Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 11

Ø  TIN BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH
Nhân kỷ niệm 30 năm Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố Tông Huấn Familaris Consortio (1981-2011), Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình, trực thuộc HĐGM Việt Nam, đã tổ chức một cuộc học hỏi và hội thảo về Tông Huấn này tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, từ ngày 17 – 18.11.2011. Hội nghị đã qui tụ khoảng 200 người đang làm công tác mục vụ gia đình của Giáo Hội Việt Nam, từ 16/26 Giáo phận trên khắp cả nước, trong đó có Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy Ban MVGĐ, Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Giám Mục Phụ tá Tổng Giáo phận Huế, 37 Linh mục, 32 nữ tu, và 153 giáo dân. Đoàn của giáo phận Qui Nhơn có 11 người, và là đoàn đông nhất: gồm Cha Trưởng Ban MVGĐ/GP/QNH Antôn Nguyễn Huy Điệp, 3 Cha phó ban: Cha Giuse Nguyễn Bá Trung (Hạt Bình Định), Phêrô Hà Đức Ngọc (Hạt Quảng Ngãi) và Cha Philipphê Phạm Cảnh Hiển (Hạt Phú Yên), cùng với 7 giáo dân của 3 Hạt.
Để ghi nhớ biến cố này, sau 2 ngày học hỏi và hội thảo, Hội nghị đã gửi một Tâm Thư đến mọi người, như một tường trình và chia sẻ tâm tư về hạnh phúc gia đình. Giáo phận Qui Nhơn cũng đã đóng góp một ấn tượng về việc giáo dục trong gia đình. Đang khi các đại biểu nêu ra những khó khăn, trong việc trình bày tư tưởng của Tông Huấn sao cho dễ hiểu với quảng đại quần chúng miền thôn quê… Phái đoàn Qui Nhơn đã giới thiệu 2 sản phẩm có thể đáp ứng tích cực yêu cầu này. Một là cuốn “Sổ Tay Giáo Dục Gia Đình” vừa mới xuất bản, như một quà tặng tất cả các đại biểu tham dự Hội Thảo, Cuốn sách giới thiệu 43 đề tài về giáo dục trong gia đình, được gợi ý từ Tông Huấn Gia Đình, trình bày ngắn gọn và xúc tích bằng ngôn ngữ bình dân. Mục đích khiêm tốn của cuốn sách này là: cố gắng đem Tông Huấn từ trên trời xuống dưới đất, rồi tìm cách lăn nhẹ nó vào trong các gia đình. Cuốn sách đã đáp ứng được thao thức của nhiều người, được khen ngợi và đón nhận tích cực. Nhiều người đã hỏi mua thêm! Sản phẩm thứ 2 là đĩa VCD “Tâm Ca Báo Hiếu”, mục đích giáo dục lòng hiếu thảo trong gia đình, và khi được phổ biến vào thế giới người không Công Giáo, nó trở thành khí cụ truyền giáo. Ngay lập tức, số đĩa được đăng ký mua đã lên đến hàng trăm. Xin cám ơn những sáng kiến Cha Gioan Phêrô Võ Tá Khánh. Sau đây là nội dung bức “Tâm Thư” của Hội Nghị về Gia đình tại Trà Kiệu vừa kết thúc:

TÂM THƯ
GỞI ĐẾN CÁC GIA ĐÌNH
VÀ NHỮNG AI ĐANG PHỤC VỤ GIA ĐÌNH

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ban hành Tông Huấn Familiaris Consortio, chúng tôi gồm giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đại điện cho các giáo phận đã tham dự cuộc Hội Thảo trong hai ngày 17-18/11/2011 tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, thuộc giáo phận Đà Nẵng, để cùng nhau học hỏi về Tài Liệu rất quý giá của Chân Phước Gioan Phaolô II.
Sau cuộc gặp gỡ này, chúng tôi muốn chia sẻ một vài tư tưởng và những nét chính yếu của Tông Huấn cho những ai “yêu mến” và quan tâm đến gia đình, để tìm cách giúp cho các gia đình sống đúng bổn phận của mình trong thế giới hôm nay.
Ngay từ phần dẫn nhập của Tông Huấn, Chân Phước Gioan Phaolô II đã viết: Giáo Hội – vì biết rằng thiện ích của xã hội và của chính mình đều được liên kết cách sâu xa với thiện ích của gia đình - nên đã ý thức cách sống động và mạnh mẽ về sứ mạng của mình phải công bố cho mọi người biết ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, bằng cách bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống trọn vẹn cũng như có được sự thăng tiến nhân bản và Kitô, như thế là góp phần vào việc canh tân xã hội và chính Dân Thiên Chúa (FC. 3).
Trong ngày thứ nhất, chúng tôi đã lắng nghe các thuyết trình viên trình bày về hoàn cảnh của gia đình ngày nay, dưới cái nhìn của Tông Huấn (FC. 4-10) và giáo huấn của Giáo Hội theo kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình (FC. 11-17), nhất là trình bày về những bổn phận của gia đình trong thế giới ngày nay, như đào tạo một cộng đồng ngôi vị gồm những cá thể là hình ảnh của Thiên Chúa (FC. 18-27), phục vụ sự sống bằng việc truyền sinh và giáo dục con cái (FC. 28-41), tham dự vào việc phát triển của xã hội (FC 42-48) cũng như vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội (FC. 49-64).
Trong ngày thứ hai, chúng tôi đã hội thảo và tìm cách thực hiện những đề nghị của Tông Huấn trong phần nói về mục vụ liên quan đến hôn nhân như chuẩn bị từ xa ngay trong bổn phận gia đình cho đến việc chuẩn bị gần và trước lúc cử hành trong trách nhiệm của giáo xứ; cử hành Bí tích Hôn phối, đồng hành với gia đình trẻ, tổ chức cơ cấu, nhân sự (FC. 65-85). Cách cụ thể, chúng tôi đã thảo luận theo nhóm để góp ý trong việc khởi động Ban Mục Vụ Gia Đình trong các giáo phận và lên kế họach trong ba năm, đồng thời, cũng giới thiệu các Hiệp Hội Gia Đình và Tuần Lễ Gia Đình hướng về Đại Hội Gia Đình Thế Giới cùng với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Milano, Italia, vào cuối tháng 5/2012.
Chân Phước Gioan Phaolô II viết: Tôi thấy mình bị thúc bách phải yêu cầu các con cái Giáo Hội nỗ lực một cách đặc biệt cho vấn đề này. Trong đức tin, họ đã được hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa kỳ diệu của Thiên Chúa, nên họ càng có lý do để lưu tâm tới thực trạng gia đình, trong thời đại của chúng ta, thời đại thử thách và ân sủng.
“Họ phải yêu mến gia đình một cách đặc biệt hơn cả. Đó là một mệnh lệnh cụ thể và đòi buộc. Yêu mến gia đình nghĩa là biết quí chuộng các giá trị và khả năng của gia đình, bằng cách luôn làm thăng tiến các giá trị và khả năng ấy. Yêu mến gia đình nghĩa là làm thế nào bảo đảm để có được môi trường thuận lợi cho gia đình được phát triển. Gia đình Kitô hữu ngày nay thường bị cám dỗ nản lòng hay âu lo trước những khó khăn, ngày một lớn; lòng yêu mến ấy còn được biểu lộ qua một hình thức trổi vượt hơn, đó là đem lại cho gia đình Kitô hữu những lý do để tự tin vào mình, qua kho tàng phong phú mà gia đình có được tự bản chất hay do ân sủng, qua sứ mạng Thiên Chúa đã ủy thác cho gia đình. “Các gia đình ngày nay phải chấn chỉnh lại! Phải theo Chúa Kitô” (FC. 86).
 Vì thiện ích của gia đình vượt ra khỏi cả biên giới của cộng đồng Giáo Hội, nên Ngài đã kêu gọi tất cả mọi người: “...Tôi hướng về tất cả quí vị, những con người có trí phán đoán ngay thẳng, và đang bận tâm tới số phận của gia đình, dưới danh nghĩa này hay danh nghĩa khác, trong giờ phút kết thúc Tông huấn này, tôi hướng về tất cả mọi người với một tấm lòng ưu ái nồng nhiệt”. Và Ngài tiếp: “Sau cùng tôi ao ước kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu hãy thật lòng và can đảm cộng tác với tất cả những người thiện chí đang thể hiện trách nhiệm của họ đối với các gia đình. Ước mong rằng những người đang hy sinh vì thiện ích gia đình, trong lòng Giáo Hội cũng như nhân danh Giáo Hội và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội, dù hợp thành những nhóm hay là những cá nhân, những phong trào hay hiệp hội, ước gì tất cả những người ấy biết liên kết với những người và những cơ chế khác nhau đang hoạt động cho cùng một lý tưởng. Khi trung thành với những giá trị của Tin mừng cũng như của con người, và tôn trọng sự đa diện chính đáng trong các sáng kiến, việc cộng tác như thế sẽ giúp cho gia đình được thăng tiến mau chóng và toàn diện hơn” (FC 86).
 “Tương lai của nhân loại sẽ đến ngang qua gia đình”(FC. 86). Những lời lẽ đơn sơ này cũng cho chúng ta thấy niềm xác tín sâu xa của Chân Phước Gioan Phaolô II đòi buộc Giáo Hội phải canh tân việc Mục Vụ Gia Đình của mình từ gốc rễ, thành lập cơ cấu một cách có hệ thống và tiến hành công việc cách nhạy bén, can đảm và nhìn xa thấy rộng, vì “gia đình là con đường mà Giáo Hội phải đi qua, khi thi hành sứ mạng cứu rỗi của mình” (Thư gởi các gia đình 1994).
 “Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Giáo Hội, cũng trở nên Mẹ của "Giáo Hội tại gia"! Ước gì nhờ sự trợ giúp từ mẫu của Mẹ, mỗi gia đình Kitô hữu có thể thực sự trở nên một "Giáo Hội nhỏ", trong đó mầu nhiệm của Giáo Hội Đức Kitô được phản ảnh và sống lại!” (FC 86).
Sau hết, chúng tôi mời gọi mọi người hãy hướng về Chân Phước Gioan Phaolo II, một vị Giáo Hoàng luôn đi tiên phong trong việc mục vụ gia đình, để xin Ngài, từ cửa sổ của Nước Trời, tiếp tục chúc lành cho những dự tính về công việc mục vụ của chúng ta trong những ngày tháng sắp tới.
Trà Kiệu, ngày 18 tháng 11 năm 2011
Các tham dự viên
Hội Thảo về Tông Huấn Gia Đình

Ø  TIN BAN TRUYỀN THÔNG VĂN HOÁ
Nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Thánh Tử Đạo Giám Mục Stêphanô Thể (1861-2011), Ban Truyền Thông Văn Hoá Giáo phận Qui Nhơn đã tái bản cuốn “Hạnh Đức Cha Thể” của Cha Tardieu Phú với lời giới thiệu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn.
Đây là cuốn sách được nhà in Làng Sông xuất bản năm 1907 do Cha Augustin Tardieu (1872-1942) biên soạn trong thời gian làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Làng Sông (1903-1908) và vào lúc ngài đã đến với giáo phận được 10 năm (từ năm 1897), một thời gian đủ để ngài viết tiếng Việt cách thông thạo. Trong tập sách, chúng ta gặp thấy lối hành văn tiếng Việt giàu âm điệu như một bài thơ. Ví dụ: “Các cha biết mưu gian, liền kiếm đàng trốn tránh” (tr. 13) hoặc “… nhứt là ông cả Thuông, là người quan yêu dân chuộng, thưở ấy nên như luỹ chắc đỡ che trong ngoài” (tr. 29), có lúc hóm hỉnh: “Mà bổn đạo khi ấy sợ quan hơn sợ cọp, cho nên đêm hôm đưa Đức cha qua đèo nọ truông kia, mà Chúa che chở chẳng hề nghe ai bị cọp bao giờ” (tr. 66) hoặc đôi khi sâu lắng như một lời kinh: “Cảm động Đức cha một mình cô thế, khác nào chiên con hiền lành giữa bầy muông sói hằm hằng nuốt sống, chẳng hề giãy vật, một phú mình mặc nó! Thảm thương Đức cha, vì con cô độc đắm đuối biển thế gian, chẳng sờn lòng lặn lội chốn trường cheo leo…” (tr. 85). Cha Tardieu Phú sau này làm Giám mục Đại diện Tông toà cai quản Giáo phận Qui Nhơn từ năm 1929-1942.
Tập sách có giá trị lịch sử vì dựa vào lời chứng của các chứng nhân còn sống và từ các nhân vật trong câu chuyện cuộc đời của Đức cha Thể, mọi thành phần dân Chúa đều có thể tìm thấy những bài học về chứng nhân đức tin cho chính mình như lời giới thiệu của Đức cha Đamianô Mẫn vào năm 1907: “Nay in sách mọn này nguyên vì hai ý: trước ngợi khen Đức cha Thể, sau tìm ích cho kẻ xem hạnh Người”.

Ø  LỄ THÁNH STÊPHANÔ THỂ, 150 NĂM NGÀY TỬ ĐẠO
Sáng ngày 14.11.2011 tại đền thờ Stêphanô tại Vĩnh Thạnh, Đức giám mục Giáo phận Phêrô đã chủ sự thánh lễ long trọng mừng 150 năm ngày sinh nhật trên trời của Thánh giám Mục tử đạo giáo phận Stêphanô Thể. Có Đức Cha phó với 45 linh mục trong và ngoài giáo phận trong đoàn đồng tế. Có khá đông các chủng sinh, tu sĩ nam nữ và giáo dân xa gần, đã tề tựu nơi đền thánh hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Chúa và tôn vinh Thánh Tử Đạo Stêphanô Thể. Trong dịp đặc biệt nầy, có cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Vân Đông, cùng một số anh chị em giáo dân dân tộc đến chia sẻ và tham dự thánh lễ cũng như các nghi thức khác.
Thánh lễ được bắt đầu với nghi thức dâng hương tưởng niệm sốt sắng cũng với lời ca "Nhớ ơn tiên tổ": Cây có cội, nước có nguồn, thì ta có tổ tiên.
Trong bài giảng lễ, Đức cha Phêrô đã nêu bật những sự kiện quan trọng và những nhân đức, công nghiệp rạng ngời của vị thánh Giám Mục Tử Đạo Stêphanô, nhất là công cuộc truyền giáo với những sáng kiến rất hay của thánh nhân. Qua đó Đức Cha mời gọi mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận noi gương tiếp bước người xưa, nhất là vị thánh Bổn Mạng của giáo phận để quảng đại ra đi tung gieo hạt giống Lời Chúa.

Ø PHÁI ĐOÀN GIÁO PHẬN QUI NHƠN DỰ LỄ AN TÁNG ĐỨC CHA ALEXIS TẠI KON TUM
Được tin Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc, nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum, vừa được Chúa gọi về ngày 17/11, hưởng thọ 92 tuổi, Đức Cha phó Matthêô, cha Giuse Lê Kim Ánh và cha Giuse Võ Tuấn, đại diện giáo phận Qui Nhơn đến phân ưu và dự lễ an táng của ngài vào sáng ngày 21/11 tại nhà thờ Chính tòa Kon Tum. Hiện diện trong thánh lễ, ngoài Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh và Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung của giáo phận Kon Tum, còn có 5 Đức Cha từ 5 giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế, khoảng 100 linh mục đồng tế, đại diện các dòng tu và đông đảo giáo dân gồm người Kinh và các anh chị em dân tộc. Đây là vị giám mục thứ ba đã được Chúa gọi về trong năm 2011, sau hai Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức và Giuse Trịnh Chính Trực của giáo phận Ban Mê Thuột.


Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH

    - Đức giám mục Giáo phận chủ sự thánh lễ Các Thánh Nam Nữ tại Chính Tòa. Ngày 01.11.2011, Lễ Các Thánh Nam Nữ, lúc 05g00 tại Nhà thờ ChínhTòa Qui Nhơn Đức Giám Mục giáo phận Phêrô Nguyễn Soạn đã long trọng cử hành thánh lễ đồng tế. Có Đức Cha phó Matthêô, cha Sở Chính Tòa và một số cha trong đoàn đồng tế. Nhân dịp nầy giáo xứ giới thiệu Hội Đồng Giáo Xứ Chính Tòa nhiệm kỳ mới và đồng thời Đức cha giáo phận cũng phát bằng ghi công đức-ban khen cho một số người trong Ban Chức Việc Chính Tòa đã có nhiều năm phục vụ cho giáo xứ và giáo phận. Đầu Thánh lễ Đức Cha nói rằng «Hôm nay Hội thánh hân hoan mừng lễ các thánh nam nữ. Suốt năm phụng vụ, chúng ta mừng một số ít các thánh được tôn vinh, trong khi đó còn biết bao vị thánh khác không được nhắc tới hay những vị thánh âm thầm không ai biết đến. Bởi vậy, Hội thánh dành ngày hôm nay mừng chung trọng thể tất cả các thánh, trong đó có thánh quan thầy của mỗi người, hầu giúp chúng ta biết khao khát sống đời thánh thiện… Chúng ta hãy hiệp lòng hiệp ý tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho những chị em trong Hội Đồng Giáo xứ được dồi dào sức khỏe và ơn Chúa để cộng tác cùng nhau xây dựng giáo xứ, giáo phận ngày càng thăng tiến và giúp mọi người sống đạo đức thánh thiện hơn.
Lễ các thánh nam nữ là lễ trọng và lễ họ tức là lễ cầu cho giáo dân. Hôm nay các Cha sở sẽ dâng lễ cầu cho giáo dân trong giáo xứ của mình. Với tư cách là Giám Mục giáo phận, hôm nay tôi dâng thánh lễ nầy, cầu nguyện đặc biệt cho tất cả anh chị em trong gia đình giáo phận. Xin Chúa giữ gìn và ban nhiều ơn lành hồn xác cho tất cả anh chị em».
Sau khi cha sở đọc quyết định của Đức cha giáo phận và Đức cha tặng bằng ghi công đức và ban khen, đại diện cộng đoàn, ông Tân chủ tịch Hội đồng Giáo xứ, có những lời cám ơn quý Đức cha, Cha sở, quý cha và cộng đoàn. Đức Cha chúc mừng Tân Hội đồng Giáo xứ và ban huấn từ kết thúc «Những năm qua Ban chức việc cũ đã làm việc rất tốt để cộng tác với Cha sở xứ trong mọi việc lớn nhỏ. Tôi biết có nhiều người đã hy sinh thời giờ và vật chất để lo cho giáo xứ mà không ngại khó khổ, trong đó có những việc không tên, có những việc nhỏ bé và có cả những việc âm thầm. Giáo xứ có được ngày hôm nay một phần là nhờ công lao của biết bao anh chị em trong giáo xứ, nhất là của các Chức việc. Nhân dịp nầy, giáo xứ chúng ta đặc biệt hết lòng cám ơn các vị trong Ban Chức việc cũ đã nhiệt thành cộng tác xây dựng giáo xứ.
Đối với anh chị em mới được tín nhiệm cử vào Hội đồng Giáo xứ nhiệm kỳ mới, cần ý thức mình được vinh dự cùng với Cha sở chia sẻ trách nhiệm của vị Mục Tử tối cao là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng luôn hạ mình phục vụ đến hiến dâng chính mạng sống mình (x. Mc 10, 45). Ý thức như vậy để chúng ta biết khiêm nhường cộng tác góp phần xây dựng giáo xứ ngày càng thăng tiến về mọi mặt.
Thật là ý nghĩa khi giáo xứ chọn ngày lễ các thánh nam nữ hôm nay để ra mắt ban Chức việc nhiệm kỳ mới. Vì xét cho cùng, tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng giáo xứ nhằm mục đích không gì khác hơn là giúp mọi người nhận ra Chúa Giêsu và theo gương Người sống nên thánh giữa đời. Người ta nói “mỗi thánh mỗi thể”, nhưng tất cả các thánh đều có điểm đồng qui là noi gương Chúa Giêsu, sống theo lời Chúa Giêsu dạy, đi trên con đường trọn lành Người vạch ra. Các thánh từng là những người như chúng ta nhưng các ngài đã nên thánh vì biết bắt chước Chúa Giêsu thật đúng, thật sát và thật hay theo cách của mình.
Con người có hai cơ năng quan trọng là con tim và khối óc. Bởi vậy, tôi xin cầu chúc cho anh chị em, cách riêng quý chức có trái tim như Chúa Giêsu để luôn luôn biết yêu mến, và luôn có Chúa Giêsu trong đầu óc để suy ngắm và được Chúa hướng dẫn. Từ con tim và khối óc đó chúng ta biết ngước mắt để dõi theo Chúa, biết giơ đôi tay để nắm lấy tay Chúa và biết đi trên đôi chân trung thành theo bước chân Chúa.
Kính chúc tất cả anh chị em được dồi dào sức khỏe, tràn đầy niềm vui và ơn Chúa trong ngày đại lễ hôm nay».

- Tin ban Tu sĩ hạt Bình Định. Lúc 8h00 ngày 24.11.2011 tại cộng đoàn Phaolô Phú Tài, Ban Tu Sĩ hạt Bình Định có cuộc họp đầu năm (theo niên lịch Phụng vụ) với nội dung:
- Trao đổi và học hỏi về truyền giáo
- Những vấn đề liên quan.
  1. Tóm tắt nội dung trao đổi học hỏi về truyền giáo:
Nói đến truyền giáo ai cũng hiểu, ai cũng biết và nghe nói rất nhiều. Dầu cho có nhiều lời mời gọi nhưng cho đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy tờ hay ở những buổi họp hội thảo, chưa có áp dụng thực tế vào cuộc sống. Nếu có chỉ là thiểu số...
- Trước hết hãy một chút thì giờ để cầu nguyện cho việc truyền giáo của Giáo hội, cho các vị thừa sai và cho mỗi người chúng ta ý thức bổn phận truyền giáo của mình.
  • Truyền giáo là gì?
Truyền giáo là loan báo, là rao giảng Tin Mừng cho:
+ Những người chưa được nghe, chưa được biết Chúa (hiện nay trên thế giới có 7 tỉ người, trong đó có 2 tỉ người chưa bao giờ nghe nói đến sứ điệp Tin Mừng, 2 tỉ 680 triệu người khác thỉnh thoảng mới được nghe, hoặc chỉ biết một cách mơ hồ, nhưng họ không phải là Ki tô hữu. Các số liệu này do cơ quan Analisis Digital khảo sát và đưa ra...23.11.2011)
+ Củng cố những người đã biết Chúa, nhưng vì những ma lực hấp dẫn họ đã lãng quên Thiên Chúa.
  • Ơn gọi truyền giáo: Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là tham dự vào 3 sứ vụ Chúa Kitô, trong đó có sứ vụ ngôn sứ. Vì thế mỗi người chúng ta là nhà truyền giáo.
  • Cách thức truyền giáo: Tùy thuộc địa phương, văn hóa và xã hội... nhưng có một cách thức chung và một ngôn ngữ chung đó là “ tình yêu”...
  • Hành trang tuyền giáo: Ngoài kiến thức cần thiết, hành trang không thể thiếu đó là tình yêu.
  • Thái độ tuyền giáo: theo Hồng Y FX Nguyễn văn Thuận thì truyền giáo:
Không phải chinh phục, mà là lòng yêu thương.
Không phải vũ lực.. , mà là chứng nhân
Không phải tự cao tự đại, mà là đối thoại, trao đổi và tôn trọng.
Không phải mảnh lực tiền tài, mà là tinh thần tương trợ.
Không phải thủ đoạn chiến lược, mà là tấm lòng đơn sơ.
  1. BTS Hạt Bình Định sẽ tiếp tục học hỏi chủ đề của Giáo hội đưa ra 2012: năm ĐỨC TIN và Sống Mầu Nhiệm Giáo Hội. Vì truyền giáo phải đặt trên nền tảng đức tin...
  2. Thay đổi nhân sự:
- Sr Maria Dung dòng Phao lô làm Phó BTS Hạt Bình Định.
- Cha Inhaxio Hoàng Hiệp dòng SVD làm thư ký BTS Hạt Bình Định.
- Sr Anna Minh Thu dòng MTG Qui Nhơn làm thủ quỷ BTS Hạt Bình Định.
4.  Ngày 02.02.2012 ngày cầu nguyện cho đời sống thánh hiến. Vì trùng vào dịp tết Nhâm Thìn... thiếu hụt về nhân sự BTS Hạt Bình Định cố gắng tổ chức ngày lễ này... Kính mời quý Cha, quý Soeur, quý anh chị em trong và ngoài Giáo phận (những người về nhà ăn tết) tham dự thánh lễ tại nhà thờ Chánh Tòa Qui Nhơn (theo giờ lễ của nhà thờ...).

- Hội trại bế mạc giáo lý Giáo xứ Cây Rỏi: Từ ngày 19-20/10/2011, giáo xứ Cây Rỏi tổ chức hội trại bế mạc giáo lý năm 2011 và hướng đến ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng của giáo xứ. Thành phần tham dự có tất cả là 170 em gồm các em học viên giáo lý từ khối đồng cỏ non đến khối kinh thánh và vào đời, riêng các em khối đồng cỏ non và sơ cấp chỉ tham gia một số sinh hoạt chung của hội trại. Có bốn tiểu trại: Hand in hand, Gioan Boscô, Matta và Gioan với chủ đề “Gieo Mầm Tin Yêu” nhằm giúp cho các em có niềm hăng say trong công việc truyền giáo ngay chính trong môi trường các em đang sống.
Sáng ngày 20/11 câu lạc bộ “Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn” đã đến giáo xứ tham dự cuộc họp định kỳ và làm giám khảo trong phần trang trí trại và báo tường. Nét độc đáo là đêm sinh hoạt văn nghệ lửa trại các em đã có nhiều tiết mục văn nghệ sôi động và hấp dẫn. Kết thúc đêm lửa trại là hội hoa đăng giúp các em sống tâm tình với Chúa trong một giờ diễn nguyện sốt sắng và trang nghiêm.
Kết thúc hội trại Cha Sở đã phát thưởng cho các em đạt thành tích xuất sắc trong học giáo lý cũng như học văn hóa.

- Lễ tuyên hứa của Hội đồng Giáo xứ Ngọc Thạnh. Sáng Chúa nhật, 20/11, vào lúc 5 giờ 45, Đức Cha phó Matthêô đến nhà thờ giáo xứ Ngọc Thạnh để cử hành lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Nhân dịp này cha sở tổ chức lễ ra mắt và tuyên hứa của 39 thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ tân cử theo qui chế mới. Sau bài huấn dụ của Đức Cha phó và lời tuyên hứa của các chức việc, Đức Cha trao chứng thư cho mỗi vị, cùng với bằng tưởng thưởng cho một vị đã phục vụ lâu năm.

- Hai Đức giám mục Giáo phận thăm vài nơi vùng bắc Bình Định. Bắt đầu 08g30 sáng 29.11.2011 hai Đức Giám Mục giáo phận cùng cha Tổng Đại diện và một số quý cha tháp tùng đã đến giáo xứ Phù Mỹ để mừng lễ quan thầy Anrê bổn mạng cha sở Anrê Đinh Duy Toàn. Trên đường đi phái đoàn ghé thăm ngôi nhà thờ cũ trên đồi là nhà thờ Nhà Đá. Tại đây cha sở Phù Mỹ đón tiếp phái đoàn và tường trình cho hai Đức cha chương trình dự kiến sắp tới có thể tái thiết ngôi nhà thờ nầy như thế nào. Hiện nay vẫn tiếp tục hoàn thành thủ tục xây dựng để có thể tái thiết càng sớm càng tốt. Hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ hoàn tất các thủ tục nầy.
Địa thế nhà thờ nầy rất đẹp, mặt tiền nhà thờ tuy cũ kỹ nhưng vẫn rõ nét kiến trúc khá độc đáo trước đây với tường gạch xây rất dày. Trong ngôi nhà thờ, dù nhiều đổ nát và vết tích chiến tranh nhưng vẫn còn mộ với tấm bia rõ ràng HIC JACET SACERDOS MICHAEL CHƯƠNG.
Sau khi ăn tiệc mừng bổn mạng Anrê tại nhà xứ Phù Mỹ do cha sở khoản đãi, phái đoàn ghé thăm Nước Nhỉ, nơi có ngôi mộ linh mục Đặng Đức Tuấn. Tại đây dù không có nhà thờ, nhưng cha sở Phù Mỹ đã cho dựng một nhà tiền chế bé nhỏ và hàng ghế đá để bà con giáo dân có nơi tham dự Thánh lễ…
Sau đó phái đoàn tiếp tục ra giáo xứ Đại Bình, ghé thăm ngôi nhà thờ Thác Đá Hạ đang xây dựng dở dang. Cha sở vắng nhà, nhưng có cha phó Đại Bình tiếp đón và tường trình sơ qua công việc đang tiến hành hiện nay. Mái nhà thờ đã đổ bêton xong và nhà sinh hoạt phía sau nhà thờ cũng đã đúc xong các trụ cột chính. Ngôi nhà thờ khá rộng rãi và nằm trên mặt bằng cao so với chung quanh, sát với chân núi nên khá thoáng mát. Sau đó phái đoàn trở về lại Qui Nhơn lúc 14g15.

Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN

- Tin Giáo xứ Hoa Châu. Nếu ai đã từng qua đường 645 đi Sông Hinh thì sẽ bắt gặp nhà thờ Hoa Châu tọa lạc bên phải soi Thạch Bàn gần nhà máy đường Đồng Bò. Dẫn vào nhà thờ, có một con đường nhỏ dài 122 mét từ đường tỉnh lộ chạy thẳng vô tới cổng nhà thờ. Con đường này đã có từ xưa. Trải qua thời gian, con đường đã bị xâm lấn dần và ngày càng nhỏ hẹp. Gặp những tháng ngày mưa gió bão lụt hay những ngày lễ trọng hàng năm, dân quanh vùng và các phương tiện giao thông khó đi lại con đường này. Từ những trăn trở đó mà cha sở đã liên hệ với chính quyền xã để đề đạt ý kiến nâng cấp con đường này. Mặc dù có một vài cá nhân không đồng tình nhưng hầu hết Chính quyền xã đều đồng ý. Con đường mới được nâng cấp cao hơn 1 mét, rộng 8 mét. 4 mét đổ bê-tông và còn lại phần diện tích để trồng cây xanh trang trí. Ngày 2/11/2011 đã cho tiến hành đổ đất, người dân chung quanh khu vực nhà thờ rất phấn khởi vui mừng. Con đường đã tạm hoàn chỉnh ngày 11/11/2011.

- Đại hội-Tĩnh tâm giáo xứ Tuy Hoà. Trong chương trình mục vụ hàng năm của giáo xứ Tuy Hòa, cuối năm Phụng vụ chính là thời điểm giáo xứ tổ chức cuộc Đại Hội-Tĩnh Tâm dành cho Hội Đồng Mục vụ giáo xứ. Đây chính là một sự kiện mục vụ quan trọng hàng đầu của giáo xứ; vì chính trong cuộc Tĩnh Tâm-Đại Hội nầy, toàn thể các thành phần Dân Chúa, thông qua các tổ chức đại diện hoặc thành viên cá nhân, tề tựu về trung tâm giáo xứ, để, dưới sự chủ trì của cha chính xứ, cùng nhau nhìn lại sinh hoạt một năm và định hướng sinh hoạt mục vụ tổng quát cho một năm Phụng Vụ mới. Đặc biệt năm nay, giáo xứ mới vừa bầu xong Tân Hội Đồng Chức Việc nhiệm kỳ 2012-2016 gồm có tất cả 73 thành viên hiện diện trên địa bàn của 7 giáo khu, giáo họ Cẩm Tú, Phú Điền-Phú Cốc. Đại hội đã dành thời gian buổi sáng để “kiểm điểm sinh hoạt mục vụ” qua các báo cáo tổng kết của ông Chủ tịch Hội đồng chức việc giáo xứ, của hai cộng đoàn nữ tu Phaolô và Mến Thánh Giá tại Tuy Hòa, của các Ban Mục Vụ chuyên trách và hội đoàn : Phụng vụ, Huấn Giáo, Văn Hóa, Truyền Thông, Hội đoàn, Truyền giáo-bác ái, tài chánh, hội Legio Mariae, Các Bà Mẹ Công Giáo…. Qua các các báo cáo nầy, giáo xứ tạ ơn Chúa vì bao nhiêu hồng ân Chúa ban xuống cho giáo xứ và đã dẫn đưa giáo xứ tiến bước trong niềm vui hiệp thông và phục vụ. Hội đồng mục vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, những tiêu cực còn tồn tại trong một số sinh hoạt mục vụ trong giáo xứ. Cuộc tĩnh tâm năm nay cũng được cha chánh xứ lưu ý Hội Đồng Mục Vụ, đặc biệt các thành viên Hội Đồng Chức Việc, cần quan tâm học hỏi và nắm bắt các hướng dẫn mục vụ của Giáo Hội về mục vụ Phụng vụ bí tích để giúp cộng đoàn Dân Chúa sống đạo đúng đắn và tích cực. Buổi chiều, Đại Hội dành triển khai Phương án Mục Vụ tổng quát năm 2012 và Mục vụ Giáng Sinh 2011 để định hướng mục vụ cho Năm Phụng Vụ mới. Kết thúc một ngày Đại Hội-Tĩnh Tâm chính là Thánh Lễ trọng mừng Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Sau phần kinh Tin Kính, toàn thể tân Chức việc của nhiệm kỳ 2012-2016 đã cùng nhau tuyên hứa dấn thân phục vụ cộng đoàn và được cha chánh xứ trao cuốn “Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ của Giáo Phận” như biểu tượng của sự nhận lãnh sứ vụ lên đường dấn thân phục vụ cộng đoàn Dân Chúa. Hy vọng cuộc Đại Hội-Tĩnh Tâm quan trọng nầy sẽ khơi lên niềm vui phục vụ nơi mỗi một thành viên trong cộng đồng giáo xứ để tất cả cùng chung tay góp sức xây dựng “ngôi nhà giáo xứ” thành dấu chỉ sống động của Giáo Hội, theo như chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : năm 2012 là năm Giáo Hội tại Việt Nam dành “học biết và sống mầu nhiệm Giáo Hội” với châm ngôn: “Hãy mang trong anh em những tâm tư của Đức Kitô-Giêsu” (Phil 2, 5)

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

PARIS ĐÔNG PHƯƠNG



Theo Beenet
"Nói chung (cũng như đa số dân Á đông chưa va chạm bao giờ với văn minh Tây Âu) họ ngây thơ như con trẻ, với một thế giới quan thực đáng yêu" - Nhận xét trong ngày cuối cùng trong chuyến viễn du Đông Dương của Nicôlai Đệ Nhị.

Ê.Ê. Ukhtômxki
Cuộc viễn du phương Đông
của Đức Hoàng thượng Hoàng Đế Nicôlai Đệ Nhị
(1890 - 1891)

Vũ Thế Khôi trích dịch
Sách "Những tiếp xúc đầu tiên của người Nga với Việt Nam"
NXB Văn học1997

Thứ ba, 19 (31) tháng 3

Đoàn sĩ quan xứ thuộc địa hôm qua quả tỏ ra xuất sắc trong nghệ thuật hiếu khách và tiếp đãi. Con tàu “Lorie” chở hàng khổng lồ già nua neo cạnh bờ đã được trang hoàng một cách tinh tế hiếm thấy, tôi có thể nói là tuyệt vời. Khoang trong biến thành một phòng khiêu vũ rộng thênh thang. Vũ hội kéo dài thâu đêm, với sự hiện diện và tham gia của Hoàng thái tử, đến tận 5 giờ sáng. Quả thật tôi chưa thấy nơi đâu một sự vui nhộn tràn trề và tự nhiên như vậy, một entrain hào hứng và yêu đời đến như vậy.
Người khởi xướng và sáng tạo nó là một nhạc trưởng tài năng, “bán phần Pháp tộc”, thủy thủ trưởng – công tước Adrêi Avgustinôvich Gôlixtin. Nữ hoàng vũ hội là phu nhân một đại úy (thủy quân lục chiến) bà Bauche (tối hôm qua suýt gặp nạn trên đường đến “Lorie” vì đôi ngựa kéo xe bỗng dưng nổi xung) và cô bé 14 tuổi Revilliod. Kiều dân Sài Gòn sẽ còn lâu lắm mới có thể quên được dạ hội ấy, cái đêm ấy – những thời khắc giao lưu tư tưởng và tình thân thiện anh em giữa chúng ta!
Ý nghĩa của xứ Côsanhsin cùng các vùng đất phụ thuộc về mặt hành chính đã hiển hiện cực kì rõ ràng đối với tất cả những ai trong số chúng ta quan tâm đến các số liệu mới nhất về chế độ kinh tế và chế độ chính trị của chúng. Chúng tôi nghe được những lời ca ngợi tốt đẹp nhất về năng lực và sự ngoan ngoãn của dân An Nam, được biết những thông tin hấp dẫn về tài nguyên vô tận của đất nước này, về tương lai huy hoàng của thuộc quốc này trong nay mai.
Tài nguyên thiên nhiên được nêu lên hàng đầu. Chúng đứng ngang hàng với các xứ sở Ai Cập, Mêxôpôtami và Bengal. Ngũ cốc và rau quả châu Âu dễ dàng reo trồng được trên đất nước này. Gạo có chất lượng cao nhất, thế nhưng kinh doanh xuất khẩu nó hiện thời không phải các nhà tư bản Pháp mà là một công ty Đức nổi tiếng Rikmers ở thành phố Brêmen. Ngô, bông, chàm, trầu không, thuốc lá, mía mật, cà phê, chè, đủ các thứ quả (đặc biệt là dưa), các loài cây hương liệu và thảo dược, các cây thiết mộc như lim, táu, nói chung là đủ loại gỗ, tơ tằm, ngà voi, sừng trâu, da bò, muối, cá, vân vân và vân vân… Hàng trăm triệu franc xuất cảng từ Sài Gòn. Tác phẩm của xứ Côsanhsin tập trung tại các bảo tàng Paris và các bảo tàng thương mại khắp tỉnh thành nước Pháp. Trong các cuộc triển lãm kênh nông và công nghệ xứ Côsanhsin, khởi đầu từ năm 1886, dân bản xứ được thưởng không ít huy chương vàng, bạc, đồng cho những sản phẩm tuyệt vời của mình. “Societé d’acclimatation de Paris” đã tặng thưởng tối cao cho chính phủ thuộc địa vì những công lao trong lĩnh vực này. Họ cũng đã giành được các giải thưởng của Amstecđam và Calquytta. Một sự lấy đà mạnh mẽ cho phát triển! Kết quả sẽ hiển hiện chẳng bao lâu nữa, bởi những kẻ đang trở thành ông chủ toàn quyền là những con người thực tiễn như người Pháp.
Nhân công (ngay ở Sài Gòn cũng vậy) khá rẻ. Dân bản xứ dễ dàng đào tạo thành những người thợ khá. Máy móc đang được nhập vào đây. Trong trường hợp dòng người di cư tinh khôn từ Trung hoa tăng thêm và họ muốn định cư tại đây thì đó sẽ là điều tốt cho xứ sở. Một nhà văn hóm hỉnh nào đó đã viết về phương Đông rằng các nhà thực dân luôn luôn có ở đó đúng những người Tầu mà họ xứng đáng được có. Nếu biết đối xử khôn khéo với họ - chẳng hạn không cho họ cố kết với nhau thành những hội kín với tính chất hiếu chiến – thì quả khó tìm được những thần dân dễ bảo và hữu ích hơn.
Thiết lập một modus vivendi (nếp sống) càng cần kíp hơn nữa bởi lẽ từ vùng phía Nam lãnh thổ Thiên triều thường đi sang Đông Dương một số phần tử có xu hướng kích động dân chúng An Nam, chống lại sự thống trị người Âu. Được họ bí mật ủng hộ, thủ lĩnh nghĩa quân miền biên cương Tonkin chiến đấu cho nền độc lập, ô. Đốc ngữ can đảm cầm đầu đội quân nhỏ, vừa mới giành một thắng lợi trong cuộc đụng độ kéo dài 6 tiêng đồng hồ với quân chính quy của nước Cộng hòa; họ đã bảo vệ từng tấc đất, rồi rút lui an toàn, mang theo tất cả chiến sĩ bị thương và tử sĩ. Những anh hùng bảo vệ tổ quốc như vậy rải rác trên miền Bắc thuộc địa này- chỉ là một thiểu số không đáng kể. Vậy mà công cuộc tiễu trừ họ phải trả vô số tiền tài và chẳng dẫn đến kết quả gì. Phải chăng không có cách nào tránh nó cùng những chi phí vô bổ?
Điện hạ Hoàng thái tử đã có nhã ý mời các vị đại diện chính quyền địa phương (Ngài Pické cùng thống đốc Nam Kì đô đốc Benar và đại tá Artuse) ngày hôm nay lên chiến hạm “Azôv” dùng bữa sáng. Vị du khách Tối thượng, bằng những lời lẽ chân thành nhất, nhờ họ chuyển tới dân chúng Sài Gòn lời cảm tạ về cuộc đón tiếp nồng nhiệt, khiến trong thời gian lưu lại xứ thuộc địa này các vị khách Nga đều cảm thấy đầm ấm như ở nhà mình vậy. Người đứng đầu xứ sở vội đáp rằng cơ quan ngôn luận chính thức sẽ tức khắc chuyển tới dân chúng lời ban khen rộng lượng và cao quý nhường ấy của Đại công tước. Các vị khách địa phương rời chiến hạm vào hồi 2 giờ.
Sau đó người ta trình lên Hoàng thái tử rằng có một đoàn đại biểu nhỏ của dân bản xứ thuộc làng Phúc Xá huyện Thủ Dầu Một lân cận đường đột xin yết kiến và dâng quà. Theo chương trình đã dự kiến, ở địa phương đó người ta sẽ trình diễn cho chúng tôi xem một cuộc săn thú giữ hoàn toàn theo phong tục người An Nam (các nông phu bản xứ là những người rất gan dạ, thường cùng nhau xông vào bắt hổ, tay chỉ cầm giáo mác).
Trong khu rừng cạnh làng, mọi sự đã được chuẩn bị trang trọng để đón tiếp xứng đáng Hoàng trưởng tử của Hoàng đế Da trắng. khi những dân quê đáng thương được tin cuộc viếng thăm khu rừng rậm của họ bị bãi bỏ vì thiếu thời gian, họ rất phiền não và liền cắt cử mấy vị sư sãi (chùa Bà Loa) cùng vài ba trưởng lão đến chiêm bái Sứ giả của Đại đế phương Bắc (xứ sở thần diệu của “Hắc hổ”) người chỉ vừa mới tham quan đất Ấn Độ thiêng liêng đối với mọi Phật tử.
Các đại biểu bản xứ đến cùng với viên chức cai quản họ (administrateur des affaires indigenes) là ô.Outrey, một thanh niên khả ái. Họ đem đến hai chú báo, một cái ngai nhỏ sơn son thiếp vàng (ngai long), với hai tay trạm rồng cũng thiếp vàng (ngai vàng như vậy thường dành riêng cho bát vị tinh tú trong các đền miếu An Nam) và một tượng thờ to tướng và dị dạng kinh khủng – đó là Thần săn bắt bằng gỗ: mình đầy lông lá, lưng còng, quanh mình quấn những bộ lông thú, một chân voi, một chân tê giác, các bàn chân tua tủa móng vuốt, bộ mặt gớm giếc quét sơn lòe loẹt, với đôi sừng quái đản trên đỉnh đầu, miệng đỏ lòm nhe đầy nanh với hai nanh dài. Quái vật đó một biểu tượng cho sự xấu xí cùng trí tưởng tượng điên khùng, đứng chống cây giáo to đùng. Dưới bộ áo lông thú lò ra cái đuôi với một bông hoa gắn nơi chót.
Mấy người bản xứ đến chiến hạm chào mừng cũng khá kì thú. Trên đầu các vị sư mà ở xứ Côsanhsin người ta gọi là “lục sáng” đội một cái mũ, mình khoác áo cà sa màu vàng thêu hoa văn, khác hẳn người bên lương, tay áo lung thùng không cài khuyết. Mấy bô lão đi theo các vị sư sãi (trong phạm vi Đông Dương đạo Phật mạnh hơn đạo Khổng và đạo lão) sung kính nhìn Đại công tước bước ra tiếp họ. Buổi tiếp đãi diễn ra tại boong hạm tầu, với sự hiện diện của tất cả sĩ quan và đội thủy thủ.
Tuân theo phong tục cẩn trọng lưu truyền từ cổ xưa, người dân bản xứ quỳ lạy bốn lần trước Điện hạ Hoàng thái tử: chắp tay đưa ngang trán, từ từ quỳ gối rồi trịnh trọng đứng dậy, nghiêm trang thực hiện lễ “quỳ lạy” theo đúng nghi thức phương Đông (Đức Tối thượng An Nam cũng lễ Thượng đế đúng như vậy).
Những người đến chào mừng đều nhuộm răng đen y hệt dân thường mà chúng tôi gặp ở mọi nơi sau Xinhgapo. Răng người An Nam đen không phải vì ăn trầu mà là nhờ một thứ thuốc đặc biệt, dùng trước hết vì vẻ đẹp (“ta có phải là chó đâu mà nhe bộ răng trắng nhởn ra”- họ bảo thế), và sau là để giữ răng khỏi hỏng. Họ ngậm một thứ thuốc sắc có vị chua cùng với mật ong, rồi tống đầy mồm một vốc lá chuối để luồng không khí khỏi cản trở quá trình nhuộm răng và củng cố hàm.
Những gương mặt các vị sư rõ ràng chứng tỏ tính từ bi trong đạo của họ. Họ không biết đến sự cuồng tín: một số trang đẫm máu trong quá khứ của đất nước họ một phần là do các phần tử hồi giáo Malaixia gây ra. Tăng lữ Phật giáo tự nó không hề công kích đạo Thiên chúa. Mọi sự đày đọa Công giáo đều xuất phát trực tiếp từ phía triều đình, do mối nghi ngại đối với các nhà truyền giáo đáng ngờ theo thương thuyền đến đây từ phương Tây phản trắc. Cả ở Xiêm, lẫn ở đây các tín đồ của đức Phật bị nghiêm cấm (bằng những hình phạt nặng nề) ngoa ngôn về đạo “Tây dương” xa lạ và gây hoang mang cho tín đồ của mình.
Sau khi ân thưởng hậu hĩ những người dân An Nam, Hoàng thái tử dẫn họ rời chiến hạm”Azôv”.
Trước khi chúng tôi rời khỏi xứ sở, ngài thư kí Thống đốc Fourés chu đáo cung cấp cho tôi những tài liệu, sách vở cần thiết về lãnh địa của Pháp tại phương trời này. Trong cả núi tài liệu ấy, phần có giá trị nhất là những công trình khảo cổ học cho biết nhiều về các mặt sinh hoạt nghệ thuật và tôn giáo của xứ sở, vào thời các thần Siva và Visnu còn ngự trị ở nơi đây. Dưới thời các vua còn theo đạo Bà La Môn, người Trung Hoa và Nhật bản đã mấy lần xâm lăng miền Bắc Đông Dương. Sử sách chép rằng những cánh tay thần diệu của các Đại vương đất này rực lửa tựa mặt trời, từng thiêu cháy quân Tần, song có lẽ bản thân họ par wxellence (đa phần) cũng xuất thân từ đám dân đảo cháy đó. Tìm tòi trong mớ bòng bong tài liệu về cái thời đại xa xôi đầy ý ngĩa ấy quả là một nhiệm vụ hứng thú trong một tương lai không xa.
Bốn giờ sáng. Chúng tôi rời Sài Gòn. Tầm mắt lướt chậm rãi trên một Paris thu nhỏ- Paris Đông Dương, nơi chỉ trong một thời gian ngắn ngủi mà chúng tôi đã được thấy biết bao lòng hiếu khách và tình cảm thân thiện. Trên bến (phía bên trái chúng tôi) tụ tập từng đám đông người đến chia tay với hạm đội đang chuẩn bị ra khơi. Toàn bộ thành phố, trước kia cũng như bây giờ, trải ra trên bờ phải: phía đối diện, dưới triều Gia Long là địa bàn của “Xóm-tầu-ô”, tức khu “thuyền đen”, nơi cư trú của bọn cướp biển người Trung Hoa làm lính đánh thuê, bảo vệ xứ Côsanhsin từ phía biển. Giờ đây nơi đó hầu như không thấy có nhà cửa.
Mấy con thuyền (tam bản) cắt ngang đường chúng tôi, vội vã bơi vào bờ. Những cánh tay phụ nữ nhỏ nhắn đeo vòng, hoặc bằng một thứ hổ phách tồi tàn hoặc bằng than đá, hối hả đưa mái chèo. Dưới vành khăn vải thô và chiếc nón lá lấp ló những khuôn mặt dẹt, cặp mắt trắng đục, của những người đàn ông da dẻ xạm nắng, môi đỏ mọng vì luôn miệng nhai trầu. Họ mặc áo vải sơn, cổ vắt chéo.
Một điều đặc biệt ngạc nhiên ở đám đông này là họ mê thích cầm ô: cách đây chưa bao lâu đó là dấu hiệu và đặc quyền của giới quyền quý, nay thì ai ai cũng được tự tiện sử dụng, một điều khiến đám dân thường chất phác rất hài lòng. Nói chung (cũng như đa số dân Á đông chưa va chạm bao giờ với văn minh Tây Âu) họ ngây thơ như con trẻ, với một thế giới quan thực đáng yêu. Trong tiếng nhạc quốc ca Nga vang lừng “Azôv” lướt ngang qua chiến hạm hộ tống “Triomphante”. Lá quốc kì Pháp vút lên trên đỉnh cột buồm tuần dương hạm Nga và từ boong hạm tầu vang lên nhạc điệu marseillaise đáp lễ. Tạm biệt nhé, Sài Gòn!


Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

TIẾNG PHÁP TRONG GIÁO DỤC VIỆT NAM


Nguyễn Duy Bình 
Báo Tia Sáng 

Là một trong những ngôn ngữ được nhiều người nói nhất trên thế giới, được nhiều người ngợi ca là ngôn ngữ của văn hóa, tiếng Pháp đang có nguy cơ biến mất trong các chương trình đào tạo ở phổ thông cũng như ở các trường đại học. Đó là một thực tế đáng buồn và gần như không thể cưỡng lại trước sự thống trị gần như tuyệt đối của tiếng Anh. Thực tế này phản ánh phần nào sự khủng hoảng của văn hóa, của các bộ môn xã hội – nhân văn, và suy cho cùng, đó cũng là sự khủng hoảng của cả hệ thống giáo dục.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của Pháp ngữ trong việc làm giàu tiếng Việt và văn hóa Việt. Sự tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ đã mang lại cho tiếng Việt một sự rõ ràng, chính xác và logic nhất định. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định điều này, trong đó có Phạm Quỳnh, Phan Ngọc. Năm 1937, Phạm Quỳnh viết: “Cách đây khoảng chừng mười lăm năm, ngôn ngữ của chúng ta còn diễn đạt suy nghĩ trừu tượng một cách vụng về. Bây giờ tiếng Việt đã trở nên uyển chuyển hơn. Tôi không tự mãn đến mức tin rằng được như thế là nhờ công của riêng tôi, nhưng tôi đã đóng góp rất nhiều và điều này nhờ vào hiểu biết của tôi về ngôn ngữ và văn học Pháp.”i Còn giáo sư Phan Ngọc thì nhận định: “Con đường tiếng Việt đã trải qua là sao phỏng ngữ pháp châu Âu, mà trước hết là sao phỏng ngữ pháp của Pháp.”i Ngày nay, học tiếng Pháp cũng là một cách để hiểu tiếng Việt, để học tiếng Việt. Ngoài ra, tiếng Pháp là ngôn ngữ nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội nhân văn. “Tiếng Pháp là ngôn ngữ nhân văn”, Rivarol viết. Pháp vẫn được đánh giá là một trong những nước phát triển nhất trong nghiên cứu nhân học, xã hội học, triết học, ngôn ngữ học, dân tộc học... Để hiểu Bourdieu, Foucault, Lévi-Strauss..., các nhà nghiên cứu nên có khả năng đọc các tài liệu trong nguyên bản tiếng Pháp. Hầu hết các tri thức lớn của Việt Nam đều biết tiếng Pháp….
Mặc dù thế, ở nhiều trường phổ thông, cao đẳng và đại học ở nước ta, tiếng Pháp gần như vắng bóng và tình trạng này càng ngày càng tồi tệ bởi thí sinh thi đại học ngày càng “kén” tiếng Pháp. Và khi vào đại học, hoặc lên học sau đại học, tiếng Anh vẫn luôn là một lựa chọn hàng đầu, nhiều khi mặc định. Theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, sinh viên chuyên ngữ được đào tạo tiếng Anh chiếm tỉ lệ 85%. Sinh viên tiếng Pháp chỉ chiếm 5,6%! Có nhiều người giải thích sở dĩ như vậy là do cơ hội việc làm mà ngôn ngữ này mang lại là không nhiều. Nhưng theo thiển ý của tôi, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn có những lý do khác sâu xa hơn. Thứ nhất, nền giáo dục chúng ta chưa thực sự chú trọng đến sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ trong các chương trình đào tạo. Thậm chí trong đề án 60 tỷ nói trên, khái niệm “đa dạng ngôn ngữ” hay đại loại như thế không hề được nhắc tới. Có nhiều người, thậm chí nhiều nhà quản lý đánh đồng ngoại ngữ với tiếng Anh, cứ nói đến ngoại ngữ là chỉ nghĩ đến tiếng Anh. Thứ hai, chúng ta chưa làm chưa tốt khâu định hướng cho học sinh và sinh viên. Có nhiều học sinh chọn tiếng Anh theo phong trào chứ chưa xuất phát từ nhu cầu phát triển của chính mình và định hướng nghề nghiệp. Sinh viên chọn học ngoại ngữ cũng thế. Chúng ta biết là số lượng tài liệu lịch sử Việt Nam giai đoạn Pháp thuộc bằng tiếng Pháp là rất nhiều, hiện đang được lưu trữ ở CAOM (Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại) của Pháp và các trung tâm lưu trữ, thư viện ở Việt Nam. Thế nhưng sinh viên khoa sử chỉ chọn ngoại ngữ là tiếng Anh. Còn sinh viên học văn học phương Tây lại đọc sai cả những cái tên của Rimbaud, Verlaine, Hugo, Balzac! Thứ ba, điều này cũng do sự lâm nguy của các khoa học nhân văn ở Việt Nam, vấn đề mà gần đây báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực. Lối sống thực dụng, lối học thực dụng, lối nghĩ thực dụng đã đưa đẩy các bạn trẻ đi đến chọn học tiếng Anh mà bỏ quên các thứ tiếng khác cũng không kém phần quan trọng là tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức v.v... Cuối cùng, có thể kể đến sự thiếu nhất quán trong (các) chính sách ngôn ngữ, ngoại ngữ của chúng ta: thời thì quá chú trọng tiếng Nga, thời thì quá chú trọng tiếng Pháp, thời thì quá chú trọng tiếng Anh... Sự thiếu triết lý giáo dục đã thực sự kéo theo sự thiếu triết lý ngôn ngữ: sự phát triển không đều của các chuyên ngành đào tạo đã kéo theo sự mất cân bằng giữa các ngoại ngữ. Trong khi ở Pháp, các trường đại học lớn hầu hết có giảng dạy tiếng Việt thì ở Việt Nam, có nhiều trường đại học lớn không giảng dạy tiếng Pháp. Ở Trường Đại học Nantes của Pháp, có một dự án đang được triển khai tên là “MoDiMes” (Nhập môn các ngôn ngữ ít người nói và ít được giảng dạy). Dự án do Hội đồng vùng Pays de la Loire tài trợ này nhằm giảng dạy miễn phí các ngôn ngữ ít được người biết đến cho cán bộ và sinh viên trường. Trong số 6 ngôn ngữ được chọn có .... tiếng Việt của chúng ta. Nếu như trường đại học nào ở Việt Nam cũng có một dự án tương tự thì sinh viên tiếng Pháp chuyên ngữ không sợ thất nghiệp, các giảng viên tiếng Pháp không phải “bẻ tay lái”. Đó là chưa kể có bao nhiêu cơ hội việc làm có sử dụng tiếng Pháp mà chúng ta chưa biết tạo ra trong các lĩnh vực nghiên cứu, báo chí, xuất bản v.v...
Chủ trương của chúng ta về hội nhập, về đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế chỉ được cụ thể hóa, giáo dục đại học Việt Nam chỉ có thể phát triển nếu như các nhà quản lý quan tâm đúng mức đến sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ mà chúng tôi đã nhắc ở trên. Anatole France có viết: “Ngôn ngữ Pháp là một người phụ nữ. Người phụ nữ này đẹp, kiêu kỳ, khiêm nhường, mạnh bạo, gợi cảm, quyến rũ, trong trắng, cao sang, thân thiện, điên rồ, khôn ngoan đến nỗi ai cũng yêu nàng với tất cả tâm hồn và không ai có ý đồ không chung thủy với nàng.”ii Nhìn lại những đóng góp của tiếng Pháp cho văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, chúng tôi thấy việc người Việt Nam quay lưng với tiếng Pháp như một sự không chung thủy, không chung thủy với tiếng Pháp và không chung thủy với chính mình. Rivarol viết: “Tất cả những gì không rõ ràng thì không phải tiếng Pháp.”i Chúng tôi xin viết lại: Tất cả những chương trình đào tạo đại học không tiếng Pháp là không rõ ràng.
----------
i Phạm Quỳnh, Essais franco-annamites, NXB Bùi Huy Tín, Huế, 1937. Tr. 203.
i Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn học,  Hà Nội, 2002. Tr. 483
ii Les Matinées de la Villa Saïd, Bernard Grasset, 1921.  Tr. 174.
i “Discours de  l’universalité de la langue française”, Oeuvres, Paris, Didier, 1852. Tr. 111.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

TÂN ĐẠI SỨ MỸ "CHẠM THẦN KINH" QUAN CHỨC TQ




Nguyên Hải
Báo Tia Sáng 

Ông Gary Locke, tân Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, đã tạo ra cơn sốt trong dư luận đất nước có 1,3 tỷ dân này ngay từ hôm ông tới sân bay Bắc Kinh về cách hành xử của ông. Họ ngạc nhiên rồi chân thành ca ngợi ông hết lời, và nhân dịp này họ so sánh ông với các quan chức nước mình khiến ông ngạc nhiên và giới quan chức Trung Quốc khó chịu.
Vì sao có chuyện như vậy?
Hôm 13/8, Gary Locke, một người gốc Hoa 100% đem theo vợ con đến Bắc Kinh nhậm chức. Trang mạng Chính Nghĩa hôm ấy đưa tin: Khi ông ra khỏi sân bay, người ta thấy vợ chồng ông cùng 3 người con, trừ cô út 6 tuổi ra, tất cả đều khệ nệ tay xách nách mang hành lý, chẳng thấy nhân viên nào xách giúp. Tới bãi đỗ xe, ông dẫn cả nhà lên chiếc xe 7 chỗ, chứ không lên chiếc xe con có cắm cờ Mỹ dành riêng cho Đại sứ.
Dăm ngày sau, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức đến thăm Trung Quốc. Trưa hôm 18/8, sau khi hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc xong, ông Biden cùng cô cháu gái được Đại sứ Gary Locke dẫn đến ăn trưa tại một cửa hàng ngoài phố. Ông Biden từ chối lời mời vào phòng ăn riêng mà ngồi lẫn với các thực khách Trung Quốc tại phòng lớn. 5 vị khách Mỹ gọi 5 bát mỳ (45 Nhân dân tệ, 1 NDT đổi hơn 0,15 USD hoặc hơn 3.000 VNĐ), 10 bánh bao (10 NDT), một đĩa dưa chuột (6 NDT), 1 đĩa sơn dược trộn đường (8 NDT), 1 đĩa khoai tây chiên (6 NDT) và 2 chai Coca-cola (4 NDT), tất cả hết 79 NDT. Họ vừa ăn vừa thoải mái trò chuyện với các thực khách người Trung Quốc ngồi gần. Ăn xong, ông Biden rút ví lấy tờ 100 NDT (300.000 VNĐ) trả ông chủ, và không lấy tiền thừa, coi đó là tiền thưởng theo thói quen của người Mỹ. Ông còn xin lỗi các thực khách Trung Quốc và xin lỗi chủ cửa hàng là đã làm phiền họ (vì khiến nhiều người qua đường tò mò xúm vào xem).
Một số người Trung Quốc đã lấy điện thoại di động ra chụp ảnh cảnh bữa ăn và tung ảnh kèm thực đơn lên mạng. Lập tức hàng chục nghìn người truy cập tin này và tiếp tay truyền đi. Người ta đua nhau bình luận và không quên liên hệ với thói quan dạng, kênh kiệu, xa hoa lãng phí của các quan chức nước mình.
Phản ứng của giới chức Trung Quốc
Sự việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc tham gia dàn hợp xướng ca ngợi tác phong “giản dị, liêm khiết, gần dân” của vị Đại sứ Mỹ, đồng thời chê trách giới quan chức bản xứ đã làm cho không ít vị khó chịu tới giận dữ. Và khi không chịu được nữa, giới quan chức đã lên tiếng trên hai tờ báo lớn.
Ba ngày sau khi Gary Locke đến Bắc Kinh, bản điện tử Quang Minh Nhật Báo (báo lớn thứ hai ở nước này) hôm 16/8 đăng bài Cảnh giác với chủ nghĩa thực dân mới do Gary Locke đem lại. Bài báo gọi tác phong thanh liêm của Locke là “chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ”, và tỏ ý e ngại quan chức Mỹ sẽ “cướp mất” lòng dân Trung Quốc, lên án Mỹ có dụng ý bỉ ổi “lấy người Hoa trị người Hoa”, kích động sự rối loạn chính trị ở Trung Quốc. Nhưng cuối cùng bài báo lại than thở: “Nếu Đảng CSTQ không thể chủ động tự giác diệt trừ vi-rút quan liêu để giữ cho mình khỏe mạnh, thế thì chẳng khác gì để Gary Locke cướp mất lòng dân ta!”
Thời báo Hoàn Cầu (phụ trương của Nhân dân Nhật báo) ngày 22/9 đăng xã luận dưới tít Mong Gary Locke làm tốt (nhiệm vụ) Đại sứ  ở Trung Quốc, cảnh cáo không chút khách sáo: “Sự quan tâm mà Gary Locke nhận được (từ dư luận Trung Quốc) đã vượt xa vai trò một Đại sứ nên có”, chỉ trích ông dùng cách trình diễn bộ mặt liêm khiết để can thiệp dư luận Trung Quốc, làm tăng sự hiểu lầm và nghi ngờ giữa hai nước. Tác giả nhắc nhở: cái giá bảo đảm an ninh cho Phó Tổng thống Mỹ Biden ăn bữa mỳ ở một quán ăn đầu đường xó chợ Bắc Kinh còn cao hơn nhiều lần khi ông chén các món sơn hào hải vị trong nhà khách chính phủ. Bài báo còn răn dạy các cơ quan truyền thông Trung Quốc “nên có thái độ tự trọng” khi đưa tin về sự liêm khiết của Gary Locke.
Dư luận xã hội
Có điều không ngờ là hai bài báo trên đã gây phản tác dụng tai hại. Dư luận nước này nhao nhao hỏi: Vì sao tác phong của quan chức Mỹ lại “chạm thần kinh” quan chức Trung Quốc?
Một nhà báo viết: Phó Tổng thống cùng Đại sứ người ta cả đoàn 5 người ăn bữa trưa hết có 79 NDT, trong lúc mấy vị “đày tớ dân” cỡ tép riu của Hội Hồng Thập Tự chúng ta nhậu một bữa trưa hết hơn chục nghìn NDT thì được coi là chuyện bình thường. Thử hỏi ai sai ai đúng mà Thời báo Hoàn Cầu đổi trắng thay đen viết bài như vậy? Khó lắm mới có một vị Đại sứ huyết thống Trung Quốc đến nước ta, lại có tác phong liêm khiết như thế, điều đó đáng quý lắm chứ, cớ sao chúng tôi không xúc động?
Một luật sư Bắc Kinh nói bài xã luận ấy phản ánh lối tư duy của quan trường Trung Quốc. Tác phong bình dân của Gary Locke vốn dĩ là chuyện cực kỳ bình thường ở nước Mỹ, nhưng ở Trung Quốc lại trở thành lạc loài (ling lei). “Quan chức chính phủ Mỹ hoặc Trung Quốc đều sống bằng tiền đóng thuế của dân, lẽ ra phải gần dân, phải bình dân hóa chứ” – ông này nói. Trong cuộc họp báo hôm 13/9 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (họp ở Đại Liên, Trung Quốc), Gary Locke cũng nói đi máy bay hạng ghế phổ thông là quy chế chung từ năm 2010 của quan chức Mỹ, kể cả thành viên chính phủ.      
Trước sức ép dư luận, bài viết trên mạng Quang Minh Nhật Báo đăng được vài hôm đã phải gỡ xuống.
Nhân dịp này truyền thông Trung Quốc moi móc ra lắm chuyện kỳ quặc về tác phong của quan chức nước này.
Tạp chí Tân Thế kỷ đưa tin một huyện nghèo ở tỉnh Hồ Bắc bỏ ra 800.000 NDT (120.000 USD hoặc 2,4 tỷ VNĐ) để thết đãi mấy quan chức cấp tỉnh về huyện làm việc 20 ngày. Một người kể: một quan chức cấp Sở tỉnh Tứ Xuyên đến thăm nơi xảy động đất ở huyện Vấn Xuyên, trước khi đến cảnh sát phải dọn sạch hiện trường!
Mạng Đông Phương cho biết mới đây Cục Kiểm toán thành phố Hải Môn cử 24 cán bộ tiếp 15 quan chức Tứ Xuyên đến công tác 2 ngày 2 đêm, thời gian làm việc hết có 4 tiếng đồng hồ, còn lại là ăn nhậu, chơi bời, quà cáp, tốn hơn 100.000 NDT (300 triệu VNĐ).
Báo chí nước ngoài cũng lấy làm lạ trước phản ứng của dân Trung Quốc đối với tác phong sinh hoạt của Gary Locke. Báo The Christian Science Monitor đăng bài dưới tít Vì sao người Trung Quốc say mê Đại sứ Mỹ Gary Locke như vậy? (Why China seems so fascinated by US Ambassador Gary Locke?) Bài báo cho biết Tuần báo Kinh tế Trung Quốc đưa tin ông Gary Locke cùng gia đình xếp hàng như mọi người khác, chờ hơn 1 giờ để lên xe cáp treo thăm Vạn Lý Trường Thành mà không đòi hỏi ưu đãi nào. Và nhà bình luận của báo này nói công chúng Trung Quốc say sưa bàn chuyện ấy chủ yếu vì vị Đại sứ này tuy có khuôn mặt người Trung Quốc nhưng cách hành xử lại rất “không Trung Quốc”. Bài báo viết: Tại Trung Quốc, nơi dân chúng bức xúc vì “quan chức tham nhũng thành bệnh kinh niên”, hành vi khiêm nhường giống hệt một người bình thường của Gary Locke như làn gió mát giúp ông khi vừa tới Bắc Kinh đã được công chúng khen ngợi.
Dù ai nói gì đi nữa, Gary Locke với diện mạo một người Hoa chính cống, da vàng, tóc đen, mắt đen đã trở thành vị Đại sứ Mỹ thành công nhất ở Trung Quốc. Hình ảnh Gary Locke vai đeo ba lô, tay xách túi laptop, điện thoại di động giắt ngoài quần, dùng phiếu mua hàng giảm giá xếp hàng mua cà phê đã làm dân Trung Quốc hả hê khoái chí ca ngợi, tạo ra cơn sốt dư luận chưa từng thấy.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS: RỰC CHÁY KIẾN TRÚC GOTHIC




Duyên Anh (Tổng hợp)
Theo Bee.net

Gothic là một phong cách kiến trúc bắt nguồn từ châu Âu, chủ yếu là Pháp, khoảng thế kỷ thứ 12, nên được gọi là kiến trúc kiểu Pháp. Ban đầu, Gothic gắn liền với thiết kế các nhà thờ, với vẻ bí ẩn và lạ lẫm, nên còn gắn liền với khái niệm "man rợ và kinh dị".
Tên gọi Gothic chỉ xuất hiện khi châu Âu bước vào phong trào cải cách, khoảng thế kỷ 16. Đến thế kỷ 18, thì phong cách kiến trúc này bắt đầu phát triển mạnh ở châu lục này, mở rộng hơn vào đầu thế kỷ 19 và tiếp tục được áp dụng khi thiết kế các trường đại học, đầu thế kỷ 20.
Đặc điểm tiêu biểu nhất của kiến trúc Gothic là mái vòm và đầu nhọn. Phong cách này nhấn mạnh vào những hình khối theo chiều thẳng đứng, và tập trung vào những hệ cột mảnh, trần cao mở rộng với sự kết hợp của những vật liệu như kính. Nhờ kiến trúc mái vòng cung và có đầu nhọn, cộng với hệ thống cửa sổ kính rộng nên những ngôi nhà theo kiến trúc này có nhiều ánh sáng.
 Đặc điểm của kiến trúc Gothic:
Ta có thể nhận biết kiến trúc Gothic bằng những đặc điểm chính sau đây:
 - Thường có chiều cao lớn từ 38-42 mét, riêng tháp lấy ánh sáng cao đến 60m, cửa sổ kính màu ở mặt đứng có thể lớn tới 8-12 mét.
- Công trình mở nhiều cửa sổ rộng, bên trong công trình tràn ngập ánh sáng.
- Các cửa sổ Hoa Hồng rất lớn và giàu tính trang trí, thường đặt ở đầu hồi cánh Nam và Bắc.
- Các tác phẩm điêu khắc kiến trúc cũng như kính màu được sử dụng rộng rãi.
- Kiểu mặt bằng cơ bản là kiểu mặt bằng chữ thập Latinh, mặt đứng ở phía Tây có cửa vào được trang trí lộng lẫy nhất; ở phần Hậu cung phía Đông thường có những gian thờ nửa đường tròn.
- Hình thức bên ngoài phản ánh trung thực hình thức kết cấu bên trong.
- Công trình cao lớn, đồ sộ và các bộ phận chi tiết kiến trúc vượt quá sự phù hợp với tỷ xích của con người.
- Cảm giác về chiều cao của nhà thờ Gothic là do chiều cao thật của nó quyết định và một phần nữa là do ảo giác quyết định, ảo giác này là do cột cuốn, gờ sống và vòm trần gây nên.
Nhà thờ Gothic có chiều cao lớn từ 38-42 mét, riêng tháp lấy ánh sáng cao đến 60m, cửa sổ kính màu ở mặt đứng có thể lớn tới 8-12 mét.
 Mặt đứng phía Tây (mặt chính) của kiến trúc nhà thờ Gothic tuân theo những chế định nhất định, từ dưới lên trên được chia làm ba phần (ba tầng): phần dưới cùng là cửa, thường có ba hốc cửa rất sâu (chiều sâu của hốc có thể chiếm hẳn một bước nhà);
Phần giữa ở chính giữa cửa sổ tròn to bằng kính màu được tô điểm như những bông hoa hồng; phần trên cùng là hành lang và hai tháp chuông.
  Kết cấu nhà thờ Gothic là một trong những sáng tạo đặc biệt nhất, tạo cho kiến trúc nhà thờ những ưu việt và vẻ đẹp đặc biệt, mà trước đó các hệ thống kết cấu, kể cả những nền kiến trúc phát triển cao như La Mã cổ đại, chưa đạt được.
 Hệ thống kết cấu nhà thờ Gothic là một hề thống không gian lớn, dùng khung chịu lực, tách biệt rõ rệt giữa kết cấu chịu lực và kết cấu ngăn cách; với những thành phần chính tính từ đổ mái xuống là: vòm mái hình múi có sống, cuộn nhọn, cột và cuộn bay. Hệ thống đã tạo cho kiến trúc những không gian mệnh mông, khoáng đạt và một khung cảnh nội thất nhẹ nhàng, tràn ngập ánh sáng.
 Trong các công trình kiến trúc Gothic, khi xây dựng vòm mái bằng hình chữ nhật,thông thường người ta gặp mái cong hai chiều rất phức tạp, như vậy khi mặt chiếu bằng của nó là hình chữ nhật, chiều cao của cuốn vẫn bằng nhau, nên xử lý kiến trúc vòm có múi đơn giản hơn rất nhiều.
 Hệ thống kết cấu của vòm Gothic không còn có một gắn bó nào với kết cấu của kiến trúc La Mã cổ đại, tính chất cách tân của kiến trúc Gothic có được là nhờ những cuộn nhọn (đến từ kiến trúc phía Đông, mái vòm có bốn cuộn nhọn có múi đỡ). Vòm mái hình múi có sống trong kiến trúc mái nhà thờ Gothic chia ra làm các loại:
 - Vòm có sống bốn mũi có hình chiếu mặt bằng hình chữ nhật.
- Vòm có sống sáu mũi có hình chiếu hình chữ nhật.
- Vòm có nhiều sống và nhiều múi hình sao có mặt chiếu hình chữ nhật (loại vòm mái phức tạp này là sản phẩm của kiến trúc Gothic hậu kỳ).
Bốn chân vòm của kiến trúc truyền tải xuống cột và một phần của tải trọng xuống cuốn bay.
Cuốn bay là một thành phần quan trọng của hệ thống kết cấu nhà thờ Gothic, chia xẻ với cột tải trọng của vòm, làm giảm tiết diện của cột kiến cho công trình có thể mở cửa sổ lớn được và làm cho đường nét kiến trúc thêm thanh thoát.
Cuốn bay (Flying buttess) bao gồm những cái cuốn nghiêng trong không trung và những bệ cột đứng, là một sáng tạo lớn khác cho kiến trúc Gothic. Cuốn bay, cũng giống như những cột bổ trụ, được xây dựng dùng để đỡ những lực đạp ở mặt bên, nhưng vì cấu tạo thì khác xa cột bổ trụ. Cuốn bay cũng góp phần làm cho gắn bó hơn mối liên kết giữa nhịp lớn ở giữa và nhịp biên, khiến cho kích thước cột của hai bộ phận này giảm nhỏ.
 Hệ thống kết cấu nhà thờ Gothic đưa đến kết quả là tiết kiệm được nhiều vật liệu cho vòm, chiều dày của vòm chỉ còn khoảng 25-30cm, vòm mái hình múi có sống còn hợp được nhiều loại mặt bằng khác nhau, chẳng hạn trong trường hợp mặt bằng hình dáng phức tạp như đàn tế nhà thờ Saint Denis.
 Nhà thờ Đức Bà Paris: Tiêu biểu cho phong cách Gothic "rực cháy":
 Nhà thờ Đức Bà Paris (tiếng Pháp: Cathédrale Notre-Dame de Paris) là một nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothique trên đảo Île de la Cité (nằm giữa dòng sông Seine) của Paris. Đây cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris.
  Nhà thờ Đức Bà Paris là một kiệt tác về kiến trúc cổ ngay ở trung tâm Paris và cũng nằm trong tim của người dân Paris. Nhà thờ đã biến thành một huyền thoại sống mà người ta không ngừng khám phá trở lại những khía cạnh mới qua những thời gian và không gian khác nhau. Đây là cội nguồn của biến đổi sự hứng khởi cho họa sĩ cũng như văn thi sĩ. Nhà thờ xây lại trên dấu vết của một nhà thờ cũ nhỏ, được xây bởi vua Clovic để giữ lời nguyện với Đức mẹ khi đứa con trai tên là Childebert khỏi bệnh.
 Nhà thờ Đức Bà Paris đã tham gia vào nhiều thăng trầm cũng như biến động lịch sử của kinh đô ánh sáng. Trước tiên nơi đây là một cái đền gallo-romain (cấu trúc giữa Pháp cổ và La Mã) sau đó biến thành đền basilique chrétienne (đền công giáo) sau cùng biến thành một nhà thờ có lối cấu trúc theo kiểu la tinh. Ba lần thay đổi chưa yên và lần thứ tư là Nhà thờ Đức Bà Paris ngày nay, do ông Maurice De Sully đứng trông nom với sự hợp tác hai kiến trúc sư Jean de Chelles và Pierre Montreuil. Bắt đầu xây cất năm 1163 chấm dứt năm 1300 (công trình xây cất Nhà thờ Đức Bà Paris 137 năm) Có chiều dài 130, chiều ngang 48 thước, chiều cao 35 thước, có thể chứa được 6.500 người.
 Nhà thờ Đức Bà Paris là nhà thờ lớn cuối cùng có những đường nét cũng như ý kiến cấu trúc mới so với thời đại đó. Chẳng hạn như những vòng cung đá tỏa ra nhìn xa xa như những giải lụa đẹp mắt và để kéo dài tuổi thọ của nhà thờ, nước mưa hứng từ những máng xối, được chảy qua trong miệng các hình làm bằng tượng chung quanh, để phun nước ra xa chân tường (khỏi bị hư hại nền móng dưới chân tường với thời gian).
 Phía mặt tiền nhà thờ có một cấu trúc thăng bằng và uy nghi. Ba cửa lớn không bằng nhau, cửa giữa cao nhất và rộng hơn hai cửa kia. Vào thời trung cổ người ta thường dùng sự mất cân đối này để giảm sự đơn điệu buồn tẻ của những mặt tiền lớn. Những cửa sắt lớn có những tượng nổi lên một nền vàng tượng trưng cho quyển thánh kinh bằng đá. Sáu cánh cửa lớn được trang trí bằng những cốt sắt uốn nắn tuyệt đẹp và những hình tượng các thánh điêu khắc trên cạnh những vòm cong.
Bên trong, ngay tại giữa thánh đường, hai hàng cột với vòm trần trên cao, tượng trưng cho lối kiến trúc Pháp vào thế kỷ 13: đường nét thanh thoát nhưng táo bạo với những chạm trổ tinh vi. Để soi sáng phía trong nhà thờ người ta làm rộng những cửa sổ. Đỡ những tháp là những trụ đường kính lên đến 1,6m. Những vụ tu bổ đòi hỏi rất nhiều công phu theo cách làm hồi xa xưa và cây đàn orgue được cấu tạo bởi 7800 ống đồng, kích thước khác nhau, phát ra một thứ âm vang ngân xa trầm bổng, làm dịu lại lòng người.
 Trên khung cửa lớn ở ngòai mặt tiền nhà thờ, có một hàng 28 bức tượng hiện thân của những vua Juda và Do Thái. Năm 1793 nhóm cách mạng lâm thời lật đổ vương quyền, họ tưởng những tượng đá trên là biểu tượng của vua chúa Pháp, nên ra lệnh đem xuống chặt đầu trước sân nhà thờ và đập phá một số tượng khác nữa. Sau đó ông Viollet le Duc sửa chữa lại một số hư hại về kiến trúc cũng như một số tượng và người ta không khỏi ngạc nhiên khi một số tượng bằng đồng có khuôn mặt na ná giống ông. Không lẽ đem những hình tượng có khuôn mặt giống ông nấu ra đúc lại, nên người ta vẫn để nguyên. Xét cho cùng thì chuyện này cũng vô thưởng vô phạt vì hình tượng đã đạt được những mỹ thuật cố hữu của nó.
 Sự trùng tu gặp rất nhiều thuận lợi nhờ sự thành công của cuốn tiểu thuyết tình cảm Notre-Dame de Paris của đại văn hào Victor Hugo. Phía trên cửa giữa nhà thờ, có một cửa sổ tròn bằng kính được ghép đủ màu sắc như một hào quang cho tượng Đức mẹ và chúa hài đồng, hai bên có hai thiên thần canh gác, có đường kính 10m và là cửa sổ lớn nhất mà người ta dám nghĩ và làm vào thời đó. Hai bên cửa sổ tròn bằng kính ở giữa là hai tháp: một tháp nhìn về hướng Bắc, một tháp nhìn về hướng Nam hai tháp này có chiều cao là 69m. Tháp Bắc (bên trái) có 402 bậc thang. Tháp Nam (bên phải) để một cái chuông lớn tên là Emmanuel cân nặng 13.000kg và một cây để rung chuông nặng 500kg.
 Vào thế kỷ 17 chuông cũ được đúc lại, khi đánh lên rất thanh thoát như tiếng nhạc tạo thành âm thanh của nó, lý do là khi nấu đúc lại, chuông mới có chất vàng và bạc trong đồng từ những vật trang sức của những người dân Paris đã tự nguyện đóng góp vì đức tin. Năm 1949 nhà thờ lập lại truyền thống cũ: hàng năm vào tháng Năm mỗi một nhà kim hòan tại Ba Lê sẽ gởi tặng nhà thờ một món quà quí giá về nghệ thuật.
 Ngay trước khi hòan thành Nhà thờ Đức Bà Paris đã có những sự kiện lịch sử và chính trị xảy ra nơi đây. Saint-Louis đã để lại đây một vương miện biểu tượng bằng gai vào năm 1239. Vào năm 1302 ông Phillipe Lebel đã tổ chức long trọng làm lễ giới thiệu quốc hội của vương quốc. Vào năm 1431 Henry VI lên ngôi vua Pháp được làm lễ tại đây. Sau đó nhà thờ tổ chức những vụ tang lễ, hôn nhân cũng như ân xá. Thời xa xưa, đạo giáo có một uy thế rất lớn trong xã hội, nên bất cứ sự kiện gì quan trọng, đều phải có sự thông qua bằng một lễ lớn của nhà thờ, như một hình thức hợp thức hóa. Năm 1455 nhà thờ làm lễ phục hồi thánh chức cho nữ anh hùng dân tộc Jeanne d’Arc và đức Giáo hoàng Pie VII làm lễ lên ngôi cho Napoléon ngày 02/12/1804.
 Cả hàng triệu tín đồ trước đây cũng như bây giờ đi viếng thăm Nhà thờ Đức Bà Paris như một hình thức hành hương. Đến để tìm hiểu và thấm nhuần những nét thiêng liêng của nơi đây trong những âm thanh không rõ nét của thường lệ. Từ lối kiến trúc thời trung cổ có nền văn minh đi trước lối kiến trúc hiện đại ngày nay, Paris hiến cho đời một kiệt tác mà thời gian và những biến cố lịch sử không làm ảnh hưởng gì đến những kiến trúc đó. Cho đến bây giờ, kiến trúc đó vẫn tỏa sáng mà bất cứ ai, thuộc mọi tầng lớp khi ngắm nhìn cũng phải trầm trồ thán phục.