Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

PHÉP MÀU Ở QUỐC GIA "HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI"




Hoàng Minh 
Tia sáng 

Nét khác biệt trong chính sách du lịch của Bhutan là ở chỗ cho phép thu của mỗi khách quốc tế 65 USD/ngày để loại bỏ nhóm khách ba lô và tạo ngân sách cho an sinh xã hội, đồng thời giữ lượng  khách ổn định ở mức chính phủ quản lý được và cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực của ngành du lịch đáp ứng được. 

Có một quốc gia nằm sâu trong vùng núi non hiểm trở, không có dầu mỏ, chỉ mới mở cửa với thế giới từ năm 1974, điện lưới còn chưa phủ kín lãnh thổ mà vẫn tăng trưởng với tốc độ trên 20% mỗi năm để đạt GDP thực tế bình quân tới hơn 5.400 USD(1) vào năm 2010 trong khi gần một nửa dân số mù chữ: Vương quốc Bhutan. 

Tôi đã đến Bhutan tháng Một vừa qua và nhận ra những điều mình từng biết về nền kinh tế, đặc biệt là du lịch nước này, gần như sai hoàn toàn. Những con người mà chỉ vài ngày trước tôi cho rằng đang sống trong thời trung cổ cho thấy họ có thể kiếm tiền – thậm chí là rất nhiều tiền – một cách chân chính và bền vững mà không hủy hoại môi trường và nền văn hóa của mình. 

Số lượng nhỏ, giá trị lớn 

Nói đến Bhutan là nói đến khái niệm Tổng Hạnh phúc Quốc nội (GDH – Gross Domestic Happiness) và mọi chính sách của Chính phủ nước này hầu như xoay quanh khái niệm trung tâm ấy.  

Nhưng nói vậy không có nghĩa là Bhutan quên đi vấn đề kinh tế. Theo số liệu ước tính của IMF – vì Bhutan không thống kê GDP, hoặc có thì cũng không công bố - GDP thực tế của vương quốc này năm 2010 là khoảng gần 3,9 tỷ USD. Dân số nước này nếu làm tròn một cách hào phóng thì lên tới… 750.000 người. GDP bình quân là 5.400 USD. 

Để so sánh, nước láng giềng thân cận Ấn Độ đến năm 2011 này mới chỉ đạt 3.700 USD/người. Con số tương ứng ở Việt Nam là khoảng 3.350 đôla . 

Để có thu nhập như hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một công xưởng mới của thế giới, Việt Nam đã khai thác mọi nguồn tài nguyên từ “rừng vàng biển bạc”.  

Còn Bhutan? Họ có bán lâm sản, có xuất khẩu nông sản nhưng thu chủ yếu từ thủy điện cho Ấn Độ (đóng góp khoảng 40% thu ngoại tệ). Du lịch mới là ngành đang phát triển mạnh nhất và sẽ là nguồn thu chính trong tương lai. 

Theo số liệu của Chính phủ Bhutan, năm 1974, năm đất nước mở cửa, Bhutan đón tổng 287 khách du lịch. Hai mươi năm sau, con số này là hơn 7.000. Thêm mười năm nữa, năm 2009, hơn 23.000 du khách viếng thăm “xứ sở hạnh phúc” và có thể đạt tới 40.000 vào năm 2012, theo một vài dự báo không chính thức. Tất cả khách quốc tế đều tới Bhutan theo các tour du lịch sinh thái hoặc du lịch văn hóa, hoàn toàn không có “Tây balô”. 

Hiện nay, mỗi du khách quốc tế phải chi khoảng 200 USD mỗi ngày khi đến Bhutan, bao gồm chi phí ăn ở, thuê hướng dẫn viên, nhưng chưa tính thu nhập từ bán đồ lưu niệm vốn được sản xuất thủ công 100% và có giá không rẻ chút nào.

Một điều đáng nói khác là đất nước này, về lý thuyết, không hề có nhà máy và không có nền công nghiệp (chỉ có vài nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng của quân đội nằm sát biên giới với Ấn Độ và vài nhà máy thủy điện). Một số nguyên liệu để chế tác đồ mỹ nghệ như các loại đá và vàng bạc được nhập từ Ấn Độ hoặc Myanmar chứ không được khai thác tại chỗ (vì Bhutan không có hoặc chưa muốn và chưa thể khai thác). 

Rừng vẫn che phủ hai phần ba diện tích Bhutan và 60% trong đó là các khu bảo tồn với hệ sinh thái được đánh giá là đa dạng vào loại nhất thế giới. Điều này góp phần thu hút khách du lịch tham gia vào các tour sinh thái, thường là trekking trên các đỉnh núi có độ cao trên 4.000 mét so với mặt biển. 

Chậm, bảo thủ và… có kết quả 

Trước khi tới thủ đô Thimphu, tôi vẫn đinh ninh rằng chính phủ Bhutan giới hạn lượng khách du lịch quốc tế hàng năm nhưng hóa ra không phải vậy. 

Chính phủ quản lý chặt du khách. Lịch trình được định sẵn từ khi khách xin visa và không thể thay đổi. Họ cũng giới hạn số đoàn khách mà mỗi công ty du lịch đưa tới Bhutan tùy theo năng lực. Nhưng số khách tới Bhutan thực ra bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông. 

Bhutan mới chỉ có duy nhất một sân bay quốc tế tại thị trấn Paro, cách thủ đô Thimphu khoảng hai giờ ôtô. Mặc dù đã có cả hàng không tư nhân, sân bay Paro chưa bao giờ đón quá 40.000 lượt khách trong một năm. Đường bộ đi từ Ấn Độ rất không thuận tiện và tiêu tốn nhiều thời gian.  

Ngay trong nội địa Bhutan, giao thông vẫn còn khó khăn. Để đi từ Thimphu sang các tỉnh miền Đông (nơi nhiều làng mạc vẫn như thời trung cổ, đến điện cũng chưa có) bằng xe buýt thì phải mất ít nhất hai ngày. 

Nhưng nhà vua và chính phủ của ông không hề tỏ vẻ muốn phát triển nhanh (mặc dù Bhutan đang tăng trưởng với tốc độ tới hơn 20% mỗi năm bất chấp kinh tế thế giới suy thoái). Các nguồn tin địa phương cho biết nhiều dự án lớn đã được dãn tiến độ (trong đó có hai dự án thủy điện lớn và một dự án sân bay quốc tế đã được hạ cấp xuống thành sân bay nội địa).  

Người Bhutan chắc chắn không muốn mất kiểm soát tình hình và cũng cần đợi có thêm chuyên gia người bản xứ (bởi như đã nói, mới có hơn 50% dân số biết chữ). Nhìn vào những tỉnh lộ đang xuống cấp nghiêm trọng, tôi tin rằng họ rất sáng suốt khi không muốn giao thêm các dự án đường xá vào tay Ấn Độ , một quốc gia có hạng trên thế giới về tham nhũng.

Cao cấp, nhưng không chỉ chạy theo lợi nhuận 

Trước khi lên đường, tôi và gia đình thử hỏi bạn bè về Bhutan. Cứ mười người thì chín hỏi lại, “Bhutan là ở đâu thế?” Nhưng những người bạn nước ngoài mà chúng tôi biết đều thốt lên với đầy vẻ ghen tỵ, “Ôi! Đó là điểm đến mơ ước của tôi đấy!” 

Một trong những lý do đầu tiên để họ phải mơ ước là vì chi phí du lịch tại Bhutan không rẻ (tối thiểu là 200 USD mỗi người mỗi ngày như đã nói ở trên). Chính sách loại bỏ khách du lịch balô của nước này chủ yếu xuất phát từ bài học xương máu của nước láng giềng Nepal.  

Những người có thâm niên trong ngành du lịch Bhutan mà tôi gặp ở Thimphu nói rằng Nepal đã bị biến thành một cái chợ vì khách du lịch “bụi”, những người thoải mái thưởng thức cảnh đẹp và làm hỏng nền văn hóa bản xứ trong khi chẳng đóng góp một xu nào cho nền kinh tế địa phương.  

Và nếu nhìn vào số liệu của IMF thì rõ ràng những chuyên gia Bhutan nọ đã hoàn toàn có lý. Năm 2010, GDP bình quân đầu người của Nepal chưa tới 1.300 USD trong khi về lý tuyết, Nepal có nhiều lợi thế hơn so với Bhutan, đặc biệt là về giao thông. 

Khác biệt chủ yếu đến từ chính sách du lịch. Chính phủ Bhutan thu của mỗi du khách quốc tế 65 USD/ngày (trừ người Ấn Độ vì mối quan hệ giữa hai nước) để loại bỏ toàn bộ nhóm khách “thu nhập thấp” và tạo ngân sách cho an sinh xã hội (chủ yếu là giáo dục và y tế miễn phí) đồng thời giữ lượng du khách ổn định ở mức chính phủ quản lý được. Theo xu hướng hiện nay, du khách tới Bhutan sẽ chỉ tăng tương đương với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng và nhân lực [của ngành du lịch và các ngành liên quan].  

Bên cạnh đó, người đi du lịch đến Bhutan phần lớn thuộc nhóm muốn và sẵn sàng tiêu tiền cho các sản phẩm và dịch vụ tại chỗ như tham quan di tích hay đồ thủ công mỹ nghệ. Một bài báo tôi đọc trên nhật báo Kuensel (bản tiếng Anh) cho biết thu nhập chỉ từ sản phẩm dệt của một làng nghề ở miền Đông nước này đã tăng gần gấp ba trong năm vừa qua nhờ lượng khách du lịch tăng và những thợ lành nghề nhất kiếm đủ tiền cho con sang Ấn Độ du học. 

Bhutan đã có ba khách sạn 5 sao với giá phòng lên tới 1.000 USD mỗi đêm (theo các nguồn địa phương thì ba khách sạn này góp phần rất lớn vào việc thu hút khách nhiều tiền và lượng du khách đã tăng rõ rệt kể từ năm 2003, khi khách sạn 5 sao đầu tiên khai trương tại thủ đô Thimphu).  

Tất cả các cửa hàng phục vụ khách quốc tế ở Bhutan đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nếu trả tiền mặt, du khách có thể dùng USD, Rupee Ấn Độ, hoặc đồng Ngultrum Bhutan (nhưng chi tiêu thông thường, ví dụ đi taxi thì buộc phải dùng đồng Ngultrum). 

Mặc dù “chém” du khách một cách nhiệt tình nhưng khác với nhiều nước, Bhutan không chủ trương kiếm tiền từ mọi nguồn có thể. Chẳng hạn, ở một số tu viện quan trọng như Taktsang (nơi được ví như Mecca của Bhutan), du khách bị cấm tuyệt đối chụp ảnh bên trong khuôn viên. Không có chuyện nộp lệ phí để được ghi hình ở chốn thiêng liêng như ở Trung Quốc hay Nepal (càng không có chuyện du khách được chụp ảnh tự do như ở Việt Nam trước đây). Các sĩ quan cảnh vệ thậm chí bắt tôi gửi lại cả bút máy, sổ tay, máy ghi âm – tóm lại chỉ được đi người không vào, và không được đội mũ.

Trên đường đi trekking, một người trong đoàn chúng tôi chợt nhìn thấy mấy bông hoa dại nở sớm, có màu tím rất dễ thương và hỏi đùa hướng dẫn viên là có thể mang về Việt Nam hay không. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhận được một câu trả lời dứt khoát đến thế từ một người Bhutan, một tiếng “không” rõ ràng, gọn lỏn. Đó là luật, không bàn cãi gì thêm. Nếu mua đồ cổ, du khách buộc phải có chứng nhận của cửa hàng bán món đồ (và cửa hàng này phải được chính phủ cấp phép trước khi bán) mới có thể mang về nước. 

Thay lời kết 

Dĩ nhiên, Bhutan cũng đang đối mặt với vô vàn thách thức giống như bất kỳ một quốc gia nhỏ bé nào khác. 

Nước này gần như hoàn toàn bó tay trước tình trạng khí thải từ người láng giềng khổng lồ Trung Quốc đang làm vùng Himalaya nóng lên mỗi ngày. Các đỉnh núi nóng lên đồng nghĩa với việc băng sẽ tan. Mà các hồ băng vùng Himalaya là ngọn nguồn của mọi dòng sông trên lãnh thổ Bhutan. Các hồ này biến mất thì sông ngòi Bhutan cũng cạn nước, không những thủy điện và nông nghiệp tê liệt mà toàn bộ hệ sinh thái mà nước này tự hào cũng sẽ lâm nguy. 

Ngoài ra, gìn giữ văn hóa truyền thống cũng đang là một thách thức vì không phải người Bhutan trẻ nào cũng muốn sống theo kiểu cũ. Truyền hình, điện thoại và internet đã mang lối sống và văn hóa phương Tây tới hầu như mọi ngõ ngách của vương quốc này. Ảnh vua nhạc rock Elvis Presley có thể được treo cạnh ảnh đương kim hoàng đế trong các quán bar…  

Mặc dù vậy, rõ ràng những gì Bhutan đã đạt được rất đáng khâm phục. Cuộc sống ở đây vẫn vô cùng bình yên, tỷ lệ phạm tội rất thấp, nền kinh tế ổn định (lạm phát khoảng 3% năm 2011) và đáng kể hơn cả là người dân hạnh phúc và lạc quan nhất thế giới (2). Trong bối cảnh nhiều quốc gia phải hy sinh cả môi trường lẫn văn hóa để tăng trưởng một cách thiếu bền vững thì Bhutan dường như là một phép màu.

---
1. Các số liệu GDP trong bài này đều là GDP thực tế (tính theo sức mua) theo ước tính của IMF
2. Theo một vài xếp hạng quốc tế về chỉ số hạnh phúc, Bhutan đứng thứ 8 thứ 9, ví dụ như theo "Bản đồ Hạnh phúc" của ĐH Leicester (Anh Quốc) năm 2006 thì Bhutan đứng thứ 8. "Hạnh phúc nhất" là một cách gọi tự phong của quốc gia này. 

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

TÌNH YÊU TRONG VĂN HÓA



Nguyễn Đăng Trúc

I a - "Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm"( ama et fac quod vis)
Câu nói của đại văn hào Thánh Augustinô là âm vang phổ quát nhất đi lọt vào tất cả các nền văn hóa cổ kim, đông cũng như tây, trong tất cả các chiều kích của cuộc sống con người. Thật thế tôn giáo là gì nếu không phải vì yêu thương mà con người được tạo dựng, vì yêu thương mà có cứu độ! Và yêu thương không phải là hơi thở và cứu cánh của tôn giáo hay sao! Kinh Thánh Kitô giáo đînh nghĩa Thiên Chúa Tối Thượng là tình yêu, và đức Kitô Đấng cứu độ là hiện thân của tình yêu ấy. Đức Phật thì vì lòng thương tha nhân (từ bi) mà lên đường khai đạo; Đức Khổng thì vì nhân ái; Mặc tử thì vì kiêm ái... Ngay cả những đổi thay xã hội, các cuộc cách mạng đầy bạo lực, hận thù và bài xích tôn giáo (như cuộc cách mạng Pháp 1789, cuộc cách mạng cộng sản vào đàu thế kỷ 20), những nhóm phản kháng bụi đời hay ngược đời bất chấp tôn giáo, các giá trị tinh thần và xã hội hiện hành... thì cũng nhân danh tình yêu (make love!) để biện minh cho hướng đãu tranh hay thái độ sống của mình.
Thông thường, người ta hay nói rằng: Có nhiều cách diễn đạt khác nhau để nói lên cùng một nội dung; nhưng trong trường hợp nầy thì ngược lại: cùng một nội dung yêu thương mà mỗi người lại hiểu một cách khác. Và chúng ta sẽ thấy tùy cách hiểu về tình yêu mà chúng ta sẽ có những định chuẩn nhận ra nhiều hình thái văn hóa khác nhau trong lịch sử. Có thể nói tiếp theo lời của Thánh Augustinô như thế nầy: hành động nào của con người thì cũng vì yêu thương, nhưng thảm kịch là mỗi người hiểu yêu thương một cách khác nhau, và đó là vấn đề.
I b - Hôn nhân và gia đình, một thách đố của thời đại "toàn cầu hóa "
Chúng ta cứ cố định nghĩa con người như một cục sỏi đứng một mình, nằm ì ra đó. Nhưng con người tự tại một mình là sản phẩm, một loại phóng ảnh của trí óc hữu hạn, một ý niệm mà thôi. Con người ấy không bao giờ hiện hữu cả. Con người sống là một mối tương giao chằng chịt, con người có cha, có mẹ, có anh em, bạn bè, có đất dưới chân và trời trên đầu, có khí để thở, có xã hội để học hỏi và liên đới... Con người một mình không thể có và nếu có thì đó là sai lệch (như sách Kinh Thánh từng nói: ở một mình không tốt,- xem. sách Sáng Thế). Sống là sống với ai, và trong cuộc sống trên nhân thế, khi hai người sống chung thì tương quan nầy được thiết lập thành định chế có tính cách cộng đồng, xã hội. Và định chế khởi nguyên, cơ bản, phổ quát nhất xuất hiện trong bất cứ một cộng đồng nhân loại nào trong lịch sử là định chế hôn nhân và gia đình, mặc dầu có những hình thái thể hiện đa biệt. Và định chế hôn nhân và gia đình trong thực tế xã hội hiện nay cũng là định chế được các nhà luật pháp dân sự, tôn giáo đề cập và nghiên cứu nhiều hơn cả.
Nhưng điểm đáng nêu lên trong thời đại gọi là thời tân kỳ của chúng ta, với những trào lưu xã hội đối nghịch (chủ nghĩa xã hội tập thể tối thượng và chủ nghĩa tự do cá nhân tuyệt đối), đi kèm với những khám phá và can thiệp có tính cách kỹ thuật vào sự sống, phái tính và hình thành thể xác con người nhân danh tiến bộ khoa học, thì hôn nhân và gia đình không phải đang biến hóa một cách nào đó, nhưng đang chứng kiến thách thức sống còn: hôn nhân và gia đình còn tồn tại hay không trước sự kiện thụ thai hoàn toàn không cần can thiệp của đôi người nam nữ, khế ước hôn nhân-gia đình của hai người đồng tính...?
Thách thức xã hội nầy trong bối cảnh "toàn cầu hóa" đặt lại cho toàn nhân loại một câu hỏi có tính cách văn hóa về bản chất và cứu cánh con người: hoặc con người là gì trong giới hạn định nghĩa của hiểu biết sự vật, của khoa học và khả năng biến chế sản xuất, hoặc con người là ai trong tương quan của yêu thương. Hôn nhân và gia đình còn có giá trị gì hay không tùy thuộc vào bối cảnh của câu hỏi nền tảng nầy.
Ic - Hội nhập
Xã hội Việt nam chúng ta vào thời tiền chiến đã từng chứng kiến hai luồng văn hóa đối nghịch: một bên là xã hội phong kiến, được xem là truyền thống, trong đó tâm tình yêu thương và cuộc sống cá nhân chịu sự chi phối của những tập tục khắc nghiệt nhân danh quyền lợi của tập thể nào đó tùy cấp độ như gia tộc, làng xã, "đạo lý truyền thống"..., và bên kia là trào lưu cải cách xã hội của nhiều nhóm trẻ, trong đó Tự Lực Văn Đoàn gây nhiều ảnh hưởng hơn cả.
Người bảo thủ nếp cũ thì nhân danh truyền thống ngàn đời, đạo lý cha ông, đôi lúc nhân danh cả tình tự dân tộc để bám víu những hủ tục vô nhân; nhưng phía các trào lưu tiến bộ cũng hấp tấp, nóng lòng muốn bắt chước mẫu mực nếp sống cá nhân chủ nghĩa Tây Phương (và Tây Phương ở đây thực sự chỉ giới hạn trong một nếp sống thị thành nào đó hoặc trong tiểu thuyết ), muốn lật nhào toàn bộ nếp cũ của xã hội ngàn đời của dân tộc. Trong thực tế lịch sử, xã hội chúng ta đã uyển chuyển chọn con đường cải cách chừng mực, không "đoạn tuyệt" "thoát ly" với truyền thống cộng đồng và gia đình để chỉ biết đến tự do cá nhân.
Xã hội Việt nam trong và ngoài nước hôm nay cũng đang trải qua những dao động tương tự. Nhưng lần nầy không có những trào lưu cải cách, những cơ cấu hay nếp sinh hoạt cộng đồng bảo thủ áp ức. Từ toàn bộ vận hành quốc gia và quốc tế, trong mọi lãnh vực từ tôn giáo, văn hóa, chính trị... mỗi cộng đồng, mỗi gia đình và mỗi cá nhân đều chới với trước những thực trạng xã hội đang xâu xé cuộc sống của mình. Ngoài ảnh hưởng một xã hội thời tân kỳ của toàn thế giới nói chung, xã hội Việt nam bị hụt chân vì những đứt đoạn do hoàn cảnh chiến tranh, chính trị: đổi thay có tính cách đứt đoạn vì cuộc "cách mạng" văn hóa rốt ráo của "xã hội chủ nghĩa" chuyên chế; các cuộc di dân qui mô vì chiến tranh, tị nạn chính trị, vì chính sách và cuộc sống kinh tế; vai trò ảnh hưởng trong gia đình đổi thay vì chênh lệch trình độ chuyên môn và khả năng kinh tế của thế hệ trẻ so với bậc phụ huynh; các loại quyền uy cộng đồng về đạo lý trên cuộc sống cá nhân như kỷ luật gia đình, dư luận và chế tài xã hội, niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng giáo dục... không còn hữu hiệu nữa. Thực trạng xã hội trong và ngoài nước không khác xa nhau là mấy, người ta không còn một giải pháp nào hơn là để mặc cho hoàn cảnh đẩy đưa. Trong bối cảnh đó, tình yêu, hôn nhân và gia đình được cảm nghiệm một cách kỳ lạ; chúng xuất hiện trong tâm tư mỗi người như một món trang sức, một món đồ cổ có tính cách thi vị, bên cạnh thực tế xã hội mà ưu tư về kinh tế chi phối hầu như toàn bộ cuộc sống cá nhân. Và vấn đề hội nhập thường được mọi giới nêu lên còn có nghĩa gì khác hơn ngoài vấn đề giải quết vấn đề kinh tế, nghĩa là kiếm được một việc làm? Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là giới hữu trách về cuộc sống tinh thần như tôn giáo, giáo dục, văn hóa... vì không thấy vấn đề, hoặc vì muốn làm thinh, đã hội nhập một cách hầu như đương nhiên thực trạng và tâm tư nầy !
·                     Tình yêu và văn hóa
"Yêu đi rồi làm gì thì làm", và bởi vì ngày nay người ta hầu như mỗi người đều chủ trương làm đều mình thích, nhưng người ta hoặc không yêu ai ngoài yêu cá nhân mình hoặc không còn yêu chi cả, nên mọi định chế (ngay cả định chế phổ quát nhất là hôn nhân và gia đình), mọi giá trị con người như chỉ là hiện tượng nhất thời và tương đối. Đó là thực trạng của thời tân kỳ chúng ta đang sống.
Nhưng yêu là gì? Yêu liên quan gì với cuộc sống con người?
Trong các thập niên gần đây, nhiều nhà nghiên cứu người Việt nam về văn minh, văn hóa đối chiếu đông-tây thường mạnh dạn nói một cách đơn giản: Tây phương trọng lý trí, còn đông phương và nhất là người Việt chúng ta thì đề cao chữ tình. Nhưng tình phải chăng là cảm xúc chủ quan, xung động tình cảm bất chừng, hay khóc hay hờn..., và lý trí phải chăng chỉ được hiểu là nhận thức sự vật bên ngoài, cân đo đong đếm như một máy tính điện tử thời nay?
Để có thể phanh phui một vài nét chính yếu về nội dung chữ tình yêu trong những nền văn hóa ảnh hưởng nhiều đến nếp sống và tâm tư người Việt chúng ta, chúng ta sẽ nêu lên một vài mẩu chuyện tiêu biểu thường được nền văn hóa liên hệ tiếp nhận như là có giá trị chỉ dẫn. Chúng ta chọn bốn khung văn hóa tiêu biểu:
·         văn hóa hy lạp và Tây phương truyền thống,
·         văn hóa Tây phương thời tân kỳ,
·         mạc khải Kitô giáo,
·         tam giáo ( Phật, Lão, Khổng) hài hòa trong truyền thống văn hóa Việt nam.

II a - Tình yêu hướng thượng của văn hóa truyền thống Tây phương
Trong tác phẩm Bữa Tiệc, Platon ghi lại hai mẩu chuyện về tình yêu (EROS) được người về sau xem là tiêu biểu. (Chính vì thế có thành ngữ tình yêu lý tưởng theo "Platon", amour platonique).
- Thần thoại người lưỡng tính nguyên sơ:
Trong một bữa tiệc, khi được hỏi đến nội dung của EROS, nhà hài kịch thời danh AristophaneẠ đã nêu lên chuyện con người nguyên thủy vốn lưỡng tính. Ngày trước, nhân loại chỉ gồm những người lưỡng tính, có hai đầu, bốn tay và bốn chân. Vì tài năng uy dũng, các loại người nầy sinh kiêu căng chống lại thần thánh. Thần Zeus không chịu nổi sự hỗn láo đó nên đã chặt họ làm hai phần. Cái rún nơi bụng con người là dấu tích về sự phân đôi đó.
" Bây giờ nửa phần nầy chạy đuổi bắt nửa phần kia, cố nối kết như cũ. Hai phần cứ thế mà ôm ghì trói chặt lại với nhau thành một thân mà thôi. Do đó mà trở nên bất động, không làm gì được vì không phần nào muốn hành động mà không có phần kia. Thần Zeus mới đưa các bộ phận sinh dục ra phía trước của mỗi bên - trước đó chúng ở phía lưng - để đôi bên có thể giao hợp bảo đảm sinh sản chủng loại hoặc thỏa mãn dục tính."
" Chính vì vậy mà từ thủa xa xưa ấy, tình yêu người nầy đối với người kia ghi khắc nơi tâm hồn con người; cũng chính vì tình yêu nầy bản tính nguyên sơ của con người kết hợp; tình yêu ấy muốn kết hợp hai bên thành một thể, vì thế nó chữa lành nhân tính chúng ta"
- Thần thoại về nguồn gốc EROS
Truyện nầy do chính Socrate kể, nhắc lại một giai thoại gặp gỡ giữa ông và đồng nữ Diotime de Mantinée (một nhân vật có thể là tưởng tượng tiêu biểu cho thi hứng). Bà đồng nữ kể rằng Eros được thụ thai trong ngày mừng sinh nhật của thần Ái- Ân Aphrodite:
" Các thần đang dự tiệc, có mặt cả con trai thần Khôn Ngoan tên là Dư-Đầy. Khi mọi người dùng bữa xong, thì cô Nghèo đến ăn xin vì thức ăn còn thừa; cô đến tựa cửa ra vào. Cũng trong lúc ấy, thần Dư-Đầy say mèm vì uống nhiều mật hoa đi lạc vào vườn Thần Zeus và lăn lưng ngủ ở đấy. Bấy giờ nàng Nghèo nghĩ đến thân phận nghèo hèn của mình nên định tâm có một người con với thần Dư-Đầy. Nàng đến nằm bên cạnh chàng, nhờ vậy mà Eros đã được thụ thai"
Tiếp đó Socrate tự minh giải câu truyện như thế nầy:
" Tình yêu là trung gian giữa hiểu biết và ngu muội. Trong các thần thánh, không ai cần triết lý, không ai muốn trở thành khôn ngoan, vì họ là những kẻ khôn ngoan rồi... Từ đó ta hiểu tình yêu là triết lý ( tức là : yêu chính là yêu sự khôn ngoan = philo-sophia); tình yêu đúng là trung gian giữa hiểu biết và ngu muội"
- Minh giải
Cả hai mẩu truyện về tình yêu được Platon trình bày trong cuốn Bữa Tiệc qua miệng của hai nhân vật được biết là đối thủ của nhau, đều trình bày cùng một nội dung với những nét tương đồng. Muốn am tường nội dung tình yêu trình bày ở đây, thiết tưởng phải nêu lên nét cơ bản nhất trong triết học Platon. Đối với Platon, nền tảng vững chãi cho suy tư, cho mọi hiện hữu phải là hữu thể tự tại, vĩnh cửu, bất biến vượt lên trên thời gian đổi thay và không gian có giới hạn. Con người đang ở trong thời gian, vì mang lấy thể chất thân xác mà có sinh có tử, có đổi thay.. Như vậy, cái gì gắn bó với vật chất, đổi thay như thân xác là tiêu cực so với khả năng hiểu biết thuộc lý trí thuộc thế giới không thay đổi. Con người trong thân phận tại thế với thân xác mình là tình trạng bất toàn; nhưng con người có tình yêu thúc đẩy như một động lực hướng về lại sự toàn thiện, tức là hữu thể thuộc lý trí hiểu biết. Ở giai đoạn còn mang thân xác làm người tại thế, tình yêu đó gọi là triết lý; khi đạt đến hữu thể chân thật, hay cứu cánh toàn bích thì không còn triết lý, không còn tình yêu, nhưng sẽ chỉ là hữu thể, là khôn ngoan.
·                     Bản chất và cứu cánh con người là hữu thể tự tại, vĩnh cửu, thông biết mọi sự. Bản chất đó là một thực thể siêu vượt thời gian và không gian đang giam hãm con người. Còn hiện hữu tại thế là một sự sa sẩy, một giai đoạn bị chia cắt hay còn thiếu, nghèo đói hữu thể; trong hoàn cảnh nầy thân xác là yếu tố tiêu cực trì kéo bước thăng tiến của con người tiến về sự hoàn mãn.
·                     Tình yêu chỉ là một động lực thúc đẩy con người hướng về hữu thể tự tại, hướng về sự khôn ngoan qua việc giúp con người khám phá những giá trị tích cực của hữu thể, đặc biệt là giá trị đẹp. Nó thuộc lãnh vực phương tiện, là thứ yếu so với khả năng hiểu biết của lý trí. Thần thánh và con người toàn mãn không cần đến yêu thương.
·                     Tình yêu phát xuất từ sự thèm muốn (của cô Nghèo), từ dưới đi lên, muốn đi tìm những giá trị mà mình đã biết trước (xét về mặt hữu thể học) không tiên liệu những bất ngờ, những bí mật diệu kỳ nào khác; nhưng hữu thể chân thật và các giá trị không nằm trong cõi trần nầy, thế giới bây giờ và ở đây liên hệ đến vật chất hữu hình và cuộc sống thân xác.
II b - Tình yêu " bây giờ và ở đây" của thời Tân Kỳ
Về mặt tư tưởng văn hóa, Thời tân kỳ (les Temps Modernes) phát xuất và phát triển trên cùng một nền tảng hữu thể học Hy lạp-Tây phương mà Platon đã khai triển. Nghĩa là hữu thể, chân lý là bản chất muôn đời bất biến, tự tồn tại và tự đủ cho mình. Nhưng nếu Platon tưởng tượng ra rằng thế giới chân thật là những ý tưởng có trước và tách biệt với thế giới hữu hình, vật chất, thân xác, thì thời tân kỳ là thời nói ngược lại thế giới ý tưởng của Platon và các giá trị đi kèm. Câu nói của Faust, một nhân vật điển hình của con người tân kỳ trong kịch bản nổi tiếng của văn hào Goethe, giúp ta hiểu rõ đường hướng nầy :
" Ta đã nghe tiếng vui rộn của làng; đúng là địa đàng của dân chúng; già cả và trai trẻ, lớn nhỏ nhảy nhót mừng vui: nơi đây ta cảm thấy mình là người, nơi đây ta dám làm người"
Hữu thể, chân lý được cảm nghiệm không phải là nhớ lại một thế giới bên ngoài, để từ đó đánh giá cái gì càng xa thì càng cao, càng trọng, nhưng đặt nền trên kinh nghiệm bây giờ và ở đây của cá nhân tôi (Descartes: cogito ergo sum ); hữu thể không phải là một bản chất bất động đi ngược với lịch sử nhưng là lịch sử đang hình thành (Hegel); sự hiểu biết và trật tự, các ý niệm rõ rệt định vị cá thể của mỗi ý tưởng, các giá trị qui chiếu vào trật tự thế giới nầy (thế giới linh tượng của Platon, thế giới được Nietzsche gọi tên là tác phẩm của Apollon) phải nhường chỗ cho sự sống sôi động, cởi bỏ biên giới tù ngục của lý trí để trầm mình vào Đại Nhất nhờ tình yêu mang tên Dionysos.
Ngược lại không phải là khác đi, nhưng làm đảo ngược: nếu trong tình yêu lý tưởng (platonique) thân xác bị miệt thị thì nay tình yêu là thể hiện thèm muốn của thân xác; nếu tình yêu trước đây lệ thuộc lý trí, trật tự, khám phá các giá trị được tiền kiến là cao đẹp bền vững, thì nay tình yêu là lãnh vực hoàn toàn thuộc cảm xúc, những xung động bất chừng của tâm sinh lý cá nhân, giai đoạn, tùy thời tiết nắng mưa.
Hai hình ảnh đặc trưng của con người thời đại tân kỳ liên quan đến cảm xúc trai gái (thay cho tình yêu lý tưởng Platon) mà văn chương phổ biến là Faust và Don Juan. Hai nhân vật có trong lịch sử được biến thành nhân vật thần thoại, chuyên chở những nội dung tiên phong báo hiệu một hướng đi của thời đại tân kỳ. Trước hết là Faust (được Goethe diễn tả rất thần kỳ trong bản kịch Faust của ông): Faust thông minh, tài ba, nhưng thất vọng về kiến thức trường ốc của xã hội truyền thống từ Platon. Ông chấp nhận bán linh hồn cho quỷ Méphistophélès, kẻ tự nhận mình là "ta là thần luôn chối bỏ", để ăn " đất" Ạ một cách khoái lạc thay vì suy tư những chuyện vĩnh cửu trên trời. Ăn bụi đất ở đây là khát vọng hiểu biết, là nhu cầu hành động, hưởng thụ tối đa thèm muốn của thân xác. Vì đam mê, Faust đã chinh phục Marguerite ngây thơ vô tội. Nhưng chán chê nàng, Faust bỏ bê Marguerite, kéo theo sự thất vọng của Marguerite và nàng giết cả đứa con từ bụng dạ nàng. Faust lại đến thăm và rủ nàng trốn. Marguerite không chọn con đường trốn thoát nhưng chấp nhận hối hận và án tử hình để đền tội.
Don Juan là biểu tượng cho anh hùng tình yêu thời mới. Nhân vật kỳ lạ nầy có tài chinh phục phụ nữ khắp nơi mỗi lần hắn gặp trên cuộc sống phiêu lưu vô định của hắn. Phụ nữ đối với Don Juan là nét mới lạ, phong phú, đa biệt của âm-tính (tức là thời gian, không gian, bây giờ-ở đây, thế giới vật chất trong tầm tay) mà kinh nghiệm sẽ tổng hợp thành Tổng Thể (la Totalité).
Vào thời ban đầu (thời Phục hưng đến giai đoạn phổ biến văn chương lãng mạn), Faust, Don Juan chỉ là giấc mơ của tuổi dậy thì, một dự tính thoát ly và đoạn tuyệt với quá khứ viển vông và thiếu sức sống của chủ nghĩa duy lý. Nhưng Faust và Don Juan không còn có gì là nhân vật thần thoại tiểu thuyết, nhưng là thực tế phổ biến của thời đại chúng ta.
Khi tình yêu là xung động bất chừng của cá nhân hay của thời đại, hôn nhân và gia đình cũng thoái hóa thành những định chế tùy nghi của nhu cầu chính trị phe phái, hay một vài trào lưu văn chương nhất thời.
II c- Tình yêu trong mặc khải Kitô giáo
Có thể nói rằng mạc khải Kitô giáo và toàn bộ Thánh kinh của tôn giáo nầy là sự biểu lộ tình yêu mà thôi. Thượng Đế có tên là Tình yêu, hiện thân Tình yêu nầy là Đức Kitô. Con người không thể có hữu thể nào khác hơn là hình ảnh phản chiếu của Thiên Chúa, nói cách khác bản chất con người là tình yêu tức là sự sống nối kết với Thượng Đế trong tình Cha-con. Kitô giáo không tìm định nghĩa con người qua đặc tính hiểu biết. Định nghĩa nầy là định nghĩa văn hóa Hy-Lạp. Mặc khải Kitô giáo về con người toàn diện, thành toàn nơi Đức Kitô là Tình Thương của Thiên Chúa đối với con người và cho mỗi người cụ thể chứ không có gì khác.
Tình yêu đó không nhằm một đặc tính của một bản chất nào bất kỳ: như đẹp tốt, thật v.v. Không phải yêu vì giá trị đẹp, vì tập thể chủng loại, vì số lượng nhiều, ngay cả vì tốt lành... Trong Kinh Thánh có ghi lại bài giảng của Đức Kitô mạc khải việc người chăn chiên lành để lại 99 con chiên ngoan để đi tìm một con chiên lạc.
Và trái nghịch với triết học và các chủ trương khôn ngoan của con người, tình yêu trong mạc khải Kitô giáo không phải là xúc tác đi tìm lại bản chất cái tôi nào đó (người lưỡng tính nguyên thủy của Aristophane) do trí khôn mình nghĩ ra, không phải sự thèm khát từ bên dưới đi tìm sự viên mãn tốt lành bên trên theo định kiến của mình như nàng Nghèo đi tìm Thần Dư-Đầy mà Socrate gợi ý. Tình yêu phát xuất từ trên đi xuống xuống, là cho nhưng không và có cứu cánh nơi chính nó. Thiên Chúa, nguồn tình yêu, Ngài yêu con người, đi tìm gặp con người trướcẠ. Và Ngài đã thể hiện tình yêu đối với con người bằng cách chọn lấy cái chết cho bản thânẠ và hóa thành không "thân phận của chính Ngài"
Và trong tình yêu cứu độ Đức Kitô đã đến làm Con của loài người (le Fils de l'homme) và sống 30 năm trong khung cảnh một gia đìnhẠ; và khi lên đường công khai loan báo Tình Yêu của Thiên Chúa,
Ngài đã đến dự tiệc cưới người thân quen với mẹ Ngài tại Cana.
Nếu tình yêu Kitô giáo không thể là phản ứng của xúc động thể lý và tâm lý nhất thời, thì tình yêu Kitô giáo ấy cũng không hề miệt thị thân xác khi mà chính hiện thân tình yêu của Thượng Đế là Đức Kitô đã mang lấy thân xác. Và cũng đừng hiểu lầm rằng tình yêu Kitô giáo là dụng cụ của trí năng hay một giá trị nào ngoại tại như tập tục, gia tộc, tiến bộ nhân loại nào đó..., nhưng qua sự thể hiện tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, tình yêu chính là bản tính linh ư vạn vật đưa con người lên hàng thần thánh chứ không phải trí năng hiểu biết. Đến đây ta có thể hiểu tại sao Thánh Augustinô lên tiếng "yêu đi rồi làm gì thì làm".
II d - Tình yêu trong văn hiến Việt nam
Câu chuyện tình luôn nằm trong tâm khảm của mỗi một người Việt Nam có lẽ là mối tình nguyên sơ giữa hai thủy tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Theo sách Lĩnh Nam Chích QuáiẠ do Trần Thế Pháp ghi lại và sau đó Vũ Quỳnh hiệu chính, thì tại nước Xích Quỉ phương Nam có Sùng Lãm Lạc Long Quân cai trị dân sống trong trật tự hạnh phúc. Nhưng Lạc Long Quân là thần nhân nên thường ẩn mặt (nơi Thủy Phủ). Lợi dụng lúc vắng mặt của Lạc Long Quân, Đế Lai là vua Phương Bắc đến phương Nam bắt Âu Cơ làm ái thê. Đế Lai tham lam của ngon vật lạ, của cải giàu có mà bỏ bê Âu Cơ.
Lạc Long Quân trở về nhân gian và thấy Âu Cơ bị khống chế, nên đưa về Long Trang kết nghĩa vợ chồng. Đế Lai không đủ sức giành lại Âu Cơ nên trở về Phương Bắc. Long Quân và Âu Cơ ăn ở với nhau giáp một năm thì sinh được một bọc trăm trứng. Sau bảy ngày thì mỗi trứng nở một con trai không cần ăn uống mà tự nhiên khôn lớn.
Nhưng Long Quân là thần nên lại ẩn giấu. Không thấy và gặp được Long Quân, Âu Cơ lại nhớ Phương Bắc và lên đường về quê của Đế Lai. Nhưng Hoàng Đế là vua Phương Bắc lúc bấy giờ ngăn cản nên trong lúc túng quẫn, mẹ con nàng nhớ và cầu cứu Lạc Long Quân. Long Quân hẹn gặp nàng tại Tương Dạ. Nhưng trong lần gặp gỡ nầy, Long Quân cho nàng hay thân phận của chàng là thần thánh nên giữa chàng và nàng nay cách trở. Mối liên kết của nàng Âu Cơ và Long Quân là sự sống của nàng và thể hiện trong nỗi nhớ.
Giải minh
Trước khi biết Lạc Long Quân, Âu Cơ đã biết một mối tình, nhưng Đế Lai là hiện thân của sự sa đọa, vong thân của con người: đối với Đế Lai, Âu Cơ chỉ còn là cớ để tranh giành uy lực với Lạc Long quân, và cả cuộc sống của ông chỉ là cuộc đuổi bắt đồ vật bên ngoài, đến nỗi quẳng bỏ Âu Cơ mà không hề bận tâm. (Đây là ràng buộc của dục và chấp ngã trong tư tưởng nhà Phật)
Mối tình chân thật đến với Âu cơ do từ bên trên, do Thần Thánh, ban cho nàng và nâng nàng lên ngang thần thánh. Tình yêu đó đủ sức đẩy lui tình trạng vong thân, tình yêu ấy cứu độ nàng. (Âu Cơ ngộ được duyên cứu độ).
Và mối tình Long Quân và Âu Cơ được tồn dưỡng chẳng những không phải chỉ do những giá trị vật chất bên ngoài mà Đế Lai tìm kiếm, hoặc ngay cả những cảm xúc vui buồn bất chừng bên ngoài vì có mặt hay không có mặt, nhưng còn do sự nối kết nguyên sơ bên trong (tâm đạo), do nguồn gốc thần thánh của tình yêu.
Thay lời kết
Như thân phận Âu Cơ khi Thần Thánh Long Quân ẩn mặt, chúng ta choáng váng trước những dòng nước xoáy cuốn hút chúng ta, gia đình, con em chúng ta vào những vùng đất vô định. Chúng ta cảm thấy cô đơn đang lội nơi dòng sông mà kỳ thực mình không hề quen thuộc. Những giá trị yêu thương giữa đôi lứa, giữa các thành phần trong gia đình cha con, anh em... như bị thách thức không phải chỉ vì phương cách biểu lộ khác nhau, mà hình như biến thái về bản chất đến độ chúng ta không biết còn mối tương quan vợ chồng, thân thuộc nào nữa, ngoài những liên lạc sổ sách kinh tế và trợ cấp do luật pháp xã hội qui định! Đã đến lúc chúng ta thấy cứu nhà, cứu nước không phải chỉ thuộc lãnh vực chính trị mà thôi mà còn thuộc lãnh vực văn hóa; và cao điểm và cùng đích của văn hóa là yêu thương. Nhưng yêu thương thế nào thì mới phải lẽ ?

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

THI CA VẪN TỒN TẠI SỐNG ĐỘNG

Liên hoan thơ châu Á lần thứ nhất tại Việt Nam (ngày 3 đến 6-2-2012)



 TTCT - Hơn 100 bài thơ của hơn 20 nhà thơ đã tới tay ban tổ chức Liên hoan thơ châu Á trước ngày khai mạc. Từ Nga và New Zealand, từ Ấn Độ và Mỹ, từ Nhật Bản và Israel, từ Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia... những sáng tác này mang đến, trong rất nhiều giọng điệu lạ lùng và đặc sắc, cả một thế giới từ những tình tiết nhỏ nhặt đến những xúc cảm vô tận bao trùm, thấu suốt đến tận trái tim của thực tại bằng những quan sát và rung động tinh tế, chứng tỏ một điều dù không mới - rằng thi ca vẫn tồn tại sống động như có thể và người ta vẫn cần đến nó, không quay lưng với nó, nhất là trong những cảnh hỗn độn và thiếu vắng hi vọng.

Trong khuôn khổ hết sức khiêm nhường này, chúng tôi xin giới thiệu một vài tiếng nói từ cộng đồng thơ ca mang tính toàn cầu và đương đại ấy.

NGUYỄN CHÍ HOAN



Ali Abdollahi (Iran)

Giá của cuộc sống

Liệu họ có thể mua cuộc sống của anh ta
Mà không phải trả giá
Vì vậy họ quyết định
Bán anh ta cho thần chết
Mà không lấy đồng nào

NGÂN PHƯƠNG chuyển ngữ

Sue Wooton (New Zealand)

Trên mái nhà

Nếu anh giữ được thăng bằng
trồng cây chuối

trên sườn dốc tôn mỏng
một mái tôn đỏ

tay trái chống nâng mình
tách trà trong tay phải

hai bàn chân tung hứng
cây bắp cải, con bướm, và một hạt cát

và phù phép ảo thuật từ túi quần túi áo
chui ra bóng tối, bướm đêm

rồi tiếp theo là mặt trời

nếu anh làm được tuốt những chuyện này
mà lại làm tôi tin

rằng anh leo lên đó chẳng cần thang
thì đồng xu của tôi này

chạy vào mũ của anh,
bậc thầy ạ.

NGUYỄN CHÍ HOAN chuyển ngữ

SABINA MESSEG (Israel)

Cây bút

Cây bút
rơi
xuống đất

Tôi để nó nằm đó
Để nó thấy kiến, thấy rắn
Ong, bọ cạp và gai...

Để nó phát hiện những vết nứt trên những miếng đất nhỏ nhiều mùn
Như giữa những châu lục trong đại dương rộng lớn

Để nó thấy được mọi thứ xung quanh
Bụi bẩn nó sẽ ăn

Để nó biết những gì nó viết

NGUỄN PHAN QUẾ MAI chuyển ngữ

Nikolai Pereiaxlov (nga)

Nhờ tuyết trắng

Nhờ tuyết trắng mà cõi lòng trong trẻo,
Mà tâm hồn sáng tựa giữa bạch dương,
Bao ý nghĩ tối đen tuyết cuốn bay đi hết,
Cuộc sống trở nên trinh bạch, giản dị hơn.

Cuộc sống sáng bừng như một ngày tháng giêng,
Ngập ánh tuyết ngời lên chừng lóa mắt
Băng tuyết ngoài sàn, vườn cây phủ bạc
Hội tưng bừng chảy suốt với rượu vang...

Không muốn ra trời lạnh - cũng chẳng phải ép mình,
Thì cứ ru rú trong căn nhà ấm áp.
Nhưng cái màu trắng đây, như nỗi đau trắng bóc
Sẽ đi tìm được anh trong cái thế giới mịt mùng!

Bởi vì anh đâu phải chú gấu rừng chậm chạp
Lật sang trang giấc ngủ đến tận tiết xuân.
Trong cái hang tờ mờ dưới gốc tùng tỏa rễ
Đến tận tháng năm mới đứng dậy duỗi đôi chân.

Mùa đông đối với anh là gia huy dòng tộc,
Là khí mê tôn của anh, bầu khí quyển của anh.
Vậy thì vì sao anh lại không chào đón tuyết
Với niềm hân hoan hớn hở chú nhi đồng!

Anh hãy nhìn xem, vào tiết đông đẹp sao mặt đất?
Xe trượt con đường chạy tới muôn nơi...
Nhờ tuyết trắng - tâm hồn ta ngời sáng
Hãy cố giữ cho mình cái ánh sáng chói lọi này.

THÚY TOÀN chuyển ngữ

Yuka Tsukagoshi (Nhật Bản)

Cọc gỗ muốn gặp tro tàn

Đi dạo dọc con phố chiều
Tôi có cảm giác đó và muốn gặp ai đó

Gỗ xẻ chất ở góc nhỏ đen đúa
Nhìn lên
Tôi đứng đối diện với đống gỗ
Uống một lon coca-cola

Làm ơn hãy đốt tôi
Gỗ, nhìn lên, dường như muốn nói

“Tôi muốn nhìn vào bên trong”
“Tôi cô đơn”
Tôi muốn gặp tàn tro trong thoáng chốc

Tôi băn khoăn không biết mình có muốn gặp ai đó
Như gỗ muốn gặp tàn tro
Tôi băn khoăn không biết mình có muốn gặp ai đó
Cũng như gỗ khao khát

“Ai đó là ai?”
Tôi gõ vào chiếc bật lửa
Nhiệt độ giảm xuống
Những ngón tay tôi rung lên
Rồi đến đầu tôi
Gỗ nhỏ nước miếng
Cảm nhận câu trả lời trong đầu tôi
Xé nát trên nền đất
“Tôi sợ bóng đêm”
“Không khí”

Một ngọn lửa nhỏ
Ý thức rõ ràng điều gì đó sắp diễn ra
Những khung cửa sổ đóng chặt
Tiếng của một người dọn chân không

Khi tôi uống xong lon nước
Tôi đặt chiếc bật lửa lên đống gỗ rồi bỏ đi

Anh không đủ dũng cảm
Đống gỗ hẳn đang nhìn tôi
Bằng đôi mắt, nhưng không có mắt và không nhìn lên
Bằng đôi môi, nhưng không có môi

Cho đến khi không khí biến thành những giọt nước
Rơi xuống đất
Như đống gỗ
Hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác
Đợi chờ

NGÂN PHƯƠNG chuyển ngữ

David McKirdy (Hong Kong)

Vú nuôi

Người trông trẻ, Cô, Chị, Người hầu
Một người phụ nữ bình dị trong trang phục đen và trắng
không trẻ tuổi, không là mối dọa dẫm
một cái miệng với những chiếc răng lấp lánh vàng
một sự đảm bảo mạ vàng
khỏi nạn đói, chiến tranh, dịch hạch

Nghèo khổ, không biết chữ, lý tưởng cho công việc lau chùi
mà lại được tin tưởng giao phó đứa con của người lạ mặt
Một sự cần thiết, một sự thuận lợi
cho những kẻ quá bận rộn, quá đau ốm, quá khôn ngoan từng trải
tin vào tình yêu vĩnh hằng người mẹ
của bất cứ người phụ nữ nào dành cho một đứa trẻ
bỏ mặc gia đình của người ấy thiếu thốn
thèm khát tình yêu mẫu tử mà họ cần

Những chuyện hoang đường về những con ma đói
những kiếm sĩ một tay
những bữa tiệc và kịch hát Trung Hoa
chúng tôi hấp thu, tiếp nhận, kế tục
một nền văn hóa nước ngoài
và một tiếng mẹ đẻ khác

Những sự gắn bó này chẳng bao giờ có thể phá vỡ
Tình yêu đó đặc hơn máu

Ahma ơi, Vú nuôi, Mẹ tôi
sau năm mươi năm
chiếc bóng sự hiện hữu của Người ngự trị
Như sáp từ cây nến tôi đốt cho Người
chảy xuống

Như nước mắt

TẤN PHONG chuyển ngữ


Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

TỤC NGỮ, CA DAO NÓI NGƯỢC



 VHNA  

Trong đời sống thường nhật, ta gặp rất nhiều cách “nói một đằng, hiểu một nẻo”, “nói zậy mà không phải zậy”…Ca dao, tục ngữ là kết tinh lời ăn tiếng nói của nhân dân trong giao lưu, sinh hoạt rất đa dạng, phong phú, bởi vậy hiện tượng trên cũng khá phổ biến; có trường hợp nghe cái hiểu ngay, cũng có trường hợp kín đáo, lại diễn đạt thông qua hình ảnh nên rất khó nhận biết. Có thể nói việc tìm ra nội dung đích thực của nhiều câu ca dao, tục ngữ nói ngược còn là việc làm khá lâu dài và cần thiết, lí thú. Bài viết ngắn này chỉ là mấy nét suy nghĩ rút ra từ kho tàng phong phú nói trên mà việc đúng sai dĩ nhiên vẫn là điều rất cần được trao đổi.

Về loại nhận biết dễ dàng có thể kể như câu:

Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục qủa hồng nuốt lão tám mươi…

Loại khó nhận biết một chút, như câu:

Đàn ông nông cạn giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

Điều đáng nói là nhiều câu ngọn gió thời gian vẫn chưa vén lên tấm màn bí mật của nó, phải trải nhiều trăn trở, va chạm với thực tế đời sống mới hiểu được một cách đúng đắn, mới thấy hết vẻ sâu sắc tiềm ẩn bên trong không dễ gì nắm được ngay, thậm chí có khi nhận ra rồi vẫn trong tâm trạng chơi vơi, nửa tin nửa ngờ. Câu tục ngữ “Ăn Bắc, mặc Nam” là một trường hợp.

Xưa nay vẫn cho câu này đúc kết về thế mạnh chuyện “ăn” và “mặc” của hai miền; rằng người miền Bắc biết nấu nhiều món ngon, rất sành cách ăn, còn ở miền Nam thì mặc đẹp, chưng diện bảnh bao. Giải thích như thế là không đủ cơ sở thuyết phục, bởi mỗi miền đều có chứng cớ về sự ăn ngon mặc đẹp của mình, và quan trọng hơn cả là lấy gì để bảo hơn với thua? Dù không rõ ràng chút nào, nhưng câu tục ngữ cứ tồn tại trong dân gian; mãi gần đây mới có ý kiến rất có lí, rằng đó là một câu nói nghĩa ngược hoàn toàn: “Ăn Nam, mặc Bắc”. Ngẫm kĩ, thì hiểu thế đúng hơn, bởi người Nam bộ đâu đâu cũng có những bữa nhậu “tới bến” dân dã vô cùng đã đời, sung sướng, ăn thế mới gọi là ăn; còn dân Bắc hình như chú ý đến phục sức hơn, nhất là vào mùa thu và mùa đông được gọi là mùa chưng diện mà xứ nắng Nam bộ không thấy nói tới. Dĩ nhiên đó chỉ là câu nói khái quát mang tính tổng thể, và ngày nay trong giao lưu rộng rãi thì mọi chuyện đã thay đổi nhiều.

Dân gian lại có câu đúc kết “Ra đường hỏi bà già, về nhà hỏi con trẻ”.

Cho đến nay hình như chưa ai có ý kiến gì về câu này; riêng chúng tôi thấy có lẽ đây cũng là một câu nói ngược. Ta thử tìm hiểu từ thực tế xem sao. Bà già thường quanh quẩn trong nhà, coi trong ngó ngoài, lo chuyện bếp núc, con gà con lợn, lo quét dọn giặt giũ “quanh năm không ra khỏi ba hòn núc bếp” cho con cháu đi làm chứ mấy khi ra đường, mọi chuyện ngoài xã hội tai nghễng ngãng, mắt kèm nhèm, trí não mụ mị làm sao hiểu; ngược lại bọn trẻ lại chẳng bao giờ chịu ngồi nhà, nếu không đến trường cũng rong chơi, đánh khăng đánh đáo, thả diều, trọi dế, mọi ngõ ngách xó xỉnh ai làm gì, nơi nào có lễ hội, nơi nào có sự cố…là nó biết sớm nhất, còn như hỏi coi trong nhà cái gì để đâu, của nả cất đâu làm gì biết. Như vậy thì mọi chuyện trong nhà cần hỏi phải hỏi các bà già, còn ngoài đường phải hỏi bọn trẻ; hai thế hệ đó có hai môi trường hoạt động khác nhau, tuỳ thuộc lứa tuổi, tính nết, công việc không thể thay thế cho nhau. Ngày xưa vấn đề này rất rõ, khi giao lưu hạn hẹp, đi lại khó khăn, đời sống thấp; bây giờ dù thay đổi nhiều, tình hình trên vẫn không khác mấy, câu trên vẫn đúng với nghĩa: “Về nhà hỏi bà già, ra đường hỏi con trẻ”.

Trên tờ báo “Ngôn ngữ & đời sống” có dạo có cuộc trao đổi về câu:

Gái thương chồng đang đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là câu nhằm ca ngợi tình cảm thuỷ chung, cao đẹp của hai đối tượng Vợ và Chồng trong những hoàn cảnh khác nhau; rằng giữa chợ đông, người vợ rất nhớ thương chồng ở nhà lo toan trăm việc cho mình đi chợ; còn người chồng, chiều chiều, nhìn nắng quái mà thương người vợ lam lũ…Chúng tôi thấy vấn đề có vẻ không đơn giản như thế. Trước hết cần chú ý tới các chủ thể. Cần thấy ở đây không phải là “Vợ thương chồng” mà là “gái”, và cũng chẳng phải “Chồng thương vợ” mà là “trai”! Ý tứ nội dung nằm ngay ở cách gọi đó, chứ nếu là vợ, là chồng thì còn gì bàn nữa. Cả cô vợ và anh chồng nào đó ở đây đã thoát khỏi vai trò vợ, chồng của mình rồi, và vào vai gái, trai nặng về ám chỉ tính dục trong chuyện gái trai; chữ gái, trai ở đây không mang nghĩa giới tính mà hàm nghĩa chỉ các đối tượng trong quan hệ không hay như theo trai, nuôi trai trong nhà, rồi theo gái, dại gái, đem tiền cho gái hay như gái lẳng trai lơ, “trai trên gái dưới” …

Ta thử đi vào cụ thể. Trước hết nói về vị trí của cái Chợ và nhân vật “Gái”. Xưa có câu “Gái chọn chồng ra đồng mà chọn/ Trai tìm vợ ra chợ mà tìm” (ngoài đồng là nơi các chàng trai thể hiện rõ nhất sức khoẻ, tính nết, khả năng cày bừa làm lụng của mình, còn chợ là nơi các cô gái thể hiện tài buôn bán, lo toan của mình nên chọn vợ, tìm chồng những nơi đó là tốt nhất). Nên vợ nên chồng hay sẻ nghé tan đàn qua các phiên chợ là chuyện không hiếm. Không đâu bằng chợ, vốn là nơi hẹn hò, làm quen nhau, thậm chí là nơi gặp lại người tình cũ. Chợ tình Khau Vai và nhiều chợ tình ở nhiều vùng khác vốn nói rõ điều này; biết bao buồn vui trong các phiên chợ tình. Đến mức như chuyện “Bà già đi chợ cầu Đông/ hỏi xem thầy bói lấy chồng lợi chăng?”, thì chợ quả là nơi kiếm tìm hạnh phúc và cũng là nơi người ta dễ quên gia đình để buông thả sau nhiều trói buộc. Người đàn bà đến chợ, cởi tấm áo làm vợ trong nồng nàn bao ánh mắt tiếng cười, quên chồng con ở nhà trước đám đàn ông cũng đang hau háu tìm một bóng dáng khát khao. Cho nên ở thời điểm ấy có người vợ quên chồng thì đúng hơn là thương, còn nếu nói thương là theo kiểu “thương cái xương không còn” thôi! Vì sao không “thương” chồng nơi nào, lại “thương” giữa chợ đông người, vốn là nơi nhiều li tán hạnh phúc sau đó hay xảy ra đã được thực tế chứng minh?

Còn nhân vật Trai. Nếu cố gắng đi tìm nét tương đồng về bối cảnh của chàng trai trong câu dưới với cô gái ở câu trên, là không được. Người gái giữa chợ chộn rộn ồn ào mà “thương” chồng, nhưng người trai không cùng cái không gian tương tự để mà “thương” vợ. Anh ta ngồi ở một vị trí khác, cô đơn trong tâm trạng của một gã trai có vợ khi nhìn ngọn nắng quái chiều hôm sắp tắt. Thấy gì trong cái ánh nắng không đẹp đẽ kia? Tình cảm dành cho vợ của gã có lẽ độc địa, ma quái như cái thứ ánh nắng sắp tàn ấy! Anh ta thoát khỏi vai làm chồng, trở lại là một gã trai đang nghĩ đến gái nào rồi với bao tính toan đen tối. Tại sao không ai gọi gã là chồng đã đành, cũng không là chàng trai, mà là trai một cách trần trụi, đó chính là cái nhìn của người quan sát đánh giá đối tượng: gã trai kia đang nghĩ về người vợ trong con mắt nhìn qua vạt nắng quái chiều sắp tắt độc địa chứ chẳng hay hớm gì! Sau suy nghĩ đó sẽ là gì? Phải chăng quan hệ của họ sẽ rơi vào bóng đêm như nắng chiều tàn nhanh, mặt trời khuất núi? Vì sao không để người chồng ngồi nghĩ tới người vợ dưới ánh nắng ban mai trong lành đầy sức sống ấm áp, mà là một “trai” với tâm địa ngổn ngang, chán chường trong hấp hối nắng chiều quái dị đang lụi tàn? Sự thiếu chung thuỷ của hai nhân vật Gái Trai trong câu quả là “kẻ tám lạng người nửa cân” rất đôi lứa xứng đôi!

Về nghệ thuât gieo vần cho thấy hai câu có quan hệ vần lưng (chợ-vợ) vốn để chỉ sự ngang trái, gồ ghề, nổi cộm hơn là xuôi chèo mát mái. Nếu vần chân, thì đã khác, nhà thơ dân gian cũng tinh tế lắm: nội dung nào, nghệ thuật ấy.

Tóm lại nếu muốn hiểu đúng hai câu trên, ngoài việc hiểu hai chữ gái trai ở đây, người nghe phải “cảnh giác” với nội hàm chữ “thương” trong đó, nó không còn bình thường như trong những văn cảnh khác nữa. Phải tĩnh trí gác lại nội dung hiển ngôn của cái chữ “thương” ở đây vốn là cái bẫy nguy hiểm, cụ thể là hoàn toàn phải hiểu ngược lại, nói “thương” tức là “ghét”, là “quên”! Mấu chốt hai câu nói nằm ngay chỗ này. Đó là một câu nói ngược không dễ nhận ra: trong một bối cảnh nào đó, một không gian nào đó con người ta dễ thoát khỏi mình với tâm trạng riêng tư sâu thẳm. Có câu thơ “Có những phút giây ngoài vợ ngoài chồng” ngày nay ai cũng biết và cũng chấp nhận thậm chí thích là như vậy, đó là lúc con người, vốn phức tạp, sâu sắc, nhiều khả năng phân thân tự giải phóng khỏi ràng buộc vợ chồng mà có lẽ người hiền lành nhất, thuỷ chung không ai bằng, cũng ít nhất trong đời một lần nghĩ tới. Rõ ràng hai nhân vật Gái Trai ở đây chẳng tốt đẹp gì (lí do thì không rõ, ai mà biết gia cảnh của họ kia chứ). Những lúc như vậy, ta vừa giận song cũng rất nên thông cảm, tha thứ vì nó đầy tính người mà thôi, vì thế nên câu nói dân gian trên là một câu hay và mãi mãi sẽ vẫn còn. 

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

"SỰ HỌC" CỦA QUAN CHỨC TIÊN LÃNG

 

 

Vnexpress

Trong khi ông Vươn nói "Tôi đủ trình độ hiểu biết nhận thức rõ về sai phạm của bản thân" thì các quan chức vụ Tiên Lãng tự kiểm rằng nguyên nhân mắc lỗi của họ là do "nhận thức đơn giản sự việc".

Trong đơn viết mời luật sư bào chữa cho mình ngày 31/1/2012, ông Đoàn Văn Vươn viết: "Tôi đủ trình độ hiểu biết nhận thức rõ về sai phạm của bản thân, song tôi muốn bào chữa rõ cho tôi về nguyên nhân sai phạm".
"Tôi đề nghị cho phép được mời đích danh luật sư Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Công ty Luật Đông Đô (Hà Nội) là người bào chữa trong quá trình tôi chấp hành điều tra xét xử".
Ông là một kỹ sư, một nông dân chính hiệu. Ông nhận thức rõ về sai phạm của mình. Cái sai mà ông không bao giờ muốn mắc phải.
Qua những việc làm của ông, người ta nhận thấy ông là người có học. Việc làm của ông trong ngày 5/1/2012 là việc làm bất đắc dĩ. Ông mời luật sư để "bào chữa rõ cho tôi về nguyên nhân sai phạm".
Nói ông là người có học. Nhưng nếu đem "sự học" của ông so sánh với mấy quan chức Tiên Lãng và Hải Phòng thì chắc chắn ông Vươn khác biệt mấy quan chức kia nhiều lắm.
Người ta nói: mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tuy nhiên, trong khi ông Vươn "đủ trình độ hiểu biết nhận thức rõ về sai phạm của bản thân" thì các quan chức kia mặc dù có "sự học" để được ra làm quan vẫn kiên quyết không nhận sai phạm của mình.
Chỉ đến khi Thủ tướng kết luận vụ việc, một số quan chức kia mới " nghiêm túc kiểm điểm"; nguyên nhân mắc lỗi của họ là do "nhận thức đơn giản sự việc"...
Tưởng chừng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các quan chức của Tiên Lãng, Hải Phòng đã và chưa được kiểm điểm sẽ "nghiêm túc kiểm điểm". Nhưng rồi dư luận một lần nữa phải bàng hoàng vì cái sự "nhận thức đơn giản" như vậy.
Mong rằng quan chức vụ Tiên Lãng hãy nhận thức được việc mình đang làm.

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

"RÁC Ý THỨC" TRONG THÓI QUEN NGƯỜI VIỆT

 

Lê Phương Như
(Lớp 9A3 - THCS Chu Văn An-Hà Nội)
Vnexpress

Ở Việt Nam, ở bất cứ nơi công cộng nào cũng có biển "Cấm vứt rác". Rác tràn ngập từ đường phố, công viên cho đến bệnh viện hay cả những nơi linh thiêng như đền, chùa. Rác luôn hiện diện không chừa nơi nào, nhất là khi có sự kiện sinh hoạt văn hóa quy tụ đông người.

Những khẩu hiệu “Cấm xả rác, vứt rác bừa bãi” nơi đâu cũng thấy nhan nhản, những biển báo cấm đổ rác mọc lên như nấm, nhưng có mấy ai thèm để tâm?
Hiện tượng vứt rác ra đường đã trở nên quá phổ biến đặc biệt là đối với lớp trẻ hiện nay. Thói "tiện đâu vứt đấy" đã trở thành thói quen của hầu hết người dân Việt Nam nói chung và dân thành thị như Hà Nội nói riêng.
Học sinh, sinh viên đi học sớm, cầm theo gói xôi, gói bánh ăn xong quẳng luôn vào gốc cây, không một chút áy náy. Các quán vỉa hè lúc nào cũng tràn ngập rác: họ ăn xong ném luôn giấy bẩn, vỏ chanh xuống đất, và cứ như thế, họ ngồi ăn trên đống rác của nhau cùng lũ giòi bọ, ruồi muỗi vo ve xung quanh.
Họ bước ra khỏi công viên, để lại đống thức ăn thừa trên ghế đá và cười cợt những ánh mắt khó chịu của các bác công nhân về sinh. Họ ném rác qua cửa sổ xe buýt một cách táo tợn mà không them để ý người đứng dưới. Họ vùi vỏ dưa hấu xuống cát và cùng nhau hò hét mỗi khi song đánh cuốn trôi từng vỏ dưa xuống biển.
Họ thải nước ô nhiễm xuống dòng sông vốn hiền hòa và vô tâm biến dòng nước ấy thành một dòng song đen ngòm, bốc mùi, không ai dám tới gần và họ đặt cho “nó” cái tên “dòng sông chết”.
Và đổi lại, họ được gì? Họ chẳng được gì ngoài ánh mắt khinh thường của mọi người xung quanh.
Họ mất gì? Họ mất cơ hội được sống trong một môi trường trong sạch, họ mất đi cơ hội chiêm ngưỡng những tài nguyên họ đã vô tình phá hoại, mất cơ hội đắm mình trong dòng song dịu hiền của quê hương… Nhưng đâu phải chỉ có họ chịu những mất mát đó, những người xung quanh cũng mất đi những thứ ấy và thậm chí tất cả các thế hệ sau này đều không được hưởng.
Người ta ngụy biện cho hành động đáng lên án đó bằng những lý lẽ tầm thường như “không có hiểu biết, kiến thức về bảo vệ môi trường’ nhưng thử nghĩ xem, đã bao nhiêu “cuộc vận động bảo về “hành tinh xanh’ tổ thức nhằm nâng cao ý thức người dân, đặc biệt là giới trẻ kết thúc trong sự chán nản và thất vọng của những người tâm huyết vận đông khi nhìn thấy đống ‘chiến trường rác’ của những người tham gia để lại?
“Rác ý thức” là từ chính xác nhất để nói về nguyên nhân của hiện tượng này. Là do tư tưởng sai lệch. Họ nghĩ “Có phải nhà mình đâu mà mình giữ, mình không vứt người khác cũng vứt’ đã giúp họ dễ dàng vứt rác một cách không suy nghĩ, thậm chí vứt rác ngay cạnh thùng rác! Và họ lại cho rằng “đằng nào cũng có công nhân vệ sinh dọn rồi”.
Nhưng thử nghĩ xem, nếu họ chỉ cần để ý một chút, vứt rác đúng nơi quy định, nhà nước sẽ phần nào thêm được một khoản phí lớn để khang trang trường học cho các em nhỏ thay vì phải thuê công nhân thu dọn bãi rác của mọi người.
Hơn nữa, chắc chắn với hiện tượng đường phố đầy rác như hiện nay, nước ta sẽ thiệt thòi rất lớn về mặt du lịch, dịch vụ. Thử hỏi ai muốn nghỉ ngơi ở một đất nước tràn ngập rác như thế này?
Nếu muốn dọn sạch rác ở đường phố, những nơi công cộng, đầu tiên, phải dọn sạch “rác” trong tư tưởng mọi người, phải dọn sạch “rác ý thức’.
Muốn người dân Việt Nam trở nên văn minh, lịch sự, điều quan trọng nhất là phải ngay từ bây giờ, giáo dục các em nhỏ có ý thức bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, nhà trường sẽ phải thật cố gắng tổ chức những tiết học về môi trường cho các em, giúp các em hiểu được tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường…
Làm được những điều đó, chắc chắn không phải là khó, và chúng ta, những chủ nhân tương lai của đất nước, hãy vì một môi trường xanh - sạch - đẹp, hãy vì một đất nước tương lai tươi sang, hãy sửa lại thói quen xấu này, hãy nhắc nhở mọi người xung quanh. Bằng những hành động, cử chỉ nhỏ, chúng ta sẽ thay đổi tương lai đất nước Việt Nam!

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

MIẾNG ĂN, ĐỆ NHẤT KHOÁI KHẨU HAY NAN ĐỀ CỦA NHÂN LOẠI?



Ngô Nguyên Dũng

Vấn đề của bao tử là một đề tài lớn. Nó chi phối, có thể nói, gần như toàn bộ hệ thống sinh hoạt ở đông phương. Nếu không, thì làm sao dân Việt lại xếp chúng vào hàng đầu của tứ khoái: Ăn, ngủ, làm tình, bài tiết?

Ngẫm nghĩ, thấy ra người Việt, và có lẽ hầu hết các dân tộc Á châu khác, vô cùng thực tế. “Ăn để sống”, hoặc ngược lại, tuỳ. Vậy thì, đứng đầu tứ trụ khoái lạc là đúng rồi. Ăn mệt… ngủ, dễ hiểu quá. Ngủ, đồng thời làm chuyện yêu đương, có gì lạ đâu? Để sau đó, người Nam kỳ nói “mắc”, dân Bắc kỳ lại cho là “buồn”, hưởng lạc thú “thải ra ngoài” trong một nơi kín đáo; hoặc cũng có thể ngoài đồng không mông quạnh, gió hiu hiu thổi lòn hang dế, hay ngoài cầu ao cá tra trên rặn dưới đớp cực kỳ ăn khớp. Thật là hoà điệu tuyệt vời với “minh triết” nhị nguyên của đông phương:

“Có vào ắt phải có ra.
            Vào trên ra dưới thuận hoà âm dương.”

Trong bài viết này, tôi xin đề cập tới đệ nhất khoái, tiện thể phát biểu thêm vài ý kiến… linh tinh. Và chỉ với một vài món dân dã giới hạn trong phạm vi gia đình, ở đây là một gia đình gốc miền Nam, hợp với khẩu vị tôi thời thơ ấu.

Cố nhạc sĩ Hoàng Trọng, trong ca khúc “Bên bờ đại dương”, mở đầu như sau: “Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương. Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung. Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc giang, vượt núi rừng già Trường sơn, vào tới ruộng ngọt phương Nam…” Vì sông biển chằng chịt bao la, nên Việt nam là một quốc gia có nền văn hoá cá mắm, có thể nói siêu đẳng bậc nhất thế giới. Người Nhật, dân Cao-ly cũng rất mực ưa chuộng hải sản, nhưng so ra, hơi… kém văn hoá, vì họ không biết mắm cá, mắm tôm gì ráo (?). Văn minh cá tôm của họ từ sống sít phát triển qua tới trình độ “phơi phóng” làm khô, là… đứt phim! Trong khi đó, ở xứ ta, “phơi phóng” ư? Tại một xứ nhiệt đới, dễ quá. Ngâm tẩm mắm muối làm sao cho khỏi hư thối, ăn xong, không phải bụm bịu chạy ra cầu ao ngồi te rẹt với họ hàng cá tra, mới khó. Trải qua không biết bao ngàn năm thử nghiệm, thử thách và… thổ tả, nền “văn minh mắm cá, mắm tôm” tại xứ ta bắt đầu phồn thịnh.

Điển hình là “nước mắm”. Vậy mà, buồn thay, thứ gia vị tiêu biểu ấy chỉ được phổ biến vỏn vẹn trong vài quốc gia Đông nam á. Mon men Tây du, hương vị nước mắm ngậm ngùi dừng lại ở đất Thái. Len lỏi sang châu thổ Nam Trung hoa, mắm miếc Ðại cồ Việt gặp ngay đám thổ phỉ Tàu-vị-yểu hùng hổ chặn đường Bắc tiến. Ðoàn quân mắm meo mất vía, dừng lại, “co cụm” luẩn quẩn trong vài tỉnh giáp ranh Việt-Hoa.

Hình như có điểm khang khác trong cách sử dụng nước mắm giữa người Xiêm-la và dân An-nam ta. Trong khi “rợ Xiêm” chỉ dùng nước mắm để nêm nếm, thì “người mình” còn biết pha chế chung với nhiều thứ gia vị khác như chanh, giấm, đường, tỏi, ớt thành thứ nước chan, nước chấm tiêu biểu cho nền “văn hoá ẩm thực” chứa chan hương vị Việt tính.

Tôi nhớ, để nêm nếm khi nấu ăn, dì tôi là người làm bếp chỉ dùng loại nước mắm tĩn rẻ tiền mua ở tiệm chạp phô đầu đường. Khi cần chế biến dùng chan, chấm cho các món “cao lương mỹ vị” như bánh xèo, chả giò, bún bò xào, cơm tấm bì, … dì dùng nước mắm ngon đựng trong chai (tương đương với hạng AA hiện đại). Còn loại nước mắm nhĩ (hạng AAA) được người khác biếu xén, thường cất xó trong gác-măng-giê, để dành. Đó là thứ nước màu hổ phách đặc quánh đóng cặn vàng lờ dưới đáy chai, mà lâu lâu tôi lại xin phép má, lấy ra dặm thêm chỉ với chút tỏi ớt bằm, chan cơm với mỡ hành thành món ngon đạm bạc, độc đáo. Nếu là cơm cháy thay cho cơm nóng hay cơm nguội, ta sẽ có “cơm cháy mỡ hành”, là món “bình dân đặc sản” không thấy ghi trong thực đơn của bất kỳ quán cơm nào trong, ngoài Việt nam. Tiếc thay, theo đà phát triển từ thời văn minh “nồi đất lửa than”, qua tới “nồi nhôm bếp dầu lửa”, rồi “bếp lửa hơi”, và cực kỳ hiện đại là “nồi điện bảo đảm nấu cơm không cháy”, dần dà chỉ còn là dăm ba mảnh hoài niệm váng vất mỡ màng trong ký ức… ăn uống của thế hệ “răng giả đầu nhuộm”, trải qua nhiều dâu bể tang thương của quê hương. Phút mặc niệm bắt đầu!

“Nước mắm mỡ hành” cũng còn được dầm với “cà dái dê”, giới khoa bảng gọi là “cà tím”, nướng lửa than, bóc vỏ, tước sợi… Ngon ác! Viết tới đây, tự dưng tôi bâng khuâng nghĩ tới… tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” của nhà văn Nhất Linh. Tôi tin rằng, giá như cô Loan biết cách pha nước mắm đúng tiêu chuẩn, làm món này món nọ chiêu đãi gia đình chồng thường xuyên, thay vì… phơi thây nằm đọc tiểu thuyết hay gò gẫm viết thư cho chàng Dũng, biết đâu sự tình đã không đến nỗi ngặt nghèo như vậy. Mà, bà Phán và cô Bích sẽ… thân thương, tử tế với cô hơn. Chính bản thân cô, nhờ tẩm bổ bằng “cà dái dê”, sẽ bầu bì liên miên, tặng cho gia đình chồng con đùm cháu đống. Chàng Thân, vì vậy, không cần vợ hai vợ ba gì sất. Như thế, thảm kịch sẽ không xảy ra. Và cả làng nước đều thuận hoà, vui vẻ!!!

Trở lại chuyện mắm muối: nước mắm pha ngon theo kiểu dì tôi gồm có giấm, chanh, đường, nước lã và ớt, tỏi giã nhuyễn. Cho món “cá trê vàng nướng lửa than” có thêm gừng xắt sợi dặm vào, ta có “nước mắm gừng”. Ngon hệt ca dao truyền tụng:

“Mắm gừng chấm với cá trê.
            Chồng ăn một miếng, chồng mê suốt đời.”

Mà, phải là cá trê vàng mới béo, cá trê trắng thịt bở rệu, lạt nhách, vô duyên gì đâu, má tôi nói vậy. “Nước mắm gừng” còn là loại nước chấm, “chơi” với cháo vịt bùi bẫm nấu rặt kiểu Nam kỳ, vì, ngoài gừng ra, còn có đậu xanh để vỏ. Và cũng được dùng “chơi” luôn món “ốc bươu luộc”. Đừng quên đập sả bỏ vô luộc chung cho báng mùi tanh của ốc, là món quây quần vui vầy của cả nhà dưới tàn mận rậm mát sau giấc ngủ trưa những ngày hè nắng cháy. Mà, nước mắm gừng chỉ hợp với cháo vịt thôi (có lẽ ông bà ta nghĩ ra cách cho gừng vào để phòng ngừa trường hợp những ai dị ứng với thịt vịt, ăn vào khỏi nổi phong ngứa chăng?) Còn món “cháo gà xé phay” thì dùng nước mắm pha bình thường. Thịt gà nấu cháo xong, được xé ra trộn gỏi, đúng điệu Nam kỳ phải là bắp chuối, còn không dùng bắp cải, cũng được. Nhưng, nhất định phải có rau răm mới dậy hương vị cháo gà xé phay, nghe!

Nước mắm pha cũng là thứ nước chan cho món bún bò xào là món điểm tâm của gia đình tôi nhiều sáng chủ nhật. Trên bộ ván nhà bếp, tô mẹ tô cha tô anh tô chị tô em bày biện la liệt. Thịt bò ngon thái mỏng xào với tỏi, sả bằm cho vô tô bún độn sẵn rau thơm xắt nhuyễn, trộn giá sống. Ngộ quá, món này còn có mít non luộc thái sợi và huyết heo cắt thỏi cho vô nữa kia! Nhớ rắc thêm đậu phộng giã lên trên cho điệu nghệ! Món này ngon nhờ nước mắm. Người nào vụng về, pha chế không mát tay, không hợp món, chỉ làm buồn lòng khẩu vị mà thôi. Dẫu gì đi nữa, đám lóc nhóc anh chị em chúng tôi, lúc ăn, chỉ biết khen và quá lắm là rụt rè lên tiếng “phê bình xây dựng” tài nấu nướng của dì tôi. Chỉ có má mới là người hội đủ thẩm quyền chê mặn, chê lạt, rầy rà, quở mắng.

Cá lóc, tiếng miền Bắc gọi là cá quả, là một trong vài loại cá sang cả miệt đồng bằng Cửu long giang. Cá lóc chiên giòn dầm mắm nêm là một món đặc sản, rất ngon miệng nhưng tương đối bình dân, so với món “đầu cá hấp cuốn bánh tráng chấm mắm nêm”, mà thỉnh thoảng ba má lại dẫn anh chị em chúng tôi tới một quán nhậu nhà sàn nằm cạnh sông Đồng nai ở Biên hoà, ăn… lót lòng sáng chủ nhật. Gọi là “đầu”, nhưng lại là cá lóc nguyên con, bụng nhồi thịt băm trộn bún tàu, nấm mèo, rắc đậu phộng giã nhuyễn, hành phi thơm phưng phức. Một dĩa rau sống với dưa leo, khế chua, chuối chát. Một tô mắm nêm làm bằng cá cơm, được pha chế tương tự nước mắm trong, nhưng đặc biệt có thêm thơm xắt mỏng.

Đầu cá lóc có hai gò má được bạn hàng lóc ra, ướp sẵn bán riêng từng giỏ con ngoài chợ. Dì tôi mua về, đem rang tương tự như rang tép. Giản dị mà ngon rụng rời, các bạn ạ!

Cá lóc còn được dùng làm mắm. Cho món “mắm chưng”, dì tôi mua khoảng vài trăm gờ-ram mắm cá lóc, đem về róc xương, bằm nhuyễn chung với thịt ba rọi, gia vị tiêu, đường, tỏi, hành lá. Vài lòng đỏ trứng vịt được tách ra để riêng. Lòng trắng đánh chung với thịt, mắm. Trút hết vô tô sành. Lòng đỏ trứng quậy đều, tráng lớp lên trên. Xong, đem hấp cách thuỷ. Món này gắp ghém với rau sống, dưa leo, chuốt chát, khế chua, ăn với cơm nóng, no nứt bầu diều khi nào không biết.

Cũng ngon choáng váng là món “mắm ruốc xào sả ớt”. Sang thì bỏ thêm thịt băm, hèn thì cứ vậy mà ăn kèm rau dưa chuối khế. Nếu không quên, mua thêm đậu rồng về ăn chung. Và, nếu nhằm lúc đầu tháng dư dả lương lậu, mua thịt ba rọi về luộc. Nước luộc dùng nấu canh bầu, canh bí. Còn thịt thái lát ăn kẹp với mắm. Ðã đời. Ăn cái đã! Còn mấy chuyện huyết áp cao, tai biến mạch máu não, đứng tim, đột quị quái quỉ gì gì đó… Chuyện nhỏ, tính sau!

Còn món “mắm thái” miệt Châu đốc? Thuở nhỏ, tôi cứ tưởng loại mắm này được chế biến từ thịt, vì sợi mắm đỏ au trông như thịt. Về sau mới biết mắm thái được làm bằng cá lóc hay cá bông. Sợi mắm có được màu đỏ như thịt cá hồi, vì được “chao” với thính, đường thốt nốt. Và trộn chung với đu đủ xanh thái sợi. Cũng như các loại mắm khác, mắm thái được ăn chung với thịt ba rọi luộc, kèm đủ loại rau sống như đã nhắc ở trên. Có điều, khi ăn mắm thái, không cần nêm nếm thêm, để vậy mà dọn lên mâm. Ai thích, lúc ăn, cắn rỉ rả thêm ớt hiểm. Chỉ riêng cái tên mắm bắt tôi tư lự hoài. Không biết họ hàng, thân thuộc ra sao với xứ Xiêm-la, mà mang cái tên lộ liễu ấy? Hay có ý nghĩa gì khác?

Khẩu vị thời niên thiếu của tôi cũng hạp với món “dưa mắm” là thứ mắm làm bằng dưa leo hay dưa gang non. Dưa mắm mua từ chợ đem về xắt mỏng, gia vị với giấm, đường, tỏi ớt cho bớt mặn và thêm phần đậm đà. Lúc mua, quí bà nội trợ giỏi chỉ liếc mắt ngó qua, không cần thử, đã có thể xác định phẩm chất của dưa mắm. Loại ngon, thịt dưa anh ánh vàng lục, vỏ dưa không teo tóp mà mũm mĩm căng mọng. Cam đoan, gắp một lát dưa, đưa vô miệng, lùa thêm miếng cơm trắng, thực khách sẽ hiểu ra, thế nào là ý nghĩa đích thực của cực khoái.

Nhưng, khi ăn các món mắm, phải biết quên. Đừng nghĩ gì tới các giai thoại truyền kỳ về kỹ thuật làm mắm. Rằng, khi làm nước mắm hoặc mắm cá mắm tôm, phải chấp nhận chuyện ruồi lằng, giòi bọ sinh sôi lúc nhúc lu hũ, mới đúng kiểu. Rằng, các vựa mắm ruốc, thuở chưa trang bị máy móc hiện đại, chuyên mướn đàn ông trai trẻ tới đạp ruốc. Hai chân họ đeo mo cau, người xỏ trần xì cái quần xà lỏn xắn tới háng. Chân đạp, miệng phì phèo điếu thuốc lá, mồ hôi mồ kê cứ vậy nhểu nhão, làm tăng hương vị đặc thù của mắm ruốc. Mà không phải chỉ riêng đàn ông, cả đàn bà cũng đi làm mắm, đạp mắm, vừa để làm kế sinh nhai vừa… vui vẻ đệ tam khoái:

“Con ơi ở lại với bà.
            Má đi làm mắm tháng ba mới về.
            Má về có mắm con ăn,
            có khô con nướng, có em con bồng.”

Ba tôi là người thích và sành ăn uống. Có thể nói, ông thuộc tuýp người “ăn hết trọi trơn những gì biết nhúc nhích, cục cựa, có hai hoặc bốn chân, ngoại trừ bàn ghế tủ giường”. Món sang, món hèn của ba miền, món Tây món Tàu ông biết gần hết, nhất là những món của người Tàu. Tôi vẫn còn lưu luyến trong khẩu cái hương vị tuyệt vời của món cháo cá nổi danh một thời trong một quán ăn Trung hoa ở đường Tôn Thất Ðạm (nếu tôi nhớ không lầm), khu Chợ Cũ thuở trước. Bước vào quán, thực khách đã thấy từng thớt cá treo sẵn (không biết là cá gì) tại quầy và lô lốc chén nhỏ lưng lửng cải trắng và gừng xắt sợi dầm trong một thứ nước gia vị màu trà loãng, đoán chừng có khá nhiều bột ngọt. Khách toạ vị xong, đầu bếp huơ tay nhậm lẹ thái cá từng lát mỏng tanh, soi đọc được báo, sắp vô dĩa con. Phổ ky bưng ra, mỗi người một tô cháo trắng ninh nhuyễn nhừ, nóng lột lưỡi, kèm theo một dĩa cá và một chén cải. Trút trọn cá, cải, gừng ngâm vào tô, khoắn vài lượt. Lát cá xoắn lại, vêu lên từng ngấn đục ngầu. Ai thích, có thể rưới thêm vài giọt dầu mè. Vị cá ngọt lịm. Sợi cải giòn sựt. Hương gừng thơm nồng. Mắm muối vừa miệng, không thừa không thiếu. Nóng chảy mồ hôi. Đã đời. Ngon không biết tả sao cho đúng.

Người Việt miền Nam cũng có món cháo cá lóc. Dì tôi mua cá về xắt khúc, luộc chín rồi vớt ra để nguội, rồi rỉa miếng lơn lớn. Nước luộc cá dùng nấu cháo. Muốn cháo ngon ngọt hơn, có thể bỏ giò heo vô nấu chung. Tôi nhớ, món cháo này hơi lạ mắt lạ vị, vì khi múc cháo ra tô, bày cá lên mặt, rắc hành ngò xong xuôi, dì tôi còn gắp một nhúm bún, một dúm giá sống, gia vị một ít tương đen, và cho thêm đậu phộng giã nhuyễn vô nữa.

Tôi cũng thích món cháo trắng nấu nhừ ăn kèm với dưa mắm, thịt hay cá kho quẹt rắc tiêu cay xè, tép rang hay hột vịt muối. Và, rất đặc biệt, má tôi thỉnh thoảng lại kêu dì nấu cháo trắng ăn chung với tôm khô củ kiệu xắt sợi ngâm nước mắm pha làm món điểm tâm sáng chủ nhật. Nếu nhằm mùa mưa, tiết trời man mát, vừa thổi vừa ăn, lắng tai nghe âm mưa vỗ về tí tách sân gạch. Thính giác và vị giác hoà lẫn vào nhau thành một giai điệu không bao giờ phai trong tâm khảm.

Cũng cần kể thêm vài món chè bánh tráng miệng còn đậm đà trong dư vị. Má tôi hạp khẩu những món ngọt có chuối xứ và nước cốt dừa. Chẳng hạn món chuối chưng bột báng nước dừa rắc đậu phộng giã nhuyễn. Cũng có thể là chuối xứ cắt lát xào nước cốt dừa, bột báng, rắc mè rang. Hay là bánh chuối bột hấp lót lá chuối. Hấp xong để nguội. Khi ăn xắt thỏi hình thoi cho vào chén, chan nước cốt dừa, mè rang. Vị ngọt mềm mại của chuối, vị béo ngậy ngật của nước cốt dừa gia chút muối, hoà với vị bùi thanh tao của mè rang quyện nhau thành khẩu khúc quê nhà ngất ngây khung trời thơ ấu.

Lâu lâu, chính tay má trổ tài nướng “bánh bông lan nhưn chuối”, là món cả nhà đều ưng ý. Má lột vỏ chuối xứ, ngâm một lát trong nước muối, xả bớt vị chát. Rồi má cắt tư theo chiều dọc, đem xào với đường cháy cho tới khi chuối quánh màu đỏ chạch. Xong, để nguội, đem sắp vào nồi gang tráng sẵn bơ mặn Bretel. Bột mì, trứng, đường, sữa đặc có đường đánh chung, đổ vào xâm xấp, bắc lên bếp lửa than. Má còn gắp than để lên nắp nồi, cho bánh vàng đều. Hôm nào má nướng bánh, căn bếp nhà sau thơm lừng hương bơ sữa, đường cháy. Ngũ quan nhạy bén trẻ thơ đón lấy, không lựa chọn. Với dăm ba miếng ngon thời niên thiếu. Với chút hương thơm quyện trong gian bếp hai mùa mưa nắng quê nhà. Để rồi nâng niu cất giữ trong vô vàn ngăn kéo ký ức: Ngăn mặn mòi cá mắm, ngăn đậm đà cháo bún, ngăn chè bánh ngọt bùi, ngăn ngậm nhớ ngậm thương những người thân yêu đã xa khuất, …

Phần trên có nhắc tới “rợ Xiêm”, cũng biết ăn nước mắm như người An-nam, vậy mà trải qua hằng bao thế kỷ, dân tộc Xiêm-la chưa hề bị đế quốc nào đô hộ. Họ còn… lén ăn thêm thứ gì khác có thần dược “ngăn ngừa đế quốc” mà dân ta không biết chăng? Để đến nỗi…

Mới đây, đọc được một bài góp ý của nhà văn Lê Thị Thấm Vân trong một trang báo bạn trên tin mạng:

“Hè 1995 tôi về Việt Nam lần đầu. Trong buổi ăn chiều ở nhà hàng Tif(?) do Trịnh Công Sơn mời. Có khoảng trên mười người. Một nửa là người sống trong nước và một nửa là người sống ở nước ngoài. Đêm đó có Nguyễn Hữu Liêm, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Đang giữa bữa ăn, giữa những người cõng trên lưng lịch sử khác biệt, giữa những chai rượu ngoại đắt tiền, thức ăn ê hề, bàn bọc khăn trắng, hoa tươi, nến cháy… tôi tò mò mở tấm liếp nhìn ra bên ngoài, sát cạnh là mảnh đất trống, một đám ăn xin, chùi giày, bán vé số… nam nữ lão ấu tụ tập nằm ngồi la liệt. Bất chợt câu hát “người nằm đó như loài thú khi mùa đông về… không kêu than khóc… trên phận mình…” của Trịnh Công Sơn thời chiến chạy ngang trong đầu. Tôi kéo tấm liếp xuống, bỗng nhìn thấy tôi, tên Việt kiều, hiện đang ngồi đây, chẳng khác tên thực dân ngày trước.” (*)

Miếng ngon trong ký ức tôi chợt trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Tôi thấy ra, ăn không phải là “đệ nhất khoái” như người Việt mình rình rang xếp hạng. Không phải. Hoàn toàn không phải. Mà miếng ăn vẫn còn là một nan đề to tát tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt nam. Sao vậy? Chiến tranh đã kết thúc hơn ba mươi năm rồi!!!

Để rồi, hơn bao giờ hết, tôi nhận ra mình là một kẻ may mắn, tột cùng may mắn. Một niềm may mắn đắng ngắt dư vị.