Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

TỪ CẢM HỨNG ĐẾN THỰC HIỆN


Lm. Trăng Thập Tự 


          1. CẢM HỨNG HAY TỨ THƠ
          Cảm hứng hay tứ thơ là những hình ảnh mới lạ, có sức chuyển tải nhiều ý tưởng và tâm tình. Nó chợt đến như một câu thơ đã thành toàn, hoặc như một cụm từ, hoặc chỉ mới là một hình ảnh còn mơ hồ.

Ví dụ 1:

Bài Ngậm Ngùi của Huy Cận đầy hình ảnh, gần như mỗi câu là một hình ảnh:
Một trong những hình ảnh của bài thơ đã xuất hiện đầu tiên, kéo theo những hình ảnh khác đủ để chuyển tải ý và tình của tác giả, và tất cả dệt thành bài thơ. Hình ảnh đầu tiên có thể sẽ nằm ở mở đầu, ở giữa hay ở đoạn kết của bài thơ. Chỉ tác giả mới biết hình ảnh đầu tiên đem lại sức sáng tạo làm nên bài thơ là hình ảnh nào.

Ví dụ 2, 3, 4 - nơi Hàn Mạc Tử:

Trời hỡi bao giờ tôi chết đi…
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả…
Nàng hỡi nàng, muôn năm sầu thảm…


Ví dụ 5: Trăng

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dăm trường…. (Kiều)

Vầng trăng tấm bánh bẻ ra…
Trăng bẻ làm đôi tấm bánh đời… (TTT)

          Vừa có cảm hứng mà đã viết ngay đôi khi cũng làm nên kiệt tác, nhưng thường thì vừa cảm hứng đã viết ngay sẽ rất nghèo và xoàng. Cần phải có thinh lặng. Thinh lặng giúp nảy nở các hình ảnh phụ hoạ cho hình ảnh ban đầu.

          Cảm hứng ban đầu thường cũng giúp ta biết nên dùng thể thơ nào. Nếu chưa rõ, chính sự thinh lặng sẽ chỉ cho ta.

           Bài thơ cũng như bài văn thường bị hỏng vì một trong hai lý do: Hoặc vì thiếu mất điều cần nói, hoặc vì ôm theo những cái rườm rà không cần thiết. Chính sự thinh lặng sẽ giúp ta biết phải thêm điều gì và bỏ điều gì.

          Xin lưu ý: Thinh lặng chứ không phải là suy nghĩ. Suy nghĩ sẽ khiến bài thơ thành một tác phẩm đẽo gọt của người thợ làm thơ chứ không phải của thi sĩ.

          Thinh lặng không phải để suy nghĩ nhưng để thấm thật sâu hình ảnh ban đầu.

           2. THINH LẶNG TRONG CHÚA

          Với thơ đạo, thinh lặng thôi chưa đủ, còn phải thinh lặng trong Chúa.

          Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
          Một mảnh tình riêng Chúa với ta.

           Câu thơ nguyên thuỷ của Bà Huyện Thanh Quan là “Một mảnh tình riêng ta với ta”. Chỉ cần thay một trong hay chữ “ta” bằng chữ “Chúa”, thực tại trở nên khác hẳn, không còn cái ảm đạm, u hoài, phiền muộn, nhưng có một hơi ấm. Chỗ khác nhau giữa con người tự nhiên và con người Kitô hữu là sự hiện diện của Thiên Chúa. Sống hiệp nhất với Thiên Chúa thật giản dị: Chỉ cần nhớ Thiên Chúa đang hiện diện và ngỏ lời với Ngài, cùng suy nghĩ với Ngài về lịch sử, về cuộc sống.

          Trong Thiên Chúa, ta chiêm ngắm điều vừa cảm nhận. Ta có thể gọi đây là tâm nguyện hay chiêm niệm.

          Cần nhớ: Cầu nguyện là để gặp Chúa và sống với Ngài chứ không phải để làm thơ. Cầu nguyện “để làm thơ” có nghĩa là đang chia trí và bài thơ sẽ cạn cợt, chắp vá, què cụt.

           Cứ gặp Thiên Chúa cách vô vị lợi, một lúc nào đó sau khi cầu nguyện, thơ sẽ đến, thật êm đềm.

          3. HẠT GIỐNG ÂM THẦM MỌC

            Dụ ngôn Tin Mừng. 

           Đến một lúc, thơ chín, cả hình ảnh, thể thơ và vần điệu đều đến cho ta cùng một lúc, ta sẽ viết liền một mạch. Nếu bị “bí vần”, hãy cứ để mặc chỗ lạc vần và viết tiếp cho hết bài, đừng dừng lại lâu kẻo tứ thơ bị gián đoạn. Viết xong rồi sẽ đọc lại và chỉnh sửa sau. 

           Khi chỉnh sửa cần chú ý tránh thừa và tránh thiếu: gạch bỏ những ý thừa, câu thừa và từ thừa; sau đó sẽ thấy lộ ra những chỗ còn thiếu. Đây là áp dụng cách ta vẫn làm khi viết văn xuôi. Với bài thơ đã thật sự chín, thường chỉ phải sửa rất ít. 

            Chỉnh lại những từ và những câu chưa chính xác.

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 2

Ø  TIN BAN TU SĨ
          a. Ngày lễ nến 02. 02. 2011, ngày cầu nguyện cho đời sống thánh hiến, nhằm vào ngày cuối năm âm lịch (30 tháng chạp năm 2010). Do đó, việc tổ chức lễ này tùy vào điều kiện ở mỗi tiểu ban tu sĩ của các giáo hạt.
          Được biết, hạt Phú Yên, nhờ sự khích lệ và tạo điều kiện của Cha Hạt Trưởng nên đã tổ chức bữa tiệc tất niên vào chiều 29 tháng chạp cho các tu sĩ trong giáo hạt, gồm những tu sĩ ở lại dịp tết và các tu sĩ nhiều nơi về ăn tết tại quê Phú Yên. Sau đó, có cuộc tọa đàm từ 20g00 đến 22g00. Sáng hôm sau 02. 02. 2011, các tu sĩ đã cùng thắp nến tham dự Thánh Lễ cầu cho đời sống thánh hiến được tổ chức tại nhà thờ Tuy Hòa thật long trọng và sốt sắng.
           b. Theo chương trình định kỳ 6 tháng một lần, vào 8g30 sáng ngày 15. 02. 2011, Ban Điều Hành của Ban Tu Sĩ Giáo Phận đã gặp mặt tại cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Qui Hòa. Lần gặp mặt này chỉ vắng các vị ở hạt Quảng Ngãi vì bận công việc. Sau khi thăm viếng cộng đoàn và cùng nhau đọc kinh giờ trung tại nhà nguyện riêng, Ban Điều Hành đã nhìn lại công việc của các Tu Sĩ trong năm thánh vừa qua. Dựa vào sự hướng dẫn cử hành năm thánh, các Tu Sĩ trong giáo phận năm qua đã nỗ lực cầu nguyện và cử hành tốt đẹp những dịp lễ dành riêng cho giới tu sĩ. Tiếp đến là bàn về một số việc như: chuẩn bị về ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu sắp tới vào dịp lễ Chúa Chiên Lành; thử tìm kiếm giải pháp có hiệu quả cho việc mục vụ ơn gọi. Riêng ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu 15. 05. 2011 sắp tới, giáo xứ nào muốn các em gặp gỡ các tu sĩ và được biết thêm về ơn gọi của các dòng đang hiện diện trong giáo phận, thì xin Cha xứ liên lạc với các Dòng để có kế hoạch cụ thể. Về việc mục vụ ơn gọi, xin quí Cha xứ tổ chức “nhóm tìm hiểu ơn gọi” tại giáo xứ của mình cho các em từ lớp 6 trở lên. Các Dòng Tu đang hiện diện trong giáo phận sẽ cộng tác với Cha Xứ trong việc hướng dẫn các em.  Sau cuộc gặp mặt, cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Qui Hòa đã chiêu đãi bữa trưa đầy thân tình và nhiều hương vị của những ngày đầu xuân Tân Mão.
Ø ĐÓN TIẾP CHA TỐNG BẢO HIẾN DÒNG NGÔI LỜI.
            Chiều ngày 22/02, Cha Robert Kisala (người Mỹ), Tổng Bảo Hiến dòng Ngôi Lời, đến Qui Nhơn cùng với hai linh mục cùng dòng là cha Nguyễn Cao Sâm (cháu cha Nguyễn Cao Hiên) thuộc tỉnh dòng Hàn Quốc và cha Nguyễn Trọng Hiếu, thư ký Hội Đồng Bề Trên của tỉnh dòng Việt Nam. Thừa lệnh Bề Trên Tổng Quyền tại Rôma, cha Kisala đi kinh lý các cộng đoàn SVD tại Việt Nam để chuẩn bị Tổng Tu Nghị. Các cha đã được Đức Cha phó Matthêô, cha quản lý Gioan Võ Đình Đệ, cùng với các linh mục tại Tòa Giám Mục đón tiếp và mời dùng cơm tối. Sáng hôm sau các cha cùng đồng tế thánh lễ với Đức Cha phó và dùng điểm tâm tại Tòa Giám Mục, rồi đi gặp các cha và các thầy đang phục vụ tại các cộng đoàn ở Kim Châu và Đập Đá. Sáng ngày 24/02, sau khi đồng tế thánh lễ với Đức Cha phó, các cha đã dùng điểm tâm tại Tòa Giám mục rồi tiếp tục lên đường.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH.
          - Thánh lễ giao thừa Canh Dần - Tân Mão: Vào lúc 22g00 ngày 2/2/2011, nhằm ngày cuối năm Canh Dần, tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn, Đức Cha chính Phêrô đã chủ sự thánh lễ Giao Thừa, tạ ơn Chúa năm cũ và xin bình an năm mới Tân Mão. Hiện diện trong Thánh Lễ còn có Đức Cha phó Matthêô, một số quý cha lân cận và rất đông bà con giáo dân. Mở đầu thánh lễ Đức Cha Phêrô ngỏ lời với cộng đòan phụng vụ rằng: «Chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta một năm Canh Dần với những quyết tâm làm cho đức tin thêm mạnh mẽ đức cậy vững bền, đức ái sắc son. Chúng ta cầu xin trong năm mới Tân Mão, được dồi dào phúc lộc của Chúa, cho mỗi người chúng ta trở thành khí cụ hoa bình trong tay Chúa, luôn tỉnh táo giữ gìn và làm phát triển kho tàng đức tin đã lãnh nhận, hầu đem ánh sáng Phúc Âm soi chiếu vào môi trường chúng ta đang sống.
           Trong bầu khí thiêng liêng của Thánh Lễ Giao Thừa, chúng ta được mời gọi lắng nghe Lời Chúa và hái Lộc Lời Chúa để Lời Chúa hướng dẫn cuộc sống chúng ta trong năm mới. Lộc lời Chúa là Lộc thánh, nên cần đón nhận bằng đức tin. Lộc báo hiệu cho một tương lai dồi dào hạnh phúc. Lộc chỉ nảy nở mạnh mẽ và đem lại hoa trái tươi tốt khi được chăm sóc kỹ lưỡng từng ngày.
           Xin cho chúng ta biết giữ gìn và chăm sóc Lộc Chúa, để tất cả được hưởng hoa thơm trái ngọt của mùa xuân hạnh phúc ngay trên trần gian nầy, như là dấu chỉ khởi đầu cho mùa xuân vĩnh cửu mai sau».
            Sau khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha Phêrô đã làm phép lộc lời Chúa và sau đó là nghi thức hái lộc lời Chúa rất sốt sắng.
           - Các thánh lễ minh niên Tân Mão: Từ ngày 3 đến ngày 5/2/2011 nhằm vào các ngày mồng Một, mồng Hai và mồng Ba tết Tân Mão, Đức cha phó Matthêô đã chủ tế các thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn vào lúc 05g00. Có rất đông bà con giáo dân tham dự.
           Đặc biệt mồng Hai tết cũng trùng vào dịp giáp một năm ngày tấn phong Giám Mục của Đức Cha. Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha hạt trưởng Bình Định Giuse Lê Kim Ánh đã thay mặt cộng đoàn có đôi lời cám ơn đặc biệt đến Đức Cha và cầu chúc Đức Cha dồi dào sức khỏe và ơn Chúa để chu toàn trách vụ mục tử. Trong lời đáp từ, Đức Cha khiêm nhường nhìn nhận mình còn non yếu vì mới 1 tuổi Giám Mục và ngài còn thêm rằng “nên đi đâu cũng phải chống gậy!”. Sau đó Đức cha giải thích ý nghĩa gậy mục tử và xin mọi người tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ cho mình.
           Cách riêng, trong ngày mồng Ba tết, lúc 9g00 Đức Cha phó cũng trở về quê hương Gò Dài để chủ sự thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho bà con giáo dân tại đây theo truyền thống từ lâu của giáo họ nầy. Cũng trong buổi chiều cùng ngày, trước khi về lại Qui nhơn, Đức Cha phó và cha giám đốc chủng viện Qui Nhơn Giuse Huỳnh Văn Sỹ ghé thăm chúc tết cha sở Gò Thị và sau đó thăm chúc tết cộng đoàn MTG Gò Thị, nhất là các chị nhà tập đang ở tại đây.
            - Thánh lễ tạ ơn hoàn thành nhà thờ Gia Chiểu: vào lúc 09g40 ngày 09/02/2011 nhằm mồng 7 tết Tân Mão tại nhà thờ Gia Chiểu, Đức cha phó đã chủ sự nghi thức cung hiến - khánh thành nhà thờ mới Gia chiểu và dâng thánh lễ tạ ơn. Có khá đông quý cha (32), quý tu sĩ, chủng sinh và quý ân nhân cùng bà con giáo dân xa gần về tham dự thánh lễ nầy. Trước khi cử hành nghi thức, cộng đoàn được nghe qua vài dòng lịch sử của giáo xứ Gia Chiểu. Nghi lễ được bắt đầu bằng việc cắt băng khánh thành nhà thờ tại tiền đường và sau đó rước vào trong. Cha Tổng Đại Diện đã đọc văn thư của Đức Giám Mục giáo phận Phêrô Nguyễn Soạn quyết định cung hiến nhà thờ mới Gia Chiểu với tước hiệu Thánh Gia. Đức Cha phó giảng lễ, và cha Phaolô Trịnh Duy Ri chịu trách nhiệm dẫn lễ.
           Được biết, việc xây dựng nhà thờ mới tại Gia Chiểu đã được Đức Giám Mục giáo phận quan tâm từ lâu. Khi đến thời thuận tiện ngài đã chỉ định cha sở Đại bình Giuse Võ Tuấn, lo trù liệu. Cha Giuse đã lên kế hoạch và chính thức khởi công xây dựng nhà thờ vào ngày 11/04/2007. Ngày 22/09/2009, giáo xứ Gia Chiểu được Đức Giám Mục giáo phận tái lập, tách khỏi giáo xứ Đại Bình, và được giao cho cha Giuse Nguyễn Đình Bút làm quản xứ, tuy nhiên công trình xây dựng vẫn được giao cho cha Giuse Võ Tuấn tiếp tục đảm trách cho đến khi hoàn thành. Rấc tiếc, cha Giuse Võ Tuấn trong ngày vui cung hiến nhà thờ hôm nay lại không hiện diện vì có việc đột ngột ngoài ý muốn.
           Trong lời cám ơn sau lễ, Cha sở Gia Chiểu Giuse Nguyễn Đình Bút đã nhắc nhớ đến các Đức Cha, cách riêng cha sở Đại Bình, các ân nhân xa gần và bà con giáo dân đã sát cánh bên nhau trong thời gian xây dựng ngôi nhà thờ khang trang đẹp đẽ nầy. Đặc biệt cha Bút còn cám ơn đích danh ân nhân đặc biệt của Gia Chiểu là ông bà Giuse Lê Văn Thanh và Anna Maria Nguyễn Thị Hát, đang ở Sài Gòn nhưng gốc Gia Chiểu, hôm nay cũng có mặt và vinh dự nhận lãnh phép lành của Đức Giám Mục giáo phận trong dịp trọng đại nầy. Trong bữa tiệc khoản đãi, có những tiết mục văn nghệ vui tươi góp vui do các sinh viên và giáo dân Gia Chiểu trình diễn.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI.
           - Lễ khởi công xây dựng nhà thờ Phú Mỹ, giáo xứ Kỳ Tân. 8 giờ 30 sáng 22-02-2011, tại nhà thờ Phú Mỹ, giáo xứ Kỳ Tân, Đức Cha Phó Matthêô chủ tế thánh lễ kính Lập Tông tòa Thánh Phêrô, và chủ sự lễ khởi công xây dựng nhà thờ Phú Mỹ, giáo xứ Kỳ Tân. Cha Sở Ghêgôriô Lê Văn Hiếu cùng với giáo dân sắp hai hàng chào đón Đức Cha ở ngã ba, trước cổng ngõ nhà thờ. Có 30 cha đồng tế, đến từ ba giáo hạt và ngoài giáo phận. Số giáo dân tham dự thật đông – ước khoảng 700 người, gồm giáo dân trong giáo xứ, cùng với chức việc đại diện các giáo xứ bạn và một số giáo dân được mời ở các giáo xứ bạn đến hiệp dâng thánh lễ; cũng có khá đông giáo dân các giáo xứ bạn hay tin cũng đến hiệp thông. Sau khi Đức Cha giảng xong, Cha Hạt trưởng Quảng Ngãi tuyên đọc quyết định xây dựng nhà thờ Phú Mỹ của Đức Cha Chính Phêrô đã ấn ký. Cộng đoàn vui mừng vỗ tay bày tỏ tâm tình tạ ơn Chúa. Tiếp đến Đức Cha Phó bắt đầu nghi thức khởi công xây dựng bằng việc rảy nước thánh trên diện tích xây dựng, rảy nước thánh làm phép và xông hương viên đá đầu tiên, xúc một ít xi-măng gắn kết các viên đá. Lời kinh thưa đáp của cộng đoàn phụng vụ cùng với lời ca tiếng hát của đông đảo các ca viên của 03 ca đoàn Kỳ Tân, Phú Hòa và Quảng Ngãi âm vang một góc trời, nơi cộng đoàn dân Chúa hiện vẫn là con số bé nhỏ khiêm tốn. Sau lời nguyện các tín hữu, thánh lễ tiếp tục. Trước khi Đức Cha ban phép lành cuối lễ, Cha Sở bảy tỏ lòng biết ơn đối với hai Đức Cha đã luôn yêu thương trợ giúp ngài và giáo xứ: Đức Cha Chính đã đặt ngài làm cha sở vào ngày 10.9.2009, và hôm nay Đức Cha Phó thay mặt Đức Cha về cử hành lễ khởi công xây dựng nhà thờ. Cha Sở cảm ơn hai cha Hạt trưởng Quảng Ngãi và Phú Yên, cha Bề trên DCTT Châu Ổ, các cha trong và ngoài giáo phận, các Soeur, các ân nhân, các giáo xứ bạn và cộng đoàn giáo xứ Kỳ Tân đã hiện diện cầu nguyện và trợ giúp ngài cho công trình nhà Chúa, đặc biệt cảm ơn Cha Hạt trưởng Quảng Ngãi vì mặt bằng khuôn viên nhà thờ Phú Mỹ có được hiện nay cũng nhờ công khó nhọc của ngài. Ngỏ lời sau cùng với cộng đoàn, Đức Cha Phó nói Đức Cha Chính dù đang yếu đau nhưng sáng nay ngài vẫn gọi về nhờ Đức Cha Phó chuyển lời thăm hỏi cha sở và giáo dân giáo xứ Kỳ Tân. Đức Cha Phó nói hai Đức Cha sẽ hết sức trợ giúp giáo xứ Kỳ Tân xây dựng nhà thờ với tất cả khả năng hiện có trong tầm tay; ngài kêu gọi các ân nhân xa gần tiếp tục quảng đại góp tay xây dựng nhà Chúa, và ngài cầu chúc Cha Sở và anh chị em giáo dân sẽ sớm hoàn thành ngôi nhà thờ giáo xứ tốt đẹp như lời kết thúc bài giảng lễ của ngài: “Để nhà thờ Phú Mỹ trở nên ‘giàu đẹp’ đúng với tên gọi và có sức lôi cuốn đối với anh chị em lương dân, mỗi người tín hữu trong giáo xứ Kỳ Tân hãy cố gắng canh tân chính mình mỗi ngày để trở thành ‘mới mẻ diệu kỳ’ trước mặt mọi người chung quanh”. Hằng ngày anh chị em hãy để tâm suy niệm lời thánh Phaolô trong bài đọc II của thánh lễ hôm nay: ‘Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh chị em’ (1 Cr 3, 17)”.
           - Làm phép nhà xứ mới của giáo xứ Phú Hòa. Chiều cùng ngày, vào lúc 13g30, Đức Cha Phó và một số đông các cha đã viếng thăm giáo xứ Phú Hòa, tại đây Đức Cha Phó chủ sự nghi thức làm phép ngôi nhà xứ mới Cha Sở Phú Hòa vừa xây cất xong. Ngôi nhà có một tầng lầu, nhiều phòng, gồm phòng tiếp khách, phòng Cha Sở, vài ba phòng đang làm phòng giáo lý, và một nhà bếp. Ngôi nhà này xây trên nền của một ngôi nhà trước đây, ở phía đông nhà thờ, song song với ngôi nhà xứ lớn mà Cố Cha Sở Gioan Baotixita Đỗ Trung Thanh đã sửa chữa nhiều vì mối mọt trầm trọng, nhưng hiện nay cũng vẫn tiếp tục hư hại cần phải sửa chữa. Đó cũng đang là nỗi lo của Cha Sở.

Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
          - Tu sĩ giáo hạt Phú Yên mừng lễ Nến. Trong cái se se lạnh của buổi chiều tàn đông, của âm u tiết trời lúc giao mùa đang bước vào xuân. Chiều 29 tháng chạp của năm con cọp nhằm ngày 01/02/2011, trên đường phố Tuy Hòa người người tất bật xôn xao sắm tết, trong cái rộn ràng nôn nao lòng người của ngày cuối năm khi những người từ khắp nơi trở về với mái ấm của gia đình sau thời gian xa vắng, nhưng lại có những người lại từ mái ấm quen thuộc của mình nhanh bước chân về nhà thờ Tuy Hòa. Họ là những nam nữ tu sĩ còn ở lại ăn tết của một số cộng đoàn tu trì đang phục vụ tại giáo hạt Phú Yên, họ là những người con Phú Yên đang tu học và phục vụ ở nhiều nơi khác nhau, nay về ăn tết tại quê nhà. Hết thảy đều đến với tâm tình hân hoan chuẩn bị mừng lễ 02/02, ngày lễ Đức Mẹ dâng Hài Nhi Giêsu trong đền thánh, ngày cầu cho những người sống đời thánh hiến! Niềm vui đó được nhân lên, vì hôm nay Cha Giuse Trương Đình Hiền, Hạt trưởng Phú Yên mở “tiệc tất niên” chiêu đãi nam nữ tu sĩ và các chủng sinh. Sau bữa tiệc, các tu sĩ và các chủng sinh đã cùng nhau tọa đàm dưới sự hướng dẫn của Cha Hạt Trưởng Phú Yên và cha Phêrô Lê Nho Phú, trưởng ban tu sĩ của giáo phận. Khởi đầu, mỗi người tự giới thiệu sơ lược về danh tánh và việc tu học của mình. Tiếp theo là câu chuyện truyền giáo tuy nhọc nhằn, vất vả nhưng cũng thú vị của thầy Tađêô Dương Tha, Dòng Tên, gốc thuộc giáo xứ Mằng Lăng, đang phục vụ tại nước Đông Timor. Các Tu Sĩ và các chủng sinh cùng trao đổi nhiều cảm nghĩ, thao thức cho công cuộc loan báo Tin Mừng và sống chứng nhân trong chính đời sống thánh hiến. Dù còn nhiều điều muốn nói…nhưng đến 22g00 cuộc tọa đàm phải kết thúc để chuẩn bị cho Thánh Lễ vào sáng mai.
           Sáng 02. 02. 2011, tại nhà thờ Tuy Hòa, thánh lễ đồng tế khởi đầu với nghi thức làm phép nến và rước nến thật trang nghiêm. Cha Hạt Trưởng Giuse Trương Đình Hiền chủ tế, Cha Laurenso M. Phan Ngọc Bích, dòng CMC giảng lễ và một số Cha khác cùng đồng tế. Trong thánh lễ có sự hiện diện của nam nữ tu sĩ thuộc các dòng:
          Dòng nữ: Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Phaolô, Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Đa Minh và Tu Hội Đời Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Phú Yên.
          Dòng nam: Thầy Tađêô Dương Tha, dòng Tên, Tu Hội Đời Thánh Tâm Chúa Giêsu và một số anh em đang theo đuổi ơn gọi dòng Ngôi Lời, dòng Scalabrini….Ngoài các Tu sĩ còn có sự hiện diện của các Thầy là đại chủng sinh thuộc Đại chủng viện Sao Biển và các chủng sinh tiền chủng viện Qui Nhơn.
           Giữa Thánh Lễ, sau bài giảng là nghi thức lặp lại lời khấn của các Nữ tu dòng Phaolô. Và cuối thánh lễ, cha Phanxicô Assisi Phạm Đình Triều, trưởng ban tu sĩ hạt Phú Yên đã thay mặt cho toàn thể nam nữ tu sĩ tạ ơn Chúa vì những hoa trái Chúa ban cho Giáo hạt, cám ơn và chúc tết Cha Hạt Trưởng cùng các Cha đồng tế. Sau lễ, tất cả cùng điểm tâm sáng tại nhà xứ Tuy Hòa trong bầu khí tràn ngập niềm vui tiếng cười. Niềm vui của ngày áp tết 30 tháng chạp, niềm vui đượm thắm tình huynh đệ của nam nữ tu sĩ thuộc nhiều dòng tu khác nhau từ các nơi xa gần về cùng dâng lễ, niềm vui đó được vui hơn khi được Cha Hạt Trưởng “lì xì” trước tết.
           Bên ngoài, trời đang đổ nhẹ những hạt mưa, những bông hoa tết đang vươn mình khoe sắc tỏa hương. Trong tâm hồn của các tu sĩ hôm nay cũng tràn đầy sắc hương của những ước nguyện trào dâng, với quyết tâm dâng hiến trọn đời mình sống theo tiếng gọi của Tin Mừng, kiên trì đem ánh sáng Chúa Kitô bằng đời sống chứng tá của chính mình cho những người nghèo, những người mà Thiên Chúa luôn yêu thương, cho một xã hội có nhiều tăm tối vì muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài. Với lòng tín thác vào hồng ân của Thiên Chúa, các tu sĩ nam nữ chia tay ra về trong tiết xuân se lạnh nhưng trong lòng bừng lên hơi ấm từ những ngọn nến cháy sáng trong ngày lễ hôm nay …

Ø  TIN CỘNG ĐOÀN PHAN SINH QUI HÒA
           - Cuộc thăm viếng của Hội Bạn Người Phong Hoa Kỳ. Ngày 24.02.2011, Hội Bạn người phong Hoa Kỳ đã đến thăm trại phong Qui Hòa. Từ nhiều năm nay, Cha sở Giáo Xứ Qui Hòa Phanxicô Xavier Lữ Minh Điểm và Cộng Đoàn Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã làm cầu nối cho Hội đến giúp đỡ anh chị em bệnh nhân và con cháu của họ.
          Sáng ngày 24.02.2011 Đức Cha Phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã nhận lời mời, tới dùng điểm tâm với Hội tại Cộng Đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Đại diện của Hội có ông Chủ tịch Nguyễn Văn Công và 3 thành viên khác.  Nhân dịp nầy ông Nguyễn Văn Công đã  giới thiệu môt vài sinh hoạt của Hội tại Hoa Kỳ:
           Hội đã được Chính Quyền Liên Bang và Tiểu Bang Hoa Kỳ công nhận. Mục đích của Hội: giúp các bệnh nhân phong tại Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hoặc địa phương. Hằng năm Hội cứu xét các nhu cầu qua các trung gian: Nữ Tu, Linh Mục, Ni cô hay Thầy cũng là những người đại diện cho Hội tại Việt Nam để nhận tiền và chuyển tới bệnh nhân. Hằng năm Hội tổ chức một buổi Đại Nhạc Hội để gây quỹ nhờ tiền vé vào cửa và quyên góp trong ngày văn nghệ, vì vậy tiền trợ cấp hằng năm cũng có thay đổi tùy lòng hảo tâm của qúi vị ân nhân hải ngoại, cho đến hôm nay thì số tiền trợ cấp hằng năm vẩn được tăng thêm!
           Sau bữa điểm tâm, Hội đã cùng với Đức Cha xuống hội trường chào thăm bệnh nhân và các em học sinh, sinh viên là những con cháu của bệnh nhân. Niềm vui đã được nhân lên gấp bội khi được thấy sự hiện diện của Đức Cha, Hội Bạn Người Phong, cha sở, Ban Giám Đốc Bệnh viện và các nữ tu  tới thăm hỏi  từng người và phát tiền ăn tháng 01 + 02.2011 cho 479 bênh nhân, mỗi bệnh nhân được 300.000 đồng. 193 em học sinh từ Mẫu Giáo đến lớp 12 và 43 em sinh viên  học kỳ II của năm học 2010-2011. Mỗi em lớp mẫu giáo nhận được 520.000 đồng và cứ tăng dần cho đến bậc đại học mỗi em nhận được 5.250.000 đồng. Riêng các em học ngành Y, Hội sẽ trợ cấp 16.000.000 đồng / học kỳ.
          Trước khi phát tiền và bánh: đại diện của Hội Đồng bệnh nhân và một em sinh viên cám ơn Hội đã giúp đỡ bệnh nhân từ nhiều năm qua cho đời sống vật chất bớt cùng khổ hơn, cám ơn sự quảng đại chia sẻ của qúi vị ân nhân đã giúp cho con em họ có cơ hội tiến bước trong việc học tập và hy vọng  có một tương lai sáng sủa hơn.
          Trước khi Ban Phép Lành cho toàn thể bệnh nhân lương,  giáo tại hội trường, Đức Cha cũng đã nhắn nhủ tới mỗi người: Hãy có lòng biết ơn Hội Bạn Người Phong Hoa Kỳ và qúy vị Ân Nhân hải ngoại đã quảng đại, chia sẻ, giúp đỡ chúng ta.  Hãy cố gắng học tập để không phụ lòng những người đã hy sinh cho chúng ta.
          Trong niềm vui của những ngày đầu năm, Đức Cha cũng đã đích thân cùng với Hội trao tiền và bánh cho bệnh nhân, và các em học sinh, sinh viên. Buổi trưa tại cộng đoàn Phan Sinh đã có bữa tiệc huynh đệ giữa Hội Bạn Người Phong – BGĐ Bệnh viện – Cha sở và chị em Cộng đoàn.
          Đối với bệnh nhân tại trại phong Qui Hòa, hôm nay là một ngày vui và hạnh phúc cho gia đình họ. Xin tạ ơn Chúa đã gởi những tâm hồn quảng đại từ nơi xa đến để chia sẻ cho những người bất hạnh. Xin Chúa Chúc lành và ban cho gia đình họ được bình an và tràn đầy niềm vui.

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

HẢI TẶC Ở QUẢNG NGÃI DƯỚI THỜI NGUYỄN



Cao Chư
Văn Hoá Nghệ Thuật, số 317, tháng 11/2010


Tỉnh Quảng Ngãi có đường bờ biển dài 135 km với 5 cửa biển là Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á và Sa Huỳnh, có các vũng vịnh cho tàu thuyền ra vào, neo đậu. Cách đất liền khoảng 25 km có đảo Lý Sơn gồm đảo Lớn và đảo Bé, trong đó đảo Lớn có cư dân sinh sống Từ TK XVIII và đảo Bé do thế đất khó sinh sống, nên mãi sau này mới có người đến lập nghiệp.
Hải tặc được nhắc tới thời phong kiến là Tàu Ô. Người ta kể rằng giặc Tàu Ô thường xuyên rình rập ở vùng biển Bắc Quảng Ngãi, hàng năm vào kỳ đông xuân thường đổ bộ lên đảo Bé rồi từ đảo Bé sang đảo Lớn cướp của giết người xong, lại quay vào ảo Bé ẩn núp trong hang đá. Vì vậy người ta mới gọi đó là hang Kẻ Cướp, một địa danh còn lưu lại đến ngày nay (1). Đó không phải là lời truyền ngôn mơ hồ, vô căn cứ, mà trong nhiều sử sách đã thấy ghi điều đó. Bộ sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, không bỏ qua những vụ việc cướp biển và biện pháp phòng chống.
Năm 1834, quan tỉnh Quảng Ngãi tâu vua xin đặt thủ sở ở đảo Lý Sơn, vụng Thuyền và vụng Quất (2). Dân ở Lý Sơn tình nguyện tự đóng thuyền rồi lãnh khí giới của nhà nước phát cho để đi tuần tiễu. Còn ở hai cửa biển dù có pháo đài nhưng khi có giặc biển lại bắn không tới, đã đóng hai chiếc tàu nhanh, chưa có thủy thủ, xin chọn 40 dân làm thủy binh, từ mùa xuân đến mùa thu hàng năm đi tuần biển. Cấp khí giới cho dân ở gần tấn sở và giao cho tấn sở huấn luyện việc tuần phòng (3). Việc dân Lý Sơn tình nguyện như trên cho thấy tình hình bức xúc với dân Lý Sơn ra sao. Đảo Lý Sơn với vụng Thuyền và vụng Quất ở đất liền đối nhau như ba góc của một tam giác.
Năm 1835, ''Quảng Ngãi có thuyền giặc người Thanh lén lút phát ra ở hải phận lấn Thái Cần''(4), ''giặc biển ở quảng Ngãi lén lút nổi lên ở hải phận Sa Kỳ và Đại Cổ Lũy, đón cướp thuyền buôn, rồi rút đi''(5).
Năm 1836, ''binh thuyền phó Vệ úy tuần dương do Kinh phái là Nguyễn Văn Khách đến tấn phận Sa Kỳ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, đậu lại nhiều ngày. Giặc Thanh thừa cơ sơ hở, cướp các thuyền buôn ngoài biển rồi đi''(6).
Năm 1839, ''. . .giặc ở cửa Đại Chiêm, đón cướp thuyền công giải kho của Quảng Ngãi, suất đội Nguyền Văn Trí ra sức đuổi bắt, đâm chết bốn tên giặc, cứu được hai chiếc thuyền buôn''(7).
Năm 1843, thuyền giặc có đến 20 chiếc đến đóng cửa Đại Chiêm (tỉnh Quảng Nam), bị đánh đuổi ''thuyền giặc qua cửa biển Sa Kỳ, cướp lấy binh khí, lại đốt cháy các nhà dân cư ở Lý Sơn'', bị hải quân triều đình đánh đắm 2 chiếc (8).
Năm 1844, ''cửa biển Y Bích có thuyền giặc đón cướp.các thuyền buôn. Tỉnh Thanh (9) đem việc này tâu lên; hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng lục tục tâu báo về việc giặc biển này” (10)
Năm 1851, ''giặc biển cướp đồn biển Cổ Luỹ (thuộc tỉnh Quảng Ngãi), phó vệ uý là Trần Quang Cương vì lỗi ngày thường phòng giữ sơ suất, tuần tiễu bất lực, đểu bị giáng chức''(11).
Năm 1855, ''giặc biền cướp thuyền buôn ở phận biển thuộc hai cửa biển Sa Kỳ, Cổ Lũy (thuộc Quảng Ngãi): Các viên quản đốc ngồi ở ba hiệu thuyền Tĩnh dương, Điệu phi, Bằng đoàn do Kinh phái đi tuần tiễu, tìm chỗ tiện đậu cho yên đều bị giáng chức” (12)
Năm 1867, “thuyền giặc biển 22 chiếc vào Cửa Sa Kỳ lên trên cạn (hơn 300 tên), quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân (bắt lính hạ ban chỉ có 150 người) xin điệu quân ở quân thứ Tĩnh Man hội lại cùng đánh, vua y cho, lại sai chưởng vệ là Đặng Văn Siêu đem thuyền quân (7 chiếc) đến ngay cùng làm việc''(13).
Điểm qua những tư liệu nói về nạn cướp biển ở Quảng Ngãi như trên, ta có thể rút ra mấy nhận xét.
Thứ nhất, tình hình cướp biển ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn khá thường xuyên và nghiêm trọng. Các từ gọi tuy khác nhau nhau (giặc biển, thuyền giựac người thanh, giặc) nhưng cùng chỉ chung một đối tượng hải tặc. Các vụ việc cướp biển được ghi chắc chắn chưa phải là tất cả các vụ xẫy ra trong những năm gần nhau, trong thời gian trị vì của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ năm l867 (dưới triều vua Tự Đức), bọn cướp biển lên đến 22 chiếc thuyền vào cửa .Sa Kỳ với hơn trên 30 tên hải tặc, ngang nhiên đổ bộ lên đất liền và căn cứ tình tiết ghi của sách, có thể thấy, chúng không rút ngay mà đóng ở đó dài ngày để tiến hành cướp bóc, đốt phá.
Thứ hai, đối tượng cướp của bọn hải tặc chính là các thuyền buôn và thuyền công giải kho chắc chắn để cướp lấy bàng bạc của cải, nhưng cũng có khi táo tợn đột kích hải quân để cướp binh khí (1843 ở Sa Kỳ), đột phá nhà dân (1843 ở Lý Sơn), đánh cướp vào đồn binh (1851 ở  Cổ Lũy), hoặc đổ bộ lên đất liền (1867 ở Sa Kỳ) chắc chắn để cướp bóc, đốt phá nhà dân và để chúng dễ bề hành động.
Thứ ba, để đề phòng mặt biển, triều đình nhà Nguyễn thường xuyên có thuyền chiến tuần tiễu, ứng phó. Trên đất liền có những biện pháp bố phòng ở các cửa biển (như năm 1934 ở Lý Sơn, vũng Quất và vũng Tàu). Hải quân và quân bố phòng ở cửa biển của triều Nguyễn mặc dù không phải yếu nhưng đã phân tán rộng trên biển Đông (kể cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và do tình hình cướp biển khá nhiều, nên chưa đủ để kiểm soát, khống chế giặc biển, hoặc lơ là cảnh giác (1851 ở Cổ Lũy), hoặc nhụt chí, cầu an (1855 ở Sa Kỳ, Cổ Lũy). ở trên bờ, việc phòng bị cũng chưa hoàn toàn đủ mạnh, nhất là khi bất ngờ giặc biển đổ bộ đến 300 tên như ở Sa Kỳ năm 1867, phải cầu đến viện binh đóng từ trên núi xuống và thuyền chiến của triều đình điều về để ứng phó.
Thứ tư đảo Lý Sơn với các cửa biển vũng vịnh trong đất liền đối mặt với nó gồm cửa Sa Cần, cửa Sa Kỳ, cửa Cổ Lũy, vũng Quất, vũng Tàu ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi là trọng điểm cướp phá của bọn cướp biển, trong đó đảo Bé ở Lý Sơn là một sào huyệt, là bàn đạp của những vụ cướp bóc (như tư liệu dân gian về hang Kẻ Cướp) Vùng biển phía nam Quảng Ngãi với các cửa Mỹ Á, Sa Huỳnh hẳn không khỏi những vụ cướp biển nhưng ít hơn, vì bên ngoài bọn hải tặc không có đảo để trú ẩn và vì ít thuyền buôn ra vào cửa.
Đó chỉ mới là những gì được ghi trong sử, còn biết bao sự biến đã không được ghi nhưng lại luôn là mối đe dọa, chi phối việc dân sinh trong vùng.
Xin quay về những tư liệu còn tản mạn trong dân gian. Gia phổ họ Võ ở thôn Cổ Lũy có ghi: Ông Võ Đức Hạnh (1610-1663), một trong ba người con của ông tổ Võ Văn Thông (quê gốc ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ Bắc vào lập nghiệp ở làng An Mô. Từ An Mỗ (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức) lại quay ra cửa Sa Kỳ, lấy bà Cao Thị Miên ở làng biển Kỳ Xuyên, làm nghề chèo đò trong cửa biển để kiếm sống (lúc này người ta chưa có bờ đắp chắn ngang nối Xuân An (xã Tịnh Hòa) với Châu Thuận, Châu Bình (xã Bình châu) ở bờ bắc cửa Sa Kỳ nên việc đi lại vẫn phải bằng đò. Căn cứ vào năm sinh, năm mất, ta có thể hiểu rằng ông sống dưới thời các chúa Nguyễn. Giặc Tàu ô đến bắt ông phải chở toán cướp đi qua lại cướp phá, đến gần trưa ông lần khất bằng cách đòi tiền đò. Bọn Tàu Ô bèn chém ông, ném xuống nước. Đầu ông với mái tóc dài mắc lại ở rừng bần đước, người ta vớt lên mai táng, còn thân mình thì bị nước biển cuốn trôi. Cho mãi đến sau này (sau năm 1954) có người họ Võ vào làm ăn ở Bình Thuận mới gặp một chi họ ở đây, và thật thần kỳ, người ta mới kể chuyện truyền lại từ xưa, rằng ông bà họ từng vớt và chôn cất thân mình một con người như vậy. Đầu một nơi, mình một ngả, suýt soát 300 năm sau mới khớp nối được. Thật hy hữu và ly kỳ (14).
Còn gia phổ họ Trương ở Mỹ Khê Tây (nay thuộc xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh) thì ghi: dưới đời vua Tự Đức có ông Trương Quang Cù (thường gợi Cù Mộc) làm Chánh tổng ở tổng Châu (tổng vùng biển huyện Bình Sơn, sau này là các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh, Bình Châu huyện Bình Sơn). Nhờ tổ chức tốt việc bố phòng chống giặc Tàu Ô mà ông được thăng chức Chánh quản cơ Hương binh huyện Bình sơn và được tặng thưởng ngân tiền Phi Long vào năm 1859, Tự Đức năm thứ 12.
Như vậy, từ hai nguồn tư liệu điền dã và thành văn, có thể nói vùng biển Quảng Ngãi thường xuyên bị hải tặc với tên gọi là Tàu ô cướp phá. Sự hoành hành của giặc Tàu Ô có thể có từ trước đó rất lâu, qua đời các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn đến thời nhà Nguyễn, kéo dài suốt nhiều thế kỷ, nhưng được biên chép rõ nhất là dưới thời nhà Nguyễn. Trong dân gian chắc chắn còn lưu truyền nhiều câu chuyện về nạn cướp biển mà rất tiếc cho đến ray chưa ai để tâm nghiên cứu nên ta cũng chưa được biết đến nhiều.
Chắc chắn không riêng gì ở vùng biển Quảng Ngãi, cả vùng biển nước ta thuở xưa cũng có nhiều nạn cướp biển. Biển Đông xưa với nhiều thương thuyền thường xuyên đi lại buôn bán trong Nam ngoài Bắc, giữa Việt Nam với Trung Quốc và nhiều nước khác, lại nằm trên đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, là món mồi ngon của bọn cướp biển. Thế thì tại sao ngày nay ta hầu như không hề biết đến nạn cướp biển ở vùng biển Quảng Ngãi nói riêng, cả nước nói chung? Chắc vì nạn cướp biển đã chấm dứt từ thời Pháp thuộc. Tại sao? Lại có thể suy đoán rằng hải quân Pháp (để xâm lược nước ta) có tiềm lực và tàu chiến, vũ khí vượt trội so với bọn cướp biển, nên kể từ cuối TK XIX, chúng không còn cơ hội để cướp bóc.

Ghi chú:
l. Lịch sử Lý Sơn, 2000, tr.18.
2. Vụng Thuyền, đây đúng ra là vũng Tàu, nay thuộc xã Bình Châu huyện Bình Sơn (tàu hay thuyền cũng là một) gần sát cửa.Sa Kỳ. Còn vụng Quất chính là chỗ sau này ta gọi là Dung Quất, sát bên cửa Sa Cần.
3. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhi kỷ XI(1834), tập XV Nxb Khoa học, Hà Nội, 1965, tr.370, 371.
4. Thái Cần còn gọi là Thể Cần, sau này phổ biến gọi là Sa Cần. Cửa Sa Cần nằm bên vịnh Dung Quất.
5. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ XII (1835), tập XVI, NXB Khoa học, Hà Nội, 1966, tr.56, 145.
6. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ XIV (1836), tập XVIII, Nxb Khoa học, Hà Nội 1967, tr.l02.
7. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ XVII (1839), tập XXI. Nxb Khoa học, Hà Nội. 1969, tr.71.
8. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ III, Tập XXIV, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1971, tr.343.
9. Tỉnh Thanh tức tỉnh Thanh Hóa.
10. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ III, tập XXV Nxb Khoa học, Hà Nội, 1971, tr.20.
11. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ I, tập XXVII Nxb Khoa học, Hà Nội, 1973, tr.274.
12. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ II, tập XXVIII Nxb Khoa học, Hà Nội, 1973. tr.118.
13. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ V, tập XXXI, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1974, tr.135.
14. Cũng ở phía bắc cửa Sa Kỳ có một vụng biển, gọi là vũng Tàu: Khác với ý nghĩa tàu là thuyền, người dân ở đây kể làng sở dĩ có tên gọi là vũng Tàu vì xưa kia thường có giặc Tàu ô vào đây ẩn núp, cướp bóc. Các giải thích này chưa chắc đã đúng, nhưng cũng phản ánh sự thật về nạn hải tặc. Trong thập niên 90, TK XX người ta phát hiện ra một chiếc tàu đắm thời xưa ở đây và thu được nhiều cổ vật. Tàu trong vũng bị đắm này có thể đã bi bọn hải tặc tấn công.

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

PHAN KHÔI - NGƯỜI GÓP PHẦN DỊCH KINH THÁNH RA VIỆT NGỮ




Nguyễn Đình Bùi Thị
Kiến thức ngày nay, số ngày 20/02/2011


Như nhiều người trong chúng ta đã biết, Phan Khôi là nhà thơ đã khởi xướng ra phong trào Thơ mới vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ 20, và là một dịch giả đã góp phần tham gia ,dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ cho tín đồ Tin Lành sử dụng.
Đạo Tin Lành đã được du nhập vào nước ta từ năm 191l, đến năm 2011, đã có mặt trên đất nước ta tròn 100 năm. Tôi tin rằng, trong dịp kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành có mặt trên mãnh đất hình chữ S yêu quý này những tín hữu Tin Lành sẽ không thể nào không nhắc đến tên tuổi của nhà văn,nhà báo, dịch giả nổi tiếng PHAN KHÔI.
Phan Khôi - vài nét về tiểu sử và văn nghiệp
Phan Khôi, hiệu Chương Dân, Tú Xởn (Tout Seul), Thông Reo, Tân Việt, Khải Minh Tử, sinh ngày 6-10-1887 (nhằm ngày 20.8 năm Đinh Hợi) tại làng Bảo An, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Cha là Phó bảng Phan Trân, từng là Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa), mẹ là Hoàng Thị Lệ, con gái Tổng dốc Hoàng Diệu. Cụ Phan Trân có hai người con, một trai là Phan Khôi, và một gái là Phan Thị Diệm sinh năm 1890. Năm 27 tuổi, Phan Khôi cưới vợ là cô Lương Thị Tuệ, 19 tuổi, con gái đầu lòng của cụ cử nhân Lương Thúc Kỳ, người làng Hà Tân xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quang Nam. Bà sinh cho ông 4 trai 4 gái. Năm 1935, ông lấy thêm người vợ hai tên là Nguyễn,Thị Huệ, sinh năm Tân Hợi (1911), mất biên Hòa, Đồng Nai (2010), người gốc xã Xuân Giao huyện Xuân Trương, tỉnh Nam Định, có thêm 2 trai, l gái.
Phan Khôi qua đời vào ngày 16.1.1959 (nhằm ngày mồng tám, tháng chạp năm Mậu Tuất) tại một căn nhà ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi.
Phan Khôi là học trò của chí sĩ Trần Qụý Cáp, của thầy Phan Thành Tài, thầy Lê Hiên. Ngay từ nhỏ, Phan Khôi đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi và hay... lý sự.
Năm 1906, lúc vừa 19 tuổi, thi Hương tại Huế và đậu Tú tài Hán học, nên thường được gọi là Tú Khôi. Lúc đương thời, Phan Châu Trinh rất mê tài học của ông và nói với mọi người rằng: “Quảng Nam sẽ có hai tiến sĩ xuất sắc là Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác”. Lời tiên đoán ấy của Phan Châu Trinh tuy không thành sự thật, nhưng xét trên thực tài thì Phan Khôi là một người xuất sắc về nhiều lĩnh vực của học thuật. ''Từ một nhà hoạt động duy tân, nhà báo, nhà thơ, nhà lý luận... bộ môn nào ông cũng tỏ ra rất sắc sảo độc đáo mà có lẽ một vị tiến sĩ cũng khó bắt kịp tài năng, bút pháp và lý luận của ông”(1). Năm 1908, phong trào Duy Tân bị khủng bố, ông bị bắt ở Nam Định và đưa về giam tại Hội An cho đến năm 1911(2) mới được trả tự do. Ra khỏi tù, ông cưới vợ và mở lớp dạy chữ Hán tại nhà. Năm 1916, ông ra Bắc, xuống Hải Phòng làm thư ký cho Công ty Bạch Thái Bưởi. Năm 1917, ông vào làm việc cho tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh. Sau một thời gian, ông vào Sài Gòn viết cho tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Sau đó, lại trở ra Hà Nộiviết cho tờ Thực Nghiệp Dân Báo Hữu Thanh. Rồi trở lại Sài Gòn, tung hoành ngòi bút một cách mạnh mẽ chưa từng thấy trên một loạt những tờ báo nổi tiếng thời bấy giờ như Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung, Trung Lập, Phụ Nữ Tân Văn từ các năm 1929-1932. Nhưng sau đó, người ta lại thấy ông ra Hà Nội làm Chủ bút tờ Phụ Nữ Thời Đàm. Rồi ông vào Huế, viết cho tờ Tràng An, làm chủ bút tờ Sông Hương. Đến năm 1939, người ta thấy Phan Khôi xuất hiện ở Sàigòn, nhưng không pahỉ để viết báo như những lần trước nữa mà để dạy học
Sau Cách mạng tháng Tám, ông được mời tham gia kháng chiến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tham gia ban giám khảo các giải văn học …
Nhà thơ Lê Minh Quốc quả quyết rằng: ''Ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng,nếu chỉ chọn lấy một nhà báo tiêu biểu nhất của xứ quảng trong thế kỷ XX, tôi sẽ chọn lấy Phan Khôi. Đó là một hình ảnh kỳ lạ nhất, cô độc nhất, bản lĩnh nhất của lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại''(3). Thật vậy, về phương diện báo chí, Phan Khôi là một nhà báo có lý luận sắc bén mang đậm nét tính cách lý sự của người Quảng Nam. Nhà báo đòi hỏi phải viết gãy gọn, tư tưởng rõ ràng mới thuyết phục người đọc. Phan Khôi có đầy đủ những điều đó. Nhà thơ Nguyễn Vỹ nhận xét rằng: ''Phan Khôi nói thẳng thắn những điều ông suy nghĩ, viết thẳng thắn những lời ông nói cho nên tư tưởng của ông rất chân thật, văn của ông rất hấp dẫn,và ảnh hưởng sâu rộng trong giới thanh niên'' (4). Có thế nói chưa thấy có nhà báo nào của Việt Nam bạo dạn, sẵn sàng khởi xướng và tham gia vào nhiều cuộc tranh luận báo chí sắc bén như Phan Khôi, để lại tiếng vang lớn trên văn đàn báo chí nước nhà một thời như là một dấu ấn khó phai trong tâm trí người đọc. Có thể kể ra đây những cuộc tranh luận thú vị ấy như: cuộc tranh luận với học giả Trần Trọng Kim về nho giáo; cuộc tranh luận vởi Phạm Quỳnh về Truyện Kiều; cuộctranh luận với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, với Nguyễn Tiến Lãng về các đề tài luân lý và đạo đức của người Việt …
            Giáo sư Thanh Lãng có một nhận định về tài lý luận trong cách viết của Phan Khôi khá xác đáng như sau: “Lý luận rất rắn mà không đài các, đã kích đến nơi mà không kiêu căng, cho nên thường nguời bị đã kích không thể giận ông. Mà ông cũng chẳng để cho họ có thì giờ mà giận. Cái hồn nhiên của ông làm cho cả thù địch của ông nếu không ghét ông thì cũng nể ông''.(5)
Về phương diện văn chương, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan cho rằng Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong phái nho học. Quả thật vậy, Phan Khôi là nhà thơ được mệnh danh là người khởi xướng phong trào Thơ mới, dù ông khiêm tốn không nhận điều đó. Với bài thơ Tình già (6) được đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn, số ra ngày 10.3.1932, Phan Khôi đem ''Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ'' đã gây nên một phong trào bàn tán về văn chương sôi nổi thời bấy giờ. Tình già đúng là một quả bom nổ giữa làng thơ Việt Nam vào thập niên 30 của thế kỷ 20. ''Và Phan Khôi trở thành người cắt băng khai mạc thời đại mới trong thi ca''(7). Chỉ với bài thơ nổi tiếng này thôi, Phan Khôi cũng đủ để xứng đáng là một thi nhân đích thực của nền thi ca hiện đại nước ta.
Di sản văn chương của Phan Khôi để lại cho chúng ta (được in thành sách) dù không phải là nhiều lắm, nhưng cũng đủ để cho chúng ta đọc và khâm phục tài năng văn chương, báo chí của ông. Tác phẩm của Phan Khôi được in thành sách không nhiều, nhưng những bài viết của Phan Khôi đã đăng các báo thì vô số kể, trong đó có rất nhiều bài hay, sâu sắc, đọc đáng đồng tiền bát gạo, nhất là bài nghiên cứu về trung Việt, những bài phê bình văn học, học thuật, những bài tranh luận của ông với các nhà báo, nhà văn khác trên văn đàn v.v.
Nhận xét về văn nghiệp của Phan Khôi, nhà thơ Lưu Trọng Lư cho rằng Phan Khôi ''quả là người viết quốc ngữ đúng đắn hơn hết, yêu chữ quốc ngữ với tất cả sự từng trải của một người đã sống khắp ba kỳ, quen thuộc với những lối phát âm, với những thổ ngữ...''(8). Còn giáo sư Hoàng Tuệ thì viết rằng: ''Phan Khôi là nhà văn rất quý trọng tiếng Việt, quyết tâm bảo vệ ngôn ngữ dân tộc''(9). Nhà thơ Nguyễn Vỹ thì nhận xét về Phan Khôi là ''một trong các nhân vật nổi tiếng nhất trên văn đàn Việt Nam với ngọn bút sắc sảo có một không hai... Chính ông là người đã mở ra một chân trời mới cho văn chương Việt Nam nói chung và Thơ mới nói riêng''(10). Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng thì: ''Sự nghiệp sáng tác và trước tác của Phan Khôi có một chỗ đứng vinh quang trong thời kỳ quốc ngữ bắt đầu có tư thế trên văn đàn Việt Nam''(11).
Nói về Phan Khôi, cũng không thể không nhắc tới mấy câu thơ (có thể tạm gọi là như thế) được xem như là câu cửa miệng của Phan Khôi mỗi khi đứng trước những khó khăn, những bất trắc của đời sống, thể hiện được thái độ bình tĩnh, ung dung tự tại của mình. Có thể nói những câu thơ này của ông khắc họa được tính cách Quảng Nam của nhà thơ một cách khá rõ nét.
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thể nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao

Những câu thơ này được truyền tụng trong nhân dân rất rộng rãi và có khá nhiều người biết, thuộc lòng, chẳng khác nào như những câu ca dao vậy.
Phan Khôi - người góp phần dịch Kinh Thánh (Tin Lành) ra Việt ngữ
Bản Kinh Thánh mà hầu hết những tín hữu Tin Lành Việt Nam đã sử dụng trong vòng mấy chục năm qua, kể từ năm 1926 là lần xuất bản đầu tiên cho đến nay, và chắc cũng sẽ còn dùng cho đến lâu dài về sau này nữa, đó chính là bản dịch mà Phan Khôi đã góp phần rất lớn trong đó.
Phan Khôi dịch cuốn Kinh Thánh lúc bấy giờ mất bao nhiêu thời gian? Theo Trần Mạnh Thường cho biết: ''Ông lại ra Bắc Hội Tin Lành. Ông chuyển dịch Kinh Thánh, chữ Nho ra Quốc ngữ. Ông dịch khá tốt. Làm được một năm, ông lại vào Nam kiếm việc”(12). Bà Phan Thị Nga (vợ của nhà văn Hoài Thanh, đặc phái viên của báo Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương) cũng cho biết về Phan Khôi dịch Kinh Thánh cho Hội thánh Tin Lành, “m được một năm ông lại thôi”. Nhà báo Vu Gia cho rằng chi tiết này không đúng, ''vì với thời gian ấy, Phan Khôi không tài nào dịch xong bộ sách ấy” (13).Và qua sưu tầm về tư liệu Phan Khôi, Vu Gia phát hiện ra rằng ''Phan Khôi dịch cuốn Kinh Thánh trong khoảng thời gian 5 năm''(14). Trên Phụ nữ Tân văn số 74, ngày 16. 10. 1930, (sau khi mục sư W. C. Cadman, chủ nhiệm tờ Thánh Kinh báo lúc bấy giờ có gởi biếu Phan Khôi, khi báo ra số đầu tiên), Phan Không có viết bài “Giới thiệu và phê bình Thánh Kinh báo'', trong đó có đoạn: “Sau hết, tôi xin có lời cám ơn ông bà mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo này cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925)''.
 Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân viết: ''Từ năm 1919, sau khi dịch bốn sách trong Tân ước, vợ chồng W. C. Cadman được sự giúp đỡ của văn sĩ Phan Khôi (1887-1960) dịch Cựu ước ra quốc ngữ và đến năm 1925 thì họ hoàn tất” (15).
Như vậy để có được bản Kinh Thánh tiếng Việt bao gồm cả Cựu ước và Tân Ước cho những tín hữu Tin Lành đọc như ngày hôm nay, dịch giả Phan Khôi đã mất 5 năm dài có hơn. Thật là cả một côngt rình đáng trân trọng lắm vậy.
Mục sư Lê Hoàn Phu cho biết: ''Gia đình Cadman tiếp tục công tác dịch Kinh Thánh năm 1919, lần này với sự cộng tác của ông Phan Khôi, một học giả và văn sĩ lỗi lạc, đã với họ trong 10 Năm. Họ hoàn tất Cựu ước năm l925, sau khi đã duyệt xét kỹ lưỡng bởi các văn sĩ, mục sư, giáo sĩ, kể cả Olsen, toàn bộ Kinh Thánh đã được in tại Nội năm I926. Vừa khi cuốn Kinh Thánh Việt Nam được in xong, ông Phan Khôi nhận chức Chủ nhiệm một tờ báo quan trọng ‘với giá lương gấp bội hơn lương có thể trả cho ông để dịch Kinh Thánh’. Chẳng bao lâu họ Phan khởi xướng ''phong trào Thơ mới đã làm rung chuyển cả những truyền thống văn học từ bao thế kỷ ở trong xứ và cũng phóng ông lên địa vị lãnh đạo các đoàn thể văn học. Giá trị của công việc ông về việc bản dịch Kinh Thánh năm 1926 vẫn còn được các độc giả Việt Nam ưa thích''(16).
Về giá trị của bản dịch Kinh Thánh năm 1926, nhà báo Vu Gia viết: “Nhìn chung, đây bản dịch tốt Nhưng nói như vậy chẳng khác nào khen phò mã tốt áo bởi thời gian đã khẳng định bản dịch ấy rồi''(17).
Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Kinh Thánh cả Tân Ước, Cựu Ước của hội đạo Tin Lành, người ta bảo ông (Phan Khôi) dịch thuê, khi ấy ở Hải Phòng, tôi cũng có đọc. Có chương Nhã Ca lời rất thơ” (18). Trong tác phẩm Người Quảng Nam, nhà thơ Lê Minh Quốc viết về việc Phan Khôi dịch Kinh Thánh như sau: ''Giai đoạn này, ông đã làm một việc khó ai ngờ là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh Thánh cho hội Tin Lành. Bản dịch của ông câu cú gẫy gọn, trong sáng, văn phạm chuẩn mực, chứng tỏ một trình độ học vấn uyên thâm''(19). Thế nhưng, qua cuốn Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí Thơ mới, Vu Gia dẫn chứng tư liệu từ bài viết của Phan Khôi, thì ông dịch cuốn Kinh Thánh này qua bản tiếng Pháp. Cuốn Kinh Thánh này về sau được nhuận sắc nhiều lần, nhưng về cơ bản vẫn dựa trên ''cái nền'' của bản dịch năm 1926.
Nhà báo Vu Gia có viết: ''Là kẻ ngoại đạo, nên nghe nguôi biết chuyện nói vậy thì hay vậy, song khi đọc xong, tôi cũng tin bản dịch tôi đang có (cuốn Kinh Thánh do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1998) là bản dịch của Phan Khôi, hoặc ít ra 80% - 90% là của Phan Khôi. Vì khi đọc, tôi dễ dàng nhận ra chất-giọng-đặc-sệt-Quảng-Nam trong bản dịch. thể nói rằng, lật bất cứ trang nào, ta cũng thể gặp cái chất giọng đặc sệt Quảng Nam ấy''(20). Rồi Vu Gia dành hai trang (từ trang 382-384) để trích dẫn các câu Kinh Thánh mang đậm chất giọng Quảng Nam từ sách Sáng thế cho đến sách Công vụ các sứ đồ. Xin được trích một và câu trong rất nhiều câu mà Vu Gi đã dẫn trong sách của mình như sau (chỉ trích những trang đậm chất giọng Quảng Nam mà thôi): hột (Sáng thế ký 1:11), Mà chi? (Sáng thế ký 3:1), hè! (Sáng thế ký l1:l), Ngộ (Sáng thế ký 18:30), lấy chi (Luca 14: 34),  giữ lấy y như (1 Cô rinh tô 15:2)... Ngoài ra, ông còn dành đến gần 6 trang trong sách của mình (từ trang 385 - 390) để trích những câu Kinh Thánh trong các sách Văn thơ từ Gióp cho đến Nhã ca mà nhiều người cho là Phan Khôi dịch hay nghe như... thơ.
               Những đóng góp của Phan Khôi cho nền văn chương nước ta quả là không nhỏ, trong đó có bán dịch Kinh Thánh (Tin Lành) của ông là một đóng góp khá xuất sắc.

Chú thích:
(1)   Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, NXB. Văn Học, tr. 366.
(2) Lê Minh Quốc, Người Quảng Nam, NXB. Đà Nẵng, 2007, tr.272.
(3) Lê Minh Quốc, sđd, tr.270.
(4) Nguyễn Vỹ, sđd, tr.376.
(5) Vu Gia, Phan Khôi- Tiếng Việt Báo chí và Thơ mới, NXB Đại Học Quốc Gia TPHCM, 2003, tr.564.
(6) Bài thơ này đă được khắc trên bia mộ của ông tại xứ Cửa Truông, thôn Tân phong, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và cũng được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc. Chúng tôi xin trích lại bài thơ này để bạn đọc cùng tham khảo.
(7) Vu Gia sđd, tr.544.
(8) Vu Gia sđd, tr.530.
(9) Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ cha tôi - Phan Khôi, NXB Đà Nẵng, 2001.
(l0) Nguyễn Vỹ, sđd, tr.367.
(11) Nguyễn Q.Thắng, Quảng Nam - Đất Nước và Nhân Vật, NXB. Văn Hóa Thông Tin, tr.604.
(12) Trần Mạnh Thường, Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXB Hội Nhà Văn, 2003, tr.874.
(13) Vu Gia sđd, tr.52.
(14) Vu Giạ sđd, tr.380, 380. .
(15) Nguyễn Thanh Xuân, Bước đầu tìm hiểu Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và ở Việt Nam (Lưu hành nội bộ), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, tr.373.
(16) Mục sư Lê Hoàng Phu, Ph.D, L. Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, 1911- 1965, tr.111.
(17) Vu Gia sđd, tr.390.
(18) Vu Gia sđd, tr.384.
(19) Lê Minh Quốc, sđd, tr.273.
(20) Vu Gia sđd, tr.382.