Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 12


ü     8 TÂN LINH MỤC DÂNG LỄ CẦU CHO HỘI VIÊN PHAO LÔ CHÂU
           Sau lễ thụ phong linh mục lúc 05g00 sáng 10/12/2010 tại nhà thờ chánh tòa Qui Nhơn, vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày 8 tân linh mục dâng thánh lễ đầu tay tại nguyện đường chủng viện Qui Nhơn, cùng đồng tế với cha Giám đốc chủng viện và 8 linh mục trong và ngoài giáo phận. Tham dự thánh lễ ngoài số chủng sinh đang ở chủng viện, còn có các anh em cựu chủng sinh Làng sông Qui Nhơn và bà con giáo dân xa gần.
          Từ nhiều năm qua, trong ngày phong chức các tân linh mục Qui Nhơn đều dâng thánh lễ đầu tiên tại nguyện đường chủng viện cầu nguyện cho hội viên Phaolô Châu. Việc các tân linh mục dâng lễ cầu cho hội viên Phaolô Châu là điều theo qui định của Hội đã được Tòa thánh chuẩn nhận ngày 30/5/1953.
           Trong bài giảng lễ, cha Giám đốc chủng viện Qui Nhơn Giuse Huỳnh Văn Sỹ đã nêu cao cách sống tinh thần tạ ơn của Đức Maria qua bài ca Magnificat và nhắc nhở các tân linh mục giữ trọn tâm tình đó cho khởi đầu của ngày lãnh nhận chức linh mục và trong suốt cuộc đời tận hiến.
          Sau thánh lễ, đại diện tám tân linh mục, cha Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng,  đã dâng lời cảm tạ quí  Đức Cha, quí cha giáo, quí ân nhân và mọi người đã giúp đỡ để các tân linh mục có ngày hôm nay.
          Tiệc mừng sau thánh lễ do các tân chức khoản đãi với Hội Cựu Chủng Sinh Làng Sông Qui nhơn - Hải ngoại tài trợ. Trước bữa tiệc, Hội trưởng Hội CCSLSQN Quốc nội Hoàng Tý và đại diện anh em CCS vùng Sài Gòn Gioan Nguyễn Hữu Quang tặng quà kỷ niệm cho các tân linh mục. Trong lời nguyện cho bữa tiệc ĐGM phó Mathêô Nguyễn Văn Khôi đã dâng lên Chúa tâm tình hiệp thông của Hội viên Hội Phaolô Châu và của các Cựu Chủng sinh khắp nơi với các tân chức.

Ø      SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH.
- Cử hành Năm Thánh các dòng tu Giáo hạt Bình Định.  Theo qui định, ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê 03. 12. 2010 là ngày cử hành năm thánh cấp giáo hạt đối với các dòng tu đang phục vụ trong Giáo phận Qui Nhơn.
          Để chuẩn bị, Ban Tu Sĩ Giáo Hạt Bình Định đã tổ chức một cuộc họp vào lúc 9 giờ sáng ngày 03.11.2010 tại Cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Giáo Hạt Bình Định hiện có 3 Dòng Nữ và 01 Dòng Nam đang phục vụ: Dòng MTG Qui Nhơn, Dòng Thánh Phaolô, Dòng Phan Sinh Thừa Sai-Đức Mẹ và Dòng Ngôi Lời.
          Nhờ chuẩn bị trước, các Dòng Tu đã tổ chức gặp gỡ nhau vào tối 02. 12 và cùng cử hành ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê vào sáng 03. 12 thật sốt sắng.
          Tối 02.12.2010, vào lúc 19h00, tại hội trường Nhà thờ Chính tòa Qui nhơn đã diễn ra cuộc gặp mặt và giao lưu văn nghệ. Chủ đề đêm giao lưu văn nghệ: “Tiếp bước trên đường truyền giáo”.
·        Dòng MTG Qui nhơn đưa cái nhìn về lịch sử truyền giáo của các vị thừa sai, đặc biệt là Đấng sáng lập Dòng MTG…với một hoạt cảnh được chuẩn bị thật công phu.
·        Dòng Thánh PhaoLô trình bày việc truyền giáo qua con đường phục vụ của Hội Dòng trên vùng đất Giáo Phận Qui Nhơn…Bài trình bày được tiếp nối bởi bài hát kèm theo nhóm múa phụ họa “dấu ấn tình yêu” thật đẹp.
·        Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ nói về con đường truyền giáo của chị em Phan Sinh là con đường xin vâng với một tâm hồn đơn sơ vui vẻ…tinh thần đó cũng được thể hiện qua bài hợp ca của cả 10 chị em thuộc cộng đoàn Phan Sinh Qui Hòa.
·         Dòng Ngôi Lời: cha Gioakim Đỗ Sỹ Hùng nói về sứ mạng truyền giáo của Dòng tại giáo phận Qui nhơn từ lúc còn là Dòng Giuse…Truyền giáo đó là sứ mạng, là hồng ân Chúa trao cho mỗi người. Bài nói chuyện dẫn cộng đoàn đến với bài hát “Khúc ca cảm tạ”.
          Giữa những ca khúc của các Dòng tu là bài nói chuyện của Đức Cha Phó Mattheo: khái quát về lịch sử truyền giáo của Giáo Phận và những thao thức về việc noi gương các vị thừa sai loan báo Tin Mừng với 3 sắc thái chính:
-  Sống đạo đức, thánh thiện.
-  Thực hành bác ái Kitô giáo.
-  Nâng cao tri thức để phục vụ và làm chứng cho Chúa Kitô.
           Đức Cha mời gọi mọi người, cách riêng là các Dòng Tu cùng nhau góp phần mình vào việc truyền giáo của Giáo Phận.
            Để kết thúc đêm giao lưu văn nghệ, Cha trưởng ban Tu Sĩ Giáo Phận có lời cám ơn, động viên khích lệ các Dòng Tu tích cực hơn nữa trong việc phục vụ Giáo Phận. Cha cũng mong ước trong tương lai, sau những cử hành của năm thánh, các Dòng Tu trong Giáo Phận có được những dịp giao lưu với nhau nhiều hơn.
          Đêm văn nghệ kết thúc với bài ca đồng diễn và phép lành của Đức Cha Phó Matthêô. Tất cả ra về trong hân hoan và chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ vào ngày mai.
          Vào 5g00 sáng 03.12. 2010, Thánh Lễ đồng tế được cử hành tại Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn do Đức Cha Phó Matthêô chủ sự. Cha Hạt trưởng hạt Bình Định, Cha Trưởng Ban Tu Sĩ Giáo Phận, và 16 cha khác cùng đồng tế trong Thánh Lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo. Cộng đoàn tham dự Thánh Lễ gồm nhiều Tu sĩ của các Dòng Tu và đông đảo anh chị em giáo dân… tham dự thật long trọng và sốt sắng. Trong bài giảng lễ, Cha Gioan Võ Đình Đệ đã giúp cộng đoàn phụng vụ nhìn lại tấm gương quảng đại hy sinh của Thánh Phanxicô Xaviê trong công cuộc loan báo Tin Mừng ở vùng đất Á Châu. Với những quyết tâm và hy sinh đáp lại tiếng Chúa mời gọi, thánh nhân đã can đảm lên đường dù phải gặp những gian nguy khốn khó: “Tôi đã thấy rằng: phải chịu khổ nạn cho vinh danh Chúa Giêsu Kitô…” và “… tôi sẽ chịu khổ gấp ngàn lần để cứu lấy một linh hồn thôi…”. Truyền giáo đòi hỏi phải hy sinh, đòi hỏi phải nên như của lễ dâng cho Thiên Chúa! Các Tu Sĩ góp phần vào việc làm chứng cho Tình Yêu của Chúa Kitô giữa thế gian qua đời sống thánh hiến chọn Chúa làm gia nghiệp! Có được Chúa trong đời mình, từ đó sẽ mang Chúa đến cho thế giới hôm nay.
            Sau thánh lễ, tất cả các Tu sĩ cùng với Đức Cha Phó Matthêô và các Cha dùng điểm tâm buổi sáng trong bầu khí thắm tình huynh đệ. Mỗi người đều mang tâm tình tạ ơn và tâm tình hân hoan… rồi đây, sẽ cùng nhau chung sức, chung lòng, chung tay để loan báo Tin Mừng Nước Chúa.
- Cuộc bàn giao việc xây dựng Nhà thờ Gia Chiểu. Sáng ngày 06/12/2010, Đức Cha phó Matthêô đến tại nhà thờ Gia Chiểu để chứng kiến cuộc bàn giao nhà thờ vừa mới được xây dựng xong, giữa cha sở cựu Giuse Võ Tuấn và cha sở đương nhiệm Giuse Nguyễn Đình Bút.
Dự án xây dựng nhà thờ Gia Chiểu được cha Giuse Võ Tuấn, cha sở Đại Bình, lên kế hoạch và chính thức khởi công từ ngày 11/04/2007 với các hạng mục: nhà thờ, nhà xứ, hội trường / nhà giáo lý, tường bảo vệ. Ngày 22/09/2009, giáo xứ Gia Chiểu được Đức Giám Mục giáo phận tái lập, tách khỏi giáo xứ Đại Bình, và được giao cho cha Giuse Nguyễn Đình Bút làm quản xứ, tuy nhiên công trình xây dựng vẫn được giao cho cha Giuse Võ Tuấn tiếp tục đảm trách.
Nay được sự chấp thuận của Đức Giám Mục giáo phận, cha Giuse Võ Tuấn giao lại cho cha Giuse Nguyễn Đình Bút: 1) nhà thờ và tường bảo vệ đã được xây xong; 2) nhà xứ mái đúc bêtông chuẩn bị lên tầng, gồm 02 phòng ở, 01 phòng khách, 01 nhà cơm và nhà bếp; 3) hội trường / nhà giáo lý chỉ mới xây xong phần nền móng với cột trụ có khả năng xây dựng thành nhà 02 mê bêtông; 4) các bản vẽ và giấy tờ liên quan; 5) sổ thu chi từ khi khởi công đến nay. Kết toán: công trình nhà thờ Gia Chiểu không còn mắc nợ tài chánh của bất kỳ ai.
Biên bản bàn giao được lập thành 03 bản với chữ ký của cha Giuse Võ Tuấn, cha Giuse Nguyễn Đình Bút và Đức Cha phó Matthêô: mỗi cha giữ 01 bản và Tòa Giám Mục 01 bản, cùng với sổ thu chi. Cha sở Giuse Nguyễn Đình Bút bày tỏ lòng biết ơn đối với cha Giuse Võ Tuấn và nguyện sẽ cố gắng hoàn tất những gì còn dở dang để góp phần xây dựng giáo xứ.
- Cung hiến Nhà thờ Phù Mỹ. Vào lúc 09g20 ngày 15/12/2010 cha sở giáo xứ Phù Mỹ Anrê Đinh Duy Toàn  đã long trọng tổ chức lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ Phù Mỹ vừa mới xây dựng xong. Đầu thánh lễ là nghi thức cắt băng khánh thành và sau đó tới thánh lễ cung hiến. Thánh lễ diễn ra sốt sắng do Đức Cha Phó Matthêô chủ sự với quý cha trong đoàn đồng tế khoảng 30 người với khá đông các nữ tu các hội dòng trong và ngoài giáo phận cùng các giáo dân xa gần. Trong bài giảng lễ Đức Cha Phó nói lên ý nghĩa ba chiều kích của ngôi đền thờ mới được xây dựng theo chiều hướng đó: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.
Nhà thờ Phù Mỹ nằm tại thị trấn Phù Mỹ, cách Quốc lộ 1 về phía đông khoảng 50m trên đường đi các xã khu đông của huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha sở Anrê cho biết, ngôi nhà thờ mới có chiều dài 43 mét rộng 19 mét và chiều cao 9 mét (phả sét). Riêng tháp chuông cao 32,7 mét tính từ nền nhà thờ. Trần nhà thờ đều được đóng bằng gỗ trông rất đẹp và giá trị. Nhà thờ mới có mặt tiền quay về hướng nam với một khoảng sân rộng rãi phía trước. Đặc biệt, mặt tiền vào nhà thờ có xây dựng đường riêng dành cho người khuyết tật và xe lăn có thể đi lên dễ dàng. Đây là điều mà nhiều nhà thờ trong giáo phận khi xây dựng ít chú ý tới.
Để có nhà thờ khang trang và khuôn viên chung quanh rộng rãi như hiện hiện nay, cha sở đã phải tốn nhiều công sức và tiền bạc tạo dựng. Cha sở cho biết nhà thờ cũ trước đây được xây dựng vào khoảng năm 1963 do Cha Phan Văn Hoàng (Cha sở Nhà Đá lúc bấy giờ), có chiều dài 30 mét, rộng 12 mét, có sân tiền đường riêng. Nhà thờ cũ có mặt tiền Nhà thờ bị bão đánh sụp phần trên, phần thì xây dựng quá đơn sơ, phần thì nằm quay về hướng bắc nên suốt mùa đông phải chịu đựng mưa gió làm thấm nước dần dần trở nên không còn an toàn, cần phải đại tu gấp. Hai bên hông cũng cần nới rộng để đủ dung nạp giáo dân trong những dịp lễ trọng và cũng để chống mưa tạt thấm thường xuyên. Nhà thờ sau đó cũng tạm thời được cha sở Anrê lo lợp lại mái ngói, làm cung thánh, lát nền gạch và đóng trần. Nhưng sau một thời gian cũng xuống cấp, nên nhu cầu xây dựng lại càng trở nên cấp bách. Và vào ngày 29/06/2009 cha sở đã làm lễ khởi công đặt viên đá đầu tiên xây dựng lại ngôi thánh đường mới như hiện nay.
Để có nơi dâng thánh lễ và cử hành các nghi thức phụng vụ khi đang xây nhà thờ, trước đó cha sở đã thương lượng mua lại tu xá của Dòng Đồng Công trong khuôn viên Nhà thờ (do trước đây đã hiến cho Nhà nước làm trạm xá) và hơn nữa điều nầy giúp đảm bảo sự độc lập của khuôn viên Nhà thờ. Từ cuối năm 2008 sau khi hoàn thành việc mua lại cơ sở nầy, cha sở cho tiến hành xây nhà nguyện tạm thời. Nói là tạm thời, nhưng thực tế đây cũng là một công trình xây dựng đáng kể và kiên cố có chiều dài 23 mét và rộng 11 mét với dự kiến sau nầy, khi xây xong nhà thờ mới, thì cơ sở nầy làm nhà sinh hoạt cho giáo xứ, thật là "nhất cử lưỡng tiện". Đến tháng 4/2009 nhà nguyện xây dựng vừa xong, cha sở cho tiến hành tháo dỡ nhà thờ cũ để chuẩn bị cho ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới đúng vào ngày lễ hai thánh tông đồ Phêrô - Phaolô 29/06/2009. Như vậy chỉ trong thời gian không lâu tính từ ngày đặt viên đá đầu tiên nhà thờ mới đã hoàn thành tốt đẹp.
Còn để có khuôn viên nhà thờ như hiện nay thì quả là một sáng kiến và nỗ lực tuyệt vời của cha sở mới có thể gầy dựng nên. Thực vậy, cha sở cho biết từ năm 1975 cho đến 18/9/1996 không có linh mục ở tại chỗ, nên khuôn viên nhà thờ đều bỏ trống không tường, không rào và việc sử dụng đất đai của Nhà thờ rất phức tạp. Về phía bắc (trước mặt Nhà thờ cũ) đã bị lấn chiếm 400 m2 và đặt một trạm xăng dầu ngay trong khuôn viên nhà thờ. Qua nhiều thương lượng và hiệp thương, cũng được hoàn trả lại mặt bằng cho sân nhà thờ.
Về phía đông, nhà nước quản lý trường Thiên Mẫu trước đây để làm phòng bán vé của bến xe Phù Mỹ và sử dụng toàn bộ sân Nhà thờ phía đông làm bến xe. Đến năm 1996 nhà nước chuyển sử dụng phòng bán vé để làm trường mẫu giáo, đồng thời xây thêm một trường mới và cắt hẳn ba phần tư sân phía đông Nhà thờ khoảng 1200 m2 làm sân chơi học sinh. Cũng qua nhiều lần yêu cầu và hiệp thương, toàn bộ khu đất nói trên đã được trả lại cho nhà thờ (trừ trường học dài 30m rộng 8m hiện Nhà nước còn quản lý và sử dụng ngay trong sân Nhà thờ). Cha sở còn cho biết thêm chính quyền địa phương đang xúc tiến xây một trường theo đúng quy cách của Bộ Giáo dục. Hy vọng giáo xứ sẽ sớm bảo toàn trọn vẹn khuôn viên Nhà thờ.
Hiện nay phía đông Nhà thờ dọc theo Trường mẫu giáo, cách nền Nhà thờ 16 m, trên phần đất mới trả lại đã xây dựng một Nhà xứ dài 16 m rộng 11m và đã đưa vào sử dụng. Khoảng trống giữa Nhà xứ và Nhà thờ có Tượng Đài Đức Mẹ, cũng là nơi dâng lễ vào mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, trừ những ngày mưa gió.
Ngòai ra trước đây có rất nhiều mộ nằm sát sau lưng nhà thờ cũ (bây giờ là phía trước nhà thờ mới) và một phần phía đông Nhà thờ, sau nhiều hiệp thương và thuyết phục, giáo xứ đã xây mới một “nhà An Bình” diện tích 30 m2 trên khoảnh đất thổ mộ ở phía nam, cách Nhà thờ 30 m. Nay đã cải táng toàn bộ 125 hài cốt nằm rải rác trong khuôn viên Nhà thờ đưa vào trong “nhà An Bình” này. Riêng khu đất “nhà An Bình” có diện tích độ chừng 400 m2, có bàn thờ bên cạnh “nhà An Bình” và sân phía trước để cử hành Thánh lễ. Hiện giờ mỗi chiều thứ hai đều cử hành Thánh lễ tại đây. Có hơn 136 hài cốt đang lưu giữ tại đây.
Chung quanh bốn mặt Nhà thờ trước đây bỏ trống, ranh giới không rõ rệt. Hiện giờ phía đông và tây đều có tường xây, phía bắc Nhà thờ đang chờ chỉ giới làm đường, sẽ xây tường và làm cổng. Phía nam trước mặt nhà thờ mới đã xây tường được 2/3 chiều dài, chờ quy hoạch xong sẽ tiếp tục xây phần còn lại.
Với một khuôn viên rộng rãi như vậy, mà cha sở đã cho nâng mặt bằng của khuôn viên lên đến 1,1 m đất nữa. Và nền của ngôi nhà thờ mới cao thêm 1,1 m so với chiều cao mới của sân nhà thờ, tức là 2,2 m so với trước đây. Ngôi nhà thờ mới khang trang đẹp đẽ với tháp cao nổi bật làm người ta có thể nhìn thấy từ xa khi đi trên quốc lộ 1A.
Từ ngày 18/09/1996 Cha sở Phù Mỹ Anrê Đinh Duy Toàn đã được Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám Mục giáo phận Qui Nhơn, sai đến phục vụ tại giáo xứ Phù Mỹ (thế cha sở Phù cát Phêrô Nguyễn Công Sanh lúc ấy đang kiêm nhiệm coi sóc giáo xứ Phù Mỹ). Như vậy, tính đến nay cha Anrê đã phục vụ giáo xứ trên 14 năm. Trong thời gian đó cha đã miệt mài không biết mệt mỏi, bỏ nhiều công sức, hy sinh để xây dựng và tái thiết giáo xứ có như ngày nay. Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho giáo xứ, cách riêng đối với cha sở.
- Làm phép tượng Chúa Kitô Vua và thánh lễ Tạ Ơn tại Vườn Vông. Vào lúc gần 10 giờ ngày 20/12/2010 cha sở giáo xứ Vườn Vông đã tổ chức nghi thức làm phép tượng Chúa Kitô vua được đặt tại nghĩa trang của giáo xứ. Nhân dịp nầy bà con giáo dân qui tụ về khá đông với cha sở để tiếp đón Đức Cha Phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi và quý cha khách sau đó tập trung tại nghĩa trang để tham dự rất sốt sắng nghi thức làm phép tượng do Đức Cha Phó Matthêô chủ sự. Nghĩa trang nầy nằm sau lưng nhà thờ về hướng đông và cách khoảng vài trăm mét đã được xây tường chung quanh để giữ gìn; khuôn viên cũng được chỉnh trang sạch sẽ ngăn nắp hơn. Tượng mới làm phép đặt gần như tại trung tâm của nghĩa trang đặt trên một bệ tổng chiều cao gần 5 mét, riêng bức tượng được làm bằng đá granít có chiều cao 2, 2 mét.
Sau nghi thức làm phép tượng tại nghĩa trang, tất cả cộng đoàn tập hợp tại nhà thờ để hiệp dâng thánh lễ Tạ Ơn dành cho hai tân linh mục là Giuse Phan Thế Vinh và Gioan Baottixita Nguyễn Kim Ngân. Đức Cha phó đã chủ sự và giảng lễ với 8 cha đồng tế. Sau thánh lễ là bữa cơm thân mật tại nhà xứ.
- Hội diễn thánh ca Giáng Sinh hạt Bình Định. Với tâm tình hân hoan đón mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam cử hành Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, vào lúc 17 giờ 30 ngày 22 tháng 12 năm 2010, giáo hạt Bình Định đã tổ chức chương trình Hội Diễn Thánh Ca, tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn. Hội diễn thánh ca lần nầy được tổ chức trong nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn với số ca viên đăng ký 679 của 12 giáo xứ và cộng với 2 ca đoàn của chủng viện và Hội Dòng MTG Qui Nhơn. Tuy nhiên trong thực tế số ca viên của một số ca đoàn đã đến tham dự không đủ số như đăng ký. Trong buổi hội diễn này, có sự hiện diện của Đức Cha Phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi, cha hạt trưởng Bình Định Giuse Lê Kim Ánh, cha Trưởng ban Thánh Nhạc giáo phận Giuse Võ Tuấn, cha trưởng ban tổ chức Phaolô Võ Đình Hoài, cùng một số cha trong giáo hạt Bình Định.
Lúc gần 18g00 ngay sau chào mừng các ca đoàn và khách mời là bài hát cộng đồng "Xin cho lòng chúng con". Tiếp sau lời giới thiệu, cha sở chính tòa kiêm hạt trưởng Bình Định đọc lời khai mạc buổi hát thánh ca. Khác với lần trước, lần nầy sau mỗi tiết mục ban tổ chức đều mời một trong các vị có kinh nghiệm nhận xét về tiết mục đó. Đó là cha Giuse Võ Tuấn, cha Giacôbê Đặng Công Anh, hai nữ tu dòng MTG Qui Nhơn Isave Đỗ Thị Minh Hiển và Jacqueline Nguyễn Thị Phương Nam. Những lời nhận xét đơn sơ, chân thành đã giúp thêm những kinh nghiệm quý báu cho các ca viên, ca trưởng và người đệm đàn trong phụng vụ. Sau lời nhận xét ban tổ chức trao cờ lưu niệm và chụp ảnh lưu niệm với Đức cha Phó Matthêô cùng với Ban Tổ Chức….
Buổi hội diễn thánh ca năm nay được tổ chức trong nhà thờ, nên bầu khí có phần sốt sắng và mang tính chuyên môn hơn năm ngoái. Dù số giáo dân và lương dân đến thưởng thức hội diễn khá ít do hạn chế về mặt bằng và trang trí nơi trình diễn cũng khá sơ sài do thời gian eo hẹp, nói chung buổi hát thánh ca lần nầy được tổ chức bài bản hơn, qui củ hơn và thành công tốt đẹp.
- Đức giám mục Giáo phận cử hành đại lễ Giáng Sinh. Lúc 21g30 ngày 24/12/2010 tại đài Thánh Giuse của NhàThờ Chính Tòa Qui Nhơn, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn đã chủ sự Thánh Lễ mừng Đại lễ Giáng Sinh 2010. Đồng tế trong thánh lễ có Đức Cha Phó Matthêô, cha sở Nhà thờ Chính Tòa, cha Giám đốc chủng viện Qui Nhơn, cha đặc trách văn phòng TGM, cha Phaolô Trịnh Duy Ri, các cha phó chính tòa. Đoàn người tham dự thánh lễ đông đảo, trong số đó có khá đông lương dân. Trong lời đầu lễ Đức Cha Phêrô nói rằng: «Sau bốn tuần trong mùa vọng trông chờ, đêm nay, hoà chung niềm vui với Giáo Hội toàn cầu, với những người thiện tâm trên toàn thế giới, chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh, tưởng niệm biến cố trọng đại của Mầu Nhiệm Nhập Thể: “Con Thiên Chúa xuống thế làm người”.
Đêm nay, Chúa Hài Nhi xuất hiện như một làn ánh sáng, “ánh sáng của tình yêu” chiếu soi, sưởi ấm cỏi lòng chúng ta, chiếu tỏa trên những tâm hồn thiện chí, khai mở cho nhân loại một kỷ nguyên mới, một con đường mới, con đường của bác ái yêu thương, khó nghèo và vâng phục.
Chúng ta hãy quyết tâm sống theo gương Chúa Hài Nhi và hãy tha thiết cầu nguyện xin Chúa ban an bình cho thế giới, thăng tiến cho Giáo Hội, thịnh vượng cho đất nước và cho mọi tâm hồn thiện chí được tràn ngập niềm hoan lạc và bình an».
Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phó Matthêô đã làm nổi bật ý nghĩa của mầu nhiệm Ngôi Hai Xuống Thế Làm Người. Đó là mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa nên không thể hiểu bằng lý luận cho bằng đón nhận bằng con tim. Ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh có giá trị trong đời sống con người hôm nay.
- Đức cha phó Matthêô đi thăm mục vụ giáo xứ Công Chánh và Hòa Ninh. Ngày 26/11, lễ kính Thánh Gia Thất, Đức Cha phó đi thăm mục vụ và chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với hai giáo xứ Công Chánh và Hòa Ninh. Vào lúc 6 giờ sáng, Đức Cha đến nhà thờ Công Chánh. Sau nghi thức đón tiếp, Đức Cha đã dâng thánh lễ đồng tế cùng với cha sở Vincentê Nguyễn Văn Thanh, cha Anrê Huỳnh Tấn Nha với sự hiện diện của cộng đoàn giáo xứ để cầu nguyện cho các gia đình trong giáo xứ được biết noi gương Thánh Gia Thất luôn vâng phục thánh ý Chúa và chu toàn mọi trách nhiệm đối với nhau trên căn bản đức ái, biến gia đình thành cơ sở truyền giáo. Sau thánh lễ, Đức Cha dùng điểm tâm với cha sở và các chức việc, hỏi thăm và trao đổi với cha sở về hiện tình giáo xứ.
Buổi chiều, vào lúc 17 giờ, Đức Cha đến thăm giáo xứ Hòa Ninh và cử hành thánh lễ cho cộng đoàn. Cùng đồng tế với Đức Cha, ngoài cha sở Stêphanô Dương Thành Thăm, còn có cha Hạt trưởng Bình Định, cha Giacôbê Đặng Công Anh và cha Anrê Huỳnh Tấn Nha. Đầu lễ, Đức Cha hợp ý với cộng đoàn tạ ơn Chúa, cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với cha sở nhân ngày bổn mạng của cha, mặc dù hôm nay phụng vụ không cử hành lễ kính thánh Stêphanô phó tế và tử đạo tiên khởi. Cha sở rất vui vì thấy cộng đoàn tham dự thánh lễ đông đảo, mặc dù bên ngoài trời mưa. Sau thánh lễ, Đức Cha đến thăm cộng đoàn nhà khách giáo phận, gặp các nữ tu MTG và một ít sinh viên đang đang lưu trú tại đó, rồi trở về nhà xứ cùng cơm tối với cha sở và các cha.

Ø   SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI.
-   Ngày cử hành Năm Thánh cho các dòng tu cấp giáo hạt. Theo lịch “Những ngày cử hành đặc biệt trong Năm Thánh”, vào ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê, tại Nhà thờ giáo hạt Quảng Ngãi, vào lúc 6 giờ chiều, thánh lễ đồng tế được cử hành sớm hơn giờ thường lệ 01 tiếng. Cha Hạt trưởng chủ tế cùng với khá đông các Cha trong giáo hạt. Cha Phaolô Thọ, DCCT, giảng lễ, ngài nêu bật ba lời khấn dòng như là nhân đức căn bản của đời sống thánh hiến. Thánh lễ hôm nay giáo dân tham dự rất đông đảo, gấp 10 lần thường ngày, và đặc biệt có nhiều giáo dân ở giáo xứ Châu Ổ và Kỳ Tân. Ngoài các Cha DCCT, hạt Quảng Ngãi có sự hiện diện các tu sĩ hội dòng MTG Qui Nhơn ở 02 cộng đoàn, thuộc giáo xứ Phú Hòa và giáo xứ Quảng Ngãi. Một bữa cơm huynh đệ giữa các Cha triều, dòng DCCT, các nữ tu MTG, do Cha Sở Kỳ Tân, đặc trách Ban Mục vụ tu sĩ, tổ chức sau thánh lễ tại nhà xứ Quảng Ngãi.
-   Tân Linh mục dâng lễ Tạ Ơn tại giáo xứ Châu Me. 9g30 sáng Chúa nhật III Mùa Vọng 12 tháng 12, tại Nhà thờ Đức Mẹ Kỳ Thọ, Cha mới Luy Huỳnh Anh Trung chủ tế thánh lễ đồng tế tạ ơn Chúa sau ngày thụ phong Linh mục, 10 tháng 12. Có sự hiện diện của Cha Hạt trưởng Quảng Ngãi, Cha Sở Châu Me, Cha nghĩa phụ Giacôbê Đặng Công Anh, Cha Sở Qui Hiệp, Cha Phaolô Thọ, DCCT và một số Cha trong Hạt. Cha nghĩa phụ giảng lễ: Ngài đề cao ơn gọi linh mục và mời gọi các gia đình cổ võ và vun trồng ơn gọi linh mục hiện đang là mối ưu tư không chỉ của Cha Sở Châu Me mà còn là vấn đề của toàn giáo hạt Quảng Ngãi. Trong lễ tạ ơn này đặc biệt có sự hiện diện của phái đoàn giáo xứ Qui Hiệp, một số thân nhân và một Soeur Dòng Đa Minh là chị ruột của Cha mới. Cha Luy Trung đã có thời gian hơn một năm thực tập mục vụ tại giáo xứ Châu Me.

Ø   SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
          - Tin ban tu sĩ Giáo hạt Phú Yên. Ngày lễ kính thánh Phanxicô Xavie 03/12 năm nay, Giáo phận Qui Nhơn chọn làm ngày cử hành năm thánh cấp giáo hạt đối với các dòng tu trong Giáo phận.
          Với tâm tình ấy, chiều ngày 02/12/2010, Tiểu ban tu sĩ của Giáo hạt Phú Yên đã tổ chức một cuộc thăm viếng Phước viện Mằng Lăng và Cô nhi viện Mằng Lăng trong tinh thần hiệp thông và liên kết. Đoàn đi gồm có cha Phanxicô Phạm Đình Triều, trưởng Tiểu ban và đại diện của các dòng đang phục vụ tại Phú Yên đó là Dòng Đồng Công, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Dòng Phaolô và THĐ Nam TTCGS. An Thạch vừa mới trãi qua trật lụt lớn đã làm đoạn đường đến nhà thờ Mằng Lăng đang thi công dở dang càng trở nên xấu hơn, phong cảnh xinh đẹp vốn có lâu nay cũng bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá thô bạo của nước lũ. Nhưng với sự niềm nở ân cần của cha sở Mằng Lăng, cùng sự tiếp đón vui vẻ, chu đáo hai cộng đoàn Nữ tu Mến Thánh Giá tại địa phương đã tạo ra một bầu khí thân mật và ấm áp giữa chủ và khách. Trong khung cảnh đó những tình cảm tươi đẹp đã bừng sáng lên trong lòng nhau trái hẳn những cảnh vật hư nát bên ngoài.
           Vào lúc 09 giờ sáng ngày 03/12/2010, tại Nhà thờ Công Giáo Tuy Hòa, các cha trong hạt Phú Yên đã cử hành thánh lễ đồng tế kính thánh Phanxicô Xavie, Bổn mạng các xứ truyền giáo, đồng thời cũng là ngày cử hành ngày năm thánh cấp giáo hạt dành cho các tu sĩ đang phục vụ trong Giáo phận. Thánh lễ do Cha hạt trưởng Phú Yên Giuse Trương Đình Hiền chủ tế cùng với sự tham dự đông đảo của các tu sĩ thuộc các cộng đoàn tu trì khác nhau đang có mặt tại Phú Yên.
          Cuối thánh lễ cha Phanxicô Assisi Phạm Đình Triều, Trưởng Tiểu ban đã thay mặt cho các tu sĩ trong giáo hạt cám ơn Cha hạt trưởng đã cho phép và giúp đỡ Tiểu ban tu sĩ của giáo hạt tổ chức ngày năm thánh này. Cha Triều cũng thay mặt các tu sĩ trong giáo hạt mừng bổn mạng cha Phanxicô Xavie Trần Đăng Đức, cha sở Giáo xứ Sơn Nguyên .
          Ngày cử hành năm thánh kết thúc trong tâm tình hiệp thông bằng bữa cơm trưa thân mật giữa các tu sĩ và các cha trong hạt Phú Yên tại Nhà xứ Tuy Hòa.
          Bên ngoài trời vẫn đang dai dẵng đổ những cơn mưa. Ra về kẻ trước người sau nhưng trong tâm hồn của những người tu sĩ vẫn giữ chặt mối dây liên kết và hiệp thông, để cùng giúp nhau sống đời tận hiến.
          - Tân linh mục dâng lễ Tạ Ơn tại Tuy Hoà. Ngày 11/12, tân linh mục Phêrô Bùi Huy Ngọc đã dâng thánh lễ Tạ Ơn tại Nhà thờ Tuy Hoà, cùng đồng tế có các linh mục trong giáo hạt, một số cha trong giáo hạt Bình Định và các cha ngoài giáo phận có liên hệ với tân linh mục. Giáo dân trong giáo xứ Tuy Hoà cũng đã dự thánh lễ thật đông để cầu nguyện và chia vui với tân linh mục là người con của giáo xứ. 
           Trong phần diễn giảng Lời Chúa, cha giảng lễ đã nói lên những khó khăn của chức vụ linh mục hiện nay, đòi hỏi linh mục phải hoàn thiện hầu như mọi kỹ năng để đáp ứng những nhu cầu của giáo dân thời đại. Cuối thánh lễ, ông chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ Tuy Hoà đã chúc mừng tân linh mục: “Liệu hôm nay có phải là ngày đáng nhớ nhất của cha? Cộng đoàn Tuy Hòa có lẽ ai cũng nói: đúng vậy - chính hôm nay. Nhưng với cha dường như không phải! Ngày này nếu có nhớ không phải vì nó quan trọng nhưng vì nó đi cạnh một ngày quan trọng hơn, ngày hôm qua, ngày cha được Đức Giám Mục đặt tay, ngày cha trở thành cánh tay mặt của Đức Kitô. Ngày hôm qua sẽ đi theo cha đến suốt cuộc đời; vẫn biết rằng ngày sinh nhật thứ nhất, ngày rửa tội, ngày cha trở thành con cái Chúa là ngày trọng đại. Nhưng rất tiếc chưa thấy ai mở tiệc kỷ niệm ngày này và thường là nhường chỗ cho ngày sinh thành người và ngày sinh Sứ Vụ. Chia vui với cha vì cha có một ngày để nhớ, để biết rằng mình bước đi tới đâu trên đường trọn lành, có một ngày để cha nói với Chúa rằng: “Con đang bước tới, con đang gần Ngài…. Cộng đoàn biết rằng làm linh mục là để chính mình nên thánh cũng như giúp mọi người nên thánh và không biết sợ hãi, nếu có sợ thì chỉ sợ rằng chưa yêu mến đủ. Với các linh mục khác, cha có thuận lợi về điểm này khi nhìn về linh mục Bùi Huy Bích, cha bác của cha, một linh mục gần gũi, vui vẻ, nhất là với người nghèo và không biết sợ dẫu gặp rất nhiều khó khăn. Chúng con biết rằng sở dĩ ngài không sợ vì ngài luôn lặp lại lời thánh vịnh “Trong tay Ngài con xin phó thác hồn con”; và Ngài đã nhận ra rằng : tình yêu Chúa luôn phủ kín đời mình… Thêm một lần chia vui nữa vì Chúa đã để cha được sinh ra và lớn lên trong một dòng họ có nhiều linh mục, tu sĩ…”
           Trong lời đáp từ, trước khi nói lời cám ơn với mọi người, tân linh mục đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa: “Con xin tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho con biết bao nhiêu ơn lành từ ngày con chào đời cho đến bây giờ, đặc biệt hôm qua con đã lãnh nhận một ơn trọng đại đó là được phong chức linh mục. Đây là một ơn Chúa ban nhưng không, bởi lẽ con biết tự sức riêng con không thể nào dám nghĩ tới, mà hành trình ơn gọi của con đều do bởi bàn tay đầy yêu thương của Chúa mời gọi, dẫn dắt và gìn giữ con. Nếu so sánh với những bạn cùng trang lứa thì con không phải là một người trỗi vượt về các mặt đạo đức, nhân bản, trí thức, nhưng vì yêu thương Chúa vẫn chọn gọi con, không bao giờ con lý giải được vì đây là một huyền nhiệm chứ không phải là một vấn đề. Vâng tất cả là hồng ân, con xin tán tụng, cảm tạ Thiên Chúa và để đền đáp lại ơn ban được tế lễ mỗi ngày, con nguyện cả đời con là lễ tế cho Ngài”.
          Cầu chúc tân linh mục luôn trung thành với sứ vụ và khẩu hiệu đã chọn để làm bản chỉ đường hướng dẫn cho đời mình: “Vâng lời Thầy, con thả lưới” (Lc 5, 5)  
           - Lễ Giáng Sinh. Nhằm thu hút mọi người cũng như tạo một điểm đến cho mùa Giáng Sinh, khuôn viên nhà thờ Tuy Hoà năm nay trang hoàng thật lộng lẫy và đẹp mắt. Dọc các lối đi là những hàng cây giăng mắc đèn trang trí nhấp nháy như chào mời quan khách. Ngoài các hang đá nằm rải rác do các giáo khu phụ trách, tạo hình chiếc xe nai kéo ông già Noel đi phát quà, cây thông Noel cao 8 mét, quả địa cầu xoay tròn, những cây khô phủ đầy tuyết trắng … đã là những hậu cảnh được ưa thích cho mọi người muốn có một tấm ảnh lưu niệm đẹp. Từ ngày 22, mọi công việc đã hoàn tất để sẵn sàng chào đón khách tham quan. Đài Truyền Hình Phú Yên cũng đã làm một phóng sự về ngày Giáng Sinh tại giáo xứ Tuy Hoà và phòng Truyền Thống của giáo xứ để phát trên truyền hình vào buổi tối ngày 25.
          Trong phần giảng lễ, trước khi diễn giảng Lời Chúa, cha sở kiêm hạt trưởng Tuy Hoà Giuse Trương Đình Hiền đã đặc biệt nói với những lương dân đang hiện diện rất nhiều quanh khu vực lễ đài: “Với chúng tôi, những người Công Giáo giáo xứ Tuy Hoà - Phú Yên, quả thật đây là dịp duy nhất trong một năm, chúng tôi được đón tiếp quý vị như những vị khách quý để có thể chia sẻ với quý vị đôi điều về niềm tin của chúng tôi, để giới thiệu đôi nét đan thanh về Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Giáo Hội của chúng tôi, và giới thiệu khái quát về chính cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, một Giáo Hội đang đồng hành với mọi thành phần trong Đất Nước Việt Nam cùng nắm tay gốp phần xây dựng Đất nước mỗi ngày mỗi đẹp hơn huynh đệ hơn, phát triển hơn và tự do dân chủ hơn. Chúng tôi cám ơn quý vị về nghĩa cử đầy tính hiệp thông và khoan dung nhân ái. Chúng tôi cám ơn quý vị đã biểu lộ tâm tình trân trọng, kính tôn đối với Chúa Giêsu, một Đấng mà chắc chắn quý vị còn rất mù mờ, có khi được hiểu cách lệch lạc và rất nhiều khi được thông tin với một ý đồ không mấy thiện chí, nếu không muốn nói là xuyên tạc và thù nghịch…
          Với sự hiện diện đông đảo và thân tình của Quý vị trong giờ phút linh thiêng nầy, chúng tôi tin rằng “ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu”, niềm vui Noel, đã nối kết tất cả chúng ta, để chúng ta có thể mạnh mẽ tuyên bố rằng: cho dù có khác biệt về niềm tin, về ý thức hệ, về quan niệm sống, về truyền thống văn hoá…, thì chúng ta vẫn có thể nói chung một ngôn ngữ - ngôn ngữ của tình bạn, tình người; vẫn có thể để cùng đọng lại một tâm tình - tâm tình yêu thương, nhân ái; và vẫn có thể chung xây một ước nguyện - ước nguyện cho hòa bình, hiệp nhất, khoan dung, tự do và phát triển .… Và biết đâu trong một thoáng lắng đọng tâm tư nào đó giữa bao bon chen, tất bật của đời thường, quý vị chợt cảm nhận được rằng có một Đấng Emmanuel là Chúa Giêsu đang đồng hành với quý vị từ lâu mà quý vị chưa kịp nhận ra; để rồi biết đâu một ngày không xa, nhiều người trong quý vị sẽ hiện diện nơi đây với tư cách hoàn toàn là một Kitô hữu!”
            Với các giáo dân, cha đã hướng mọi người về mầu nhiệm “Emmanuel”: “Nếu ngày xưa “trong thành vua Đa-vít, Đấng Cứu thế đã giáng sinh…”, thì hôm nay, trong giáo xứ Tuy Hoà, trong khuôn viên thánh đường rực rỡ uy nghi nầy, Đấng Cứu thế cũng lại đã giáng sinh. Ngài tiếp tục giáng sinh qua mầu nhiệm Phụng vụ được cử hành trang nghiêm sốt sắng; Ngài giáng sinh qua những cõi lòng trong trắng, đơn sơ của những em thiếu nhi không quản gió mưa mệt nhọc từng đêm tập múa cho đêm nay; Ngài giáng sinh trong từng đôi tay cần cù, chịu khó của những anh chị em trong các chuyên ban mục vụ, cố gắng miệt mài lo sao cho đại lễ Giáng Sinh được long trọng, hoành tráng và có sức thuyết phục cho tất cả những ai cùng hội tụ nơi đây để chung chia niềm vui của đêm thánh. Ngài giáng sinh tận sâu thẳm cõi lòng của biết bao nhiêu anh chị em đã hơn một lần sống kiếp con hoang lạc loài xa cách mái ấm của nhà Cha để hôm nay trở về làm lại cuộc đời trong ăn năn sám hối…
          Và từ đêm nay, chúng ta phải cùng nói được với nhau rằng: “Chúng ta đã thấy Chúa”, “Chúa đang ở cùng chúng ta”. Chúng ta phải là những chứng nhân thật sự của mầu nhiệm “Emmanuel”… Sống mầu nhiệm “Emmanuel” cũng có nghĩa là từ nay người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong gương mặt của chồng để sắt son chung thủy, là con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, là bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để yêu thương và phục vụ, và tất cả chúng ta cùng nhìn thấy Đấng Emmanuel trên gương mặt ốm đói của những người nghèo, trong trái tim đầy khát vọng của những bạn trẻ, nơi tâm hồn khát khao tìm kiếm của các anh chị em chưa nhìn biết Chúa Kitô, trong ánh mắt khổ đau bất hạnh của bao nhiêu trẻ em bị bỏ rơi hắt hủi, nơi thân tàn ma dại của các bệnh nhân siđa… để yêu thương và phục vụ…"
          Dĩ nhiên, không gì thu hút được số lượng người đông đảo hơn cả là các đêm canh thức ca mừng Giáng Sinh vào đêm 24 và văn nghệ Giáng Sinh đêm 25, với sự góp mặt của các “nghệ sĩ quần chúng” không Công giáo. “Những cô giáo lương dân của trường mầm non Bích Du, dù chẳng hiểu gì về chữ “Maranatha”, nhưng họ đã đón Chúa đến khi cùng hát thuộc lòng lời ca của linh mục Thành Tâm: “Ngài ơi mau đến, Ngài đến mau đi. Trần gian trông ngóng Ngài đến viếng thăm ban ơn thứ tha vì đời tội lỗi. Từ trên cao đó, Ngài ơi có thấu, tiếng con van nài xin cho dương thế người biết thương nhau”.
           “Vâng, có thể nói họ đã đón nhận Chúa bằng chính những điệu múa tâm tình để cho đêm “Ca mừng Giáng Sinh” của giáo xứ Tuy Hòa thêm hân hoan sống động. Cũng thế, với chương trình “Canh thức ca mừng Giáng Sinh” của đêm 24, và sau đó là đêm văn nghệ đón Chúa Giáng Sinh của đêm 25 đã có sự góp mặt đặc biệt của rất nhiều thiếu nhi ngoại giáo. Tiết mục của các em đã chiếm lĩnh gần một nửa chương trình. Và sân khấu Giáng Sinh đã tưng bừng sôi nổi với vũ liên khúc Giáng Sinh của học sinh trường Nguyễn Huệ, đơn ca “Hang Bêlem” của học sinh trường Nguyễn Trãi, múa hiphop của giới trẻ thành phố…”
           “Trong khi đó, toàn thể khán giả như trẻ lại, hồn nhiên lại cùng với nét mặt đơn sơ và nụ cười hồn nhiên trong các vũ khúc “Cùng vui Noel” và “Đồng dao Noel” của các em mẫu giáo trường mầm non Khai Sáng và “Mừng Giáng Sinh” của trường mầm non Bích Du. Các em đã thực sự “đón Chúa” mặc dù chưa hiểu gì về Chúa. Các em đón Chúa ngay từ khi được cha mẹ vui vẻ đưa đón đi tập dợt cho đến lúc biểu diễn…. Bên cạnh đó còn có những sinh viên không Công giáo tìm đến nhà thờ với các bạn “có đạo”, góp chút công sức vào công việc trang trí cây Noel, hang đá “Lữ quán Bêlem” hay cùng nhau phục vụ căn-tin, một sáng kiến ý nghĩa của nhóm sinh viên Công giáo trong dịp Giáng Sinh nầy” (theo phuyencatholic.net).
           Có lẽ ngày lễ Giáng Sinh ngày càng trở nên một lễ hội để “đem đạo vào đời”. Chính vì thế mà hầu hết các giáo xứ trong giáo hạt Phú Yên đã có những hoạt động rất thiết thực để đem niềm vui Giáng Sinh đến cho hết mọi người không phân biệt lương giáo như ca mừng Giáng Sinh trước thánh lễ đêm, tặng quà cho trẻ em, thăm viếng và tặng quà cho người già neo đơn …, để Giáo Hội ngày càng trở nên một Giáo Hội “hiệp thông”.
           - Lễ Giáng Sinh tại giáo xứ Sông Cầu. Giáo xứ Sông Cầu xin chia sẻ một số hoạt động trong dịp đại lễ Giáng Sinh 2010:
·        Vào Chúa Nhật I mùa vọng, biếu tặng 100 quyển lịch công giáo của Giáo Phận Qui Nhơn kèm theo 100 bộ đĩa VCD thánh ca Giáng sinh đến các gia đình công giáo trong giáo xứ (mỗi bộ gồm 02 đĩa, trong đó có một đĩa là karaoke). Việc biếu tặng lịch công giáo nhằm khuyến khích các gia đình quan tâm đến lịch phụng vụ của Giáo Hội và học hỏi các lời giáo huấn mỗi tuần. Các đĩa thánh ca Giáng sinh với những bài hát được chọn lọc giúp cho giáo dân và lương dân khi nghe dễ tiếp cận với Tin Mừng và chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh. Riêng đĩa với hình thức karaoke sẽ giúp những ai thích hát karaoke thuận lợi trong việc tập và hát trong dịp Giáng Sinh. Ước mong tâm tình ca hát như thế sẽ làm rộn lên bầu khí giáng sinh nơi các gia đình và các họ đạo.
·        Khám bệnh và phát thuốc từ thiện: sau khi đã thống nhất với chính quyền địa phương thông qua hội chữ thập đỏ của thị xã Sông Cầu, ngày 16. 12. 2010, đoàn nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã đến khám bệnh và phát thuốc từ thiện tại giáo xứ Sông Cầu. Đoàn gồm 07 nữ tu do chị Cúc Hoa làm trưởng, phối hợp với các y tá địa phương khám bệnh và phát thuốc cho 500 người tại trạm y tế phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (vùng giáo họ Triều Sơn, Hảo Danh, và Hảo Nghĩa). Việc khám bệnh và phát thuốc từ thiện được bà con lương giáo rât hoan nghênh và mong muốn có những dịp như vậy được tiếp tục.
·        Những ngày gần đến lễ Giáng Sinh, Giáo xứ Sông Cầu đã gởi 100 suất quà bác ái đến những người già hoặc bệnh tật mà nghèo khổ không kể lương giáo (mỗi suất gồm gạo, mắm, đường... trị giá 200.000VND ). Việc làm đó như muốn chia sẻ tình yêu Giáng Sinh để xoa dịu nỗi khổ và đem lại niềm vui cho một số anh chị em đang gặp khó khăn.
·        Vào chính Đại lễ Giáng Sinh: tối 24.12, có tổ chức một giờ canh thức Giáng Sinh trước nhà thờ, tại đài Thánh Gia (từ 20g00 đến 21g15) và sau đó là Thánh Lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Thời tiết năm nay rất thuận lợi nên có nhiều người đến để mừng lễ và cùng hiệp thông với giờ canh thức. Như để kéo dài niềm vui Giáng Sinh, tối 25.12 năm nay, ngoài việc ông già Noel phát quà Giáng Sinh cho các em như các năm trước thì có kèm theo mục văn nghệ Giáng Sinh (từ 19g30 đến 21g00). Chủ lực trong giờ văn nghệ là anh chị em giáo dân, ngoài ra anh chị em lương dân đều có thể tham gia (đăng ký với chủ để Giáng Sinh, không cần phải là thánh ca). Đây là lần đầu tiên tổ chức theo phương thức này và thấy có nhiều phấn khởi. Hy vọng những việc nho nhỏ như thế sẽ giúp một số anh chị em lương dân thấy gần gũi hơn với đạo Công Giáo. Xin tạ ơn Chúa!

          - Lễ Bổn mạng và kỷ niệm 10 năm xây dựng Nhà thờ Suối Ré. Ngày 08.12.2010, Lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Giáo họ Suối Ré, thuộc Giáo xứ Đồng Tre, đã long trọng cử hành Lễ Bổn mạng và kỷ niệm 10 năm xây dựng Nhà thờ. Nhà thờ Suối Ré đã được Cha sở lúc đó là Cha Giuse Trương Đình Hiền (hiện là Cha xứ Tuy Hòa kiêm Hạt trưởng Phú Yên) xây dựng và khánh thành vào dịp Năm Thánh 2000. Nhà thờ Suối Ré có diện tích 200 m2, sức chứa khoảng 180 người, với một tháp cao 10 m. Nhà thờ không to lớn, nhưng đẹp và uy nghiêm, đủ đáp ứng nhu cầu hiện nay của một giáo họ nhỏ với 60 gia đình và gần 200 giáo dân.
           Biến cố kỷ niệm năm nay mang một dấu ấn đặc biệt:  Nhà thờ Suối Ré mừng kỷ niệm 10 năm giữa hai Năm Thánh: Năm Thánh 2000 của Giáo Hội hoàn vũ, và Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam. Vì thế, trong dịp này, Cha sở và bà con giáo dân bắt đầu một tiến trình tu sửa và hoàn thiện Nhà thờ và trong khuôn viên như: sơn lại Nhà thờ, qui hoạch khu vực, làm hang đá Đức Mẹ, đường đi…
          Vào lúc 09.00, Thánh lễ mừng kính Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được cử hành trọng thể do Cha sở Antôn Nguyễn Huy Điệp chủ tế, đồng tế có Cha phó G.B. Võ Tá Chân và Cha sở Đa Lộc Tôma Nguyễn Công Binh, cùng với quan khách và đông đảo bà con giáo dân.
           Sau Thánh lễ, đại diện các cấp chính quyền địa phương đã đến chúc mừng, rồi cùng với quí Cha, quan khách, đại diện các gia đình trong giáo họ tham dự bữa tiệc mừng thân mật.


Nhà thờ Suối Ré


Ø      TIN DÒNG MTG QUI NHƠN
- Mừng Năm Thánh các dòng tu cấp giáo hạt. Vào lúc 05g00 sáng ngày 03.12.2010 - lễ Thánh Phanxicô Xavie - Bổn mạng các xứ truyền giáo, tại Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi - Giám Mục Phó Giáo phận Qui Nhơn đã cử hành Thánh lễ đồng tế mừng Năm Thánh các Dòng Tu đang phục vụ trong Giáo phận thuộc cấp Giáo hạt. Trong Thánh lễ có 20 Linh mục đồng tế, đông đủ các dòng tu trong Giáo Hạt: các chủng sinh thuộc Chủng Viện Qui Nhơn; Ngôi Lời Giuse - Kim Châu; Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ - Qui Hòa; Phaolô Đà Nẵng- Qui Nhơn và Mến Thánh Giá Qui Nhơn cùng cộng đồng dân Chúa về tham dự.
Đầu Thánh Lễ, Đức Cha có lời cám ơn các dòng tu đã hiện diện trong Giáo phận đã cộng tác với hàng giáo sĩ, với giáo dân trong công cuộc rao loan Tin Mừng. Trong bài giảng lễ đầy xúc tích, Cha Gioan Võ Đình Đệ đã giúp mọi người cảm thấu giá trị cấp thiết của việc loan báo Tin Mừng qua gương sáng của Thánh Phanxicô Xaviê - một đại gia trí thức đã trở thành nhà truyền giáo. Vì Ngài đã cảm nghiệm được giá trị và tầm vóc của sứ vụ mà Thầy Chí Thánh kêu mời: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Thánh Phanxicô Xaviê đã kịp đáp trả với một tấm lòng thuận thảo và mặn mà mến yêu.
Khi được chỉ định sang Ấn Độ truyền giáo, Thánh Phanxicô Xaviê đã nghiệm trước những khó khăn, Ngài đã bộc bạch với một người bạn: “Tôi đã thấy rằng: phải chịu khổ nạn cho vinh danh Chúa Giêsu Kitô. Trước mặt tôi là những hoang đảo, những miền đất báo cho tôi biết trước cơn đói, cơn khát và cả đến cái chết dưới hàng ngàn hình thức. Tôi ao ước được chịu khổ hình hơn nữa”. Khi ngài muốn tới truyền giáo tại đảo Moore (Đông nam Ấn Độ), người ta đã ngăn cản không cho ngài đi, vì đây là một hòn đảo nổi tiếng nguy hiểm; ngài đã khẳng khái trả lời: “Thì tôi bơi tới vậy…tôi sẽ chịu khổ gấp ngàn lần để cứu lấy một linh hồn thôi!”. Ngày nay tại đảo Moore, có những cộng đoàn Kitô giáo phồn thịnh mà gốc gác đã được hình thành và lớn lên từ chính hạt giống Tin Mừng do thánh Phanxicô Xaviê đem đến. Như thế, Thánh Phanxicô Xaviê đã đạt tới chiều cao cũng như chiều sâu của sứ vụ truyền giáo. Bởi ngài đã biết trước, đã thấy trước mà dám đối diện với khó khăn, dám chấp nhận hiểm nguy, dám chấp nhận khổ cực trên bước đường truyền giáo, miễn sao được nhiều người nhận biết Đấng cứu độ.
Khi chọn cái bấp bênh trong sứ vụ truyền giáo: “chồn có hang, chim có tổ, Con Người không nơi tựa đầu”, thánh Phanxicô Xaviê đã muốn họa lại chính đời sống của Chúa Giêsu. Chọn cái bấp bênh ấy là chọn cách sống tín thác nơi Cha trên trời cách trọn hảo nhất, là chọn cho mình cái gia tài lớn lao nhất là Đức Kitô. Bởi chưng, không phải tự không mà người ta có được Đức Kitô đâu, người ta phải hy sinh chính mình để được có Ngài. Chọn cái bấp bênh ấy là ngộ ra và đón nhận cái hữu hạn, cái thất bại, cái yếu đuối của thân phận con người hầu để cho Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới làm cho mọi sự được thành công.
Thật vậy, không phải lời giảng dạy của các nhà truyền giáo cứu được thế gian, cho dầu lời rao giảng là cần thiết. Cũng không phải những hoành tráng hay những lời hùng biện chinh phục và cứu rỗi thế gian, nhưng chính là sự đau khổ âm thầm, là những hy sinh của những ai dám chấp nhận trở thành lễ vật hy sinh cùng với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh… Chỉ có con đường độc nhất vô nhị nầy mà tiền nhân chúng ta trối lại cho chúng ta đức tin hôm nay. Cụ thể như : Thánh Giám mục Stêphanô Thể, Thánh Anrê Kim Thông, Á thánh Anrê Phú Yên, Thánh Phanxicô Xaviê. Các ngài là những chứng nhân và mẫu gương lý tưởng trong đời sống truyền giáo cho mọi Kitô hữu, đặc biệt cho những ai đã chọn đời sống thánh hiến.
Đời sống thánh hiến là một cách sống góp phần kiến tạo sự thánh thiện của dân Chúa. Đó là nội dung số 11 của Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô của Bộ Tu sĩ và Hiệp Hội Tông Đồ được ban hành tại Rôma, ngày 19/5/2002. Cái cốt lõi của việc thực hiện nội dung nầy chính là làm cho Thiên Chúa hiện diện qua những chứng tá đời sống: Thiên Chúa ở giữa dân, Thiên Chúa yêu thương dân, Thiên Chúa yên ủi dân...
Trong lịch sử Hội Thánh cho thấy mối bận tâm hàng đầu của các vị sáng lập Dòng tu, từ xưa cho đến nay, là làm sao để Thiên Chúa trên hết và phục vụ Thiên Chúa cách không do dự, không so đo tính toán. Trong đời sống cá nhân, các Đấng sáng lập đã cảm nghiệm sâu xa sự cần thiết phải đặt Thiên Chúa vào chỗ nhất của đời sống mình, và cũng là tinh thần khởi hứng và chi phối các điều khoản của mọi Hiến pháp, mọi Hiến chương của các Dòng tu.
Tại giáo phận Qui Nhơn chúng ta, các Dòng Tu, các thừa sai ngoại quốc, lạ hoắc lạ huơ với phong tục Việt nam, ngôn ngữ Việt Nam, thổ nhưỡng Việt Nam, kẻ đến trước người đến sau chung lòng, hợp sức và hy sinh cả mạng sống cũng chỉ vì mục tiêu duy nhất ấy. Từ năm 1618, các thừa sai Dòng Tên: cha Buzomi, cha De Pina, Cha Borri, thầy Dias đã đến lập trung tâm truyền giáo tại Nước Mặn; Hội Truyền Giáo Balê (1665), Dòng Mến Thánh Giá được thành lập tại An Chỉ năm 1671; Dòng Phanxicô (những thập niên đầu thế kỷ 18); Dòng Thánh Phaolô (năm 1914); Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Năm 1932); Dòng Thánh Giuse, ngày nay là Dòng Ngôi Lời ( Năm 1932); Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn (1936); Dòng Đức Mẹ Đồng Công (1957); Dòng Chúa Cứu Thế (1963).
Thật vậy, trong khi của cải và danh vọng trần thế luôn nhan nhãn tràn ngập, quyến rủ, nhem thèm, thì Lời Chúa vẫn vang vọng: “Lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích chi ” (Mt 16,26).
Sau Thánh lễ, Đức Cha Phó cùng các linh mục, tu sĩ nam nữ tựu về hội trường dùng điểm tâm tự phục vụ trong bầu khí vui tươi, thân mật.
Để đánh dấu ngày hồng phúc của Giáo hạt, đêm ngày 02.12.2010, Cha Vincentê Nguyễn Đình Tâm - Trưởng ban Tu sĩ Giáo hạt Bình Định đã tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa các tu sĩ, chủng sinh đang phục vụ tại Giáo hạt. Hiện diện trong buổi giao lưu có Đức Cha Phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Cha Giuse Lê Kim Ánh - Hạt trưởng Hạt Bình Định, Cha Phêrô Lê Nho Phú - Trưởng ban Tu sĩ Giáo phận Qui Nhơn và một số Cha trong Hạt. Tham dự buổi giao lưu có các chủng sinh Chủng Viện Qui Nhơn, các Chị Em Cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Qui Hòa, Cộng đoàn Phaolô Qui Nhơn và Cộng đoàn Nhà Mẹ Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
Xen với các bài giới thiệu về việc phục vụ và truyền giáo của mỗi Cộng đoàn dòng tu còn có các tiết mục giúp vui làm cho bầu khí thêm sinh động và thân thiện.
Trong bài huấn từ, Đức Cha Phó nhắc lại một những mốc điểm lịch sử của Giáo phận Qui Nhơn, những năm tháng các dòng tu hiện diện và đang góp phần của mình vào cánh đồng truyền giáo bát ngát trong Giáo phận. Đồng thời cám ơn các cộng đoàn dòng tu đã nhiệt thành cộng tác. Ngài tiếp tục mời gọi mỗi cá nhân hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc rao loan Tin Mừng để ngày càng có nhiều người được nhận biết Chúa.
Buổi giao lưu kết thúc trong tình thân hữu, các dòng tu trong Giáo phận sát cánh bên nhau, cùng nhau thắp sáng lên ngọn nến tin Chúa, yêu Chúa để hiệp nhất với nhau xây dựng Giáo phận Qui Nhơn thân yêu ngày thăng tiến trong tình yêu liên kết anh em một nhà trong  Đức Kitô qua vũ điệu tập thể: "Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên, thắp sáng lên con tim nồng nàn…"

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

LỄ HIỂN LINH: NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA

Jean  Luc Muller
Église en fêtes, Tequi, 1990, tr. 51-59

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Trích “Bản Thông Tin” giáo phận Qui Nhơn, số tháng 12/2010


          Lễ Hiển Linh được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh, là một trong những lễ trọng lâu đời nhất trong niên lịch Kitô giáo. Được nhiều người biết đến với tên gọi là lễ Ba Vua, và do các truyền thống đi kèm, lễ này chủ yếu cử hành việc Đức Kitô Cứu Thế xuất hiện, tỏ mình cho thế gian, với tư cách là Thiên Chúa, Con Người và là Vua. Thật vậy, trong thế giới cổ đại, từ Hy Lạp Epiphanie cũng có nghĩa là sự can thiệp lạ lùng của thần thánh vì con người, sự xuất hiện đầy hân hoan của một lãnh chúa như khi lên ngôi hay lúc khải hoàn tiến vào thành. Trong Tân Ước, từ này được dùng để chỉ sự tỏ mình của Đức Kitô như là Con Thiên Chúa: “Ngài bày tỏ vinh quang của mình và các môn đệ tin vào Ngài” (Ga 2, 11)
          Nguồn gốc của ngày lễ
          Thời giáo hội sơ khai, chỉ có ngày lễ Phục Sinh là được cử hành hằng năm cách đặc biệt và mỗi ngày Chúa Nhật được xem như một ngày “tiểu phục sinh”. Vào thế kỷ thứ III và IV, tại Đông phương và Tây phương, xuất hiện các ngày lễ trọng mừng Đấng Cứu Thế đến giữa loài người. Trong khi ở Tây phương, lễ Giáng Sinh được cố định vào ngày 25 tháng Chạp, nhằm tiết Đông chí, để thay thế các cuộc lễ ngoại giáo mừng sự trở lại của Mặt trời và Ánh sáng, thì lễ Thiên Chúa Nhập Thể được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng tại Đông phương. Tại Ai Cập và Ả Rập, ngày này trùng hợp với một ngày lễ rất cổ xưa của người ngoại giáo tôn vinh thần Mặt Trời, tương tự với ngày Đông chí ở Roma.
          Như thế, lễ Hiển Linh có nguồn gốc là một ngày lễ cổ xưa của người Kitô giáo tương tự với ngày lễ Giáng Sinh, như các nghi lễ được cử hành tại Giêrusalem vào cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V đã chứng minh: vào buổi chiều ngày 5 tháng Giêng, vị giám mục cùng với hàng giáo sĩ và giáo dân đến Giêrusalem. Sau buổi cầu nguyện, người ta đi thành đoàn rước đến hang đá Giáng Sinh để công bố đoạn Tin Mừng về sự hạ sinh của Đức Kitô. Sau đó là cuộc canh thức dài kết thúc bằng một thánh lễ vào những giờ đầu tiên trong ngày với bài đọc Tin Mừng về các Đạo Sĩ đến thờ lạy Chúa. Rồi người ta vừa hát bài Benedictus vừa quay trở lại Giêrusalem để cử hành một thánh lễ trọng thể nữa tại Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh.
           Ngày lễ của ba phép lạ
           Từ Đông phương, lễ Hiển Linh lan sang Châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ IV và được nói đến lần đầu tiên tại xứ Gaule vào năm 361; ngược lại, Đông phương cũng đã chấp nhận ngày lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng Chạp. Đến cuối thế kỷ này, hầu hết các Giáo Hội đều cử hành hai ngày lễ trọng bổ túc cho nhau này.
Ý nghĩa của hai ngày lễ này đã có sự biến chuyển sau đó, cả ở Tây phương lẫn Đông phương.
·        Ban đầu, ở Tây phương, người ta có thói quen cử hành chung các biến cố hạ sinh của Đức Kitô vào ngày Giáng Sinh, biến cố các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa và cuộc tàn sát các Thánh Anh Hài. Nhưng khi Roma bắt đầu mừng lễ Hiển Linh thì hai biến cố cuối cùng này được tách rời ra khỏi ngày lễ 25 tháng Chạp để dành tôn kính các Đạo Sĩ là chủ đề chính cho ngày lễ trọng mới vào ngày 6 tháng Giêng. Như thế, lễ Hiển Linh trong phụng vụ Roma mang thông điệp chính là sự mạc khải của Đức Kitô cho mọi dân tộc được biểu tượng qua các Đạo Sĩ.
·        Còn đối với Giáo Hội Đông phương, lễ Hiển Linh đã trở thành đại lễ mừng thiên tính của Đức Kitô; mầu nhiệm Nhập Thể và sự thờ lạy của các Đạo Sĩ vì thế được cử hành vào ngày lễ Giáng Sinh. Thế rồi sau đó lễ Hiển Linh ngày càng được hiểu như là lễ Đức Kitô Chịu Phép Rửa (chịu ảnh hưởng của Ai Cập vì phụng vụ này đã sáp nhập biến cố này vào lễ ngày 6 tháng Giêng để nhấn mạnh đến thiên tính thật sự của Đức Kitô ngay từ khi sinh ra). Do đó mà ở Đông phương có tục lệ làm phép nước rửa tội, nước giếng rửa tội, các nguồn nước và sông suối vào dịp lễ Hiển Linh. Vào ngày này, nhiều đám đông kéo nhau đến bờ sông Giođan để dìm mình ba lần trong trong dòng sông theo như nghi thức rửa tội của Đông phương.
Phép lạ tại Cana là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa của Đức Kitô sau mạc khải tại sông Giođan. Trong phụng vụ Đông phương, lễ Hiển Linh đã trở thành ngày lễ của ba phép lạ mà dấu vết vẫn còn tìm thấy được trong bài điệp ca Magnificat của giờ kinh chiều: “Chúng con mừng kính ngày thánh này được điểm tô bằng ba phép lạ: hôm nay ngôi sao đã dẫn dường cho các Đạo sĩ đến hang đá; hôm nay nước đã biến thành rượu tại tiệc cưới; hôm nay tại sông Giođan, Đức Kitô đã muốn chịu phép rửa bởi Gioan để cứu chuộc chúng ta”. Thật vậy phụng vụ Roma cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào tuần bát nhật và phép lạ Cana vào ngày Chúa Nhật thứ hai sau đó.


            Các Đạo sĩ
            Nhưng các đạo sĩ đến kính viếng Vua dân Do Thái này chính xác là những ai? Tin Mừng chẳng nói gì ngoài việc họ đến từ phương Đông. Người ta thường cho rằng họ là các thành viên của một trong sáu giai cấp của xứ Ba Tư cổ xưa. Vừa là tư tế, nhà thiên văn và chiêm tinh, những người có học thức cao này không chỉ phục vụ cho tôn giáo mình mà họ biết rõ các nghi lễ và thực hành, nhưng họ cũng có kiến thức về khoa học rất rộng, nhất là thiên văn, chuyên giải thích các giấc mộng và những dấu hiệu thiên văn. Trong nhiều xứ sở, họ là cố vấn của triều đình.
          Đối với các Đạo sĩ này, sự xuất hiện trên trời một hiện tượng thiên văn bất thường (như sao chổi hay sự giao nhau của các hành tinh) là dấu hiệu của một biến cố lịch sử quan trọng như ngày sinh của một nhân vật hàng đầu. Thật vậy, ý tưởng rất phổ thông trong thế giới cổ đại là có một sự tương quan giữa con người và vị trí của những vì sao nào đó ở trên trời. Chính vì thế mà đối với người Ai cập, khi xuất hiện sao Thiên Lang (Sirius) là điềm báo trước lũ lụt mang lại phù sa của sông Nil, mặc dầu chẳng có liên quan nhân quả gì giữa hai hiện tượng này.
            “Vua dân Do Thái vừa sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài xuất hiện và chúng tôi đến để triều bái Ngài” (Mt 2, 2). Câu hỏi mà các Đạo sĩ đặt ra khi vừa đến Giêrusalem nằm trong bối cảnh thiên văn của phương Đông cổ đại, thế nhưng còn cần phải giải thích rằng các Đạo sĩ hướng thẳng đến xứ Palestine và xin gặp đích thân Vua dân Do Thái chính là bởi vì ngôi sao đưa đường cho những vị này được hiểu như là một dấu hiệu quá rõ ràng. Điều này giả định rằng những nhà thông thái đến gặp Đức Kitô đã biết rõ những lời tiên tri của Cựu Ước nối kết sự sinh hạ của Đấng Cứu Thế với một dấu hiệu của ánh sáng: “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp” (Ds 24, 17); “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9, 1). Nếu chính họ không theo tôn giáo của người do Thái thì ít ra họ cũng có quan hệ với môi trường Do Thái, có thể là những người Do Thái tản mác (Diaspora) ở xứ Babylone.
            Lưu ý rằng thánh sử Matthêu không nêu con số chính xác các Đạo sĩ, cũng không nói họ là vua. Trong các bức hoạ hay tranh ghép cổ thời, người ta vẽ hai, ba, bốn ông hay nhiều hơn thế nữa, các Kitô hữu ở phương Đông quen tính đến hơn chục ông. Con số ba theo truyền thống chắc chắn là do ba lễ vật dâng lên cho Chúa Kitô. Ta cũng có thể thấy sự lựa chọn con số này biểu trưng cho Ba Ngôi. Về việc trình bày các Đạo sĩ như là những vị vua, cưỡi trên lưng lạc đà, đầu đội vương miện, có cả đoàn tuỳ tùng đi theo, hình ảnh này là do ngôn sứ Isai đã loan báo rằng người ta sẽ thấy các vị vua lên đường đến thờ lạy Thiên Chúa thật tại Giêrusalem: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (…) Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha; tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Chúa” (Is 60, 1-6).
            Ngôi sao Bêlem
            Nhiều người cho câu chuyện các Đạo sĩ đi theo ánh sao chỉ là truyền thuyết. Như chúng ta đã nói ở trên, nếu ngôi sao không di chuyển bên trên các Đạo sĩ như một ngọn đèn chiếu, thì các hiện tượng thiên văn bất thường (sao chổi, ngôi sao mới, các hành tinh giao nhau) rất thường xảy ra vào thời Đức Kitô sinh hạ. Trước khi chê bai nội dung của Tin Mừng nhân danh điều được cho là khoa học, ta cần phải xem lại chính xác những gì mà khoa học đã nói, ở đây là khoa thiên văn.
            Nhờ vào máy tính, ngày nay người ta có thể tính toán vị trí các vì sao mãi cho đến tận thời xa xưa nhất, người ta thấy rằng vào năm 7 trước Chúa Giêsu Kitô giáng sinh có ba lần Thổ tinh (Saturne) và Mộc tinh (Jupiter) giao nhau. Quả thế, qua ba lần các ngày 29 tháng năm, 29 tháng Chín và 4 tháng Chạp, hai hành tinh này gặp nhau trên bầu trời Babylone. Người ta có thể dễ dàng mường tượng ra sự suy đoán của các Đạo sĩ, thêm vào đó là Mộc tinh được xem như “Ngôi sao của các vị Vua” được nhân hoá bằng vị thần chính của vùng Babylone là Marduk, còn Thổ tinh (saturne) rất được người Do Thái sùng bái, ngày Sabbat được lấy từ tên của ngôi sao này. Với tất cả những điều này, cùng với lời tiên tri của Balaam và Isai, con đường đã được vạch sẵn cho các đạo sĩ của chúng ta. Dựa vào những sự kiện trên, các nhà thiên văn đã đưa ra giả thuyết sau đây: sau khi đã chấm tử vi về vị vua sẽ sinh ra, các Đạo sĩ lên đường vào lần giao nhau thứ hai của Thổ tinh – Mộc tinh vào ngày 29 tháng Chín để rồi đến Giêrusalem vào cuối tháng Mười Một và đầu tháng Chạp.
          Ghi chú:
     Ở đây chúng ta không cố tìm lại ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô, đã được sử gia và các nhà chú giải tranh luận rất nhiều, mà chỉ chứng minh rằng không có lý do gì để nghi ngờ về sự kiện Ngôi sao Bêlem, một trong những dấu hiệu của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Có rất nhiều giả thiết về năm sinh của Đức Kitô, các năm -2 và  -1 có rất nhiều hiện tượng thiên văn. Dựa trên chứng từ của các Giáo phụ và niên biểu của Denys le Petit được cho là vẫn có giá trị, Hugues de Nanteuil cho rằng Chúa Giêsu chính xác sinh vào ngày 25 tháng Chạp năm -1. Theo Jean Aulagnier thì Denys le Petit đã nhầm đến bốn năm, Chúa Giêsu được sinh ra vào tháng Chạp năm -5.[1]
            Sứ điệp của lễ Hiển Linh
1.      Chúa Giêsu được mạc khải như là
Vua, Thiên Chúa và con người.
Lễ vật các đạo sĩ dâng cho Chúa Kitô đã mạc khải cách biểu trưng về ý nghĩa của ngày lễ Hiển Linh: “Được Ngôi sao đưa đường đến tận nhà Giacóp, đến với Đấng Emmanuel, qua lễ vật dâng tiến, họ muốn bày tỏ Đấng mà họ thờ lạy là ai: với mộc dược thì đó là Đấng phải chết và chịu mai táng vì nhân loại phải chết; với vàng thì đó là Vua mà triều đại của Ngài không bao giờ chấm dứt; với nhũ hương thì đó là Thiên Chúa được nhìn nhận ở xứ Giuđê đồng thời cũng là Đấng tỏ mình cho những ai không tìm thấy Ngài”.[2]  
            Tiến dâng vàng, các Đạo sĩ nhìn nhận vương quyền của Đức Kitô, hậu duệ cuối cùng của giòng dõi Đavít, như ngôn sứ Isai đã tiên báo: “Một chồi non sẽ trồi ra từ gốc Giesê, một mầm non sẽ mọc lên từ cội rễ ấy, Thánh Thần của Yavê sẽ ngự trên vị này …” (Is 11, 1-2). Họ đến quỳ gối trước vị vua mà quyền năng bao trùm vạn vật; không phải bằng quân đội và vinh quang cá nhân mà bằng tình yêu vô bờ qua việc phục vụ và tự hiến chính mình.
            Nếu vương quốc của Đức Kitô đạt đến độ toàn hảo như vậy chính bởi vì nó không thuộc về thế gian này, như Chúa Giêsu đã tuyên bố với Philatô trong cuộc thẩm vấn. Quyền lực mà Đức Giêsu Kitô có được là do Chúa Cha ban cho và đó là ý nghĩa của lễ dâng trầm hương vì sản vật này dành riêng cho Thiên Chúa trong các nghi lễ tại Đền Thờ. Như vậy các Đạo sĩ đã nhìn nhận thiên tính của Đức Kitô ngay từ khi hạ sinh, trước khi Ngài bày tỏ cho con người bằng các phép lạ.
            Hoàn toàn là Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng hoàn toàn là con người. Chính vì thế mà các Đạo sĩ đã tiến dâng lễ phẩm thứ ba là mộc dược, thứ hương liệu dùng để băng bó vết thương và tẩm liệm xác chết. Khi nhập thể, quả thật Con Thiên Chúa đã hoàn toàn thông phần vào kiếp con người, chia sẻ vận mệnh của mỗi người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, ngoại trừ tội lỗi, mà không cần sử dụng đến quyền năng Thiên Chúa, 
2.      Khám phá Thiên Chúa với trí óc và con tim.
Lên đường để nhận biết Đức Kitô là vị Vua thật, Thiên Chúa thật và là Con Người thật, đó là hành trình của các Đạo sĩ. Việc các Đạo sĩ đến Bêlem để thờ lạy Chúa Hài Nhi dạy chúng ta phải biết kiếm tìm Thiên Chúa bằng cả khối óc lẫn con tim. Như đã thấy, các Đạo sĩ là những người thông thái, học thức, được mọi người trong đất nước mình nhìn nhận khả năng. Chính nhờ kiến thức, tính toán mà họ có thể khám phá ra Ngôi Sao dẫn đưa họ đến tận hang đá. Nhưng một khi đặt chân đến Giêrusalem, những con người khoa học này không còn cậy dựa vào kiến thức của mình nữa: họ dò hỏi các luật sĩ và tiến sĩ Luật, các nhà chuyên môn về Kinh Thánh là chính Mạc Khải của Thiên Chúa. Cũng thế, kiến thức của chúng ta không đủ để giải thích tất cả: như các đạo sĩ, cần phải lắng nghe các ngôn sứ, cả thời xưa lẫn thời nay, để nhờ họ mà có thể nhận biết khuôn mặt thật của Thiên Chúa và tình yêu Ngài mang đến cho mọi loài thụ tạo. 
 



[1] Hugues de Nanteuil, Sur les dates de naissance et de mort de Jésus.
Jean Aulagnier, Le premier siècle chrétien
[2] Irénée de Lyon, Adversus Haereses III, 9, 3

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

THƠ

CỦA CHÚA, CỦA CON

 

 

Lê Quang Hận (Quảng Ngãi)
Nội san "Hoa Biển", số 1
Câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo ĐỒNG XANH THƠ QUI NHƠN



Ngài cho con tự do lựa chọn
Con tham lam giành hết sáu ngày
Với mỗi tuần, Ngài một ngày thôi nhé!
Con đã phân, Chúa nhật thuộc về Ngài.
                    ***
Rồi có lúc, con giành luôn ngày Chúa
Ngài lặng buồn,
                       con chẳng được gì hơn,
Con nhận ra bảy ngày là của Chúa
         Và của con
                 cũng trọn bảy ngày.




CHIẾC BÓNG BAY


Chiếc bóng bay
Không hơi,
Im lìm,
Nằm  trong góc tủ
Là mảnh cao su phủ tạm lớp sơn màu.

Một ngày kia
Nhận vào mình chút khí nhẹ tênh
Là rỗng tuếch
Là bấp bênh
Huyền ảo
Huyễn hoặc mình bay lên cao ngạo
Biết ra sao khi xước nhẹ nhành gai?


GẶP CHÚA


Vào Thánh đường, con mong gặp Chúa
Nhìn bàn thờ, chỉ tượng gỗ thôi!
Chắc thân hèn chất chồng tội lỗi
Không gặp được Ngài quá đỗi cao sang?

Buồn rười rượi lê chân ra ngõ
Gã ăn xin ngồi đó tự bao giờ
Tay run rẩy, mắt nhìn cầu khẩn
Rùng mình nhìn qua :
                          Chúa đây rồi!