Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 10

Ø  HAI ĐỨC CHA HỌP HĐGM TẠI SÀI GÒN
Từ chiều 03 đến trưa 07 tháng 10, Đức Cha Phêrô và Đức Cha Matthêô tham dự hội nghị thường niên kỳ 2 năm 2011 của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Sàigòn. Hội nghị tiến hành với sự tham dự đầy đủ của các giám mục đang làm việc tại 26 giáo phận trên toàn cõi Việt Nam. Đặc biệt có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Trong buổi họp sáng 04, Đức TGM Leopoldo Girelli chia sẻ với các giám mục những cảm tưởng của ngài sau khi viếng thăm một số lớn giáo phận tại Việt Nam, đặc biệt ngài đánh giá cao lòng đạo đức của cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam. Cuối cùng ngài xin các giám mục nhận xét về sự hiện diện của ngài tại Việt Nam để rút kinh nghiệm.
Trong buổi họp sáng ngày 05, linh mục Raymond L. O’Toole SFM, thư ký thường trực của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) được mời giới thiệu đôi nét về lịch sử, bản chất, vai trò và cơ cấu tổ chức của FABC, nhằm chuẩn bị cho đại hội khoáng đại dự định sẽ tổ chức tại Việt Nam từ ngày 19 đến 26 tháng 11 năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, với đề tài Responding to the challenge of Asia.
Trong suốt hơn 3 ngày hội nghị, các vị chủ chăn của các giáo phận có dịp gần gũi với nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm mục vụ và thảo luận một số đề tài liên quan đến Giáo Hội tại Việt Nam, như được ghi trong Thư gửi cộng đồng dân Chúa. Đặc biệt hội nghị chú tâm đến việc khai triển việc áp dụng thư chung hậu đại hội dân Chúa 2010 vào đời sống cụ thể của Giáo Hội tại Việt Nam, với chương trình mục vụ 3 năm (2012-2014), mỗi năm một chủ đề được triển khai theo 3 nhịp chính: tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin. Chủ đề của năm 2012 sắp tới là Hiểu biết và sống mầu nhiệm Giáo Hội, với châm ngôn: “Hãy mang trong anh em những tâm tư của Đức Kitô Giêsu” (Pl 2, 5).

Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH
- Khánh thành nhà xứ và nhà sinh hoạt giáo xứ Huỳnh Kim. Vào ngày 01.10.2011, lễ kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bổn Mạng Giáo Xứ Huỳnh Kim, Đức Cha chính Phêrô Nguyễn Soạn đã về chủ sự thánh lễ mừng Bổn Mạng giáo xứ; đồng thời làm phép nhà xứ, nhà giáo lý. Hiện diện trong ngày vui trọng đại này còn có Đức Cha phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Cha Tổng Đại Diện, Cha Hạt Trưởng hạt Bình Định, rất đông Quý Cha, Quý Sơ, Thầy Sáu Dòng Ngôi Lời, Quý Thầy Đại Chủng Viện, Quý Vị Ân Nhân, Quý vị Quan khách, chính quyền địa phương và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Giáo Xứ Huỳnh Kim.
Đúng vào lúc 09g00, Đức Cha chính Phêrô đã chủ sự nghi thức làm phép và khánh thành ngôi nhà mới. Ngay sau đó là thánh lễ tạ ơn cũng do Đức Cha Phêrô chủ sự. Lời đầu lễ, Đức cha Phêrô nói rằng: «Trong ngày mừng lễ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta bước theo “con đường thơ ấu” của thánh nữ. Đó là con đường tình yêu, đơn sơ và phó thác. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng là bổn mạng của giáo xứ Huỳnh Kim và một số chị em. Xin Chúa qua lời cầu bầu của Thánh nữ, giúp mỗi người biết sống noi gương ngài trong tinh thần khiêm tốn, yêu thương và phục vụ.
Đặc biệt, sau bao tháng ngày vất vả của Cha sở và anh chị em giáo dân, hôm nay nhà xứ-nhà giáo lý giáo xứ Huỳnh Kim đã hoàn thành. Chúng ta dâng công trình này cho Chúa để xin Người chúc lành và thánh hóa. Trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, nhân đây chúng ta cũng cám ơn Cha sở Huỳnh Kim, anh chị em giáo dân và quý ân nhân đã góp công góp của xây dựng nhà xứ-nhà giáo lý này».  
Sau Thánh lễ, Cha sở Giuse Nguyễn Bá Trung đã có những lời cảm ơn sâu sắc đến quý Đức cha và toàn thể cộng đoàn. Đức Cha phêrô cũng có những lời huấn dụ đầy khích lệ với giáo xứ. Ngài nói rằng: «Kể từ ngày thành lập giáo xứ Huỳnh Kim (23/9/2009) đến nay chỉ mới hai năm và một tuần nhưng tôi thấy đã có sự thay da đổi thịt. Từ ngày có cha sở mới, đời sống đạo của bà con giáo dân có phần thăng tiến hơn, nhiều cơ sở vật chất mới được xây dựng như đài thánh Giuse, nhà xứ, nhà giáo lý. Tất cả đều là ơn Chúa ban cộng với lòng nhiệt thành của cha sở, anh chị em giáo dân cùng các ân nhân xa gần.
Gần đây có tháp Bánh Ít và cầu Bà Di, những địa danh nổi tiếng. Ngã ba cầu Bà Di, cầu Ghành thuộc phần đất giáo xứ Huỳnh Kim. Như vậy, dù Huỳnh Kim không phải là giáo xứ lớn trong giáo phận nhưng lại có địa thế quan trọng và thuận lợi nhiều mặt, nhất là về truyền giáo. Việc xây dựng đời sống đạo đức và các cơ sở vật chất cũng có ảnh hưởng lớn đến việc truyền giáo.  Hơn nữa, điều quan trọng đâu phải là việc lớn hay nhỏ. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói rằng “Không có điều gì là nhỏ bé dưới mắt Thiên Chúa” và thánh nhân nói thêm “không nên bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào mà không làm một hy sinh nhỏ, ở đây một gương mặt tươi cười, ở kia bằng lời nói khả ái, luôn làm việc đúng đắn dù nhỏ bé nhất và làm vì tình yêu”. Thiết nghĩ đó là cách dễ thực hiện mà mỗi người có thể góp phần xây dựng giáo xứ và thu phục con tim người khác về với Chúa. Xin Chúa tiếp tục ban muôn ơn lành cho tất cả và cầu chúc giáo xứ Huỳnh Kim trở nên điểm sáng ngời trong công cuộc truyền giáo của giáo phận».
Được biết giáo xứ Huỳnh Kim chỉ mới được Đức Cha Phêrô thành lập chưa lâu. Ngày 05.05.2008, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn đã bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Bá Trung về Giáo họ Huỳnh Kim làm Cha Quản nhiệm, phó xứ Kim Châu. Và khoảng ba tháng sau, ngày 20.08.2008, Cha Quản nhiệm và giáo dân đã khởi công xây dựng Đài Thánh Giuse, nhằm khơi dậy nơi giáo dân Huỳnh Kim lòng tôn kính và yêu mến Thánh Cả. Nhất là giới gia trưởng noi gương Thánh Cả để sống tốt vai trò làm chồng làm cha trong gia đình. Đến ngày 15.10.2008 hoàn thành Đài Thánh Giuse.
Một sự kiện có ý nghĩa như bước ngoặc lịch sử của Huỳnh Kim là vào ngày 23.09.2009 Đức Cha Phêrô về chủ sự nghi thức thành lập Giáo Xứ Huỳnh Kim và bổ nhiệm Cha sở tiên khởi chính là Cha Quản nhiệm trước đó, Giuse Nguyễn Bá Trung. Cũng trong dịp nầy Đức Cha làm phép Đài Thánh Giuse.
Khi giáo xứ Huỳnh Kim được thành lập lúc bấy giờ chỉ có ngôi nhà thờ do Cha các cha sở tiền nhiệm Giacôbê Đặng Công Anh và Cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí xây dựng và tu bổ. Còn nhà xứ và nhà giáo lý cũ đã xuống cấp và đổ nát, không thể dùng để ở và sinh hoạt được. Vì thế, tân cha sở và giáo dân Huỳnh Kim rất ước ao có được ngôi nhà xứ và nhà sinh hoạt mới để làm nơi ở và là nơi cho các đoàn thể hội họp, sinh hoạt, các em thiếu nhi có nơi để học giáo lý... Thế nhưng, nhìn chung giáo dân Huỳnh Kim thì còn nghèo, bà con giáo dân chỉ sống phần lớn nhờ ruộng nương và làm thuê, nên khó có thể đóng góp đủ tài chính để làm hai ngôi nhà này. Nhưng với lòng tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng như cậy nhờ vào sự nâng đỡ của quý Đức Cha, quý cha anh em trong giáo phận và nhất là lòng tốt của quý ân nhân xa gần, Cha sở giáo xứ Huỳnh Kim đã mạnh dạn cho khởi công xây dựng nhà xứ và nhà giáo lý vào ngày 02.03.2011. Công trình có tổng diện tích xây dựng 437 m2 với  chiều dài 37m, rộng 15,1m và chiều cao 7,8m. Dãy nhà mới có 8 phòng gồm nhà xứ và nhà giáo lý. Trong đó: 1 phòng Cha Sở, 1 phòng ăn, 2 phòng khách, 1 phòng tiếp khách, 2 phòng giáo lý và 1 hội trường (dùng để dạy giáo lý, tổ chức sinh hoạt khi có đông người…). Với sự tận tụy và nhiệt thành của cha sở và giáo dân Huỳnh Kim, công trình đã hoàn thành vào ngày 20. 9. 2011 tức chỉ sau 6 tháng rưỡi thi công với bao khó nhọc và nhiều trở ngại. Dãy nhà mới được làm phép khánh thành vào 01.10.2011 như nói trên.
Giáo Xứ Huỳnh Kim hiện giờ chưa có hang đá Đức Mẹ. Vì thế, Cha Sở và giáo dân rất mong ước có được hang đá Đức Mẹ để có nơi cộng đoàn Giáo xứ sớm tối đến viếng hang đá Đức Mẹ, đọc kinh cầu nguyện, tâm sự với Mẹ. Xin mọi người giúp lời cầu nguyện và tiếp tục nâng đỡ để cho ước mơ này sớm trở thành hiện thực.
- Lễ Thêm sức tại Nhà thờ Khiết Tâm, giáo xứ Trường Cửu. Sáng Chúa Nhật, 16/10, vào lúc 7 giờ, Đức Cha phó Matthêô đến nhà thờ Khiết Tâm, giáo xứ Trường Cửu, để viếng thăm mục vụ giáo xứ và cử hành lễ ban phép thêm sức cho 78 em trong giáo xứ. Nhân dịp này cũng có 14 em rước lễ lần đầu. Cuối thánh lễ, cha sở Vinh Sơn trình bày đôi nét về hiện tình giáo xứ với những khó khăn, những chương trình đang thực hiện và những dự án cho tương lai, như xây dựng nhà xứ Cù Lâm và một số nhà thờ giáo họ.
- Hai Đức cha thăm công trình tu sửa Đền thờ Stêphanô. Ngày 17/10/2011 Đức cha chính Phêrô và Đức cha Phó Matthêô đã đi thăm công trình tu sửa đền thờ Thánh Stêphanô. Công trình hiện đang tiến hành khẩn trương để kịp cho lễ ngày 14.11.2011, mừng kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhật trên trời của thánh Stêphanô Cuénot Thể. Cha sở Nam Bình Phaolô Trương Đình Tu dù đang bị bệnh cảm nhưng cũng hiện diện tại đền thờ để tiếp đón hai Đức Cha và tường trình công việc. Cha sở Nam Bình cho biết có thể chưa hoàn thành việc tu sửa trọn vẹn như ý muốn nhưng cũng có thể tiến hành tổ chức Thánh lễ trọng thể. Cha còn cho biết một số khó khăn nhất là tài chính để công việc trôi chảy hơn. Hy vọng thời gian sắp tới thời tiết cũng thuận lợi để việc tu sửa đúng tiến độ. Hai Đức Cha có đôi lời động viên và chỉ dẫn cho công việc chung đồng thời cũng sẽ hỗ trợ cho cha sở Nam Bình về tài chính nữa.
- Làm phép tượng đài Lòng Thương Xót Chúa tại giáo xứ Ngọc Thạnh. Lúc 10g00 ngày 20/10/2011, Đức Cha chính Phêrô Nguyễn soạn đã chủ sự làm phép tượng đài Lòng Thương Xót Chúa, tại Ngọc Thạnh. Sau bài Tin mừng Đức cha phó Matthêô đã có bài giảng ngắn nói về lịch sử và ý nghĩa lòng sùng kính lòng thương xót Chúa. Có khá đông quý cha, quý tu sĩ và bà con giáo dân về tham dự nghi thức nầy.
Sau khi nghi thức kết thúc, Đức cha chính Phêrô cũng có lời huấn dụ ngắn gọn nhưng hết sức ý nghĩa. Đức Cha nhấn mạnh đến hai cơ quan quan trọng Thiên Chúa ban cho con người là con tim và khối óc. Sống quá theo lý trí làm cho người ta tính toán nhỏ nhen và vô cảm. Còn chỉ biết có tình cảm mà thôi thì có khi lại mù quáng. Vậy chúng ta cần biết sống quân bình và xứng hợp ơn Chúa ban để yêu thương và phục vụ Thiên Chúa và anh em đồng loại.
Đại diện giáo dân cũng có lời cảm ơn quý Đức cha và cộng đoàn dân Chúa. Trong đó vị nầy cho biết «Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa tại giáo xứ Ngọc Thạnh từ lâu đã có một số người học hỏi và thực hành. Được cha sở kêu gọi và tạo điều kiện cùng với sự hướng dẫn của quí sơ, từ đầu năm nay khi bước vào mùa Chay đã hình thành dần nên cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa. Hàng ngày, cứ đúng 3 giờ chiều, cộng đoàn tập hợp về nhà thờ để cùng cử hành việc lần chuỗi thương xót. Thứ năm Đầu tháng lúc 3g chiều Cha sở dâng lễ cầu nguyện cho Cộng đoàn. Ban đầu từ giới hiền mẫu, đến nay mọi giới từ phụ lão đến thanh niên, thiếu nhi đều có tham gia, mỗi buổi đọc kinh khoảng trên dưới trăm người. Trong tuần cửu nhật từ Thứ Sáu Tuần Thánh đến Thứ Bảy tuần bát nhật Phục sinh chuẩn bị mừng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, giáo dân tham dự gần kín cả nhà thờ.
Qua cử hành sống động việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, cộng đoàn chúng con cảm nhận được nhiều ơn ích thiêng liêng phần hồn cũng như phần xác. Chúng con đã cầu nguyện và đã chứng kiến một số giáo hữu khô khan sốt sắng trở lại, một số người qua được căn bệnh ngặt nghèo,…Chúng con tin rằng Lòng Thương Xót Chúa đang ở cùng chúng con, ở cùng với mọi người đang ngày đêm tin cậy vào Lòng Thương Xót Chúa».
Tượng đài lòng thương xót Chúa của giáo xứ Ngọc Thạnh nổi bật vì tọa lạc tại trung tâm sân trước của nhà thờ. Tượng được làm bằng xi măng có chiều cao 2,7m và được đặt trên bệ cao 1,8m ốp đá granít màu đỏ.
- Thánh lễ Tạ Ơn kỷ niệm 10 năm nhậm chức cha sở Sông Cạn. Ngày 28.10.2011 nhân dịp lễ kính hai thánh tông đồ Simon và Giuđa, vào lúc 09g00 giáo xứ Sông Cạn đã tổ chức thánh lễ Tạ Ơn nhân dịp kỷ niệm 10 năm nhậm sở giáo xứ Sông Cạn của cha Phêrô Võ Thanh Nhàn, 4 năm tròn gắn bó làm việc tại giáo xứ nầy từ khi còn làm thầy của cha Giuse Nguyễn Bá Thành và bổn mạng thầy sở Simon Nguyễn Thanh Tú. Đức Cha chính Phêrô chủ tế thánh lễ Tạ Ơn và trong đoàn đồng tế có Đức Cha phó, và 30 linh mục. Một tu sĩ và giáo dân xa gần đến tham dự khá đông.
Trong lời đầu lễ, Đức Cha Phêrô nói rằng: «Hôm nay chúng ta mừng kính lễ hai thánh Simon và Giuđa tông đồ. Thánh Simon với biệt danh là Nhiệt thành, còn thánh Giuđa là con ông Giacôbê, cả hai được Chúa Giêsu yêu mến, tuyển chọn sai đi loan báo tin mừng. Chúng ta tự đặt mình dưới sự bảo trợ của Hai Thánh và xin Chúa biến đổi chúng ta thành những nhà truyền giáo đắc lực trong môi trường sống của mình.
Đặc biệt hôm nay là ngày tam hỷ của giáo xứ: kỷ niệm tròn 10 năm Cha Phêrô Võ Thanh Nhàn nhậm chức cha sở giáo xứ Sông Cạn, 4 năm cha phó Giuse Nguyễn Bá Thành từ khi còn làm thầy về giúp xứ và bổn mạng của thầy sở Simon Nguyễn Thanh Tú.
Hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay, chúng ta cám đội Ơn Chúa vì những hồng ân đã ban cho hai cha trong suốt thời gian qua và chúng ta cũng xin Chúa ban cho hai cha cùng với thầy sở tràn đầy ơn Chúa».
Thánh lễ diễn ra thật sốt sắng và trang nghiêm. Sau Thánh lễ, vị đại diện giáo dân giáo xứ Sông cạn có đôi lời cám ơn hai Đức cha, quý cha và cộng đoàn và cách riêng là của giáo xứ đối với cha sở và cha phó. Cha sở Sông Cạn cũng đặc biệt cám ơn tấm lòng của hai Đức Cha, nhất là Đức cha Phêrô đã trực tiếp tin tưởng bổ nhiệm cha về chăm sóc giáo xứ Sông Cạn nầy.
Trong lời huấn từ sau lễ, Đức Cha Phêrô đã có một cái nhìn tổng thể về sự phát triển của giáo xứ Sông Cạn trong mười năm qua với những lời cầu chúc đầy ý nghĩa. Ngài nói rằng: «Ngắm nhìn bộ mặt giáo xứ Sông Cạn ngày nay, chúng ta thấy nơi đây hội tụ nhiều ơn lành của Chúa. Mười năm không phải là dài, nhưng Sông Cạn như đang khoát lên mình một bộ cánh mới xinh tươi: mới từ nhà xứ, mới ra ngoài đường; mới nơi nhà Chúa, mới trong lòng người.
Thật vậy, mười năm qua, kể từ khi nhậm xứ 28.10.2001, với tình mục tử yêu thương đoàn chiên được trao phó, cha sở Sông Cạn đã lo xây dựng mới hoàn toàn nhà thờ giáo xứ và một số nhà thờ giáo họ; nhà xứ, nhà sinh hoạt cũng được tu sửa khang trang; khuông viên nhà thờ, tường rào, cổng ngỏ… cũng được làm mới. Đặc biệt vì “yêu nhau yêu cả đường đi”, nên cha sở đã lo liệu để hôm nay nhà thờ không còn cảnh “gần nhà xa ngõ” và cũng không còn phải qua con đường 2 B, nắng bụi mưa bùn. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy sinh hoạt và đời sống đạo đức của giáo dân Sông Cạn ngày thêm khởi sắc và sốt sắng. Khi được tăng cường thêm nhân sự, cha phó và thầy sở, thì giáo xứ lại càng thăng tiến về nhiều mặt.
Ơn Chúa thật phong phú và đến với ta qua nhiều cách. Đặc biệt ơn Chúa đổ tràn trên giáo xứ Sông Cạn qua từng người Chúa gởi đến làm việc và qua nhiều ân nhân xa gần. Chúng ta tạ ơn Chúa và cũng không quên cầu nguyện những ân nhân của giáo xứ.
Nhân đây tôi xin cám ơn Cha sở, cha phó, thầy sở, quý chức việc và anh chị em giáo dân Sông Cạn cùng các ân nhân xa gần. Xin Chúa tiếp tục giữ gìn và tuôn đổ muôn ơn lành trên giáo xứ Sông Cạn. Tôi cũng cầu chúc: giáo xứ nầy luôn luôn được Thanh Nhàn, người người ngày thêm Thanh Tú và nhà nhà nhất nhất được Thành công».
Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
- Tin Giáo họ Sông Hinh. Một tin vui đã đến với giáo họ Sông Hinh thuộc giáo xứ Tịnh sơn: ngày 14/10, Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số hiệu BC 133058, cho thửa đất có diện tích 9.906 m2 của giáo họ Sông Hinh để xây dựng nhà thờ. Hôm sau, vào ngày 15/10, Đức Cha chính Phêrô, Đức cha phó Matthêô, cha hạt trưởng Phú Yên, cha sở Tịnh Sơn Giuse Lê Thu Thâu và một vài cha đã đến giáo họ Sông Hinh để tham quan khu đất vừa mới được cấp phép để xây dựng nhà thờ.
Giáo họ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân, cách xa nhà thờ giáo xứ chính Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Toàn huyện có 4 tôn giáo chính (Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài) và đã có 3.217 người theo các tôn giáo, chiếm 7,3 % so với dân số của huyện. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Hy vọng trong tương lai không xa, với ngôi nhà thờ mới, giáo dân Sông Hinh sẽ có nơi thuận tiện, gần gũi để có thể thờ phượng Chúa và cử hành phụng vụ.    
- Mừng kỷ niệm 20 năm tái lập Legio Mariae Phú Yên: Vào lúc 9g30 sáng ngày 07/10/2011, tại nhà thờ Đông Mỹ thuộc giáo hạt Phú Yên, đã tổ chức mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi với tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa dịp kỷ niệm 20 năm tái lập Legio Mariae tại giáo hạt Phú Yên.
Được biết, hạt giống Legio Mariae đã được ươm mầm từ trước năm 1975 trên vùng đất Tuy Hòa. Thế nhưng, sau biến cố 1975, Legio Mariae đã ngừng hoạt động một thời gian dài. Mãi đến ngày 24/8/1991, Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn, Cha xứ Tuy Hòa đã qui tụ 19 người để tái lập sinh hoạt của Legio Mariae. Từ đó, trong ơn Chúa và nhờ sự bảo trợ của Mẹ Maria, Legio Mariae đã hồi sinh nhanh chóng trong giáo hạt Phú Yên. Đến nay, hầu hết các giáo xứ của giáo hạt Phú Yên đều có sự hiện diện của Legio Mariae. Ngoài Curia Tuy Hòa (do cha Giuse Trương Đình Hiền làm Linh Giám) còn có Curia Sơn Hòa (do cha Giuse Lê Thu Thâu làm Linh Giám). Ngoài Curia Senior còn có Curia Junior, tất cả đều hăng say hoạt động trong tinh thần những chiến sĩ của Đức Mẹ Maria. Các hội viên Legio Mariae thực sự là đôi mắt, là đôi chân, là cánh tay của các linh mục trong giáo xứ. Họ đang cố gắng thánh hóa bản thân qua môi trường Legio, họ đang nỗ lực cộng tác trong công cuộc truyền giáo dưới sự chỉ bảo của Mẹ Maria và của giáo quyền.
Trong Thánh Lễ tạ ơn này có sự hiện diện của 08 linh mục trong giáo hạt Phú Yên. Cha Giuse Trương Đình Hiền làm chủ tế và Cha Giuse Lê Thu Thâu giảng Lời Chúa cùng với khoảng trên 300 hội viên Legio Mariae tham dự sốt sắng. Sau Thánh Lễ được cử hành trong một ngôi nhà thờ mới xinh đẹp, quí Cha cùng các hội viên đã có một bữa ăn trưa với tâm tình chia sẻ và hiệp thông.
Ước gì hội Legio Mariae ngày càng hoạt động tích cực hơn trên cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo Phận Qui Nhơn thân yêu.
- Tin giáo xứ Sông Cầu: Kể từ năm 1982, Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã có một cộng đoàn với tên là “Fiat” hiện diện và góp phần vào việc mục vụ tại giáo xứ Sông Cầu. Suốt 29 năm qua, vì hoàn cảnh chưa cho phép nên cộng đoàn Fiat cùng sinh sống với gia đình nhà xứ trong khuôn viên nhà thờ. Nay, sau một thời gian xây dựng, cộng đoàn Fiat đã có một ngôi nhà mới cách nhà thờ Sông Cầu khoảng chưa đầy 100m  trên  đường Trần Hưng Đạo, thị xã Sông Cầu.
Ngày 10/10/2011 vừa qua, Hội Dòng MTG Qui Nhơn gởi đến Sông Cầu Sr. Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Vàng làm phụ trách cộng đoàn Fiat thay thế Sr. Anna Nguyễn Thị Túy Phượng;  và Sr. Matta Huỳnh Thị Huệ cũng được gởi đến thay cho Sr. Anna Nguyễn Thị Lệ Thủy. Hai sơ Têrêsa và Matta đã đến và ở tại ngôi nhà mới của Hội Dòng. Như vậy, cộng đoàn Fiat ở Sông Cầu nay đã có một nơi ở ổn định lâu dài và thuận lợi trong việc sinh hoạt của các Sơ.
Hy vọng có nhiều triển vọng tốt đẹp cho cộng đoàn Fiat trong cuộc sống cũng như trong việc mục vụ tại giáo xứ Sông Cầu.

ĐẦU VÀO CỦA TRÍ THỨC HIỆN NAY



TS. VĂN GIÁ

VanVN.Net - Như đã thấy, nền giáo dục thời phong kiến ở nước ta, nếu lấy mốc bắt đầu từ khi có Quốc tử giám (1075), kéo dài khoảng gần 10 thế kỷ; nếu lấy mốc từ khi thái thú Sỹ Nhiếp sang mở trường dạy học chữ nho tại Luy Lâu thì còn dài hơn nữa. Nền giáo dục này đã sản sinh ra một đội ngũ trí thức khá hùng hậu, trong đó có nhiều bậc đại trí thức làm rạng danh nền văn hiến Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, do kéo dài quá lâu một mô thức đào tạo, nên chế độ giáo dục này đã bộc lộ nhiều hạn chế khá trầm trọng. Và đến lượt mình, nó đã để lại những di chứng khá nặng nề cho nền giáo dục sau này, kéo dài đến tận hôm nay, cả trên phương diện thực tế lẫn trên phương diện tâm thức. Bài viết này bước đầu chỉ ra một số căn bệnh của nền giáo dục phong kiến trước đây, ngõ hầu đưa ra một tham chiếu để nhìn vào thực trạng giáo dục hiện nay.
 1. Theo tôi, điều dễ nhận thấy trước tiên của nền giáo dục phong kiến là đã tạo lập một cách học thuộc lòng chứ không theo cách học sáng tạo. Các nho sinh ban đầu học chữ. Học chữ bắt đầu bằng những nét bút đầu tiên, cách phiên âm đầu tiên. Sau đó, dần dần bước vào những sách khó hơn, và khó nhất là Tứ thư, Ngũ kinh của Trung Quốc. Cách học này trước hết là học thuộc chữ, sau đó giải thích những chữ đó (rộng ra là văn bản) cũng phải theo cách người trước đã giải thích, tức là lấy Trung Hoa làm mẫu mực, chỉ có một cách duy nhất học thuộc lòng, chứ không có cách giải thích khác theo cách hiểu cá nhân. Nếu ai cố tình giải thích theo cách hiểu của mình sẽ bị đánh trượt trong các kỳ thi chính thức. Thi cử chính là cách người thi thể hiện xem có khả năng thuộc lòng các chữ thánh hiền không, có năng lực nhớ và viết lại cách giải thích, bình luận đã có sẵn trong các sách kinh điển không. Nó không chấp nhận sáng tạo. Chính vì vậy, trong lịch sử thi cử, có một số cá nhân vượt trội trong khi đi thi, do không chịu khuôn theo những điển mẫu có sẵn trong sách, cứ muốn trồi ra những ý tưởng xuất sáo của mình, nên đã bị đánh trượt. Ví dụ như cụ Trần Tế Xương (Tú Xương, 1870-1907) chẳng hạn, nho sinh xuất sắc này thi trầy trật mới có thể đỗ được, mà cũng chỉ đỗ đến bậc tú tài. Số phận của nhà nho xuất sắc Cao Bá Quát (1808-1855) chỉ đỗ cử nhân, trượt thi Hội; hay nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940) cũng không hơn gì: đỗ đạt cao nhất chỉ đến bậc Giải nguyên trường Nghệ[1].
Học thuộc lòng tức là học theo điển mẫu, điển phạm trong nền văn hóa Trung Hoa. Nếu viết khác, nói khác những gì trong sách Trung Hoa đã có tức là sai. Cách học này chỉ giáo dục con người học theo cách thụ động, biến người học thành kẻ chỉ biết nghĩ theo, nói theo, chứ không nghĩ và nói bằng chủ kiến của mình. Trong nền giáo dục này, đại đa số các nho sinh đều thấm đẫm tinh thần học thụ động, máy móc này. Nó tạo ra những con người bắt chước chứ không tạo ra con người sáng tạo.
Tuy nhiên vẫn cần mở ngoặc là thời nào cũng có những cá nhân vượt trội, tức là họ đủ mạnh để bứt phá ra khỏi cách đi của đám đông, tự khẳng định mình, góp phần vào tiến trình tri thức chung của đất nước, mặc dù số này không thể nói là nhiều.
2. Đặc điểm thứ hai của chế độ học hành khoa cử phong kiến là coi mục đích của việc học cốt để đi thi, chứ không phải học do nhu cầu muốn được trang bị tri thức. Phải công bằng mà nói, người Việt ta xưa kia cũng có tinh thần hiếu học. Mỗi gia đình người Việt, tuy có thể nghèo khó, nhưng thường đều mong muốn cho con em mình được học chữ thánh hiền. Học trước là để biết được cách khấn khứa trước ban thờ tổ tiên, sau là để biết ghi chép gia phả dòng tộc, sau nữa để qua đó mà giáo dục đạo lý làm người trong gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, đại đa số các gia đình phải có một điều kiện kinh tế tối thiểu mới có khả năng cho con theo học, bởi đã gửi con đi học thì phải đóng tiền học, trọ học, rồi thì tiền thăm viếng thầy trong những dịp tết nhất, ốm đau…Nên gia đình nghèo khó không thể gửi con theo học được. Mà số này chiếm phần đông trong cộng đồng dân cư làng xóm Việt Nam trước đây.
Số còn lại, do có điều kiện kinh tế, cộng với cái chí hướng học hành của gia đình, nên các nho sinh “thập niên đăng hỏa” (mười năm đèn sách) đi học để quyết “đăng trường ứng thí”. Đi thi để quyết chiếm lấy cái bảng vàng. Vinh quang lớn nhất của nho sinh là học hành đỗ đạt. Một khi đã đỗ đạt thì cả dòng họ, cả làng, thậm chí cả tổng cả huyện nghênh đón, khao thưởng trọng vọng. Hình ảnh được coi là đẹp đẽ nhất đối với các nho sinh trong cái nhìn của các cô gái thôn quê Việt Nam trước kia là: “Ước gì em lấy được chàng/ Võng anh đi trước võng nàng theo sau”. Nỗi nhục lớn nhất của người đi học mà thi trượt (Cười như anh khóa hỏng thi…). Đã trượt, nếu là người có chí cũng không dễ dàng đầu hàng, quyết về nhà dùi mài kinh sử để đến khóa sau lại thi tiếp. Người bỏ cuộc tức là chấp nhận thất bại. Mà đã thất bại, không chỉ bản thân mình thất vọng ê chề, mà cả gia đình, dòng họ, làng xóm và vị hôn thê tương lai (hoặc người vợ) cũng cảm thấy tủi hổ cùng. Việc anh đi học, đi thi không còn là chuyện của cá nhân anh, mà là chuyện của cộng đồng rồi. Nỗi phiền toái là ở đó. Chuyện này khác với phương Tây, nơi coi học hành chỉ là chuyện của riêng mỗi cá nhân mà thôi.
Chính vì mục đích của việc học là để đi thi, nên tinh thần giáo dục bao trùm là cử tử, nghĩa là ra sức học theo đúng phép tắc, đúng quy phạm, cốt sao thi đỗ. Và như vậy, thêm một lý do nữa để bồi thêm vào tình trạng học hành thụ động, máy móc, thủ tiêu sáng tạo cá nhân như trên kia đã đề cập.
3. Từ những điều vừa phân tích trên, một hệ quả tất yếu được rút ra: những người theo học trong nền khoa cử này coi cái đích cuối cùng của việc học là để ra làm quan, chứ không để trở thành trí thức độc lập. Có học có thi. Đỗ đạt thì được bổ làm các chức quan trong bộ máy chính quyền phong kiến. Không đỗ đạt, mà con số này là chủ yếu, thì không có con đường nào khác là đành trở về thôn quê làm hương sư (thày dạy học ở làng), hoặc làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên với hạng người này suốt đời vẫn cảm thấy chưa thỏa chí, vẫn canh cánh ôm trong lòng nỗi hận. Chả thế mà có người đến khi đã già lụ khụ rồi vẫn lều chõng đi thi để quyết rửa hận. Còn những người may mắn đỗ đạt, sau đó được bổ nhiệm làm quan. Làm quan bao giờ cũng kèm theo bổng lộc. Chế độ phong kiến quy định tùy từng mức đỗ đạt mà được bổ chức quan nào, và tùy từng chức quan này mà ban bổng lộc (ruộng đất, nhà cửa, lương lậu) tương ứng. Thêm nữa, khi đã có chức tước thì tất yếu sẽ có nhiều quyền lợi đi kèm. Đó là một môi trường khắc nghiệt để thử thách nhân cách. Có người xem môi trường quan chức là một mảnh đất màu mỡ cho sự trục lợi béo bở (Một người làm quan, cả họ được nhờ). Có người lại quyết phấn đấu để trở thành một ông quan thanh liêm, ra ân cho dân chúng, lập đức trong cộng đồng, khi chết đi được cộng đồng tưởng thưởng, ghi công ơn, lập ban thờ, trở thành bậc tiền hiền của cộng đồng. Tuy nhiên, thời nào cũng vậy, số người này bao giờ cũng là “của hiếm” trong thiên hạ.
Điều đáng bàn ở chỗ là, số người sau khi trở thành quan chức rồi thì hầu hết không theo đuổi con đường chữ nghĩa nữa, mà yên phận trở thành một ông quan đúng nghĩa. Từ đây, sách vở, tri thức đối với họ trở thành xa lạ dần. Thậm chí, trong những trường hợp tệ hại nhất, có người quay lại thù địch với sách vở, tri thức nói chung. Nguyên nhân thì có nhiều. Có thể do họ bước vào đời sống quan trường phải vướng víu vào nhiều thứ công việc sự vụ, đến nỗi choán hết thời gian của họ. Có thể tự họ thấy ngần ấy vốn liếng tri thức học hành đã được coi là đủ, thậm chí là thừa cho công việc sự vụ quan trường. Trường hợp có người quay sang thù địch tri thức/ trí thức, bởi vì cái lòng ghen tị cố hữu ở họ khiến họ không thể nào chịu nổi khi thấy người khác giỏi giang hơn mình, xuất chúng hơn mình, được ca ngợi hơn mình. Thế là, từ một người có khả năng trở thành trí thức đã mau chóng trở thành một vị quan lại toàn phần, và quay lại xem thường, thậm chí đe nẹt, phỉ báng trí thức. Cái vòng luẩn quẩn ở chỗ đó. Môi trường quan chức bao giờ cũng dễ khiến người ta đứng trước nhiều nguy cơ hư hỏng.
Một người làm quan mà cùng lúc lại có cốt cách trí thức trong mình là điều không dễ dàng gì. Phải là người có ý chí mãnh liệt, khả năng tu thân cao cường mới có thể trở thành một quan chức- trí thức. Kiểu người này, thường hay bị thua thiệt, hay bị hiểu lầm, thậm chí bị cô độc. Bởi vì anh không có khả năng xiểm nịnh, lấy lòng hòng trục lợi cấp trên. Những tấm gương trí thức- quan chức như Nguyễn Trãi, Chu Văn An đều hứng chịu những bi kịch khốc liệt của thời thế chính là do trong khi làm quan, các vị đã không chịu từ bỏ tư cách trí thức của mình.
Trong cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”, tác giả Bá Dương trong khi so sánh quan niệm của người Trung Quốc với người phương Tây về vấn đề quan tính và người làm quan, ông có một khái quát hết sức táo bạo và có sức thức tỉnh lớn. Ông nói: “Đối với người phương Tây: tri thức là quyền lực. Đối với người Trung Quốc: quyền lực là tri thức”[2]. Điều này có thể khẳng định rằng cũng hoàn toàn đúng đối với người Việt ta từ xưa tới nay.
4. Điểm cuối cùng mà tôi muốn nói tới hậu quả của việc học trong thời phong kiến là học để biết chứ không học để làm. Mặc dù lý tưởng của người nho sinh là phải trở thành bậc chính nhân quân tử, và biểu hiện cao nhất của lý tưởng này là hành đạo cứu đời, kinh bang tế thế. Với tinh thần ấy, thời nào cũng vậy, vẫn có một số nhà trí thức đem cái sở học của mình để nhập thế hành đạo. Tuy nhiên, cái tri thức do học được với cái yêu cầu của thực tế là khoảng cách một trời một vực. Thành ra, việc tự tu dưỡng, mở mang học vấn, tri thức là một việc làm suốt đời. Số người này bao giờ cũng ít ỏi. Còn lại đa phần là những người ở mức trung bình, đi ra cuộc đời quá lắm chỉ biết làm nghề dạy học, hoặc bốc thuốc, hoặc bói toán để mưu sinh (trên cơ sở của các tri thức nho, y, lý, số đã được trau dồi), chứ không áp dụng vào việc sản xuất, phát minh để làm lợi cho đời sống. Cái sở học của họ tuy cũng thu hoạch khá nhiều kiến thức, song cái học đó cốt để biết, chứ không đem ra thực hành được, tức là không để làm. Điều này đã được các lãnh tụ của phong trào Duy tân bàn bạc nhiều trong những năm đầu thế kỷ. Trong công cuộc Duy tân, với phương châm “tự lực khai hóa” và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc duy tân. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”.Chấn dân khí tức là làm cho mọi người thức tỉnh tinh thần tự cường, hiểu được quyền lợi của mình, dám tố cáo sự hà hiếp bóc lột của quan lại và sự nhũng lạm của cường hào...Khai dân trí là bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục và thói xa hoa...Hậu dân sinh là khuyến khích dân học nghề nghiệp, khai hoang làm vườn, lập hội buôn và sản xuất hàng nội hóa...Trong bài Văn minh tân học sách (Khuyết danh, 1904), với một tinh thần canh tân giáo dục văn hóa nồng nhiệt, người viết cũng kêu gọi bỏ chữ nho, học chữ quốc ngữ, học các môn “cách vật trí tri” (các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật) để tập  trung vào thực học, thực nghiệp, khai trí văn minh.
Ngày hôm nay, tình trạng học để biết chứ không học để làm vẫn là một tình trạng khá phổ biến. Các học sinh của ta đi thi đấu quốc tế thường hay rớt điểm thực hành. Sinh viên các nơi ra trường không giỏi tay nghề, rất lúng túng khi tác nghiệp, hầu như phải xắn tay học lại từ đầu.  Một trong những giờ giảng cuối cùng của Nhà nghiên cứu văn học, văn hóa và minh triết Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011) tại Khoa Viết văn vào tháng 11.2010, khi bàn về minh triết Việt, ông cho rằng: “Minh triết là thực hành, chứ không phải là nói, là luận bàn. Cái Thiện là tối hậu. Như vậy, minh triết không phải là  luận bàn về cái Thiện mà làm cái thiện. Triết học cũng thực hành cái Thiện, nhưng phải đi bằng con đường rất dài, bắt đầu từ việc học nhiều môn khoa học khác, sau đó học tiếp một  ngành tối cao là Khoa học về cái Thiện, rồi cuối cùng mới thực hành cái Thiện. Thế nên, những triết gia châu Âu bị mất hút vào con đường này, mải mê lý thuyết, sa vào mê cung lý thuyết, không mấy người đi thực hành cái Thiện (dĩ nhiên trong mê cung ấy, vẫn có những điều cao siêu có đóng góp cho nhân loại). Vấn đề của thời đại chúng ta hôm nay, thật đơn giản, đó là thực hành cái Thiện. Minh triết là lặng lẽ sống với cái Thiện bằng ứng xử, bằng việc làm của mình. Trong mối quan hệ giữa BIẾT và LÀM, thì với minh triết là LÀM, mặc dù BIẾT rất cần. Theo tôi, toàn bộ nền giáo dục Việt Nam hiện nay chỉ  hướng tới việc để BIẾT thôi”[3]. Đây là một khái quát hết sức sâu sắc, phản ánh đúng thực trạng giáo dục của nước ta hiện nay, rất đáng để cho những người làm công tác giáo dục và các nhà hoạch định chiến lược quốc gia về giáo dục suy nghĩ.
Trong những năm gần đây, tuy ngành giáo dục của đất nước rất được quan tâm và đầu tư, nhưng vẫn bộc lộ những khiếm khuyết nghiêm trọng. Vì thế, giáo dục luôn luôn là đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, nhất là giới trí thức, có lúc đã tạo nên những cuộc tranh luận lớn. Có người cho rằng do chúng ta chưa tìm ra được một triết lý giáo dục thực sự làm điểm tựa để thay đổi căn bản và toàn diện. Cũng có ý kiến cho rằng có những người cố tình duy trì một tình trạng giáo dục luẩn quẩn để dễ bề “đục nước béo cò”…Tôi nghĩ, ngoài việc tham chiếu lý thuyết và cách thức giáo dục của các nước tiên tiến, chúng ta cũng cần tham chiếu ngược về truyền thống giáo dục của nước ta từ xưa tới nay. Cả kinh nghiệm tốt lẫn thất bại đều là những bài học bổ ích cho chúng ta. Tuy nhiên, đó là nói ở cấp độ thực tiễn. Còn xét ở cấp độ tâm thức, những hạn chế như đã chỉ ra trên kia (có thể chưa phải đã hết) sẽ còn sống dai dẳng, sẽ còn là những trở ngại phiền toái trong đời sống giáo dục Việt Nam hiện nay và lâu dài. Thay đổi thực tiễn đã khó, thay đổi tâm thức càng khó hơn. Chỉ khi nào cả trên thực tế lẫn tâm thức được thay đổi vững chắc, khi đó mới có nền giáo dục hiện đại và tiến bộ.
                                                          Ngày 8.7.2011
_______________________________________
[1] Xem thêm  “ Chương VIII- Chế độ học tập ngày xưa”, in trong Bản săc văn hóa Việt Nam của tác giả Phan Ngọc, NXB Văn hóa –Thông tin, 1998, tr.245
[2] In trong “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hồi Thủ), do NXB Văn Nghệ, California-USA ấn hành năm 1999, tr.215
[3] Tài liệu ghi chép của cá nhân

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

ABBÉ PIERRE



Tứ Hỷ
Chính trị là một từ đôi khi có vẻ khô khan và to tát. Nhưng nó lại là cốt lõi để tổ chức và phát triển xã hội con người. Người ta làm chính trị vì 1001 lý do, nhưng nhìn chung các chính khách hay chính trị gia đều sử dụng cùng một khẩu hiệu “vì dân, vì nước”.
Bên cạnh đó cũng có những người không tự nhận làm chính trị, không cần vào quốc hội, cũng chẳng ra tranh cử tổng thống hay vào đảng phái nào, nhưng chính việc làm của họ lại thay đổi cuộc sống xã hội, góp phần “đổi đời” cho hàng ngàn gia đình, Abbé Pierre, nhà hoạt động xã hội ở Pháp, là một ví dụ điển hình với kiểu hoạt động chính trị vô cùng đặc biệt: chính trị kiểu xã hội, lấy đời sống của nhân dân làm yếu tố trọng tâm.
Xuất thân là một linh mục Công giáo ở Pháp, Abbé Pierre là một người hoạt động xã hội tích cực. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, có lẽ cái tên Abbé Pierre sẽ chẳng được ca ngợi đến vậy, và ngày đám tang của ông năm 2007 ở Paris đã không có hàng nghìn người đến khóc thương, trong đó có cả cựu và tân tổng thống Pháp Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy.

Một cuộc đời của hành động

Điểm nổi bật ở con người Abbé Pierre là hành động và hành động. Là nhà hoạt động xã hội, mối quan tâm lớn nhất của ông dành cho tầng lớp dân nghèo, đặc biệt là những người ở tận cùng xã hội, những người vô gia cư, những gia đình nghèo mạt không kiếm nổi miếng cơm, không có được một mái nhà. Ông đã hành động, bắt đầu bằng việc sáng lập ra tổ chức Emmaus, đơn thuần là một tổ chức từ thiện giúp đỡ những kẻ sa cơ lỡ vận.
Các hoạt động của tổ chức này thật sự rất ấn tượng: nó không nhận sự tài trợ của nhà nước hay nhà thờ Thiên chúa giáo mà hoạt động theo kiểu tự cung tự cấp và bằng sự quyên góp của các mạnh thường quân. Chính những trường hợp khi được Emmaus giúp đỡ và có ý muốn ở lại để làm việc sẽ trở thành người bảo đảm hoạt động cho tổ chức.
Hiện nay Emmaus đã trở thành một công ty có hẳn các cương vị giám đốc và quản lý, doanh thu chính là từ việc bán sản phẩm làm ra bởi các thành viên.

Hành động nối tiếp hành động

Cuộc chiến chống cái đói nghèo đâu thể giải quyết chỉ bằng những tổ chức từ thiện. Abbé Pierre đã tìm ra những thứ vũ khí khác mạnh mẽ hơn: các phương tiện thông tin đại chúng. Vào mùa đông 1954, nước Pháp trải qua cái đói và cái lạnh vô cùng khắc nghiệt, và còn khó khăn gấp bội phần cho những người vô gia cư, người ăn xin, lang thang trên hè phố.
Những xác chết cóng vì lạnh, những khuôn mặt dày vò vì cái đói, cái rét cố gắng bám víu vào cuộc sống. Không thể chịu đựng nổi và đánh giá rằng những hoạt động từ thiện không đủ tác dụng, ngày 01/02/1954, ông phát ra lời kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp đến toàn nhân dân Pháp trên đài phát thanh France Luxembourg (hiện nay là đài RTL).
Và dân Pháp đã trả lời ông: tiền quyên góp đổ về ào ạt, hàng trăm nghìn cuộc điện thoại quyên góp làm tắc nghẽn các tổng đài, hàng nghìn người sẵn sàng tình nguyện gia nhập Emmaus.
Kẻ góp của người góp công, việc còn lại của Abbé Pierre là tổ chức hành động khẩn cấp để sự giúp đỡ đến được nhanh và hiệu quả nhất những lề đường, những gầm cầu, những bãi đậu xe… Bước đường chính trị thật sự của ông đã bắt đầu.

Chính trị kiểu “bất hợp pháp”

Từ trước năm 1954, Abbé Pierre đã từng tham gia quốc hội và họat động trong một vài đảng phái chính trị. Nhưng ông đã từ chức và rút lui khi cảm thấy con đường chính trị truyền thống không thực hiện được các suy nghĩ của mình.
Theo ông, ngoài kia chống lại nghèo đói là một cuộc chiến hàng ngày và vô cùng khốc liệt, trong khi đó, các chính trị gia chỉ nói toàn những lời hoa mỹ và lo lắng cho lợi ích cá nhân hay lợi ích đảng phái. Những chính sách của nhà nước đưa ra để cải thiện tình hình luôn luôn là quá trễ hoặc mất quá nhiều thời gian để triển khai.
Abbé Pierre đã quyết định chọn cho mình con đường của hành động, của thực tế. Kể từ 1954, ông đưa Emmaus thành một công ty xây dựng xã hội, xây nhà miễn phí cho dân nghèo. Nhân công là thành viên Emmaus, vật liệu ông đi gom góp từ khắp nơi, vận động mọi nguồn tài trợ. Trong bài toán nhà ở, ẩn số lớn nhất vẫn là đất xây dựng.
Ông đã tìm ra cách giải- một cách giải táo bạo, thách thức cả nhà nước và luật pháp hiện
hành. Ông ủng hộ việc chiếm dụng một cách “bất hợp pháp” các mảnh đất xây dựng bị bỏ hoang, những công trình dở dang từ nhiều năm do chính phủ quản lý. Từ nơi đó những ngôi nhà, những ái ấm đầu tiên ra đời, hàng trăm gia đình đã có chỗ nương thân.
Việc làm này lẽ dĩ nhiên không làm vừa lòng các cơ quan chính quyền, tuy nhiên làn sóng ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đã giúp Abbé Pierre đứng vững. Ông không chỉ đứng vững mà còn thẳng tiến. Ông đấu tranh để chính phủ phải thay đổi chính sách nhà ở, dùng phần lớn thuế thu nhập vào việc cải tổ xây dựng các khu nhà giá rẻ, nhà cho thuê… buộc nhà nước phải lưu tâm dành ngân sách, trợ giúp nhu cầu về chỗ ở của học sinh sinh viên, người lao động, công nhân, dân nhập cư.
Và ông cũng không ngần ngại đụng chạm đến thiểu số giàu có quyền lực của kinh đô ánh sáng, nổi tiếng với những căn biệt thự, nhà nghỉ mát rộng thênh thang chỉ được sử dụng vài ngày trong năm, khi đòi hỏi nhà nước phải thu hồi quyền sử dụng đất và dùng vào việc xây dựng các khu định cư xã hội.
Những đề nghị, đòi hỏi, tranh đấu của Abbé Pierre đều rất rõ ràng, và thực tế. Ông xuất hiện trên các kênh truyền hình, khách mời của nhiều đài phát thanh, với vấn đề nhà ở
làm chương trình hoạt động, lòng quả cảm, táo bạo làm vũ khí.
Đông-ki-sốt Abbé Pierre dấn thân vào cuộc chiến không cân sức với chính phủ, với pháp luật, thiểu số giàu có quyền lực để khẳng định quyền được sống, được có một mái nhà của mỗi con người.
Khi tuổi đã cao, dù bệnh tật, phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng ông vẫn luôn có mặt ở hàng đầu trong các cuộc biểu tình tranh đấu cho người vô gia cư.
Những hành động và kết quả gặt hái được của Abbé Pierre đã vượt xa những gì có thể làm được của một đại biểu quốc hội, vượt xa khả năng của một thị trưởng. Một tổng thống tốt cũng chưa chắc có phép màu như ông.
Nhiều người nói trong chính trị phải luôn luôn có sự thỏa hiệp, phải biết cân bằng giữa các thế lực. Chính trị kiểu Abbé Pierre là chính trị kiểu hành động, chẳng có e ngại bất kỳ thế lực nào.
Kẻ thù là sự nghèo khó, và không hề có sự thỏa hiệp nào có thể khoan nhượng được. Chính phủ, nhà nước, luật pháp…..vốn được tạo tạo ra để duy trì trật tự và phát triển xã hội, nhưng đôi khi lại thành rào cản. Phải dám tranh đấu, dám thay đổi, và luôn luôn tâm niệm rằng không phải nhà nước, chính phủ, luật pháp quản lý chúng ta mà là con người đang quản lý con người.

Những câu nói nổi tiếng của Abbé Pierre:
“Sống là để học thương yêu.” Abbé Pierre luôn tâm niệm như vậy. Ông đã cố gắng thực hiện và sống theo lý tưởng yêu thương con người không phân biệt giai cấp, không có ngăn cách màu da, dân tộc.
“Chính trị gia chỉ biết đến sự bần cùng qua các số liệu thống kê, và người ta không thể xúc cảm trước những con số. Ông đã đả kích những vị dân biểu, bộ trưởng thậm chí tổng thống chỉ dùng những lời mật ngọt hứa hẹn xa rời thực tế của những tầng lớp thấp nhất.
“Hy vọng, nghĩa là tin rằng cuộc sống có ý nghĩa. Với Abbé Pierre cái quan trọng chính là tạo dựng lại niềm tin trong cuộc sống cho những con người bất hạnh.

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

SOCRATES VÀ NGHỆ THUẬT ĐỐI THOẠI



Bùi Văn Nam Sơn

Ông là người thầy của phương pháp làm triết học và khoa học. Hơn thế, ông là tượng đài lẫm liệt của nhân cách: nhân cách của người trí thức đích thực. Vậy là, ngay từ buổi bình minh của triết học, phương Tây đã được thừa hưởng hai bảo vật vô giá: cách làm triết học và cách sống triết học.
Ba trong một: trí thức, nhà nhân quyền, triết gia
Socrates (khoảng 470 – 399 trước Công nguyên) con nhà nghèo: cha làm đồ gốm, mẹ là bà mụ. Nghề của mẹ (và chắc cũng của cha nữa) thường được ví với phong cách sống của ông: làm người “đỡ đẻ” và hun đúc cho việc đi tìm chân lý. Học vấn uyên bác và đã từng là một chiến binh dũng cảm, nhưng rút cục ông thấy công việc “hộ sinh tinh thần” mới thực là sứ mệnh đáng cho ông dâng hiến trọn đời. Socrates không triết lý trong tháp ngà. Ông lang thang giữa chợ Athens (Hy Lạp) để bàn thảo, tranh luận với thanh niên, với những người “học thật” và “học… giả”.
Tới 50 tuổi mới cưới vợ: bà Xanthippe, nổi danh (và đồng nghĩa) với hình ảnh một bà vợ hung dữ, khó tính. Không phải không có lỗi của ông: chẳng mang được đồng xu nào về nhà! Khác với những biện sĩ đương thời bán trí khôn kiếm tiền, ông dứt khoát dạy miễn phí. Không rõ bà hay cãi cọ có phải vì ông cương quyết không chịu… thương mại hoá giáo dục hay không, nhưng “chân lý” sáng giá được ông khám phá là: “Nên lấy vợ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành… triết gia; đàng nào cũng có lợi!”
Thử thách thực sự đến với Socrates vào năm 399 trước Công nguyên. Ông bị tố cáo tội “dụ dỗ thanh niên” và “báng bổ thánh thần”, bị kết án tử hình bằng cách uống thuốc độc. Người như ông mà không bị chụp mũ, tố cáo, lên án mới là chuyện lạ, nhưng thật ra, thời đó, án tử hình cũng hiếm và ông có thể dễ dàng thoát chết bằng hai cách: xin chừa hoặc bỏ trốn. Không thể được! Xin chừa là phản bội sứ mệnh bảo vệ chân lý. Bỏ trốn là phản bội trách nhiệm công dân. Vậy, chỉ có con đường chết: ung dung uống thuốc độc trước mặt bạn hữu và môn đệ, sau khi cùng họ… đàm luận triết học!
Platon, cao đồ của Socrates, đã tường thuật quang cảnh bi tráng này một cách thật cảm động và nhất là đã ghi lại lời tự biện hộ bất hủ của Socrates trước toà mà hậu thế xem “là bản tuyên ngôn đầu tiên của tri thức” (Socrates tự biện, Nguyễn Văn Khoa dịch, NXB Tri Thức, 2006). Hãy nghe tóm tắt vài lời giới thiệu của dịch giả:
– Socrate là triết gia đầu tiên, vì “sống” đồng nghĩa với “triết lý”: “Thưa quý đồng hương,… khi nào còn chút hơi sức, tôi sẽ không ngừng sống đời triết gia, khuyên nhủ và khuyến cáo quý vị rằng phải tự xét mình và xét người, bởi vì sống mà không suy xét không đáng gọi là sống”.
– Socrates là nhà nhân quyền đầu tiên, vì ông xác lập tự do tư duy, tự do phát biểu, tự do sống cuộc đời mình chọn lựa, như một thứ quyền con người, cao hơn bất kỳ bộ luật của một cộng đồng người đặc thù nào: “Trước sự thể này, tôi chỉ cần thưa với quý vị: có trả tự do cho tôi hay không, không thành vấn đề; Socrates này sẽ chẳng bao giờ làm chuyện gì khác, dù phải bỏ mạng ngàn lần”.
– Socrates là người trí thức đầu tiên theo nghĩa hiện đại, vì dám tin vào một thứ chức năng thiên phú: phê phán không nhân nhượng xã hội ông đang sống: “Thật là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chỉ cần giết người là trốn thoát lời chê trách sống không suy xét. Cách loại bỏ sự kiểm tra ấy vừa bất chính vừa bất khả thi, còn cách vừa chính đáng vừa dễ dàng là: thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự tu thân sửa tính” (sđd, tr. 35-36).
Người đỡ đẻ tinh thần
Ta thường biết đến câu nói nổi tiếng của Socrates: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” và câu châm ngôn ông theo đuổi suốt đời – “Hãy biết chính mình!” Nhưng, cống hiến lớn nhất của ông là đã mang triết học từ trời xuống đất. Thay vì bàn chuyện vũ trụ cao xa như các bậc tiền bối, ông quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Vì ông tin rằng mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.
Do đó, nhiệm vụ của ông không phải là rao giảng, thuyết phục, trái lại, bằng phương pháp và kỹ thuật đặt câu hỏi, giúp mọi người tự tìm thấy lẽ phải, chân lý vốn còn bị che phủ bởi sự mê muội. Dựa theo phương pháp hộ sinh của bà mẹ, Socrates tiến hành nghệ thuật đối thoại bằng bốn bước:
– Giả vờ không biết để nhờ người đối thoại giảng cho. Rồi bằng những câu hỏi trúng đích (có khi châm biếm, mỉa mai) chứng minh rằng người đối thoại thật ra chẳng biết gì!
Khôn ngoan là kẻ biết điều mình không biết!
Không biết không đáng trách, đáng trách là không chịu học
– Tiếp theo là dùng phương pháp quy nạp để xây dựng từng bước cái biết vững chắc. Đó là phân tích chính xác những ví dụ cụ thể trong đời thường, từ đó rút ra những kết luận và định nghĩa tạm thời.
– Bằng phương pháp định nghĩa, làm cho những khẳng định tạm thời ấy ngày càng tinh vi và chính xác hơn.
– Sau cùng, có được những định nghĩa rõ ràng, phổ quát về vấn đề đang bàn.
Phương pháp đối thoại ấy trở thành cơ sở cho sự phát triển triết học và khoa học của bao thế hệ về sau.
Ta học được gì từ Socrates? Bên cạnh tấm gương chính trực và dũng cảm mà mỗi khi nản lòng, ta hãy nhớ đến để còn vững tin vào giá trị của con người, còn có thể rút ra mấy kinh nghiệm hay:
– Biết nghe và biết hỏi là yếu tố cơ bản để thành công. Nhưng, hỏi không phải để truy bức, để bắt bí mà để người được hỏi có dịp suy nghĩ và tự trả lời: câu trả lời và giải pháp là do chính họ tìm ra.
– Kiểm tra có phê phán sự hiểu biết của chính mình.
– Nền móng của đối thoại là sự trung thực và minh bạch, là sự tin cậy lẫn nhau: “Quan toà phải có bốn đức tính: lắng nghe một cách lễ độ, trả lời một cách rõ ràng, cân nhắc một cách hợp lý, và quyết định một cách vô tư”.
– Tránh mọi sự cực đoan: “Sự cực đoan bao giờ cũng tạo ra sự cực đoan ngược lại. Thời tiết cũng thế, thân thể ta cũng thế, nhà nước, quốc gia đều thế cả”.
– Không cần sống khổ hạnh (“ăn và uống mới làm cho xác và hồn gặp nhau!”), nhưng nên bớt dục vọng và đừng thở than quá mức: “Dồn hết mọi nỗi bất hạnh trên đời này lại rồi chia đều cho mỗi người, chắc ai cũng xin rút phần của mình lại và vui vẻ bỏ đi”.
Socrates từ biệt chúng ta nhẹ nhàng: “Thôi, bây giờ đến lúc chia tay. Tôi chết đây, còn các bạn cứ sống. Nhưng ai sướng, ai khổ, chưa biết đâu đấy!” Socrates yêu quê hương, sẵn sàng chết chứ không nỡ bỏ đi, nhưng luôn giữ cái nhìn “toàn cầu”: “Tôi không phải là người Athens hay người Hy Lạp, tôi là công dân thế giới!”

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

"HÁT" HAY KHÔNG "HÁT"?



NGUYỄN DƯ

Mời các bạn đi… xem hát. Đúng hơn là xem chữ hát (h)… của tiếng Pháp. Lại chuyện Ăn cơm nhà vác ngà voi! Ngà voi còn nhẹ chán. Ngà mammouth cũng đành phải xông vào mà vác. Vác giùm cho… lịch sử, địa lí Việt Nam. Ủa! Trời đất! Đùa hay thật vậy?

Xin phép các vị khoa bảng văn chương Pháp cho «múa rìu» bằng vài câu… biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Tuy bảng mẫu tự của tiếng Pháp chỉ có một chữ h nhưng mẹo văn phạm lại phân biệt «h câm» (h muet), và «h kêu» (h aspiré).

- «H câm» chỉ có mặt lấy lệ. Có miếng chứ không có tiếng.

- «H kêu», gọi là kêu nhưng thực tế thì cũng im hơi lặng tiếng như… «h câm»!

Chuyện người Pháp không phát âm chữ h đứng đầu một từ thì ai cũng biết rồi, mắc mớ gì phải đem ra phân bua với người Việt? Xin lỗi hơi dài dòng. Ai nóng tính hãy khoan bực mình. Các cụ có câu Câm hay nói, què hay đi. Câm như La baie d’Along thì Vịnh Hạ Long cũng hết chỗ nói. Chịu thua. Tiếng Pháp «hát» như vậy mới chướng tai người Việt.

Bây giờ xin qua chuyện… đáng nói. Nói về vài địa danh của nước ta.


- Ải Vân


Đi bộ thì khiếp Ải Vân

Đi thuyền thì khiếp sóng Thần hang Dơi.

(Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao (1928), Mặc Lâm tái bản, 1967).

(Nguyễn Lân, Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn Hóa, 1989).

Trong sách Người Việt đất Việt (xuất bản năm 1967, Đại Nam in lại) Cửu Long Giang và Toan Ánh cũng viết mũi Ải Vân, đèo Ải Vân (tr. 12).

Vũ Ngọc Phan (Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, in lần thứ tám, Nxb Khoa học Xã hội,1978) và nhiều tác giả khác viết là Hải Vân.

Ải Vân và Hải Vân, tên nào đúng tên nào sai?

Lại phải… Trước đèn xem truyện Tây, Ta!

Sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục (1776), Đỗ Mộng Khương dịch, Đào Duy Anh hiệu đính Nxb, Khoa Học Xã Hội, 1977), khi nói đến vùng đất nằm giữa Thuận Hóa và Quảng Nam, thường dùng tên Ải Vân (tr.75,106), núi Ải Vân (tr.51,72), đèo Ải Vân (tr.78), cửa biển Ải Vân (tr.113,218). Trừ một chỗ, Lê Quý Đôn chép «núi Hải-vân ở Hải-vân quan huyện Tư-vang, dưới xuống sát bờ biển, trên chọc tầng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận-hóa Quảng-nam, có cửa ải đặt binh canh giữ. Tự đấy theo đường núi đi hơn một ngày là địa phận Quảng-nam» (tr.95).
Lê Quý Đôn dùng 7 lần tên Ải Vân, 2 lần Hải Vân. Chẳng lẽ Lê Quý Đôn lại viết tùy tiện, không thống nhất như vậy sao? Nhưng Lê Quý Đôn không phải là trường hợp duy nhất. Năm 1821, Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Dư địa chí, Ngô Hữu Tạo dịch, Cao Huy Giu hiệu đính, Nxb Sử Học, 1960) cũng viết Ải Vân (tr.131,132,135), và Hải Vân (tr.132). Phan Huy Chú còn «liều lĩnh» hơn Lê Quý Đôn. Câu «núi Hải-vân ở Hải-vân quan huyện Tư-vang» của Lê Quý Đôn được Phan Huy Chú chép «núi Hải-vân ở cửa quan ải Ải-vân, thuộc Ân-vinh» (tr.132)! Phan Huy Chú tự mâu thuẫn và lúng túng trong một câu viết ngắn! Tổ biên dịch Viện Sử Học (1960) chú thích: «Bản chữ Hán trên chép Ải-vân, dưới chép Hải-vân. Đại Nam nhất thống chí toàn chép Hải-vân. Tiếng Ải-vân là tiếng nhân dân quen gọi vì trên núi ấy có cửa ải». Ải-vân là tiếng nhân dân quen gọi. Nếu vậy thì Ải-vân chưa chắc đã là ngôn từ của nhà Nho, của quan biên tu Quốc Tử giám Phan Huy Chú dùng để viết sách dâng vua. Câu văn «Cửa quan ải Ải-vân…», vừa cửa vừa quan, vừa ải vừa Ải, chắc chắn không phải của Phan Huy Chú.

Hai vị khoa bảng Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú không thể «phạm trường quy» như vậy được! Cũng may, có vài bằng chứng để «bào chữa» cho hai vị.

- Phủ biên tạp lục gọi người Hòa Lan (Hollande) bằng 2 tên: Hoa Lang (tr.64), Ô Lan (tr.55). Hoa bị «câm hóa» thành Ô. Giống trường hợp Nam Hoa bị «câm hoá» thành Nam Ô. Chép sai như vậy chỉ xảy ra khi thực dân Pháp đô hộ nước ta.

- Người Pháp phiên âm Hải thành Ai. Hồng Hải biến thành Hongai. Hải Vân thành Ải Vân là chuyện dễ xảy ra.


- Đại Nam thực lục
(chép chuyện các chúa và các vua Nguyễn) của Quốc sử quán triều Nguyễn, và Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục (Bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Văn Học, 2003) chỉ chép núi Hải Vân, đèo Hải Vân, cửa biển Hải Vân. Không có tên Ải Vân.

Có thể khẳng định rằng Phủ biên tạp lục Lịch triều hiến chương loại chí đã bị người sống dưới thời Pháp thuộc sao chép sai. Núi, đèo, cửa biển nước ta tên là Hải Vân.

- Nam Ô

Nam Ô, một làng chài lưới, chuyên làm nước mắm, thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng ngày nay.

Sau khi chiếm được Việt Nam thực dân Pháp đã nhìn thấy tầm quan trọng của Đà Nẵng và nghĩ ngay đến việc mở đường giao thông giữa Huế và Đà Nẵng. Họ đã tốn nhiều tiền bạc và cả xương máu để làm đoạn đường này (ngày xưa gọi là đường cái quan, ngày nay là Quốc lộ số 1). Năm 1885, đại úy Công binh Besson được cử đi thăm dò, vẽ bản đồ vùng núi Hải Vân. Cùng năm, Camille Paris, một nhân viên của ngành bưu điện, bắt đầu nghiên cứu việc thiết lập đường giây điện báo (ligne télégraphique) Huế - Đà Nẵng.

Ngày 13/1/1886, Besson viết thư báo với đại úy Masson rằng: (tạm dịch) «Ngày mai tôi sẽ thám hiểm, mục đích tìm một đường bộ đi từ Lăng Cô tới Nam Ô (một trạm chuyển giấy tờ của triều đình Việt Nam trước kia), tránh khỏi phải qua đèo Hải Vân…». Ít lâu sau, Besson bị nghĩa quân Việt Nam giết tại Nam Chơn. Ni- cod được giao trách nhiệm tiếp tục công việc. Nicod không dùng các kết quả đo vẽ của Besson để lại, tự mình thám hiểm vẽ một đường khác. Nhưng, công việc chưa xong thì Nicod bị bệnh. Ông chết trên chuyến tàu trở về Pháp… Đại úy Clavez, đại úy Lesage, trung úy Lafon và đại úy Bois được chỉ định tiếp tục công trình. Đoạn đường bộ và đường xe lửa Huế - Đà Nẵng hoàn thành năm 1918. (H. Cosserat, La route mandarine de Tourane à Hué, (BAVH), 1-1920 và Le drame de Nam-Chơn, (BAVH), 2-1925).

Hai bài viết của Cosserat chứa đựng nhiều tài liệu, thư từ của các nhân chứng đương thời. Có nhiều đoạn viết liên quan đến Nam Chơn và Nam-Ô, hai trạm chuyển thư từ của triều đình Việt Nam thời trước. Nam-Ô còn được gọi, được ghi trên mấy tấm bản đồ là Nam-Hô, Nam-Ho, Nam-O, Namo.

Vị trí của Nam Chơn và Nam-Ô, được các nhà thám hiểm cho biết khá rõ ràng:

- Nam Chơn nằm tại chân đèo Hải Vân, phía Đà Nẵng.

- Nam Ô cách Nam Chơn tám cây số. Phải qua ba chuyến đò.

Trạm Nam Chơn ngày xưa nằm tại vùng vụng Nam Chơn ngày nay.

Còn trạm Nam Ô (hay Nam-Ho) ngày xưa là trạm nào?

Sách Đại Nam thực lục chép:


Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), đổi định tên các trạm từ Quảng Đức trở vào đến Hà Tiên trở ra đến Sơn Nam.

(…) Quảng Nam có 7 trạm: Nam Chân, Nam Hoa, Nam Giản, Nam Phúc, Nam Ngọc, Nam Kỳ, Nam Vân.

(…) Nam Hoa sau đổi là Nam Ổ.


(Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Giáo Dục, 2004, tr. 234-235).

Trạm Nam-Ô (hay Nam-Ổ) ngày xưa tên là Nam Hoa. Đại Nam thực lục không nói rõ việc đổi tên xảy ra năm nào. Có thể suy đoán được không?

Năm 1822 vua Minh Mệnh mới đặt tên Nam Hoa.

Sách Đại Nam thực lục, đệ nhị kỉ (thời Minh Mệnh) được Phan Thanh Giản soạn xong năm1861 (dưới thời Tự Đức). Trong sách có chép câu Nam Hoa sau đổi là Nam Ổ. Như vậy thì Nam Hoa được đổi thành Nam Ổ trong khoảng 1822 - 1861. Kết luận cần được bàn thêm.

Ngày 3 tháng 3 năm 1886, thiếu tá Touchard viết thư cho tướng Prudhomme: (dịch)

“Trung uý Malglaive đang đóng tại Nam Tung (Nam Chơn) dưới sự bảo vệ của tàu “Pluvier”. Chiều nay, tôi cho 30 người đi theo trung úy Gimard đến ngủ tại Nam-Ho để sáng mai cùng quan của Tourane đi thăm dò và điều tra tại mấy làng lân cận”. (BAVH, 2-1925).

Cùng năm 1886, bác sĩ Hocquard cũng tổ chức một chuyến đi từ Tourane (Đà Nẵng) ra Huế. Dọc đường ông có ghé nghỉ tại trạm «Nam-Ho». Tên Nam-Ho được Hocquard dùng 5 lần. Philippe Papin chú thích Nam-Ho là làng Nam Ổ (ngày nay gọi là Nam Ô) nằm về phía tây vịnh Đà Nẵng. (Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Édition présentée et annotée par Philippe Papin, Arléa, 1999, tr. 572-574).

Thư từ của thiếu tá Touchard, của tướng X***, một tấm bản đồ của ngành Cầu Đường (Service des Ponts et Chaussées), (BAVH, 1-1920, tr. 106-107), và ghi chép của Hocquard là những tài liệu chính xác để khẳng định rằng năm 1886 tên Nam-Ho vẫn còn được dùng. Nhưng cùng lúc, Besson và mấy người khác lại dùng tên Nam-Ô. Vậy, Nam-Ho và Nam-Ô, tên nào đúng, tên nào sai? Như đã nói ở phần trên, người Pháp rất ít khi phát âm chữ h đứng đầu một từ. Cũng vì thế mà không bao giờ người Pháp lại viết thêm chữ h vào một từ vốn đang không có. Besson và nhiều người khác không phát âm chữ h. Nam-Ho trở thành Nam-Ô là điều dễ hiểu, thường xảy ra. Ngược lại, Hocquard, Touchard, bản đồ, viết thừa chữ h vào tên Nam-Ô, khiến Nam-Ô trở thành Nam-Ho, là điều không thể xảy ra.

Nói tóm lại, mấy tài liệu của Touchard, của Tướng X***, và của Hocquard là bằng chứng đáng tin để kết luận rằng năm 1886 tên trạm Nam Hoa vẫn còn. Nam Hoa bị phiên âm sai, viết sai thành Nam-Ho. Besson viết sai thành Nam Ô. Người Pháp phát âm Nam-Ho và Nam-Ô giống nhau. Chỉ vì “h câm”.

Sách Đại Nam thực lục được soạn xong năm 1861. Tức là 25 năm trước khi Besson đưa ra tên Nam-Ô. Vì vậy, câu Nam Hoa sau đổi là Nam Ổ chắc chắn không phải là của Phan Thanh Giản. Câu này đã được người đời sau (thời Pháp cai trị) thêm vào.

Ngán cho cái mũi vô duyên

Câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An

Người ta chế diễu con thuyền Nghệ An nặng mùi nước mắm. Nhưng chưa thấy ai khen con thuyền Nam Ô đậm mùi… văn hoá Pháp!

- Hòn Gai

Hòn Gai (Từ điển Larousse (1986) viết là Hôn Gai, Hongay) thuộc tỉnh Quảng Ninh, được nhiều người biết tên từ ngày có Công ti than Bắc kì của thực dân Pháp (Société Française des Charbonnages du Tonkin) đến khai thác than đá.

Tên Hòn Gai rất quen thuộc này gốc gác ra sao?

Nước ta nằm cạnh Thái Bình Dương, có rất nhiều đảo, cù lao, hòn… vô số hòn. Hòn Chồng, hòn Chén, hòn Phụ Tử, hòn Vọng Phu, hòn Khoai Lang, hòn Con Trâu, hòn Mái Nhà… Thông thường thì hòn là một hòn đảo hoặc một hòn núi nhỏ. Trừ vài hòn như Hòn Gai, Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), không phải là đảo, cũng không phải là núi.

Tên Hòn Đất bình dân như Cục Đất hay Viên Đất. Dễ hiểu. Không có gì để bàn. Còn Hòn Gai? Chẳng lẽ lại lấy gai kết thành hòn để chơi như trò đánh còn, đánh phết hay… đá cầu mây? Mù mờ hơn nữa là Hòn Gai có lúc còn được gọi là Hồng Gai. Cụ Phan Khôi có bài thơ Hồng gai (Hồng nào hồng chẳng có gai, Miễn đừng là thứ hồng dài không hoa…) nhưng Hồng gai của Phan Khôi không dính dáng gì với thành phố Hồng Gai. Hòn Gai hay Hồng Gai dứt khoát không có nghĩa là một mớ gai được kết thành… hòn, hay một cái gai màu hồng. Vậy Hòn Gai là cái gì?

Báo L’Illustration, ngày 28 tháng 4 năm 1883, có bài viết về tình hình tại Bắc Kì, cho biết quyết tâm của Henri Rivière: «La position de Hong-Hay, dans la baie de Along dut également être occupée». Vị trí Hong-Hay trong Vịnh Hạ Long cũng cần phải được chiếm đóng). (Les grands dossiers de L’Illustration, Le livre de Paris, 1993, tr. 60).

Bản đồ ngày xưa do người Pháp vẽ ghi là Hong Hạ. Hòn Gai cũng nằm trong Vịnh Hạ Long. Vậy, Hong-Hay hay Hong Hạ có phải là Hòn Gai không?

Câu hỏi này được Eugène Langlet trả lời một cách gián tiếp: Hongay: hông: rose, rouge ; hai: mer -- endroit où la mer est rouge. (Hongay là Hồng Hải, nơi đây nước biển màu đỏ). (Eugène Langlet, Le peuple Annamite, Berger-Levrault, 1913, tr. 297).

Giải thích của Langlet thật bất ngờ. Hongay tiếng Việt là Hồng Hải. Tiếc rằng Langlet không cho biết hai điều:

- Địa danh Hồng Hải (báo L’Illustration viết là Hong-Hay) có hay không?

- Nếu địa danh này có thì tại sao Hồng Hải (Hong-Hay) lại trở thành Hongay?

1- Thành phố Hạ Long ngày nay có phường Hồng Hà, phường Hồng Hải và phường Hồng Gai (Tập bản đồ hành chính Việt Nam (nxb Bản Đồ, 2003, tr. 22). Rõ ràng Hồng Hải là một địa danh có thật. Ngày xưa đã được Langlet nói đến và ngày nay vẫn còn tồn tại. Phường Hồng Hà nằm tại cửa sông. Nơi đây nước sông màu hồng. Giống nước sông Hồng của Hà Nội. Phường Hồng Hải nằm cạnh bờ biển. Nơi đây nước biển màu hồng, màu đỏ như Langlet cho biết. Hồng Hải được báo L’Illustration viết là Hong-Hay, bản đồ ghi là Hong Hạ.

2- Địa danh Cao Hải được người Pháp phiên âm là Koua-Hay, Koua-Ha, Kau-Ai. Chữ Hải được phiên âm là Hay, Ha, Ai (hiện tượng h câm) ((H. Cosserat, La route mandarine de Tourane à Hué, Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH), 1-1920). Hồng Hải được phiên âm là Hong-Hay, Hong-Ai.

3- Tiếng Pháp đa âm. Người Pháp có thói quen hay ghép liền nhiều từ Việt Nam có hai âm tiết như Hano, Hạphong, Danang, Sạgon, cagna (cái nhà), conga (con gái), v.v.. Vì thế mà Hong-Ai được ghép liền thành Hongai.

Năm 1883, Hồng Hải được báo L’Illustration viết khá đúng là Hong-Hay. Tuy nhiên, Hong-Hai hay Hong-Hay phải «hát» trước, «hát» sau. Hát hai bè khó quá. Chi bằng bỏ một chữ h, rồi ghép liền hai từ thành Hongai hay Hongay. Dễ dàng mà lại… du dương. Thông thường, từ Hải phiên âm ra tiếng Pháp phải viết bằng chữ i tréma (như Hạ của Hải Phòng). Để tránh phiền phức, có thể tạm thay i tréma bằng y. Như trường hợp Yên Bái được viết là Yen-Bay, Móng Cái là Mong-Cay. Có người muốn tiếng Việt nói là Yên Báy, Móng Cáy cho đúng… như Tây!

Người Pháp gọi sai, viết nhầm Hồng Hải thành Hongai. Người Việt đương thời lại lầm tưởng Hongai là tiếng Pháp, đã nhanh nhảu… phiên âm sang tiếng Việt thành Hòn Gai (chữ g của Hong bị đưa sang từ sau), thậm chí thành Hồng Gai (chữ g thay cho chữ h câm). Tên Việt bị Pháp bóp méo đã đành. Tên Pháp lại được người Việt sửa sai… sai thêm một lần nữa. Thế là… lợn lành chữa thành lợn què. Chính người Việt đã tiếp tay thực dân, nhào nặn Hồng Hải thành Hòn Gai, Hồng Gai.

Hồng Hải là tên cha ông ta đặt ra. Một địa danh bị thời cuộc làm cho biến tướng. Cũng may là ngày nay tên Hồng Hải vẫn còn, vẫn giữ được bản sắc Việt Nam. Nhờ có phường Hồng Hải chúng ta mới biết Hồng Gai là… một phường Tây lai.

Cứ đinh ninh phen này chỉ vác ngà voi giùm cho lịch sử, địa lí. Không ngờ lại vác cho cả ca dao! Trẻ con đôi khi bị người lớn dạy «hát» sai.

«Hát» hay không «hát»? Câu hỏi thật là… dấm dớ!