Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 9

 BAN TRUYỀN THÔNG VĂN HOÁ
Từ ngày 7 đến 9 tháng Chín, cha Trưởng ban Truyền Thông Văn Hoá giáo phận Qui Nhơn Phaolô Nguyễn Minh Chính và cha Phaolô Trương Đình Tu đã đi Huế để tham dự cuộc Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp Linh mục Léopold-Michel Cadière (1869-1955)”, do Uỷ Ban Văn Hoá HĐGMVN, Toà Tổng Giám Mục Huế và Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình phối hợp tổ chức.
Đây là cuộc hội thảo có tính khoa học và học thuật cao, với 15 bài tham luận của các nhà nghiên cứu khắp ba miền và Pháp quốc. Tại hội trường của Trung Tâm Mục Vụ Huế, với sự tham dự của 13 giám mục và 600 khách mời gồm các nhà nghiên cứu và các nam nữ tu sĩ, 13 bài tham luận đã được trình bày (có 2 nhà nghiên cứu không đến dự được vì lý do sức khoẻ là ông Nguyễn Đình Đầu và Cha Moussay). Mỗi bài tham luận đều đi kèm với bài phản biện của một nhà nghiên cứu khác, sau phần thuyết trình là phần phản biện và ý kiến của các tham dự viên. Dường như sự phong phú của đề tài đã không thể gò bó trong khoảng thời gian hạn hẹp nên các diễn giả luôn vượt quá giờ quy định và được vị chủ toạ nhắc nhở nhiều lần, điều này càng làm cho bầu không khí hội trường trở nên sôi động gấp gáp. Có một câu nói của Cha Cadière luôn được các diễn giả nhắc đi nhắc lại là: “Khi đã nghiên cứu và đã hiểu người Việt Nam, tôi đã yêu mến họ. Tôi đã yêu mến họ vì  tài thông minh và trí sắc sảo của họ… Tôi đã yêu mến họ vì những nhân đức luân lý của họ… Tôi đã yêu mến họ vì tính cách của họ… Sau hết, tôi đã yêu mến  họ vì những đau khổ của họ”. 
Suốt ba ngày, qua các tham luận và ý kiến, mọi người đã nhận diện một cách rõ nét hơn chân dung một Léopold Cadière đa năng, đa tài trên nhiều lãnh vực, nhưng nổi bật nhất là như một thừa sai nhiệt tình, gương mẫu và một nhà nghiên cứu khoa học uyên bác, nghiêm túc. Đâu đó phảng phất một câu hỏi và người ta tìm cách trả lời rằng làm sao mà ngài có thể dung hoà và tìm ra thời gian cho cả hai nhiệm vụ vừa là một thừa sai vừa là nhà khoa học. Cha Etcharren cho rằng đó là do “thực tại đức tin Kitô giáo và ơn gọi linh mục của ngài”: “Sẽ là một thiếu sót trong việc tưởng nhớ ngài nếu chúng ta không dám khẳng định rằng trước hết, ngài là con người của đức tin. Chiều kích tâm linh này đã là nền tảng cho những chọn lựa quan trọng nhất của cuộc đời ngài. Tính nghiêm túc khoa học đáng khâm phục trong các tác phẩm của cha Cadière đòi buộc chúng ta phải dành cho thực tại đức tin Kitô giáo và ơn gọi linh mục của ngài, một vị trí xứng đáng”. Và cha cũng đã trích dẫn ý kiến của Gabriel Lebras trong cuộc hội thảo tại Học Viện Công Giáo Paris ngày 16 tháng 1 năm 1956 rằng: Việc nghiên cứu khoa học không phải là mục đích cuối cùng của ngài. Hiểu biết để phục vụ: đó là phương châm của ngài. Ngài hiểu rằng vị thừa sai phải đối thoại với những con người có truyền thống, tình cảm và ngôn ngữ của riêng họ Nhà xã hội học không nên can dự vào trong lãnh vực mục vụ. Nhưng vị mục tử chỉ đúng nghĩa là vị mục tử khi có được sự hiểu biết chính xác về người dân của mình.
Giáo hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Qui Nhơn nói riêng vẫn còn có những nhân vật văn hoá khác xứng đáng được tôn vinh. Sự thành công của cuộc hội thảo đã khiến Giáo sư Chu Hảo, đại diện Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, lên tiếng sẵn sàng cộng tác với Giáo Hội để mở nhiều hội thảo tương tự, trên cả khắp ba miền, với tinh thần “hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, và với tư cách Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, ông hân hoan đảm nhận in ấn và xuất bản cuốn Kỷ yếu gồm tất cả các bài tham luận trong cuộc hội thảo này trong thời gian sắp tới.
Ngày 14/9, cha Phêrô Võ Tá Khánh cũng đã đại diện ban Văn Hoá giáo phận đi dự cuộc họp mặt định kỳ của Uỷ ban Văn Hoá HĐGMVN tại Sàigòn do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ toạ. Cuộc gặp mặt này đồng thời cũng là cuộc hội thảo với chủ đề “Khuynh hướng tục hoá, một thách thức trong hội nhập văn hoá tại Việt Nam” với các đề tài được trình bày: Giáo Hội trước cuộc thách thức tục hoá (Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, DCCT); Khuynh hướng tục hoá, một thách thức trong hội nhập văn hoá tại Việt Nam (Lm. Albertô Nguyễn Lộc Thọ, Dòng Đaminh); Hội nhập văn hoá Kitô giáo tại Á Châu giữa nền văn hoá đa phương (Lm. F.X. Phó Đức Giang, Dòng Phanxicô).  


HẠT BÌNH ĐỊNH

- Khánh thành nhà nguyện họ Nại (Tân Dinh).

Lúc 08g30 ngày 07/09/2010, cha Tổng Đại Diện thay mặt Đức Cha Phêrô đã về giáo họ Nại, giáo xứ Tân Dinh chủ sự thánh lễ mừng bổn mạng: sinh nhật Đức Mẹ và khánh thành ngôi nhà nguyện mới. Nhân dịp nầy có 16 cha trong hạt Bình Định về đồng tế và khá đông giáo dân trong ngoài giáo xứ đến chia vui cùng với giáo họ. Đây là lần đầu tiên Họ Nại tiếp đón các cha đông nhất về tham dự sự kiện đặc biệt nầy. Sau thánh lễ là tiệc mừng với những thức ăn độc đáo “cây nhà lá vườn” của vùng nước mặn Họ Nại.
Cha sở Tân Dinh Gioakim Huỳnh Công Tân cho biết giáo họ Nại, một giáo họ ít giáo dân nhất trong 07 giáo họ của giáo xứ Tân Dinh; chỉ vỏn vẹn 17 hộ gồm 100 nhân khẩu. Đa số dân chúng làm muối, phần ít chài lưới. Giáo họ Nại cách nhà thờ Tân Dinh 03km, nằm sâu giữa vùng nước mặn của đầm Thị Nại, đường đi thật khó khăn bởi ngăn cách nhiều sông rạch!
Tuy nhiên “đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi” cộng với tinh thần đạo đức, đoàn kết và yêu thương của 100 người là động lực để cha sở đương nhiệm Gioakim Huỳnh Công Tân quyết tâm xây dựng lại ngôi nhà nguyện mà cha Aug. Nguyễn Thanh Long xây dựng năm 1957 và nay đã đổ nát vì chiến tranh. Ngôi nhà nguyện mới này có kích thước khiêm tốn (7,5m x 15m) nhưng thật khang trang và ấm cúng cho bà con giáo hữu trong giáo họ này.
Ai từng đặt chân đến vùng đất Họ Nại mới thấy rõ ràng hơn việc xây dựng ngôi nhà nguyện nầy là một nỗ lực lớn lao và tinh thần hy sinh của cha sở và số giáo dân ít ỏi tại đây. Cha Tổng Đại Diện Phêrô Hoàng Kym, nguyên cha sở Tân Dinh, khi ban huấn từ cuối lễ đã không thể không nhắc lại tinh thần đạo đức truyền thống xưa nay của Họ Nại. Ngài tỏ ý khâm phục tinh thần trách nhiệm của tất cả giáo dân Họ Nại không chỉ khi xây dựng nhà thờ họ mà cả trong việc phục vụ việc chung tại giáo xứ nữa tuy số giáo dân ít nhất trong các giáo họ.
Giáo họ Nại ghi dấu hồng ân Thiên Chúa và tạ ơn Mẹ Maria nên chọn ngày 07/09 (thay vì 08/09) để khánh thành. Xin Thiên Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho những người làm phúc cho giáo họ nầy.

HẠT QUẢNG NGÃI
- Trại Truyền thống Giới trẻ 02 tháng 9.
Hằng năm vào ngày này, giáo xứ Châu Ổ tổ chức ngày hội trại cho tất cả các bạn trẻ của các giáo xứ trong giáo hạt Quảng Ngãi, tuổi từ lớp 10 trở lên, trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ và tu viện DCCT Châu Ổ. Bắt đầu 7g30 sáng và kết thúc 9g30 tối. Năm nay có 330 trại viên, chia thành 32 trại, cùng với 04 tiểu trại điều hành do các giảng viên giáo lý của giáo xứ Châu Ổ và đại diện các giáo xứ bạn đảm trách. Đặc biệt năm nay thay cho trò chơi lớn vào buổi sáng, các em được học hỏi sứ điệp của ĐTC Bênêđíchtô XVI gởi Ngày Quốc tế Giới trẻ vào Chúa nhật Lễ Lá 2010, với chủ đề: “Lạy Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10, 17). Sau nửa giờ đồng hồ các em được nghe Cha Phaolô Thọ trình bày Sứ điệp, các em về 04 tiểu trại cùng nhau thảo luận 07 câu hỏi được nêu (tự do chọn vài ba câu), đúc kết để trình bày trước toàn thể hội trại. Buổi chiều các em tham dự trò chơi thi đua, trước khi dâng Thánh Lễ vào lúc 4g30 trong nhà thờ. Từ 6g30, các em quây quần bên đống lửa trại to lớn, thưởng thức rất nhiều tiết mục văn nghệ phong phú do mỗi giáo xứ góp phần. Dù buổi chiều trời mưa nặng hạt, nhưng hội trại vẫn sinh hoạt tốt đẹp trong bầu khí hân hoan và nhiệt tình của giới trẻ. Một tuần sau được biết các giáo xứ ra về bình an, không có gì đáng tiếc xảy ra.

HẠT PHÚ YÊN
- Lễ khởi công nhà thờ Chợ Mới, giáo xứ Mằng Lăng
Ngày 15/9, giáo xứ Mằng Lăng, giáo hạt Tuy Hòa đã khởi công xây dựng nhà thờ giáo họ Chợ Mới. Đây là một sự kiện đáng ghi nhận hướng về dịp kỷ niệm 400 năm Tin Mừng được truyền giảng nơi giáo phận Qui Nhơn (1618-2018). Theo bản thiết kế của công ty kiến trúc Kiều Ân (Sàigòn), ngôi nhà thờ mới sẽ toạ lạc trên nền cao 1m2, dài 33m, rộng 10m, hành lang hai bên rộng 1m8, riêng cung thánh có thêm cánh gà hai bên và rộng 16m.
Đức giám mục giáo phận Phêrô Nguyễn Soạn đã chủ sự nghi thức đặt viên đá khởi công với sự tham dự của linh mục Tổng đại diện Phêrô Hoàng Kym; các linh mục hạt trưởng Bình Định, Tuy Hòa; linh mục Phêrô Nguyễn Cấp, chính xứ Mằng Lăng; các linh mục tu sĩ trong ngoài giáo phận và đông đảo giáo hữu trong vùng.
Giáo họ Chợ Mới hiện có khoảng 500 giáo hữu. Tuy nhiên, trong các sinh hoạt phụng tự, nhà thờ giáo họ còn đón nhận thêm hàng trăm giáo hữu của hai giáo họ Đồng Cháy và Xóm Làng kế cận. Ngôi nhà thờ cũ, được xây dựng năm 1962 dưới thời linh mục Phaolô Nguyễn Xuân Bàn, nhỏ hẹp và mục nát nên không còn đáp ứng được nhu cầu mục vụ của số giáo hữu nơi đây.
Giáo họ Chợ Mới ngày nay là một trong 6 giáo họ của giáo xứ Mằng Lăng. Tuy nhiên, cách nay khoảng 3 thế kỷ, Chợ Mới là một giáo họ chính yếu và chính thức trong vùng Phú Yên. Theo tường trình của linh mục Bourgine về Hội Thừa sai Paris năm 1747, Chợ Mới và 21 giáo điểm trong vùng đã có 134 gia đình công giáo. Trước đó, theo tường trình của linh mục Ausiès (MEP) năm 1693, vùng Chợ Mới đã có 13 thầy giảng (catéchiste) người bản xứ. Vùng Chợ Mới như thế đã đón nhận Tin Mừng ít nhất hơn 350 năm và Á thánh Anrê Phú Yên (sinh quán nơi vùng Mằng Lăng) là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Công giáo Việt Nam vào năm 1644.
- Lễ giỗ Cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên.
Nhân dịp kỷ niệm 1 năm qua đời của cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên (19.9.2009-19.9.2010), thuộc hàng linh mục giáo phận Qui Nhơn, cha sở Tịnh Sơn Giuse Lê Thu Thâu đã tổ chức lễ Giỗ long trọng tưởng niệm và cầu nguyện cho cha cố Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên tại nhà thờ giáo xứ Tịnh Sơn, nơi cha cố đã từng làm cha sở suốt 26 năm (1971-1997). Trong thánh lễ đồng tế do cha hạt trưởng Phú Yên chủ tế còn có sự hiện diện của người bạn thân thiết của cha cố là cha Phaolô Trương Đắc Cần, quý cha trong và ngoài giáo hạt Phú Yên, các thầy phó tế, các tu sĩ hai hội dòng Phaolô và Mến Thánh Giá, và đông đảo bà con giáo dân thuộc giáo xứ Tịnh Sơn và Sơn Nguyên. Trong bài giảng lễ, cha Võ Tá Khánh đã nhắc lại một số chứng từ sống động trong cuộc đời mục tử của cha cố như một gọi mời cộng đoàn tiếp tục khám phá những nhân đức của cha cố để cùng noi gương bắt chước. Và cũng nhân dịp lễ Giỗ nầy, Ban mục vụ linh mục giáo hạt Phú Yên đã phát hành tập tài liệu "Sưu tập sơ khởi những kỷ niệm về linh mục Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên" với tựa đề “Tấm lòng cho người nghèo”.Trong lời giới thiệu, Cha Hạt trưởng Phú Yên Giuse Trương Đình Hiền viết: “Kẻ ở lại quá nhớ thương đến độ muốn “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng”... Tuy nhiên, đối với cha Nguyễn Cao Hiên thì không cần phải “đập cổ kính”, chúng ta vẫn tìm được “bóng” ngài … Đó là cái bóng thánh thiện và đạo đức, cái bóng của lòng tận tuỵ chăm sóc các linh hồn, cái bóng của trái tim nhạy cảm luôn sẵn sàng mở ra để đón nhận và yêu thương … cái bóng của người mục tử mà nếu có gọi là Alter Christus thì cũng chẳng phải là một điều “thậm xưng”, phải chăng đã hiển hiện trên bao nhiêu cây số cuộc đời, để mỗi một không gian ngài có mặt thì đều ghi lại dấu ấn, để mỗi một thời gian ngài phục vụ thì đều mang theo những kỷ niệm khó phai”. Ngoài ra vào năm 1988, khi còn làm cha sở Tịnh Sơn, Cha Phêrô Hiên cũng dịch và phát hành tập sách nhỏ in ronéo với tựa đề “Sống đồng nhất với Chúa Giêsu” (La vie d’identification au Christ Jésus) của cha Paul de Jaegher S.J. (1927). 
Ước mong sẽ còn nhiều cảm nhận và chứng từ sống động về con người, cuộc sống và hành trình mục vụ của cha Nguyễn Cao Hiên sẽ được tiếp tục sẻ chia. Ngày lễ giỗ một năm của cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên đã để lại trong tâm hồn những người tham dự một dấu ấn tốt đẹp về một mẫu gương mục vụ thánh thiện.

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

CHUỖI MÂN CÔI

T. L. Frazier
Tạp chí “This Rock”, tháng Chín, 1994

Có lẽ á bí tích điển hình nhất của Công giáo là chuỗi Mân Côi, một tràng hạt gắn liền với thánh giá. Jimmy Swaggart đã viết trên trang bìa của cuốn sách chống Công giáo “Catholicism and Christianity”[1] của ông rằng “Chuỗi Mân Côi (hay lần hạt) là do Phêrô Ẩn sĩ bày ra vào năm 1090 A.D., sao chép lại tràng hạt của người Ấn giáo và Hồi giáo (sic). Việc đếm những kinh cầu là một thực hành ngoại giáo và rõ ràng đã bị Đức Kitô lên án (Mt 6, 5-7)”.[2]
Ngoài sự kiện chuỗi Mân Côi là chuỗi hạt kinh cầu, Swaggart chẳng đúng điều gì cả. Điều này thật đáng tiếc vì cách hiểu sai lầm thô thiển như vậy đã làm cho những Kitô hữu thiếu hiểu biết xa lánh hình thức trợ giúp cầu nguyện và suy niệm này.
Truyền thống không gắn liền chuỗi Mân Côi với Phêrô Ẩn sĩ mà là với thánh Đaminh (1170-1221), người ta cho rằng chính Đức Trinh Nữ Maria đã trao cho ngài tràng chuỗi để chiến đấu với lạc giáo Albigeois. Truyền thuyết này được trích dẫn từ bài viết Alan de la Roche (1428-1475), cũng là một nhà truyền bá chuỗi Mân Côi thuộc dòng Đaminh. Nhiều học giả hiện nay thuộc dòng Đaminh cũng như những người khác đã vạch ra cho thấy một lịch sử phức tạp hơn nhiều, tuy nhiên không có liên hệ gì với tràng chuỗi của người Ấn giáo và Hồi giáo.
Các tu sĩ thời Trung cổ hằng ngày thường cầu nguyện bằng cách đọc 150 thánh vịnh. Vì có những tu huynh mù chữ nên không thể đọc thánh vịnh, thay vào đó họ đọc 150 kinh Lạy Cha. Người ta dùng tràng hạt để đếm kinh. Thực hành này lan rộng trong giáo dân và rồi những kinh dễ nhớ khác được thêm vào. Đến thế kỷ 15 và 16 thì chuỗi Mân Côi định hình với hình thức hiện tại, bao gồm các kinh Tin Kính, Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh.
Kinh Tin Kính Các Tông Đồ lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ 2 ở Roma như là kinh tin kính đọc khi chịu bí tích rửa tội, và có hình thức như hiện nay vào khoảng những năm 400. Mặc dầu kinh này không do các tông đồ viết ra nhưng mọi người đều đồng ý rằng nguyên thuỷ nó xuất phát từ các tông đồ.
Chỉ lần một hạt kinh Lạy Cha duy nhất chia cách các nhóm gồm chục hạt khác. Mọi Kitô hữu đều quen thuộc với kinh này được tìm thấy trong Mt 6, 9-13. Thật là ý nghĩa khi đoạn này cùng nằm trong đoạn Kinh Thánh mà Đức Giêsu nói rằng: “Khi cầu nguyện, đừng lập đi lập lại vô ích như dân ngoại. Vì họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6, 7). Dựa vào chính câu này mà Jimmy Swaggart lên án việc “đếm những kinh cầu” là “một thực hành của ngoại giáo”. Dầu chính Đức Giêsu dạy cho chúng ta kinh Lạy Cha, nhưng những người theo chủ trương Cơ bản thuyết (Fundamentalism) không khuyến khích các Kitô hữu đọc kinh ấy cũng như bất kỳ kinh nguyện nào khác vì họ cho rằng đấy chỉ là “sự lập đi lập lại vô ích”.   
Nhưng cứ xét lại ngữ cảnh của câu nói về “sự lập đi lập lại”. Mt 6, 5-6 nói về những thực hành kinh kệ của người Do Thái; Đức Giêsu chế giễu họ như những người giả hình. Ngài không lên án những lời kinh lập đi lập lại của người Do Thái, có vô số những lời kinh như vậy. Ví dụ, sách Thánh Vịnh là bộ sưu tập những thánh ca và những kinh nguyện lập đi lập lại được dùng trong cử hành phụng vụ Do thái giáo mà chính Đức Giêsu cũng từng tham dự. Lễ Vượt Qua mà Đức Giêsu cử hành trước khi chịu đóng đinh cũng có những kinh cố định được lập lại hằng năm. Rồi sau bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đến Vườn Giếtsêmani để cầu nguyện đến ba lần cũng chỉ bấy nhiêu lời (Mt 26, 39-44) “Ngài để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó” (Mt 26, 44).
Trong hai câu tiếp theo, Đức Giêsu cảnh cáo những thực hành kinh kệ của người ngoại giáo, họ xem lời kinh có tính ma thuật và chính những kinh kệ lập đi lập lại của họ mà Ngài lên án. Mt 6, 7: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lập đi lập lại như dân ngoại”. Ở đây có sự hiểu nhầm. Từ battalogeo[3] trong tiếng Hy Lạp nên hiểu là “lải nhải”. Vậy thì Đức Giêsu không lên án việc lập đi lập lại – một điều mà Ngài thường hay làm như những người Do Thái đạo đức khác – mà là sự lải nhải như của dân ngoại. 
Dân ngoại lải nhải như thế nào? Hãy xem 1 Các Vua 18, 26-29, khi các ngôn sứ ngoại giáo lên núi Carmêlô để cầu khẩn thần Baal suốt cả ngày, lập đi lập lại danh thần và nhảy múa: “Họ kêu cầu danh thần Baal từ sáng tới trưa: “Lạy thần Baal, xin đáp lời chúng tôi!”. Nhưng không một tiếng nói, không một ai trả lời, và họ nhảy khập khểnh bên cạnh bàn thờ mà họ đã dựng.… Họ càng kêu lớn tiếng hơn và theo thói tục của họ, họ dùng gươm giáo rạch mình đến chảy máu. Quá trưa rồi mà họ vẫn tiếp tục nói liên miên cho tới giờ dâng lễ; nhưng vẫn không một tiếng nói, không ai trả lời, không người để ý”. Khi các ngôn sứ ngoại giáo bỏ cuộc thì Elia tiến đến và cầu khẩn Thiên Chúa của Israel, lập tức lời cầu của ông được chấp nhận.
Lời cầu của các ngôn sứ ngoại giáo là “vô ích” vì sau khi kêu cầu danh thần trọn cả ngày cách điên rồ, Baal vẫn không đáp lời. Thần ấy không phải là Chúa thật như Thiên Chúa của Israel, Đấng luôn đáp lại những lời cầu nguyện chân thành. Quan điểm của Đức Giêsu trong Mt 6, 7 là chúng ta không cần phải dành trọn cả ngày để nhảy múa trước bàn thờ, rạch mình rạch mẩy và kêu gào để thấu đến tai Chúa Cha trên trời. Ngài nghe lời cầu nguyện của chúng ta mà không cần loại kinh nguyện nào: dài hay ngắn, dọn sẵn hay ứng khẩu, tập thể hay cá nhân, lập đi lập lại hay chỉ một lời.
Vì thế, Đức Giêsu nói tiếp: “Đừng bắt chước họ vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin” (Mt 6, 8). Điều này không có nghĩa rằng vì Thiên Chúa đã biết những nhu cầu của chúng ta nên không cần phải cầu xin gì cả. Như Đức Giêsu đã dạy trong dụ ngôn người goá phụ kiên trì (Lc 18, 1-8), chúng ta cần phải dai dẳng khi cầu nguyện, cầu nguyện cách tự do và luôn lập lại lời cầu xin của chúng ta trước ngai ân sủng.
Thánh Phaolô nói rằng chúng ta phải “cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5, 17). Một trong những lợi điểm của chuỗi Mân Côi là đưa chúng ta đến với lời cầu nguyện không ngừng cũng như những suy niệm trong Kinh Thánh.
Nếu ai đó chợt nghi ngại rằng chắc là Chúa không đếm xỉa gì đến những lời kinh cứ lập đi lập lại mãi thì hãy đọc sách Khải Huyền 4, 8-11, ta thấy rằng đám đông ở trên trời “ngày đêm” luôn lập lại lời kinh trước ngai toà Đấng Toàn Năng (“Thánh, Thánh, Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng”), và tiếp sau đó các vị Kỳ Mục lập lại bài tụng ca. 
Kinh Kính Mừng là tâm điểm của chuỗi Mân Côi và được đọc từng loạt mỗi chục kinh, có 15 chục kinh Kính Mừng và cả thảy là 150 kinh, như con số các thánh vịnh. Phần đầu của kinh gồm 2 đoạn Kinh Thánh: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28) và “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ” (Lc 1, 42).
Phần còn lại của kinh: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen”. Như khi còn ở dưới thế, Mẹ là đối tượng của ân sủng (Lc 1, 28) thì nay trên trời Mẹ là đấng thánh hiển vinh, thế nên gọi Đức Maria là “Thánh”. 
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người mang Thiên Chúa”) là một tước hiệu xa xưa.  Một mảnh bản chỉ thảo được tìm thấy ở Ai Cập có niên đại từ 250-270 kêu cầu sự can thiệp của Theotokos.[4] Người Công giáo khẳng định rằng người được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra là Ngôi Hai trong Ba Ngôi, là Ngôi Lời (Logos) và vì thế là Thiên Chúa (Ga 1, 1.14). Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhân tính và thần tính kết hiệp trong một Ngôi vị, nên Mẹ của Đức Giêsu là Mẹ Thiên Chúa (chứ không phải là người sáng tạo ra); Mẹ là Theotokos.[5]
Nhiều người không Công giáo phản đối việc cầu xin các thánh trên trời, ngay cả cầu xin với Đức Maria. Họ thường viện dẫn 1 Timothê 2, 5: “Vì chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô”. Họ lý luận rằng vì Đức Giêsu là trung gian duy nhất của chúng ta nên không cần phải cầu xin Đức Maria (hoặc bất kỳ vị thánh nào cả). Với kinh cầu: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử”, người Công giáo đã xúc phạm đến vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô. Thế nhưng ý tưởng này chỉ đúng nếu ta tin rằng sự chết tạo nên một hố ngăn cách giữa các tín hữu còn sống và các tín hữu qua đời.
Người Công giáo tin rằng các tín hữu khi chết không chia lìa với Đức Kitô hoặc với người khác (Rm 8, 38-39). Thân thể Đức Kitô “chỉ là một nhưng lại có nhiều bộ phận” (1 Cr 12, 12), và người tín hữu không bị cắt bỏ khỏi Thân Thể này khi họ ở trên trời. Cũng không có hai Giáo Hội, một ở trên trời một ở dưới đất, do sự chết chia lìa và như thế không thể thông hiệp được với nhau. Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô (Kh 21, 9 tt), và Đức Giêsu là người độc thê nghiêm nhặt.
Như kinh Tin Kính đã khẳng định, người Công giáo tin rằng “các thánh thông công”. Điều này có nghĩa là vì tất cả chúng ta là một trong Đức Kitô nên ta có thể cầu xin các thánh trên trời nguyện cầu cho chúng ta cũng như ta có thể xin những anh chị em trong Chúa còn ở trên mặt đất này cầu nguyện cho chúng ta. Vì chúng ta được truyền lệnh phải cầu nguyện cho nhau (1 Tm 2, 1; Ep 2, 1; Dt 4, 16), và vì lời Chúa “đứng vững vàng ở trên trời” cũng như dưới đất (Tv 119, 89), chúng ta không vi phạm Kinh Thánh khi xin lời cầu nguyện của các thánh ở trên trời. Chính nhờ sự trung gian của Đức Kitô mà các tín hữu trên trời có thể cầu nguyện cho những người còn ở dưới đất.
Chúng ta biết rằng các thánh trên trời biết những gì xảy đến cho chúng ta (Lc 15, 7) và họ dâng lời cầu nguyện cho chúng ta (Kh 5, 8-10; 8, 3), gồm cả lời cầu xin Chúa can thiệp những việc trên mặt đất (Kh 6, 9-10). Thư Do Thái 12, 22-24 nói rằng chúng ta không chỉ tới cùng Đức Giêsu là “vị trung gian của giao ước mới”, nhưng “cả thành Giêrusalem trên trời” và “toàn thể các con đầu lòng Thiên Chúa đã được ghi danh trên trời” cũng như “linh hồn của những người công chính đã được nên hoàn hảo”. Chúng ta không ngần ngại xin họ cầu nguyện vì “lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5, 16b).
Nhiều người cho rằng các thánh là người đã chết và Kinh Thánh cấm liên lạc với người chết (Lv 19, 31; 20, 6.27) qua trung gian hay các phương tiện thần bí như thuật gọi hồn (necromancy).
Nhưng người Công giáo không lấy thông tin từ các hồn vía như khi lên đồng. Giáo Hội lên án những thực hành thần bí. Hơn nữa, các thánh không phải là “người chết”; họ còn sống hơn cả bạn và tôi, Đức Giêsu trích đoạn sách Xuất Hành: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacob. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc 12, 26-27). Nếu Đức Giêsu không có ý định nói rằng các thánh trên mặt đất có thể thông hiệp với các thánh trên trời, thì chắc hẳn không đời nào Ngài dẫn chứng bằng cách hiện ra với Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi (Mt 17, 1-8).
Nhiều người theo Cơ bản thuyết nói rằng phía Công giáo coi trọng Đức Maria hơn Thiên Chúa vì đọc đến 10 kinh Kính Mừng sau chỉ mỗi một kinh Lạy Cha. Nói như vậy không chỉ xúc phạm đến người Công giáo mà còn cho thấy lý luận như thế là lệch lạc. Cứ giở Kinh Thánh ra, sách Tông Đồ Công Vụ nêu tên thánh Phaolô đến 126 lần, còn tên Đức Giêsu thì chỉ có 68 lần, như vậy tác giả sách Tông Đồ Công Vụ muốn nói rằng thánh Phaolô quan trọng gấp hai lần Đức Giêsu sao? Hoặc sách Esther không có một từ “Chúa” hoặc “Thiên Chúa” nào cả, vậy thì tác giả sách này là một người vô thần sao? Những “bằng chứng” có tính thống kê như vậy không chứng minh được điều gì cả. Chuỗi Mân Côi là một việc làm đạo đức để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria là người được Thiên Chúa linh hứng đã nói tiên tri rằng mọi thế hệ sẽ khen mình là người diễm phúc (Lc 1, 48). Khi làm việc đạo đức này, người Công giáo hiện thực lời tiên tri, nhắc nhớ rằng Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho chúng ta khi chúng ta chúc phúc cho những người mà Ngài đặc biệt yêu mến (Kn 12, 3; 27, 29; Ds 24, 9).
Sau chục kinh Kính Mừng là kinh Sáng Danh. Đây là bài tán tụng ca được sử dụng từ khi  có những cuộc tranh cãi về Chúa Ba Ngôi trong Giáo Hội sơ khai: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”.
Song chuỗi Mân Côi không phải là lời kinh “tràng giang đại hải” mà còn có suy niệm Tin Mừng. Mỗi chục kinh được gắn liền với một “mầu nhiệm”, suy niệm một đoạn Kinh Thánh. Có 15 mầu nhiệm được phân chia làm 3 nhóm: Vui, Thương và Mừng. (Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II thêm vào 5 sự Sáng).
Các mầu nhiệm vui là Truyền Tin (Lc 1, 26-38), Đức Mẹ thăm viếng bà Elisabeth (Lc 1, 39-56), Sinh nhật (Lc 2, 1-20), dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh (Lc 2, 22-38), và tìm kiếm Chúa Giêsu trong Đền Thánh (Lc 2, 41-52).
Các mầu nhiệm thương là hấp hối trong vườn Giếthsêmani (Lc 22, 39-53), chịu đánh đòn (Ga 19, 1; Is. 53, 5), đội mão gai (Mc 15, 17-20), vác thánh giá (Mc 15, 20-22), và chịu đóng đinh (Ga 19, 18-30).
Các mầu nhiệm mừng là: Phục Sinh (Ga 20, 1-29), Thăng Thiên (Cv 1, 6-12), Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 2, 1-13), Đức Mẹ lên trời (Kh 12, 12), Đức Mẹ đăng quang trên trời (Kh 12, 1-2, 5).
Hãy lưu ý rằng tất cả 15 mầu nhiệm, trừ hai mầu nhiệm cuối cùng, đều được dạy rõ ràng trong Kinh Thánh. Chúng ta sẽ xem xét hai mầu nhiệm này.
Việc thân xác Đức Maria lên trời lúc cuối đời thì không được Kinh Thánh nói rõ ràng nhưng cũng không phủ nhận, mặc dầu Kinh Thánh cũng có nói đến những người trước đó như thư Do Thái 11, 5 đề cập đến sự lên trời của Ênốc; 2 Các Vua 2, 1- 13 nói về trường hợp tiên tri Êlia; Thánh Phaolô công nhận sự lên trời của thân xác chúng ta trong 2 Cr 12, 2-4. Không có dấu hiệu nào cho thấy hài cốt của Đức Maria được tôn kính như một thánh tích (đây là một thực hành quen thuộc của Giáo Hội sơ khai), song cả Đông phương (Chính Thống Giáo) và tây phương (Công Giáo) đều tin Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác.
Trong tư tưởng Công giáo, Đức Maria được nhìn nhận như là Kitô hữu tiên phong (proto-Christian) và là biểu tượng cho toàn thể Giáo Hội. Vì thế, sự lên trời của Đức Maria được nhìn nhận như là dấu hiệu cho đích đến cuối cùng của Giáo Hội: Ngày tận thế, Đức Kitô sẽ đến để đón tiếp Hiền thê vào nước trời và vinh danh nàng (1 Tx 4, 16-17). Niềm tin Đức Mẹ Lên Trời được mọi cộng đoàn Kitô giáo nhìn nhận, những cộng đoàn có mối dây liên hệ với Giáo Hội cổ xưa mà chính Chúa của chúng ta đã hứa dẫn đưa đến sự thật toàn vẹn (Ga 16, 12-13; cf. Mt 16, 18; 28, 20). Niềm tin này được lan truyền rộng rãi từ rất lâu đời nay, và những người phủ nhận giáo huấn này thì họ không đưa ra được bằng chứng Kinh Thánh để chứng minh, lại nữa, các Kitô hữu phải tuân theo tất cả các truyền thống tông đồ, dầu được viết hay không được viết trong Tân Ước (2 Tx 2, 15).
Việc đăng quang của Đức Maria trên trời nên được hiểu dựa trên bối cảnh Do thái giáo của Kitô giáo thời sơ khai. Ở Giuđa, chính vì Điều Răn Thứ Tư (Xh 20, 12), thân mẫu của vua được xức dầu có một tầm quan trọng đáng kể, và tên của bà được ghi lại trong các biên niên sử khi nhà vua lên ngôi.[6]  Thân mẫu của nhà vua được mang lấy tước hiệu Gebirah[7] và nhận vinh dự ở vào bậc cao nhất. Bà có chỗ chính thức ở trong triều đình, là bà chủ của cung cấm, có đủ quyền lực để điều khiển quốc gia (như bà Athaliah vào năm 842 B.C., 2 V 11, 1-3), hoặc cũng bị lưu đày cùng với nhà vua (như bà Nehushta vào năm 597 B.C., Gr 29, 2), và cũng có thể bị truất phế (như bà Maacah, bà nội sùng kính ngẫu tượng của vua Asa, người trước kia là bà hoàng thân mẫu trong triều đại của con mình là vua Abijam, 1 V 15, 2; 10,13; 2 Sb 15, 16). Gebirah là thuộc thể chế quân chủ, có ngai vàng và triều thiên.[8]
Khi Đức Giêsu là vị Vua của dân Do Thái, thực hiện trọn vẹn lời tiên báo trong 2 Samuel 7, 10-17, và thật sự lạ lùng nếu Đức Maria không được lãnh nhận triều thiên như một bà hoàng. Bản tính quân chủ của Nước Thiên Chúa, với bà hoàng thân mẫu, điều này có thể làm cho những ai sống trong nền văn hoá dân chủ thấy khó đánh giá được vị trí của bà, nhưng đây là điều được xem như là tự nhiên trong thế giới Kitô giáo sơ thời, đã được văn chương và nghệ thuật chứng minh.
Trong 1 V 1, 16.31 chúng ta thấy nữ hoàng Bathsheba quỳ gối phủ phục cầu xin chồng mình là vua Đavít, “Đức vua Đavít chúa thượng của tiện thiếp muôn muôn năm!”. Đây là nghi thức ngoại giao thông thường trong triều quân chủ Đông phương.
Chương tiếp theo lại là một cảnh trái ngược hẳn. Trong 1 V 2, 13-20, con vua Đavít là Solomon lên ngôi. Adonijah đến gần bà “Bathsheba thân mẫu vua Solomon” cầu xin: “Xin bà nói với vua Salomon vì người không ngoảnh mặt từ chối bà đâu”. Bathsheba hứa can thiệp với vua Solomon cho ông (so sánh với Ga 2, 1-11, khi Đức Maria can thiệp với Đức Giêsu) mà không nhận ra âm mưu tiếm ngôi của Adonijah. “Vì thế bà Bathsheba vào yết kiến vua Solomon để thưa chuyện với vua giúp cho Adonijah”. Cách dùng tước hiệu “Vua Salomon” ám chỉ rằng Solomon hành động với trọn vẹn quyền năng chính thức của mình (câu 23).
Thay vì bà Bathsheba sấp mặt xuống đất như trước kia bà đã từng làm trước vua Đavít thì Vua Salomon “đứng lên, ra đón và sấp mình chào bà; đoạn vua ngồi trên ngai đồng thời cũng truyền đặt một ngai cho bà thái hậu, bà ngồi bên hữu vua. Bà nói: “Có một điều nhỏ mọn mẹ xin với con; con đừng ngoảnh mặt đi”. Vua nói với bà: “Thưa mẹ, mẹ cứ xin, vì con sẽ không ngoảnh mặt từ chối mẹ (cc. 19-20). Vua Solomon không chỉ là một người con ngoan. Tập quán của thế giới cổ đại là đặt bên hữu một ghế ngồi danh dự và đó cũng là chỗ dành cho người được uỷ quyền, chính vì thế mà Tân Ước nói Đức Kitô ngồi bên hữu Chúa Cha. Địa vị của bà  Bathsheba trong xã hội đã thay đổi; bà đã trở thành “thân mẫu của nhà vua”.
Kinh Thánh dạy rằng các hình bóng trong Cựu Ước (như con chiên Vượt Qua, Nạn Hồng Thuỷ, Hagar và Sarah) sẽ được thực hiện trọn vẹn trong Tân Ước (Ga 1, 29; 1 Pr 3, 18-21; Gl 4, 21-31). Như Đức Kitô trỗi vượt hơn con chiên Vượt Qua là hình bóng của mình, sự hoàn tất hình bóng luôn cao cả hơn chính hình bóng. Người Công giáo nhìn nhận rằng Đức Giêsu Kitô, Con của Vua Đavít và là vị Vua “cao cả”, là sự viên mãn của Vua Solomon, người con nguyên thuỷ của Đavít. Người Công giáo cũng nhìn nhận rằng Đức Trinh Nữ Maria làm trọn vẹn vai trò của mẹ vua Solomon, một Gebirah nguyên thuỷ đã tiên báo cho mẹ của Đấng Cứu Thế.
Người Công giáo tin rằng Đức Giêsu đã đứng lên khỏi ngai vàng trên trời và, cũng như Solomon, đã bước xuống để gặp mẹ và đưa mẹ lên trời với mình. Ngài đã đưa mẹ đến ngai vàng dành cho mẹ ở bên hữu, một vị trí có quyền uy và vinh dự đặc biệt (đăng quang). Chính tại ngai toà này, giống như bà Bathsheba, Mẹ đã can thiệp cho chúng ta với tư cách là Bà hoàng thái hậu của Giáo Hội, một dân Israel thiêng liêng (Rm 11, 17ff; 1 Pr 2, 9). Từ một nữ tỳ thấp hèn của Thiên Chúa được cất nhắc lên làm Gebirah của Nước Trời: “Vì Ngài đã nhìn đến phận hèn của nữ tỳ; vậy từ nay muôn đời sẽ khen tôi có phúc. Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại … Ngài đã đặt người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ” (Lc 1, 48-49. 52).
Chuỗi Mân Côi trong tiếng Latinh là “rosarium”, nghĩa là “vườn hoa hồng” và như thế có ý muốn nói rằng khi chúng ta lần hạt là dâng cả một tràng hoa hồng lên Đức Mẹ của chúng ta.
Đó là tất cả ý nghĩa của việc Mẹ của Đức Vua lãnh nhận triều thiên (Kh 12, 1). Chính vì kiên trì trong đức tin mà chúng ta hy vọng cũng sẽ được nhận lãnh triều thiên của chúng ta (Kh 2, 10), và không có một thực hành đạo đức nào vượt qua được chuỗi Mân Côi để đạt được mục đích này cũng như lãnh nhận thêm những ơn cần thiết. “Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9, 25).


chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Trích “Bản Thông Tin” Giáo phận Qui Nhơn
số tháng 9/2010


[1] Jimmy Swaggart, Catholicism and Christianity, Baton Rouge: Jimmy Swaggart Ministries, 1986.
[2] Ibid., tr. 160-161.
[3] Battalogeo là một từ hiếm trong tiếng Hy lạp, có lẽ có liên hệ với battal trong tiếng Aram, có nghĩa là ‘vô ích”. Battal được dùng trong bản chỉ thảo bằng tiếng Aram ở Qumran với nghĩa “mà không có hiệu quả”. Bản thảo tiếng Syriac của sách Matthêu dịch câu này là: “Đừng nói những điều vớ vẩn”. 
[4] Papyrus 470 trong thư viện John Rylands, Manchester, Anh quốc.
[5] Nếu cần một bản văn Kinh Thánh để minh chứng cho tước hiệu “Theotokos”, thì nên tìm cuộc thăm viếng của Maria đến nhà bà chị Elizabeth, người vừa thấy Maria đã kêu lên rằng: “Tại sao tôi được diễm phúc mẹ của Chúa tôi đến viếng thăm tôi (ha mater tou kyriou mou)?”. Những ai quen thuộc với Kinh Thánh đều biết rằng tước hiệu “Chúa” đồng nghĩa với Thiên Chúa của Israel (Tv 110, 1-4). Thật vậy, khi các dịch giả bản Cựu Ước Hy Lạp  (bản Septuagint) thấy từ “YHWH” (Yahweh) trong văn bản tiếng Do Thái thì họ dịch là “Chúa” (kyrios), mặc dầu đúng ra kyrios phải là từ dịch của “Adonai” trong tiếng Do Thái.
[6] 1 V 14,21; 15, 2.10; 22, 42; 2 V 8,26; 9, 6-7.22; 12, 1; 14, 2; 15, 2.33; 18, 2; 22, 1; 23, 31.36; 24, 18.
[7] Dịch là “bà hoàng” hay “bà chủ”, được dùng 6 lần trong Kinh Thánh và luôn là tước hiệu của một nữ hoàng dầu cho đó là vợ của vua (1 Kgs. 11:19) hoặc thâm mẫu của vua (1 V 15, 13; 2 V 10, 13; 2 Sb 15, 16;  Gr 13, 18;  29, 2). Cũng nên lưu ý rằng trong những tham chiếu trên thì tước hiệu này chỉ một lần được dùng cho vợ vua, nhưng ngay cả trong trường hợp này thì được dùng cho bà Tahpenes là nữ hoàng Ai Cập chứ không phải nữ hoàng của Giuđa, nơi mà tước hiệu này thường được gán cho thân mẫu của vua.
[8] So sánh với Gr 13, 18 lúc mà vị ngôn sứ loan báo cho ông vua 18 tuổi Jehoiachin và bà hoàng thái hậu Nehushta rằng: “Hãy nói với vua và hoàng thái hậu: ‘Xuống chỗ thấp mà ngồi đi, vì vương miện huy hoàng đâu còn trên đầu các người nữa’”.

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

DIỄN TỪ CỦA ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỚI

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỚI
ĐƯỢC ĐỀ CỬ THAM DỰ CUỘC GẶP GỠ
DO BỘ GIÁM MỤC  TỔ CHỨC.

Thứ Hai, ngày 13 tháng 9 năm 2010


Anh em rất thân mến trong chức Giám Mục,
Tôi rất vui mừng được gặp anh em là các giám mục mới được đề cử từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới về tham dự cuộc hội thảo hằng năm do Bộ Giám Mục tổ chức. Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Marc Ouellet, đại diện tất cả anh em, đã có lời chào mừng tôi; riêng đối với Đức Hồng Y, tôi xin có lời chúc mừng đặc biệt nhân dịp ngài bắt đầu sứ vụ bộ trưởng Bộ Giám Mục. Hiền Huynh đáng kính, tôi vui mừng vì hiền huynh bắt đầu sứ vụ với cảm nghiệm thật đẹp này về sự hiệp thông của Giáo Hội qua các Mục Tử của những Giáo Hội địa phương khác nhau. Tôi cũng hết lòng cám ơn Hồng Y Leonardo Sandri, bộ trưởng Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, đã cộng tác trong việc tổ chức cuộc gặp gỡ này.  
Theo thói quen đầy ý nghĩa, trước hết anh em đã hành hương viếng mộ thánh Tông Đồ Phêrô, người đã theo Đức Kitô là Thầy và Mục Tử đến tận cái chết, cái chết trên thập giá. Điều đó đã soi sáng cho thánh Tôma Aquinô đưa ra những câu nói có thể được coi là chương trình sống đích thực của mọi giám mục. Khi chú giải về câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Mục tử tốt lành trao hiến mạng sống mình vì đàn chiên”, thánh Tôma viết: “Các ngài (mục tử) dâng hiến cho họ chính con người mình qua việc thực thi quyền bính và đức ái. Các ngài thi hành cả hai để họ (đàn chiên) vừa vâng phục vừa yêu mến các ngài. Điều thứ nhất mà không điều thứ hai là thiếu sót” (Esp. su Giovanni 10, 3). Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium) xác định: “Ðược Chủ sai đi cai quản gia đình mình, Giám Mục phải chiêm ngắm gương mẫu Chúa Chiên Lành, Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20, 28; Mc 10, 45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. Ga 10, 11). Ðược chọn giữa loài người và đầy yếu hèn, ngài có thể cảm thông nỗi đau khổ với những ai dốt nát và lầm lạc (x. Dth 5, 1-2). Giám Mục không nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy ân cần săn sóc họ như những người con đích thực, và khuyên nhủ họ hăng hái cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dth 13, 17), Giám Mục hãy cầu nguyện, rao giảng và làm mọi việc bác ái săn sóc họ và cả những người chưa thuộc đoàn chiên duy nhất mà ngài cũng phải coi như được trao phó cho mình trong Chúa. Như Tông Ðồ Phaolô, Giám Mục mắc nợ tất cả mọi người” (số 27).
Sứ vụ của Giám mục không thể được hiểu bằng tâm thức của hiệu năng hay hiệu quả, là não trạng lưu tâm trước tiên vào những gì có để làm, nhưng phải luôn quan tâm đến chiều kích bản thể, là nền tảng của chức vụ này. Thực vậy,  giám mục, được đặt lên nhờ  quyền năng của Chúa Kitô, khi ngồi trên Toà của mình là được đặt “trên” và “trước mặt” cộng đoàn, cũng  như “cho” cộng đoàn và qua đó thi hành việc chăm sóc mục vụ của các ngài (Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores Gregis, số 29). Trong Quy tắc Mục Vụ (Regola Pastorale) của thánh Giáo Hoàng Grêgoriô Cả, được xem như ‘sách hướng dẫn’ đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội dành cho các giám mục, định nghĩa việc quản trị mục vụ như là “nghệ thuật trên các nghệ thuật” (I, 1.4), và nói một cách chính xác rằng năng quyền cai trị “được thực thi đúng đắn khi biết dùng nó để chống lại tội lỗi và qua nó trở nên ngang bằng với những người khác… và để thống trị những tính hư nết xấu chứ không phải thống trị anh em”(II,6).
Những lời trong nghi thức trao nhẫn của phụng vụ lễ tấn phong giám mục cũng giúp chúng ta suy niệm: “Hiền huynh hãy nhận lấy chiếc nhẫn, là dấu hiệu của sự trung thành, và trong sự trọn vẹn của đức tin và trong sự tinh tuyền của cuộc sống hãy gìn giữ Giáo Hội, hiền thê của Chúa Kitô”. Giáo Hội là ‘hiền thê của Chúa Kitô’ và giám mục là ‘người gìn giữ, coi sóc’ (episkopos) mầu nhiệm này. Vì thế  chiếc nhẫn là dấu hiệu của sự trung thành: sự trung thành với Giáo Hội và sự tinh tuyền trong đức tin của giám mục. Do đó giám mục được ủy thác giao ước hôn nhân giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúng ta đọc được ý nghĩa này trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ai có tân nương mới là tân lang còn bạn của tân lang, kẻ đứng kề bên mà nghe Ngài, thì khấp khởi mừng vui, vì tân lang lên tiếng” (3, 29). Ý niệm “gìn giữ’ không chỉ có nghĩa là giữ  những gì đã thiết định - dĩ nhiên không thể bỏ qua ý nghĩa này- nhưng tự căn bản còn bao gồm một chiều kích năng động, đó là một thiên hướng cụ thể và luôn hướng về sự hoàn thiện, trong sự hài hoà trọn vẹn và điều chỉnh liên tục cho hợp với những đòi hỏi mới phát xuất từ sự phát triển và tiến bộ của một tổ chức sống động là chính cộng đoàn. 
Trách nhiệm của một giám mục thật lớn lao, chẳng những để lo cho lợi ích của giáo phận mà cho xã hội nữa. Ngài được kêu gọi trở nên ‘mạnh mẽ và quyết đoán, chính trực và thanh thản’ (Bộ Giám Mục, Hướng dẫn về thừa tác vụ mục vụ của các giám mục “Apostolorum successors” (Các đấng kế vị các Tông Đồ), số 44), để có được sự phân định khôn ngoan về con người, về thực tại và về các biến cố, mà nhiệm vụ là “cha, anh em và bạn hữu” (sđd., số 76-77) của ngài đòi hỏi trong hành trình con người và Kitô hữu. Thừa tác vụ giám mục được đặt trong một viễn cảnh sâu xa về đức tin chứ không đơn thuần mang tính cách nhân loại, quản trị hay một kiểu mẫu mang tính chất xã hội học. Giám mục không chỉ đơn thuần là người cai trị, một viên chức bàn giấy, hay chỉ là một người điều phối hay tổ chức đời sống giáo phận. Tình phụ tử và tình huynh đệ trong Chúa Kitô làm cho đấng Bề trên có khả năng tạo ra bầu không khí tín nhiệm, đón nhận, yêu thương, nhưng cũng thẳng thắn và công bình. Về điều này, chúng ta tìm được sự soi sáng trong lời cầu nguyện ngày xưa của thánh Đan viện phụ Aelredo di Rievaulx: “Lạy Chúa dịu hiền, Chúa đã đặt để một người như con làm đầu gia đình, làm đầu đàn chiên trong đồng cỏ của Ngài (….) vì như thế Ngài có thể tỏ lòng thương xót và mạc khải sự khôn ngoan của Ngài. Cũng vì để thoả lòng nhân hậu của Ngài, Ngài để cho gia đình Ngài được cai quản tốt đẹp nhờ một con người như thế, để họ thấy sự siêu vượt của sức mạnh ngài, chứ không phải của con người; vì thế họ không vinh danh người khôn ngoan vì sự khôn ngoan của họ, người chính trực vì sự công bằng của họ, người mạnh mẽ vì sức mạnh của họ, vì khi những người này cai quản tốt đẹp dân Ngài, thì chính Ngài thống trị chứ không phải  họ. Vì vậy, không phải chúng con, lạy Chúa, không phải chúng con được vinh dự nhưng chính danh Ngài đáng được tôn vinh” (Speculum Caritatis, PL CXCV).
Anh em thân mến, khi gửi đến anh em những suy niệm ngắn ngủi này, tôi cầu khẩn sự che chở của Mẹ Maria cực thánh, Nữ Vương các Tông Đồ, và thành tâm ban cho mỗi người trong anh em, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và các tín hữu trong giáo phận của anh em Phép lành Toà thánh đặc biệt.

chuyển ngữ
Ban biên tập BTTGPQN

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

NHÂN CÁCH TUYỆT CHỦNG

Dương Ngọc Dũng
Trích “Tạp văn”, NXB Tổng Hợp, 2008
 tr. 210-215


Trong một tác phẩm viết về các động vật biển rất thú vị, Mammals of the Seas (Động vật hữu nhũ ở biển), nhà sinh vật học R. M. Martin khi phản đối việc săn bắt cá voi đã nhấn mạnh đến khái niệm "tuyệt chủng sinh học" (biological extinction). Những người muốn bảo vệ nghề săn bắt cá voi đã lý luận như sau: "Chúng tôi ý thức nguy cơ tuyệt chủng loài cá voi như các nhà khoa học đã cảnh báo. Nhưng khi cá voi trở nên hiếm hoi (do săn bắt quá nhiều) thì việc săn bắt chúng không còn có lợi về mặt kinh tế nữa, do đó việc săn cá voi sẽ tự động ngưng lại mà không cần ai bó buộc cả".

Nghĩa là, nói cách khác, cá voi đã được bảo vệ một cách tự động do... chính các tay săn bắt cá voi. R.M. Martin chế giễu lối lý luận này là lý luận của một nhà kế toán chứ không căn cứ trên một hiểu biết sinh học nào cả. Ông nhấn mạnh các tay săn cá voi không cần phải tự tay họ giết đến con cá voi cuối cùng thì chúng mới bị tuyệt chủng. Quá trình tuyệt chủng đã khởi sự ngay khi số lượng cá voi trên đại dương bị tuột thấp xuống dưới một ngưỡng nhất định.

Có ba lý do chính. Lý do thứ nhất, do số lượng cá voi còn lại quá ít, chúng bị phân tán ra khắp trên các đại dương xa xôi và do đó không thể tìm đến nhau để phối hợp truyền giống được. Lý do thứ hai: cá voi là động vật (giống như người) thích sống theo quần thể vì chính một quần thể cá voi có độ đông đảo thích hợp mới có thể kích thích hành vi truyền giống của chúng. Hai con cá voi tình cờ gặp nhau trên một đại dương bao la thì khó có khả năng tương hợp về mặt sinh học để sản xuất ra những chú cá voi con tốt đẹp được. Cũng giống như con người được hướng dẫn bởi cái gọi là ái tình để đi tìm đối tượng tương hợp nhất với mình (và khi tìm được rồi thì sống chết gì cũng phải lấy cho bằng được để sản xuất ra những đấng nhi đồng xinh xắn), loài cá voi cũng phải được chọn lựa trong đồng loại chúng những đối tượng phối ngẫu thích hợp nhất. Khi dân số cá voi bị suy giảm nghiêm trọng và lại bị phân tán ra trên khắp các đại dương thì khả năng sản sinh cá voi cũng bị xuống cấp theo, và khi đã bắt đầu tuột dốc thì không còn gì có thể cứu vãn được nữa, vì tuyệt chủng là gì nếu không phải tử suất luôn luôn ở mức độ cao hơn sinh suất? Lý do thứ ba là lý do quan trọng nhất: cứ tạm cho rằng cá voi vẫn còn có thể tụ tập lại với nhau trong một quần thể có kích thước chấp nhận được, vẫn tồn tại một nguy cơ cuối cùng. Đó là tập hợp các nhiễm thể di truyền (gene pools) của toàn thể loài cá voi bị tuột thấp xuống đến mức không còn có tác dụng gì nữa về mặt sinh học. Chủng loại tồn tại và phát triển là nhờ khả năng thích ứng với môi trường và sự đa dạng hóa giữa các thành viên trong chủng loại được phát triển cao. Ví dụ như trong quần thể người: chúng ta có Mozart, Beethoven là những thành viên có thiên tài âm nhạc, Pasteur, Newton, Einstein, là những thiên tài khoa học, Kant, Hegel, Marx, những tư tưởng gia vĩ đại, và vô số những cá nhân xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nữa (vận động viên thể thao, những cá nhân mỹ miều xinh đẹp .v.v...). Như vậy tổng thể các yếu tố di truyền của nhân loại nói chung sẽ cực kỳ đa dạng và phong phú. Nhưng hãy giả sử sau một thảm họa hạt nhân, nhân loại chỉ còn sót lại vài ba mống đau ban, bịnh bại, đầu óc ngu đần, thể chất bạc nhược, thì chắc chắn quá trình tiến hóa lại phải bắt đầu trở lại, nếu không muốn nói loài người có nguy cơ tuyệt giống luôn. Đây chính là sự tuyệt chủng sinh học kéo dài (protracted biological extinction).

Khi đọc cuốn sách này tôi không nghĩ đến cá voi mà liên tưởng ngay đến xã hội và văn hóa Việt Nam hiện nay. Đây là một ẩn dụ thích hợp. Mọi người (các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo...) thường than phiền về tệ nạn xã hội đang lan tràn trong giới trẻ: đua xe, chích choác, phá thai... và ai cũng khao khát, hăm hở đi tìm những biện pháp khắc phục. Nhà nước chắc chắn cũng không thể không quan tâm. Nhưng chưa ai bàn đến một khái niệm căn bản nhất: nhân cách (personality). Tương hệ giữa nhân cách và quá trình xã hội hóa (socialization) như thế nào? Thế hệ trẻ bây giờ (khoảng từ 14 đến 20) được đào tạo về mặt nhân cách ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm chính về việc xây dựng một nền tảng hoàn chỉnh để cá nhân có thể tiếp tục tự phát triển trong một cộng đồng tương ứng? Dĩ nhiên đơn vị chịu trách nhiệm tiên khởi trong sự đào tạo nhân cách là gia đình và sau đó là học đường. Cấu trúc gia đình hiện nay ra sao? Cấu trúc chương trình giáo dục tại nhà trường có phù hợp không? Trẻ em cần phải định hướng tư duy của chúng căn cứ trên hệ thống giá trị nào? Thần tượng của chúng bây giờ là ai? Có phải Mozart hay Einstein hay những đấng hớt đầu đinh, điện thoại cầm tay, lao đi vun vút trên một chiếc xe gắn máy phân khối cao, và nếu có thêm một em bé "chổng phao câu", mồm nhai nhóp nhép kẹo cao su, ngồi ôm đằng sau thì tuyệt diệu.

Chúng ta không thấy rằng hiện nay một hệ thống giá trị để giúp cá nhân định hướng sự phát triển tinh thần không tồn tại hay nếu có tồn tại cũng chỉ là một hình ảnh già nua, mờ nhạt, một kỷ niệm hơn là một động lực mạnh mẽ khuyến khích cá nhân tự thăng tiến theo một chiều hướng tích cực (hăng say học tập, nghiên cứu, phát triển phong cách sống bác ái, vị tha... không tôn thờ thần tài...). Giá trị được cưu mang bởi các cá nhân được xem là mô hình lý tưởng trong một xã hội. Những cá nhân đó, nếu vẫn tiếp tục tồn tại, cũng giống như loài cá voi trước hiểm họa bị lùng bắt, đã phân tán quá mỏng trên đại dương bao la của đời sống và không thể liên hệ, nối kết với nhau, để sản sinh ra một thế hệ kế thừa vững chãi tiếp tục đi lên trên một nền tảng nhân cách đã được xác lập. Họ là những tiếng nói yếu ớt bị gió cuốn đi trong sa mạc văn hóa. Không ai lắng nghe họ hay chỉ giả vờ lắng nghe. Tòa nhà văn hóa đang có nguy cơ bị... quy hoạch và mọi người xôn xao bàn ra tán vào, nhưng điều mà họ bàn tán là "quy hoạch rồi thì chuyển đi đâu, tiền bồi thường là bao nhiêu" chứ không mảy may quan tâm đến việc xem xét lại nền móng của tòa nhà. Nền móng đó chính là nhân cách được xây dựng trên một hệ thống giá trị ổn định, một hệ thống được cụ thể hóa trong các cá nhân được xem là mô hình lý tưởng. Cũng như Mạnh Tử, một hiền triết Trung Hoa, đã nhận xét: "Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia" (Quốc gia là gốc của thiên hạ, gia đình là gốc của quốc gia, Mạnh Tử, Ly Lâu chương cú thượng, 5). Cũng nên nói theo chiều ngược lại: quốc gia phải hỗ trợ gia đình trong việc kiến tạo một hệ thống giá trị ổn định, gia đình phải hỗ trợ cá nhân trong việc xây dựng một nhân cách vững chắc, cá nhân định hướng sự phát triển tư duy theo các mô hình lý tưởng được cộng đồng đề cao, ngưỡng mộ. Một khi nhân cách trở thành một khối bèo nhèo nhũn nát như hiện nay thì nguy cơ tuyệt chủng nhân cách cũng không còn xa xôi nữa. Những mô hình xa hoa, trụy lạc và các phương tiện đề cao các mô hình đó tràn ngập trên thị trường văn hóa, bao vây ngũ quan của thế hệ trẻ. Chúng còn có thể nhìn thấy gì, nghe thấy gì trong bầu không khí ồn ào nhiễu loạn hiện nay? Còn những cá nhân cưu mang một hệ thống giá trị khác bây giờ đang ở đâu? Hay chính bản thân họ cũng đang than khóc trong xó tối cuộc đời trên con đường về quên lãng? Bắt chước Lỗ Tấn trong “Cuồng nhân nhật ký” đã viết "Cứu cứu hài tử" (Hãy cứu lấy trẻ em), chúng ta sẽ nói "Hãy cứu lấy nhân cách".

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

LƯƠNG TÂM

Hà Ly
Tạp chí “Xưa & Nay”,
số 355, tháng 5/2010, tr. 20-21

Nói đến lương tâm là nói đến đạo đức, nói đến đạo đức là nói đến lương tâm. Lương tâm là chuẩn mực đạo đức vốn có hay tự nhiên mà có ở trong tâm hồn của bất cứ ai sống trên đời. Cũng chẳng cần phải giáo dục hay đào tạo gì cả, ai cũng có thể nhận thức (lương tri) và hành động (lương năng) theo chuẩn mực đó. Như vậy, lương tâm là cơ sở của nhân cách, của bình đẳng xã hội.
Khái niệm “lương tâm” ở phương Tây, tiếng Anh gọi là conscience, tiếng Pháp là conscience, tiếng Đức là Gewissen. “Con” trong tiếng Pháp hay tiếng Anh, “Ge” trong tiếng Đức đều có nghĩa là “chung”, “giống nhau”. “Science” hay “Wissen” đều có nghĩa là “nhận thức”, “hiểu biết”. Như vậy, lương tâm là nhận thức mà ai cũng có. Nói cách khác, lương tâm là bình đẳng.
Khổng Tử cho rằng “tính mọi người gần giống nhau” (tính tương cận). Như vậy là từ Nghiêu, Thuấn đến người, từ vua quan đến dân chúng đều giống nhau, đều bình đẳng ở “tính” vốn có, hay “lương tâm” trời sinh. Bình đẳng trước lương tâm là bình đẳng trước chính mình, con người là chủ thể của bình đẳng. Mọi người đều “bình đẳng trước Chúa” cũng là bình đẳng, nhưng là “được” bình đẳng chứ không phải “tự” bình đẳng, là khách thể bình đẳng chứ không phải chủ thể bình đẳng.
Một nghìn năm trung thế kỷ ở phương Tây đã trôi qua nhưng tư duy chính thống của nhà thờ là thuyết duy thực (Realism) đặt Thượng Đế ở trung tâm vẫn còn đó. Thuyết “duy danh” (Nominalism) phi chính thống lại muốn khẳng định cái đặc thù, cái lương tâm của một con người chứ không phải cái tập trung, vĩnh cữu, phổ quát của Thượng Đế. Nói cách khác, một bên hướng về cái “phổ quát” (universal), một bên lại hướng về cái “đặc thù” (particular). Nói gần nói xa, chẳng qua thuyết duy danh muốn đòi quyền sở hữu chân lý hay chuẩn mực đạo đức về cho cá nhân. Mỗi cá nhân đều có đủ tư cách là một chủ thể về nhận thức đâu cần phải đợi chân lý hay chuẩn mực đạo đức phổ quát nào trên trời ban cho. “Lương tâm” là cái mà ai cũng có kia mà!
Chính vì vậy nên ở thời kỳ Phục Hưng, François Rabelais (1494-1553), rất đề cao giá trị của lương tâm:
Tri thức mà không có lương tâm thì chỉ phá hoại tâm hồn mà thôi” (Science sans conscience n’est que ruine de l’âme)
Rabelais cho rằng chuẩn mực để hướng dẫn hành động không phải ở đâu cả mà là ở ngay chính lương tâm của mình:
Hãy yêu thích và hãy làm những gì bạn muốn” (Aime et fais ce que tu voudras).
Trong khi Rabelais ở phương Tây tháo dây cương cho con ngựa tự do phi trên cánh đồng cỏ thì ở phương Đông lịch sử vẫn quay ngược chiều kim đồng hồ. Từ thời Tống, “” (đạo lý) được xem như là chân lý, là chuẩn mực đạo đức phổ quát (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) đã tồn tại từ khi chưa có trời đất và mãi mãi vĩnh hằng cùng với “thiên trường, địa cửu”. “” giống như mặt trăng trên trời còn “lương tâm” chỉ là bóng trăng in đáy nước. Đó là hình ảnh hoá gọi là “nguyệt ấn vạn xuyên” (trăng in bóng ở các dòng sông) của tư tưởng chính thống của giai cấp phong kiến phương Đông. Vô vàn bóng trăng ở vô vàn con sông nhưng thực ra chỉ có một mặt trăng mà thôi. Như vậy là mọi bóng trăng đều “được” bình đẳng trước mặt trăng. “Lương tâm” đã bị đánh tráo bằng cái bên ngoài, cái trên trời.
Mác phê phán xã hội tư bản biến lương tâm thành hàng hoá. Có lẽ không riêng gì xã hội tư bản, bất cứ nơi nào mà “hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa” đều cần phê phán. Lương tâm trở thành hoàng hoá hay lương tâm bị đánh tráo cũng chẳng khác nhau là mấy.
Suy nghĩ và hành động của con người nên hướng về lương tâm bên trong hay bên ngoài, cái trên trời? Nhưng cho dù là hướng gì đi nữa, xã hội con người cũng không thể thiếu hướng chân thực. “Chân thực” trước hết là chân thực với chính mình. Chẳng có ai lừa dối bản thân mà lại chân thực với người khác cả. Lương tâm hoàn toàn có thể thẩm định được điều đó.
Đừng tưởng ở phương Tây người ta không quan tâm đến điều đó. Vaclav Havel, tổng thống Tiệp Khắc cuối thế kỷ XX, tổng thống cộng hoà Czech đầu thế kỷ XXI, trong tác phẩm “Sống chân thực” (Living in Truth, 1988), ông thừa nhận rằng sống không chân thực là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội suy thoái về đạo đức.  Havel tình cờ trông thấy biểu ngữ “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” treo trên cửa hiệu của anh chàng bán hoa quả. Havel cho rằng biểu ngữ này chẳng liên quan gì đối với việc bán trái cây cả. Thực ra anh chàng bán trái cây kia cũng chẳng cần treo nó lên làm gì ở cửa hiệu của mình, nhưng nếu không như vậy thì “ảnh hưởng” đến việc làm ăn, cho nên anh ta phải làm cái việc mà anh ta chẳng muốn làm. Nếu mọi người trong xã hội đều sống gần giống như vậy thì có nghĩa xã hội đó chỉ là xã hội ảo không hơn không kém. Biết đâu đó là hoa hay là sâu, biết đâu đó là nụ cười hay là nước mắt?
Ai mà biết được đâu là nguyên nhân đâu là kết quả. Sống thiếu chân thật là nguyên nhân của suy thoái đạo đức hay là suy thoái đạo đức là nguyên nhân của sống thiếu chân thực?
Cho dù kinh tế phát triển, GDP đạt hoặc vượt chỉ tiêu, dân có giàu nước có mạnh đến đâu đi nữa thì vẫn có cái “thiếu” và cái “thừa”. Nhưng thừa gì thì thừa chứ đừng thừa cái giả dối, thiếu gì thì thiếu chứ đừng thiếu “lương tâm”! “Lương tâm” và “tâm linh” là thế giới không thể thiếu của dân tộc Việt Nam cho dù nó được đặt bên cạnh bất cứ thế giới nào.  
      

ĐÔI ĐIỀU VỀ CHA BỀ TRÊN HUY (1889-1955)

Lm. Phêrô Nguyễn Quang Báu

Thời gian còn ở dòng Thánh Giuse Kim Châu và khi ở họ đạo Mỹ Cang, mỗi khi phải đi giao tiếp với cơ quan miền Nam, đóng ở vùng huyện Hoài Ân, cha Bề trên đi bằng xe đạp. Để làm phương tiện giải khát và giúp cho đôi chân dẻo dai, cha đèo theo vài trái thơm chín và ít tán đường đen. Nơi cha Bề trên ở cũng như tất cả vật dụng của cha thật giản dị.
Từ Quảng Ngãi cha trở về Kim Châu, Bình Định. Sau hiệp định Genève, cha Bề trên ở tại ngôi nhà nhỏ chật hẹp, tăm tối gắn liền với nhà thờ họ Mỹ Cang. Tại ngôi nhà nhỏ nầy, thầy Phêrô Nguyễn Quang Báu đã từ Đại An đến trình diện cha Bề trên Phêrô Đặng Quyền Huy, và đã được sai đi với cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch vào Nha Trang gặp Đức Cha Marcel Piquet. Từ Nha Trang, Chợ Mới, Thầy Báu trở về chủng viện Làng Sông, được chỉ định dạy lớp Hỗn Hợp thời gian 300 ngày tập kết 1954. Thời gian nầy, cha Bề trên Huy đau yếu, về tại chủng viện Làng Sông, ở căn phòng trước phía Tây Nam, dãy lầu chú nhỏ.
Lúc bệnh trở nặng: cha Đôminicô Võ Ngọc Hoàng, thầy Giuse Nguyễn Hữu Ngợi, thầy Giuse Lê Minh Tâm, thầy Phêrô Nguyễn Quang Báu và lớp các chú Hỗn Hợp, đủ mặt tại sân Nhà Thờ Chủng Viện Làng Sông, chào từ giã đưa cha Bề trên ra Gò Thị bằng võng cáng có hai người khiêng. Đến nhà xứ Gò Thị, cha Bề trên Huy nằm ở phòng phía Tây trên tầng lầu. Các nữ tu y tá dòng Mến Thánh Giá Gò Thị lo thuốc men cho ngài.
Cha Bề trên Phêrô đã được Chúa gọi về ngày 23 tháng 11 năm 1954, còn trong thời gian 300 ngày tập kết: Bình Định dưới quyền Việt Minh. Như vậy công đức cha Bề trên càng được tràn đầy.
Lễ an táng cha Bề trên Huy được cử hành do cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch, có sự hiện diện của cha sở Gò Thị, với số cha sở các giáo xứ lân cận, có cha Phêrô Võ Ngọc Hoàng, thầy Giuse Nguyễn Hữu Ngợi, thầy Giuse Lê Minh Tâm, thầy Phêrô Nguyễn Quang Báu và lớp các chú Hỗn Hợp: tất cả đều để tang cho ngài. 

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

CHA EUGÈNE MUGNIER (1880-1922)

           
Sưu tầm và biên soạn
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Eugène MUGNIER (lấy tên Việt Nam là Lý) sinh ngày 13 tháng 7 năm 1880, tại Avressieux, địa phận Chambéry, vùng Savoie. Ngài học Tiểu Chủng Viện Pont-de-Beauvoisin, ở Savoie.
Ngày 15 Tháng 9 năm 1897, ngài nhập Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Chịu chức cắt tóc ngày 19 tháng 10 năm 1898, lãnh nhận các chức nhỏ ngày 23 tháng 9 năm 1899, và sau đó phục vụ quân ngũ trong vòng 1 năm. Ngài chịu chức linh mục ngày 07 tháng 3 năm 1903, và được sai đi nhận nhiệm vụ tại Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) ngày 30 tháng 4 năm 1903.
Việc đầu tiên là ngài học tiếng Việt tại Trà Kiệu với cha Bruyère. Vào tháng 4 năm 1904, ngài được cử làm giáo sư Triết ở Đại-An và phục vụ ở đấy cho đến lúc mất. Ngài vẫn thường hay nói câu “In nidulo meo moriar” (Tôi sẽ chết trong tổ ấm của tôi – Gióp 29,18)
Tháng 10 năm 1911, ngài được cử làm bề trên Đại Chủng Viện thay thế cha Jeanningros vừa được đề cử làm giám mục phó. Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra (1914-1918), ngài được ở lại, do đó trách nhiệm đè nặng trên đôi vai ngài bởi vì các giáo sư khác đều bị động viên vào quân ngũ hết. Tuy nhiên, ngài vẫn giữ cho việc chương trình học được ổn định và các môn học đều đặn nhờ vào nỗ lực, sự nhiệt tâm và khả năng làm việc của ngài. Thông minh và rất rõ ràng, ngài luôn đi thẳng vào nút thắt của vấn đề và đưa ra quyết định. Tính tình vui vẻ, biết cách gần gũi với mọi người, ngài được các học trò kính nể. Ngài thường chong đèn thức khuya làm việc.
Tuy nhiên có lẽ vì phải gánh vác quá nhiều việc nên gặp phải vấn đề về sức khoẻ. Ngày 15 tháng 5 năm 1920, ngài xuống Qui Nhơn để các bác sĩ tận tình cứu chữa. Tháng 9 ngài lại trở về Đại-An. Cái chết của giám mục Jeanningros ngày 21 tháng 3 năm 1921 đã ảnh hưởng đến ngài không ít. Đến kỳ nghĩ tháng 7, ngài đi đổi khí ở Sàigòn nhưng thay vì nghĩ mát ngài lại phải nhập viện và được giải phẫu ngày 12 tháng 8 tại bệnh viện Angier ở Sàigòn. Trong nhật ký ngày 2 tháng 8, ngài viết: “Tôi vui mừng vì Bác sĩ đã chọn ngày thứ Sáu để giải phẫu, vì như vậy tôi có thể bắt đầu bước lên đồi Canvê sau giờ thánh ngày thứ Năm. Tôi kết hợp những đau đớn và ưu phiền, nhất là sự mệt mõi vì phải nằm bất động, với sự đau khổ của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trên Thập giá. Tôi đau lắm nhưng có là gì so với những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào Thánh Tâm, tôi mong ước được ngài ban cho sức mạnh cần thiết để chịu đựng vì tình yêu Ngài và để sửa chữa bao tội lỗi của tôi. Nếu ngài muốn tôi phải chịu giải phẫu chính là vì ngài muốn điều thiện ích, ngay cả cho linh hồn tôi và để vinh danh ngài”.
Ngày 27 tháng 9, thay vì đi về Pháp như mọi người mong muốn, cha Mugnier trở về Đại-An để dạy cours Luân Lý và giảng  tĩnh tâm cho các thầy sắp chịu chức. Ngày 19 tháng 10, ngài phải đi Qui Nhơn và các bác sĩ thấy rằng vết mổ đã bị nhiễm trùng. Ngày 2 tháng 1 năm 1922, người ta chuyển ngài vào Sàigòn. Tình trạng sức khoẻ đã trở nên nghiêm trọng, ngài bị chứng mãn tính về ống tiêu hoá, táo bón. Hai tháng rưởi sau, vào ngày 18 tháng 3, Chúa đã gọi người tôi tớ tốt lành và trung tín của ngài về vào lúc 14 giờ 30.
Đức Cha Quinton đã viết: “Cha Mugnier đã an nghĩ trong Chúa vào chiều thứ Bảy. Ngài đã chịu đựng những cơn đau khốc liệt trong khoảng 10 ngày cuối cùng với một sự kiên nhẫn và cam chịu đáng thán phục. Tất cả nhân viên của bệnh viện Angier ca ngợi sự bình tĩnh và dịu dàng của ngài trong suốt cơn bệnh dai dẵng. Sau khi hát Kinh Chiều lễ Cầu Hồn, chúng tôi đưa ngài ra nghĩa trang Adran vào chiều Chúa Nhật. Tôi đã chủ sự Kinh Chiều, sau đó tôi xin cha Perreaux đi cùng tôi để làm phép huyệt và đọc những lời cầu kinh cuối cùng”
Một trong những đồng sự của ngài đã viết trong tập “Petit chronique du Grand-Séminaire de la Cochinchine orientale” rằng: “Chúng tôi hay tin buồn về cái chết của cha Mugnier, Requiescat in pace! Đại Chủng Viện Đại-An rất đau buồn vì mất đi vị bề trên chuyên tâm đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ, là giáo sư năm 1904 và bề trên từ năm 1911. Sự thông minh và tính nhân hậu, khôn ngoan và nhiệt tình đã làm cho các đồng sự và người Annam kính phục – xin thiên Chúa ân ban cho ngài lời hứa dành cho người tôi tớ tốt lành và trung tín”.
Một cộng tác viên cũng đã viết cho tập “Mémorial” của địa phận rằng: “Mới nghe tin cố Bề trên Lý qua đời, ai ai cũng lấy làm thương tiếc. Xưa rày cũng trông hoặc là Chúa còn để cho địa phận được nhờ lâu năm nữa, không dè cất sớm làm vậy! Chưa đầy một năm mà đã mất hết hai đứng cần trong địa phận!
“Cố Bề trên Lý đã thông thái, nhơn đức, lại nết ở dịu dàng, ai ai cũng lấy làm bằng bụng; ở trường Đại-An các thầy đều mến phục, mà các cha ở ngoài đó về gặp Cố thì cũng lấy làm vui … Thật là đáng thương tiếc!”
Trong bản di chúc viết bằng bút chì gởi cho giám mục để trên gường hấp hối, cha Mugnier để lại cho Nhà Chung một ít tiền, sách vở và đồ dùng cho để lại cho Đại Chủng Viện. “Tôi để lại chén thánh cho Chủng Viện, nếu sau này thấy cần cho ai đó trong các học trò của tôi như là chén thánh của Nhà Chung thì mặc ý”. Thật là một cuộc sống từ bỏ hoàn toàn!
Ngày 21 tháng 3, Đại Chủng Viện Đại-An làm lễ cầu hồn trọng thể do cha Lalanne chủ sự với sự hiện diện của Đức Cha, các cha Labiausse, Solvignon, Sudre, cha Sanh, Thầy Alarin, tất cả nhân sự của Chủng Viện và Nhà Thương. Tiểu Chủng Viện Làng Sông cũng dâng thánh lễ vào các ngày 21 và 22. Điều cảm động là Các Thầy và các Chú đã đóng góp được 18 đồng để xin 2 lễ mồ và 8 lễ missa cho cha vị bề trên của mình.

]]]

Cái chết của cha Mugnier (cố Lý) đã để lại bao tiếc thương cho các học trò của ngài. Xin giới thiệu bài văn tế cha Mugnier do các thầy của Đại Chủng Viện Đại-An viết, trích trong báo “Lời Thăm” của Địa phận Qui Nhơn, ngày 18 tháng Ba năm 1922. Đây là một áng văn hay thuộc thể loại văn chương mà ngày nay gần như đã biến mất …

VĂN AI THÁN LINH MỤC EUGÈNE MUGNIER
TẠ THẾ
Hỡi ôi!
Biển bắc sao dời;
Non đoài bóng xế.
Máy âm dương quay dường gió thổi,
chưa bao lăm đã mãn kiếp phù sanh;
Thoi nhựt nguyệt đưa tợ tên bay,
chẳng mấy khi đã xong đời sự thế.
Cuộc sanh ly nhớ đến thêm sầu,
tình phụ tử nghĩ bao xiết kể.
Nhớ Cha xưa:
tánh khí ôn hoà,
nết na diệm dẽ.
Tuổi bé thơ Chúa phú tánh lành, nhờ cha mẹ
 tập rèn đạo lý, chí lăm bồi cội đức nền nhơn.
Tác vừa lớn Bà thêm trí tuệ, nương sư bạn
 chỉ vẽ bút nghiên, lòng quyết tấn trường văn khuôn lễ.
Rèn lòng tìm kiếm thương thiên;
Dốc chí khinh chê phước thế.
Cuộc công danh sung sướng chi màng;
Việc phước đức gian nan chẳng nệ.
Thấy dân ngoại kính thờ thần phật, bèn định nhập Phari,
hầu lên vì Thầy cả, mới dạ phỉ tâm an;
Suy Viễn Đông tùng phục dị đoan, liền xin vào Hội giảng,
Vì lòng mến Chúa đành bỏ nhà quê;
Bởi đức yêu người giã từ cha mẹ.
Đặng vào trường dường ngư phùng thuỷ,
cuộc văn chương luyện tập rất tinh thông;
Vừa nhập hội như cẩm tú ba,
khoa đức hạnh trau giồi nên vẹn vẽ.
Vừa lên qườn tế lễ, lòng nao nức đi giảng Evang;
Mới lãnh vị thừa sai, dạ ước mong đem tin Cứu Thế.
Quê yêu dấu một phen từ giã,
xác hồn giao tay Chúa lòng Bà;
Xứ lạ lùng ngàn dặm xuất hành,
sống thác phú chơn trời mặt bể.
Đến Annam lòng mầng khấp khởi,
ra Quảng-Nam học tiếng quốc âm;
vào địa phận dạ khoái hoang mang,
ở Trà-Kiệu tập tành thói lệ.
Rất mầng thay, bạn với cố Nhơn;
May phước bấy, ở cùng cố Lý.
Bỡi tài mẫn thiệp, chẳng mấy tháng mà thạo quốc âm;
Vì tánh ôn hoà, không bao lâu đã quen ý chỉ.
Những tưởng được ở luôn trong địa phận,
mà dạy dỗ con chiên;
Nào hay phải đi về tại nhà trường,
đặng tập tành học sĩ.
Khoa cách vật đến khoa lý đoán,
trót mấy năm dạy dỗ răn khuyên;
làm thầy giáo kế tiếp bề trên,
hằng ra sức tập tành chỉ vẽ.
Các khoa học giảng giải tinh thông;
Việc khúc mắt tỏ bày suôn sẻ.
Đã mấy năm đèn chong tỏ rạng,
gương sáng vặc tợ ngọc Côn-Cang;
Trót cả đời đức hạnh bay thơm,
tiết rạng ngời dường kim Giang-lệ.
Phước đức gồm tám mối vẹn tuyền;
Trí tài chất đôi xe hữu phỉ.
Việc Tôn Trái Tim trong địa phận, nọ ai bày?
Việc làm Giờ thánh ngoài giáo nhơn kìa ai chỉ?
Cách cư xử lịch lãm khiêm từ;
Bề tiếp rước đãi buôi vui vẻ.
Ngoài các cha bổn quốc, thảy đều trọng kính,
xem tày tiền bối, dường đấng phụ huynh;
Trong thầy chú nhà trường rất đỗi tríu trăn,
mến tợ thân sanh, thật tình sư đệ.
Không hề nghe dức lác quở la;
Chưa hề thấy quau quo hứ hé,
Khi chúng con an lành, cha ân cần dạy dỗ,
nơi văn phòng lòng trải lời thông;
Lúc chúng con đau đớn, cha chẳng nệ giúp đỡ,
bên gường liệt ngồi kề ghế để.
Việc linh hồn chăm chút âu lo;
Bề phần xác cũng không để phế.
Những ước trăm năm qui hạc,
cội bá tòng cây cả bóng che;
Nào hay bốn mốt xuân thu,
trong ngọc thể đã vương bịnh hệ.
Bịnh cha một ngày một nặng,
nên phải đi vào Gia-định tìm thuốc linh đơn;
Lòng con hằng bữa hằng cầu,
trông mau trở lại Đại-An hiệp vầy sư đệ.
Cũng tưởng ít lâu cha sẽ phản hồi;
nào hay một thuở tin ra tạ thế.
Ôi!Ngọc trở Cang non;
vàng về Lệ Thuỷ.
Mới nghe tin kìa các chú nọ các thầy,
đều sững đứng thở than;
Vừa nghe nói ngoài mồ côi trong nhà phước,
thảy xúm ngồi khóc kể.
Ôi! Cha ôi! Đứt khúc đoạn trường!
Hỡi cha hỡi! tả tơi can phế!
Vào nhà thánh thấy chỗ cha ngồi, ai chẳng nhớ thương?
Ra vườn hoa ngó phòng cha ở, ai không rơi lụy?
Ảnh Trái Tim đó, sách nguyện đó, cha đi đâu
chẳng thấy nơi bàn!
Tập Giờ Thánh đây, bàn in đây, cha đi đâu
không ngồi nơi ghế!
Rất thảm thay! Khi đau liệt mà cha bắc con nam,
chẳng đặng giúp đỡ một chút cho đành tất dạ,
tình cha con mà hoá chẳng cha con;
Ôi thương bấy, lúc lâm chung mà cha Hồ con Việt,
không đặng từ giã đôi lời cho thoả tấm lòng,
nghĩa sư đệ mà hoá không sư đệ!
Tuy sanh tử Chúa trời đã định,
ai ngờ đức nghiệp dường ấy, phước nhơn dường ấy,
mới mấy tuần thoát lánh cõi trần;
Dầu hiệp ly lời tục đã thường.
ai hay số rủi là đâu, phận bạc là đâu,
chưa một kỷ bổng đà phân rẽ.
Sau nầy, cơn bối rối con biết ai đặng tỏ bày?
Lúc phiền muộn con biết ai mà thỏ thẻ?
Hay là bởi chúng con xấu nết hư thân,
tập tành cam khổ, nên phải lánh cho xong?
Hay là thấy chúng con tối tăm mê muội
dạy dỗ gian nan, nên bỏ đi cho khoẻ?
Nhìn cỏ cây mấy đoạn sầu giăng;
Nầy lớn nhỏ hai hàng châu luỵ.
Công ơn cha như sông như núi,
lòng nghĩ tới chi xiết thở than;
Sầu thảm con dường biển dường ao,
dạ xét sau dâu cùng khóc kể?
Biết lấy chi tỏ lòng con thảo
mấy lễ mồ hiệp ý dâng lên.
Chẳng vật gì cám đức cha lành,
một bức hình ngàn thu xin để.
Đôi hàng vụng quê xin tỏ lòng đơn;
Một bài văn thán đặng làm dấu khí.
Hỡi ôi thương thay!
Chư học sĩ Đại-An trường đồng thán.
 

TIN BÃO NĂM THÂN

Trích báo « Lời Thăm » của Địa Phận Qui Nhơn,
năm thứ 14, số 24 ngày 15 Décembre 1932.


Bão ở Địa phận Qui Nhơn (Năm Nhâm Thân - 1932)
(Bài ký sự của Toà Giám Mục)


Thiên tai dồn dập, không đầy sáu tháng mà bị ba trận bão: thiệt, năm nay Chúa chí từ chẳng có quên địa phận Qui Nhơn mà!
Hôm 4 tháng Mai, tỉnh Phan Rang bị một trận đại phong rất dữ, nay nhớ tới còn hãy ngậm ngùi. Tiếp bữa 25 tháng Octobre tỉnh ấy còn bị một cơn gió chướng lại có lụt to nữa, mau chẳng thiệt hại chi cho quá. Có trận bão kinh hoàng thổi qua tỉnh Bình Định ngày 16 tháng Octobre đây thiệt nói không cùng.
Trận bão này, bao nhiêu tai hại gớm ghê đều dồn lại mà đổ xuống nội trong vòng tỉnh Bình Định, nhứt là khoảng giữa từ ngang kilomètre thứ 37 chổ Phù Cát ra tới kilomètre thứ 90 chỗ Tài Lương: mọi sự đều tan tành hết.
Những ai đã thấy cảnh tượng đàng quan sau khi trận bão qua rồi, thì mới hiểu được cho tường sức mạnh. Trên đàng thôi ngỗn ngang đủ thứ, nhánh gãy, cây xiêu, lớp to lớp nhỏ nằm la liệt, giây thép đứt đoạn, trụ sắt vòng cong chồng chất giăng găng; dứt trận thiên tai rồi, quan sức các làng lân cận dọn tới ba ngày mới trống ngõ thông lưu được. Ngày 17 và mấy ngày sau phải chi ai đi được từ dưới biển lên tới trên nguồn, trải qua mấy sở Nhà Đá, Nước Nhỉ, Thác Đá, Hội Đức, Đồng Hâu cho tới Đồng Quả, ắt là thấy ròng một cảnh tiêu điều này.
Rào dậu tan hoang, cửa nhà ngửa nghiêng sập nát; nhơn dân cả một xứ, mình trần thân trụi, ăn chịu ngoài trời, mặt mũi châu chan, tò mò nơi mấy đống nhà hư sập tìm coi còn có vật gì sót được với trận cuồng phong chăng, rất là thảm hại; ngoài vườn ngoài đồng, những bụi tre to nằm phơi rễ, cây cối lớp gãy ngang còn thân trụi, lớp trốc gốc ngã xiêng, cây nào còn lại, thì còn những nhãnh trơ, lơ thơ một đôi cái lá héo khô nám, những cây dừa nằm mẹp chinh chòng, cây nào còn đứng, thì như đứng mà chứng trận hoạ tai, ngọn xơ xải, lá tả tơi, tàu cúp xuống, chẳng khác nào là để tang cho lớp đã nằm sát đất; trên các gò nỗng ngó không khác gì rẫy mọi lúc dọn trĩa: đâu đó đầu người đầu vật đều rặc một màu thảm đạm dường như chết vậy. Có người đã thấy chốn sa trường bên Pháp quốc hồi đại chiến Âu Châu năm 1914-1918 nói rằng: cái thảm tượng này chẳng khác chi với chiến địa bên ấy năm xưa.
Phỏng tính số nhà hư sập mấy miền bị nặng hơn, như Mương Lở, Suối Nổ, Nhà Đá, Nước Nhỉ, Vạn Định, Thác Đá, Đại Bình, Đồng Hâu, Gia Chiểu, đổ đồng ra thì có từ 30 tới 90 phần trăm.
Cơn tai biến nầy, phần thiệt hại địa phận Qui Nhơn phải chịu thiệt là rất nặng.
Số 166 nhà thờ lớn nhỏ trong cả tỉnh, thì hết: 27 nhà sập nằm sát đất: 6 nhà về sở Nhà Đá, 3 nhà về sở Nước Nhỉ, 4 nhà về sở Đồng Quả, 3 nhà về sở Thác Đá, 2 nhà về sở Hội Đức, 2 nhà về sở Kỳ Bương, 2 nhà về sở Đồng Phó, 2 nhà về sở Kim Châu, ở ba sở Trường Cửu, Đại An, Kiều Đông mỗi sở một nhà. Năm nhà thờ chính năm sở Nhà Đá, Nước Nhỉ, Đồng Hâu, Thác Đá, Hội Đức, nhứt là nhà ba sở trước là nhà mới tinh ròng, ngó vẻn vang chắc chắn, rày chỉ thành một đống hư tàng tan hoang hết.
25 nhà hư nặng: là mái bay, vách đổ, cửa văng, gia cái gãy, chỉ còn những nguyên liệu trơ trơ không ra hình nhà nữa. Mấy nhà ấy mà sửa lại cho hoàn hảo thì không thua gì cất nhà mới. Mà có lẽ có nhiều nhà phải triệt hạ xuống hết mà cất lại nhà mới thì hơn.
Còn bao nhiêu nữa thì gần hết cái nào cũng có hư ít nhiều; tuy sửa lại được, mà phí hết thảy cọng tính lại cũng thành một số khá to.
Nhà thờ các sở xứ nầy, thì gần hết chỗ nào một bên cũng có nhà cho linh mục sở tại và kẻ giúp ở, sở chính thì nhà to, sở nhánh nhà nhỏ. Nhiều chổ còn có một nhà nhóm, một nhà lẫm con con, một trường học nữa. Bấy nhiêu nhà ấy cũng đồng một số rủi như các nhà thờ: mấy miền ngọn gió chướng trải qua thì các nhà ấy đều bình địa thành một đống đồ hư, cái nào còn đứng được thì cũng đã bại hoại với bão rồi.
May phước, mấy chỗ nhà chung, như Toà Giám Mục, nhà giữ việc, hai nhà trường lý đoán và Latinh, hai nhà dòng, nhà in, nhà hưu trí các linh mục bổn quốc, nhà thương, các nhà phước viện, các nhà cô nhi đều nằm về mấy khoản gió nhẹ ở hai đầu tỉnh, nên không bị chi cho lắm: có chút nhà hưu trí các linh mục ở Đại An và nhà dòng ở Kim Châu hư hao đôi ít mà thôi.
Phần giáo nhơn cũng bị hại không thua gì các nhà thờ. Trong số 12.000 người bị bão, kể có 3.000 người thình lình mà cửa nát nhà trôi, không nơi chui đụt, của cải lớp gió đánh hư, lớp nước đùa đi mất hết, một thân một áo, đêm đông gió lạnh giải dầu, ôm lòng chịu với ngọn mưa bấc mùa nầy không ngày nào là không vải xuống.
Có một điều cực thảm, mà các giáo nhơn khỏi bị, cũng thiệt là may. Là nội một huyện Phù Mỹ có tới đôi ba trăm người oan mạng, ở phủ Bồng Sơn tính có năm bảy chục người uổng tử. Ước lẽ giáo nhơn có hàng trăm hàng chục hoặc bị chôn lấp trong mấy nhà thờ sập chỗ người ta chạy tới náu nương khi gió thét, hoặc bị đè dập trong nhà tư, vì chạy không kịp hay là không dè. Song may Chúa chở che, chỉ có 3 người bị đè chết trong nhà tư mà thôi: là 1 người ở Nước Nhỉ, 2 người về sở Kỳ Bương. Các linh mục nhiều ông bị nguy hiểm lắm, song đều được toàn thân, kẻ giúp trong nhà các ông cũng chẳng hề gì. Cám đội ơn trên.
May chẳng hao mấy mạng người, mà lúa thóc, hoa màu, sản vật của người tư, từ khi các nhà thờ, đồ đạc của các linh mục ở mấy chổ tai ương xảy tới thì hư mất biết bao mà kể. Kìa nhà nọ vốn nhà khá giả dư ăn, rày không còn một hột lúa, không còn cái áo thay, nghe nói mà thảm thương cho mấy người nghèo khó vốn đã thiếu trước hụt sau! Vị linh mục nầy mất chén thánh, vị linh mục kia còn có nửa nhà thờ. Nghe nói mà chua xót!
Rồi đây không biết có khỏi cơ cẩn không? Có lẽ mà không khỏi, vì khi bão tới thì lúa sớm đã gặt rồi, còn lúa tri lúa gieo thì chưa trổ. Hiện nay như của người ta vớt lại được, nhờ có mùa tới đây không mất bỗng, nhờ ít nhiều của thiên hạ cứu độ, thì trông cũng đỡ giấc được. Mà hậu nhựt chẳng biết làm sao, cũng nên sợ. Vì dầu ruộng nương có được đi nữa, thì những thảo mộc trong vườn, như cau, chuối, mít, dừa bây giờ đang trụi gốc với lá úa nhành khô như cây chết, thì trong vòng đôi ba năm nữa cũng chưa trổ sinh được đi gì. Vậy mà ở mấy nơi đã xảy ra tai nạn thì nhơn dân một phần nhờ ở vườn tược làm kế sinh nhai.
Tả sơ mấy chuyện có thấm vào đâu với cảnh thật sự rất dữ dằn. Coi số thiệt hại các hạng Nhà Nước thông báo các nơi đây: 370 người chết, 237 người bị thương chở vào các sở nuôi bịnh, 406 ghe thuyền hư mất, 2.200 súc vật bị chết, bị trôi; 50.000 nhà tranh đổ nát, 44 nhà ngói xây gạch tiêu tan, mùa màng mất hết 40%. Tính hết thảy các khoản hư hại trong cả tỉnh Bình Định mất có hơn 1.000.000 bạc.
Trận bão ngày 4 tháng Mai trong tỉnh Phan Rang, địa phận Qui Nhơn bị hại có hơn 8.000 bạc, rày sửa chưa rồi. Tiếp trận bão ở Bình Định ngày 16 Octobre đây. Địa phận bị hại kể không cùng. Các linh mục và giáo hữu dầu đã quen với sự khổ sở xứ nầy rồi, mà phen ni cũng lấy làm quá sức. Biết bao người giáo hữu, biết bao vị linh mục rày mắt chưa ráo dòng châu, mặt còn nét thảm, vì sự nghiệp tan tành, nhà thờ hư sập. Nhưng thời gian là tay đại tác, cái gì rồi cũng qua đi, lời nói ấy cũng thật lắm. Ngày nay cơn khủng khiếp kinh hoàng lúc đầu đã dịu rồi đó, ai nấy lo hồi tỉnh lại nguyện xin Chúa nhơn lành ban ơn nhịn nhục chịu khó, lại vui lòng, vững chí cứ việc cậy trông ơn Chúa mà làm những sự quá sức phàm gian.
Đ. Q.