật huyền hồ sáo hủ (1)

Xét trong văn chương, xảo kỹ nước Việt Nam, điều gì cũng toàn là huyền hồ giả dối hết cả, không cái gì là thực tình... Thời tiết nước mình thì không biết một chút chi chi, tả đến tứ thời thì xuân phải phương thảo địa, hạ phải lục hà trì, thu phải hoàng hoa tửu, đông phải bạch tuyết thi (2). Thành ra đến câu hát cũng hát cho người, cảnh nhà mình thì như mắt mù tai điếc. Mượn chữ người, mượn đến cả phong cảnh tính tình chớ không biết dùng cái vật liệu mượn ấy mà gây dựng lấy văn chương riêng cho nó có lý tưởng đặc biệt.

Người Việt Nam lý hội (2) điều đẹp cũng có một cách lạ. Sách Tàu tả người đẹp môi son mắt phượng, mày ngài khuôn trăng mình liễu thì bao giờ tả người đẹp ta cũng cứ thế mà tả.



(1) huyền là sự gì lơ lửng không dính vào đâu; hồ là lời nói càn; sáo là lời dựa theo khuôn có sẵn; hủ là lời khoe khoang; bốn chữ này ghép lại chỉ sự ăn nói lời nói linh tinh, trống rỗng, giả tạo
(2) vùng đất đầy cỏ thơm, ao sen xanh mướt, rượu hoàng hoa và thơ tả tuyết trắng
(3) hiểu, quan niệm

Nguyễn Văn Vĩnh

Tật huyền hồ sáo hủ, Đông dương tạp chí,1913









Trong tiếng cười ẩn chứa nhiều ý xấu

An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy (1) cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười hết cả cũng là một cách của người hiền(2). Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thẩy, không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày nghĩ ngợi...

Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cách láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không không phải nghe hết nhời người ta mà đã gièm trước cái ý tưởng của người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc (3) người ta.

Gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi tê môi để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng hì, khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì thì ai là không phải phát tức ?



(1) sai, trái với lẽ phải
(2) người có đức hạnh, tài năng
(3) ở đây không có nghĩa sự nghiệp to lớn mà chỉ hàm ý công việc nói chung



Nguyễn Văn Vĩnh

Gì cũng cười, Đông dương tạp chí, 1914



Tiếng cười vô duyên

Có một phần đông người Pháp ở đây, ta hằng ngày thấy họ, cũng có thể chiêm nghiệm được một dân tộc.

Ví dụ như gặp khi trời mưa, đường trơn có người nào đó bất kỳ đi vô ý mà trượt té, bấy giờ có năm ba người Pháp đứng đó họ có cười không?

Tôi, và nhiều người như tôi, dám chắc rằng họ chẳng những không cười mà còn chạy lại để đỡ người bị té ấy lên nữa.

Còn như con rồng cháu tiên ta, tôi cầm chắc rằng trước khi chạy lại đỡ, ta phải cười một chặp cho no nê đã.



Phan Khôi

Phụ nữ tân văn 1931



Nói bừa nói bãi,tủi nhục cho cả nòi giống

Không biết nói không biết, đó là nghĩa vụ thứ nhất của người muốn học muốn hiểu. Đằng này nhiều người ở ta lại làm như trong thế giới này cái gì cũng rõ ràng minh bạch, tựa hai lần hai là bốn.

Ai không tin là thế, họ liền phê cho hai chữ: thần bí; hai chữ ấy trong trí họ tức là ngu xuẩn điên rồ.

Họ không ngờ rằng họ lại “thần bí” hơn ai hết.

Có những vấn đề xưa nay bao người tài giỏi suốt đời nghiền ngẫm chưa tìm ra manh mối.Thế mà cái điều một ông Pasteur một ông Einstein không dám nói, ngày nay ở xứ ta những cậu học sinh vừa mới bước chân ra khỏi trường Sơ học đã giảng giải được lên sách, lên báo, theo những phương pháp cuối cùng của khoa học.

Thế giới còn chờ gì mà không khắc bia xây tượng để đền ơn họ.

Nói chơi vậy thôi, chớ cái việc họ làm đó là một sự tủi nhục vô cùng cho nòi giống.

Cả một đám thanh niên chưa có lấy cái học phổ thông cũng tấp tểnh chạy theo những lý thuyết cao thâm của siêu hình học.

Có lần chúng tôi thấy một thiếu nữ trước đâu mới học đến lớp ba lớp tư gì đó đương hăng hái giảng giải về duy tâm và duy vật. Chúng tôi chán ngán không biết nên khóc hay nên cười. Thực là một cái họa !



Hoài Thanh

Một cái họa, Văn chương và hành động,1936







Hay cãi nhau, thích kiện tụng



Những vụ cãi nhau nảy ra ngay từ cách tổ chức làng xã.

Xã hội hương thôn chia thành các giai cấp lệ thuộc vào nhau. Muốn thực hiện các điều kiện cần thiết để bước vào một trong những giai cấp đặc quyền, người ta phải cúng Thành hoàng và mời mọi người ăn uống.

Điều đó thật tàn hại: người ta đi vay với lãi cao, cầm cố nhà và ruộng, bắt vợ con chịu thiếu thốn.

Khi thuộc giai cấp đặc quyền thì vấn đề là phải biết bảo vệ đặc quyền của mình.

Người ta sẽ đi đến tận Tòa án tỉnh, thậm chí Tòa thượng thẩm, chỉ vì miếng thịt chia không đều, hoặc một sự việc cực kỳ phù phiếm.

Người ta tiêu đến đồng tiền cuối cùng để giữ thể diện hoặc làm đối thủ mất mặt.

Lịch sử một số làng cũng là lịch sử kiện cáo. Có những làng mà tất cả ruộng đều thuộc sở hưũ của những làng lân cận. Đấy chính là những làng đã qua những vụ kiện nổi tiếng.

Nguyễn Văn Huyên

Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ, 1939





Chỉ trích và châm chọc

Người Việt ít khi chịu chết vì tín ngưỡng hay vì một vĩ nhân nào đó đã chủ trương trái quyền lợi của họ.

Gặp lúc phải dồn vào thế yếu, họ chống lại ngay bằng phương pháp tiêu cực: chỉ trích và châm chọc.

Luôn luôn bị áp bức về kinh tế và chính trị, cuộc sinh hoạt tinh thần thường lẩn cả vào trong tâm tưởng nên sức phản ứng của tình cảm và tư tưởng không mau lẹ. Tính ưa hư danh là một tật phổ thông của những người hằng cố gắng tìm vượt lên trên địa vị hiện tại của mình. Tật cờ bạc, do cuộc sống chật hẹp gây nên, cũng là một tật phổ thông khác.



Lương Đức Thiệp

Việt Nam tiến hoá sử,1944 

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

LỊCH SỬ LÀ GÌ?


Kim Oanh


Một số khái niệm lịch sử

Khi nói đến lịch sử, theo giải thích đơn giản, lịch sử là những gì thuộc về quá khứ và gắn liền với xã hội loài người. Với ý này, lịch sử bao trùm tất cả mọi lĩnh vực trong xã hội, đa diện do đó khó định nghĩa chính xác và đầy đủ. Vì thế, định nghĩa về lịch sử được rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra.
­

Định nghĩa ngắn gọn của Ts. Sue Peabody[1]: lịch sử là một câu chuyện chúng ta nói chúng ta là ai.

Nhà bác học người La Mã Cicéron[2] (106-45 TCN) đưa ra quan điểm:“historia magistra vitae” (lịch sử chính yếu của cuộc sống) với yêu cầu đạt tới “lux veritatis” (ánh sáng của sự thật)[3]

Và Gs Hà Văn Tấn có viết, lịch sử là khách quan. Sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau[4].

Theo Ts Trần Thị Bích Ngọc[5], các định nghĩa thường cũng chỉ đúng một phần, lịch sử được hiểu theo 3 ý chính được các nhà nghiên cứu đồng ý:

- Việc diễn ra trong quá khứ: những sự kiện (biến cố/ event) diễn ra trong quá khứ cho đến thời điểm hiện tại, không thể thay đổi được, cố định trong không gian và thời gian, mang tính chất tuyệt đối và khách quan.

- Ghi lại những việc diễn ra trong quá khứ: con người muốn nắm bắt quá khứ, diễn đạt theo sự kiện theo từ ngữ và giải thích ý nghĩa của sự kiện, mang tính chất tương đối và chủ quan của người ghi lại bằng những câu chuyện kể.

- Làm thành tài liệu của việc diễn ra trong quá khứ: cách làm hoặc quá trình tập hợp những sự việc diễn ra trong quá khứ thành tài liệu cũng chính là câu chuyện kể đối với hiện tại.

Để hiểu lịch sử hoặc ngành sử học phải dựa vào cách viết sử của những sử gia từ xưa đến nay. Vì cũng theo Ts Trần Thị Bích Ngọc giải thích, kiến thức về lịch sử thường được xem là bao gồm cả hai, kiến thức về những biến cố của quá khứ và những kỹ năng suy nghĩ và giải thích quá khứ[6].

Những cách viết sử của sử gia từ xưa đến nay

Người được nhắc đến đầu tiên là Herodotus[7] (sống vào thế kỷ V TCN), “cha đẻ của sử học”, tác phẩm The Histories[8], ghi nhận những lời kể, câu chuyện nào đáng tin cậy hay kém tin cậy. Ông đi đến nhiều nơi để xác minh những ghi nhận tìm ra được câu chuyện lịch sử trung thực của vùng Địa Trung Hải, trong sách của ông không có một ghi chép bình luận nào về các câu chuyện được nêu ra. Theo cách này, lịch sử là câu chuyện kể, phương pháp kể lại câu chuyện được biết như phương pháp đầu tiên trong viết sử, được nhiều nhà nghiên cứu đề cao vì cho rằng sự kiện lịch sử mang tính chất khách quan nhất, trung thực nhất.

Trái với cách viết của Herodotus, Thucydides được xem là nhà sử học khoa học đầu tiên vì ông bỏ qua yếu tố thần thánh trong các sự kiện lịch sử, tác phẩm History of the Peloponnesian War[9] - kể lại cuộc chiến tranh giữa hai thành bang Sparta và Athens. Như thế, ông trở thành người thiết lập yếu tố giải thích cho sự kiện lịch sử, đưa ra nguyên sâu xa và trực tiếp đối với sự kiện lịch sử.

Về sau, các nhà sử gia châu Âu thời Trung cổ, là những người viết sử với mục đích giáo huấn, chủ yếu viết về lịch sử nhà thờ và các nhà cai trị tại địa phương (lãnh chúa), các vị vua của các triều đại. Các sử gia này xem việc diễn ra trong quá khứ như một định luật và viết sử chỉ ra bài học trong quá khứ, việc chép sử chính là công việc để nêu gương cho nhân dân và đem lại bài học cho nhà cầm quyền , thể hiện trong các tác phẩm History of the Church (Eusebius of Caesarea), History of the Franks (Gregory of Tours)…. Như thế, thường thì các sử gia chọn chép những sự kiện nào có lợi cho nhà cầm quyền hoặc Giáo hội mà thôi.

Người đã đưa cách viết sử giải thích áp dụng vào những sự kiện lịch sử hiện đại là Leopold von Ranke[10], nhà sử gia Đức thế kỷ XIX, cha đẻ nền sử học hiện đại. Cũng theo Trần Thị Bích Ngọc, Ranke đã thiết lập nền tảng cho cách viết sử sau này với việc nhấn mạnh nguồn tư liệu, chú trọng tài liệu lưu trữ, những câu chuyện lịch sử (narrative history), phát triển lịch sử chính trị. Ranke được nhiều người nhắc đến với nguyên tắc gây nhiều tranh cãi: “wie es eigentlich gewes” (thể hiện những gì đã thực sự diễn ra), từ nguyên tắc đó, có ý kiến cho rằng “sử gia chỉ nên đưa ra các sự kiện lịch sử và không kèm theo bất cứ quan điểm cá nhân nào; và một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng ý của Ranke là sử gia phải khám phá các sự kiện lịch sử và tìm ra tư tưởng phổ biến của thời đại tác động lên những sự kiện này”[11]

Tiếp sau là trường phái Biên niên sử do Marc Bloch và Lucien Febvre sáng lập năm 1929, lịch sử được hiểu là nghiên cứu về sự thay đổi qua thời gian của bất cứ một xã hội nào được chọn để nghiên cứu[12]. Trước đó rất lâu, sử gia Trung Quốc, Tư Mã Thiên (Sima Qian) (145 – 90 TCN) được xem là “cha đẻ sử học Trung Quốc”, đã dùng cách viết biên niên để soạn tác phẩm Shiji (Những ghi chép của nhà sử học vĩ đại), được biết đến với tên khác: Sử ký[13] chép lại những câu lịch sử Trung Quốc theo thời gian, không có lời bình luận nào trong sách.

Bên cạnh cách viết Biên niên được nhiều nhà nghiên cứu cho là quay lại đúng với tính chất lịch sử, một số sử gia Châu Âu chịu ảnh hưởng từ trường phái Hậu hiện đại. Trường phái Hậu hiện đại được khởi xướng trong những năm 1960 của thế kỷ XX, do những triết gia cũng là những nhà phê bình văn học, lý thuyết văn học và sử gia như Roland Barthes (1915 – 1980), Michel Foucault (1926 – 1984), Jean Francois Lyotard (1924 – 1998), Jacques Derrida (1930 – 2004), Jean Baudrillas (1929 – 2007), Julia Kristeva (1941 - )… khởi xướng. Chủ nghĩa Hậu hiện đại là phản ứng quyết liệt chống lại chủ nghĩa duy nền tảng (anti – foundationalism) hay tinh thần duy nền tảng. Lý thuyết hậu hiện đại là lý thuyết phá hủy những chân lý nền tảng, tấn công các phương pháp truyền thống (trong triết học, văn học, ngôn ngữ học, sử học, hội họa, kiến trúc…) hay đúng hơn là lý thuyết chống lại các lý thuyết của các trường phái đi trước đó[14].

Trường phái Hậu hiện đại được vận dụng trong tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội, trong sử học, các sử gia chịu ảnh hưởng trường phái này đã phản bác quan niệm lịch sử phải như một con đường tuyến tính, nghĩa là một thứ biên niên sử theo lịch đại, bao gồm các sự kiện tất yếu, nhằm thuật lại một câu chuyện có nghĩa… Họ phản bác lịch sử theo lý thuyết lớn, không có một lý thuyết chung áp dụng cho tất cả mọi nơi, mọi thời kỳ. Theo họ, lịch sử địa phương (theo nghĩa một vấn đề lịch sử của địa phương) hay chuyên luận về những vấn đề lịch sử cụ thể nào đó … là chính xác và có thể vẽ lại rõ ràng những chi tiết của các sự kiện đã xảy ra tại một vùng nào đó, trong khoảng thời gian nào đó của quá khứ.

Một số sử gia nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam trong những năm gần đây theo trường phái này như Li Tana, Philip Taylor, Shawn McHale, Christian Appy … hướng cách tìm hiểu lịch sử theo phương pháp dân tộc ký (ethnography) bao gồm các hoạt động phỏng vấn, đi điền dã … nhằm tập trung phân tích sâu một sự kiện lịch sử, kết nối các sự kiện lịch sử của một vùng nào đó nhằm đưa ra giải thích mới về những sự kiện này.

Tương ứng với các trường phái của các sử gia các nước, từ các bộ sử của các nhà viết sử Việt Nam có thể liên hệ các sử gia Việt Nam với các trường phái cho dễ nhớ và dễ hiểu.

Với cách viết lịch sử như những câu chuyện, có thể nhắc đến Lê Quý Đôn với Phủ Biên tạp lục[15] hoàn thành vào năm 1776. Sách được ông viết từ những ghi nhận khi đi qua các nơi trong trấn Thuận Hóa nhằm mục đích: “cuốn sách nhỏ này âu cũng là để ghi nhớ những sự việc của chốn biên ải thôi. Song, các bậc quân tử ở triều đình, nếu như có người nào đó không ra khỏi nhà mà cũng muốn tra cứu sự tích ở nam thùy, tức là muốn biết được những việc ở ngoài muôn dặm, thì cuốn tạp lục này cũng có thể cung ứng một phần nhàn lãm vậy”[16]

Và, theo quan điểm sử gia phải khám phá các sự kiện lịch sử dựa trên nguồn tư liệu, chú trọng tài liệu lưu trữ, học giả Tạ Chí Đại Trường được xem là tiêu biểu của cách viết sử này. Trong phần bên lề của công trình Bài sử khác cho Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường (2005:1) viết: Lịch sử chỉ là những tiếp diễn của sự kiện mà không có cùng đích. Với quan điểm, là người muốn tìm hiểu sử học nghiêm túc, khi viết một điều gì thì không phải chỉ cho người cầm bút mà còn phải quan tâm đến người đọc, viết sử không chỉ là việc sắp xếp các sự kiện lịch sử suốt cả ngàn năm mà đưa ra giải thích của những sai lầm của các nhà viết sử trước, những điều đưa ra được xem là cái “khác”, làm “khác” đi, làm “khác” đi thì những điều khó khăn phái nói thật không cùng, nhưng làm khác đi không có nghĩa là vượt qua được những điều người trước đã gặp. Cho nên dù sao cũng phải có những thỏa hợp ở mức độ nào đó đề cho “bài sử khác” vẫn là bài sử Việt Nam (Tạ Chí Đại Trường, 2005: 7). Bài sử khác cho Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường là sự đối chiếu với những công trình sử học của các sử quan thời phong kiến.

Cách viết sử của sử quan thời phong kiến là sự kết hợp hai trường phái biên niên và giáo huấn. Số lượng công trình nhiều nhất và được xem là “tư liệu gốc” cho nghiên cứu thuộc về các bộ sử của Quốc sử quán nhà Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ…, được xem là sự kế thừa của các bộ sử Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí toàn thư…. Những dòng đầu tiên trong Đại Việt sử ký tục biên của Phạm Công Trứ giải thích cho sự mẫu mực sử học phong kiến: “Vì sao phải viết quốc sử? Vì sử chủ yếu ghi chép công việc. Có chính trị của một đời tất phải có sử của một đời. Mà sự ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tô điểm việc chính trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, răn đe kẻ loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt, người thiện biết thì có thể bắt chước, người ác biết thì có thể tự răn, quan hệ với chính trị không phải là ít. Cho nên mới làm ra quốc sử”[17]

Còn theo cách viết biên niên, một số công trình của các nhà nghiên cứu gần đây đã được xuất bản như: Việt Nam – những sự kiện lịch sử[18] (Viện Sử học), Biên niên sử Việt Nam[19] (Đỗ Đức Hùng)… được soạn thảo để hệ thống các sự kiện lịch sử Việt Nam dù cách viết khác hơn, không phải tập hợp những câu chuyện mà chỉ liệt kê những sự kiện lịch sử theo thời gian giúp người đọc hoặc nghiên cứu có thể tra cứu hoặc đối chiếu các sự kiện lịch sử một cách nhanh chóng.

Một cách viết sử nâng lên thành trường phái, được vận dụng nhiều ở Việt Nam là trường phái Marxist dựa trên chủ nghĩa duy vật lịch sử của Karl Marx. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx chú trọng quan hệ giữa con người với quá trình sản xuất, tìm ra hệ thống những quan hệ sản suất tồn tại mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx xem lịch sử “là bản thân hiện thực khách quan, tồn tại và phát triển theo một logic, không phụ thuộc ý thức của con người”[20]. Do đó, phương pháp nghiên cứu theo chủ nghĩa Marx là phương pháp lịch sử và phương pháp logic, xem hai phương pháp này là hai mặt biểu hiện biện chứng. Theo đó, sử luận Marxist được xem là cung cấp nền tảng vững chắc cho lịch sử xã hội.

Sử gia Việt Nam theo hai phương pháp này là chủ yếu, theo hướng phân tích biện chứng sự hình thành xã hội, phân tích vai trò của các giai cấp… Tuy nhiên, lịch sử gắn liền với chính trị, ảnh hưởng yếu tố chính trị chi phối cách viết sử của một số nhà sử học Việt Nam, có thể nhìn thấy rõ nhất trong nghiên cứu của Giáo sư Trần Văn Giàu[21] và Gs Đinh Xuân Lâm[22], nguồn sử liệu lớn trong những tác phẩm của ông là vô cùng lớn nhưng ông cũng cho thấy cách viết theo khuynh hướng chính trị rõ nét khi đưa ra cách nhìn nhận đối với phong kiến. Cũng theo quan điểm Marxist, Gs Đào Duy Anh được xem là người coi trọng việc giám định sử liệu. Trong nghiên cứu sử học, đối với ông, "phải chuyên tâm nghiên cứu lịch sử vì chỉ có hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc thì mới có thể chắt lọc ra đâu là những yếu tố truyền thống, đâu là những yếu tố ngoại lai"[23].

Một trường hợp đặc biệt trong sử học Việt Nam hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người được biết đến về tài quân sự, nhà sử học đồng thời cũng là nhân vật lịch sử. Lịch sử được ông viết lại bởi những hồi ký, ký sự, những bài viết giá trị tái hiện thời kỳ bản thân ông trải qua. Theo Gs Phan Huy Lê, Đại tướng vừa làm sử, vừa viết sử, một sự kết hợp hiếm có của tài năng quân sự với tài năng sử học[24]. Qua các bài viết của Võ Nguyên Giáp, cách viết của ông theo trường phái đưa giải thích vào sự kiện, phân tích nguyên nhân đối với sự kiện.

Gần đây, cùng theo hướng nghiên cứu lịch sử địa phương theo trường phái Hậu hiện đại, các nhà sử học Việt Nam hiện nay đang chú trọng đến việc định hướng cho các công trình nghiên cứu mới, chọn một vấn đề hoặc một địa phương nào đó để tìm hiểu. Tuy nhiên, việc nghiên cứu lịch sử địa phương đã được một số người lựa chọn cách đây rất lâu như Nguyễn Văn Hầu (viết về vùng đất An Giang), Vương Hồng Sển (viết về Gia Định), Sơn Nam (tìm hiểu về lịch sử vùng đất Nam Bộ, được xem là người am hiểu về vùng đất này)…

Qua việc tìm hiểu ban đầu những cách viết sử để hiểu quan niệm lịch sử của những nhà nghiên cứu thế giới và Việt Nam, có thể nhận ra mỗi người nghiên cứu có thể lựa chọn một cách viết sử riêng theo trường phái riêng, có thể loại bỏ sự áp đặt vô hình mà tôi đã từng gặp đó là nghiên cứu lịch sử chỉ theo phương pháp lịch sử và phương pháp logic mà thực chất đó là hai phương pháp thuộc trường phái Marxist. Có thể thấy, những nhà nghiên cứu lịch sử có thể chọn chủ đề lịch sử nhỏ mang tính chất địa phương để nghiên cứu không cần theo chủ đề bao quát và chọn phương pháp điền dã, phỏng vấn, mô tả để tập trung vào những sự kiện một vùng nào đó cũng có thể xem như thu lượm những câu chuyện của quá khứ ở địa phương đó hoặc kể lại chính câu chuyện của người viết trong quá trình tìm hiểu. Đó chính là khuynh hướng viết sử theo trường phái Hậu hiện đại mà những nhà nghiên cứu sử Việt Nam đang tập trung chú ý đến.






[1] Tiến sĩ Sue Peabody, Khoa Lịch sử - Đại học Washington State Vancouver,

Nguyên văn: “History is a story we tell ourselves who we are”, theo:


[2] Tên ông được phiên âm sang tiếng Anh là Cicero, xem thêm trên trang:


[3] Dẫn theo Hà Văn Tấn (2007), Một số vấn đề lý luận sử học, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr.31

[4] Hà Văn Tấn (2007), Một số vấn đề lý luận sử học, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội.

[5] Trần Thị Bích Ngọc (2007), Lịch sử và phương pháp lịch sử, Tạp chí Khoa học xã hội, (số 9-10), tr 59 - 80

[6] Trần Thị Bích Ngọc (2007), Lịch sử và phương pháp lịch sử, Tạp chí Khoa học xã hội, (số 9-10), tr 59 - 80

[7] Xem thêm tiểu sử Herodotus trên trang:


[8] Herodotus of Halicarnassus, The Histories, đọc thêm trên trang:





[9] Thucydides, History of the Peloponnesian War, đọc thêm trên trang:
http://books.google.com.vn/books?id=YTCrx1KB3HQC&printsec=frontcover&dq=the+histories+herodotus&hl