Một
người chị chia sẻ với tôi: “Mừng quá em ạ, sinh nhật 17 tuổi, chị tặng con gái
một chiếc áo lụa, có thế thôi mà con bé chỉ thích đồ jean bụi phủi ấy nữ tính
hẳn ra, giống như chị có một cô con gái khác vậy”.
Tại sao lại không chứ? Bởi vì lụa không chỉ là
một loại vải vóc đơn thuần, lụa chứa trong nó cả một trời nữ tính và huyền
thoại mê hoặc. Lụa sinh ra như một quà tặng từ trời đất, từ thiên nhiên cây cỏ,
từ bàn tay cần mẫn khéo léo của người dệt vải. Sẽ thiệt thòi biết bao nếu suốt
cuộc đời người phụ nữ chưa từng được khoác lên mình một tấm áo lụa.
Cầm
trên tay một vuông lụa, ta biết ơn con tằm, và phải học cái hạnh đẹp đẽ của con
tằm. Từ “tằm kiến” đến “tằm ăn rỗi”, vòng đời ngắn ngủi trong một mùa trăng,
sống nhờ chiếc lá dâu xanh, tích những mưa nắng dãi dầu của thế gian để nhả ra
sợi tơ vàng óng. Dâng tặng cho đời một món quà quý giá, rồi lặng lẽ hoàn thiện
một kiếp đời vẫn không quên cái nghĩa “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.
Mang
trên mình một chiếc áo lụa mỏng manh, nhưng dầy và ấm làm sao công lao của
những người đã làm nên vật phẩm nặng nghĩa tình ấy. Hái dâu, chăn tằm, quay tơ,
dệt lụa, những công việc tảo tần theo suốt cuộc đời một người phụ nữ nông thôn
Việt Nam xưa, như trong thơ Nguyễn Bính: “Hoa đỗ ván nở mùa xuân/Lứa dâu tháng
tháng, lứa cần năm năm/ Em tôi là gái mười lăm/Quét sân chạy chợ chăn tằm sớm
trưa”.
Người
con gái đáng yêu biết nhường nào vì “Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa
quanh năm với mẹ già/ Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ
làng xa” mà khi cất bước sang ngang,
vẫn nặng lòng thủ thỉ: “Em ơi, em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương”.
Phụ
nữ Việt không phải ngẫu nhiên mà ví đời mình với lụa, “Thân em như tấm lụa
đào/Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Nghe thương thương làm sao nỗi lòng của
những hạt mưa sa khi mọi yêu ái, buồn khổ cứ phải nương theo tay người. Bao
nhiêu thế kỷ đã qua, mà lời hát buồn của tấm lụa đào cứ còn vương vấn mãi.
Người
sành sỏi xem việc dùng lụa là một thú chơi, người tinh đời là người chạm tay
vào mặt vải đã phải nhận ra đâu là tơ loại thượng, loại trung, loại hạ. Ở miền
Bắc, tơ mùa lạnh được chuộng hơn tờ mùa nực, bởi tằm, bởi lá dâu theo thời khí
ôn hòa mà mỡ màng hơn. Sợi tơ bóng bẩy, không sùi lông, trị số tơ phải đều mới
cho sợi tốt. Lạc vào thế giới của lụa, phải biết nhìn ra đâu là lụa vân, lụa hoa, lụa trơn, gấm ngũ, gấm hồng, gấm vàng, đâu
là the, sa, đoạn, lĩnh, vóc, đũi, sa tanh để mà tùy y chọn vải.
Thời
xưa, thứ quý giá như lụa vân trơn mướt mát tay chuyên dùng để làm cho con gái
nhà quyền quý áo xống thướt tha, còn vải đũi cho con gái nhà nghèo may chiếc
váy đũi, chiếc yếm sồi, chiếc quần nái đen, thô dày một chút nhưng “ăn chắc mặc
bền”.
Vì
lụa mà tay tiên múa khúc họa đồ, viết nhạc, vì lụa mà nhà thơ Nguyên Sa phải
thốt lên: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”
và “Guốc cao, gót nhỏ, mây vào gót/ Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ”. Hay
trong thơ Nguyễn Tất Nhiên còn mãi một giấc mơ: “Đài các chân ngà ai bước
khẽ/Quyện theo tà lụa cả phương Đông”.
Lụa
mang theo mình bao nhiêu huyền bí, mang theo tích cổ về nàng công chúa Thiều Hoa
con gái Hùng Vương, vì thương dân mà lặn lội vào rừng sâu tìm ngài kén trứng.
Lụa khiến ta nhớ đến người con gái hái dâu ở Kinh Bắc, thấy xa giá nhà vua vẫn
chỉ tựa gốc cỏ lan trông ra đã trở thành hoàng hậu rồi nhiếp chính của vương
triều Lý. Người đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo bị bán do
ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ, sưởi ấm bao nhiêu cõi lạnh
lùng.
Công
nghệ dệt may thời nay đem đến cho con người hàng ngàn loại vải, có cả loại vải
tân tiến như vải tự làm mát, vải chống nhàu, chống cháy... Con gái thời nay có
thể bị cuốn hút vì đồ jean khỏe mạnh từ một đất nước xa xôi nào đó, nhưng làm
sao lại không dành một góc trong lòng mình để xuyến xao cùng lụa?
Vì
lụa là hồn cốt ông bà mình, vì lụa chứa trong đó bao nhiêu những vân vi của vũ
trụ không cùng. Lụa đưa mình về với thiên nhiên cỏ cây hoa lá, để mang ơn đất
trời đã tặng cho con người một vật phẩm tinh túy biết nhường nào. Từng sợi tơ
mong manh mà vĩnh cửu như lẽ sống, như tình đời, kéo muôn lần không đứt, vò muôn
lần không tan.
Từ đất Mẹ Qui Nhơn, chúng tôi
xin trân trọng gởi đến anh Chủ Tịch, Ban Chấp Hành và quý anh chị em
thành viên của Hội Thân Hữu Qui Nhơn Hải Ngoại lời chào thân ái, lời
cầu chúc sức khỏe và an lành. Tuy xa cách anh chị em về không gian nhưng
lòng chúng tôi vẫn kề lòng với anh chị em. Chính anh chị em là một
thành phần không thể thiếu trong gia đình giáo phận. Anh chị em luôn thể hiện
tấm lòng của những người con đầy lòng yêu thương thảo hiếu đối với Mẹ giáo
phận Qui Nhơn. Chúng tôi không thể nào không nhớ đến anh chị em và những công sức
mà anh chị em góp phần xây dựng giáo phận. Trong tâm tình hiệp thông chúng tôi xin
chia sẻ với anh chị em một số sinh hoạt của giáo phận mà chính anh chị em đã và
đang đóng góp một phần không nhỏ làm cho ngày càng khởi sắc hơn.
Trước hết, như anh chị em biết toàn giáo phận chúng ta
đang thực hiện chương trình chuẩn bị mừng năm thánh 2018 nhân dịp kỷ niệm 400
năm (1618-2018) hạt giống Tin Mừng lần đầu tiên được gieo tại Nước Mặn, phần
đất ghi nhiều dấu ấn lịch sử thuộc giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Từ nay đến 2018
còn 6 năm và mỗi năm công cuộc chuẩn bị sẽ được khai triển theo một chủ đề sống
cho mọi thành phần Dân Chúa nhằm vừa xây dựng đời sống đạo đức của cá nhân và
cộng đoàn, vừa đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trên toàn giáo phận theo gương
các bậc tiền nhân. Trong ba năm
đầu sẽ hướng về cộng đoàn Dân Chúa, ba năm sau hướng đến các anh chị em lương
dân. Cụ thể chủ đề sống năm 2012: sám hối- thanh tẩy; năm 2013: củng cố niềm
tin; năm 2014: gia tăng đức ái; năm 2015: chiếu tỏa niềm tin; năm 2016: cậy
trông phó thác; năm 2017: yêu thương phục vụ, và năm 2018: tri ân cảm tạ.
Trong tinh thần đó, năm 2012 nầy giáo phận mời gọi tất
cả hãy cùng nhau thanh tẩy cuộc sống bằng tâm tình sám hối. Chúng tôi đã có văn
thư hướng dẫn cụ thể thực hiện chủ đề sống nầy. Theo đó, để có thể sám hối cách
chân thành và quyết liệt, chúng ta đừng ngại nhìn thẳng vào các lỗi lầm thiếu
sót của mình và nêu đích danh chúng, không quanh co, khỏa lấp hay tự bào chữa,
trái lại cố gắng khám phá nguyên nhân sâu xa của chúng để có thể sửa chữa tận
căn. Việc sám hối và thanh tẩy kéo dài suốt cả năm và sẽ không bao giờ kết
thúc.
Giáo phận cũng đang tiếp tục cho xây dựng những cơ sở
vật chất góp phần làm tôn vinh Chúa và việc thờ phượng Chúa cho xứng đáng.
Chẳng hạn giáo phận đã khánh thành và cung hiến nhà thờ Đông Mỹ, giáo
hạt Phú Yên (09.02.2012), khánh thành và làm phép nhà thờ Hòa Dõng thuộc giáo
xứ Phù cát 20.11.2011. Đặc biệt vào ngày 05/08/2011 giáo phận đã khánh
thành và làm phép đài kỷ niệm tại Nước Mặn là địa điểm đầu tiên Tin Mừng đến
với giáo phận. Hiện trong giáo phận đang tiếp tục nhiều công trình xây dựng như
nhà thờ Phú Mỹ (hạt Quảng Ngãi), nhà thờ giáo họ Chợ Mới (giáo xứ
Mằng Lăng), nhà thờ Hội Lộc, nhà thờ Vườn Vông và đang tiến hành các thủ
tục cần thiết để có thể xây dựng lại nhà thờ Công Chánh (hạt Bình Định), đặc
biệt đang trùng tu, sửa chữa đền thánh Stêphanô Vĩnh Thạnh (Gò Bồi).
Trong tương lai sắp đến giáo phận chúng ta cũng dự định
sẽ khởi công xây dựng một bệnh viện với tên gọi: «Mẫu tâm». Đó là một dự án
lớn, lâu dài, rất tốn kém và cần đến sự hỗ trợ từ nhiều phía. Hơn nữa, đó còn
là một mơ ước từ lâu của giáo phận. Một ước mơ yêu thương phục vụ, mong góp
phần xoa dịu đau khổ của bao người; một ước mơ cao quý, mong sao cho trái tim
từ mẫu dịu dàng của Mẹ Hội Thánh được rạng ngời trên quê hương thân yêu chúng
ta. Chúng tôi tha thiết mời gọi tất cả hãy cầu nguyện và tích cực góp công góp
của để dự án sớm được thực hiện và ước mơ mau trở nên hiện thực.
Bên cạnh đó, vào ngày lễ Thánh Giuse thợ vừa qua 01.05.2012,
giáo phận đã qui tụ một số chị em sống thành
cộng đoàn theo một linh đạo riêng dưới sự hướng dẫn đào tạo của quý nữ tu Dòng
Mến Thánh Giá Qui Nhơn, để từ đó trong tương lai sẽ hình thành một Hội dòng có
thể phục vụ giáo phận trong nhiều việc, dù bé nhỏ nhất. Hy vọng về sau các chị
em nầy sẽ góp phần hữu hiệu làm phong phú hơn, khởi sắc hơn cho đời sống giáo
phận cũng như sẽ đáp ứng các nhu cầu nảy sinh ngày càng nhiều và mới theo thời
thế.
Anh chị em thân mến,
Ngày 29.06.2012 sắp đến,
giáo phận sẽ có 8 thầy mãn thần học, đang thực tập mục vụ tại các giáo xứ sẽ
được lãnh nhận tác vụ phó tế và sau đó một thời gian sẽ lãnh nhận thiên chức
linh mục. Ngoài ra năm học 2012-2013 sẽ có 8 thầy được gửi vào Đại Chủng Viện
và tổng số đại chủng sinh sẽ là 43 người. Vừa qua giáo phận đã có
sự thuyên chuyển và bổ nhiệm nhân sự để tăng cường hiệu quả công
việc mục vụ hơn: Cha hạt trưởng hạt Phú Yên Giuse Trương Đình Hiền về làm
hạt trưởng hạt Quảng Ngãi và cha hạt trưởng Quảng Ngãi Phêrô Đặng Son về làm
hạt trưởng hạt Phú Yên. Đồng thời còn có sự thuyên chuyển bổ nhiệm cha sở tại
các giáo xứ: Ghềnh Ráng, Qui Hiệp, Công Chánh, Phú Hữu. Mùa hè năm nay sẽ có cha Giuse Võ Tá Hoàng du học tại
Rôma và cha Anrê Đoàn Văn Điểm du học tại Austria sẽ trở về giáo phận thân yêu để
làm việc.
Nhờ các Ban Mục vụ mà sinh hoạt
trong giáo phận ngày càng nhịp nhàng và hiệu quả hơn. Nhiều sinh hoạt bổ ích vẫn
được tiến hành hàng năm như đào tạo Ban Chức Việc, Giảng viên giáo lý, Linh
Hoạt viên, tổ chức tĩnh tâm và thường huấn cho các linh mục. Giáo phận với
sự kín đáo phục vụ cũng không ngừng nỗ lực và chú trọng công cuộc bác
ái và cứu trợ không phân biệt lương giáo. Quý anh chị em trong Hội thân
Hữu Qui Nhơn đã luôn đồng hành với giáo phận qua những biến cố vui buồn. Anh
chị em đã đóng góp vật chất và nâng đỡ tinh thần nhằm san sẻ gánh
nặng công việc chung của giáo phận. Đó là những tấm lòng đáng quý biết
bao.
Kính thưa anh chị em,
Năm nay giáo phận muốn khơi dậy
lòng trong mọi thành phần Dân Chúa nhiệt tình truyền giáo và lòng yêu mến giáo
phận khi đề cao Á thánh Anrê Phú Yên, người chứng thứ nhất, vị tử đạo tiên khởi
ởViệt Nam. Ngày 26.07.2012 sắp tới, giáo phận
sẽ tổ chức trọng thể lễ tôn vinh Á Thánh Anrê Phú Yên ngay trên quê hương của
Ngài, giáo xứ Mằng Lăng. Nhiều nơi trong Giáo Hội Việt Nam tôn vinh Á Thánh
Anrê Phú Yên như một Đấng Bổn Mạng đáng suy gẫm, đáng tưởng nhớ và đáng noi
theo. Thầy giảng Anrê Phú Yên đã được chọn đứng trong hàng ngũ mười vị thánh
tiêu biểu cho giới trẻ ngày nay.
Á thánh Anrê đã dám sống dám chết
vì đức tin và cho xã hội được tốt đẹp hơn. Chỉ bốn năm sống đời thầy giảng,
thầy đã tỏ mình là một thanh niên lanh lợi, không những thông thạo kinh bổn
trong đạo mà còn thuộc lòng sách các thánh hiền thời đó. Nơi thầy có sự hòa hợp
văn hóa Á đông với giáo lý Kitô giáo. Rất nhiều đồng bào lương bấy giờ hết sức
ngưỡng mộ lòng can đảm bất khuất của chàng trai này. Họ một lòng quý mến thầy
và không chút nghi kỵ, hận thù nào. Á thánh Anrê để lại cho chúng ta nhiều kinh
nghiệm sống đạo độc đáo và sống động.
Trong cuộc triều yết vào chiều
ngày phong chân phước cho Thầy giảng Anrê Phú Yên, ngày 5 tháng 3 năm 2000 tại
Rôma, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cập đến Anrê Phú Yên trước tiên. Ngài
nói: “Vị thánh này tuy rất xa xưa, nhưng cũng rất hiện đại”. Xa xưa, vì là vị
tử đạo đầu tiên của Việt Nam, ngày 26.07.1644. Hiện đại, vì với một tinh thần
kiên cường, một lòng mến Chúa sắc son, thầy chăm lo phần rỗi các linh hồn và là
một giáo lý viên nêu gương sáng cho mọi người. Thầy giảng Anrê Phú Yên đã sống
hết mình vì Chúa và nhắn nhủ với mọi người rằng “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu
cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Thầy đã có lần bày tỏ: “Ước chi tôi có được
ngàn mạng sống để dâng hiến tất cả cho Chúa hầu đáp đền ơn Ngài”.
Năm nay giáo phận muốn đặc biệt
nêu gương Á thánh Anrê để giúp mọi người sống đức tin vững mạnh và đức ái nồng
cháy, nêu gương mến Chúa yêu người. Chúng ta hãy hiệp lòng cầu nguyện cho nhau để
ngọn lửa nhiệt tình Nhà Chúa lan rộng hơn nữa, đốt nóng mọi con tim để tất cả sẵn
sàng hy sinh cho phần rỗi các linh hồn theo gương anh dũng của Á Thánh Anrê Phú
Yên.
Anh chị em quý mến,
Trong tình hiệp thông, chúng tôi xin chia sẻ
với anh chị em những sinh hoạt và những dự tính của giáo phận. Tất cả đều là
hồng ân của Chúa. Giáo phận Qui Nhơn không thể phát triển nếu thiếu ơn Thánh
Chúa và sự cộng tác nhiệt thành của mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài giáo
phận. Thay mặt giáo phận, một lần nữa chúng tôi xin chân thành gởi lời cám
ơn đến từng người trong anh chị em. Xin anh chị em tiếp tục trợ giúp cho
nhiều công cuộc của giáo phận trong thời gian sắp tới. Nguyện xin Thiên Chúa
Ba Ngôi, qua lời cầu bàu của Á thánh Anrê Phú Yên ban muôn ơn lành hồn xác
cho các gia đình và từng người anh chị em.
Tòa Giám Mục Qui
Nhơn, ngày 24 tháng 06 năm 2012
- Trung Quốc nổi tiếng với khả năng
sao chép trong mọi lĩnh vực: từ túi xách, mỹ phẩm, các sản phẩm hàng hiệu, đồ
điện tử và thậm chí các hệ thống cửa hàng như Ikea hay Apple. Nhưng việc nguyên
cả một làng quê "được" người Trung Quốc sao chép thì quả là hiếm
thấy. Điều này có cội rễ của nó.Tuy nhiên đây là điều vừa diễn ra với một làng
quê nước Áo vốn được UNESCO xếp hạng di sản thế giới. Bản sao của nó vừa được
khánh thành đầu tháng 6 tại tỉnh Quảng Đông. Cần phải nói thêm rằng sao chép và
làm nhái có cội rễ sâu trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Hallsatt là
một làng cổ nhỏ với 800 hộ dân, được Unesco công nhận di sản thế giới từ năm
1997 bởi giá trị kiến trúc đặc sắc cũng như những phát hiện khảo cổ thời đại đồ
sắt vốn được các nhà khoa học thừa nhận từ hàng trăm năm nay. Ngôi làng này đã
lo lắng khi biết tin làng bị người Trung Quốc copy giống như cách họ vẫn nhái
một chiếc áo nhãn hiệu Nike tại Quảng Đông.
Tập đoàn địa
ốc Minmetals Land cho sao nguyên bản làng quê Áo cổ kính kia và bán cho những
người lắm tiền nhiều của với giá 9.000 NDT cho mỗi mét vuông căn hộ (khoảng 30
triệu đồng).
Việc sao y
bản chính toàn bộ ngôi làng ban đầu khiến người dân Áo ở làng Hallstatt nổi
giận và kiếm tìm các biện pháp tư pháp để chống lại dự án của người Trung Quốc,
nhưng cũng với thời gian họ từng bước chấp nhận và xem như đó là một hình thức
quảng cáo hữu hiệu cho "bản gốc". Thậm chí Alexander Scheutz, thị
trưởng của làng quê thơ mộng nhỏ bé thuộc vùng Salzhammergut này còn tới Quảng
Đông tham gia lễ khánh thành làng "mới" và ký kết các văn kiện trao
đổi văn hóa.
Năm 2005 chỉ
có chừng 50 người Trung Quốc trong số hàng trăm nghìn du khách tới thăm
Hallstatt hàng năm nhưng kể từ khi dự án "làng copy" được khởi công
thì đã có thêm hàng nghìn du khách người Trung Quốc tới khám phá "làng
nguyên tác" và đem lại thêm nguồn thu du lịch đáng kể cho làng quê này.
Tạp chí Tấm
gương (Der Spiegel) cho biết thêm là tại ngoại ô Thượng Hải có rất nhiều làng
quê đặc trưng châu Âu được copy nguyên bản từ làng kiểu Đức, Anh, Tây Ban Nha,
Bắc Âu đến Pháp…. Tại thành phố Thiên Tân, người ta cho xây dựng hàng loạt công
trình sao chép y nguyên các kiến trúc châu Âu cổ như cầu Alexandre III, đại lộ
Libération với những tòa nhà y hệt Paris đầu thế kỷ 20, một dự án xây dựng sao
chép nguyên bản lâu đài nổi tiếng Chambord của Pháp cũng đang được lên kết
hoạch. Người Trung Quốc dường như rất ngưỡng mộ kến thúc châu Âu.
Một phái
đoàn Áo vốn có mối quan hệ làm ăn với các thương gia Hồng Kong đã phát hiện ra
làng "dỏm" này. Tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) nhắc lại rằng chẳng
có gì khó khăn để có chụp ảnh một cách chi tiết kiến trúc của làng quê này dưới
mọi góc độ khi hàng năm có tới 800.000 người tới thăm quan nơi này. Từ những
ngôi bằng gỗ với kiến trúc đặc trưng cho tới những chậu hoa nhỏ treo trên ô cửa
sổ và một khu hồ tuyệt đẹp với rừng cây nằm ngay cạnh làng.
Một ngôi
làng di sản đó không chỉ đơn thuần là những đường nét kiến trúc mà chứa đựng cả
tâm hồn bên trong, với những những câu chuyện của thời gian. Làng quê
"dỏm" nằm cạnh một khu hồ nhân tạo ở tỉnh Quảng Đông dưới không khí
nóng ẩm miền nhiệt đới không có điểm gì chung với làng quê cổ kính nằm trên
triền núi ở nước Áo xa xôi., giống như chúng ta thăm quan bản sao của tháp
Eiffel được tách rời khỏi khung cảnh Paris! Bởi vì sao chép nguyên cả một ngôi
làng cổ kính tách rời khỏi khung cảnh văn hóa của nó cũng ngớ ngẩn như những
đại gia mới nổi sẵn sàng bỏ ra đống tiền của để xây dựng các lâu đài tráng lệ
sao chép y chang các lâu đài cổ ở Pháp.
Sao chép hay
sáng chế là chủ đề ít được đặt ra khi nói chuyện với người Trung Quốc, dường
như đa số người dân nước này không thấy sự khác biệt giữa hai khái niệm này.
"Chúng
ta luôn tự tán tụng tứ đại phát minh của người Trung Hoa (La bàn, thuốc súng,
nghề làm giấy và in ấn), nhưng với một nền văn minh lâu đời có lịch sử tới năm
nghìn năm thì tôi chẳng thấy có gì để mà tự hào thái quá", Wang Fuzhong,
phó giám đốc trung tâm nghiên cứu tài chính của Đại học Hàng không và vũ trụ
Bắc Kinh thẳng thắn nói trong một chương trình của đài truyền hình Phượng
Hoàng. Rất tiếc là không nhiều người Trung Quốc có được cái nhìn tỉnh táo và
thẳng thắn như ông này
Quan niệm về
sao chép của người Trung Quốc
Huyền thoại
về việc sáng tạo ra chữ viết được gắn liền với vua Phục Hy (cũng được tôn vinh
là người sáng tạo ra mọi thứ khác như dạy dân nấu ăn, dùng lưới đánh cá, và săn
bắn bằng vũ khí sắt), cũng có truyền thuyết xem đó là sáng tạo của đại quan
Thương Hiệt (Cangjie) người có 2 đôi mắt (khoảng 2650 trước công nguyên).
Từ việc bắt
chước các đường nét ký hiệu mà sản sinh ra hàng ngàn chữ Hán khác.
Trẻ em Trung Quốc học bắt chước đến mức thành thục các ký tự chữ Hàn bằng cách
viết đi viết lại hàng ngàn lần. Nói cách khác, thư pháp dựa trên nền tảng
"nghệ thuật bắt chước tài tình" những gì cha ông để lại.
Từ xa xưa
các danh họa cổ điển Trung Quốc vẽ hàng chục bức tranh và sao chép một cách chi
tiết bản gốc để bán kiếm tiền. Với quan niệm của người Trung Quốc thì sao chép
giống bản gốc cũng là một tài năng được thừa nhận và ngợi ca. Nói cách khác,
sao chép và bắt chước bén rễ sâu trong văn hóa cũng như tâm thức của người
Trung Hoa.
Sáng chế làm
gì?
Chuyên gia
người Pháp về văn hóa Trung Hoa Cyril Javary đã lý giải tại sao ở Trung Quốc
sáng tạo không phải là một cái gì đó đột phá mà chỉ là một sự xếp đặt một cách
độc đáo các yếu tố có sẵn từ trước. Nghệ thuật, đặc biệt là hội họa và thơ ca
là những ví dụ điển hình cho triết lý này.
Tại Trung
Quốc tính "đích thực" của một đồ vật không mấy hệ trọng và việc sao
chép được coi trọng không thua kém gì tìm tòi ra cái mới.
Thêm một lý
giải về mặt văn hóa khác là người Trung Quốc không thấy có vấn đề gì đối với
việc sao chép và bắt chước, trái lại sao chép và bắt chước được xem xem như một
dạng chia sẻ (trí tuệ, công nghệ), một kiểu tinh thần cộng đồng của Châu Á,
khác hẳn với tinh thần đề cao cá nhân của người phương Tây.
Về kinh tế,
quy luật thị trường đặt ra nguyên tắc muốn làm giàu cần phải sản xuất ra những
thứ có thể bán chạy. Các sản phẩm của phương Tây bán rất chạy, cho nên đơn giản
là người Trung Quốc cần phải sao chép chúng.
Ngoài ra cần
phải thêm vào sức nặng của thứ bậc và tôn ti xã hội, một phần di sản của Khổng
giáo: Tập thể luôn đứng trên cá nhân và không đánh giá cao các sáng kiến cá
nhân trong hệ thống giáo dục và và chính trị.
Đặng Tiểu
Bình đã khởi xướng những cải cách để phát triển kinh tế đất nước, ông nhiệt
liệt khuyến khích việc sao chép kỹ thuật phương Tây vốn đã được thực tế kiểm
chứng. Tại các đặc khu kinh tế, các nhà máy bắt đầu sản suất các sản phẩm bán
chạy mà không cần có một sáng chế cải tiến nào. Trái ngược với phương Tây, từ
lâu TQ không ký kết các công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ cũng như không
xây dựng hệ thống pháp luật bảo hộ trong lĩnh vực này.
TQ có được
sự phát triển mạnh mẽ dựa trên việc sao chép các phương pháp sản xuất cũng như
các sản phẩm phương tây. Ban đầu thì việc này không bị cấm đoán nếu không muốn
nói còn được khuyến khích ngầm. Người ta sao chép các sản phẩm phương Tây mang
lại thặng dư cho kinh tế quốc gia, từ những năm 1990 thế giới chứng kiến sự
bùng nổ hàng nhái ở TQ.
Sản xuất
hàng nhái là một lĩnh vực công nghiệp rất mạnh ở TQ, có tới 80% sản phẩm nhái
tiêu thụ trên thế giới này có nguồn quốc TQ.
Theo số liệu
ước tính của các nhà kinh tế, hàng nhái chiếm từ 15% đến 30% sản xuất công
nghiệp quốc gia và đóng góp tới 8% GPD và tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu
người lao động. Quả thực là chính phủ TQ không có nhiều lợi ích để cấm đoán
việc sản xuất hàng giả.
Sao chép và
bắt chước có cội rễ xa xưa trong văn hóa truyền thống cũng như tâm lý của người
Trung Quốc. Việc sản xuất hàng giả hàng nhái tràn lan với sự khuyến khích ngầm
của chính quyền chỉ là hình thức thể hiện hiện đại của thói quen lâu đời đó. Việc
sao y bản chính cả một làng quê di sản được xếp hạng bởi UNESCO có lẽ cũng
không làm nhiều người ngạc nhiên.
Nghịch lý
nằm ở chỗ người Trung Quốc sẵn sàng sao chép và copy các di sản của các nước
phương Tây nhưng lại không ngại ngần phá bỏ chính các di sản ngàn năm vốn rất
đặc sắc của mình. Chúng ta hẳn chưa quên việc người ta đã san phẳng không
thương tiếc nhiều di sản kiến trúc ở thủ đô Bắc Kinh để xây dựng các công trình
phục vụ cho Thế vận hội 2008 bất chấp nhiều ý kiến phản đối của những người bảo
vệ di sản văn hóa trong cũng như ngoài nước.
(Diễn từ Nobel hoà bình củaAung San Suu Kyi, được trao giải năm 1991- đọc diễn từ ngày 16-6-2012
tại Oslo, Na-Uy)
Thưa Đức Vua và Hoàng hậu, thưa các vị trong Hoàng gia, thưa các
vị khách quý, các thành viên của Ủy ban Nobel Na-Uy, và các bạn thân mến,
Nhiều năm trước, đôi khi tưởng như đã qua nhiều cuộc đời, tôi đã
từng nghe chương trình phát thanh “Desert Island Discs” (Bộ dĩa nhạc Hoang Đảo)
với con trai nhỏ của tôi là Alexander ở Đại học Oxford. Đó là một chương trình
nổi tiếng (mà theo tôi biết ngày nay vẫn còn đang tiếp tục), ở đó có những người
nổi tiếng từ mọi thành phần trong xã hội được mời để nói về tám đĩa nhạc, một
cuốn sách, bên cạnh Kinh Thánh và bộ tác phẩm của Sheakspeare, với một vật xa
xỉ mà họ muốn có bên mình nếu như họ bị bỏ lại ngoài một hoang đảo. Khi chương
trình kết thúc, cả hai chúng tôi đều thích thú, Alexander hỏi tôi có nghĩ rằng
một ngày nào đó mẹ có thể được mời nói chuyện trong chương trình này không.
“Tại sao lại không?”, tôi đã nhẹ nhàng trả lời cháu. Vì Alexander biết rằng nói
chung chỉ những người nổi tiếng mới tham gia chương trình này, cháu tiếp tục
hỏi tôi với một sự quan tâm thành thật, rằng tôi nghĩ tôi có thể được mời vì lý
do gì. Tôi nghĩ trong giây lát rồi trả lời; “Có thể vì mẹ sẽ được giải Nobel về
văn chương”, và cả hai chúng tôi cùng cười. Dự đoán này nghe có vẻ thú vị nhưng
rất khó thành hiện thực.
(Giờ đây tôi không nhớ nổi tại sao tôi lại trả lời như thế, có lẽ
vì lúc đó tôi vừa đọc một quyển sách của một tác giả được trao giải Nobel, hay
có lẽ vì danh nhân xuất hiện trong chương trình Hoang Đảo đã là một nhà văn nổi
tiếng.)
Năm 1989, khi người chồng quá cố của tôi (Michael Aris) đến thăm
tôi trong kỳ hạn đầu của quản thúc tại gia, anh ấy nói rằng một người bạn của
anh là John Finnis đã đề cử tôi cho Giải Nobel Hòa bình. Lần đó tôi cũng cười.
Ngay lúc đó, Michael có vẻ kinh ngạc, rồi anh nhận ra tại sao chuyện đó lại làm
tôi cảm thấy buồn cười. Giải Nobel Hòa bình? Một viễn ảnh đẹp, nhưng hoàn toàn
bất khả! Vậy thì tôi cảm thấy như thế nào khi tôi thực sự được trao giải Nobel
vì Hòa bình? Câu hỏi này đã được đặt ra với tôi nhiều lần và đây chắc chắn là
dịp thích hợp nhất để xem giải Nobel có ý nghĩa như thế nào đối với tôi, và hòa
bình có ý nghĩa gì đối với tôi.
Như tôi đã nói nhiều lần trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, tôi
đã nghe tin tức về việc tôi được chọn trao giải Nobel Hòa bình trên đài phát
thanh vào một buổi tối. Tin tức ấy không đến với tôi cùng với sự ngạc nhiên bất
ngờ vì tôi đã được nêu tên như một ứng viên được đề cử trong một số chương
trình truyền hình trước đó vài tuần. Khi thảo bài nói chuyện này, tôi đã hết
sức cố gắng nhớ lại xem phản ứng tức thời của tôi lúc nghe thông báo ấy là như
thế nào. Tôi nghĩ, tôi không còn chắc chắn lắm, là một cái gì đại loại như: “Ồ!
Vậy là họ đã quyết định trao giải thưởng ấy cho tôi”. Có vẻ như nó không hoàn
toàn là thực, vì theo một nghĩa nào đấy tôi đã không cảm thấy chính tôi đang
tồn tại hoàn toàn thực vào lúc đó.
Thường trong những ngày bị quản thúc tại gia, có cảm tưởng như tôi
không còn là một phần của thế giới thực nữa. Đã có một căn nhà vốn từng là thế
giới của tôi, đã có một thế giới của những người khác cũng không có tự do nhưng
đã cùng sống chung nhau trong nhà tù như một cộng đồng, và có một thế giới của
những người tự do; mỗi thế giới đó là một hành tinh khác biệt theo đuổi đường
đi của nó trong một vũ trụ dửng dưng. Điều mà giải Nobel Hòa bình đã làm là một
lần nữa kéo tôi trở về thế giới của con người ngoài khu vực bị cô lập mà tôi đã
sống; là khôi phục cảm giác về thực tại đối với tôi. Điều này tất nhiên không
xảy ra ngay tức thì, nhưng khi ngày tháng trôi qua và tin tức về những phản ứng
đối với giải thưởng đến tôi qua làn sóng phát thanh đã lắng xuống, tôi bắt đầu
hiểu ý nghĩa quan trọng của giải Nobel. Nó đã làm tôi trở về thực tại một lần
nữa; nó kéo tôi trở về cộng đồng con người rộng lớn. Và điều quan trọng hơn nữa
là giải Nobel đã thu hút sự chú ý của thế giới vào cuộc đấu tranh cho dân chủ
và quyền con người ở Miến Điện. Chúng tôi sẽ không bị quên lãng.
Bị quên lãng. Người Pháp nói rằng chia ly là đã chết đi một ít. Bị
quên lãng cũng chính là chết đi một ít. Đó là sự mất mát những mối dây liên kết
neo giữ chúng ta với nhân loại. Khi tôi gặp những người Miến Điện là lao động
nhập cư và tị nạn trong chuyến thăm gần đây của tôi tại Thái Lan, nhiều người
đã khóc: “Xin đừng quên chúng tôi!”. Họ muốn nói rằng: “Xin đừng quên cảnh ngộ
khốn cùng tuyệt vọng của chúng tôi, xin đừng quên làm những gì bà có thể làm để
giúp chúng tôi, xin đừng quên chúng tôi cũng thuộc về thế giới của bà” . Khi Ủy
ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho tôi, họ đã nhận ra rằng sự đàn áp và cô
lập của Miến Điện cũng là một phần của thế giới, họ đã nhận ra sự thống nhất
của nhân loại. Bởi vậy đối với tôi nhận giải Nobel Hòa bình về mặt cá nhân có
nghĩa là mở rộng mối quan tâm của tôi về dân chủ và quyền con người ra khỏi biên
giới quốc gia. Giải Nobel Hòa bình đã mở ra một cánh cửa trong tim tôi.
Khái niệm hòa bình của người Miến Điện có thể được giải thích như
hạnh phúc nảy sinh từ sự chấm dứt những yếu tố ngăn cản sự hài hòa và lành
mạnh. Từ nyein-chan dịch theo nghĩa đen là cái mát lành đến từ một ngọn
lửa đã bị dập tắt. Ngọn lửa của đau khổ và xung đột đang hoành hành dữ dội khắp
nơi trên thế giới. Ở đất nước của tôi, thái độ thù nghịch và hành động chiến
tranh vẫn chưa mất đi ở những vùng xa phía bắc; ở phía tây, bạo lực của các
nhóm chủng tộc và tôn giáo đối lập đưa tới kết quả đốt phá và giết người chỉ
mới xảy ra cách đây ít ngày trước khi tôi bắt đầu cuộc hành trình đưa tôi đến
đây hôm nay. Tin tức về những hành động tàn bạo ở những vùng khác trên trái đất
thì đầy dẫy. Những bài báo tường thuật về nạn đói, bệnh dịch, sự di tản, thất
nghiệp, nghèo khổ, bất công, kỳ thị, thành kiến, cuồng tín; tất cả đều là tình
trạng hàng ngày của chúng ta. Nơi nào cũng có những lực lượng tiêu cực gặm nhấm
nền tảng của hòa bình. Nơi nào cũng có thể thấy sự phung phí vật chất và nguồn
lực con người một cách thiếu suy nghĩ, những thứ cần cho sự bảo toàn hạnh phúc
và sự hài hòa trong thế giới của chúng ta.
Thế chiến thứ nhất tiêu biểu cho sự lãng phí kinh khủng tuổi trẻ và
tiềm năng, một sự hoang phí đầy tội ác đối với những sức mạnh tích cực trên
hành tinh của chúng ta. Bài thơ về kỷ nguyên này có một ý nghĩa quan trọng đối
với tôi khi tôi đã đọc nó lần đầu tiên vào lúc tôi bằng tuổi những người thanh
niên trẻ phải đương đầu với viễn cảnh bị héo tàn trước khi bừng nở. Một người
thanh niên Mỹ chiến đấu với lính lê dương Pháp đã viết trước khi bị giết năm
1916 là anh ta có thể gặp cái chết của mình “ở một chiến hào ghê tởm nào đó”,
“trên triền dốc đầy vách đá ở một ngọn đồi mòn vẹt”, “vào nửa đêm ở một thành
phố nào đó đang bốc cháy”. Tuổi trẻ và tình yêu, và cuộc sống đã chết mãi mãi
trong những nỗ lực vô nghĩa để chiếm lấy những nơi chốn không tên, không ai nhớ
tới. Và để làm gì? Gần một thế kỷ qua đi, chúng ta vẫn chưa tìm thấy một câu
trả lời thỏa đáng.
Ở mức độ ít bạo động hơn, phải chăng chúng ta không cảm thấy tội
lỗi về sự liều lĩnh, về sự phung phí liên quan đến tương lai của chúng ta và
nhân loại? Chiến tranh đâu phải là đấu trường duy nhất nơi mà hoà bình bị giết
chết. Bất cứ nơi nào sự đau khổ bị làm ngơ thì ở đó sẽ có mầm mống của xung
đột, bởi vì đau khổ làm hạ thấp con người, gây ra cay đắng và làm người ta nổi
giận.
Một điểm tích cực của cuộc sống trong sự cô lập là tôi có khá
nhiều thời gian để suy tư về ý nghĩa của những ngôn từ và khái niệm mà tôi từng
biết và từng chấp nhận trong cả cuộc đời. Là một Phật tử, tôi đã nghe về dukha,
thường được dịch là sự đau khổ, từ khi tôi là một đứa trẻ nhỏ. Gần như ngày nào
cũng thế, những người lớn, và có khi cũng chẳng phải là ngừơi già cho lắm,
những người quanh tôi thầm thì “dukha, dukha” khi họ phải chịu đựng nỗi
đau đớn thể xác hay nhức nhối tâm can, hay khi họ gặp phải điều gì đó rủi ro,
bực bội nho nhỏ. Tuy nhiên, chỉ trong những năm bị quản chế tại gia, tôi mới
nghiền ngẫm được rõ ràng bản chất của sáu điều gây đau khổ lớn. Đó là: sinh,
lão, bệnh, tử, chia lìa với người thương, và bị bắt buộc phải sống giữa những
người xa lạ không có tình yêu thương. Tôi suy ngẫm về từng thứ gây đau khổ ấy,
không phải trong bối cảnh tôn giáo mà trong đời sống bình thường hàng ngày của
chúng ta. Nếu như đau khổ là một phần không thể tránh trong sự tồn tại của
chúng ta, chúng ta nên cố gắng làm giảm nhẹ nó hết sức có thể theo những cách
thực tiễn nhất. Tôi đã suy đi nghĩ lại về hiệu quả của những chương trình chăm
sóc bà mẹ và trẻ em trước và sau khi sinh, về những điều kiện tương xứng cho số
dân lớn tuổi; về chăm sóc sức khỏe toàn diện; về chăm sóc y tế và nhà tế bần
cho người nghèo. Tôi đặc biệt chú ý đến hai loại đau khổ sau cùng: bị chia tách
khỏi những người thân thương và bị buộc phải sống giữa những người xa lạ không
có tình yêu thương. Những trải nghiệm nào mà Đức Phật của chúng ta có lẽ đã
trải qua trong đời ngài khiến ngài đã bao gồm hai điều này trong sáu điều đau
khổ? Tôi nghĩ về những người bị cầm tù và những người di cư, hay những công
nhân xa xứ và nạn nhân của sự buôn người, nghĩ về những đám đông như những cái
cây bị nhổ bật rễ, những người đã phải xa lìa xứ sở quê hương, bị chia cắt với
gia đình và bạn bè, bị bắt buộc phải sống giữa những người xa lạ chẳng phải bao
giờ cũng chào đón họ.
Chúng ta thật may mắn sống trong thời đại mà phúc lợi xã hội và
trợ giúp nhân đạo được công nhận không chỉ là một điều ước mà là một sự cần
thiết. Tôi có may mắn sống trong một thời đại mà số phận của những tù nhân
lương tâm ở một nơi nào đó trở thành mối quan tâm của mọi người ở mọi nơi, một
thời đại mà dân chủ và quyền con người là điều được công nhận một cách rộng
rãi, cho dù không phải phổ quát trên toàn thế giới, là những quyền tự nhiên bẩm
sinh của tất cả mọi người. Đã bao lần trong những năm bị quản chế tại gia, tôi
đã lấy thêm sức mạnh cho mình từ đoạn văn tôi tâm đắc nhất trong lời nói đầu
bản Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền:
…. Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những
hành động dã man làm xúc phạm lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới
trong đó con người được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn sợ
hãi và nghèo khó, phải được tuyên bố như là khát vọng cao nhất của con người
bình thường.
…điều cốt lõi là, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến
biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức, nhân quyền cần
phải được bảo vệ bằng những quy định của luật pháp.”
Nếu người ta hỏi tôi vì sao tôi tranh đấu cho quyền con người ở
Miến Điện, những đoạn văn trên đây sẽ đem lại câu trả lời. Nếu người ta hỏi tôi
vì sao tôi tranh đấu cho nền dân chủ ở Miến Điện, thì đó là vì tôi tin rằng
thiết chế dân chủ và sự thực hiện nó là cần thiết để bảo đảm cho quyền con
người.
Trong năm qua đã có dấu hiệu về những nỗ lực của những người tin
vào nền dân chủ và quyền con người đang bắt đầu kết trái ở Miến Điện. Đã có
những thay đổi theo hướng tích cực, đã có những bước đi hướng về dân chủ hóa.
Nếu tôi tán thành chủ nghĩa lạc quan thận trọng thì đó không phải là vì tôi
không có niềm tin vào tương lai mà là vì tôi không muốn khuyến khích niềm tin
mù quáng. Nếu không có niềm tin vào tương lai, không có sự thuyết phục rằng
những giá trị dân chủ và quyền cơ bản của con người không chỉ là điều cần thiết
mà còn là khả dĩ cho xã hội của chúng ta, thì phong trào của chúng tôi đã không
thể đứng vững trong những năm tháng hủy diệt này. Một số chiến binh đã ngã
xuống tại vị trí chiến đấu của họ, số khác rời bỏ chúng tôi, nhưng nhóm nòng
cốt tận tâm thì vẫn mạnh mẽ và gắn bó. Có lúc nghĩ về những năm tháng đã qua,
tôi ngạc nhiên là đã có rất nhiều người vững vàng trong những hoàn cảnh nhiều
thử thách nhất. Niềm tin của họ vào sự nghiệp của chúng tôi không hề mù quáng;
nó dựa trên một sự đánh giá sáng suốt về sức mạnh của chính họ, về sự can
trường và một sự tôn trọng sâu sắc trước những khát vọng của dân tộc chúng tôi.
Nhờ những thay đổi gần đây trong đất nước tôi mà tôi có mặt ở đây
với các bạn hôm nay; và những thay đổi này đã đến bởi vì các bạn và những người
yêu tự do và công lý khác đã đóng góp vào sự nhận thức trên toàn cầu về hoàn
cảnh của chúng tôi. Trước khi tiếp tục nói về đất nước tôi, tôi xin được nói về
những tù nhân lương tâm của chúng tôi. Vẫn đang còn có những người tù như thế ở
Miến Điện. Thật đáng lo ngại khi những người bị giam giữ nổi tiếng nhất đã được
phóng thích, những người vô danh khác sẽ bị lãng quên. Tôi đứng ở nơi đây là vì
tôi đã từng là một tù nhân lương tâm. Khi các bạn nhìn vào tôi và lắng nghe tôi
nói, xin hãy nhớ một sự thật thường được lặp đi lặp lại rằng một người tù nhân
lương tâm đã là quá nhiều. Những người chưa được trả tự do, những người chưa
được tiếp cận với lợi ích của công lý trong nước tôi, con số đó lớn hơn con số
một nhiều lắm. Xin hãy nhớ đến họ và xin hãy làm bất cứ cái gì có thể để tác
động đến việc trả tự do cho họ sớm nhất và vô điều kiện.
Miến Điện là đất nước nhiều sắc dân và niềm tin vào tương lai của
Miến Điện chỉ có thể xây dựng trên nền tảng của tinh thần hợp nhất. Từ khi
giành được độc lập năm 1948, chưa bao giờ có lúc nào chúng tôi có thể tuyên bố
là cả nước đã có hòa bình. Chúng tôi đã chưa thể xây dựng lòng tin và sự hiểu
biết cần thiết để xóa bỏ những nguyên nhân gây xung đột. Niềm hy vọng đã trỗi
dậy qua cuộc ngưng bắn được duy trì từ đầu thập kỷ 90 cho đến năm 2010 thì bị
phá vỡ qua một tiến trình vài ba tháng. Một hành động thiếu cân nhắc đã đủ để
phá tan cuộc ngừng chiến đã kéo dài khá lâu. Trong những tháng gần đây, những
cuộc thương lượng giữa chính phủ và các lực lượng sắc tộc tộc đã và đang có
tiến bộ. Chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ dẫn đến những giải pháp
chính trị được xây dựng trên nền tảng khát vọng của các dân tộc và tinh thần
hợp nhất.
Đảng Liên hiệp Quốc gia vì Dân chủ của tôi và tôi đã sẵn sàng và
mong muốn giữ bất cứ vai trò nào trong tiến trình hòa giải quốc gia. Những biện
pháp đã được khởi động bởi chính phủ của tổng thống U Thein chỉ có thể duy trì
được với sự hợp tác sáng suốt của tất cả mọi lực lượng nội bộ: quân đội, các
nhóm sắc tộc, các đảng phái chính trị, truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự,
cộng đồng doanh nghiệp, và quan trọng hơn hết là công chúng. Chúng tôi có thể
nói rằng cuộc cải cách này là có hiệu quả chỉ khi cuộc sống của nhân dân chúng
tôi được cải thiện và về mặt ấy, cộng đồng quốc tế có một vai trò không thể
thiếu. Viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển, các thỏa thuận song phương và
đầu tư phải được phối hợp và có cân nhắc đến việc bảo đảm tăng trưởng quân bình
và bền vững về xã hội, chính trị và kinh tế. Tiềm năng của đất nước chúng tôi
là hết sức to lớn. Điều này cần được nuôi dưỡng và phát triển để tạo ra một xã
hội không chỉ thịnh vượng hơn mà còn hài hòa hơn, dân chủ hơn, nơi người dân
của chúng tôi có thể sống trong hòa bình, an toàn và tự do.
Hòa bình của thế giới chúng ta là điều không thể chia cắt. Chừng
nào mà những lực lượng tiêu cực còn mạnh hơn những lực lượng tích cực ở bất cứ
nơi đâu, thì tất cả chúng ta đều bị đe dọa. Có lẽ ta có thể đặt câu hỏi rằng
liệu có bao giờ tất cả những lực lượng tiêu cực sẽ bị loại bỏ? Câu trả lời đơn
giản là: “Không!”. Bản chất của con người chứa đựng cả cái tích cực lẫn cái
tiêu cực. Tuy nhiên con người cũng có khả năng tạo nên và làm mạnh thêm những
cái tích cực và làm giảm đến mức thấp nhất hay trung hòa hóa những cái tiêu
cực. Hòa bình tuyệt đối trong thế giới chúng ta là một mục tiêu không thể đạt
được. Nhưng đó là thứ mà chúng ta phải hướng về trong cuộc hành trình mà chúng
ta đang tiếp tục; đôi mắt chúng ta dán chặt vào mục tiêu đó như người đi trong
sa mạc dán mắt vào ngôi sao dẫn đường sẽ đưa anh ta đến nơi giải thoát. Ngay cả
nếu chúng ta không đạt được hòa bình hoàn hảo trên trái đất, bởi vì hòa bình
hoàn hảo là thứ không có trên trái đất này, thì những nỗ lực chung để giành lấy
hòa bình cũng sẽ đoàn kết mọi cá nhân và mọi quốc gia trong lòng tin và tình
hữu nghị; và giúp tạo ra một cộng đồng người an toàn hơn và tử tế hơn.
Tôi dùng từ “tử tế hơn” với sự cân nhắc thận trọng. Tôi có thể nói
đó là sự cân nhắc thận trọng của nhiều năm. Trong những sự ngọt ngào của nghịch
cảnh, và hãy cho tôi nói rằng những thứ ngọt ngào ấy chẳng có nhiều cho lắm,
tôi đã tìm thấy cái điều ngọt ngào nhất, thứ quý giá hơn hết tất cả, là bài học
mà tôi đã học được về giá trị của lòng tốt. Tất cả những sự tử tế mà tôi đã
nhận được, dù nhỏ hay lớn, đều đã thuyết phục tôi rằng lòng tốt có thể không
bao giờ đủ trong thế giới của chúng ta. Tử tế là đáp ứng với sự nhạy cảm và ấm
áp của con người trước hy vọng và nhu cầu của người khác. Ngay cả cái chạm nhẹ
nhất của lòng tốt cũng có thể thắp sáng một trái tim nặng trĩu. Lòng tốt có thể
làm thay đổi cuộc đời của con người. Na-Uy đã cho thấy gương mẫu của sự tử tế
trong việc cung cấp tổ ấm cho những người tha phương trên trái đất, bảo vệ
những người đang bị tấn công, bị cắt đứt chiếc dây neo của an toàn và tự do với
quê hương bản quán của họ.
Ở mọi nơi trên thế giới này đều có những người tị nạn. Khi tôi đến
trại tị nạn Maela ở Thái Lan gần đây, tôi đã gặp những người tận tụy đang hàng
ngày đấu tranh cho cuộc sống của những người tị nạn thoát khỏi khó khăn chừng
nào hay chừng ấy. Họ nói về mối quan ngại của họ đối với “sự mòn mỏi dần những
người tài trợ”, là điều có thể dịch ra thành “sự mòn mỏi lòng trắc ẩn”. Cụm từ
“sự mòn mỏi dần những người tài trợ” tự nó đã diễn đạt một cách chính xác sự
giảm sút nguồn tiền tài trợ. “Sự mòn mỏi lòng trắc ẩn” tự diễn đạt nó ít hiển
nhiên hơn việc giảm sút đi lòng trắc ẩn. Cái này là hậu quả của cái kia. Liệu
chúng ta có thể sống mãi được với việc tự cho phép mình mòn mỏi đi lòng trắc
ẩn? Phải chăng cái giá của việc đáp ứng nhu cầu cho những người tị nạn lớn hơn
cái giá của sự quay lưng, nếu không muốn nói là nhắm mắt lại trước sự đau khổ
của họ? Tôi khẩn khoản kêu gọi những nhà tài trợ trên thế giới trong việc đáp
ứng nhu cầu của những con người này, những người đang tìm kiếm, thường là cuộc
tìm kiếm vô vọng, sự tị nạn trên một đất nước khác.
Ở Maela, tôi đã có những cuộc thảo luận quý giá với các viên chức
Thái chịu trách nhiệm quản lý điều hành tỉnh Tak, nơi có trại này và nhiều trại
khác. Họ cho tôi biết nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến các trại tị
nạn: vi phạm luật bảo vệ rừng, sử dụng ma túy bất hợp pháp, cất rượu lậu, các
vấn đề về kiểm soát bệnh sốt rét, bệnh lao phổi, sốt xuất huyết và bệnh dịch
tả. Những quan ngại của cơ quan hành chánh là chính đáng cũng như những quan
ngại của những người tị nạn. Các quốc gia chủ nhà cũng cần có sự xem xét và sự
giúp đỡ cụ thể để đương đầu những khó khăn liên quan đến phần trách nhiệm của
họ.
Mục tiêu tối hậu của chúng ta phải là tạo ra một thế giới thoát
khỏi tình trạng có những người phải di tản, những người không nhà và tuyệt
vọng, một thế giới mà từng góc nhỏ và tất cả mọi nơi đều là nơi trú ẩn thực sự
mà những người sống ở đó đều có tự do và có năng lực sống trong hòa bình. Mọi ý
nghĩ, mọi lời nói, mọi việc làm góp phần vào cái tốt và cái lành mạnh sẽ là một
sự đóng góp cho hòa bình. Mỗi người và tất cả chúng ta đều có thể đóng góp như
thế. Chúng ta hãy nắm tay nhau tạo ra một thế giới hòa bình, nơi chúng ta có
thể ngủ trong an toàn và thức dậy trong niềm hạnh phúc.
Ủy ban Nobel đã kết luận tuyên bố của họ ngày 14 tháng 10 năm
1991: “Bằng cách trao giải Nobel Hòa bình cho Aung San Suu Kyi, Ủy ban Nobel
Na-Uy muốn vinh danh người phụ nữ này vì những nỗ lực không mệt mỏi của bà, và
thể hiện sự ủng hộ của giải Nobel đối với rất nhiều người trên khắp thế giới
đang tranh đấu để đạt đến dân chủ, quyền con người và hòa giải dân tộc bằng
những phương tiện hòa bình”. Khi tôi tham gia phong trào dân chủ ở Miến Điện
chưa bao giờ tôi tự nghĩ rằng tôi có thể là người nhận bất cứ giải thưởng hay
vinh dự nào. Cái giải thưởng mà chúng tôi đang làm hết sức mình cho nó, đó là
tự do, an toàn, và chỉ là một xã hội mà con người có thể nhận ra được tất cả
tiềm năng của mình. Vinh dự nằm trong những nỗ lực của chúng tôi. Lịch sử đã
trao cho chúng tôi cơ hội để cống hiến những gì tốt nhất của chúng tôi cho một
sự nghiệp mà chúng tôi tin vào. Khi Ủy ban Nobel chọn vinh danh tôi, con đường
mà tôi đã chọn cho ý chí tự do của riêng tôi sẽ trở nên một con đường ít cô đơn
hơn để theo đuổi nó. Vì điều ấy tôi xin cảm ơn Ủy ban và tất cả mọi người trên
thế giới này, vì sự hỗ trợ của họ đã làm mạnh thêm niềm tin của tôi trên con
đường chung tìm kiếm hòa bình. Xin cảm ơn quý vị.
“Paris có gì đẹp không em/ Mai anh về em có còn ngoan...”. Buổi sáng
trong lành khi đi dạo một mình trong khu vườn Hoàng Gia và Công viên
Saint-Cloud tôi cứ ngân nga những câu thơ của Nguyên Sa - và tôi biết vì sao mà
tác giả “Áo lụa Hà Đông lại thốt lên như vậy, vì đối với tôi, Paris là cả một
sự đổi khác, phải nói là đẹp đến nao lòng.
Kết thúc cuộc đi bao giờ tôi cũng đặt chân lên viên gạch
thiêng trước tam cấp của nhà thờ Đức Bà Paris, để cầu mong may mắn cho mình,
cho những người thân.
Tiếp tục leo 376 bậc thang lên nhà thờ, từ trên cao ngắm
nhìn Paris trong sớm mai, đâu đó nơi gác chuông, tôi vẫn như thấy bóng dáng
nàng Esméralda kiều diễm thân hình bầm dập rớm máu sau những khảo đả tra tấn
của giáo hội và pháp đình chỉ vì một “tội” là nàng quá đẹp, quá trong trắng.
Tôi cũng như thấy hình hài co quắp đến tội nghiệp của
“thằng” gù Quasimodo cũng bị tra tấn vì “tội” quái đản, xấu xí.
Victor Hugo (1802 – 1885) đã lấy nhà thờ Paris làm bối cảnh,
một thiên hùng ca bằng văn xuôi, đó là cuốn “Nhà thờ Đức bà Paris”.
Đây thực sự là bức tranh về Paris ở thế kỷ XV, thời trị vì
của vua Louis XI. Bằng một cốt truyện khá bi thảm nặng nề, các tình tiết xếp
đặt khéo léo, mang kịch tính và hình ảnh phóng đại, tô đậm lẫn lộn thực hư đã
dẫn dắt người đọc sống lại không khí xa xưa của thời kì Trung cổ đen tối...
Tôi cũng đọc nhiều văn của Victor Hugo, song trong truyện
này đọng lại trong tôi duy nhất lại chính là thằng “gù”. Vì vẻ đẹp nội tâm cũng
như tâm hồn thánh thiện đến ngờ nghệch, một nhân cách rất “người” trong bộ dạng
quái đản, xấu xí ấy, Quasimodo đã là một bài học đạo đức về lòng nhân hậu và
lối sống vị tha.
Tôi đã khóc nhiều lần khi Quasimodo lết tấm thân đẫm máu đến
hôn chân giáo chủ vì “Bàn chân cao quý của ngài”, vừa hạ cố xuống thân thể bần
tiện hèn mọn của con...
Ở Paris, tôi hay có thói quen dậy rất sớm vào lúc rạng đông
và đi ra chợ chính (mùa hè ở đây thường 4h sáng là đã có ánh mặt trời và đêm
phải sau 22h mới tắt nắng).
Chợ chính cũng là nơi duy nhất bắt đầu sinh hoạt trong cái
giờ sớm sủa như vậy, không khí yên bình phảng phất mùi cà phê mới xay, hơi nước
bốc lên thật nhẹ trên những đại lộ vừa được tưới đẫm.
Những viên cảnh sát khoác áo choàng ngắn, đứng cạnh những
kiot bán sách và hoa, mẫn cán canh gác cho sự thanh bình của phố xá.
Đâu đó, những quầy bán hoa đã tràn đầy, rực rỡ các màu hoa
păngxê mỏng manh hao gầy như cánh chuồn, hoa thuỷ tiên vàng mướt khoe sắc cùng
những cánh hồng đủ loại e ấp trong chậu, oải hương tím biếc qua những lớp giấy
gói thô mộc, vẫn toả ra một mùi hương kín đáo dịu dàng...
Cách chợ vài khu nhà, băng qua một ngã tư là đến dãy phố bờ
sông Seine cũng là khu chợ hải sản tươi sống thường được chở về từ Brittany và
Provence, những con tôm hùm ngọ nguậy đôi râu, cá trong chiếc chậu bằng kẽm thì
vẫn còn bơi lội trong vòi nước luôn được chảy xuống mình chúng, những con sò
điệp đỏ au, bên cạnh những con hàu xù xì gai xám... và cũng chỉ có 10 euro là
tôi đã có một chú cua rang me hẳn hoi nhé, béo ngậy thơm phức đủ để bổ sung
chất đạm cho một ngày mới rồi.
Vốn là người cũng có “tâm hồn ăn uống” nên tôi rất hay lang
thang mò mẫm. Buổi sáng trên hai con phố Rue de Seine và Rua de Buci ở khu
Latinh là sầm uất và nhộn nhịp không kém khu ẩm thực ở ngõ Cấm Chỉ bên nhà. Vì
ở đây nổi tiếng với những hàng ăn ngon, cùng với những hàng bánh mì lề đường,
nhưng được xếp gọn tất cả trong các tủ kính nhỏ, cả người bán lẫn người ăn đều
rất trật tự.
Nằm bên bờ sông Seine thơ mộng, ngọn tháp Eiffel, biểu tượng
hoa lệ đầy tính nghệ thuật, cũng là niềm tự hào của người dân Paris.
Được xây dựng từ năm 1890 phải mất 26 tháng, ngọn tháp cao
320m mới được hoàn thành (thực ra thì tôi còn bớt của nó 75cm).
Ban đêm, tháp Eiffel trở thành một biểu tượng toả sáng lung
linh giống như đồ trang sức cho một thiếu nữ xuân thì.
Ông chú tôi - một thượng nghị sĩ của Quốc hội Pháp còn giảng
giải cho tôi về những tính năng hữu dụng của tháp. Hoá ra ẩn sau cái sự thô ráp
không ăn nhập với phần kiến trúc đầy tính nghệ thuật nói trên thì ngầm sâu dưới
chân tháp khoảng 60-70m lại là một phần kiến trúc khác hẳn, tuy đơn giản nhưng
vô cùng quan trọng, đó chính là những trung tâm giám sát an ninh, thiết bị hiện
đại giúp ngành an ninh Pháp, bao gồm lực lượng cảnh sát, hiến binh và lực lượng
tinh nhuệ bảo vệ, giám sát tốt các cơ quan trọng yếu của chính quyền Pháp và
chính quyền thủ đô Paris.
Trải dọc theo con đường bờ sông cạnh nhà thờ Đức Bà là những
người đi câu với những chiếc cần câu dài, thường là không thấy cá đớp mồi, vì
thế mà phần đông những người này thường là cầm báo để đọc, số khác thì úp mũ
lên mặt mà ngủ say sưa, mặc hết sự đời.
Tôi thì lại nghĩ rằng ánh sáng lấp loáng cùng những làn gió
sông thổi nhè nhẹ làm cho họ không thể dứt được cơn buồn ngủ, mà lại ngủ ngày,
giữa thanh thiên bạch nhật như thế thì còn thú vị gì bằng cơ chứ?
Tôi cũng đứng bên lan can đá ở phía trên nhìn xuống , ngắm
những chiếc “tàu ruồi” chở khách du lịch ngược xuôi. Bên cạnh tôi lúc này là
một cụ già râu tóc bạc, một tay cầm ba toong, tay kia cũng lại cầm một tờ báo.
Ông cụ liếc mắt nhìn tôi, còn tôi thỉnh thoảng “nghía” trộm
cụ mà không dám gợi chuyện.
- Bonjour, camarade!
Ồ, ông ta chào mình trước, mà lại còn gọi là “bạn” nữa chứ.
Tôi cũng gật và chào ông bằng tiếng Pháp luôn.
Ô la la, cụ già nói và chắc lưỡi, trông Mademoiselle (lại là
cô) tôi biết cô là người ngoại quốc đúng không ạ, và vì là người ngoại quốc, cô
có thể nghĩ rằng những anh chàng kì quặc ở dưới kia - cụ già chỏ những người
câu cá - có thể câu được con cá nào đó? Không bao giờ. Đó! Tôi nói với cô như
thế đó. Nếu trong 1 tuần lễ có tay nào trong bọn họ lôi lên khỏi mặt nước dù
chỉ là một con cá mòi nhỏ thì tôi xin mất với cô 10 euro.
Tôi phát phì cười vì một vụ làm ăn “cá cược” của một cụ già
người bản xứ. Vì vậy, khi cụ già thấy tôi - một người da vàng nhưng mũi cũng lõ
như cụ, mắt thì cũng hun hút như ai mà nói tiếng của cụ cứ lèo lèo thì cụ khoái
ra mặt và khi lại biết được nhà tôi ở quận 16 trên đại lộ Foch thì cụ đổi thái
độ từ ngạc nhiên sang hoài nghi.
Cụ nói: “Tôi biết ở khu đó các toà nhà được xây bằng đá đẽo,
cổng rào kín chuyên có xe ngựa đỗ, hè phố rộng, cây to rợp bóng, những ngôi
biệt thự lộng lẫy của các lớp người giàu có của các diễn viên, ngôi sao màn bạc
như Alain Delon, Jean-Paul Belmondo, Catherine Deneuve, Francoise Sagan... và
của các thượng nghị sỹ Quốc hội. Nơi này là một xã hội của xa hoa và quyền lực
có một không hai trên thế giới với những nhà tài phiệt có vệ sĩ bao quanh,
những quý bà ngự trên những chiếc xe Mercedes bóng lộn với kẻ hầu người hạ đi
xe riêng hộ tống...
Với một tràng diễn thuyết hoài nghi và đầy hiểu biết như vậy
thì cụ kết luận luôn là “cô không thể ở nơi đó được”. Để khỏi tranh luận dài
dòng mất thì giờ, tôi đọc số điện thoại ở nhà tôi tại khu mà cụ khẳng định “cô
không thể ở được” và đưa tên cho cụ “tét” luôn...
Sau khi đầu dây bên kia trả lời là tôi ra ngoài dạo từ sáng
sớm thì cụ già chỉ ô la la mà chả nói được gì nữa. Đáp lại, tôi bèn mời cụ vào
quán “cà phê văn chương” ngay tả ngạn bờ sông Seine, trên sân thượng chằng chịt
dây leo vừa được tưới nước, những giọt nước còn đọng lại trên cành hoa diên vĩ
biếc tím mà người Pháp coi là “Quốc hoa” cùng với hoa ly thỉnh thoảng lại nhỏ
giọt trên đầu, trên tay chúng tôi.
Cụ già nói: “Tôi là một hoạ sỹ điêu khắc về hưu - 75 tuổi
rồi”. Và cụ xoè đôi bàn tay cho tôi nhìn những vết chai sạn do đục đẽo đá. “Tôi
không làm việc được nữa, già rồi thì con trai tôi nó nuôi tôi, nó cũng là hoạ
sỹ nhưng chuyên vẽ tranh trừu tượng”.
Tôi nói kiểu như tranh vẽ của Picasso à thì cụ già bảo đúng
rồi đấy tranh trừu tượng tạo cho hoạ sỹ rất nhiều tự do để sáng tạo và tôi đã
hiểu những bức tranh của bạn tôi được phóng tác trong tự do của tâm hồn thăng
hoa với những phút ngẫu hứng.
Ông cụ hoạ sỹ già hồi tưởng: “Không ai biết tôi đã đẽo biết
bao nhiêu bao lơn, khung hình chạm và phù điêu đẹp đẽ cho những toà nhà, những
cây cầu của Paris và cả cho cung điện Versailles nữa. Tôi cũng không biết, tôi
cũng không ghi chép những công việc của mình. Thưa cô!”.
Tôi không thể trả lời cụ mà chỉ xin cụ một cuộc hẹn, khi nào
đó tôi lại xin hầu chuyện cụ và mời cụ đến bảo tàng Louvre để tôi xin học “mót”
chút kiến thức về hội hoạ nơi cụ.
Tạm biệt cụ, tôi phải cải chính tôi là madame, là một quý bà
rồi chứ không thể nào là “cô” được nữa vì tôi đã có hai con trai lớn lắm rồi.
Con trai cả của tôi cũng đã bước vào tuổi 27chứ ít ỏi gì nữa.
Thế là cụ già lại ô la la với chút ngạc nhiên thực sự!
Nhiều người Việt Nam hay chê người Tây
phương là ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa. Tuy nhiên, trên thực tế, sống ở Tây
phương lâu, hầu như ai cũng biết, về nhiều phương diện, người Tây phương có
tinh thần tập thể cao hơn hẳn người Đông phương, kể cả người Việt Nam.
Riêng ở Úc, từ học đường đến xã hội, ở
đâu người ta cũng đề cao tinh thần đồng đội (teamwork). Lý do đơn giản, hầu như
ở đâu người ta cũng làm việc với người khác. Xu hướng kỹ nghệ hóa và toàn cầu
hóa càng gia tăng, nhu cầu làm việc tập thể lại càng nhiều. Thường, mỗi dự án
bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau; mỗi lãnh vực bao gồm nhiều bộ phận khác nhau;
mỗi bộ phận bao gồm nhiều người với những công việc khác nhau. Do đó, công việc
của người này bao giờ cũng cần hòa điệu và hòa hợp với công việc của người
khác. Sự hòa điệu và hòa hợp giữa các công việc ấy cũng cần thiết không kém sự
hoàn hảo trong từng công việc cụ thể. Để thực hiện điều đó, người ta không những
cần có trách nhiệm với công việc của chính mình mà, trong chừng mực nào đó, còn
cần phải có trách nhiệm với công việc của người khác nữa.
Khi tuyển nhân viên, các công ty và cơ
quan tại Úc thường nhấn mạnh một yêu cầu: tinh thần tập thể. Trong mấy chục năm
dạy học tại Úc, tôi thường được các công ty hay cơ quan hỏi về hồ sơ xin việc của
các sinh viên vừa mới tốt nghiệp của tôi. Một trong những câu hỏi người ta thường
đặt ra nhiều nhất là: Có tinh thần tập thể hay không? Có biết cách làm việc với
người khác hay không?
Nhớ, cách đây khá lâu, tôi được mời tham
gia ban tuyển chọn giảng viên dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai tại một
trường đại học ở Melbourne. Có trên dưới một trăm người nộp đơn. Vòng đầu,
chúng tôi đọc lý lịch nghề nghiệp và chọn khoảng 5,6 người để mời đến phỏng vấn.
Công việc này, thật ra, không khó khăn lắm. Chúng tôi có hai tiêu chuẩn chính:
bằng cấp và kinh nghiệm giảng dạy. Nếu căn cứ vào hai tiêu chuẩn ấy, số người
được chọn vẫn quá nhiều, chúng tôi sử dụng thêm một tiêu chuẩn khác để loại trừ
bớt: tính chất đa dạng trong kinh nghiệm giảng dạy. Ví dụ, cũng dạy tiếng Anh
trong mười năm, nhưng một người chỉ dạy ở Úc và một người dạy ở Úc và một số quốc
gia khác, đặc biệt ở châu Á, người sau sẽ được ưu tiên hơn. Nếu người ấy biết
thêm một ngôn ngữ gì khác ngoài tiếng Anh thì lại càng được ưu tiên hơn nữa.
Cuối cùng, trong danh sách dự định mời
phỏng vấn, có một người có lý lịch, theo tôi, gần như hoàn hảo: Có bằng tiến sĩ
ngôn ngữ học tại trường đại học M. ở Úc; trước khi có bằng Tiến sĩ, từng dạy tiếng
Anh ở Trung Quốc và Hồng Kông; sau đó, dạy bán thời ở một trường đại học R. ở
Úc trong vòng bốn năm.
Tôi khen lý lịch người ấy rất ấn tượng.
Một người bạn trong ban tuyển chọn không đồng ý. Chị bảo tôi đọc danh sách những
người chứng thực thông tin (referee) vốn là một phần quan trọng trong mọi hồ sơ
xin việc ở Tây phương. Tôi đọc. Danh sách ấy gồm hai giáo sư ở Trung Quốc và một
giám đốc công ty ở Úc. Chị bạn đồng nghiệp tôi nói: “Anh để ý xem. Ba người này
đều không có liên hệ gì đến những nơi cô này từng học hoặc làm việc cả. Cô ấy học
Tiến sĩ ở đại học M. đến bốn năm, chẳng lẽ không thân đủ với một giáo sư nào để
nhờ làm referee? Cô ấy dạy bán thời ở Đại học R. cũng bốn năm, chẳng lẽ không
thân đủ với bất cứ ai để nhờ làm referee? Cô ấy dạy ở Trung Quốc ba năm; ở Hồng
Kông hai năm, cũng không thân đủ với ai để nhờ làm referee? Như vậy rõ ràng là
cô ấy có vấn đề trong quan hệ với đồng nghiệp. Tôi không có ý nói cô ấy xấu.
Nhưng tôi chỉ sợ là cô ấy không phải là người có tinh thần 'teamwork'.”
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề,
ở Tây phương người ta xem tinh thần tập thể và thói quen làm việc tập thể là một
trong những nội dung quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục, từ tiểu học đến
trung học và đại học. Ở đâu, các thầy cô giáo cũng khuyến khích học sinh và
sinh viên làm việc theo nhóm. Bài tập trong lớp, người ta cho những đề tài làm
theo nhóm. Bài làm cho cả học kỳ cũng làm theo nhóm. Trong lớp, học sinh hay
sinh viên thường được chia thành từng nhóm nhỏ để thảo luận. Về nhà, họ cũng được
yêu cầu làm các dự án nghiên cứu chung với bạn bè.
Như vậy, ví dụ, thay vì ra một đề luận
văn cho mỗi người viết một bài khoảng một hay hai ngàn từ; thầy cô giáo có thể
cho học sinh hay sinh viên viết chung một bài luận văn dài hơn, khoảng từ ba đến
năm ngàn từ.
Không ít học sinh hay sinh viên than thở:
Cực quá, thứ nhất, phải họp hành với nhau thường xuyên; thứ hai, trong trường hợp
các bạn trong nhóm lười hoặc dốt, công việc sẽ càng kéo dài và kết quả sẽ không
như ý muốn.
Tuy nhiên, đứng về phương diện sư phạm,
người ta vẫn thấy đó là cách giáo dục tốt nhất để chuẩn bị cho học sinh và sinh
viên có phong cách làm việc hiệu quả trong tương lai. Người ta lý luận: khi đi
làm việc sau này, không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn gặp những đồng sự giỏi,
tháo vát, có tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng đồng ý với mình. Do đó, học sinh
và sinh viên cần được đào luyện tính bao dung, sự cởi mở và các kỹ năng thương
thảo và đàm phán để có thể thuyết phục được người khác. Cái gọi là “người khác”
ấy có thể đến từ nhiều quốc gia và từ nhiều nền văn hóa khác nhau, do đó, kỹ
năng giao tiếp liên văn hóa (intercultural communication) cũng được xem là cực
kỳ cần thiết.
Những điều được đề cập ở trên, với người
sống lâu ở ngoại quốc, chả có gì mới mẻ. Tuy nhiên, nhân đó, chúng ta cũng nên
nhìn lại phong cách giảng dạy trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, cách thức bổ
dụng nhân sự trong guồng máy hành chính tại Việt Nam, và đặc biệt, cái thành kiến
cho người Tây phương nặng tinh thần cá nhân chủ nghĩa cho đến bây giờ vẫn còn rất
phổ biến ở Việt Nam.