Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 3


Ø  TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN NĂM 2011

Chào mừng hai Đức Cha giáo phận và Đức Cha giảng tĩnh tâm

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải Phòng

Giờ chầu khai mạc

             Từ ngày 14 đến 17 tháng 3, các linh mục trong giáo phận đã về Toà Giám Mục Qui Nhơn để tham dự tuần tĩnh tâm năm 2011. Dù rằng vẫn có nhiều lần gặp gỡ nhau trong năm, nhưng tuần tĩnh tâm vẫn là dịp đặc biệt để hàng linh mục giáo phận quy tụ lại với nhau như anh em trong một đại gia đình như lời của cha Tổng Đại Diện khi chào mừng hai Đức cha giáo phận: “Ngoài mục đích đạo đức của tuần phòng là bồi dưỡng và canh tân, chúng con cảm thấy nơi đây thật đậm đà tình cha con huynh đệ: hồi gia tổ, kiếu phụ mẫu, đại gia đình đầy yêu thương… Giờ đây và nơi nầy chính là tổ ấm gia đình, suối nguồn ân phúc … Xin hai Đức cha cùng hiệp thông và cầu nguyện với chúng con để tuần phòng đạt kết quả tốt”
            Phụ trách giảng tĩnh tâm năm nay là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, một trong những giám mục trẻ của hàng giám mục Việt Nam hiện nay. Ngỏ lời với Đức Cha giảng phòng, cha Tổng Đại Diện nói: “Chúng con cám ơn Đức Cha đã mến thương mà nhận lời mời của Đức Cha Phêrô về đây với chúng con. Qui Nhơn – Hải Phòng có nhiều điểm tương cận về nhiều phương diện như sông biển, con người, thiện chí. Hai giáo phận có cửa biển, có Nguyễn Huệ với Thị Nại trường chinh, có Ngô Quyền với trận sông Bạch Đằng, có anh em linh mục hai miềm chung sống… Và như thánh Phaolô đã viết trong 2 Cr 6, 2 rằng: “ecce nunc tempus acceptabile ecce nunc dies salutis” (Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”, nên đây là lúc lời giảng của Đức Cha Hải Phòng sẽ là hạt giống cho đất lòng anh em linh mục đoàn Qui Nhơn chúng con”
            Gợi hứng từ “Sứ điệp đại Hội Dân Chúa Việt nam 2010”, nội dung các bài chia sẻ xoay quanh chủ đề “Canh tân đời linh mục”, bởi vì như sứ điệp đã nói: “Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng linh mục” (số 5)
            Canh tân trước hết là khơi lại đặc sủng của chức linh mục (2 Tm 1, 6), điều chỉnh một điều gì đó đã có. Việc này cũng giống như khơi lại ngọn lửa từ đống tro tàn. Ban đầu ngọn lửa bùng lên rất cao để sưởi ấm ngôi nhà, nhưng vì không được thường xuyên cho củi vào lò nên nó sẽ dần lịm tắt, vì thế cần phải làm cho nó nóng lên bằng cách khơi lại. Một ngọn lửa nếu không khơi lại thì khó làm cho nó bùng lên. Chính vì thế mà ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh, Thiên Chúa đã mời gọi con người xem xét lại để canh tân các mối tương quan nên đặt cho con người hai câu hỏi “Ađam, ngươi đang ở đâu?” và “Cain, em ngươi đâu?”. Dưới góc cạnh của một linh mục, câu hỏi thứ nhất nhắc nhở mối tương quan chiều dọc với Chúa, mời gọi trở về với ngày đầu tiên lãnh nhận chức linh mục. Câu hỏi thứ hai cũng cố tình hiệp thông theo chiều ngang với các thành phần dân Chúa. Và như thế, Thiên Chúa mời gọi con người linh mục sống “trọn vẹn đôi đàng”, hiệp thông trọn vẹn qua những thiện chí đáp trả bằng cả cuộc đời.
            Sự canh tân cần phải bắt đầu bằng đời sống đức tin: niềm xác tín. Khó khăn nơi nhà truyền giáo hôm nay đến từ chính niềm tin của mình. Đây là thứ vô thần tệ hại nhất vì nói về Chúa mà không tin vào Chúa. “Sự khủng hoảng trong linh mục không phải vấn đề căn tính, nhưng vì đức tin” (Fulton Sheen). Thiếu xác tín sẽ dẫn đến hậu quả là thiếu nhiệt thành, con người linh mục trở thành một công chức với ba chữ C: cáu bẳn, chán nãn, cạn kiệt. Vì thế cần phải canh tân đời sống thiêng liêng vì đó là nguồn nghị lực của linh mục. Thiếu tâm tình cầu nguyện thì lời giảng dạy chỉ còn là mớ lý thuyết suông. Do đó con người linh mục luôn gắn liền với 3 chữ D theo như cách nói của Đức Hồng Y Dias là: Doctrine (giáo huấn), Discipline (kỷ luật), Dévotion (đạo đức).
            Và cứ như thế, Đức Cha đã trình bày những suy tư về các phương diện cần phải được canh tân trong con người linh mục, được dẫn dắt bằng Kinh Thánh và Giáo huấn Giáo Hội: canh tân đời sống hiệp thông, lý tưởng dâng hiến, việc loan báo Lời Chúa. Đây không phải là những điều mới mẻ nhưng là những điều dễ bị lãng quên nên cần phải được nhắc lại như tấm bảng chỉ đường để điều chỉnh đúng hướng về với căn tính của con người linh mục để cuối cùng lời hứa của từng linh mục được lập lại trong giờ chầu kết thúc trở nên tha thiết và ý nghĩa hơn: “Dominus pars haereditatis meae et calicis mei; tu es qui restitues haereditatem meam mihi”. Với lòng biết ơn của những người lãnh nhận, cha Tổng đại Diện đã nói lên lời tạm biệt với Đức Cha giảng phòng: “Chỉ cụ thể trong thời gian hơn 3 ngày với 7 bài chia sẻ, thì giờ đây chúng con tin Đức Cha là thầy dạy đức tin như Hội Thánh dạy … là hạt giống sinh bông hạt, là muối đất đèn trời cho đất lòng và đêm trăng mờ của chúng con… Chúng con chưa tỏ hiện kết quả của canh tân, xác tín, nhiệt tình, tương quan, tu đức, dâng hiến, niềm tin trước mắt (in actu), nhưng chúng con đã nắm được trong tay (in potentia) phương thế mà Đức Cha đã cung cấp (sine qua non). Vậy thì từ đó chúng con đã là người mắc nợ “mà một đời trả mãi cũng không xong” như một bài thơ nào đó … Chúng con chắc phải hẹn nợ và xin trả lần bằng tình thương của Chúa. Xin Đức Cha vui nhận và xin Chúa tạm ứng cho chúng con!”.
            Tuần tĩnh tâm kết thúc, các linh mục quay trở về giáo xứ, về với bổn phận mục tử, mang theo nhiều gợi ý suy tư và cả ơn Chúa Thánh Thần nữa để từ đây mình “không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giêsu trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy chí thánh” (Sứ Điệp đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 5) 
Hình lưu niệm tuần tĩnh tâm năm 2011
  
Ø VÀI THÔNG TIN NGẮN
§ Cha Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế bổ nhiệm Cha Phaolô Nguyễn Văn Châu, sinh ngày 7/11/1963, chịu chức ngày 01/01/2001, làm bề trên cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ nhiệm kỳ 2011-2014.
§ Đức Cha chính Phêrô đã bổ nhiệm cha Luy Huỳnh Anh Trung làm phó xứ Bàu Gốc (Quảng Ngãi) và cha Phêrô Bùi Huy Ngọc làm phó xứ Tuy Hoà (Phú Yên).
§ Cha Phaolô Nguyễn Minh Chính đảm trách thêm nhiệm vụ Trưởng ban Thường Huấn giáo phận và cha Antôn Trần Liên Sơn làm Trưởng ban Mục Vụ Giới Trẻ.
§ Về thủ tục xin chuẩn hôn nhân khác đạo thì chính cha sở phải chứng ký theo mẫu đơn của Toà Giám Mục Qui Nhơn và chính cha sở phải chứng hôn.
§ Lễ Chầu Dầu năm nay sẽ cử hành vào lúc 5 g chiều thứ Ba Tuần Thánh ngày 19/4/2011.
§ Số tiền xin vào Hội Phaolô Châu nay được nâng lên tối thiểu là 2.000.000 đồng.
Ø  ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ LÀM VIỆC VỚI CÁC CỘNG TÁC VIÊN CỦA UB NGHỆ THUẬT THÁNH
Chúa Nhật, ngày 27/03, Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, Tổng Thư Ký Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh, cùng với nữ tu Duyên Sa (SPC) và 3 kiến trúc sư, từ Sài Gòn ra Qui Nhơn để tham khảo ý kiến Đức Cha Matthêô, Chủ Tịch Ủy Ban, về dự án xây dựng Trung tâm hành hương Thánh Mẫu toàn quốc La Vang. Đức Cha đón tiếp đoàn tại phi trường Phù Cát rồi đưa về Qui Nhơn. Sau khi Cha Vinh Sơn chào thăm Đức Cha chính Phêrô, đoàn đã có 3 buổi làm việc với Đức Cha Matthêô. Có tất cả 5 dự án được trình xem và cả đoàn cùng nhau thảo luận. Cuối cùng đã chọn ra 3 dự án với những góp ý để các kiến trúc sư chỉnh sửa và đệ trình HĐGM vào cuộc họp sắp đến. Ngoài ra đoàn cũng thảo luận chương trình hoạt động của Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh trong năm nay.
Ø PHÁI ĐOÀN QUI NHƠN ĐI DỰ LỄ AN TÁNG THÂN MẪU CHỊ TỔNG PHỤ TRÁCH DÒNG MTG/QN
Được tin Bà Cố Maria Trần Thị Ban, thân mẫu của nữ tu Anna Marilyn Phạm Thị Bích Hường, Tổng Phụ Trách Hội Dòng MTG/QN, đã qua đời vào ngày 28/02/2011, tại giáo xứ Long Thuận, giáo phận Xuân Lộc, hưởng thọ 92 tuổi, Đức Cha phó Matthêô, cha Hạt trưởng Bình Định và 12 linh mục trong giáo phận đã lên đường đi đến nhà thờ Long Thuận để cử hành thánh lễ an táng cầu nguyện cho Bà vào lúc 7 giờ sáng ngày 04/03. Thánh lễ do Đức Cha phó chủ sự. Cùng đồng tế với Đức Cha, ngoài các linh mục Qui Nhơn, còn có Đức Ông Vincentê, Tổng Đại Diện và 9 linh mục giáo phận Xuân Lộc. Đầu lễ, Đức Ông đọc thư phân ưu của Đức Cha Đa-minh Nguyễn Chu Trinh, giám mục giáo phận Xuân Lộc. Tiếp đến Đức Cha phó thay mặt Đức Cha Phêrô và giáo phận Qui Nhơn có đôi lời phân ưu với tang quyến. Cha Linh Hướng Giuse Phạm Thanh giảng lễ. Số các nữ tu Dòng MTG/QN tham dự khá đông. Ngoài ra còn có các anh em cựu chủng sinh Làng Sông – Qui Nhơn.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH.
- Thánh lễ khai mạc Mùa Chay. Vào lúc 05g00 ngày 09/03/2011, Thứ Tư lễ tro, tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn Đức cha phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã chủ sự thánh lễ đồng tế với một số linh mục trong giáo phận khai mạc mùa Chay thánh. Có rất đông bà con giáo dân tham dự. Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phó đặc biệt nhấn mạnh đến ý nguồn gốc, ý nghĩa của việc thực hành chay tịnh Kitô giáo. Qua đó ngài mời gọi cộng đoàn ý thức đúng đắn việc ăn chay và giữ chay, tránh thái độ máy móc hoặc nệ hình thức.
- Làm phép và khánh thành nhà mới của giáo điểm nữ tu Dòng Phaolô tại Hội Lộc. Ngày vào lúc 16g00 ngày 10/03/2011 Đức cha phó Matthêô cùng với 5 linh mục trong giáo phận đã đến một giáo điểm tại giáo xứ Hội Lộc của cộng đoàn nữ tu dòng Phaolô để tham dự nghi thức làm phép và khánh thành ngôi nhà mới xây dựng xong. Trong dịp nầy có chị Giám tỉnh, bà nhất cộng đoàn Phaolô Qui Nhơn, một số bà nhất các cộng đoàn khác cùng khá đông các nữ tu dòng Phaolô hiện diện. Đức Cha phó đã cử hành nghi thức làm phép sốt sắng. Trong lời cám ơn, thay mặt cộng đoàn, bà nhất cộng đoàn Phaolô nhắc đến hai việc mà Đức Cha chính Phêrô đã ủy thác là dạy giáo lý và làm việc từ thiện bác ái. Sau cùng là bữa tiệc thân mật mừng nhà mới.
Được biết, giáo điểm nầy hiện có hai nữ tu, trực thuộc cộng đoàn dòng Phaolô tại Qui Nhơn. Khoảnh đất mới được cấp chỉ có 1.000 m2. Công trình xây dựng có hai khối nhà, một dành riêng cho cộng đoàn, một dành cho công tác xã hội. Diện tích sử dụng dãy nhà trệt dành cho cộng đòan là khoảng 240 m2 và dãy nhà dự kiến dùng làm công việc xã hội (chẳng hạn mở lớp học tình thương…) có hai tầng diện tích sử dụng khoảng 615 m2. Trong công trình có một phòng dành riêng để đặt máy nước tinh khiết góp phần phục vụ nước sạch cho người dân tại đó.
Công trình được đặt viên đá đầu tiên vào dịp lễ thánh Giuse 19/3/2010 và chính thức khởi công là vào 15/6/2010. Như vậy tính từ ngày đặt viên đá đầu tiên cho đến khi làm phép là gần 1 năm. Giáo điểm tọa lạc đối diện với nhà thờ giáo xứ Hội Lộc (nhà thờ đang xây dựng), nên cũng rất tiện cho việc cộng tác với giáo xứ trong công tác mục vụ. Hy vọng trong tương lai, giáo điểm nầy lớn mạnh, trở thành một cộng đoàn mới của Hội dòng, góp phần vào công việc truyền giáo của giáo phận.
- Mừng đại lễ Thánh Giuse quan thầy giáo phận và chủng viện Qui Nhơn. Vào lúc 05g00 Thứ Bảy, ngày 19/03/2011, lễ thánh cả Giuse, quan thầy giáo phận và chủng viện Qui Nhơn, tại Nhà thờ chính tòa Qui Nhơn đã cử hành thánh lễ long trọng do Đức Cha Phó Matthêô chủ sự cùng với cha Tổng Đại Diện Phêrô Hoàng Kym và 22 linh mục trong đoàn đồng tế. Đức Cha phó trong bài giảng lễ đã khắc họa chân dung của vị Thánh cả Giuse thầm lặng. Sau thánh lễ là bữa điểm tâm tại nhà xứ Chính Tòa.
Trong dịp chuẩn bị mừng lễ quan thầy Giuse, Chủng viện Qui Nhơn cũng tổ chức thi đấu bóng rổ cho các chủng sinh thật hấp dẫn. Trong buổi tối ngày 19/3 từ 19g30 tại hội trường chủng viện có buổi biểu diễn văn nghệ với nhiều tiết mục khá hấp dẫn của các chủng sinh với sự cộng tác hai tiết mục của dòng Mến Thánh Giá và cộng đoàn phaolô Qui Nhơn. Đức Cha phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã ưu ái hiện diện suốt buổi diễn văn nghệ. Ngoài ra có cha linh hướng Phaolô Trịnh Duy Ri, vài cha khách, cùng khá đông các nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá và Phaolô Qui Nhơn cùng bà con giáo dân giáo xứ chính tòa đến xem văn nghệ để khích lệ tinh thần. Để có buổi diễn văn nghệ nầy, cha Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng đã chịu khó đồng hành hướng dẫn các chủng sinh tập dượt, cũng như lo trang trí, bố trí âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ…. Mở đầu buổi diễn văn nghệ cha giám đốc chủng viện có đôi lời cám ơn quý Đức Cha và cộng đoàn. Sau khi hát kinh Chúa Thánh Thần cha giám đốc tuyên bố khai mạc buổi diễn. Kết thúc buổi diễn văn nghệ, Đức Cha Phó ban huấn từ, trong đó nhắc lại và muốn từ nay cần nối tiếp truyền thống của Chủng Viện Qui Nhơn là có diễn văn nghệ hàng năm dịp lễ quan thầy thánh cả Giuse. Đồng thời Đức Cha cũng khích lệ tinh thần cộng tác tham gia tiết mục văn nghệ của Hội đồng Mến Thánh Giá và Phaolô Qui Nhơn. Ngài nhấn mạnh nét đẹp rất riêng của những người đi tu, dâng mình cho Chúa. Hãy quý trọng và bảo vệ ơn gọi. Sau cùng Đức Cha ban phép lành cho cộng đoàn.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI.
- Giáo xứ Châu Me mừng lễ Thánh cả Giuse, Bổn mạng giáo họ Châu Me. Vào lúc 8g30 sáng chính ngày lễ kính Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria – 19.03, Cha Sở Châu Me đã về giáo họ Châu Me chủ tế thánh lễ bổn mạng của giáo họ. Đông đảo giáo dân trong toàn giáo xứ về hiệp dâng thánh lễ. Thánh lễ được cử hành trong khuôn viên nhà thờ, dưới mái hiên một ngôi nhà Cha Sở đã mua lại của một hộ trước đây chiếm dụng trái phép đất của giáo xứ. Sau thánh lễ, Cha Sở Châu Me, Cha Phó Quảng Ngãi, bà con giáo họ và khách mời ở lại dự bữa tiệc vui.
- Giáo họ Phước Thọ, giáo xứ Phú Hòa mừng lễ Bổn mạng Thánh cả Giuse.  Giáo họ Phước Thọ, cách giáo xứ Phú Hòa độ 25 cây số, vào lúc 9 giờ sáng thứ Hai 21.03, đã cử hành lễ Thánh Cả Giuse, Bổn mạng của Giáo họ tại nhà một giáo dân. Cha Sở Tađêô chủ tế thánh lễ, Cha Hạt trưởng và Cha Phó xứ Quảng Ngãi cùng đồng tế. Từ vài năm nay, hằng năm dịp lễ Quan Thầy của giáo họ Phước Thọ, Cha Sở đều về dâng thánh lễ; đặc biệt lần đầu tiên có thánh lễ Giáng Sinh vào năm ngoái 2010.
- Cha Luy Huỳnh Anh Trung làm Phó xứ Bàu Gốc. Trong Văn thư Bổ nhiệm ký ngày 17 tháng 3/ 2011, Đức Cha Phêrô quyết định “bổ nhiệm linh mục Luy Huỳnh Anh Trung thuộc hàng linh mục giáo phận Qui Nhơn làm linh mục phó xứ giáo xứ Bàu Gốc, giáo hạt Quảng Ngãi”. Sáng thứ Tư ngày 23.03, tại nhà thờ Vĩnh Phú, Cha Hạt trưởng Quảng Ngãi, Cha Sở Bàu Gốc và một số giáo dân đại diện chào đón Đức Cha Phó Matthêu đưa Cha Luy Trung về làm Phó xứ Bàu Gốc. Cùng tháp tùng Đức Cha Phó, có Cha Sở Qui Hiệp là nghĩa phụ của Cha Trung và bốn Cha cùng khóa ĐCV Sao Biển. Trong ngôi nhà thờ giáo xứ, sau ít phút đọc kinh chung, Đức Cha giới thiệu Cha Luy Trung với Cha Sở và đại diện giáo dân. Đức Cha Phó nhắc đến miền đất đã thấm máu một nhà truyền giáo cũng là cha sở – Cha Poirier Tân, MEP - đã chịu tử đạo cùng với 400 giáo dân thời Văn Thân, và nhu cầu truyền giáo hiện nay vì là một địa bàn rộng lớn gồm 3 huyện ít oi bổn đạo; đồng thời Đức Cha nói đến bổn phận của Cha Phó, sau cùng gởi gắm Cha Phó cho Cha Sở và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Bàu Gốc. Đại diện giáo dân dâng lời cảm tạ hai Đức Cha và hứa sẽ cùng với hai Cha chính, phó xây dựng giáo xứ. Sau bữa cơm trưa, Đức Cha Phó cùng các Cha viếng lăng mộ tử đạo, thánh địa tử đạo, và ngôi nhà thờ chính xứ Bàu Gốc hiện nay chỉ còn trơ vơ khung sườn. Một số giáo dân gần đấy hay tin đã ra chào đón Đức Cha và cùng đi viếng các di tích.
- Tĩnh tâm các gia trưởng tại Giáo xứ Bàu Gốc. Ngày lễ Truyền Tin 25/3, các gia trưởng (cả hai vợ chồng) đã về nhà thờ Vĩnh Phú dự buổi tĩnh tâm vào Mùa Chay, bắt đầu từ 07g00 sáng. Cha Phaolô Nguyễn Thọ, DCCT Châu Ổ giảng tĩnh tâm. 10g00 thánh lễ đồng tế do Cha Phaolô Thọ, Cha Sở và Cha Phó cử hành. Lúc 11g30 mọi người hiện diện cùng ngồi lại với nhau quanh bàn ăn trưa thanh đạm. Dù mưa lạnh bất thường nhưng có khá đông giáo dân xa gần về tham dự.

Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
- Đại Hội Acies tại Tuy Hoà và Tịnh Sơn. Vào lúc 8 g sáng ngày 23.3.2011, gần 300 hội viên hoạt động và tán trợ trong giáo hạt Phú Yên đã về nhà thờ Tuy Hoà dự đại hội Acies, một trong những lễ hội chính thức của Legio Mariae. Sau khi lần chuỗi Mân Côi, Thư ký của Hội đã giới thiệu thành phần tham dự gồm quý cha Linh giám, quý soeurs và các thành viên của hội tại các giáo xứ. Sau đó hội viên có một giờ hội thảo để chia sẻ những mẫu chuyện về kinh nghiệm hoạt động. Sau phần dâng mình đầy cảm xúc, quý cha Linh giám đã dâng thánh lễ đồng tế thật sốt sắng. Ngày hội kết thúc với bữa cơm trưa thật vui tươi và hoà đồng tại phòng hội giáo xứ Tuy Hoà.
Hôm sau, sáng ngày 24.3.2011, Giáo xứ Tịnh Sơn cũng đã tổ chức đại hội Acies cho các Hội viên Legio Mariae thuộc Curia Sơn Hòa. Curia Sơn Hòa gồm có 5 Praesidiae thuộc 3 Giáo Xứ Tịnh Sơn, Sơn Nguyên và Trà Kê. Gần 100 hội viên hoạt động, tán trợ và junior đã qui tụ về Nhà Thờ Tịnh Sơn để tham dự. Đặc biệt năm nay có 4 Ủy Viên Comitium từ Qui Nhơn cũng về tham dự. Chương trình được khai mạc 8giờ30. Anh Phó Curia Sơn Hòa chào mừng các Hội viên và nhắc lại ý nghĩa của Lễ Acies. Acies là cuộc tổng hợp hằng năm của Legio. Sự hiện diện của mỗi hội viên trong kỳ đại hội này là điều quan hệ để nói lên tinh thần hiệp nhất với Đức Maria, Nữ Vương của mình. Mọi hoạt động trong sự kết hợp và tùy thuộc Đức Maria. Cha Linh Giám và từng Hội viên sắp hàng tiến lên ảnh Đức Mẹ, tay đặt lên Vexillum long trọng tuyên bố dâng mình, kết hợp với Đức Maria, lặp lại lời hứa trung thành của cá nhân và đoàn thể Legio. “Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”. Cũng có vài bà già đọc thêm “và mọi sự của Mẹ là của con.”
Sau nghi thức dâng mình, cha Linh giám cử hành Thánh Lễ dâng kính Mẹ Maria.Trong Thánh Lễ Cha linh giám chia sẻ những câu chuyện trên chương trình T.V “như chưa hề có cuộc chia ly”. Người ta đã dùng mọi phương tiện và đã giúp rất nhiều người được đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm xa cách tưởng chừng như vô vọng. Các hội viên cũng hãy dùng tất cả những phương tiện mình có để đoàn tụ về cho Chúa những ai bỏ Chúa, lạc xa Chúa,nguội lạnh khô khan hay chưa nhìn biết Chúa…vì ai ai cũng Chúa yêu thương và muốn cứu độ. Sau Thánh lễ các hội viên cùng chia sẻ bữa cơm huynh đệ tại Nhà xứ Tịnh Sơn cùng với sự hiện diện của Cha sở Sơn Nguyên để rồi chia tay nhau trong niềm lưu luyến hẹn ngày tái ngộ.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

CHỈ TỰ HÀO KHI CÓ ĐÓNG GÓP




DƯƠNG THỤY (từ Bordeaux)
Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 27/3/2011



Từ bảy năm nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Gironde đều đặn tổ chức cuộc thi “Tinh thần công dân châu Âu” (Concours Citoyenneté Européenne) dành cho học sinh trung học (tương đương với lớp 8 và lớp 9 của Việt Nam).
Để những thí sinh nhỏ tuổi có được tầm nhìn bao quát về một châu Âu ngày nay, ban tổ chức cuộc thi mời hai nhà văn nước ngoài đến giao lưu, trao đổi thân mật về chủ đề châu Âu: giới trẻ Pháp hội nhập với người châu Âu, tinh thần trợ giúp với những nước kém phát triển hơn, những ngôn ngữ giao tiếp chung ở châu Âu, những vấn đề chung ở châu Âu cần đồng tâm hợp lực để giải quyết...
Sau khi nghe nói chuyện, các em học sinh sẽ bắt tay vào viết những bài tiểu luận, tản văn, truyện ngắn hoặc một bài thơ về tinh thần công dân châu Âu.
Chuẩn bị và không chuẩn bị
Những năm trước, ban tổ chức mời các nhà văn nước ngoài đến từ những nước châu Âu như Bồ Đào Nha, Đức, Bỉ, Estonia, Ba Lan, Luxembourg, Hi Lạp, Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Hà Lan... Năm nay, họ quyết định mời một nhà văn Bắc Âu và một nhà văn đến từ châu Á. Theo ước vọng của học sinh và giáo viên tỉnh Gironde, được nghe thêm một nhà văn ngoài châu Âu đến nói chuyện sẽ thú vị hơn rất nhiều những nhà văn xuất thân từ lục địa này.
Thế là năm nay, hai nhà văn đã được chọn: Bjorn Larsson (nhà văn, nhà hàng hải, người có sách dịch ra 15 thứ tiếng, đến từ Thụy Điển) và tôi (một người viết cho giới trẻ Việt Nam và từng học tập cũng như du lịch tại châu Âu).
Cần phải nói rõ là các nhà văn nước ngoài được mời bắt buộc phải nói được tiếng Pháp trôi chảy, phải trao đổi được thoải mái với học sinh. Năm nào ban tổ chức cũng phải tuyển chọn rất công phu để tìm ra hai nhà văn nước ngoài biết nói tiếng Pháp và chịu bỏ ra hai tuần ròng trò chuyện với học sinh, một công việc mang tính “đóng góp vào cộng đồng” nhiều hơn là hưởng lợi vinh quang hay mang tính vật chất đối với những nhà văn châu Âu.
Tuy cuộc thi dành cho đối tượng là học sinh, xem ra quá “trẻ con”, nhưng ban tổ chức đã làm việc với tinh thần tôn trọng cao độ các em, chăm chút và quan tâm đến đối tượng này rất đúng mực, như giữa những “người lớn” với nhau.
Trước khi đến với cuộc giao lưu, nhà văn Bjorn Larsson và tôi được ban tổ chức yêu cầu viết một tiểu luận dài ba trang về châu Âu. Bài viết của Bjorn Larsson khá hàn lâm. Nhà văn Thụy Điển 57 tuổi này là một nhà hàng hải, một người phóng khoáng, sống ung dung tự tại. Ông nói được sáu thứ tiếng và hiện là giáo sư văn chương Pháp tại Trường đại học Lund, Thụy Điển. Còn bài viết của tôi chỉ là một lời chia sẻ chân tình về những gì mình nhận thấy về châu Âu: một châu lục đầy tình thân ái, giàu văn hóa nhưng cũng còn đó những vấn đề xã hội cần hoàn thiện hơn.
Các em học sinh đọc các bài tiểu luận của chúng tôi về châu Âu rồi cùng giáo viên môn văn, lịch sử, ngoại ngữ... thảo luận trước. Sau đó các em chuẩn bị những câu hỏi rồi nóng lòng chờ được gặp những nhà văn nước ngoài. Chúng tôi có gần hai mươi buổi giao lưu với học sinh lớp 8 và lớp 9 tại mười trường trung học thuộc tỉnh Gironde.
Sáng nào chúng tôi cũng khởi hành từ Bordeaux, ngồi trên xe gần cả giờ để đến một trường học, ăn trưa tại căngtin trường, rồi chạy tiếp cả giờ sang trường khác. Tôi thường tranh thủ ngủ trưa trên xe, mặc kệ cảnh đẹp của những vườn nho trứ danh vùng rượu vang nức tiếng này. Bỏ công sức như thế thật cũng đáng, vì học sinh và giáo viên tiếp đón chúng tôi rất nồng nhiệt.
Một giáo viên văn cho biết với học sinh ở độ tuổi này, thường các em nghĩ rằng một nhà văn thường là già khụ hoặc... đã qua đời. Gặp những nhà văn nước ngoài còn trẻ trung, mạnh khỏe, từng đi nhiều nơi và thích chia sẻ với giới trẻ là một dịp thú vị để biết được những suy nghĩ mới.
Nhà văn Bjorn Larsson có rất nhiều đầu sách dịch ra tiếng Pháp và có vài cuốn ông viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, nhưng dường như học sinh chưa đọc ông nhiều. Các em lại càng không biết đến tôi, chỉ có hai truyện ngắn của tôi được dịch ra tiếng Pháp cho các em tham khảo sơ. Tuy nhiên, các em yêu thích và có cảm tình với chúng tôi hoàn toàn không phải vì chúng tôi là nhà văn. Đơn giản, các em ấn tượng vì chúng tôi nói trôi chảy tiếng Pháp, tiếng mẹ đẻ mà các em tự biết là rất khó học đối với người nước ngoài.
Bjorn Larsson chu du nhiều, phần lớn là trên đại dương và loanh quanh khu vực châu Âu. Tuy không có sự so sánh với các châu lục khác, ông vẫn nhận ra châu Âu là cái nôi của văn hóa, kiến trúc, âm nhạc, hội họa... Tôi thì có một so sánh cụ thể hơn vì sinh ra và lớn lên ở châu Á.
Nhường cơm sẻ áo với đồng loại, chăm lo động vật, bảo vệ môi trường... là những hành động người châu Âu nào cũng thực hiện dù nhiều hay ít. Ngoài ra, người châu Âu sống giản dị, không chạy theo những giá trị vật chất quá nhiều, biết cách cân bằng cuộc sống nghề nghiệp và đời sống cá nhân.


Muốn trở thành công dân hữu ích
Khi tôi hỏi các em có tự hào vì mình là người Pháp nói riêng, người châu Âu nói chung hay không, ít có cánh tay giơ lên. Có thể các em còn quá trẻ hoặc chưa từng được đi xa vượt khỏi châu Âu. Tôi chia sẻ với các em rằng học sinh - sinh viên Việt Nam dù rất thích ra nước ngoài du học nhưng vẫn rất tự hào là người Việt Nam.
Khi tôi hỏi có bao nhiêu em thích được ra nước ngoài học tập và làm việc, một trăm phần trăm các em đã giơ tay hào hứng. Giải thích vì sao không tự hào là người Pháp và người châu Âu, các em hồn nhiên nói: “Không ai chọn cho mình sinh ra làm công dân của nước nào, của châu lục nào. Vậy có gì mà tự hào? Người ta chỉ tự hào khi có được những thành tích nào đó, làm những việc có ích cho xã hội, đóng góp công sức cho cộng đồng”.
Lời giải thích đơn giản của các em làm tôi “ngộ ra”: người châu Âu không dùng hai chữ “tự hào” cho những gì họ không bỏ công sức hay mang tính đóng góp cho cộng đồng. Ví dụ sẽ không ai tự hào vì mình xinh đẹp hay mình sinh ra trong một gia đình giàu có tiếng tăm. Ngược lại, nếu ai đó có xuất thân tốt đẹp hơn tầng lớp trung bình, họ có mặc cảm mình được hưởng đặc quyền đặc lợi, mình “chơi ăn gian” với những người có xuất phát điểm thấp hơn.
Trong những buổi giao lưu này, tôi cũng học được rất nhiều điều thú vị từ nhà văn Bjorn Larsson để thấy rằng người châu Âu luôn muốn có công bằng cho tất cả mọi người. Ở đất nước Thụy Điển nổi tiếng với những chương trình an sinh xã hội, người dân luôn muốn đóng góp chứ không thích được hưởng trợ cấp.
Ngoài ra, Thụy Điển tự hào là xã hội bình đẳng giới rất tiến bộ. Khi người mẹ sinh con, cả hai vợ chồng được hưởng đến 12 tháng nghỉ hộ sản. Người cha phải nghỉ ít nhất ba tháng để cùng chăm sóc con với vợ. Người Thụy Điển làm việc vất vả nhưng hiểu rõ giá trị cuộc sống không chỉ có vật chất, họ đi du lịch nhiều để mở mang tầm nhìn, thích sống giữa thiên nhiên để yêu thiên nhiên hơn và luôn hoạt động xã hội để chia sẻ khó khăn với người kém may mắn hơn.
Nhà văn Bjorn Larsson không có xe hơi riêng, ông dùng phương tiện giao thông công cộng để tham gia bảo vệ môi trường. Dù là giáo sư đại học và là nhà văn bận rộn, ông luôn tham gia những hoạt động phổ biến kiến thức văn học và đến những hội thảo nói chuyện với giới trẻ.
Hai tuần trôi qua khá nhanh với những buổi giao lưu trò chuyện về châu Âu thật thú vị. Có những nơi học sinh bỏ công sức tự làm bánh mời chúng tôi ăn, có nơi phụ huynh nhiệt tình mời về nhà thăm vườn nho, mời nếm rượu vang do chính họ làm, có nơi các em làm báo tường về Việt Nam để khoe với tôi các em cũng quan tâm ít nhiều đến đất nước xa xôi này...
Tôi chưa biết sau những buổi nói chuyện này các em có hiểu nhiều hơn về tinh thần công dân châu Âu không, nhưng tôi chắc rằng các em ý thức rõ thế nào là một công dân hữu ích.


 

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

SỰ KIÊU NGẠO CỦA KHOA HỌC




Satoru Ikeuchi
nhà thiên văn học
tại đại học chuyên đào tạo tiến sĩ các ngành học cao cấp, Sokendai

Tuổi trẻ cuối tuần, ngày27/3/2011


Nhà Vật Lý Torahiko Terada viết năm 1934: ''Con người càng văn minh thì cái vòng bạo lực của thiên nhiên ngày càng lớn''. Gần 77 năm sau những từ mà ông từng viết trở nên chính xác hơn bao giờ hết.
Con người ngày càng trở nên kiêu ngạo, tin là họ đã chinh phục được thiên nhiên. Chúng ta xây những công trình lớn hơn, vĩ đại hơn. Các nhà khoa học và kỹ thuật tin rằng họ làm như vậy để đáp ứng nhu cầu của xã hội. nhưng họ quên mất trách nhiệm lớn hơn đối với xã hội của họ mà chỉ nhấn mạnh vào những khía cạnh tích cực của nỗ lực đó. Thảm họa ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi thể hiện rõ hiện tượng này.
Dù động đất ở Nhật là chuyện thường xuyên và nước Nhật được mô tả là “quốc gia nằm trên miếng đậu phụ” nước Nhật dã xây dựng 54 lò phản ứng hạt nhân dọc bờ biển, đối mặt với nguy cơ bị sóng thần tấn công cực lớn. Đáng lý chúng ta cần phải nghĩ tới khả năng siêu động đất sẽ xảy ra...
Cách nay vài năm, mức tiêu thụ điện ở Nhật vào những ngày nghỉ hè khi mọi người về thăm quê hương ở mức mà khi toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân dừng hoạt động vẫn có đủ điện cho tất cả. Nhưng ngày nay năng lượng hạt nhân đã trở thành một phần không thể thiếu trong cả đời sống công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày. Việc sử dụng năng lượng quá mức đã trở thành một phần tính cách của chúng ta. Đó lại là hiện tượng mà chúng ta không còn suy nghĩ nhiều tới nó nữa.
Nhật Bản đã đạt tới trình độ cực kỳ cao nhờ khoa học và công nghệ. nhưng chúng ta không thể phủ nhận nó đã khiến chúng ta ngao nghễ, cướp đi từ chúng ta khả năng tưởng tượng và phỏng đoán về thảm họa. Chúng ta đã sụp bẫy, sự văn minh đã khiến chúng ta trở nên đờ đẫn.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

TẠI SAO LẠI CƯỜI?



Vũ Minh Thu
(Theo The New York Times)


Đôi khi chúng ta cười vì một cái gì đó buồn cười, nhưng phần lớn các nụ cười lại chẳng có liên quan gì lắm đến sự hài hước. Nụ cười phải chăng là một công cụ sinh tồn bản năng của những động vật sống thành bầy đàn, và nó không phải là một lời đáp về mặt tinh thần cho một câu đùa dí dỏm?


Tiếng cười cũng tiến hóa

Rober R. Provine đã thử áp dụng những gì học được về khoa học thần kinh để nghiên cứu nụ cười. Ông đã bắt đầu bằng cách dẫn mọi người đến phòng thí nghiệm của mình tại Đại học Maryland, và chiếu cho mọi người xem băng Saturday Night Live và một số băng của George Carlin. Những con “chuột bạch” của ông không cười nhiều. Họ tạo thành cái mà một tác giả hài kịch sẽ gọi là công chúng tồi. Vì vậy Provine đã tiến hành nghiên cứu về con người trong môi trường xã hội, ví dụ như trên các vỉa hè ở thành phố và tại các trung tâm thương mại ở vùng ngoại ô. Provine phát hiện ra rằng 80 – 90% số người được nghiên cứu cười sau một câu nhạt nhẽo. Những câu chọc cười thường hiếm khi vượt quá được một câu kiểu như: “Cậu bốc mùi như một gã vừa ra khỏi phòng tập thể dục”. Trong cuốn Nụ cười, cuộc sống, tác phẩm (NXB Robert Laffont, 2003), giáo sư Provine giải thích rằng phần lớn những đối thoại diễn ra trước trận cười đều có vẻ như được lôi ra từ một cảnh buồn chán trong một chương trình truyền hình do một nhà viết kịch bản tồi viết ra. Nhìn chung, người nói, đặc biệt là phụ nữ, thường cười nhiều hơn người nghe, và dùng nụ cười của mình để thay dấu ngắt câu. Đây là một cơ chế phần nhiều là tự nhiên. Người ta có thể nhịn cười, nhưng hiếm người có thể ép mình cười mà giấu được vẻ gượng gạo. Giáo sư Provine cho biết: “Nụ cười là một dấu hiệu xã hội trung thực bởi rất khó giả vờ cười. Đó là một cái gì đó đã có từ xa xưa, mạnh mẽ và thô mộc. Đó là một dạng hành vi hóa thạch chỉ ra nguồn gốc mà cả loài ngoài, và có thể là tất cả những loài động vật có vú, đều có chung”. Tiếng “ha, ha” của con người tiến hóa từ tiếng thở phì phò nhịp nhàng của động vật linh trưởng, như tinh tinh, khi chúng đuổi nhau hay cù nhau.

Jaak Panksepp, nhà thần kinh sinh học và tâm lý học thuộc trường đại học bang Washington, đã phát hiện ra rằng khi bị cù, ở loài chuột phát ra một thứ âm thanh mà con người chỉ nghe thấy được khi có các thiết bị đặc biệt, và chúng thích âm thanh này đến mức muốn nghe lại Theo Panksepp, nụ cười sinh ra nhờ những kết nối thần kinh sơ khai, mà chức năng là thúc đẩy những con chuột nhỏ học cách chơi cùng nhau. Nụ cười kích hoạt quá trình vui đùa và cho những con khác thấy rằng không phải chúng đang đánh nhau mà là đang chơi. Panksepp chỉ rõ: “Nụ cười bắt quen đã trở thành công cụ để báo hiệu cho cá thể khác biết rằng mình chỉ có ý định hành động một cách thân thiện. Những động vật sống thành bầy đàn phức tạp như động vật có vú cần một cơ chế khơi gợi những cảm xúc tích cực để tạo ra một “bộ óc xã hội” và giúp các cá thể dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng”.

Cười cho thấy thứ bậc xã hội

Nụ cười là một “chất bôi trơn xã hội”. Đó là một cách kết bạn, và cũng là một cách cho thấy rõ vị trí của mỗi người trong hệ thống thứ bậc. Các nhà tâm lý học xã hội đã dùng một câu chuyện đùa nhạt nhẽo để thực hiện một nghiên cứu với các sinh viên nữ thuộc Đại học Florida.

Người ta đã nói với một số sinh viên này rằng bên điều tra sẽ đưa cho một vài người trong số họ một số tiền khá lớn, giống như việc sếp thưởng cho một cấp dưới có công. Kết quả: trước câu chuyện đùa vô vị này, những sinh viên trong nhóm được coi là cấp dưới cười nhiều hơn so với nhóm sinh viên quan sát. Và điều này không phải chỉ bởi nhóm cấp dưới cố gắng “gây thiện cảm với sếp”. Trong một thí nghiệm khác, một số nữ sinh viên được chỉ định làm sếp, số khác làm nhân viên và số khác nữa là đồng nghiệp của người kể câu chuyện cười nhạt nhẽo trong băng video. Khi người xem cuốn băng là sếp, cô ta không cười nhiều. Nhưng khi người xem cuốn băng là nhân viên hay đồng nghiệp của người kể, cô ta cười nhiều hơn. Khi ở vị trí thấp trong hệ thống thứ bậc, người ta cần tất cả những đồng minh có thể, và người ta sẵn sàng cười trước bất kể mọi chuyện ngay cả khi điều này không mang lại lợi ích ngay lập tức. Tyler F. Stillman, người đã thực hiện thí nghiệm này cùng Roy Baumeister Và Natham DeWall, cho biết: “Khi tôi kể một câu chuyện đùa nhạt nhẽo trong thí nghiệm nói trên với sinh viên của mình, tất cả họ đều cười ngất”. Nhưng Stillman lại kể một “trải nghiệm” khác của mình trong một hội thảo vào tháng 1/2007: “Đó là một hội thảo nhỏ, với sự tham gia của một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Khi được phát biểu, tôi, một nghiên cứu sinh trước mặt các chuyên gia hàng đầu, kể câu chuyện đùa trên, bầu không khí hoàn toàn im lặng. Người ta có thể nghe tiếng một con ruồi bay qua”.


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

TRƯỚC TÁC CỦA CADIÈRE DƯỚI GÓC NHÌN LIÊN VĂN HOÁ – TÔN GIÁO



Bửu Nam
Tạp chí “Văn Hoá Nghệ Thuật”, số 321, tháng 3/2011, tr. 57-60.70


1. Về tiểu luận của Léopold Michel Cadière và bài viết của Nguyên Ngọc.
Công trình của L.M. Cadière Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam (Famille et la religion en pays annamite) (1) gồm 80 trang. Đây là công trình mà hai năm trước đó, vào năm 1928, ở Luxembourg, trong Tuần lễ quốc tế dân tộc học tôn giáo, Cadière đã trình bày như một tranh luận có giá trị đặc sắc được hoan nghênh và sau này được hoàn thiện lại và đăng và tạp chí Đô thành hiếu cổ vào năm 1930.
Về mặt quan điểm nghiên cứu, công trình này thể hiện một cách cụ thể những quan điểm mà  Cadière đã trình bày trước đó trong tuần lễ dân tộc học tôn giáo ở Louvain vào tháng 8 năm 1912, đó là tham luận mang tên Những chỉ dẫn thực hành đối với các vị thừa sai khi quan sát tôn giáo (Instruction pratique pour les missionnaires font des observations religieuses, Anthropos, tập VII, 1913, được in lại trong chương III của Những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam (Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, tr.142-175). Có thể nói những quan điểm mới mẻ, rộng mở, tiến bộ của Cadière đã góp phần đặt nền móng tiên phong cho bộ môn dân tộc học tôn giáo gắn với nguyên lý đối thoại các tôn giáo và các nền văn hóa.
Công trình Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam sau này trở thành một chương trong công trình lớn Những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam (2). Do vậy, cần xem xét công trình Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam gắn bó với tổng thể công trình lớn nói trên, đặc biệt là vấn đề tín ngưỡng dân gian Việt Nam với tục thờ các thần linh phong phú, đa dạng ở khắp nơi của người Việt. Có thể nói, dưới con mắt của Cadière, thế giới thần linh và linh hồn bao quanh cuộc sống của người Việt, ngay cả sự thờ cúng tổ tiên. Hay nói cách khác, sự thờ cúng thần linh, linh hồn và sự thờ cúng tổ tiên có mối quan hệ hòa quyện vào nhau, bởi tổ tiên khi đã khuất mặt, thì linh hồn vẫn còn hiện diện, có khả năng phù trợ một cách siêu nhiên cho con cháu họ. Ở góc độ nào đó, thế giới quan tôn giáo của người Việt là phiếm thần luận (panthéisme), vật linh, hồn linh (animisme) bọc quanh tam giáo (Nho, Phật, Lão) đã được người Việt Nam tiếp thu của Trung Hoa. Ở đây có thể nhận thấy Cadière đã chỉ ra hai cơ tầng tôn giáo: cơ tầng tôn giáo văn hóa bề nổi của Trung Quốc được Việt hóa và cơ tầng tôn giáo bề sâu, tôn giáo nguyên thủy hồn linh và phiếm thần ẩn trong tín ngưỡng dân gian của người bình dân Việt Nam...
Hai cơ tầng này vừa kết hợp vừa đan xen với nhau chằng chịt, phức tạp một cách biện chứng. Có thể nói công trình Những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam là tiêu biểu cho sự đối thoại tôn giáo - văn hóa của Cadière, một linh mục Thiên Chúa giáo phương Tây, Pháp với tôn giáo - văn hóa Việt Nam và cả tôn giáo - văn hóa Trung Quốc với cái nhìn khống thiên kiến, tôn trọng tôn giáo - văn hóa của kẻ khác như một giá trị tự thân. Đặc biệt ông luôn có những so sánh liên văn hóa tôn giáo giữa tôn giáo cổ truyền Việt Nanl và Cơ đốc giáo phương Tây hoặc tư tưởng triết lý phương Tây dù còn rơi rớt một ít và rất khó thấy sự đánh giá cao thấp giữa tôn giáo của mình và tôn giáo của kẻ khác, nhưng nhìn chưng, toàn bộ công trình lớn này vãn giữ thái độ tôn trọng kẻ khác như một hệ giá trị văn hóa tôn giáo riêng...
2- Trước tác của Cadière dưới góc nhìn "đối thoại liên văn hóa - tôn giáo"
Cách tiếp cận liên và xuyên văn hóa đối với trước tác của Cadière chính là nhằm tìm hiểu sự đối thoại văn hóa, đối thoại tôn giáo, sự tương giao các nền văn hóa và tôn giáo diễn ra trong con người và tư tưởng của ông, giữa văn hóa phương Tây / châu Âu / Pháp với văn hóa phương Đông / châu á/ Việt Nam, giữa Thiên Chúa giáo của ông và các tôn giáo khác có phần xa lạ với ông, các tôn giáo của kẻ khác, dân tộc khác, giữa nhiệm vụ của vị thừa sai nhằm truyền bá tôn giáo của mình và với nhiệm vụ và chức trách khách quan của một nhà khoa học đi tìm sự thật, chân lý, và thể hiện nó một cách trungg thực, không thiên kiến...
Với tư cách của một nhà khoa học, với đầu óc tò mò hiếu kỳ khoa học vô hạn định mọi lĩnh vực, Cadière đặc biệt ưa thích khoa học ngôn ngữ, khoa học xã hội và nhân văn. Có thể nói ông là nhà bác học tự học. Bằng sự miệt mài học tập và miệt mài lao động khoa học với sức làm việc kinh khủng, ông vừa chiếm lĩnh những thành tựu của sử học, dân tộc học, khảo cổ học, nhân loại học, ngữ văn học, tôn giáo học, và triết học trước hết của Pháp và sau đó là của châu Âu. Đồng thời ông đã thể hiện những tiếp biến trở thành máu thịt này trong 250 công trình lớn nhỏ. Ông đã vận dụng các thao tác quan sát, điều tra phát vấn khách quan, suy luận, phân tích tổng hợp, điền dịch, quy nạp, đặc biệt phương pháp so sánh đối chiếu và cách tiếp cận liên ngành, liên lĩnh vực đã trở thành hệ phương pháp ưa thích của ông, do ông có sự hiểu biết rất rộng nhiều lĩnh vực và có kiến thức bách khoa, nhất là đào rất sâu vào các sắc thái ngữ nghĩa của ngôn ngữ để tìm hiểu bản chất và quan niệm của tư tưởng, văn hóa, tôn giáo.
Thêm vào đó, ông là con người có nghị lực phi thường, biết vượt qua những khó khăn, đặc biệt là từ giai đoạn làm tuyên úy trường Pellerin ở Huế (1913-1918) với sự thuận tiện dễ dàng trong nghiên cứu và cống hiến khoa học, nhất là cống hiến cho tờ Đô thành hiếu cổ, được điều chuyển sang làm cha xứ Di Loan (gần Cửa Tùng và sông Bến Hải). Đó là nơi xa môi trường khoa học, nơi ông phải đảm nhận trăm công nghìn việc, bận bịu với vai trò mục vụ và quản hạt, nhưng cuối cùng với nỗ lực vô cùng tận ông đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học và để lại bốn thành tựu lớn trong các lĩnh vực: sử học - dân tộc học giai đoạn cận đại; ngôn ngữ học, đặc biệt ngữ âm miền Trung và cú pháp tiếng Việt; dân tộc học tôn giáo; Huế học. Bốn lĩnh vực có thể gộp chung một khoa học đang thời sự hiện nay là Việt Nam học và ông là một nhà Việt Nam học xuất sắc và cũng và một trong những người đặt nền móng. Cadière đã sống 63 năm ở Việt Nam, ông đã sống với cường độ mãnh liệt trong cống hiến khoa học và mục vụ. Ông đã chọn Việt Nam làm quê hương để sống, chết và trước tác, với ước vọng muốn thấu hiểu chiều sâu sự bí ẩn bên trong của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, tư tưởng triết lý, tín ngưỡng, lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam và thể hiện chúng bằng những công trình khoa học để giới thiệu cho nước Pháp và thế giới biết được bản sắc đặc sắc của văn hóa Việt. Ông đã làm được những điều đó và còn làm một cách xuất sắc: các công trình khoa học của ông, đặc biệt ở lĩnh vực ngôn ngữ học và dân tộc học tôn giáo, Huế học đều thể hiện điểm nhìn bên trong của người Việt, lăng kính Việt trong ngôn ngữ khoa học Pháp mà ông đã hóa thân cất tiếng nói. Và như vậy ông là người Việt còn hơn cả người Việt. Hay có thể nói ông là người nhập quốc tịch Việt (về tinh thần) gốc Pháp...
Nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng và tôn giáo Việt, nhưng cả 250 công trình của ông đều viết bằng tiếng Pháp, đối tượng độc giả mà ông nhắm tới là người Pháp và thế giới sử dụng tiếng Pháp, do vậy cách trình bày, lập luận, dẫn dắt, tạo hiệu ứng nơi người đọc bằng sự lạ hóa vừa bằng sự đối chiếu so sánh, vừa tạo phong vị khách quan của 1ôgíc nội tại. Bản thân các trước tác của ông đã có tính xuyên và liên văn hóa một cách hiển nhiên.
3. Phương cách tư duy và mô hình nghiên cứu đối thoại liên và xuyên văn hóa của Cadière.
Có thể nới phương cách tư duy nghiên cứu của Cadière là tư duy đối thoại liên văn hóa, liên chủ thể Tây - Đông, Pháp - Việt (chủ thể văn hóa Pháp, phương Tây, Thiên Chúa giáo của nhà nghiên cứu và chủ thể văn hóa Việt, phương Đông, châu Á với tín ngưỡng riêng), với sự chuyển hóa biện chứng giữa khách quan và chủ quan, giữa lăng kính bên ngoài và lăng kính bên trong. Trước hết chủ thể nghiên cứu là một nhà khoa học phương Tây đồng thời là một linh mục Thiên Chúa giáo, vậy để nghiên cứu cho trung thực thì phải rất khách quan, gạt bỏ thiên kiến, sự trịch thượng của vị chủng tộc Pháp, vị văn hóa châu Âu, vị tôn giáo của mình, phải quan sát, mô tả khách quan đối tượng nghiên cứu từ bên ngoài với nhãn quan vô tư, khoa học, sau đó cần nỗ lực thâm nhập sâu vào bên trong đối tượng nghiên cứu để đối tượng tự bộc lộ ý thức, quan điểm, lăng kính tư duy, cảm nhận, lôgíc tự thân ý kiến của mình như là một chủ thể. Chẳng hạn khi nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt, ngoài việc mô tả khách quan bên ngoài thì nỗ lực xâm nhập và lôgíc tự thân bên trong ý thức tín ngưỡng của người Việt để ý thức này lên tiếng về thần linh, về tổ tiên. Sau đó phải chuyển hóa ý thức này trong một ngôn ngữ Pháp vừa khách quan, khoa học để ý thức này có thể giao tiếp với một công chúng phương Tây, Pháp vốn còn xa lạ với nó. Ngoài cái đặc sắc khác biệt gây tò mò, ngạc nhiên, ông phải tìm cái chung, phổ quát xuyên hai nền văn hóa nằm trong sự tương đồng phổ quát của nhân loại. Ngoài ra, ông phải chỉ ra cái đặc sắc này mang một giá trị nhân bản nhất định thì mới thu hút được sự thông hiểu của độc giả Pháp, phương Tây. Có thể nói đại khái đó là diễn trình của phương cách tư duy nghiên cứu của tiểu luận Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam mà Cadière phát biểu ở Luxembourg, cũng như viết lại hoàn chỉnh sau này. Phương cách tư duy này luôn phối kết và di động các lăng kính văn hóa, các ý thức văn hóa một cách biện chứng.
Trong mô hình nghiên cứu của ông, đối tượng nghiên cứu không phải cái hàn lâm, cái bác học, cái trừu tượng mà là đối tượng trong cái hàng ngày, cái sống động, hiện sinh, có tính bình dân, dân gian và có tính xã hội. Chẳng hạn khi ông nghiên cứu ngôn ngữ của người Việt thì đó là ông nghiên cứu lời ăn tiếng nói trong đời sống hàng ngày của người dân quê bình dân, trong sự giao tiếp sống động mang tính xã hội. Từ việc nghiên cứu đó mà ông rút ra ý thức về cú pháp Việt, ngữ âm Việt, lôgíc nội tại của cú pháp và ngữ âm Việt này, chứ không lấy cú pháp Pháp, phương Tây để áp đặt. Chính trong việc nghiên cứu tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao của người Việt đang sử dụng mà ông phát hiện ra tư tưởng triết lý của người Việt.
Sự độc đáo của mô hình và phương pháp làm việc của Cadière ở chỗ ông nghiên cứu chiều sâu của xã hội Việt Nam bao quát qua nhiều biểu hiện xuyên và xuyên và liên lĩnh vực: lịch sử, ngôn ngữ, các phương ngữ, các địa danh, những truyền thống phong tục, nghệ thuật, triết lý dân gian, tư tưởng tôn giáo và ngay cả những thực hành ma thuật, địa lý phong thủy...
Có thể nói ông luôn chú ý phối kết các phương pháp, các cách tiếp cạn như: phân tích ngữ nghĩa học (hay ngữ văn học) kết hợp với phương pháp tiếp cận liên ngành; phương pháp so sánh đối chiếu liên văn hóa các dân tộc và các vùng miền ở Việt Nam kết hợp với phương pháp loại hình và phương pháp lịch sử. Cho nên, sử của ông là sử dân tộc học, dân tộc học của ông lại là dân tộc học tôn giáo, mỹ thuật Huế của ông luôn được khảo sát gắn với nhãn quan so sánh với mỹ thuật Trung Quốc và mỹ thuật miền Bắc. Ngữ âm tiếng Việt phương ngữ miền Trung của ông luôn luôn có sự so sánh đối chiếu với ngữ âm chung cả nước, ngữ âm miền Bắc, giữa ngữ âm Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, ông luôn đi tìm loại hình và biến thể, tính biện chứng giữa cái chung và cái riêng. Khi ông nghiên cứu tục ngữ, ngạn ngữ của người Việt Nam thì gắn với việc tìm hiểu vũ trụ quan và nhân sinh quan của người bình dân, cớ nghĩa là gắn với triết lý dân gian người Việt. Nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc của xứ Thần kinh, ông lại gắn với địa lý phong thủy và các truyền thuyết lịch sử siêu nhiên.
Phương pháp làm việc của ông luôn kết hợp điều tra, thực địa điền dã, phát vấn, phỏng vấn, với việc vừa tham khảo các tư liệu sách vở, nhưng ông luôn xuất phát từ tư tưởng thực tiễn, kiểm nghiệm thực tế ở thực địa để kiểm tra, đính chính các điều đã viết ở các tài liệu đó để đánh giá độ xác thực của chúng.
Đối với các nguồn tài liệu viết ông luôn luôn có sự phân tích, đánh giá, đối thoại lại về quan điểm văn hóa chẳng hạn khi tham khảo các tài hếu viết về đề tài gia đình và tôn giáo người Việt của các nhà nghiên cứu có quan điểm duy Trung Quốc luận hay duy châu Âu luận thì ông luôn có sự đối thoại lại xử lý và tiếp thu những hạt nhân rất uyển chuyển tinh tế.
Mặt khác, phương pháp trình bày các công trình khoa học của ông luôn chú trọng việc cung cấp các dữ liệu xác thực với việc miêu tả vừa tổng thể toàn vẹn đối tượng vừa tỉ mỉ chính xác từng chi tiết, có thề kèm hình vẽ, hoặc ảnh chụp nhiều góc độ để sau này dựa vào đó có thể tái phục dựng nguyên trạng. Các bài viết của ông về Huế sau này giúp cho việc phục hồi nguyên trạng các di tích với các chi tiết rất chính xác về kiến trúc kinh thành Huế, cung điện, lăng tẩm Huế. Hoặc khi ông nghiên cứu các môtíp trang trí của mỹ thuật Huế, ông luôn để đính kèm các tranh vẽ hoặc ảnh chụp. Ông biết tất cả có thể mất đi với thời gian nên lưu giữ lại nó như một ký ức sống động trong các bài viết của mình.
Điều cốt tủy của phương cách tư duy và mô hình nghiên cứu đối thoại liên và xuyên văn hóa của ông là đầu óc và tấm lòng rộng mở. Ông có cái tâm, một tấm lòng, sự thiện cảm, sự thấu hiểu và cả tình yêu đối với nền văn hóa kẻ khác khi nghiên cứu. Đó là trường hợp khi ông viết tiểu luận Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam hoặc hai bài viết chùa Quốc Ân vào năm 1914, 1915 ở tạp chí Đô thành hiếu cổ (BAVH). Các bài viết về chùa Quốc Ân cho thấy sự cởi mở của tinh thần đối thoại các tôn giáo, ngoài ra ta còn thấy sự đồng cảm về thân phận, nhà truyền giáo nước ngoài đến sống và chết ở Huế, Việt Nam. Trong thân phận nhà sư Tạ Quang Thiệu, người Trung Quốc đến trụ trì ở chùa Quốc Ân Huế, hành đạo ở Huế và chết ở đó, Cadière lại thấy trong đó thân phận nhà truyền giáo đến Việt Nam của mình. Dù khác tôn giáo nhưng đồng thân phận. Ông cũng thấy thân phận người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác nhưng mà khổ rất giống với thân phận người nông dân quê ông ở Pháp, đó cũng là sự nhận thức biểu hiện xuyên văn hóa mang tính nhân bản của ông.
Khác vời phần lớn các nhà nhân chủng học, dân tộc học Pháp và châu Âu trước chiến tranh thế giới thứ hai, thường nghiên cứu các xã hội của các tộc người nguyên thủy không chữ viết, không lịch sử, Cađière luôn có ý thức rằng đối tượng nghiên cứu của ông là xã hội Việt Nam, một xã hội đã có một nền văn minh khá cao và độc đáo có lịch sử sôi động hào hùng, có chữ viết, có tư tưởng triết lý dân gian và hệ tôn giáo riêng. Cho nên ống vừa có thái độ tôn trọng vừa có thái độ thiện cảm nền văn hóa của kẻ khác này. Sau này nghiên cứu kỹ và sau, ông đâm ra hiểu và mê say, tự xem đó là nền văn hóa của chính mình mà ông có nhiệm vụ giới thiệu cho độc giả quê hương gốc ông và thế giới. Ý thức văn hóa của ông diễn ra một quá trình hoán chuyển văn hóa kẻ khác (văn hóa Việt) trở thành văn hóa máu thịt của chính ông. Văn hóa Pháp, văn hóa tôn giáo và văn hóa khoa học Pháp và phương Tây trong ông lại giúp cho việc ông nghiên cứu văn hóa Việt có chiều sâu hơn, có tính mới mẻ hơn và dễ giúp ống truyền bá nó ra thế giới hơn...
Với những đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt, văn hóa Huế ra thế giới, Léopold Michel Cadière xứng đáng được vinh danh là một nhà khoa học lớn, một nhà Việt Nam học và Huế học xuất sắc, một danh nhân văn hào đáng tôn xưng trong lòng người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tên tuổi của ông mãi mãi xứng đáng được lưu truyền với hậu thế.

1. BAVH, 1930, tr. 353-413.
2. EFEO, 1955-1958, 1992, 3 tập.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

MẰNG LĂNG QUÊ TÔI



Maria Nguyễn Thị Thanh Huyền
Giáo xứ Mằng Lăng

Bài thơ đạt giải Triển Vọng
Giải thưởng Đặng Đức Tuấn lần I



Mằng Lăng đất phú trời yên
Thắm nhuần máu thánh, hồn nhiên lòng người.
Ai ơi giữ mãi nụ cười
Để rồi hăng hái xây đời tin yêu.
Anrê anh dũng vì yêu
Trở nên của lễ toàn thiêu cho đời
Mằng Lăng hẻo lánh kêu mời
Gần xa quan khách hợp lời về đây
Mằng Lăng nay đã đổi thay
Đồi xanh cỏ mọc, thai say đắm mình
Đá tròn, đá trụ... đủ hình
Phong nha thạch động Quảng Bình thứ hai!
Ai người ghé lại một mai
Thứ nhất ngắm cảnh, thứ hai nguyện cầu.
Anrê Người sẽ cầu bầu
Hồn người thắm xứ, thắm màu đức tin.
Tự hào biết mấy quê mình
Tự hào biết mấy bóng hình Anrê.